WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Từ Vegas đến Zion

Trong kì nghỉ hè vừa qua, chúng tôi đi leo núi đá đỏ ở miền nam bang Utah cùng với mấy gia đình bạn từ Quận Cam.

Las Vegas. Ảnh: ebtravelsofnc.com

Lên đường từ San Francisco. Vào trong lòng phi cơ của hãng Virgin America tôi tưởng như mình đã lọt vào sòng bài hay những quán bia rượu ở Las Vegas qua ánh đèn hồng và tím nổi lên dọc lườn máy bay.

“Welcome to the Lost Wages City” – Chào bạn đến thành phố nướng lương – như tên gọi đùa vui mà trước đây tôi đã nghe một cô tiếp viên phi hành của Southwest Airlines đặt cho cái thành phố nổi tiếng nhất nước Mỹ về cờ bạc, rượu chè và trai gái này khi máy bay vừa đáp. Du khách đến đây không nướng hết tiền lương của mình thì ít ra cũng đóng tiền điện cho Vegas luôn rực sáng về đêm.

Ba gia đình chọn nơi đây là điểm hẹn gặp nhau, qua một đêm, rồi ngày hôm sau gặp thêm ba gia đình nữa từ Quận Cam để cùng lên đường đi đến công viên quốc gia Zion. Lần sau cùng tôi đến Vegas vào mùa hè bốn năm trước, cũng với một số gia đình bạn cũ, có người từ Boston, người từ Canada qua California chơi. Dạo đó, chúng tôi tụ họp ở Quận Cam trước khi lên đường đến thủ đô bài bạc. Thành phố tội lỗi này khá hấp dẫn dân California, đặc biệt là cư dân miền Nam California vì chỉ cách hơn 4 giờ lái xe. Một số người Việt ở Little Saigon đã sạt nghiệp vì cái thành phố đỏ đen này.

*

Sau hơn một giờ bay, khi cao độ giảm dần thì Las Vegas Strip hiện ra với những khách sạn cao tầng nối liền nhau. Hai khách sạn gần đường băng dễ nhận ra nhất là kim tự tháp mầu đen và khu phố New York với tượng Nữ thần Tự do. Đã du lịch qua nhiều nơi trên thế giới, ngoài Hồng Kông khi phi trường Kai Tak còn nằm trong đất liền, không nơi nào sân bay nằm gần trung tâm thành phố như Las Vegas.

Không chỉ mời gọi du khách Mỹ, Las Vegas còn hấp dẫn khách du lịch từ các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật hay Việt Nam. Ở sân bay McCarran những thông tin đều được đọc bằng hai thứ tiếng Anh và Nhật. Mấy năm trước tôi gặp một đoàn du lịch từ Việt Nam, mỗi người trả khoảng 4 nghìn đô-la để tham quan nước Mỹ mười ngày, từ những trung tâm giải trí ở Disneyland, Hollywood qua đến sòng bài Vegas. Một người nói với tôi rằng họ không thể tưởng tượng được giữa vùng sa mạc mà người Mỹ đã có thể đem nhiều nét văn hoá thế giới về đây. Nào là văn minh Ai Cập, Pháp, Ý, Anh, Mỹ xen vào nhau trên một quãng đường chừng hơn hai cây số.

Về đến khách sạn Mandalay Bay là bọn trẻ con rủ nhau nhảy xuống hồ bơi. Trong cái nóng trên 100 độ F của đất cát sa mạc, được ở bên cạnh nước là điều hạnh phúc và tươi mát nhất. Tôi và bạn nằm ghế bố hóng mát, bàn luận với nhau và có thắc mắc về cái tên của khu du lịch giải trí này. Nếu Paris là biểu tượng cho văn hoá Pháp, Luxor cho Ai Cập, Bellagio hay Venetian cho Ý thì Mandalay Bay tiêu biểu cho văn hoá Miến Điện. Nhưng sao không có khu du lịch nào ở đây là biểu trưng của văn hoá Trung Hoa, là một nền văn hoá cổ và có nhiều tỉ dân ở khắp nơi trên thế giới có liên hệ, trong khi Miến Điện là một nước nhỏ lại có văn hoá phô trương ở đây. Chúng tôi suy đoán có thể là tổ hợp xây dựng Mandalay Bay là của Anh và Miến Điện là cựu thuộc điạ Anh nên những nhà đầu tư muốn chọn nền văn hoá này để giới thiệu với du khách.

