WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Cử Tri Việt ở Quận Cam bầu cho ai vào Tháng 11 này?

Vào tháng 11 sắp tới cử tri Việt tại địa hạt 47 thuộc quận Cam sẽ chứng kiến một cuộc tranh cử sôi nổi giữa LS Trần Thái Văn, Dân Biểu Tiểu Bang California, Ứng Cử Viên của Đảng Cộng Hòa và Bà Loretta Sanchez, đương kim Dân Biểu Liên Bang, ứng cử viên của Đảng Dân Chủ. Cuộc bầu cử tại quận Cam lần này được xem là một trong 7 cuộc bầu cử gây chú ý rất nhiều ở California và toàn quốc. (1)

Dân biểu Loretta Sanchez và ông Trần Thái Văn. Ảnh tác giả cung cấp

Cả Bà Loretta Sanchez và ông Trần Thái Văn đều thuộc gốc thiểu số. Bà Sanchez sanh vào năm 1960 tại Lynnwood, California. Cha mẹ của Bà Sanchez là người Mexico, di cư sang Hoa Kỳ. Ông Trần Thái Văn là người Việt tị nạn Cộng Sản. Cả gia đình được quân đội Mỹ di tản qua Hoa Kỳ vào năm 1975 khi ông mới có 10 tuổi.

Bài báo này sẽ so sánh tiểu sử, lập trường, thành tích, và vị thế cá nhân của hai ứng cử viên trong môi trường chính trị tại Hoa Kỳ hầu giúp cử tri có thêm dữ kiện để quyết định.  Tưởng cũng nên nhắc lại rằng hoạt động của mỗi ứng cử viên bao trùm nhiều lãnh vực khác nhau chứ không phải chỉ có vấn đề Việt Nam.  Đây chỉ là một phần trong chính sách đối ngoại.

Tiểu sử

Bà Loretta Sanchez, một cựu chuyên viên phân tách tài chánh, trở thành Dân Biểu Liên Bang thuộc đảng Dân Chủ từ 1997, lúc đó bà Sanchez mới có 36 tuổi, sau khi đánh bại ông Bob Dornan, đương kim Dân Biểu thuộc Đảng Cộng Hòa vào năm 1996 với số phiếu chênh lệch là 984.  Người ta khám phá ra trong số phiếu này đã có 624 phiếu không phải của công dân Hoa Kỳ khi ông Dornan yêu cầu điều tra. Trước đó đã có 124 phiếu khác bị loại.

Trước khi vào Quốc Hội Liên Bang, vào năm 1994, Bà Sanchez đã tranh cử vào Hội Đồng Thành Phố Anaheim dưới tên có chồng là Loretta Brixey, với danh nghĩa một ứng cử viên của Đảng Cộng Hòa, nhưng thất bại. Sau đó, từ một đảng viên Cộng Hòa phóng túng Bà đổi thành một đảng viên Dân Chủ ôn hòa dưới cái tên cha mẹ đặt cho là Loretta Sanchez.

Trong thời gian vừa qua, Bà Sanchez đã vài lần dự định ra tranh cử chức vụ Thống Đốc California.  Lần thứ nhất vào năm 2003, khi Thống Đốc Gray Davis bị cách chức, Bà tuyên bố có thể là một nhân vật thay thế nhưng cuối cùng lại rút lui.  Vào năm nay 2010, Bà có một toan tính tương tự và đã gây quỹ được $3,200 nhưng sau cùng lại bỏ cuộc. Tin giờ chót cho hay Bà Sanchez đã nộp hồ sơ để gây quỹ cho cuộc chạy đua chức Thống Đốc California vào 2014 và chuyển số tiền này vào một một chương mục mới thành lập.  (2)

Là một dân biểu lâu năm, Bà Sanchez được bầu vào một số tiểu ban quan trọng của Hạ Viện như Committee on Armed Services, Committee on Homeland Security, và Joint Economic Committee.  (3)

Ông Trần Thái Văn hành nghề luật sư trước khi ông chính thức bước vào chính trường. Ông đắc cử vào chức vụ nghị viên của thành phố Garden Grove vào năm 2000.  Sau đó ông trở thành Phó Thị Trưởng của thành phố này.  LS Trần Thái Văn được bầu vào Quốc Hội Tiểu Bang California vào tháng 11, 2004.  Trái với Bà Sanchez trước khi được bầu vào Quốc Hội Liên Bang không có kinh nghiệm gì về chính quyền, ông Văn đã hoàn tất tối đa ba nhiệm kỳ của một dân biểu tiểu bang, tổng cộng là 6 năm, không kể thời gian ông phục vụ cho thành phố Garden Grove và làm phụ tá cho DB Bob Dornan và TNS tiểu bang Ed Royce, nay là dân biểu liên bang.  DB Văn chưa lần nào thất cử.

Trong thời gian là dân biểu tiểu bang trong Quốc Hội California, ông Trần Thái Văn phục vụ trong nhiều tiểu ban như Judiciairy Committee (Phó Chủ Tịch), Assembly Select Committee on International Trade (Chủ Tịch), và là thành viên của Select Committee on Community Colleges, Banking and Finance Committee và Governmental Organization Committee. Hiện nay DB Trần Thái Văn còn giữ chức vụ Phó Thủ Lãnh Cộng Hòa tại Quốc Hội California.

