WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Rashomon: Một danh phẩm của điện ảnh Nhật

 Lời tác giả: Nay người ta đi tìm sự thật lịch sử nhưng trên thực tế có nhiều sự thật khác biệt nhau do lời kể lại của các nhân chứng không giống nhau, có khi trái ngược nhau. Sự thực lịch sử,  xã hội.. là một điều khó tìm kiếm như ý nghĩa của cuốn phim Rashomon dưới đây, nó là một cái nhìn bi quan về sự thực trên cõi đời này. Phim ảnh nghệ thuật vừa để giải trí cũng vừa để chúng ta học hỏi vì nó phản ảnh trung thực cuộc sống , nó cũng chính là cuộc đời.

 ———————————————————–

Một cảnh trong bộ phim Rashomon

Rashomon (Lã Sanh Môn) là một phim đen trắng quay năm 1951 do nhà đạo diễn tên tuổi Akira Kurosawa thực hiện, các tài tử chính: gồm Toshiro Mifune trong vai tên đạo tặc, Machiko Kyo trong vai người vợ ông Hiệp sĩ đạo, Masayuki Mori vai người chồng. Rashomon và Địa Ngục Môn (phim mầu quay 1953), đạo diễn Teinosuka Kinugasa, là hai cuốn phim đã được dư luận báo chí và khán giả Sài Gòn khen ngợi rất nhiều hồi thập niên 50 và 60. Theo dư luận phê bình Tây phương Rashomon đã đượïc coi là một bước tiến dài của nghệ thuật thứ bẩy

Rashomon, Bẩy Người Hiệp Sĩ (cũng của Akira, 1954) và Ugetsu là ba cuốn phim cổ điển Nhật đã đươc xếp trong số mười phim hay nhất mọi thời đại (all time best) theo ý kiến các nhà đạo diễn quốc tế 1992 (Sight and Sound international film director poll 1992). Mười năm sau, năm 2002 họ lại thăm dò và hai cuốn Rashomon, Bẩy Người Hiệp Sĩ vẫn được xếp trong số “Top Ten” đó, chỉ riêng Akira Kurosawa đã có tới hai phim được xếp trong số những phim hay nhất mọi thời đại trên thế giới.

Trước thế chiến thứ hai nước Nhật không giao du với ngoại quốc mấy nên người ta không rõ về điện ảnh của họ. Năm 1950, đạo diễn Akira dàn cảnh cuốn Rashomon  do hãng Daiei thực hiện , hãng này lúc đó miễn cưỡng nhận làm vì họ cho là truyện phim lẩm cẩm, khó hiểu nhưng thật không ngờ năm sau 1951, đi dự giải ở Đại Hội Điện Ảnh Venice, Rashomon đoạt  giải sư tử bạc, năm sau được giải Oscar của Hàn lâm viện Mỹ (phim nói tiếng ngoại quốc hay nhất trong năm) để rồi được ca ngợi khắp nơi trên thế giới. Người Tây Phương bắt đầu chú ý tới điện ảnh Nhật từ sau Rashomon. Từ 1952 các nhà đạo diễn Nhật lên tinh thần họ làm  nhiều phim đi dự  giải và đoạt giải thưởng tại hết đại hội này đến đại hội khác . Rashomon đánh dấu bước tiến dài của điện ảnh Nhật, đó là viên đá đầu tiên của địên ảnh Nhật trên trường quốc tế.

Akira sinh 1910 mất 1998 tại Đông Kinh, bắt đầu làm phim từ 1942 nay đã được khoảng 30 cuốn nhưng chỉ vào khoảng hơn 10 cuốn được chiếu tại ngoại quốc, hầu hết có giá trị đoạt giải thưởng cao.

- Rashomon 1951

- Bẩy Người Hiệp Sĩ, 1954 giải Sư tử bạc Đai hội Điện Ảnh Venice.

- Ngai Vàng Đẫm Máu, 1957 dựa theo vở Mac Beth của Shakespear.

- Thành Trì Ẩn Khuất, 1958 giải Gấu Bạc tại Đại Hội Điện Ảnh Bá Linh.

- Yojimbo, 1962, giải nam diễn viên xuất sắc tại Venice .

- Kagemusha, 1980 giải Nhành Dương Liễu Vàng tại Đại Hội Điện Ảnh Cannes.

- Ran, 1985 dựng lại vở King Lear, đạo giải Oscar về trang phục.

