Tại sao 2/9, tại sao 3/9?
Về cái đề tài “Cách mạng mùa thu” này tớ đã viết quá nhiều những “sự thật còn nhớ được”… Vậy mà trước câu hỏi này của cặp vợ chồng giáo viên (một cặp friends hâm mộ) nhân dịp đến thăm tớ và yêu cầu tớ nhớ gì nói nấy để có thêm tư liệu tham khảo vì ngày nay, dạy lịch sử cho lớp trẻ, có những câu hỏi được đặt ra thì giáo viên đành… tảng lờ, không biết! Ví dụ: “Tại sao không lấy ngày 19/8 làm ngày quốc khánh mà lại phải chờ đến nửa tháng sau mới tuyên bố độc lập?” hay “Tại sao bác Hồ uy tín là thế mà khi tuyên bố độc lập lại chẳng có nước ma nào chịu công nhận? Phải đến khi ông Mao thắng lợi ở bên Tàu, “cân lên đặt xuống” cùng nước Nga, mãi đến năm 1950, các đồng chí Tầu mới công nhận nước Việt nam Dân Chủ Cộng Hoà, mở màn cho những nước khác làm theo?” Hoặc là “Tàu Tưởng với hơn 50 vạn quân thay mặt đồng minh vào tiếp quản sự đầu hàng của Nhật với bọn Pháp; thuộc chính quyền Pétain (lúc đó, bị Nhật giam giữ ở khắp nơi ) có xảy ra xung đột hoặc cấu kết gì với nhau không?”… Và hàng loạt những câu hỏi của cặp vợ chồng nhà giáo trẻ này làm tớ ngớ người ra. Ừ nhỉ! Thời gian đã làm cho những nhân chứng sống như tớ còn quên béng đi nữa huống hồ là lớp trẻ sau này (kể cả những nhà viết sử trẻ) làm sao mà lấp đầy những “lỗ hổng lịch sử” được?
Và tớ, như có một ngọn đuốc thắp sáng lại cái đầu đã trở nên lẫn cẫn. Tớ nhớ lại:
1. Đúng là sau cái ngày 19/8 tưng bừng đó, bọn tớ như bắt được của quý. Chẳng anh nào còn nghĩ đến việc bút nghiên, bừng bừng khí thế đi “làm cách mạng”. Tớ còn nhớ: hồi đó khi về Thái Bình (nơi bố mẹ tớ làm công chức cho chính phủ Trần Trọng Kim) tớ được 2 thằng bạn giới thiệu vào Tự vệ chiến đấu. Tiểu đội tớ hiện nay chết trận, chết bệnh, chết… oan gần hết, may ra còn sống đến giờ thì sót lại nghe đâu có tướng Hoàng Kim, tức Phó Triệu Tường. Mỗi ngày chúng tớ đều được tập trung huấn luyện tại một trụ sở lấy được của nhà một ông thẩm phán tên Thu nghe đâu “Quốc dân Đảng cỡ bự”, đã bị thủ tiêu ngay những ngày đầu 19/8 như ông Phạm Quỳnh. Ngày ngày chúng tớ đều được một “đồng chí” người Nhật (tên Việt là Tâm) chạy sang hàng ngũ cách mạng, dẫn đầu chạy đều qua vườn hoa Barry, lên quá Sở canh nông để đến một vùng đất trống, hướng dẫn cho các động tác lăn, lê, bò toài, tháo lắp súng đạn, chiến đấu giáp lá cà… Anh chàng “Tâm nhật” này nghe đâu về sau, khi Nhật cuốn gói về nước, có ở lại với ta ít năm nhưng chẳng biết về sau số phận ra sao thì tớ cũng chẳng có tin tức gì nữa. Buổi chiều thì được lên lớp chính trị. Người lên lớp chẳng phải ai xa lạ lại chính là Nguyễn Tài Khoái, con trai nhà văn Nguyễn Công Hoan, anh thứ trưởng bộ công an Nguyễn Tài bị thất sủng sau này. Chúng tớ được nghe thấy những từ “không phải Việt Nam” lần đầu tiên trong đời như: “Phản đế”, “phản phong”, “vô sản”, “tư bản”, “tiểu tư sản”,”mâu thuẫn”, “giai cấp”… Còn một vị lí luận gia nữa chuyên về lí luận Mác xít tên Văn Trọng, con chủ hiệu nước mắm Đức Thịnh, đường Jules Piquet thì thao thao bất tuyệt những “phép biện chứng”, “duy vật”, “duy tâm”, ”mâu thuẫn”, “giai cấp đấu tranh”, “chủ nghĩa cộng sản”, “cách mạng tháng 10 vĩ đại”… Bọn tớ nghe đều phục lăn sát đất vì thấy ông này đúng là một nhà lí luận có trí thức vì cứ thấy ông ta, tay cầm một cuốn sách tiếng Pháp mà lại dạy thành tiếng Việt được. Nào ngờ, chính cái ông Trọng này khi kháng chiến bùng nổ, ông ta lại… ở lại Hà Nội (!)và sau đó di cư vô nam làm đến thượng nghị sĩ gì đó của chính quyền Ngô Đình Diệm!