Lập trường

Là một thành viên của Đảng Cộng Hòa, DB Trần Thái Văn có một chủ trương mang tính cách bảo thủ. Ông chống lại việc phá thai bừa bãi, hôn nhân đồng tính, ủng hộ tự do kinh doanh, phát triển tiểu thương, giảm thuế, giới hạn sự can thiệp của chính quyền vào đời sống của người dân. An toàn công cộng là mỗi lưu tâm hàng đầu của DB Văn. Ông chống lại việc di dân bất hợp pháp và chủ trương phòng vệ biên giới để chống lại sự xâm nhập của quân khủng bố và buôn bán ma tuý.

Ông Phạm Xuân Quang, cựu ứng cử viên dân biểu liên bang, một cựu đối thủ của DB Trần Thái Văn nhận xét “Tôi vui mừng ủng hộ ông Trần Thái Văn trong cuộc tranh cử vào Quốc Hội. Ông Văn chú trọng vào việc tạo việc làm và cân bằng ngân sách. Ông chính là người chúng ta cần có ở trong Quốc Hội.” (4)

Bà Loretta Sanchez là một người có chủ trương phóng khoáng. Mặc dù là người theo đạo Công Giáo, Bà ủng hộ quyền phá thai vô điều kiện, hôn nhân đồng tính, và chống lại những biện pháp hạn chế di dân bất hợp pháp.  Xuất thân từ một gia đình lao động, được học bổng của nghiệp đoàn để theo học đại học, Bà Sanchez bênh vực phong trào nghiệp đoàn.

Bà Sanchez đôi khi có thái độ tương đối ôn hòa vì là một dân biểu Dân Chủ duy nhất trong quận Cam, mà đa số người dân coi trọng giá trị truyền thống.  Năm dân biểu khác đều là Cộng Hòa và là những người ủng hộ mạnh mẽ việc tranh cử vào Quốc Hội Liên Bang của DB Trần Thái Văn như Ed Royce, Gary Miller, Dana Rohrabacher, và John Campbell.  Trong thập niên vừa qua, địa hạt 47 đã bầu cho Tổng Thống George W. Bush và Thống Đốc Arnold Schwarzeneeger hai lần và ủng hộ Đạo Luật Bảo Vệ Hôn Nhân của California (California Marriage Protection Act – Proposition 8) vào năm 2008 với tỉ lệ 2/3. (5)

Lập trường truyền thống của DB Trần Thái Văn trái ngược với lập trường phóng khoáng của Bà Sanchez, nhưng thích hợp với giá trị đạo đức và phong tục cổ truyền của người Việt Nam.

Thành Tích

Trong thời gian làm Dân Biểu Tiểu Bang, ông Trần Thái Văn đã bỏ phiếu chống lại tất cả những ngân sách chi phí quá đáng của Thống Đốc Arnold Schwarzenegger.  Ông là tác giả của đạo luật Assembly Bill 38 nhằm cắt giảm lương bổng quá mức của những thành viên thuộc hội đồng cố vấn và các ban giám đốc bán thời gian của chính quyền tiểu bang.  Hành động này đã tiết kiệm cho ngân sách tiểu bang được $5 triệu mỗi năm.

Ngay khi mới nhậm chức dân biểu tại Sacremento, ông Trần Thái Văn đã thành công về việc thiết lập Đạo Luật Assembly Bill 199 (AB 199) để sửa đổi Đạo Luật về Ngân Sách của Tiểu Bang California (SB 86). Vì những cố gắng giảm nạn thất nghiệp và tạo việc làm, DB Văn đã đạt được điểm tối hảo 100% và trở thành một “Job Creator” của National Federation of Independent Business và California Small Business Association.  Tổ chức Howard Jarvis Taxpayer’s Association ủng hộ ông Văn trong cuộc chạy đua vào Quốc Hội Liên Bang vì lập trường giảm thuế và phát triển tự do kinh doanh của ông.

Vào tháng 6, 2010 vừa qua, DB Trần Thái Văn cùng với TNS Leland Yee đã đệ trình Dự Luật Chống Tệ Nạn Buôn Người tại California (SB 677). Dự luật này lên án và bài trừ hình thức nô lệ mới bằng cách nâng cao những hình phạt.  Sự cương quyết bài trừ nạn buôn bán người của DB Văn cũng đã thể hiện trước đây qua một số đạo luật khác mà ông là đồng tác giả hay ủng hộ như AB22 năm 2005 và AB 988 năm 2009. (6)

DB Trần Thái Văn đã hai lần tặng lại phần lương tăng cho các cơ quan từ thiện.  Ông Văn tham gia rất nhiều những sinh hoạt cộng đồng. Ông giữ chức Phó Chủ Tịch của địa hạt ‘El Capitan’ thuộc quận Cam của Hội Hướng Đạo Hoa Kỳ và là một thành viên vĩnh viễn của American Council of Young Political Leaders. Ông được tạp chí OC Metro công nhận là một trong 25 người “nóng hổi” nhất (hotest 25 people) của quận Cam vào năm 2004. Trong khi đó, tờ báo Orange County Register xem ông là “một người đáng theo rõi,” (a person to watch) vào năm 2001. (7)

