WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Văn minh du lịch xứ Angkor

Trên đường từ sân bay Siem Reap về trung tâm thấy bảng quảng cáo to tướng của VN Airlines với lời hứa “Đưa du khách đến 850 kỳ quan trên thế giới”. Đất nước mình có những điểm hẹn mà hàng tỷ người trên hành tinh mong được tới như Hạ Long, Phan Thiết, đảo Phú Quốc, cố đô Hoa Lư với 99 ngọn núi.

Múa Apsara

Đến một lần liệu du khách có còn quay lại? Xin chia sẻ vài cảm giác về du lịch xứ Angkor.

Chiếc máy bay của hãng Silkair (Singapore) hạ thấp dần độ cao để hạ cánh xuống Siem Reap. Từ cửa sổ máy bay có thể nhìn thấy biển hồ Tonle Sap hiện ra như một đại dương bao la giữa đất liền của xứ chùa Tháp.

Giữa mênh mông biển cả hiện ra những đám cây lúp xúp, vài chiếc thuyền đánh cá “bé tẻo teo”, cô đơn trên mặt hồ. Từ trên mây trắng khó biết được số phận mỏng manh của ngư dân sống trên đó. Nhiều người Việt đến từ Trà Vinh, Sài Gòn, Đồng Tháp, vì cuộc sống khốn khó tại quê nhà.

Sân bay Siem Reap với nhà chờ có mái cong mang dáng dấp chùa cổ kính của vùng đất vừa xa lạ vừa thân quen, một kiểu kiến trúc pha trộn hiện đại và dân tộc tính, điểm kết nối với lịch sử của nền văn minh Angkor từ ngàn năm trước với đương đại, sau nhiều thế kỷ bị quên lãng.

Kiểm tra hộ chiếu với tốc độ 1 phút/người. Du khách  có thể lấy visa khi tới sân bay với nụ cười tươi của các chiến sỹ biên phòng. Trong khách sạn, ngoài nhà hàng, người bán rong, đâu đâu cũng thấy nụ cười Khmer hiền hậu. Hỏi rất nhiều khách Tây, ai cũng nói Siem Reap “hay cười nụ” như nàng tiên Apsara.

Nếu tới Siem Reap cách đây mấy chục năm về trước, sau cuộc chiến đẫm máu, và so sánh với hôm nay, thì khó nhận ra diện mạo của thành phố đang thay đổi từng ngày.

Trên đường số 6, từ sân bay về thành phố, nhiều khách sạn và nhà cao tầng đang mọc lên. Xe túc túc, sáng tạo kiểu Khmer, là xe máy kéo một toa khách có mui che, ghế mềm cho du khách từng đôi có thể ngồi và đi dạo quanh phố với giá dưới 10$. Cách đây hai năm tôi đến đây, giá túc túc đi Angkor cả ngày là 7$. Bây giờ đã lên 12$, nếu típ thì khoảng 15$/xe. Vài năm nữa sẽ chẳng còn giá mơ ước đó nữa.

Dịch vụ mở ra như nấm sau mưa, massage truyền thống Khmer, Thái và cả Việt Nam với khoảng năm, sáu $/giờ. Có loại cá cắn chân rất thú vị. Du khách ngâm chân vào một chậu nước để cá nhỏ rỉa những phần thịt thừa trên ngón chân, kẽ chân và quanh bàn chân. Đôi chỗ cho miễn phí một chai bia khi ngồi đợi cá giúp rửa chân. Cá dùng đồ nhậu thịt thừa của bàn chân mỏi mệt sau chuyến thăm Angkor, người uống bia Angkor, há chẳng thú vị và công bằng.

Cửa hàng ăn mọc lên san sát, đủ loại từ 2$ đến 20$ một bữa, từ Á đến Âu, từ đầu bếp Trung Hoa đến kiểu ăn kiêng toàn rau của người Ấn hay đồ ăn chay của các nhà sư trong chùa. Thành phố nhộn nhịp và sống động như  chính nền văn minh Angkor được đánh thức sau nhiều thế kỷ ngủ triền miên trong rừng già Siem Reap.

Chiều tà Tonle Sap

Hàng năm có tới 4 triệu du khách tới thăm thành phố mang đậm kiến trúc Trung Hoa xen lẫn kiểu Pháp trên những phố cổ. Mỗi du khách tiêu khoảng 500$ và nếu nhân với 4 triệu thì sẽ biết Siem Reap thu về bao nhiêu tỷ.