*

Nghỉ một đêm ở Vegas, thử hên xui nhưng chẳng qua được thời vận. So với lần trước, nhiều sòng xì-dách với tiền đặt một cửa khá cao, ít nhất cũng 15 hay 25 đô-la trở lên. Bây giờ kiếm sòng 5 hay 10 đô không thấy. Ngược lại, có nhiều máy kéo có thể chơi 1 xu. Đây là trò đen đỏ dụ khị khách đánh bài vì dù có thể đánh một xu, nhưng nếu chơi hết các đường trúng thì một lần kéo có thể mất đến hai hay ba đô-la. Tôi đi xem thiên hạ đánh bài nhiều hơn là nhập sòng.

Hôm sau chúng tôi đi Zion. Hẹn ăn trưa và gặp nhóm bạn đến từ Quận Cam ở phố Tầu Las Vegas, trước khi cùng nhau lên đường.

Lấy xa lộ 15 về hướng bắc, xuống đường Spring Mountain, đi về hướng đông sẽ đến khách sạn Wynn, hướng tây là phố Tầu, chạy dài chừng hơn cây số. So với bốn năm trước phố Tầu ở đây đã phát triển nhanh. Hàng trăm cửa hàng có nét hoa văn Á đông nhưng không là những kiến trúc mỹ thuật. Nhiều cơ sở thương mại như được chụp lên đầu những mái ngói cong trông mất cân xứng và không hoà điệu với kiến trúc hộp của những khu phố. Ở đây có siêu thị 99, Thuận Phát, rải rác có hàng quán Việt, đa số là phở như quán Hùng, Little Saigon, Saigon 8. Cũng có quán Thái.

Phở Saigon 8 làm ăn phát tài. Khoảng hơn 11 giờ trưa mà trong quán đông kín, hơn 120 khách, trong đó có đoàn du lịch của chúng tôi gồm 26 người. Bốn năm trước tôi đã ăn phở ở đây và thấy rất ngon, giá cả nhẹ nhàng. Tám đô-la một tô phở thơm phức hương vị quê hương Việt Nam. Các bạn từ Quận Cam đi chơi Vegas thường hơn, có thử qua mấy quán khác cũng đồng ý rằng đây là tiệm phở ngon nhất ở Vegas. Ăn trưa xong chúng tôi vào tiệm 99 mua ít đồ ăn vặt trước khi trực chỉ Zion.

Hành trình dài 160 dặm mất gần ba giờ đồng hồ, xuyên qua bang Arizona là thấy núi mầu xám, trước khi vào miền nam Utah với đá đỏ sừng sững hiện lên trên nền trời sau khi rẽ vào quốc lộ 9 chừng một lúc.

Năm ngoái chúng tôi đã cùng nhau leo núi Palomar ở San Diego, dựng lều cắm trại, nấu nướng, nghỉ đêm ngoài trời. Năm nay không ở lều, chúng tôi thuê khách sạn để được thoải mái hơn sau những chuyến leo núi mỗi ngày. Nơi nghỉ là thành phố Springdale, rất gần cửa tây của Công viên Quốc gia Zion.

Là vùng núi, nhiệt độ mùa hè cực nóng nên hồ bơi là thứ không thể thiếu. Vừa đến nơi đám trẻ đã nhảy xuống nước nô đùa với nhau.

Tối đầu tiên chúng tôi ăn ở Fresh Mex quen thuộc như bên California, bán thức ăn Mễ. Nachos và salsa ăn thoải mái, cay xé miệng. Uống bia cho có hương vị, còn để dành tối về lai rai trò chuyện với nhau. Hàng quán ở thành phố nhỏ này đều nằm dọc theo quốc lộ 9 và hầu hết là những món ăn Mỹ thường ngày như burger, pizza, spaghetti. Có một tiệm ăn Thái-Tầu-Việt mà khi xem qua tờ thực đơn, có phở và bánh xèo chung với các món Thái, Tầu nên chúng tôi e ngại phẩm chất không đích thực hương vị Việt nên không đến đó.