Việc tranh cử vào Quốc Hội Liên Bang của DB Trần Thái Văn được một số nhân vật tên tuổi ủng hộ như TNS John McCain và cựu Chủ Tịch Hạ Viện Newt Gingrich.  Đặc biệt vào đầu tháng 8 vừa qua, tổ chức Tea Party Express (TPE) đã ủng hộ DB Trần Thái Văn vào Quốc Hội Liên Bang.  Bà Amy Kremer, Chủ Tịch TPE đã tuyên bố “Ông Trần Thái Văn trong 6 năm qua đã tranh đấu chống lại việc tăng thuế và ngân sách vô trách nhiệm của California. Nguyên tắc truyền thống và khả năng lãnh đạo mạnh mẽ của ông là những điều chúng tôi cần có trong Quốc Hội.” Ông Bryan Shroyer, Giám Dốc Chính Trị của TPE nói “Những người phóng túng như Bà Sanchez đem lại cho chúng ta ObamaCare, ngân sách thiếu hụt lớn, và chi tiêu không kiểm soát được.”   (8)

Tuy là một người theo đạo Công Giáo, nhưng với lập trường phóng túng, Bà Loretta Sanchez đã bỏ phiếu theo Đảng Dân Chủ 97.7% tại Quốc Hội Liên Bang 111.  Do đó người ta gọi Bà là một chính trị gia với cái vỏ Công Giáo (a Catholic-in-name-only politician).  Bà đã bỏ phiếu chống lại một số đạo luật phản ảnh những quan điểm Giáo Hội Công Giáo về việc phá thai và nghiên cứu về stem cell dưới đây. Bà Sanchez cũng không tán thành cả việc đòi hỏi con gái vị thành niên phải báo cho cha mẹ trước khi phá thai:

1) Stem Cell Research Enhancement Act – passage (110th),
2) Marriage Amendment Act (109th),
3) Child interstate Abortion Notification (109th),
4.) Abortion in military medical facilities (109th),
5.) Coercive abortion / United Nations Population Fund (109th),
6.) Unborn Child Pain Awareness Act: passage (109th),
7.) Partial-Birth Abortion: passage (108th), và
8.) Unborn Victims of Violence Act (108th).

Sau một thời gian lưỡng lự lâu dài, Bà Sanchez sau cùng đã quyết định ủng hộ Kế Hoạch Y Tế của Tổng Thống Obama bao gồm Đạo Luật H.R. 3590 – Patient Protection and Affordable Care Act và H.R. 4872 – Health Care and Education Reconciliation Act of 2010. Trong khi đó tất cả dân biểu và nghị sĩ của Đảng Cộng Hòa đều bỏ phiếu chống vì chi phí cho Kế Hoạch Y Tế sẽ rất cao. Nó đòi hỏi phải tăng thuế và sẽ làm ngân sách quốc gia thiếu hụt thêm vì bao cấp.   Ngoài ra Đảng Cộng Hòa chống lại các đạo luật này vì tính cách cưỡng bách giảm lệ phí bảo hiểm, những điều khoản cho phép sử dụng ngân quỹ quốc gia để bao cấp việc phá thai, và việc thành lập một cơ quan mới của chính phủ gọi là Health Insurance Rate Authority để ấn định lệ phí bảo hiểm, một hình thức kiểm soát giá cả của chính phủ trái với nguyên tắc kinh tế thị trường.

Hiện nay một số tiểu bang đang thử thách tính cách hợp hiến của hai Đạo Luật Y Tế 2010, đặc biệt là điều khoản bắt buộc mọi cá nhân phải mua bảo hiểm y tế. Đó là những tiểu bang như Virginia, South Carolina, Nebraska, Texas, Utah, Louisiana, Alabama, Michigan, Colorado, Pennsylvania, Washington, Idaho và South Dakota.(9)

Đạo Luật Y Tế 2010 đã không đạt được mục tiêu mong muốn và không phải là một đạo luật lý tưởng như DB Loretta Sanchez tuyên bố vì không có hiệu qủa về mặt chi phí. Nó sẽ làm ngân sách quốc gia thâm thủng thêm trong khi muốn gia tăng phẩm chất của dịch vụ y tế và giảm số người không có bảo hiểm.(10)

Kể từ ngày bước chân vào Quốc Hội Liên Bang vào năm 1997 đến nay, DB Loretta  Sanchez đã bảo trợ 66 dự luật do Bà soạn thảo, nhưng chỉ có một dự luật được thông qua thành luật. Ngoài ra Bà Sanchez còn đồng bảo trợ một số dự luật và nghị quyết khác.(11)

Xuất thân từ một gia đình lao động gốc Mễ Tây Cơ, DB Sanchez được sự ủng hộ của công nhân và cộng đồng Hispanic.  Từ ngày trở thành dân biểu liên bang, trong 6 lần tái tranh cử vừa qua, Bà Sanchez chưa bao giờ gập một đối thủ đáng kể. Nhưng trong cuộc tranh tài năm nay, Bà sẽ gặp DB Trần Thái Văn, một đối thủ đáng làm cho Bà lo ngại, một người có nền tảng giáo dục vững chắc về chính trị, quản lý, và luật  và kinh nghiệm chính trường đầy đủ.

