Những ai hưởng lợi từ vụ bê bối Tamiflu?
Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến khẳng định Bộ Y tế không hưởng lợi gì từ việc mua Tamiflu dự phòng vì đây là chuyện hoàn toàn vì sinh mạng nhân dân. Các công ty dược được giao nhiệm vụ sản xuất Tamiflu cũng khẳng định đây là việc làm “phi lợi nhuận”, góp phần phục vụ lợi ích xã hội. Vậy ai là người hưởng lợi từ vụ Tamiflu này?
Ai hưởng lợi?
“Đối tượng duy nhất được hưởng lợi trong trường hợp này là những công ty đa quốc gia luôn muốn tìm cách loại bỏ sự cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất trong nước thông qua nhiều thủ đoạn tinh vi và sự hỗ trợ vô tình hoặc hữu ý của một số cá nhân có quyền lực trong hệ thống công quyền”.
Đây là khẳng định của lãnh đạo 3 công ty dược (gồm Công ty Imexpharm, Công ty Stada Việt Nam và Công ty dược Pymerpharco) trong công văn gửi báo chí ngày 10/9, trong đó có báo VietNamNet. Nội dung của công văn này nhằm mục đích để các cơ quan báo chí “có cách nhìn khách quan hơn và có tiếng nói bảo vệ doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, đặc biệt là những doanh nghiệp đã có thành tích với cộng đồng, để các doanh nghiệp có thêm động lực phấn đấu vì sự nghiệp chung của đất nước”.
Trước đó, lãnh đạo 3 công ty dược trên đã gửi công văn (kèm theo các bản giải trình) đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
Công văn gửi kèm các bản giải trình đã bộc lộ quan điểm rõ ràng của cả 3 doanh nghiệp về những vấn đề: Khoản tiền 2,8 triệu đôla bên bán nguyên liệu chuyển lại cho bên mua. Đề xuất chuyển cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ giá mua nguyên liệu của các công ty. Những bất bình đẳng trong việc ký kết hợp đồng với Bộ Y tế. Quan điểm không đồng tình với kết luận và hướng xử lý của Thanh tra Chính phủ.
Theo các công ty này, Thanh tra Chính phủ cần nhìn nhận đúng bản chất số tiền các doanh nghiệp đã thương thảo để giảm lỗ (tổng số tiền 2,8 triệu USD). Đây không phải tiền giảm giá nguyên liệu mà là tiền bồi thường thiệt hại do sản lượng sản xuất trong thực tế thấp hơn so với sản lượng đã thỏa thuận. Và vì thế, các công ty đề nghị Thanh tra Chính phủ cho phép họ không hoàn lại khoản tiền này.
Mặt khác, việc chuyển cơ quan điều tra làm rõ giá mua nguyên liệu của các công ty trong khi thanh tra chưa chỉ ra được hành vi vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp là không đúng với quy định của Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra. Cơ quan điều tra không phải cơ quan tham mưu của cơ quan thanh tra hoặc cơ quan chức năng có thẩm định giá hàng hóa khi các đối tượng thanh tra chưa có dấu hiệu vi phạm Luật Hình sự.
“Đây là một hợp đồng kinh tế nên phải được giải quyết theo pháp luật và thông lệ tranh chấp kinh tế”, 3 công ty nhấn mạnh.
Các công ty này cũng cho biết: “Trong thời gian qua, các doanh nghiệp đã phải chịu rất nhiều thiệt hại về kinh tế cả vô hình lẫn hữu hình” và đặt câu hỏi: “Liệu có nhà đầu tư nào bỏ tiền đầu tư vào một doanh nghiệp đang bị điều tra hay không?”
Vì sao không muốn bị điều tra giá mua nguyên liệu từ nước ngoài?
Lãnh đạo 3 công ty dược phẩm trên khẳng định: Theo Luật Thương mại, hợp đồng kinh tế giữa doanh nghiệp với Bộ Y tế là hợp đồng mua bán hàng hóa giữa hai chủ thể có tư cách pháp nhân theo thỏa thuận. Đối tượng mua bán của hợp đồng là viên nang Oseltamivir 75mg (thuốc thành phẩm) theo tiêu chuẩn chất lượng quy định tại hợp đồng.
Đơn giá của hàng hóa này đã được cơ quan quản lý Nhà nước về tài chính, cao nhất là Bộ Tài chính khảo sát trên thị trường quốc tế và ban hành giá trần căn cứ theo giá thấp nhất của khu vực. Các doanh nghiệp không bán vượt giá trần quy định của Nhà nước.
Mặt khác, nếu cơ quan công an và thanh tra không kết luận doanh nghiệp có sai phạm (như có dấu hiệu tham nhũng, để ngoài sổ sách kế toán, lập quỹ đen trái phép, vi phạm luật kế toán, …) thì hoàn toàn không có cơ sở chuyển sang điều tra hình sự như đề xuất của Tổng Thanh tra Chính phủ.
Vì thế, lãnh đạo 3 công ty dược phẩm trên cho rằng: Việc đề nghị tiến hành chuyển cơ quan điều tra về giá mua nguyên liệu của một hợp đồng kinh tế mua bán thành phẩm đã được các bên thỏa thuận trước đó gần 5 năm và đã qua rất nhiều đợt kiểm tra là không đúng pháp luật và thông lệ thương mại của kinh tế thị trường. Việc này vừa không thấu tình đạt lý, vừa thể hiện tính cách dùng quyền lực quản lý nhà nước để ép doanh nghiệp.
Bà Trần Thị Đào – TGĐ Công ty Imexpharm khi trao đổi với Tuần Việt Nam cũng khá gay gắt khi nói đến vấn đề điều tra giá mua nguyên liệu. Các công ty đều khẳng định mọi việc mình làm đều minh bạch, phi lợi nhuận.