- Akira Kurosawa’dream, 1990 gồm những giấc mơ của Akira.

Theo dư luận phê bình và ý kiến các nhà đạo diện Mỹ, Akira Kurosawa được  coi như nhà đạo diễn lớn nhất thế giới và là người có ảnh hưởng nhiều nhất  trên nền điện ảnh thế giới. Có vào khoảng vài chục phim của các nước Hoa Kỳ, Ý , Pháp, Ấn Độ, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc… bắt chước hoặc chịu ảnh hưởng của Kurosawa, riêng phim Bẩy Người Hiệp Sĩ ( Seven  Samourais) đã có vào khoảng mười phim của Mỹ, Ấn, Trung Quốc, Hồng Kông… bắt chước, hoặc quay lại (remake). Trương Nghệ Mưu nhà đạo diễn nổi danh nhất của Trung Quốc hiện nay đã tự nhận chịu ảnh hưởng của Akira Kurosawa và cũng tự nhận đã học hỏi qua các tác phẩm của nhà đạo diễn lớn lao này, có điều đáng nói Kurosawa được các nhà làm phim và khán giả trên thế giới vô cùng ngưỡng mộ nhưng lạ thay, ngay trong nước ông, người Nhật đã không đánh giá cao phim ảnh của ông, họ còn chê bai chỉ trích là khác. Ở đây chúng tôi không đi vào chi tiết vì đã viết riêng một bài về Kurosawa.

Theo chúng tôi được biết trong số ba mươi tác phẩm điện ảnh của Akira, hai cuốn Rashomon và Bẩy Người Hiệp Sĩ đã đưa ông lên tột đỉnh danh vọng. Hầu hết những tác phẩm văn chương giá trị như Chiến Tranh Và Hoà Bình, Anh Em Karamazov, Giờ Thứ Hai Mươi Lăm… chỉ quay thành những phim trên trung bình, Rashomon là trường hợp trái ngược, từ một truyện ngắn trên mười trang giấy hầu như không ai biết tới nhưng khi đưa lên màn bạc lại trở thành một siêu phẩm bất hủ có một không hai của Nghệ thuật Thứ Bẩy, cuốn phim đã được ca ngợi suốt nửa thế kỷ qua. Đây cũng là lần đầu tiên trên thế giới một truyện ngắn được quay thành phim.

Phim dựa theo truyện “Trong Chòm cây” (yabu no naka) của Giới Long Xuyên Chi Giới (akutakawa Ryonosuke) viết xong tháng 12, năm thứ mười đời vua Đại Chính (1925). Chúng tôi đã được đọc truyện này trong báo Thế Kỷ 21 số 150, tháng 10-2001, bản dịch của Nguyễn Văn Thực. Theo lời người dịch, truyện Trong Chòm Cây đã được Akira Kurosawa quay thành phim đổi tên là Rashomon, còn Rashomon lại là một truyện khác của cùng tác giả akutakawa.. (trên  internet cũng có truyện này qua bản dịch tiếng Anh).

Một ông quan kiểm tra lấy lời khai của các nhân chứng và thủ phạm một vụ án tàn khốc: người chồng bị giết, người vợ bị hãm hiếp, gồm có bốn lời khai phụ.

- Một lão tiều phu khai thấy một xác chết trong rừng.

- Lời khai của nhà sư thấy vợ chồng người võ sĩ đạo trước khi lâm nạn.

- Lời khai của người lính tuần đã bắt được tên đạo tặc.

- Lời khai lão bà, mẹ của người vợ (ông võ sĩ đạo).

Ngoài ra còn 4 lời khai chính liên hệ trực tiếp tới vụ án mạng.

-Lời khai của tên cướp nhìn nhận đã giết người chồng trong trận so gươm và đã hãm hiếp người vợ.

-Lời khai của người vợ tự nhận mình đã giết chồng.

-Lời người chồng qua bà đồng cầu hồn, ông nói mình đã tự sát.

Khi quay thành phim nhà đạo diễn bỏ lời khai phụ của lão bà, thêm vào lời khai chính của bác tiều phu. Phim này chúng tôi đã xem ở Sài Gòn năm 1960, sang Mỹ có xem lại, xin sơ lược truyện phim.

“….Dưới cơn mưa tầm tã, tại một cổng tục gọi là Cổng Quỉ, giống như một ngôi đền chùa bỏ hoang. Một nhà sư, một lão tiều và người nông dân ngồi bàn chuyện về một vụ án mạng ghê rợn, một người võ sĩ đạo bị đâm chết, người vợ bị hãm hiếp, nhà sư mới đi dự phiên xử về kể lại.