Dân Biểu Ed Royce tuyên bố như sau khi ông ủng hộ DB Văn tranh cử vào Quốc Hội Liên Bang: “Dân Biểu Trần Thái Văn là ứng cử viên lý tưởng cho Ðịa Hạt 47. Chúng tôi phải đợi 13 năm để có một ứng cử viên đầy khả năng như ông Văn. Tôi biết Văn từ khi còn là sinh viên Ðại Học UC Irvine. Tôi có thể nói rằng ông là người chịu khó làm việc, có tài lãnh đạo, thu hút quần chúng, luôn đem tâm trí phục vụ cư dân trong quận Cam. Dân Biểu Văn hiểu biết nhu cầu của Ðịa Hạt 47 hơn ai hết. Ông là người toàn hảo để lấy lại ghế Dân Biểu Liên Bang của bà Loretta Sanchez. Dân Biểu Tiểu Bang Văn có sự tín nhiệm và ủng hộ của tôi.” (12)

Yếu tố Việt Nam

Như đã nói ở trên, Việt Nam không phải là lãnh vực duy nhất trong cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ vào tháng 11 sắp tới, nhưng nó là một đề tài quan trọng đối với cộng đồng tị nạn Việt Nam.

DB Loretta Sanchez thu hút được cảm tình của người Việt vì lập trường chống CSVN của Bà. Đã hai lần Bà về Việt Nam (1999 và 2000) và bị chính quyền Hà Nội ngăn cản không cho Bà gặp những nhà Dân Chủ và những lãnh đạo tôn giáo độc lập ở trong nước.  Trong khoảng thời gian 2004-2006, Bà Sanchez đã bị Hà Nội liên tục khước từ cấp chiếu khán bốn lần. Trong tháng 7 vừa qua, Bà Sanchez được mời đi theo phái đoàn của Ngoại Trưởng Clinton tham dự hội nghị ASEAN tại Hà Nội, nhưng một lần nữa CSVN không cấp chiếu khán cho Bà. Về mặt ngoại giao Bà Sanchez là người bênh vực nhân quyền. Cũng vì tình trạng chính trị và nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam mà DB Sanchez đã không tán thành Hiệp Định Thương Mại Việt Mỹ.

Tuy nhiên cử tri Việt Nam không hài lòng với DB Sanchez về một số vấn đề thực tế. Thứ nhất là hiệu quả của sự tranh đấu cho nhân quyền. Mặc dầu những việc làm của Bà gây chú ý như việc Bà bị công an Việt Nam ngăn cản không cho gặp những người vợ của những nhà Dân Chủ đang bị giam giữ, nhưng Bà đã không đạt được những kết quả cụ thể.  Hiệp Định Thương Mại Song Phương Việt Mỹ vẫn được ký kết, Việt Nam không bị trở lại danh sách những quốc gia cần lưu tâm về vi phạm tự do tôn giáo (Country of Particular Concern – CPC), dự luật Nhân Quyền Cho Việt Nam không được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua trong gần một thập niên vừa qua, CSVN tiếp tục giam cầm những người tranh đấu ôn hòa cho nhân quyền, dân, tự do, dân chủ. CSVN vẫn tiếp tục đàn áp tôn giáo như vụ Cồn Dầu và Thái Hà mới đây. Trước đó là những vụ đàn áp Đồng Chiêm, Làng Mai – Lâm Đồng, chùa Linh Phổ, Tam Tòa, Bát Nhã, và bao nhiêu biến cố khác nữa.

Là một dân biểu cấp liên bang, rất thân cận với đương kim Bộ Trưởng Ngoại Giao Hilary Clinton, và thuộc đảng đang cầm quyền, Bà Sanchez ở vị thế mạnh để ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại, nhưng dường như Bà không làm gì được hơn ngoài những lời tuyên bố lên án CSVN trong các thông cáo báo chí, hay các nghị quyết chỉ có tính cách khuyến cáo.

Thứ hai là việc Bà thăm viếng thiện chí và thu thập dữ kiện ở Cuba hai lần vào 2002 và 2003. Trong thời gian ở Havana, Bà Sanchez đã gặp những nhân vật cao cấp trong chính quyền kể cả ông Ramon Castro, anh trai của nhà độc tài Fidel Castro và đương kim Tổng Thống Cuba Raul Castro.(13)

Khi vụ Trần Trường xẩy ra tại Quận Cam nằm trong địa hạt của DB Loretta Sanchez vào năm 1999, Bà đã không lên tiếng, không can thiệp, không giúp đỡ đám đông biểu tình chống lại việc treo cờ đỏ và hình ông Hồ Chí Minh để khiêu khích những người tị nạn Cộng Sản, có lúc lên đến 15,000 người.  Trái lại, American Civil Liberties Union (ACLU), một trong những tổ chức thân thiện với Bà Sanchez, đã lên tiếng bênh vực quyền tự do bầy tỏ quan điểm của ông Trần Trường.(14)

Trong khi đó ông Trần Thái Văn và các luật sư trẻ như Nguyễn Quốc Lân, Nguyễn Quang Trung, Charlie Mạnh, và Trần Kinh Luân đã cố vấn về pháp luật cho đoàn biểu tình và làm trung gian với cảnh sát trong suốt thời gian 50 ngày.  Cuối cùng biến cố này đã được giải quyết an toàn bằng pháp luật: Ông Trần Trường kinh doanh bất hợp pháp bằng cách sao chép băng, bán và cho thuê băng giả. Chủ nhân bị bắt và cơ sở thương mại của ông Trần Trường bị đóng cửa(15).