2. Cũng chính trong những ngày này mà cánh tớ được phổ biến vì sao mà sau 19/8 lại có một “khoảng lặng không êm ả” chút nào… Chính đây là thời kì “mặc cả chính trị”, “thanh toán chính trị”, “vu cáo chính trị” dữ dội nhất để có được một chính phủ lâm thời.
Bao nhiêu mạng người, bao nhi êu tên tuổi bị vu cáo, bêu xấu trong lịch sử, những sự à uôm, hiểu cách nào cũng được về 2 chữ “yêu nước”, “phản động” lúc này chẳng còn biết đâu mà lần. Tớ có 2 người bạn một tên Hy, một tên Đáng, cùng lớp, cùng tự vệ chiến đấu, cùng đã từng hô “Việt Nam độc lập muôn năm, Hồ chủ tịch muôn năm!” đến khản cổ. Vậy mà, sau một buổi đi tập về bỗng thấy trước cửa trụ sở có một chiếc xe Citroen đen xì , trên xe có 2 đồng chí “Trung ương về” chờ sẵn và… “mời đồng chí Hy lên xe có lệnh”! Hy ta chưa kịp hỏi đã bị tước khẩu súng giả, ấn vào xe. Và từ đó… chẳng bao giờ thấy đồng chí Hy có mặt trên đời nữa. Mãi về sau mới biết đồng chí Hy là con của một đồng chí trùm Quốc dân đảng đóng tại đường Ôn Như Hầu! Riêng đồng chí Đáng thì “ù té” sau khi có lệnh nhập Tự vệ chiến đấu vào Tiểu Đoàn Vệ Quốc Quân Thái Bình của ông Nam Voi để về sau, vô Nam thành giáo sư kiêm kinh doanh, 2 vợ ở cái nhà to đùng đường Bùi Viện mà tớ và vài người “cách mạng đến cùng”, vì “tình xưa nghiã cũ”, đến thăm, anh cũng tránh mặt, không tiếp.