- Tên cướp khai: trước sau ta cũng sẽ bị giết, ta không cần phải dấu diếm sự thật, hắn ta nói thấy người chồng dắt con ngựa, chị vợ ngồi trên lưng ngựa đi ngang qua một khu rừng. Thấy người đàn bà xinh đẹp, hắn sinh lòng tà muốn làm bậy. Tên cướp dụ người  chồng vào trong khu lùm cây, nói là đi tìm báu vật rồi lừa trói anh ta lại. Kế đó hắn ta dẫn người vợ vào, thấy vậy chị ta rút đoản đao đâm chém tên cướp, hắn tránh đươc hết và rồi ôm được chị ta vào lòng thoả mãn thú tính. Tên cướp  khai hắn chỉ muốn làm chuyện tồi bại chứ không có ý gây án mạng. Hắn sửa soạn đi thì người vợ nắm áo kéo lại bảo.

- Một trong hai người phải chết.

Tên cướp và người chồng đấu gươm được chùng hai mươi ba hiệp thì bị hắn đâm chết.Tên đạo tặc khen ông ta giỏ võ vì thường thường người ta đấu với hắn chỉ được mươi thế là bị hắn hạ ngay. Tên cướp lấy thanh kiếm, con ngựa, cung tên của người chồng, người vợ trốn đâu mất.

Người ta kể lại lời khai của người vợ như sau.

Khi tên cướp làm nhục chị ta xong bỏ đi, người chồng bèn nhìn vợ bằng cặp mắt khinh bỉ, chị cầm con dao tiến lại anh từ từ, vừa đi vừa khóc rũ rượi.

- Mình đừng nhìn em bằng cặp mắt như thế!!

Chàng võ sĩ đạo vẫn ngồi ngay như tượng gỗ, không hé răng nói đến nửa nhời. Người đàn bà đau khổ vừa khóc vừa tiến lại chồng rồi vấp ngã khiến con dao đâm phập vào ngực chàng hiệp sĩ.

Người ta nhờ một bà đồng cốt để cầu hồn chàng võ sĩ đạo và lời khai được ứng ra như sau.

- Ở đây sao thanh vắng lạnh lẽo quá thế này, mồ cha đứa nào đưa ta xuống dưới này.

Anh ta cho biết sau khi hãm hiếp vợ anh, tên cướp dụ dỗ chị ta bỏ chồng đi theo hắn, chị siêu lòng, tệ bạc hơn chị chỉ tay về phía chồng bảo tên cướp.

- Giết nó đi!

Chị nói với nó hai ba lần như vậy.

Tên cướp nghe vậy thì lông mày dựng ngược vô cùng căm giận tâm địa gian ác của người đàn bà phản bội, hắn bèn đạp chị ta xuống đất rồi bảo người chồng.

-  Anh muốn tôi xử con ác phụ này như thế nào? anh chỉ gật đầu là tôi hạ sát nó ngay.

Chị ta bỗng vùng dậy chạy mất, tên cướp cởi trói cho người võ sĩ đạo rồi bỏ đi, anh tự thấy xấu hổ và lấy dao đâm vào ngực tự vẫn.

Nhà sư vừa kể xong mấy lời khai khiến lão tiều phu không vừa ý, ông bèn kể lại vụ án mà mình đã chứng kiến tận mắt.

Sau khi tên cướp làm chuyện tồi bại, hắn cởi trói cho người võ sĩ đạo, ông ta mắng vợ.

- Chết đi ! mi chết đi cho khuất mắt, sống làm gì?

Người vợ muốn chồng và tên cướp đấu gươm nhưng võ sĩ đạo vẫy tay phản đối với tên đạo tặc.

-Không! Tôi không muốn thí mạng vì con đàn bà vô giá trị đó.

Hai tay kiếm đang nghinh nhau, người vợ chạy lại bên chồng klhóc lóc thảm thiết.

- Tại sao mình không giết cái người này đi lại  bắt em phải tự ải?

Người chồng tức khí rút gươm ra, trận đấu diễn ra ác liệt rùng rợn, tên cướp đâm hụt, lưỡi gươm cắm xuống đất không rút ra được, người võ sĩ đạo thắng thế đuổi tên cướp chạy lòng vòng, hai người chạy quanh một gốc cây lớn (đã bị cắt ngang sát đất), người chồng chém tên cướp nhưng hắn tránh được, lưỡi gươm mắc vào gốc cây không rút ra được.