Tuy chỉ ở cấp tiểu bang, nhưng DB Trần Thái Văn đã làm được rất nhiều việc cụ thể khác. Khi là nghị viên tại Thành Phố Garden Grove, ông Trần Thái Văn có sáng kiến vận động thành công Hội đồng Thành Phố công nhận Cờ Vàng ba sọc đỏ là biểu tượng chính thức của Cộng đồng Việt Nam và đưa ra nghị quyết “No Communists Zone” (vùng Cấm Cộng Sản) để giữ an ninh trật tự tại quận Cam, tránh những xáo trộn và tốn kém khi có những cuộc thăm viếng của phái đoàn CSVN.  Ông cũng đã vận động để Thống Đốc California Arnold Schzarnegger ký Sắc Lệnh 14-16 vinh danh Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ vào ngày 05-08-2006. Hiện nay đã có 11 tiểu bang, 7 Quận hạt và hơn 100 thành phố Hoa Kỳ vinh danh Cờ Vàng của cộng đồng tị nạn.

Vào cuối năm 2005, DB Trần Thái Văn đã đích thân bay sang Thái Lan hai lần để vận động trả tự do cho Chiến sĩ Lý Tống. Tại Thái Lan ông Văn đã tuyên bố rằng “Chúng tôi nhìn vấn đề của ông Lý Tống dưới nhãn quan nhân đạo. Ông Tống đã bị tù gần 6 năm vì vi phạm luật lệ Thái Lan và sắp mãn án.  Với tư cách là vị dân cử chúng tôi sẽ không để cho bất cứ công dân Hoa Kỳ nào bị trục xuất về đệ tam quốc gia vì lý do chính trị, nhất là Việt nam, một nước không có hệ thống pháp lý độc lập và thường thiếu công bằng với những người khác biệt chính kiến trong nước.” Kết quả là Ông Lý Tống đã được trả tự do và về đến Hoa Kỳ vào ngày 7-4-2007.

DB Trần Thái Văn cũng đã đích thân can thiệp cho Mục Sư Nguyễn Công Chính ở Pleiku được ra khỏi lao tù. Hiện nay DB Văn tài trợ cho chương trình  phát thanh Vận Hội Mới để  đưa tiếng nói  và tin tức, tình hình ở trong nước bằng tiếng Việt của  một số vị lãnh đạo tình thần và tranh đấu cho nhân quyền khác tại Việt-Nam đến cộng đồng Việt ở hải ngoại.

Luật Sư Văn là thành viên của hội Legal Assistance For Vietnamese Asylum Seekers (LAVAS), một tổ chức trợ giúp pháp lý cho thuyền nhân đã vận động chính phủ Hoa Kỳ, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, cũng như gửi thiện nguyện viên đến các trại tị nạn Đông Nam Á để trợ giúp pháp lý cho hàng chục ngàn thuyền nhân Việt được định cư tại  Hoa Kỳ và nhiều quốc gia Tây phương.

Nhờ sự vận động đắc lực và hiệu quả của DB Biểu Văn, một buổi điều trần đặc biệt về vấn đề mua bán sách báo giữa Việt-Nam và Hoa Kỳ đã được tổ chức vào 2006 tại văn phòng Hạ Viện do DB Ed Royce chủ tọa với sự hiện diện của phái đoàn thuộc Văn Phòng Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ (Office of the U.S. Trade Representative trực thuộc Tòa Bạch Ốc) và phái đoàn của cộng đồng Việt-Nam.

Nhờ vậy, sau nhiều tuần lễ thương thuyết gay go Văn Phòng Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ đã buộc Chính Phủ Hà Nội nhượng bộ và đồng ý cho nhập cảng vào Việt Nam một số sách báo vào những ngày cuối cùng trong cuộc thương lượng để Việt-Nam được gia nhập WTO. Việc này có tầm ảnh hưởng rất lớn về mặt thương mại cũng như về mặt văn hóa.

DB Trần Thái Văn đã hợp tác với Ủy Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt-Nam để vận động Ủy Ban Quy Chế Ưu Đãi Thuế Quan Phổ Cập Hoa Kỳ  (Generalized System of Preferences) cứu xét công bằng và nghiêm chỉnh đơn xin gia nhập vào chương trình GSP của Việt-Nam vào tháng 10, 2008.

Kết quả là Ủy Ban Quy Chế Ưu Đãi Thuế Quan Phổ Cập Hoa Kỳ không chấp nhận yêu cầu của Hà Nội và đã khuyến cáo Việt Nam cần phải sửa đổi luật Lao Động cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế như quyền lập nghiệp đoàn độc lập, quyền được đình công, và quyền được thương lượng tập thể (collective bargaining).

Trong thời gian qua, DB Trần Thái Văn nhiều lần lên tiếng bênh vực chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó, Bà Sanchez xem ra hoàn toàn xa lạ và giữ yên lặng về vấn đề sôi bỏng này. Ông Văn theo rõi sát tất cả những vấn đề về Việt Nam vì ông là một người tị nạn CSVN và có nhiều người Việt hợp tác với ông.

Ngoài ra, DB Trần Thái Văn còn thực hiện một số việc có lợi ích thiết thực cho cộng đồng người Việt tại California như Đạo Luật AB 2214 về bánh chưng, thành lập Little Saigon, một trung tâm thương mại sầm uất của cộng đồng Việt và trở thành thủ đô tinh thần của người Việt tỵ nạn Cộng Sản tại hải ngoại.

Ông Trần Thái Văn hỗ trợ những dự luật bảo vệ đời sống như luật Jessica, luật Megan, luật Three Strikes, luật giam giữ tội phạm trong nhà giam để bảo vệ các cư dân tại Quận Cam. Là  một phó thủ lãnh Khối Dân Biểu Cộng Hòa tại Hạ Viện, Luật Sư Văn đã đứng đầu cuộc đấu tranh chống lại một đề nghị nguy hiểm, gọi là “Luật Tự Do Tạm”. Theo đề nghị sai lầm này, những tội phạm đã từng bị kết án trọng tội sẽ không còn bị giám sát bởi các nhân viên công lực sau khi họ được trả tự do.