Ăn tối xong, về lại khách sạn. Khu khách sạn cũng có bãi đậu dành cho khách đi du lịch bằng xe RV với đầy đủ phòng ngủ, bếp nấu trong đó và cả chỗ dựng lều trại cho những ai muốn ngủ ngoài trời. Ngoài sân cỏ có những bàn gỗ để khách tổ chức pic-nic. Chúng tôi kéo bàn kê dưới tàn cây bên chân núi, ngồi uống bia, nhâm nhi với lạc rang, với khô mực, cá khoai là sản phẩm quê nhà. Nhìn lên trời khuya lốm đốm những sao mà khi ở thành phố không được thấy vì nhiễu ánh sáng đèn điện. Chừng 11 giờ đêm, trời nổi gió lộng khiến cây reo xào xạc, đã thế chúng tôi lại thích kể chuyện ma cho nhau nghe.

Sáng hôm sau có buổi leo núi đầu tiên. Đường leo là Emerald Pools, cả ba hồ cao thấp, dài hơn 5 cây số đi về và độ cao thay đổi 61 mét. Trong đoàn, đám trẻ có tuổi từ 7 đến 17, còn người lớn nhất là ngoài 50. Chúng tôi lo những đứa nhỏ không biết có đi hết đoạn đường cheo leo, gập ghềnh có khi hẹp chỉ bằng hơn hai thân người hay không. Nhưng đám trẻ con hăng hái thi đua lên đến đỉnh sau hơn hai giờ trèo núi, leo đèo. Còn người lớn xem bộ yếu hơn và mệt bở hơi tai.

Lên đến đỉnh ngồi nghỉ một lúc rồi đem thức ăn, nước uống trong ba-lô ra ăn trưa. Bánh mì vuông kẹp dăm-bông, có rau sà-lách, dưa chuột non muối. Ăn xong, nghỉ ngơi, nô đùa, chụp ảnh rồi xuống núi.

Nhìn những vách đá đỏ thẳng đứng tôi nghiệm ra được sức mạnh của thiên nhiên. Trên đường vào công viên, xe buýt chở khách du lịch có phát thanh giới thiệu lịch sử của Zion. Hai trăm triệu năm trước nơi đây là sa mạc, rồi đã có một niên đại biến thành sông. Với nước chảy, với nắng gió soi mòn Zion ngày nay là những vách đá sừng sững giữa trời và sông Virgin ngày xưa với sức xoáy mòn đá nay là một giòng sông cạn, chỗ sâu nhất chỉ tới ngực, êm đềm chảy ngang công viên cho du khách lội ngược giòng theo những vách núi để cảm nhận được sự hùng vĩ và có cảm giác tươi mát giữa vách đá cheo leo. Ngày cuối cùng ở Zion chúng tôi đã lội ngược khúc sông này. Con đường sông đi về dài 15 cây số, độ cao chênh lệch 102 mét, khá xa nên có người chỉ đi một khúc vài trăm mét, có người đi nửa đoạn đường, không ai tới được Narrows, vì nếu hoàn tất hành trình phải lội sông hơn 5 giờ. Narrows là nơi con sông chảy giữa hai núi đá khổng lồ nhưng rất hẹp, cách nhau chừng một mét. Tuy chỉ lội một đoạn nhưng đi theo sông thì mát, không nóng như leo núi.

Mấy hôm ở Zion chúng tôi leo núi nhiều nơi, ngày đầu lên Emerald Pools là cao và mệt nhất, những ngày sau theo những con đường mòn ngắn và thoai thoải hơn.

Có một đường mòn đi trên đỉnh vách núi gọi là Angel Landing. Đường leo này cam go nhất trong Zion. Chúng tôi không leo vì có nhiều trẻ nhỏ. Theo hướng dẫn, những ai sợ chiều cao không nên đi vì đường mòn nhỏ trên đỉnh, ngó xuống hai bên là những vách núi thẳng đứng, sâu thăm thẳm. Khi xe buýt đi ngang chỗ này, du khách nhìn lên có thể thấy người leo núi nhỏ như những ngón tay đang đi bộ bên trên.

Chúng tôi dành một ngày đi chơi Công viên Quốc gia Bryce cách Zion chừng 80 dặm hay hơn hai giờ xe.

Bryce ở trên cao 8 nghìn bộ, gần 3 nghìn mét, và có cấu trúc thiên thạch khác với Zion. Zion là đá cứng, bóng còn Bryce là đá mềm, sần sùi. Tôi đoán là đá vôi. Về hình dạng, Zion có những vách núi đá thẳng đứng với những vết cắt sắc, gọn như nhát dao rựa chém cây, trong khi đá ở Bryce tạo thành những hình thù như cột điêu khắc giữa không gian, gọi là Hoodoo.