Tên cướp vội chạy lại chỗ thanh gươm của hắn, chàng võ sĩ đạo ôm chân hắn, tên cướp lết dần lại chỗ thanh gươm rồi  rút nó lên. Người chồng sợ quá thụt lùi dần dần và vướng vào bụi cây, tên cướp dơ gươm lên sắp lao xuống, người chồng xua tay can.

-Tôi chưa muốn chết.

Nhưng tên đạo tặc không tha, hắn nghiến răng phóng thanh kiếm vào ngực người võ sĩ đạo.

Cảnh cuối phim. Tại Cổng Rashomon, ba người kể chuyện xong bỗng nghe có tiếng trẻ khóc oe oe. Một đứa trẻ sơ sinh bị người mẹ đem bỏ, người nông dân lại gỡ tã lót của em bé, bác tiều phu can ngăn bị hắn xỉ vả.

-Anh đâu có tử tế gì, anh cũng lấy cắp cái đoản đao quí chuôi nạm ngọc, tại sao mất con dao đó?

Nói rồi đánh bác tiều một bạt tai.

Cảnh cảm động đầy tình thương kết thúc phim khi bác tiều xin nhà sư đúa trẻ về nuôi mặc dù nhà đã đông con”.

Đây là một trường hợp hy hữu, phim lại có ý nghĩa và giá trị hơn truyện gấp bội phần nhờ tài dàn cảnh, sự trình bầy của nhà đạo diễn cũng như diễn xuất tuyệt vời của các vai chính. Người ta ví mỗi cảnh giống như một bức tranh tuyệt đẹp.

Cảnh thứ nhất: lời khai của tên cướp, trận đấu sôi nổi, linh hoạt theo theo chủ quan của hắn diễn tả ý muốn chứng tỏ mình hào hiệp, võ nghệ cao cường.

Cảnh thứ hai, lời khai của người vợ cảm động và chua chát, người chồng thầm lặng bên tiếng khóc ai oán của đàn bà hòa cùng khúc nhạc đệm tuyệt vời phảng phất điệu đàn   Ba Tư và bản Boléro của nhạc sĩ cổ điển Pháp Maurice Ravel.

Cảnh thứ ba nhuốm mầu ma quái ghê rợn qua tiếng gọi hồn của bà đồng cốt khiến người ta nhớ đến các phim ma quỉ của Nhật như Ugetsu ( 1953) và Quái Đàm (1964). Theo lời võ sĩ đạo, người vợ đã phản ông xúi dục tên cướp giết chồng, cảnh này cho ta thấy hình ảnh người đàn bà phản bội trông thật tàn nhẫn ghê sợ.

Cảnh thứ tư qua lời diễn tả của lão tiều thật  tàn bạo ghê rợn, nó thể hiện cái thú tính gớm ghiếc của con người y như lang sói. Cảnh chém giết nhau tàn bạo giữa tên cướp và người võ sĩ đạo cũng thể hiện cho thấy bản năng sinh tồn của con người: chém giết nhau để giành sự sống.

Mỗi hoạt cảnh thể hiện một lời khai khác nhau cho thấy sự ích kỷ của người đời, họ dấu diếm một phần hay trọn vẹn sự thật và chỉ nói những cái có lợi cho mình để cuối cùng không ai có thể tìm ra đâu là sự thật. Người chồng (qua lời bà đồng cốt), người vợ không hề nói tới trận đấu kiếm có thể vì mục đích che dấu sự ô nhục của một tay võ sĩ đạo bị giết trong cuộc so tài với tên đạo tặc . Lão tiều phu khai không thấy cây đoản đao chuôi nạm ngọc chắc hẳn vì ông đã lấy làm của riêng.

Người đời ích kỷ không tốt, che dấu sự thật nhưng lại kết thúc trong trong tình thương yêu tràn trề: Lão tiều bế đứa trẻ thơ vô tội về nhà khi cơn mưa đã tạnh.”

 

Cuốn phim đã thể hiện được nhiều khía cạnh của con người với những hình ảnh tàn bạo, phản bội, dối tra…. cùng với thú tính man rợ thể hiện ra trong cuộc  tranh giành sự sống.

