WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Những câu hỏi ở Würzburg

1.Tại sao tôi muốn tới  Würzburg?

Hè năm ngoái, khi đang loay hoay với Lục Bát Lên Đồng ở Hà Nội, tôi đã nhận được E Mail của Horlemann Verlag đề nghị tôi trao đổi  trực tiếp với chị Ulrike Mann về việc tổ chức buổi giới thiệu tiểu thuyết của tôi tại thành phố Würzburg.

Ngày 02 tháng 06 năm 2010, Ulrike Mann viết Email cho tôi. Chị  mời tôi tới Würzburg với tư cách tác giả trong buổi giới thiệu  sách. Chị đưa ra địa điểm thời gian có thể và không quên cho tôi địa chỉ Wesite của Weltladen Würzburg để tôi biết mình sẽ giao lưu với ai.

Thế rồi suốt  từ đầu  tháng 06 năm 2010, chúng tôi thư  đi thư lại, bỏ qua những dự định vào  tháng Bảy , tháng Chín, chốt lại vào tháng Mười vì cuối tháng 06 tôi có kế hoạch đi Côn Ming và  không thể trở lại Đức trước ngày 15.08.2010. Rốt cuộc, vì những lý do bất khả kháng, chúng tôi đã lại phải quên  đi cái hẹn vào 26 tháng 10 để chuyển cuộc giao lưu này sang năm 2011.

Người mời tôi đến đọc và giới thiệu tiểu thuyết ở Würzburg  không phải là nhà văn đại diện cho một cở sở văn hóa hoặc một tổ chức chuyên về  văn chương. Ulrike Mann Rösemeier  là một trong số 15 Ủy viên trong Ban chấp hành của Weltladen Würzburg, là nữ biên tập viên tờ LadenZeitung và là một cây bút trụ cột  trong nhóm báo chí sách vở của  Hiệp Hội.

Một cảnh ở Würburg. Ảnh flickr.com

 

 

Weltladen Würzburg chỉ  là một trong 850 Weltladen trên toàn nước Đức sau hơn 30 năm hình thành và phát triển. Hiệp hội có một Doanh nghiệp Thương mại. Doanh thu hàng năm ngót một triệu Euro. Họ chủ trương buôn bán một cách trung thực.  Họ khao khát và tin tưởng có thể mang lại nhiều sự công bằng hơn cho nền kinh tế thế giới  bằng cách đi sáng tạo  mà họ đã khởi hành từ 1977. Tại sao lại có một doanh nghiệp thuộc một Hiệp hội thương mại  muốn hội nhập vào nền kinh tế thị trường xã hội bằng con đường  buôn bán để tạo ra các cơ hội giải thoát cho sự lệ thuộc và nghèo khó cho người Á, người Phi. Sau khi dạo qua www.weltladen-würzburg.de  tôi rất muốn được gặp gỡ với những người bạn Đức ở đó.

Mãi đến hạ tuần tháng 12 năm 2010, sau khi những cơn bão tuyết  tạm ngưng tôi và Ulrike Mann mới chốt lại được  ngày giờ  cho việc giới thiệu  tiểu thuyết Giấc Mộng Orly tại Weltladen  Würzburg. Vốn là kẻ có máu tò mò,  sự trì hoãn của cuộc giao lưu  càng lâu càng làm những câu hỏi  trong tôi to phình lên.  Và hình như ở đó cũng đã và đang có  những  câu hỏi sẽ dành cho tôi. Ngày mà  tôi thỏa thuận với Ulrike chính là ngày mồng Năm Tết Tân Mão, tôi không thể không tới đó như một một chuyến du xuân.

2. Weltladen Würzburg  không chỉ  thuần túy là một Hiệp hội Thương mại.

Tầu đến Ga Würzburg đúng 12 giờ 28 phút ngày 07 tháng 02 năm 2011.  Y hẹn, Ulrike chờ tôi ở cạnh tiệm Hoa tươi  trên lối vào thành phố với tờ quảng cáo mầu vàng có chân dung tôi trên tay. Lần đầu tiên nhìn thấy nhau, cả kẻ đón lẫn người được đón đều cảm thấy xúc động. Chúng tôi bắt tay rất chặt và trân trọng chào nhau. Tôi bảo, Ulrike này, tôi thật may mắn. Hôm nay quả thực là nắng đẹp và ấm áp đúng như  chị  đã nói từ lúc chị chúc tôi không bị chìm trong bão tuyết ở Berlin. Sao chị lại có thể tiên đoán như vậy. Chị cười, tôi đã sống ở đây mười chín năm , cho nên tôi thuộc những  ngày mưa ngày nắng ở nơi này.

Ulrike Mann đưa tôi ra bến tầu điện. Chị bảo bây giờ mình về Trụ sở của Weltladen ở PlattnerStr14. Nhìn khuôn mặt phúc hậu, mái tóc cắt ngắn  cùng  dáng dấp nhanh nhẹn trẻ trung  của chi, tôi gật đầu tin cậy và cất lời hỏi han. Chị bảo chị tuổi Löwer. Nhưng xin lỗi Löwer  nào mới được chứ? Theo Tử vi Phương Đông thì  có tới 12 loại tuổi Löwer. Tôi là  Zwiling, sinh năm 1954, tuổi Ngọ. Còn chị?

Năm nay tôi 61 tuổi, sinh ngày 04.08. Thì ra chị tuổi Canh Dần, tuổi Hổ thế còn anh nhà?

Nhà tôi hơn tôi một tuổi. Sinh ngày 04.04 năm 1949. Bà xã tôi cũng tuổi Löwer như chị nhưng  sinh năm 1947. Chị ấy là người Việt?