Thời gian này tớ cũng được nghe từ miệng đồng chí Tài Khoái (do thân tình giữa 2 gia đình và biết tớ học cùng lớp với em Khoái là Tài Hồng-tức nhà văn Lê Minh sau này), “phổ biến riêng” cho tớ là: “Cụ Hồ đang phải đương đầu một lúc với hàng chục kẻ thù… Ai sẽ nắm chính quyền bây giờ đây? Bọn Quốc dân đảng đang dựa vào đoàn quân Lư Hán có thể nhảy ra lập chính quyền. Còn phía “Ta”, cụ Hồ đã thuyết phục cho được mấy anh Đồng, anh Giáp, anh Trường Chinh là: “Dựa vào ai để thành lập chính phủ cho quốc tế chịu công nhận? Các chú thì còn quá trẻ. Uy tín hoạt động chính trị trên thế giới chưa có. Cho nên phải mời bằng được những người có tên tuổi như: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh, kể cả Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam… ra lập chính phủ. May ra thế giới mới có thể”. Thế là xảy ra một cuộc thương lượng kéo dài và căng thẳng với đầy đủ các đòn phép ngoại giao mà sau này kẻ thì gọi là thắng lợi của Việt Minh là “nhờ cụ Hồ giỏi đoàn kết toàn dân”, kẻ thì bảo cụ Hồ phải đúc cả người vàng (?) để dâng cho Lư Hán để Lư Hán ép Nguyễn Hải Thần chấp nhận làm Phó cho chủ tịch Hồ… trong một chính phủ liên hiệp độc lập lâm thời để kịp thời ra mắt vào ngày 1/9/45 kẻo để Hội Quốc Liên dính vào thì bên nào cũng sẽ mất cả chì lẫn chài. Tuy nhiên cũng theo như những gì tớ được phổ biến thì vì “trục trặc kĩ thuật” nên đến phút cuối cùng lại lùi lại một ngày nên ngày độc lập trở thành ngày… mùng 2/9! Không như Cuba sau này, khi cướp chính quyền, Fidel Castro thương lượng thành công với Liên Sô, với Blass Roca tổng bí thư đảng cộng sản Cuba nên được đứng ra làm thủ tướng kiêm luôn tổng bí thư đảng cộng sản (mà chính Castro chưa bao giờ là đảng viên đảng cộng sản!?) Vậy là, Castro đã chọn luôn ngày Tết Tây mùng 1/1 làm ngày quốc khánh cho nó gọn, tiện và… đỡ tốn kém sau này. Đâu có phải như các ngày Cát- tó- duy- dê (14/7/1789), ngày phá ngục Bastille của Pháp được lấy ngay làm ngày Quốc Khánh…
Cho nên, cái ngày quốc khánh hay Ngày độc lập của nước ta nó ra đời vào cái ngày chẳng đánh dấu cái gì. Chẳng lẽ lại kỷ niệm ngày đưa cả lũ “phản động” vào… bẫy “Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết”, Thành công, thành công, đại thành công!”
Chuyện nước ta nó chẳng giống ai là thế đó!
Tất cả những mẩu chuyện có thật này, nhớ đến đâu tớ kể đến đấy chẳng biết có bổ sung cho nhận thức của cặp vợ chồng giáo viên sử này không? Ai còn sống bổ sung cho tớ tài liệu để lớp hậu sinh khỏi thắc mắc!
2) Ngày mùng 3/9 năm nay không còn là ngày giỗ cụ Hồ nữa. Lí do thì chẳng cần ai giải thích vì… “vì sao thì ai cũng hiểu vì sao!”
a) Đơn giản nhất là: Trung ương không muốn làm mất phấn khởi toàn dân vì cái chết của cụ Hồ lại rơi trúng vào cái ngày vui độc lập này! Báo chậm đi một ngày thì lợi trăm bề hơn là hại. Vả lại, cụ Hồ cả cuộc đời hy sinh cho cách mạng đã bao lần phải thay họ đổi tên, thay cả năm sinh tháng đẻ… thì giỗ có chậm một ngày chắc cụ cũng chẳng trách cứ gì! Vừa có lý vừa có tình quá đi chứ lị!