Năm 1964, đạo diễn Mỹ Martin Ritt đã diễn tả lại phim Rashomon trong khung cảnh cao bồi miền Tây lấy tên Outrage với các tài tử Paul Newman, Claire Bloom không thành công lắm, khán giả Mỹ có người nhận xét giá trị không bằng phim chính Rashomon, mặc dù Claire Bloom là nữ tài tử nổi tiếng của Mỹ nhưng diễn xuất của cô thua kém xa so với Machiko Kyo trong vai người vợ. Thập niên 60 phim đã được diễn kịch tại hí viện Broadway do tài tử nổi tiếng Rod Steigger thủ vai tên đạo tặc.

Đạo diễn Pháp Alain Resnais nhìn nhận Rashomon đã ảnh hưởng tới phim L’Année Dernìere à Marienbad của ông (Năm Ngoái Tại Marienbad), phim quay năm 1961, truyện phim của Robbe Grillet, đoạt giải Sư tử vàng Đại Hội Venice, giải thưởng cao quí nhất của nền điện ảnh quốc tế. Chúng tôi chưa được xem phim này, ở đây dựa theo cuốn A History Of Narrative Film của David A. Cook.

“Ông X gặp bà A tại một toà lâu đài ở Marienbad, Tiệp Khắc, nơi những nhà giầu hay lui tới. Ông X nói năm ngoái gặp bà A tại đây đi với một ông M nào ấy. Bà này nói ngược lại, một cuộc tranh cãi để tìm ra sự thật qua nhiều hình ảnh quá khứ và hiện tại”

Ngoài ra 2 cuốn phim Ấn Độ quay 1954 Tamil film,  Andha-Naal, và Viru Maandi năm 2004 cũng chịu ảnh hưởng của Rashomon, ý niệm của phim đã ảnh hưởng một lô film ảnh Mỹ như  Courage under fire, The Usual Suspect, One Night At Mc Cool’s , Basic; Hoodwinked, Television series Boom town.. Star Trek: The Next Generation , A Different World, My Name is Earl, Veronica Mars, Good Times, The X Files, Happy Days….

Rashomon đã đánh dấu một bước tiến dài của Nghệ thuật Thứ bẩy, từ nửa thế kỷ qua cuốn phim đã được ca ngợi là một thành công rực rỡ của nền điện ảnh thế giới, nó thể hiện đầy đủ bản chất của con người: ích kỷ, tàn bạo, phản bội, tình thương, một cuốn phim có hậu ở phần kết thúc tràn đầy giá trị nhân bản, nó cũng mang nhiều ý nghĩa chua chát qua tiếng khóc nghẹn ngào của người đàn bà đau khổ.

- Tại sao mình không giết cái người này lại bắt em phải tự sát?

Bởi vì chàng không đủ sức mạnh để bảo vệ cho nàng nhưng lại ích kỷ muốn nàng phải tự sát

Người Pháp có câu “ Bên này dẫy núi Pyrénées là sự thật, bên kia là sai lầm. Chỉ cách một dẫy núi mà sự thật đã được nhìn dười hai khía cạnh trái ngược nhau. Cũng một cái chết của người võ sĩ đạo đã có tới bốn cái nhìn khác nhau, cuốn phim đã hiện thực được tâm lý con người, những cái nhìn chủ quan, khác biệt có thể vì lòng ích kỷ hoặc thành kiến khác nhau khiến con người ta không tìm ra được đâu là sự thật, đâu là chân lý? Những cuộc tranh cãi để bảo vệ lý lẽ của mình là đúng khiến cho sự thật đã trở nên đa dạng khác thường.

Ông Cao Văn Viên cựu Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội VNCH trả lời ông Lâm Lễ Trinh trong một cuộc phỏng vấn gần đây .

“Xin đừng xem những lời của tôi là lịch sử. Mỗi người giải thích sự thật theo  lối riêng như trong phim “Rashomon”. Một trăm nhân chứng, một trăm sự thật. Định kiến làm cho lịch sử sai lệch. Tôi chỉ tâm tình với lòng thành. Hãy để cho hậu thế lượng định và phán xét”

 

Ông cựu Đại Tướng tỏ ra nghi ngờ sự thật, theo ông có rất nhiều sự thật lịch sử theo giải thích của từng người như trong phim Rashomon, ông nghi ngờ cả chính những lời nói của mình nên đã khuyên người ta đừng coi những lời của ông là lịch sử.