Tai tiếng.

Sau 10 năm bước vào lãnh vực chính trị, phục vụ công ích, DB Trần Thái Văn chứng tỏ là một người liêm chính. Không có một đồn đãi xấu xa nào về ông. Là một Hướng Đạo Sinh, ông Văn coi trọng danh dự và mang trong máu tinh thần phục vụ xã hội. Trái lại, sau 14 năm làm dân biểu liên bang, Bà Sanchez, một người phóng túng, đã trở thành một đề tài cho những bài phê bình nghiêm trọng.

Thí dụ một vụ nhỏ như sử dụng $143,903 từ quỹ tranh cử để in và gửi thiệp Giáng Sinh cho cử trị thấy một gia đình êm ấm vào tháng 12, 2003, nhưng thực sự Bà và chồng tên là Stephen Brixey đã chính thức sống ly thân từ hai tháng trước.  Vào tháng 1, 2004 ông Brixey đã nạp đơn xin ly dị với Bà Sanchez.

Một vụ tai tiếng lớn hơn liên quan đến việc DB Loretta Sanchez liên hệ với cựu sĩ quan Bộ Binh Hoa Kỳ đã có gia đình có tên là John P. Einwechter từ đầu năm 2003. Vị sĩ quan này được chỉ định làm hộ tống viên cho Bà Sanchez trong những chuyến công du chính thức của vị dân biểu ở nước ngoài.  Gia đình ông Einwechter tố cáo rằng Bà Sanchez đã lợi dụng quyền lực và sự tin cậy để theo đuổi liên hệ tình dục với chồng và cha của họ.

Theo điều 134 của Quân Luật Hoa Kỳ (Uniform Code of Military Justice – UCMJ), ngoại tình là một hành dộng tội lỗi không thể chấp nhận (unacceptable conduct). DB Sanchez là một thành viên của Ủy Ban Quân Vụ (House Armed Service Committee) của Hạ Viện. Do đó Bà Sanchez có liên hệ trực tiêp với Quân Đội. Vì lý do này, theo Quân Luật  hành vi ngoại tình này phải bị xét xử.

Sau khi rời quân ngũ với chức vụ công tố viện, ông John P. Einwechter làm đại diện để vận động hành lang cho những công ty sản xuất võ khí và dụng cụ nhận diện cho Bộ Quốc Phòng và Bộ Nội An mà Bà Sanchez có quyền giám sát qua hai Ủy Ban của Hạ Viện là Armed Service Committee và Homeland Security Committee.  Người ta di nghị rằng việc vân động hành lang sẽ dễ dàng hơn, nếu người vận động có liên hệ mật thiết với thành viên của những ủy ban giám sát(16)

Vào cuối năm 2009 người ta lại phát hiện trên Internet một bức hình của DB Sanchez trong vòng tay của ông John Saylor. Điều này chỉ gây chú ý vì ông Saylor là một giám đốc của công ty Halcrow, Inc. phụ trách về các chương trình của chính phủ liên bang trong lãnh vực hàng hải và an ninh hải cảng.  Phần vụ này nằm trong quyền giám sát của DB Sanchez, chủ tịch của Tiểu Bang về Biên Giới, Hàng Hải, và Chống Khủng Bố Toàn Cầu (Sub-Committee on Border, Maritime, and Global Counterterrorism) (17).   DB Loretta Sanchez cho tới nay chưa hề lên tiếng cải chính hay xác nhận mối liên hệ của Bà với những người vận động hành lang trên đây.

Trong năm vừa qua, hai chi em dân biểu Loretta và Linda Sanchez liên tục bỏ phiếu chống lại nghị quyết của Hạ Viện khuyến cáo Ủy Ban Đạo Đức điều tra sự liên hệ giữa đóng góp của công ty vận động hành lang PMA Group cho các dân biểu và ngân sách các dân biểu dành riêng cho các thân chủ của PMA Group.   Bà Loretta Sanchez đã nhận $3.000 của ông Jon Walker, một giám đốc của PMA Group (18), nhưng khai nhầm cơ sở làm việc của mình là EVA, một khách hàng của PMA.  Qua nhiều năm, Bà Loretta Sanchez đã nhận được hơn $277,000 từ khách hàng của PMA.  Thí du, Bà Loretta Sanchez yêu cầu dành $10,7 triệu vào năm 2007 và $3,2 triệu vào năm 2008 cho L3 Communication, một khách hàng của PMA.(19)  Trước đây, Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đã ra lệnh điều tra sự liên hệ của DB John Murtha (DC, PA) và DB Pete Visclosky (DC, IN) với PMA Group vào các năm 2008 và 2009.(20)

Là một người phóng túng Bà đã tạo ra nhiều tai tiếng, nhất là sự giao thiệp của Bà với những người vận động hành lang và dự định gây quỹ của Bà Sanchez tại lâu đài Playboy của chủ nhân Hugh Hefner tại Bel Air, California vào năm 2000.  Trước những áp lực mạnh mẽ và những đe dọa cụ thể của Đảng Dân Chủ, kể cả việc truất quyền phát biểu tại Đại Hội Đảng Toàn Quốc, đặc biệt từ Phó Tổng Thống Al Gore và Chủ Tịch của Đảng Dân Chủ Joe Andrew, Bà Sanchez miễn cưỡng quyết định rời buổi gây quỹ qua Universal Studios tại Holywood.(21)