b) Sau một thời gian dài “đổi mới tư duy”, các cấp lãnh đạo mới thời nay chắc đã nhận thấy cần phải bạch hoá cái chuyện chẳng nên “bí mật” đã bị bật mí này làm gì! Thế là 2/9 và 3/9 cũng như 19/8 đều tổ chức gọn nhẹ vào làm một! Sự “đổi mới”này, suy cho cùng cũng có nhiều cái lợi. Trước hết là kéo dài thời gian tuyên truyền (suốt từ 19/8 đến 3/9) để toàn dân giỗ cụ bằng cách “nhớ ơn Người đã lãnh đạo toàn dân đứng lên xây dựng nên một nhà nước độc lập đầu tiên”, “nêu gương sáng cho toàn thế giới bị đô hộ, áp bức đứng lên giành lại chính quyền trong tay thực dân, đế quốc!” Còn họ dành chính quyền bằng cách nào, độc lập thật sự hay “giả hiệu” thì … có lẽ lịch sử đã trả lời nên ai cũng đã biết. Khỏi phải giải thích…
Bởi dzậy, năm nay không có lễ mùng 3/9. Riêng những tin đồn từ những “kẻ xấu” và những “lực lượng thù địch” tung ra: Cụ Hồ tự ý chọn ngày mùng 2/9 để chết bằng cách rút hết các ống thở, ống ăn ra trong lúc hai cháu y tá “sơ ý vắng mặt” để nhằm mục đích gì thì…. ôi thôi! tớ cũng chịu, chẳng dám giải đáp! Tớ chỉ dám nghĩ trong bụng: Đời nào ông cụ lại “chơi khăm” toàn dân như thế? Hoặc có khi “ông cụ muốn cái chết của mình không nên làm dân chúng vì buồn mà mất vui chăng?
3) Để khỏi hẫng hụt, ngày 19/8 đã không tổ chức gì rềnh rang, ngày mùng 2/9 lại chỉ có một ngày… xem chừng chưa đủ “đô” (dù khắp nơi đùng đoàng pháo hoa giống nhau y hệt) vẫn chưa đủ lượng thời gian để nhắc lại các công tích của Đảng, của Bác, nhất là cái thành tích vinh quang nhất là “Một nước nhỏ mà đánh thắng hai Đế Quốc to”… Là nước “đánh thắng giặc Mỹ, tiến thẳng vào hang ổ của bọn bù nhìn giải phóng miền nam, thống nhất đất nước”, “tiến thẳng vô Sài Gòn, húc đổ cánh cổng dinh lũy cuối cùng và bắt sống toàn bộ nội các Dương văn Minh” v v….v v…, năm nay người ta kéo dài theo ngày lễ lớn 2/9 bằng một ngày gọi là “Ngày âm nhạc Việt Nam 3/9″, một công cụ tuyên truyền, ngợi ca đắc lực, ồn ào, ngoan ngoãn và hiệu quả nhất. Tớ cũng bị “cật vấn” trên cương vị “nguyên nhạc sỹ” nên tớ phát biểu sự hiểu biết nông cạn của tớ như sau:
a) Chẳng phải chỉ có nước ta mới có “ngày âm nhạc” nhưng ngày âm nhạc của người ta là ngày toàn dân đều tự giác phấn khởi ra đường. Hát hò, ai có kèn, có trống, có đàn gì đều được mang ra đường phố để biểu dương trình độ văn hoá âm nhạc của nước mình. Tại nước Pháp, thời của bộ trưởng văn hoá Jacques Lang, ông luôn dẫn đầu đoàn diễu hành hát, hò, kèn , trống, đàn, địch… đi khắp phố rồi kết thúc ở nhà thờ Notre Dame bằng một cuộc hoà nhạc của dàn nhạc giao hưởng quốc gia với chính Jacques Lang ngồi biểu diễn một bản Concerto cho piano, tạo nên một không khí phấn khởi, tự hào cho nhân dân Pháp về trình độ văn hoá âm nhạc của mình.