Sự thành công của cuốn phim không hẳn chỉ do ý nghĩa của chủ đề bởi vì những phim bắt chước hoặc chịu ảnh hưởng của Rashomon cũng đã diễn tả chủ đề y như vậy nhưng không được chú ý mấy mà chỉ là những cái bóng mờ trong khi Rashomon rực rỡ như một ngôi sao sáng. Ngay cả phim “Năm Ngoái Tại Marienbad”của nhà đạo diễn Pháp Alain Resnais mặc dù đoạt giải Sư Tử Vàng tại Venice nhưng thực ra ít người biết tới . Cùng diễn tả một chủ đề nhưng Rashomon sở dĩ thành công vẻ vang huy hoàng là nhờ tài dàn cảnh, sự chỉ đạo của nhà đạo diễn cũng như nhờ vào diễn xuất tuyệt vời của các vai chính Toshiro Mifune, Machiko Kyo.

Akira Kurosawa (1910- 1998)

Akira Kurosawa đã diễn tả chủ đề một cách tài tình, linh động, hồi hộp, lôi cuốn mãnh liệt, đôi khi tàn bạo, chua chát… ông đã mô tả một cách chân thực bản chất con người qua những hoạt cảnh sống động, phũ phàng, tàn nhẫn… mỗi lời khai là một bức tranh, một khía cạnh sâu sắc của cuộc đời.

Kurosawa chịu ảnh hưởng của văn hoá Tây phương, hai cuốn phim thành công, nổi tiếng của ông Ran (1985), Ngai Vàng Đẫm Máu (1957) dựa theo vở King Lear và Mac Beth của Shakespear, một số phim khác như The Lower Depth, Ikiru.. chịu ảnh hưởng của Dostoievsky, Tolstoi… Nhưng ông cũng là người gây được nhiều ảnh hưởng cho Nghệ thuật Thứ Bẩy nói chung . Năm 1990 ông được giải thưởng danh dự của Hàn Lâm Viện Điện Ảnh Mỹ vì đã làm phong phú cho điện ảnh thế giới và ảnh hưởng các nhà làm phim khắp mọi nơi. Năm 1979 ông cũng được giải thưởng danh dự của Nga tại Đại Hội Điện Ảnh Quốc Tế Mạc Tư Khoa vì công lao đóng góp cho Nghệ thuật Thứ Bẩy.

Người Nhật lấy làm hãnh diện vì Akira Kurosawa? Nhà đạo diễn kỳ tài này đã làm vẻ vang cho nền điện ảnh Phù Tang?

Một điều rất khó hiểu là Kurosawa được giới làm phim, phê bình trên thế giới vô cùng ngưỡng mộ nhưng trong nước ông người ta lại thờ ơ với nhà đạo diễn tài ba xuất chúng này. Đa số các sách báo Mỹ nói về Akira đều cho rằng tại đất nước ông, những cuốn phim bất hủ kể trên đã không được hoan nghênh mà còn bị chê bai chỉ trích, người ta cho rằng phim của ông lẩm cẩm… Người Nhật chỉ trích ông chỉ làm phim cho khán giả Tây Phương xem, phim của ông chịu ảnh hưởng của Tây phương, ông không làm phim cho người trong nước thưởng ngoạn. Người Nhật cũng chỉ trích Kurosawa khi làm phim Rashomon ông đã đưa lên những cảnh quê mùa lạc hậu của Nhật để cho thế giới thấy những cái xấu xa hủ lậu của đất nước mình.

Nhà đạo diễn Trương Nghệ Mưu nói: “từ ngày Akira qua đời năm 1998 đến nay, tại nước Nhật ông đã bị chìm vào quên lãng”.   Trớ trêu thay, giới làm phim trên thế giới nhất là tại Mỹ vẫn luôn nhắc nhở tới công lao của ông cho Nghệ thuật Thứ bẩy, nay đa số các cửa tiệmVideo, DVD và các thư viện tại Mỹ có cho thuê, cho mượn các phim của Akira nhất là Rashomon và Bẩy Người Hiệp Sĩ.

Từ một truyện ngắn đơn sơ hầu như không ai biết tới, Akira Kurosawa đã xây dựng lên một kiệt tác phẩm cân đối và hoàn chỉnh, có giá trị hiện thực xã hội và diễn tả hiện thực bản chất con người. Ở đây ta thấy điện ảnh đã diễn tả nghệ thuật thành công hơn văn chương, vượt hẳn lên trên sự diễn tả của ngòi bút, có thể đây là một trường hợp đạêc biệt, sự diễn tả chủ đề bằng hình ảnh lại sâu sắc, ý nghĩa, tuyệt diệu hơn là ngòi bút.