Đến khu Sunset và Sunrise của Bryce, nhìn xuống thung lũng mầu cam mà tưởng như đang ngắm nhìn những cổ thành La Mã bao la. Điều khác biệt là thành La Mã do con người xây dựng lên, còn Hoodoo là do thiên nhiên tạo thành.

Một số người trong đoàn chúng tôi quyết định đi bộ một vòng Navajo Loop. Đường xuống dài 7 phần 10 dặm, chừng hơn cây số và độ cao giảm 167 mét. Đi xuống rất thoải mái, như vào trong hang với gió lùa mát, không thấy mệt. Vừa đi xuống vừa nhìn ngắm hang động chung quanh, vừa ngẩng đầu ngó lên những hình thù kì lạ của đá, với mầu cam in giữa nền trời xanh, thỉnh thoảng có đám mây trắng vắt ngang, nắng phản chiếu trên đá tạo một mầu rực rỡ là một bức tranh thiên nhiên đẹp tuyệt vời.

Đi lên mới là vấn đề. Quãng đường dài 6 phần 10 dặm, chừng một cây số là con dốc cao 167 mét. Khi xuống hồ hởi, giờ lên phải chậm lại, nghỉ nhiều chỗ. Khi đã thấy người nhà đứng chờ trên đỉnh mà con đường mòn zíc-zắc đi hoài vẫn chưa lên đến nơi vì đôi chân cứ như kéo lại, không còn nhiều sức leo lên. Cuối cùng cũng ra khỏi đáy vực.

Ban ngày leo núi mệt, tối về chúng tôi uống bia, lai rai nhậu giữa núi rừng. Nhắc lại kỉ niệm cũ, nhớ về thày cô thuở còn đi học: Cù An Hưng, Đinh Đức Mậu, Nguyễn Trọng Văn. Chúng tôi kể chuyện vui, đàn ca vang cả núi đồi. Tình ca cũng có, đồng ca cũng có. Tự nhiên như thời còn trẻ, ca hát giữa lều trại có những du khách mạo hiểm hơn chúng tôi, đến từ những xứ xa xôi vì nghe họ nói tiếng Pháp, tiếng Slavic, tiếng Đức.

Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về
Gọi hồn liễu rũ lê thê, gọi bờ cát trắng đê mê…

Ta như nước dâng dâng chẳng có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang…

Gặp anh hippie trẻ mặc áo rách đứng bên nhà thờ
Trông đẹp tựa hình Chúa hiền mơ
Cũng vì hoà bình đã về đây…

Một bạn nổi hứng làm thơ theo thể Bút Tre:

Chưa đi chưa biết Zion
Đi rồi mới biết Zion vĩ hùng
Điểm tâm, quốc bộ, leo đồi
Cảnh thì đẹp thật, quen người vui hơn

Chưa đi chưa biết Bry-ce
Đi rồi mới biết Bry-ce li kì
Bry-ce đi dễ khó dzià
Không phải gái dụ mà dzì hiểm nguy

Hiểm nguy anh bạn nhắc đến là khúc đường ở phiá đông của Zion, trên đường đi Bryce. Đoạn đường quanh co leo đèo. Nhiều chỗ phải dừng lại để chờ có đến 15 phút cho xe phiá ngược chiều chạy trước vì chỉ có một đường đi. Xe qua hầm xuyên núi, tối om. Ánh sáng lọt vào qua 5 khuôn cửa sổ đục rải bên hông đường hầm. Đi 10 dặm mất gần cả tiếng đồng hồ.

Mười giờ tối. Chúng tôi điều chỉnh âm thanh cho vừa đủ nghe. Để rồi chốc lát sau nghe gió núi lồng lộng thổi tạo vẻ hoang vu, ma quái giữa núi đồi.