b) Ở Việt Nam ta chọn ngày mùng 3/9 là ngày âm nhạc bỗng gợi nhớ cho tớ về những tác phẩm âm nhạc viết trong cái thời kì “cách mạng mùa thu” này. Đúng là ngày 19/8 đã nở rộ lên một phong trào âm nhạc yêu nước chưa từng thấy. “Mười chín tháng tám”, “Lá cờ tháng tám”, “Đời sống mới”, “Khoẻ vì nước”, “Tiếng kèn rạng đông”, “Việt Nam minh châu trời Đông”,… kể cả những bài ngợi ca cụ Hồ như “Hồ Chí Minh muôn năm”, “Dân nam ơi biết ơn cụ Hồ”, “Đuốc gươm thiêng vung cho nước nhà”. Đi đâu cũng thấy toàn dân chân 1, 2 đi đều bước, miệng hát những bài ca hoàn toàn chỉ có động viên lòng yêu nước không có một lời nào động tới một Đảng nào, một giai cấp nào… Tất cả chỉ là tiếp tục truyền thống của những bài hát gợi lên lòng yêu nước trước đó như “Đống Đa”, “Chi Lăng”, “Bạch Đằng”, “Tiếng gọi thanh niên” của Lưu Hữu Phước, hoặc của nhóm Đồng Vọng. Nhưng, sau ngày mồng 2 tháng 9/45 thì đố tìm thấy một bài hát nào ca ngợi độc lập tự do hạnh phúc hay có chữ mồng 2 tháng 9 trong nội dung, trừ bài “Nắng Ba Đình” của Bùi Công Kì do chính anh hát và thu đĩa. Nhưng bài hát này sau đó chẳng ai nhắc tới. Có nhiều lí do có thể phân tích nhưng cái lí do duy nhất để nó không thể phổ biến được là: Đang hát bỗng dưng dừng lại để hỏi một câu “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”cũng làm toàn dân không ai “dám” bắt chước rồi! Còn sau đó, khi nổ ra kháng chiến là mở đầu cho một giai đoạn âm nhac chiến đấu với kẻ thù, một loại âm nhac mà ai cũng có thể trở thành “nhạc sỹ” vì chỉ cần hô lên các khẩu hiệu có lên, có xuống, có chậm, có nhanh, là đủ tiêu chuẩn phục vụ công nông binh rồi. Còn một số tác giả của những bài hát tớ mới kể ở trên thì… đã “tịt ngòi” thậm chí sau này, ở lại Hà Nội, không tham gia kháng chiến hay vô Nam cũng mong sao đừng ai nhắc tới những tác phẩm yêu nước chung chung của mình nữa (Điển hình là hai nhạc sỹ Minh Tâm và Hùng Lân).
c) Có lẽ thiếu tác phẩm để kỉ niệm nên ngày âm nhạc mồng 3/9 của nước ta nó chả giống ai vì nó chẳng phải là một phong trào âm nhạc xuất phát từ quần chúng mà chỉ là các cuộc biểu diễn, trình bày những tác phẩm chống Mỹ, ca ngợi Đảng, ca ngợi chế độ, hô hào chiến tranh… cũ mèm hoặc mới sáng tác của các “nhạc sĩ đương chức đương quyền” được bao cấp để huy động hàng ngàn diễn viên ra khắp công viên đường phố biểu diễn không lấy tiền mà người nghe thì… có gan lì đến mấy cũng khó mà dự được từ đầu đến cuối! Tất cả chỉ diễn ra có hai, ba tiếng đồng hồ uỳnh uỳnh oàng oàng rồi… Hết!”
Ngày âm nhạc 3/9 diễn ra ngắn ngủi, cũ mèm và theo nhận xét của báo Tuổi trẻ là… “Nhạt!” Liệu sang năm Trên có chỉ đạo gì cho nó thêm chất mặn không? Hay là cho nhóm Đại-Lâm-Linh ra giữa quảng trường Ba-Đình biểu diễn “âm nhạc điên” ? Có thể cũng thu hút được khối thính giả.. khùng là cái chắc!
Tóm lại, hai vấn đề cũ và một vấn đề mới mà tớ giải đáp cho 2 vợ chồng friends của tớ xem ra cũng có phần nào thoả mãn được 50% những thắc mắc của 2 người mà tớ tạm gọi là những người có trí thức vì có nghĩ suy về tình hình đất nước . Tớ mong sẽ được nhiều người giúp tớ bổ sung thêm những tài liệu cụ thể hơn vì: trí nhớ của tớ bây giờ quả là kém đi rất nhiều rồi, thậm chí cái tên ông chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng tớ cũng quên gõ thành Lê Phú Trọng nữa là.
Blog Tô Hải