Lỗi lầm lớn của một trí thức trẻ gốc Việt
Cộng đồng người Việt hải ngoại từ nhiều năm nay, tại nhiều nơi, qua tin tức trên mạng, có nhiều cãi cọ, chửi bới, mạt sát và chia rẽ. Riêng tại San Jose, tình trạng đó dường như nhiều hơn nơi khác, đặc biệt từ khi có vụ việc gọi là “nữ nghị viên Madison Nguyễn.” Nhưng tối ngày Chủ Nhật, 22-8-2010, lúc 8:37 PM, vợ chồng tôi chứng kiến một vụ việc khó thể tưởng tượng, một luật sư trung niên, tốt nghiệp tại Hoa Kỳ, lái xe đi lén lút tháo gỡ bảng vận động tranh cử của cô đương kim nghị viên Madison Nguyễn.
Lúc đó vợ chồng tôi đang lái xe từ từ dạo chơi trên đường Phelan Ave. Khi gần tới đường Lucretia Ave. chợt thấy ở bên kia ngã tư, đối diện với cạnh bên trái của trường trung học YB High School, một người đàn ông trung niên, cao, to, khỏe, đang leo lên hàng rào B 40, một tay đang cầm một chân bảng vận động tranh cử của cô Madison Nguyễn, chưa được gắn vào hàng rào. Chân kia của tấm bảng đã dính vào hàng rào. Chúng tôi nghĩ anh ta đi cắm bảng vận động cho cô Madison Nguyễn.
Đường vắng, không người, không xe cộ, tôi dừng xe tại bảng STOP. Nhưng rồi thấy hành động của anh ta khá khả nghi nên tôi không đi tiếp mà dừng ở đó để quan sát. Anh ta tiếp tục chuyển người sang bên trái, với tay nắm cái chân bảng còn lại. Tôi cảm thấy cái bảng khá nặng vì thấy anh ta phải dùng sức và hành động khá khó khăn, chậm chạp. Khi nắm được cái chân bảng thứ nhì, anh ta tiếp tục gỡ sợi dây cột bảng. Chân bảng thứ hai rời ra, anh ta vẫn nắm, nhưng bảng nặng đã rơi ngửa dọc theo hàng rào.
Cuối cùng anh ta quăng mạnh tấm bảng xuống đất, bên trong hàng rào. Dù không gian yên tĩnh, nhưng lúc đó tôi cảm thấy như nghe được tiếp “bộp” của tấm bảng bị quăng xuống. Cái tiếng “bộp vô thanh” vang vọng trong đầu thúc giục tôi lái xe vượt qua ngã tư tới đậu cạnh chiếc xe cao to, mầu đen, hiệu 4 Runner lúc đó đang đậu trái chiều, quay về hướng đường Lucretia Ave.
Anh ta cũng vừa từ hàng rào nhẩy xuống. Tôi không tin ở mắt mình nữa. Dưới ánh đèn sáng của cột điện cạnh anh ta, tôi nhận ra anh, một nhân vật nổi tiếng trong các hoạt động cộng đồng. Anh có vóc dáng to khoẻ, khuôn mặt to đầy, đôi mắt to, sáng, mái tóc muối tiêu hớt cao. Những người trông thấy anh thường xuyên không ai nghĩ anh già vì tóc muối tiêu. Với dáng điệu trẻ trung, mạnh mẽ, người ta nghĩ anh chỉ trung niên. Tối đó anh còn có vẻ trẻ, khỏe hơn nữa trong chiếc áo T-Shirt mầu đen ngắn tay làm nổi bật đôi cánh tay to, rắn chắc. Chiếc quần short mầu trắng cũng làm nổi bật đôi chân anh với đôi đùi mập và bắp chuối chân to, đi đôi dép Nhật (slippers).
Vừa nhẩy xuống, thì anh có vẻ sững sờ khi trông thấy xe tôi. Tôi vẫn ngồi trong xe nói lớn với anh bằng tiếng Anh, “Này anh! Tôi biết anh.” Anh ta trả lời, “Biết cái gì?” Tôi lập lại, “Tôi biết anh.” Anh ta im lặng nhìn vào xe tôi. Tôi nói tiếp, “Anh là luật sư phải không?” Anh ta tiếp tục im lặng. Tôi nói tiếp, “Anh là một người tồi. Tôi sẽ nói cho cộng đồng biết.” (“Hey, man! I know you.” He replied, “Know what?” I said, “I know you.” He was quiet. I continued, “Are you a lawyer?” He kept quiet. I kept saying, “You are a bad guy. I will tell the community.”)
Sau đó anh ta lên xe, rẽ phải trên đường Lucretia Ave. Tôi lái xe chạy theo. Tới ngã ba đầu tiên anh ta rẽ trái. Nếu tiếp tục lái theo xe anh cũng chẳng làm được gì hơn nên tôi tiếp tục đi thẳng.
Từ mấy năm nay người dân San Jose đã ngán ngẩm mấy cái trò tranh cử chửi bới, bịa đặt, vu khống nhau, thậm chí đánh nhau, giữa những vị tạm cho là trí thức, vì có bằng cấp cao và địa vị lớn. Nhưng hình ảnh một trí thức trung niên người Việt tốt nghiệp tại Hoa Kỳ, trong một cộng đồng vẫn hàng ngày ước mơ tranh đấu xây dựng dân chủ cho Việt Nam, đi tháo bảng vận động của ứng cử viên mình chống đối thì quả là tận cùng của đốn mạt.
Không thể hỗ trợ xây dựng dân chủ cho Việt Nam bởi một cộng đồng có tinh thần dân chủ kém cỏi. Càng không thể hy vọng trao trọng trách đó cho thế hệ trẻ trong tương lai gần với một tập thể có những trí thức trung niên hành động xấu xa, phản dân chủ như vậy.
Nhưng suy cho cùng, sở dĩ ngày nay cộng đồng người Việt có một số thành phần trung niên trí thức hành xử kém văn hóa là vì thế hệ thứ nhất, không được giáo dục tinh thần dân chủ đầy đủ. Hay có thể nói là chẳng được giáo dục tinh thần dân chủ gì cả. Họ có thể học được tới tiến sĩ chính trị học, đọc bao nhiêu sách về các lý thuyết chính trị dân chủ và lịch sử các chế độ dân chủ trên thế giới, nhưng chưa chắc họ hấp thụ được tinh thần dân chủ. Học là một chuyện, dễ ợt. Nhưng hấp thụ mới khó. Thực tế đọc các bài viết, các cách phát biểu, các hành xử đối với những người có ý kiến mình không đồng ý, cho thấy, rất nhiều những vị gốc Việt từ trung niên trở lên, có bằng cấp cao, địa vị lớn ngay trong xã hội Hoa Kỳ cũng chưa hấp thụ được tinh thần dân chủ.
Cho nên, dù gì đi nữa, thế hệ di dân thứ nhất của người Việt cần nhận mọi trách nhiệm về những điều không tốt đẹp xảy ra trong cung cách ứng xử của thế hệ trung niên hay trẻ. Và như thế, nên khoan dung và dành cho những người trẻ sai phạm, như vị luật sư trung niên này, một cơ hội thứ nhì để suy xét và sửa đổi mình. Nhưng không phải khoan dung là không nói lên, hay không dám nói lên, không dóng lên tiếng chuông báo động với cộng đồng. Hãy can đảm chống đối lại mọi đe dọa và công bố tất cả những đe dọa đối với mình chỉ vì mình ủng hộ một quan điểm, một ứng cử viên, mà những kẻ đe doạ mình không ưng ý.
© Nguyễn Tường Tâm
© Đàn Chim Việt