Vâng. Vợ tôi, tốt nghiệp Luật ở Humbold Univesität  Berlin từ năm 1980. Hiện nay cô  ấy là Tổng giám đốc của ASIAGOURMET GmbH. Đó là một Hệ thống nhà hàng ăn nhanh với 5 Thương hiệu khác nhau có mặt ở các Trung tâm thương mại và các nhà Ga lớn tại nhiều thành phố  trên nước Đức.

Nhưng chưa kịp xuất hiện ở Würzburg. Chị vui vẻ góp chuyện một cách hóm hỉnh .

Tất cả đều có thể xảy ra. Tháng 11 năm ngoái, chúng tôi vừa tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Công ty tại Berlin. Sắp tới chúng tôi sẽ xuất hiện trong Sân bay Schönerfeld  cùng với 23 Thương hiệu sau khi đã vượt qua 653 Thương hiệu khác trong một cuộc sát hạch khó khăn.

Thông tin này làm tôi sửng sốt đấy. Vợ anh là một người tuyệt vời…

Chị có thể vào Wesite của chúng tôi.Tôi với cô ấy sống với nhau trong cuộc hôn nhân không có giấy giá thú đã hơn mười lăm năm. Trên giấy tờ thì vợ tôi vẫn có một ông chồng người Đức là Tiến sĩ Toán. À ha? Rất tiểu thuyết. Xin lỗi anh, tôi có điện thoại. Hallo Bernd ! 16 giờ nhé. Mình  làm món gì đó châu Á một chút nhé. OK!
Anh chị được mấy cháu?

Chúng tôi không có con.

Tôi hơi ngạc nhiên và những câu hỏi bỗng dưng khựng lại trong đầu cùng với cú phanh nhẹ của tầu điện. Tới nơi, tôi nhận ra Tiểu thuyết Giấc Mộng Orly và tờ quảng cáo cho đêm  giới thiệu tác giả  và sách của hắn đã được trưng bầy trang trọng trong tủ kính lớn của Weltladen bên cạnh một vài món hàng Mỹ nghệ Nam Phi.

Ulrike Mann giới thiệu tôi với Marina, giám đốc điều hành đồng thời là người phụ trách mảng văn hóa và đào tạo của Hiệp hội. Các nhân viên vừa làm việc vừa mỉm cười thân thiện  với gã khách mời. Chị bảo, anh hãy để hành lý trên văn phòng ở tầng 2, rồi  xuống đây uống một chút gì đó, sau đấy mình sẽ tranh thủ đi tham quan thành phố.
Tôi lấy ra  hộp  Sokola và 2 bộ sách mang theo để làm quà cho Ulrike  lúc gặp mặt, bỏ lại ba lô và túi Latop, chỉ mang theo máy ảnh và máy quay video.

Tôi xin một cốc trà đen không đường. Ulike Mann uống Cafe và không hút thuốc. Vừa nhâm nhi trà tôi vừa quan sát toàn cảnh không gian sẽ diễn ra cuộc giao lưu, tôi bảo.
Nhìn số lượng áp đảo của hàng mỹ nghệ  Afrika  trong cửa hàng của chị tôi biết vì sao chị đã viết  bài báo mang tựa đề: 50 năm độc lập tại Afrika- một dịp tốt cho lễ hội  trên tờ LadensZeitung.

Thì ra anh đã kịp đọc tờ báo của Hiệp hội chúng tôi trên mạng?

Vâng. Tôi  đọc bài viết của chị vì tôi rất mê Nam Phi. Cuối tháng Tư năm 2009 tôi  đã tới đó  theo một tour Du lịch.

Thật thế sao? Tôi thì chưa hề tới đó. Anh ở Nam Phi được bao lâu?

Trong hai tuần ở đó, tôi đi qua ba thành phố lớn của Nam Phi: Johannesburg, Port Elizabeth và  Cape Town.

Tuyệt  vời.Nhưng  anh thấy đấy hàng hóa của chúng tôi đâu chỉ có nguồn gốc từ  Afrika. Chúng tôi bán cả hàng hóa từ Châu Á, từ  Mỹ latinh nữa đấy chứ. Tất nhiên chúng tôi không chỉ là một Hiệp hội thương mại với tinh thần ái hữu. Weltladen Würzburg  không chỉ là cơ sở giao thương  mà còn  là nơi gặp gỡ, là nơi  khuyến khích  các  quan hệ  với con người ở những vùng  văn hóa khác nhau. Cho nên chúng tôi kinh doanh rất nhiều tiểu thuyết và các loại sách của các tác giả ở ngoài Châu Âu.

Vâng, tôi hiểu, vì tôi đã vào Website của Weltladen và đã đọc mục Sự gặp gỡ của văn hóa như là một hình thức đào tạo  trong điều lệ của Hiệp hội.

Cảm ơn anh.

3. Sẽ không có người Việt nào đến với Giấc mộng Orly ở Würzburg.

Như đã thỏa thuận qua Email, vào lúc 13:30 Ulrike Mann và tôi rời khỏi trụ sở Weltladen để bắt đầu  chương trình du ngoạn dạo qua  những nơi đáng ngắm nghía nhất của Würzburg.

Lúc lên tầu, tôi nói ngay với Ulrike Mann.

Ngày mai tôi sẽ  lên tầu  trở lại Berlin  lúc 11 giờ 28 phút.

Chị bảo OK! Biết vậy để  sử dụng thời gian một cách hợp lý. Tôi muốn anh nhìn ngắm được nhiều  nơi  đẹp đẽ  ở đây. Khi đói mình sẽ vào một nhà hàng nào đó và anh có thể chọn món hợp khẩu.