Vậy một câu hỏi được đặt ra là: Tại sao các công ty không muốn bị điều tra giá mua nguyên liệu từ nước ngoài?
Theo một nguồn tin riêng chua chúng tôi, tại thời điểm tháng 11/2005, rất nhiều doanh nghiệp dược phẩm Việt Nam đã tìm mọi cách để được “lọt” vào danh sách những công ty được chọn lựa sản xuất Tamiflu cho Bộ Y tế nhưng họ đã thất bại. Song nhận thấy đây là một dịp “hiếm có” để làm ăn, nhiều doanh nghiệp thậm chí đã định cứ nhập nguyên liệu làm Tamiflu về để tự làm rồi bán trên thị trường. Nhưng cách này không an toàn vì Tamiflu không phải loại thuốc thông thường, làm như vậy sẽ mạo hiểm vì không có thị trường cho đầu ra.
Tại thời điểm đó, từ Ấn Độ đã có một số công ty chào hàng các công ty dược tại Việt Nam giá mua nguyên liệu sản xuất Tamiflu với giá thấp hơn nhiều so với giá mà 3 công ty dược phẩm được chọn đã mua sau này (cùng mua tại Ấn Độ).
3 công ty dược được Bộ Y tế lựa chọn đã mua nguyên liệu từ Ấn Độ với giá 18.000 USD/kg, cao gấp đôi so với giá chào từ Roche. Song theo tiết lộ của giám đốc một công ty kinh doanh dược phẩm tại Hà Nội (công ty này cũng rất muốn được lựa chọn làm nhà sản xuất Tamiflu trong năm 2005) thì tại thời điểm đó, báo giá từ bên Ấn Độ gửi sang cho công ty có mức thấp hơn cả giá của Roche (dưới 9.000 USD/kg)!
Theo đánh giá của những người kinh doanh lâu năm trong lĩnh vực dược phẩm thì có thể đây là chuyện “làm giá” từ nước ngoài và chuyện này là “rất phổ biến”! Và đây cũng là lý do chính khiến các công ty không muốn bị điều tra về giá mua nguyên liệu!
Doanh nghiệp “tố” Bộ Y tế
Lãnh đao 3 công ty dược phẩm khẳng định trong việc thực hiện hợp đồng với Bộ Y tế thực tế không hề có sự bình đẳng giữa hai chủ thể hợp đồng. Bộ Y tế (thay mặt Nhà nước) đã nhiều lần không giữ được các cam kết với doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp vẫn phải chịu đựng.
Cụ thể: Cuối tháng 11/2005, Bộ Y tế kêu gọi các doanh nghiệp bằng mọi cách tìm kiếm nguồn nguyên liệu phục vụ chống dịch và gấp rút triển khai nghiên cứu sản xuất thành phẩm Oseltamivir 75mg trên tinh thần nhà nước sẽ ứng vốn trước để giữ nguồn số lượng nguyên liệu. Song sau đó Bộ Y tế không thực hiện việc ứng vốn như đã cam kết. Các doanh nghiệp phải ứng tiền nhiều triệu USD để đặt cọc cho phía nước ngoài và ở vào tình thế không có lối thoát.
Chưa hết, lãnh đạo 3 công ty dược phẩm trên cho rằng việc thay đổi số lượng đặt hàng liên tục trong thời gian ngắn và trong bối cảnh toàn thế giới đang có nhu cầu cấp bách đối với loại nguyên liệu này (cũng là một dạng vi phạm hợp đồng) đã đưa doanh nghiệp vào tình thế nguy hiểm do khả năng thua lỗ rất lớn vì vi phạm hợp đồng với phía nước ngoài.
Cụ thể: Công văn số 62/BYT ngày 21/11/2005 đặt hàng 5 triệu viên/doanh nghiệp. Đến 09/12/2005 chuyển thành đặt hàng 10 triệu viên/doanh nghiệp. Sau đó điều chỉnh mức này xuống còn 7,5 triệu viên và cuối cùng hợp đồng chính thức được ký là 5 triệu viên/doanh nghiệp vào ngày 17/01/2006.
“Lúc này, doanh nghiệp đã thấy hết sai lầm của mình khi tiến hành giao dịch này nhưng không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận ký hợp đồng theo giá Bộ Y tế quy định (không thương thảo) là 27.765,5 đồng/viên và chấp nhận thua lỗ thực hiện hợp đồng để không mất trắng số tiền hàng triệu đô đã đặt cọc trước đó”, lãnh đạo 3 công ty dược khẳng định.
Các doanh nghiệp cho rằng thực tế họ đã phải chịu đựng nhiều thiệt hại do phía Bộ Y tế không lường trước được diễn biến trước khi cam kết, đặt hàng với doanh nghiệp.
Nhận định này từ phía các doanh nghiệp cũng khá trùng khít với kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Theo đó, trong khi cả nước chỉ có 91 người mắc bệnh trong suốt 2 năm nhưng Bộ Y tế đề xuất dự trữ 30 triệu viên Tamiflu. Đây là đề xuất thiếu căn cứ thực tế về tình hình diễn biến thực tế của dịch bệnh, đồng thời dẫn đến việc các công ty không mua được nguyên liệu từ Roche với giá rẻ hơn và hạn dùng dài hơn.
Qua sự việc này, có thể thấy khả năng dự báo và xử lý vấn đề của lãnh đạo ngành y tế không sát thực tiễn. Việc dự báo và xử lý như trên rõ ràng vừa gây khó khăn cho doanh nghiệp, vừa gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế (trong khi Ngân sách Nhà nước đã luôn eo hẹp).
Nguồn: Cẩm Quyên (TuanVietnam)