Cuốn phim đã đánh dấu bước tiến dài của điện ảnh Nhật và cũng là của Nghệ Thuật Thứ Bẩy nói chung.

© Trọng Đạt

© Đàn Chim Việt

5 Phản hồi cho “Rashomon: Một danh phẩm của điện ảnh Nhật”

  1. Minh Đức says:

    Trong phim Rashomon, cùng một vụ án mạng mà người chồng, người vợ, tên cướp thuật lại đều khác nhau. Càu chuyện của mỗi người được sửa đổi đi để mình không mang hình ảnh xấu trong đó. Cái Tôi là một trong những lý do khiến cho việc thuật chuyện bị khác đi. Cũng như cùng về cuộc chiến tranh tại Việt Nam mà các nhân chứng viết hồi ký lại có những chỗ khác nhau. Chỗ khác nhau này có thể do nhầm lẫn, cũng có thể do người thuật dấu đi một phần chi tiết để mình không bị mang hình ảnh xấu trong đó, cũng có thể do quan niệm về cuộc sống khác nhau nên nhìn sự việc với khía cạnh khác nhau .

  2. D.Nhật Lệ says:

    Ô hay tác giả bài viết này sao lại…nổi nóng mà cho bạn Thanh “chụp mũ” được nhỉ ?
    Bài viết được đưa lên cho mọi người đọc một cách công khai thì dĩ nhiên người đọc có quyền góp ý
    và tác giả có quyền bảo vệ bài mình viết.Tuy nhiên,bảo vệ cũng có năm bảy cách trong đó hay nhất là
    “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”,chứ ai lại tỏ ra…đốp chát như thế nhỉ ?
    Với tư cách 1 độc giả,tôi cũng tự hỏi là từ phim Rashomon đến tướng Cao Văn Viên có “dây mơ rễ má”gì với nhau không nhỉ ? Một chuyện phim (ảo) và một cuộc phỏng vấn giữa 2 con người có thật !
    Thân chào.

  3. Trong Dat says:

    Tra loi ban Thanh
    Trang dien tu+? na`o cung dang tai? nhie^`u ba`i lie^n quan de^n nhie^`u bo mo^n, nga`nh nhu+ chi’nh tri, van hoa’ nghe thua^.t, .. day chi? la` mot ba`i nghe thua^.t nhu tat ca? cac ba`i kha’c: nhu chinh tri, xa hoi… neu ban kho^ng thich ba`i nghe^. thuat chi? thich ba`i chinh tri la quye^`n cua? ban nhung ban du+`ng ( do not) ca^’m nguoi kha’c muo^’n doc bai ve van hoa nghe thuat. Bai na`y khong co’ muc di’ch chinh tri.
    Xin ba.n du+`ng chu.p mu~ tac gia? chuyen chu.p mu~ xu+a roi
    TD

  4. THANH says:

    Tôi tự hỏi sao bỗng dưng tác giả đưa bài này lên mạng. Thời điêm này không phải là dịp tổng kết các hoạt động điện ảnh của nước Nhật, cũng không phải là dịp tưởng nhớ đạo diễn Akira Kurosawa, và cũng không phải là dịp thế giới vinh danh sự nghiệp suốt đời của nhà đạo diễn tài năng này. Vậy thì đưa ra chủ đề sự thật lịch sử không phải là những gì đã thực sự xảy ra tác giả muốn nói điều gì? Phải chăng tác giả muốn gây hoang mang cho mọi người, làm cho họ không còn biết đâu là sư thật, phải chăng những điều mói phát hiên về ông HCM cũng không phải là sự thật? Phải chăng cả thế giới đã từ bỏ chủ nghĩa CS cũng không phải là sự thật? Hay sự thật là CNCS vẫn còn “sống hùng sống mạnh” tại VN, CUBA, và Trung Quốc? Điều này, theo tác giả, cũng không đúng nốt vì sự thật chả biết ở đâu mà mò (họa chăng là mò tôm).

  5. Minh Đức says:

    Phim Rashomon được đăng trên Youtube. Có thể vào đó xem toàn bộ cuốn phim.

Leave a Reply to D.Nhật Lệ