Tôi bảo, không cần đâu, mình chỉ cần ăn nhanh để có thể đi và xem được nhiều. Tôi chỉ cần Bochwurt, bánh mỳ  là ổn.  OK ! vậy thì mình ra khu Chợ ở Quảng trường, tôi cũng đói rồi.

Mỗi người làm một xuất Bochwurt , chúng tôi lững thững  vừa đi vừa ăn, vừa  từ tốn khoan thai  nhìn ngắm  những tòa nhà xung quanh Quảng trường, nơi ngày xưa là nơi họp chợ của thị dân.

Chị chỉ cho tôi sự cổ kính cũ kỹ  xen lẫn sự  hiện đại mới mẻ của những tòa nhà lớn. Chị cho tôi nhìn ngắm cả sự hoang vắng cô liêu của của một vài con phố, một vài nhà hàng xưa cũ vốn  chỉ có thể đông đúc vào mùa du lịch, sau đó  đưa  tôi đi dạo những vòng ngoài và vào ngắm nghía các tác phẩm điêu  khắc ở  từng khu vực đặc biệt bên trong  nội thất của Kiliansdom.

Ulrike này, thú thật, tôi là thằng hay đi đây đi đó,  ở Đức,  tôi chưa thấy một thành phố  nào nhỏ cỡ 150 000 cư dân  na ná như Würzburg mà  lại có một quần thể Nhà Thờ với những nét kiến trúc đa dạng như ở đây. Chị tán thành. Đúng, ngay từ năm 742, nhà thờ  Mẹ của Bonifatius đã được thiết lập thành một   khu vực của các Giám mục. Cái Dombau đầu tiên được xây cất từ ngày 08 tháng 07 năm 787, năm 788 thì khánh thành. Kể từ năm 855, hỏa hoạn và giông bão đã tàn phá  dần từng Dombau.  Từ  năm 1000 trở đi sự khôi phục và làm mới lại mới được khuyến khích. Bắt đầu từ đời Giám mục Bruno ( 1034-1045) mới có những sự làm mới lại với một quy mô lớn cho đến hôm nay. Và ngay tại vòm cổng của một nhà thờ chị chỉ cho tôi ba vết khắc khi lại ba mức nước vượt quá đầu người của những trận lũ lụt kinh hoàng đã từng làm hoang phế nơi này từ nhiều thế kỷ trước.

Khi rảo bước lên cây cầu có vô số những bức tượng  tráng lệ của nghệ thuật điêu khắc, tôi bảo thì ra Würzburg nằm bên dòng sông Mainz. Và hình như quê hương của Anna Seghers cũng ở bên dòng sông này  trên địa phận thành phố Frankfurt . Ulrike Mann gật đầu ngạc nhiên khi thấy tôi cũng biết đến sự nổi tiếng của tiểu thuyết Cây Thập Tự Thứ Bảy. Trước khi thành văn nhân, Anna Seghers  vốn là con gái một thương gia chuyên buôn bán đồ mỹ nghệ  và có lẽ bà ấy cũng từng là một doanh nhân. Ulrike Mann hồ hởi bổ sung, bà ấy rất giỏi ngoại ngữ nữa. Và chị  vui vẻ khi tôi nhờ chị chụp cho tôi một kiểu ảnh trên cây cầu vắt qua dòng sông đang ầm vang vì có những con nước đang tràn qua một đập chắn ương ngang. Nhắc chị bấm liền hai kiểu cho chắc ăn. Sau đó tôi nhờ một trong hai cô gái có vẻ sinh viên đang hóng nắng gần thành cầu chụp cho tôi và Ulrike. Cô gái tươi cười và xử lý ngay hai kiểu ảnh cho hai du khách tình cờ thích nhờ.

Phải nói là óc tổ chức của Ulrike xứng đáng  với người có tuổi Löwer sinh nhằm năm Hổ. Tranh thủ lúc trời còn nhiều nắng chị cho tôi lên cầu để cúi nhìn sông chảy băng băng, nghe sóng rền vang réo rắt và ngước mắt ngắm nghía những lâu đài dát nắng trên triền núi cao phía mà chị bảo còn có những pháo đài cổ tráng lệ.

May cho tôi là chiều hôm ấy khu Residenz & Hofgarten Würzburg vẫn còn hướng dẫn viên và du khách có thể tham quan đến đến 16 giờ 30. Ulrike Mann hồ hởi mua vé vào cửa. Đôi khi linh cảm thấy tôi không  nghe  kịp và hiểu không hết vì hướng dẫn viên nói quá nhanh, chị lại giải thích thêm. Mỗi  lúc chuyển vùng thuyết minh anh chàng hướng dẫn viên  lại yêu cầu du khách chuyển vị trí quan sát để nhìn thấy rõ những  mảng kỳ quan của nghệ thuật  tạo hình trên tường lớn  trập trùng, trên vòm  trần cao rộng. Vừa nghe tôi vừa tranh thủ bấm máy lưu giữ lại những hình ảnh tư liệu khó tìm ở nơi đã từng là Hoàng cung của các Vương hầu, lãnh Chúa, là  nơi tụ họp của các Giám mục và Tổng giám mục được nhận tước vị Vua ban.  Đây là cả một hệ thống lâu đài quan trọng nhất của nghệ thuật Barock  tại Châu Âu. Có thể nói  khu cầu thang với đường  lên lối  xuống  khoan thai đường bệ đã làm tôi sững sờ. Tôi mỏi cổ ngước ngắm  hai khu vòm  nóc mênh mông với những bích họa hoành tráng tràn đấy kịch tính với các hình tượng  sống động mô tả một cuộc giao tranh khốc liệt của ngũ hành nhân sinh giữa quang cảnh thiên nhiên kỳ vĩ.  Ulrike Mann bảo tôi, đây là dấu ấn của kiến trúc sư Balthasar Neumanns  và  Giovanni Battista Tiepolo  thiên tài, họ là những nghệ sĩ bậc cao của thế kỷ

18. Nhớ lại những lâu đài cung điện 300 năm tuổi  ở St. Peterburg  mà mình đã lượn qua hồi cuối tháng Chín năm ngoái, tôi  âm thầm ngưỡng mộ Châu Âu, ngưỡng mộ cả sức sáng tạo trong sự giang hồ của các nghệ sĩ  phiêu bạt.