Mười năm sau, để tạo thêm “scandal” cho cuộc bầu cử 2010, Bà Sanchez trở lại lâu đài Playboy này để dùng cơm trưa với người sáng lập và chủ nhiệm của tờ báo Playboy là ông Hugh Hefner vào ngày 31-08-2010 theo bản tin ngắn do chính ông Hefner phổ biến.(22)   Tờ U.S. News and World Report gọi Bà Sanchez là “pet congresswoman” cuả ông Hugh Hefner. Một phát ngôn viên của Đảng Cộng Hòa phê bình rằng Bà Sanchez không có thì giờ gặp cử tri và tham dự tranh luận với DB Trần Thái Văn, nhưng có thì giờ đến lâu đài Playboy ăn trưa. Ông Hugh Hefner bênh vực Bà Sanchez và đáp lại rằng đây là một bữa cơm gây quỹ.(23)

Một độc giả của tờ báo the Hill, chuyên về tin tức liên quan đến Quốc Hội liên bang tại Washington-DC, bầy tỏ cảm tưởng về tin này như sau: “Sanchez has been doing the Mansion and Hefner for many years, as you will recall. Judging from his tweets, Hefner appears to be a satisfied customer. Guess he gets his money’s worth. On a more serious note, Sanchez’s playboy lifestyle has been getting her into trouble with married men these past few years. Just google “loretta sanchez scandal” to read about that.”

Một độc giả của U.S. News and World Report viết: “This is totally consistent with Sanchez’s anti-family philosophy and agenda. She not only rakes in the porno dollars as Hef’s “pet congresswoman,” she also arrogantly champions the playboy lifestyle by ignoring the boundaries of marriage. Just google “loretta sanchez scandal” to read about her exploits. You’ll see why Hef is high on this girl.”

Số cử tri ủng hộ Bà Sanchez ắt phải thuyên giảm vì uy tín của Bà Sanchez ngày càng đi xuống, một phần vì “lối sống ‘playboy’, chống lại truyền thống gia đình, bất cần đến giới hạn của hôn nhân” của Bà như độc giả trên phê phán.

Kết luận

Phần so sánh thành tích và khả năng của hai ứng cử viên trên đây cho thấy rõ ràng rằng DB Trần Thái Văn là người đáng được các cử tri dồn phiếu cho ông. Khi bài này được viết tới đây, chúng tôi được tin rằng DB Loretta Sanchez vẫn tiếp tục tránh né tham dự bốn buổi tranh luận với DB Trần Thái Văn do ông đề nghị trong thư gửi cho Bà Sanchez đề ngày 09-08-2010.  Do đó, các cử tri của địa hạt 47 thuộc quận Cam chưa có thêm vài cơ hội tốt để trực tiếp so sách hai cử tri về thành tích, lập trường, chính sách, và đặc biệt là tài ăn nói và cung cách vận động quần chúng.  Đây là một truyền thống lành mạnh của chính trường Hoa Kỳ.

Không những vậy, nhiều đoàn thể khác cũng muốn tổ chức tranh luận giữa Bà Sanchez và ông Trần Thái Văn, nhưng Bà Sanchez cũng từ chối.  Đặc biệt mới đây vào phút chót Bà Sanchez đã hủy bỏ cuộc phỏng vấn của đài truyền hình KABC-TV ở vùng Los Angeles. Do đó, đài truyền hình này không thực hiện được cuộc phỏng vấn DB Trần Thái Văn.

Trong cuộc phỏng vấn vào tháng 7 vừa qua của Politico, một tờ báo chuyên về tin tức chính trị đặc biệt về chính trị Hoa Kỳ, Quốc Hội, vận động hành lang, bầu cử, DB Trần Thái Văn nhấn mạnh rằng Bà Sanchez cần phải chứng minh Bà đã đạt những thành quả cụ thể nào cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt trong 14 năm qua chứ không phải chỉ hô hào để lấy phiếu.   Chúng tôi nghĩ đây cũng là thắc mắc chung của cử tri Việt.

Mặc dù dân số gốc Hispanic và Á châu gia tăng trong vài thập niên vừa qua, tại Quận Cam, nhưng giá trị truyền thống bảo thủ gần như không thay đổi. Theo Orange County Registrar of Voters, tính vào ngày 21-07-2010 quận Cam có 1,599,889 cử tri ghi danh đi bầu. Trong số đó, 43.6% ghi danh là Cộng Hòa, 32.1% là Dân Chủ, và 20.2% không khai đảng chính trị.  Cũng theo thống kê này, tỉ lệ cử tri gốc Việt ghi danh Cộng Hòa là 55% so với 22% Dân Chủ.  Tuy nhiên vì DB Văn gốc Việt Nam, nên người ta hi vọng những người Việt theo Đảng Dân Chủ cũng sẽ bỏ phiếu cho ông Văn để cộng đồng Việt Nam có thêm đại diện trong Quốc Hội Liên Bang.

Cử tri của địa hạt 47 cũng muốn có sự thay đổi sau khi Bà Sanchez làm dân biểu của đơn vị này đã 14 năm. Chính Bà Sanchez cũng muốn thay đổi vì đã hai lần Bà đã toan tính tranh cử chức vụ Thống Đốc. Mới đây thêm một lần nữa, Bà đã xin phép để chính thức mở một chương mục để gây quỹ cho cuộc tranh cử Thống Đốc California vào năm 2014.