Sân bay Siem Reap có đường bay thẳng tới nhiều sân bay nổi tiếng trên thế giới như Seoul-Incheon, Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur, Taiwan, Quảng Đông (Trung Quốc). Hàng năm đón hơn một triệu khách với khoảng 20 ngàn chuyến bay. Hiện đang có kế hoạch làm một sân bay khác cách trung tâm Siem Reap 60km với vốn đầu tư 1 tỷ đô la.

Trên phố ít thấy vứt rác bừa bãi. Những nơi đang xây dựng không thấy đất cát đổ lung tung, dù thành phố như một công trường đang xây dựng hối hả. Ô tô, xe máy đi lại không bấm còi inh ỏi, không ai phóng vội vã, chen lấn và xô đẩy. Đứng đợi rút tiền AMT cũng xếp hàng. Khó ai tin nếu bảo người Khmer lạc hậu hơn người Việt.

Vé vào thăm Angkor là 20$ do bác Sok Kung (nói tiếng Việt như gió) thầu. Bác này còn có hệ thống Sokimex bán xăng và nhà hàng đi kèm ở Cambodia.

Khu đền đài Angkor không thấy người bán hàng rong, kẻ hành khất, người già cả van xin du khách mua hương hoa vào chùa. Không hề thấy vỏ chai, vỏ đồ hộp hay rác thải vất bừa bãi. Khu Angkor rộng lớn bằng thành phố New York khá yên tĩnh trong khu rừng nhiệt đới mát mẻ, dù nắng nóng ở đây khá khắc nghiệt. Điểm hẹn của hành tinh là đây chăng?

Tôi đến đây lần thứ 2 và sẽ còn đến nữa nếu có dịp. Ngành du lịch xứ Khmer hiểu một nguyên tắc quan trọng trong ngành dịch vụ “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, nên số lượng du lịch ngày càng đông, Siem Reap sẽ phát triển rất nhanh.

Trong du lịch hay ăn uống, khách đến một lần và sẽ đến nữa thì coi như phần thắng nắm chắc trong tay. Người quay lại thường mang theo gia đình, bạn bè, người yêu. Điểm hẹn là nơi muốn quay lại.

Chúng ta thường dùng những vĩ từ, rằng Việt Nam là điểm hẹn, nhưng thường là hẹn…một lần. Khách tới chùa chiền, di tích, quanh bờ Hồ, kể cả chùa Bái Đính mới xây cũng bị bao vây bởi đội ngũ bán hàng chèo kéo, móc túi, ăn xin. Rác thải bừa bãi, nhà hàng mất vệ sinh. Vào cửa hàng mua bán thì bị nói thách trên trời, lườm nguýt, chửi bóng gió, kể cả đốt vía.

Du lịch trọn gói đôi lúc bị lừa đảo. Hướng dẫn giới thiệu qua loa thì khó mời ai quay lại nữa, dù đất nước có đẹp đến đâu, dù cửa khẩu có câu “See you again” viết to tướng. Người ta bảo, tính không chuyên nghiệp trong du lịch phá hoại hình ảnh quốc gia và cách xâm hại nền văn hóa dễ nhất.

Khách sạn Victoria giới thiệu tour du lịch “Sunset Boat” thăm hồ Tonle Sap với giá 33$/người, bao ăn trên thuyền và vé đi ca-nô thăm. Ô tô tới đón tại khách sạn, sau 30 phút đi mới tới cửa biển Hồ.

Anh thanh niên hướng dẫn du lịch, với tiếng Anh khá chuẩn và rõ ràng, giới thiệu về biển Hồ với một niềm say mê hiếm có. Sinh ra từ miền đất này nên anh trân trọng quê hương chăng? Hỏi ra mới biết không phải thế, anh ta đến từ Phnom Penh. Yêu nghề, yêu mảnh đất, hiểu biết về đất nước nên họ rất nhiệt tình với du khách. Khi có tâm thì mọi việc dễ dàng hơn.

Dân ta thường coi Cambodia là “chiếu dưới”. Khi nghe họ giới thiệu về Angkor với tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hàn, tiếng Trung như gió thì tôi cứ nghĩ người ta đang ngồi “chiếu trên”. Chục năm nữa thôi, với cách làm chuyên nghiệp của người Khmer thì dân tộc này sẽ nhanh hơn chúng ta nhiều. Sợ rằng, lúc đó chúng ta ngồi “chiếu dưới”, ngước nhìn váy Apsara bay phấp phới phía trên.