Vạt nắng quái  cuối ngày lạnh nhấp nhô trên dưới 0 độ lất phất ngang mặt khi  chúng tôi kết thúc chương trình dạo phố để lên tầu về  nhà.

Ulrike bảo,  nhà  tôi  đang chuẩn bị nấu ăn. Anh ấy định lái xe  đi đón nhưng tôi không cho.

Tội gì  mình đi tầu về  tiện hơn.

Bằng cách nào mà chị có Giấc Mộng Orly trong tay để mà có ý tưởng cho cuộc gặp gỡ này.

Tôi đọc Katalog năm 2010 của Horlemann Verlag và tôi chọn Giấc Mộng Orly. Biết nguyện vọng của tôi, nhà xuất bản đã giới thiệu tôi với anh qua Email từ tháng 05 năm ngoái để tôi có thể trực tiếp thỏa thuận với tác giả. Berlin cách chúng tôi 565 km chứ có gần đâu.

Chị có quan hệ bè bạn gì với  Horlemann không?

Không hề. Chúng tôi chỉ trao đổi với nhau qua telefon. Sau khi có Email của anh thì tôi bắt đầu tự  xắp đặt lịch với tác giả.

Cảm ơn chị. Tôi hỏi thật nhé, chị có thời gian để  đọc hết cả cuốn Giấc Mộng Orly không?

Tôi đọc hết rồi chứ. Thấy rất thú vị và vì thế tôi mới quyết định làm lịch với anh.
Có lẽ đây là lần đầu tiên có một nhà văn Việt đến giới thiệu tiểu thuyết  ở Würzburg?

Đúng thế ,  Ulrike Mann tươi cười thừa nhận câu hỏi của tôi.
Qua  ga thứ bảy, Ulrike Mann nhắc tôi xuống tầu.

Bách bộ hơn mười phút thì tới nơi.  Đó là ngôi nhà hai tầng trong dãy biệt thự liền kề sóng vai nhau dọc một triền phố không lớn, lượn dịu dàng qua một vùng đồi nhà nhấp nhô vườn tháp. Chị mở cửa đẫn tôi vào sảnh nhỏ, chỉ cho tôi chỗ treo áo, chỗ để giầy đi trong nhà, thoăn thoắt vào gian bếp lấy nước mời khách. Trong khi  chị gọi điện cho chồng thì tôi tự nhiên như đang ở trong ngôi nhà của một người họ hàng thân thích. Tôi đi lại ngắm nghĩa sự bày biện và trang trí nội thất của chủ nhà.

Bernd  Rösemeier, xuất hiện cao lớn  trong  sơmi caro với quần kaki xanh công nhân có yếm. Chị giới thiệu. Đây là Bernd, nhà tôi. Trong khi mỉm cười và bắt tay Bernd,  tôi cảm thấy sự chắc mộc và từng trải của  bàn tay và nhận ra nụ cười  đón khách rất đôn hậu của Bernd. Chị  bảo chồng, anh chuẩn bị xong món Spaketti chưa, Thế Dũng là người của ASIAGOURMET, anh nấu thật cẩn thận đấy. Tôi phấn chấn và hồn nhiên khoe ngay địa chỉ www.asiagourmet.de cho Bernd. Thế là cả  hai anh chị chụm đầu xem lướt rất nhanh  diện mạo của một thương hiệu ẩm thực đang nổi tiếng ở Đức. Bernd cũng  là một  Manét nên anh nhấp chuột  rất  nhanh và  chính xác để  nhận ra  hơi thở của  Người Châu Á Sành điệu. Sau khi sự tò mò được giải tỏa,  Ulrike đưa tôi lên tầng hai,  dẫn tôi vào căn phòng mà vợ chồng chị đã chuẩn bị sẵn giường đệm chăn gối để tôi nghỉ  qua đêm. Chị không quên chỉ dẫn đâu là  buồng tắm.  Tôi cảm ơn  sự ấm cúng  mà  vợ chồng chị đã dành cho mình và cùng chị  trở lại bàn ăn ở tầng một. Khi cả hai anh chị ngồi trước mặt tôi.  Tôi lấy nậm rượu bằng inoc, ngỏ ý xin chị ba cái ly nhỏ, rót ra ba ly. Ulrike hỏi , đây là rượu Việt Nam  ư ? Không phải, đây là Remi  Martin. Hôm nay, theo Âm lịch thì người Việt Nam vẫn  đang là Tết.  May mắn cho tôi là đầu Xuân tôi được tới nhà anh chị , xin phép được mời anh chị một ngụm rượu mừng Xuân và cũng là mừng cho sự gặp gỡ của chúng  ta.  Cả hai vui vẻ nâng ly cùng tôi. Tuy vậy Bernd chỉ nhấp một ngụm cho đủ lễ. Anh phân trần. Khuya về mới uống, bây giờ tôi chuẩn bị nấu nướng  cái đã. Dứt lời anh vào bếp ngay, mặc tôi và Ulrike ở phòng khách trao đổi công việc . Chị mở cuốn Giấc Mộng Orly trước mặt đề nghị, mình nên chốt lại trình tự cho buổi tối nay, anh sẽ đọc mấy trang và tôi sẽ đọc Chương nào và bao nhiêu trang? Tôi nói, chị là MC. OK ! Như đã trao đổi qua Emal, chúng ta sẽ đọc  Chương 3, chương 4 và Chương  10 ; nhưng mỗi  Chương ta không đọc hết mà chỉ đọc 3, 4 trang.