Mặc dù trong quận Cam, dân số Hispanic đông gắp hai lần dân gốc Việt, nhưng kinh nghiệm cho thấy cử tri Việt đi bỏ phiếu đông hơn cử tri Hispanic. Hơn nữa trong thời gian gần đây, số cử tri Hispanic không hài lòng về thành tích của Bà Loretta Sanchez đã gia tăng. Có thể cũng vì lý do này, mà Bà Cecilia Iglisias, một ứng cử viên gốc Mễ Tây Cơ như Bà Sanchez, đã vận động được 11,000 chữ ký để ghi tên tranh cử vào chức vụ dân biểu của địa hạt 47 với tư cách độc lập. Theo kinh nghiệm của cuộc bầu cử vào năm 2008, Bà Iglisias có thể sẽ lấy 5%-10% số phiếu của Bà Sanchez trong cuộc chạy đua tay ba vào mùa thu sắp tới tại quận Cam.

Cử tri gốc Việt sẽ làm nên lịch sử nếu họ đưa thêm một tiếng nói gốc Việt vào Quốc Hội Liên Bang. Đây là một sự cần thiết để bênh vực quyền lợi và nguyện vọng của cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ và là một niềm hãnh diện cho người Việt khắp năm châu. Những người tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam sẽ có thêm một người đồng chí hướng ngay tại một trong những trung tâm quyền lực mạnh mẽ nhất thế giới.

© Nguyễn Quốc Khải

© Đàn Chim Việt

———————————————————-

Ghi chú:

(1)  James Kuo, Anne Marie Walker, “Only 2 California House Races IDd as Competitive,” California News Service, July 24, 2010.
[2]  Sacramento Bee, “Loretta Sanchez 2014 Gubernatorial Candidate?,” August 2, 2010.

[3] Wikipedia, “Loretta Sanchez’s Biography.”

[4] Viet Republican, “Quang Pham Endorses Van Tran for California’s 47th Congressional District Seat,” May 14, 2010.

[5] Van Tran’s Campaign, “Newt Gingrich Endorses Van Tran in CA-47,” August 23, 2010.

[6] “Dân Biểu Trần Thái Văn Đồng Tác Giả Dự Luật Sb 677: Tham Gia Buôn Bán Người Bị Phạt Nặng, Tịch Thu Tài Sản.” Nguồn: www.maivoo.com. 17-06-2010.
[7] “Van Tran Biography.” Souce: http://arc.asm.ca.gov/member/68/?p=bio

[8] “Tea Party Express Endorses Van Tran for U.S. Congress.” Nguồn: OurCountryDeservesBetter.Com, August 2, 2010.

[9] Reuters and CNN, “Health Care Reform in the United States,” Wikipedia.

[10] “Rep. Loretta Sanchez Issues Statement on Passage of Historic Health Care Bill.” Nguồn: www.lorettaSanchez.house.gov. March 21, 2010.

[11] “Rep. Loretta Sanchez [D-CÃ7].” Nguồn: GovTrack.US.

[12] Người Việt, “Dân biểu đảng Cộng Hòa Quận Cam ủng hộ DBTB Trần Thái Văn,” 27-03-2010.

[13] Minh Tâm, “Loretta Sanchez, Con Người Hai Mặt,” VietVungVinh, 23-08-2010.

[14] Những tổ chức này bao gồm National Organization for Women (NOW), National Association for the Repeal of Abortion Laws (NASRAL), Planned Parenthood, American Civil Liberties Union (ACLU), Gay Agenda Advocates, và the Porn Industry.

[15] Vận Hội Mới, “Tiểu Sử và Thành Tích Hoạt Động của Dân Biểu Trần Thái Văn Ứng Cử Viên Dân Biểu Liên Bang Địa Hạt 47,” tháng 3, 2010.

[16] Latino Politics Blog, “The Making of the Loretta Sanchez Scandal,” June 2, 2009.

[17] Latino Politics Blog, “Congresswoman Loretta Sanchez & Lobbyists,” December 13, 2009.

[18] PMA Group là một công ty chuyên vận động hành lang, được thành lập vào năm 1989 bởi ông Paul Magliocchetti, một cựu nhân viên trong Defense Appropriations Subcommittee của Hạ Viện. FBI đã điều tra những hoạt động bất hợp pháp của PMA. Kết quả là PMA Group đã bị chấm dứt hoạt động vào năm 2009.

[19] Matthew Cunningham, “Why Does Loretta Sanchez Oppose Investigating PMA Group – Earmarks Scandal?” Chip Hanlon’s Red County, July 2, 2009.

[20] Jack Webb, “Tom Delay Republican (Jupiter)”, August 27, 2010. Nguồn: tampa.craiglist.org/ pnl/pol/1922368849.html

[31] Jack Tapper, “The Playboy boss finds the Democrats’ anti-Bunny behavior unbelievable — and a tad hypocritical.”, August 11, 2000. Nguồn: http://www.salon.com/news/politics/feature/2000/08/11/sanchez.

[22] “California Congresswoman Loretta Sanchez Visits Playboy Mansion,” Huffington Post, September 4, 2010.

[23] Paul Bedard, “Playboy’s Hefner Spars With GOP Over Rep Sanchez Lunch at Mansion,” U.S. News and World Report, September 2, 2010.

Phản hồi