Ngoại thành Siem Reap còn khá nghèo. Dân chúng sống tạm bợ trên những nhà chòi cao do nước lụt ở biển Hồ lên khá lớn. Chiếc cano nổ như xe tăng T54 rời bến và tiến về phía cửa biển, cảnh tượng sông nước hiện ra như một thiên nhiên kỳ thú trong chiều tà Tonle Sap.

Những ngôi nhà nổi hai bên kênh tạo ra khu phố trên hồ. Nhiều người nghèo sống nhờ vào việc bắt cá tôm ở đây. Rất đông đến từ Việt Nam, có thuyền treo cờ đỏ sao vàng. Văng vẳng đâu đây lời tân cổ giao duyên của Nam Bộ, và cả lời hát tha thiết “quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày”. Với họ, quê hương không còn chùm khế ngọt, nên phải tha phương.

Dân dùng nước hồ, tắm giặt trên hồ. Người ta băn khoăn là chất thải “gửi” đi đâu. Nước đục ngầu nên chẳng biết nữa. Liệu trong mỗi cái thuyền có hố xí tự hoại?

Hầu hết có máy phát điện riêng nên buổi tối khá tấp nập dù chỉ là trên mặt nước. Chợ nổi, trường học nổi, trai gái hò hẹn trên thuyền, nổi cơn thì thuyền tự bồng bềnh, khỏi phải mất sức. Người Việt có hotel nổi. Cạnh đó là tầu của anh cao bồi USAID có cano chuyên phân phát nước sạch cho dân chúng trên thuyền.

Du lịch đi thăm khu đền Angkor được bảo vệ rất khá sạch sẽ và chuyên nghiệp. Khi thăm biển Hồ thì du khách hơi bị hụt hẫng bởi sự nghèo nàn, luộm thuộm. Ở đó có khá đông người Việt ta chăng, vì thấy chèo kéo, ăn xin, bán hàng vặt, thấy quen quen như ở xứ ta.

Kiếm tiền

Các cháu bé bơi trên một cái chậu nhôm hay chậu nhựa, quấn ngang bụng một chú trăn bé để mồi khách du lịch. Ai chụp ảnh thì các cháu bập bẹ “one dollar”. Thấy tôi nói tiếng Việt, một cháu bảo “nhà con đói lắm, không có tiền đi học”. Cháu khác khoảng 1 tuổi trần truồng nhưng đã biết giúp mẹ kiếm đô la bằng cách quấn chú trăn gấm lên cổ cho du khách chụp ảnh.

Không ít người trong chúng ta tới đây sẽ thấy buồn vì sao người Việt ta phải tha phương ở Tonle Sap để kiếm sống. Số phận họ mỏng manh như những chiếc thuyền giữa biển lớn đầy sóng gió. Có lẽ để đưa những con người ấy lên bờ và bước sang một trang khác trong cuộc đời phải mất khá nhiều thời gian ở ngay tại miền đất này. Bao giờ quê hương thứ hai của người Việt nơi đây thành chùm khế ngọt như lời hát trong chiếc thuyền trên sông vào lúc chiều buông.

Ở Siem Reap một tuần mà tôi bỗng thấy yêu con người và miền đất nơi đây. Có lẽ vì nhiều kỷ niệm đẹp, nơi tôi đến lần trước bằng đường bộ từ Phnom Penh và lần này bằng máy bay từ Singapore. Mỗi lần cho tôi một cảm giác mới lạ, như mới yêu lần đầu.

Không hiểu sao, trong tôi có niềm tin là Tonle Sap và khu đền đài Angkor mãi là một điểm hẹn mà VN Airlines hứa. Du khách tới thăm và “see you again” vì mong được đến lần nữa, mỗi lần lại một khám phá mới như nền văn minh Angkor huy hoàng có từ ngàn năm trước.

Nguồn: Hiệu Minh Blog

1 Phản hồi cho “Văn minh du lịch xứ Angkor”

  1. Vu Trung says:

    VN ở trong tay mấy thằng vc, thì cả tên nước cũng biến mất khỏi bản đồ thế giới chứ kể gì chiếu dưới chiếu trên.

Phản hồi