Anh nên chỉ rõ cho tôi biết ngừng đọc ở chỗ nào.

Theo chị thì có người Việt nào sẽ đến dự buổi tối nay không?

Chị lắc đầu bảo. Ở đây rất ít người Việt. Tôi không thể đoán được.

Tôi đoan chắc là chỉ có người Đức tới. Sẽ không có người Việt nào đến với Giấc Mộng Orly ở Würzburg.

Sao anh lại đoán trước như thế?

Tiểu thuyết của tôi xuất bản bằng tiếng Việt từ năm 2003, với người Việt dù là người Việt ở nước ngoài thì đó cũng đã là chuyện cũ. Ấn bản triếng Đức thì mới có từ năm 2010, cho nên nó chỉ là mới đối với bạn đọc Đức. Cho nên, tối nay, chắc là tôi sẽ không gặp được người đồng hương nào của mình đâu. Và như vậy, tôi sẽ chỉ đọc 2,3 trang của Chương 3. Sau đó tôi sẽ mời chị đọc. Trong khi chị đọc tôi sẽ quan sát cử tọa và khi nào tôi đề nghị chị dừng thì chị tranh thủ giải lao. Tôi sẽ tóm tắt nội dung của từng chương  sau mỗi lần chị dừng lại để dẫn dắt độc giả. Theo tôi, phần đọc nên ngắn, để có nhiều thời gian dành cho sự phỏng vấn của người  đọc với tác giả.

OK! Tôi hiểu ý anh.

Chắc chị cũng phải nghỉ ngơi một chút đi. Tôi  muốn chợp mắt khoảng 15,20 phút. Hôm nay mình đi bát phố hơi bị nhiều.

OK! Tôi cũng thấy hơi mỏi chân. Đúng  18 giờ kém mười lăm, Bernd sẽ cho chúng ta ăn theo kiểu Châu Á.

4. Những câu hỏi xung quanh Giấc Mộng Orly

Cung cách sống như  đôi vợ chồng son  của Ulrike mann và Bernd  Rösemeier làm tôi rât khoái. Hầu như mọi việc đều do chị vợ xắp đặt và anh chồng tuân thủ rất ngoan. Họ  đã  rất từng trải. Đã sống với nhau 28 năm. Năm nay chị  61, còn anh đã  62. Vậy mà tại sao họ không có con? Tôi gạt phắt những  tự vấn lăn tăn vì con quỷ tò mò để  có thể ngủ chín ngủ sống lấy mươi mười lăm phút. Đúng 18 giờ kém 15, tôi xuống  nhà với quần áo tề chỉnh thì đã thấy anh chị ngồi đợi tôi với thìa đĩa dĩa dao khăn ăn cùng với  một chảo đồ xào xền xệt có gam mầu nâu nhạt xen đỏ thẫm theo kiểu Châu Á để ăn với  với một khay mỳ Spaketti  đã được luộc hấp còn đang bốc khói.

Tôi nhận ra sự cố gắng chiều khách trong sự phong phú về thành phần cũng như mùi vị của món nước xốt. Có rau, có  thịt bò có ớt tươi có nấm hương và có cả vải thiều. Tôi bảo, không ngờ anh lại có thể nấu ngon như thế này. Tôi ăn nhiệt tình với  cảm hứng của một kẻ hay ăn chóng đói bẩm sinh. Anh chị hỏi có thấy ngon miệng không? Tôi bảo bụng thì no rồi mà  miệng vẫn muốn ăn. Anh chị cười  thân mật, có vẻ không tin là tôi nói thật.

Xong bữa,  chúng tôi lên xe. Bernd cầm lái, Ulrike ngồi ghế sau, tôi ngồi cạnh Bernd. Chúng tôi  đến Trụ sở Weltladen vào lúc 19 giờ 30 đã thấy hơn mười người đã có mặt đứng ngồi và trò chuyện huyên hoa. Với kinh nghiệm đã trải qua trong cuộc giới thiệu Giấc Mộng Orly ở nhà Văn chương Berlin tối 27.11.2011 và  tối 08.12.2011 ở Thư viện Heinrich von Kleist  ở quận Marhzan Berlin,  tôi ước đoán may mắn lắm thì  có khoảng  hai mươi hai lăm người tới . Nhìn quang cảnh khán phòng, tôi biết là  sau 18 giờ các cộng sự  của Ulrike  Mann đã  dồn các bàn, các kệ trưng bầy hàng mỹ nghệ, bách hóa lại để xắp đặt, kê cóng bàn ghế cho  một không gian vừa đủ cho khoảng ba mươi ba lăm người tụ họp  để trao đổi chuyện văn chương với một gã nhà văn Việt xa lạ. Một bàn được dành riêng để bày khoảng hai ba chục cuốn Giấc Mộng Orly và một số tập thơ Mùa Xuân Dang Dở. Thì ra Weltladen đã lấy sách từ Horlemann Verlag để bán. Vì dường như chỉ có nhà xuất bản này thường hay xuất bản tác phẩm của các tác giả châu Á. Tại đây họ đã in sách của hai tác giả Việt Nam là Dương Thu Hương và tôi.