*

Về lại Las Vegas bằng con đường khác lúc đi, gần đến thị trấn Hurricane có một ngọn núi trông rất hấp dẫn

Sau bốn đêm ở Zion, chúng tôi trở lại kinh thành ánh sáng Las Vegas. Trên đường, đi theo xa lộ 89 về hướng nam gần đến thị trấn Kanab có một hang động cũ của người da đỏ nay là bảo tàng viện, nơi đây ngày xưa thổ dân dùng làm nhà để sống, làm kho lưu giữ thực phẩm. Bên ngoài dù nắng nóng, vào trong hang như một hầm lớn và mát dịu. Người tù trưởng đã qua đời cách đây hơn chục năm, ông để lại di sản với nhiều tượng khắc trên gỗ, những hòn đá bên ngoài trông sần sùi những cắt ra là ngọc ở trong. Gia tài của ông còn có bộ tiền giấy từ nhiều nơi trên thế giới, trong đó có mấy đồng tiền thời Việt Nam Cộng hoà với hình Ngân hàng Quốc gia và một đồng tiền có hình Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong suốt chuyến đi Zion và Bryce chúng tôi chỉ gặp được một gia đình Việt Nam gồm 3 người cùng đứng ngắm những núi đá với đường khắc như bàn cờ. Mấy tối trong khách sạn ở Springdale tôi có xem niên giám điện thoại, tìm tên họ Việt nhưng không có ai sống ở thành phố núi với vài nghìn dân này.

Đường về Vegas, chúng tôi đi qua nhiều khu Indian Reservation – là vùng đất được bảo tồn dành riêng cho người da đỏ – giữa những sa mạc và núi mênh mông. Gọi điện thoại cầm tay cho nhau nhưng không có sóng. Như thế tôi mới hiểu được sự khôn ngoan của thổ dân ở đây. Sống cách nhau mấy chục cây số và trong quá khứ họ chỉ biết liên lạc bằng ánh lửa hay tiếng tù và. Nay dù có văn minh, nhưng kĩ thuật liên lạc vẫn chưa có ở đây.

Đến Las Vegas chúng tôi lại rủ nhau đi ăn một bữa phở nữa ở Saigon 8. Ngoài phở ngon, cơm tấm, cơm bò lúc lắc cũng ngon. Gặp ông chủ, hỏi chuyện và được biết nhà hàng mở cửa được 9 năm và hiện nay có hai tiệm Saigon 8 ở Vegas, không phải 8 tiệm phở Saigon như tôi nghĩ. Ông giải thích Saigon là quê mẹ và số 8 là ngôi thứ của ba ông trong một gia đình đông con.

Trước khi chia tay, chúng tôi còn ăn trưa ở một nhà hàng Thái, cũng ở phố Tầu. Nhà hàng này trông sang hơn các cửa tiệm Việt ở đây, có sân khấu trình diễn nhạc sống. Giá còn rẻ, 7 đô-la một bữa trưa, nước chè Thái một đô một li. Theo khẩu vị của tôi thì món ăn ở đây lai Tầu nhiều.

Đêm trước khi rời Vegas, bà xã xuống kéo máy thử thời vận còn tôi thả bộ từ Luxor đến New York xem có gì lạ. Đứng trên cầu bắc ngang đại lộ Las Vegas từ Excalibur sang MGM, nhìn Nữ thần Tự do toả sáng tôi nhớ đến câu nói của bà: “Hãy trao cho tôi sự mệt mỏi, sự nghèo khó của bạn…” khi chào đón những người tị nạn, những di dân tứ xứ đến Hoa Kỳ lập nghiệp.

Nhiều người như chúng tôi và các giống dân khác đã làm nên lịch sử đất nước này. Ngày nay sau khi đã an cư lạc nghiệp, có dịp đi chơi Vegas thì không thua ít cũng thua nhiều. Nữ thần Tự do đã chào đón đám người tị nạn ngày vừa đặt chân đến Mỹ với cả tấm lòng bác ái, nay đang nhìn chúng tôi giữa phố xá bài bạc và câu nói cũ vẫn còn ứng dụng cho những ai đến sòng bài mà trở thành nghèo khó như ngày đầu mới đến Mỹ. Hay có thể câu nói của Nữ thần Tự do nay đang đứng giữa Vegas là những lời mời gọi ghé sòng bài cho vui: “Hãy trao cho tôi sự mệt mỏi và những đồng đô-la trong túi của bạn.”.

Chia tay, chúng tôi hẹn gặp nhau hè sang năm. Chắc chắn là không lên non nữa. Mà sẽ xuống biển.

Blog Bùi Văn Phú

Phản hồi