Tôi ngồi ở phòng trong chuẩn bị xắp đặt các ý tưởng sẽ diễn đạt. Mặc dù thấy Bernd đã lăm lăm trong tay một  Canon  rất xịn, tôi vẫn đưa cho anh  máy ảnh và máy quay Video của mình ngỏ lý nhờ anh chủ động làm phóng viên ghi lại những gì mà anh thấy. Anh vui vẻ nhận lời.

Đúng 20 giờ, Ulrike Mann và tôi vào vị trí. Quả thật là không thấy có một khuôn mặt Việt nào trong khán phòng và số lượng cử tọa trước mặt tôi đa số là phụ nữ chắc chắn không dưới 20 và cũng chẳng tới  25 vị.

Sau lời giới thiệu của chị về tác giả, chúng tôi ngồi cạnh nhau và tôi bắt đầu cất lời. Tôi cố gắng nhập  đề thật gọn. Cảm ơn sự có mặt của các bạn, hai mươi mốt năm trước, tháng  Tư năm 1989, tôi đã tới Đông Berlin như là một Thợ khách. Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, nước Đức thống nhất, tôi tình cờ trở thành cư dân  tại CHLB Đức và sinh sống ở Berlin, suốt từ bấy đến nay. Năm 1991 tôi viết xong  tiểu thuyết này. Mãi đến năm 2003, cùng một lúc một nhà xuất bản ở Hà Nội và một nhà xuất bản ở Mỹ đã in Hộ Chiếu Buồn.  Khi tìm hiểu một cuốn tiểu thuyết các nhà nghiên cứu thường nói đến đề tài, đến nhân vật, đến bố cục cốt chuyện…v..v… Chắc các bạn là các bạn đã từng đọc cuốn Thời gian để sống, thời gian để chết của Maria  Erich Remarque. Ông còn là tác giả của cuốn Phía Tây không có gì lạ và là nhà văn Đức đã chạy khỏi nước Đức từ năm 1933. Giống như  Erich Remarque , tiểu thuyết của tôi cũng chỉ  tập trung kể về một nhân vật. Hắn không phải là một người lính trong Đại chiến thế giới lần thứ Hai  mà là một trí thức  còn rất trẻ trong thời hậu chiến ở Việt Nam vào những năm 80. Thời gian để sống của hắn là thời gian hắn vô cùng cố gắng và nhẫn nại để đi tìm cho mình một  sân bay  để  tự do cá nhân của hắn có thể cất cánh. Có thể nói nhân vật chính trong tiểu thuyết của tôi loay hoay tìm  kiếm và giải phóng  tự do cá nhân của hắn bằng một giấc mộng. Giấc mộng đó có tên là Orly. Bây giờ, tôi xin phép đọc một vài trang của Chương thứ Ba bằng tiếng mẹ đẻ để các bạn nghe thử  âm sắc của tiếng Việt. Nhìn những vẻ mặt nhìn nhau gật gù, những khóe  môi thì thào vào tai nhau của khán giả tôi biết ít nhất có đến hai phần ba trong số họ đã đọc Erich Remarque.

Sau khi đọc được hai trang của Chương Ba bằng ấn bản tiếng VIệt, tôi dừng lại chuyển dòng tự sự. Thưa các bạn, bây giờ,  Ulrike Mann Rösemeier sẽ đọc bằng tiếng Đức để các bạn dễ hiểu hơn. Chương này, sẽ kể đôi chút về hoàn cảnh gia đình, về đôi ba kỷ niệm thời thơ ấu của nhân vật chính.

Ulrike Mann bắt đầu vai trò của mình bằng một giọng đọc khá chuyên nghiệp. Tôi theo dõi sát từng dòng từng đoạn. Sau khi thấy chị đã đọc qua  đoạn đối thoại  nhiều tính hài ước giữa ông xã đội trưởng  và người cha của nhân vật chính tôi kín đáo ra hiệu để chị dừng lại và  tiếp tục dẫn chuyện.

Thưa các bạn, bây giờ các bạn có thể nghe chương thứ Tư. Các bạn sẽ thấy nhân vật chính của tôi đã tự học tiếng Đức ra sao, đã sống với những cảm xúc phiêu lưu trong sự bất an, bất hòa với  thế giới xung quanh ra sao. Vâng xin mời chị Ulrike Mann. Người đọc lại cố gắng hết sức để diễn cảm tưng sắc thái ở từng đoạn tự sự, đối thoại hoặc độc thoại. Và tôi  đợi đến đoạn nhân vật chính  chia tay người góa phụ trong một  đêm trăng suông buông thả  mới  ra hiệu để Ulrike Mann có thể giải lao trong khi tôi vào vai MC.

Bây giờ, tôi xin phép được nhảy cóc  sang Chương thứ Mười. Chương này sẽ kể về một trong những cuộc phiêu lưu tình ái của hắn.  Cho đến lúc  giọng đọc của Ulrike Mann mất đi đôi chút  gãy gọn, uyển chuyển  cũng là lúc người tình của nhân vật chính bộc lộ chân thành  với hắn là chưa bao giờ nàng  hạnh phúc như thế. Tôi thấy đây chính là lúc cần phải ngưng lại, bèn khe khẽ giơ ngón tay  trỏ ra hiệu  cắt ngang, mời Ulrike ngừng  đọc. Thưa các bạn, trong Giấc Mộng Orly nhân vật chính của tôi có không ít những cuộc phiêu lưu tình ái như vừa rồi. Muốn biết số phận hắn ra sao, những ai chưa đọc hết xin mời về nhà đọc tiếp, những ai chưa đọc tý nào xin mời mua sách ngay tại đây để đọc. Bây giờ, đến lượt tôi nghe các bạn.

Nghe tới đó, Ulrike Mann hiểu ngay vòng cua của kịch bản giao lưu. Chị lập tức làm người dẫn dắt cuộc trò chuyện giữa khán giả và tác giả.

Bây giờ, các bạn có thể  hỏi bất cứ điều gì mà các bạn muốn. Chị quay sang tôi và  vào cuộc ngay.

Thưa  anh, đọc tiểu thuyết này tôi thấy các nhóm  từ một chỉ vàng một cây vàng rất hay xuât hiện và  người Việt rất hay sử dụng vàng  để mua bán, tiêu pha. Tại sao vậy ?
Vâng, có lẽ đây là một thói quen  của người Việt. Mà cũng chẳng phải riêng người Việt,người Châu á nói chung và đặc biệt là người Đông Nam Á rất thích cất giữ vàng. Sợ đồng tiền giấy bị mất giá cho nên khi có tý vốn dư dả ai cũng muốn mua vàng để cất giữ phòng khi  cần tới.

Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân  cũng trải Đồng Nai đã từng

Anh có thể giải thích tại sao đàn ông Việt Nam cứ phải biết cả Phú Xuân và Đồng Nai?

Đây là một cách nói dân gian có nghĩa là làm đàn ông thì phải từng trải, phải đi đây đi đó. Đất nước tôi có ba miền Bắc Trung Nam. Phú Xuân là một địa danh nổi tiếng cả về văn hóa lẫn lịch sử, là kinh đô ở miền Trung còn Đồng Nai thì là địa danh nổi tiếng ở miền Nam. Câu này có lẽ là để nhắc nhở một anh đàn ông Việt Nam là không chỉ loanh quanh ở Hà Nội mà phải biết cả Phú Xuân lẫn Đồng Nai thì mới là đàn ông đích thực. Cũng tương tự như một phụ nữ ở đây rất thích người đàn ông Würzburg của mình phải phải biết cả Berlin, Paris lẫn Luân Đôn thì mới là tay chơi.

Anh đã tới sân bay Orly chưa?

Orly thì chưa nhưng tôi đã nhiều lần lên xuống sân bay Charler Degaul.

Cũng tới Đông Berlin năm 1989, vậy thì nhân vật chính trong tiểu thuyết  có phải chính là hình ảnh của tác giả và Giấc Mộng Orly có đích thực là một tiểu thuyết tự thuật không?
Không. Đây không hề là một tiểu thuyết tự thuật. Nguyên mẫu của nhân vật chính là một người quen của tôi. Ngôn ngữ của hắn có thể phảng phất một chút xíu giọng điệu của tác giả nhưng  hắn không phải là tác giả. Khi cuốn sách này in ra thì nguyên mẫu của tôi đã bị mất tích trước đó bảy năm. Anh ta mất tích tại Berlin vào tháng Một năm 1996. Theo những người đồng hương của tôi kể lại thì vài tháng sau, công an Đức  tìm thấy xác anh ấy đã bị chặt làm nhiều mảnh rồi giấu trong  Ôtô ở một cánh rừng. Cuốn sách tiếp theo: Đến Berlin mà chết chưa thể xuất hiện vì sự mất tích của hắn có nhiều mối liên quan quá phức  tạp.

Tại sao nhân vật này không tìm cách bay thẳng sang Orly mà lại phải tìm cách sang Đông Đức?

Ở Việt Nam, những năm 70, những năm 80, những người trẻ tuổi luôn luôn ao ước được sang Liên xô và các nước Đông Âu. Thường dân muốn đến một nước tư bản phương Tây là một vấn đề cực kỳ khó khăn. Người có được một chuyến bay công vụ thẳng từ Hà Nội đến Paris phải là một chuyên gia tên tuổi hoặc quan chức cao cấp của chính phủ; đường nhiên phải là Đảng viên đảng cộng sản hoặc là người  được nước Pháp mời đích danh và được cả bộ nội vụ lẫn Bộ ngoại giao phê chuẩn. Nhân vật chính của tôi là một trí thức trẻ, hắn không thể đủ tiêu chuẩn để bay thẳng đến Orly. Nhưng để sang Đông Đức làm Đội trưởng hay Phiên dịch cho một Đội lao động thì hắn có thể. Vì hắn có khiếu Ngoại ngữ và hắn biết cách để vượt qua các chướng ngại của  quyền lực.

Trong tiểu thuyết, nhân vật chính trong tiểu thuyết là thầy giáo tiếng  Pháp của Sở y tế của tỉnh. Lẽ ra, sau khi ra trường,  anh ta phải là giáo viên ngoại ngữ ở một trường Trung học chứ? Tại sao lại có chuyện này.

Vâng anh nói đúng, thông thường thì  sau khi tốt nghiệp khoa tiếng Pháp của Đại học Ngoại ngữ Hà Nội thì nhân vật chính của tôi sẽ được phân công đi dạy tiếng Pháp ở các trường phổ thông trung học hoặc  ở lại giảng dạy đại học. Vào những năm 80, ngành Y tế của Việt Nam có nhu cầu đào tạo các Bác sĩ  sang làm chuyên gia hoặc giảng dạy đại học ở Algeri. Đó là một quốc gia Pháp ngữ, là con trai một ông nông dân, nhân vật của tôi không thể được chọn vào bộ ngoại giao hay bộ nội vụ. Cho nên được trở thành giáo viên tiếng Pháp đối với hắn đã là rất may mắn. Hắn cố ý  lựa chọn vị thế ấy vì từ đó hắn có thể dễ dàng tiếp xúc được với các nhân vật quan trọng của hệ thống quyền lực để đạt được Giấc mông Orly. Đọc kỹ, anh sẽ nhận ra điều đó.

Hình như người Việt Nam hay có Giấc Mộng Orly vì Việt Nam đã từng là thuộc địa của Pháp? Có phải thế không anh?

Rất có thể là như vậy. Văn hóa Pháp ảnh hưởng nhiều đến các trí thức Việt Nam từ đầu thế kỷ XX. Thế hệ trí thức ở bậc ông bà, cha mẹ tôi đều sử dụng tốt Pháp ngữ. Nhưng cũng không hẳn là chỉ có  thanh niên Việt Nam mới có giấc Mộng Orly. Tôi đã đọc cuốn Bà Bôva ry đến từ Brandenburg của nữ văn sĩ  Đức Sabine Kebir. Nữ nhân vật người Đông Đức trong tiểu thuyết của Sabine Kebir cũng ao ước tới Paris. Mới đây, trong một bài điểm sách, Sabine Kebir còn cho tôi biết là còn  có một nữ nhân vật tiểu thuyết của một nữ văn sĩ  Anbani cũng bỏ Tirana chạy sang sống ở Paris và đã vỡ mộng tại đó.

Trong Chương Mười, nhân vật của anh có nói đến một thứ văn chương phá bĩnh và một số tên tuổi các nhà văn của dòng văn chương này. Anh có thể giải thích rõ hơn về khái niệm văn chương phá bĩnh được không?

Cảm ơn anh. Một câu hỏi rất thú vị. Vâng, những nhà văn và những tác phẩm được nhân vật chính kể ra trong tiểu thuyết đều là những tên tuổi thật của văn chương Việt Nam.Có một thời kỳ họ đã được xếp vào dòng văn chương phá bĩnh. Có lẽ khái niệm này,  xuất phát từ cái nhìn kẻ cả của những người có quyền thẩm định và  kiểm duyệt văn chương. Nhưng đôi  khi  khái niệm “văn chương phá bĩnh” lại được vài ba  nhà phê bình đương thời nhắc đến hoặc sử dụng với một tình cảm trìu mến, trân trọng.

Thế anh thì sao? Anh có thuộc về dòng văn chương đó không?

Vào những năm 80, khi các nhà văn nổi tiếng ở Việt Nam đã tạo ra cả một dòng văn chương phá bĩnh thì dường như tôi hoàn toàn vô danh. Bây giờ thì  tôi cho rằng mình thuộc về dòng văn chương bất an. Tim tôi, óc tôi luôn chất chứa nhiều câu hỏi. Đôi khi,  nhân vật của tôi  luôn mất ngủ vì chưa thể hoặc không thể  tìm ra câu trả lời cho đời sống của hắn.
Vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam hiện nay ra sao?

Theo tài liệu  của Văn Bút Quốc tế thì  hiện nay trong số 17 nước có vấn đề đàn áp tự do ngôn luận  thì Việt Nam là nước có  tới 25 người cầm bút bị bắt giữ, đe dọa; chỉ thua Trung Quốc  là nước có 27 nạn nhân là người cầm bút  được Văn Bút Quốc Tế gửi  thư thăm hỏi tới tận trại giam trong dịp năm mới vừa qua. Tuy nhiên, so với những năm cuối của thế kỷ trước thì sự tự do ngôn luận và tự do báo chí ở Việt Nam đã thay đổi  rất nhiều. Những gì ngày xưa  cấm đoán, o ép thì bây giờ tự do thoải mái hơn nhiều. Đặc biệt là sự tự do phát triển kinh tế Tư nhân đã làm cho kinh tế Việt Nam có một sức sống mới. Nhưng Báo chí, nhà xuất bản Tư nhân thì vẫn chưa được phép.
Hiện nay, việc chuyển hộ khẩu từ các tỉnh  về Hà Nội có còn khó khăn hay không?

Có lẽ không phức tạp như trước nữa; nhưng cũng không dễ dàng như ở Đức. Ngay từ thời DDR, một người ở tỉnh muốn về nhập hộ khẩu ở Đông Berlin chỉ cần thuê lại được một nơi ở ngay tại Đông Berlin để rồi  sau một năm  có thể trực tiếp thuê một căn hộ riêng cho mình và trở thành người có hộ khẩu Berlin. Sau  ba mươi lăm năm quan hệ ngoại giao với Đức, tôi nghĩ là người Việt Nam sẽ học được nhiều điều hay về cung cách quản lý Hộ khẩu ở Đức.

Những năm 70, 80 những người trẻ tuổi ở Việt Nam thích được tới Pháp, tới Liên xô, tới Đông Âu, bây giờ thì tuổi trẻ Việt Nam thích tới những xứ nào?

Thời cuộc thay đổi. Bây giờ họ có nhiều lựa chọn hơn. Giới trẻ con nhà phong lưu thích nhất được đi du học ở Mỹ, thứ nhì là đến Đức, đến Anh, đến Pháp, sau đó mới đến các nước Đông Âu. Còn thanh niên con nhà nghèo thì cố tìm cách được sang nước ngoài làm thợ khách, nước nào cũng được, miễn là để kiếm được nhiều tiền.

Thế còn Trung Quốc, thanh niên Việt Nam không thích đi du học ở Trung Quốc hay sao?

Tôi nghĩ là không có nhiều thanh niên Việt Nam thích sang du học ở Trung Quốc. Họ thường có định hướng sang Âu Mỹ du học.

Anh có thể giải thích tại sao không?

Trước khi trở thành thuộc địa của đế quốc Pháp, người Việt Nam đã trải qua hơn ngàn năm Bắc thuộc. Từ năm 1945, khi Việt Nam đã trở thành một nước dân chủ cộng hòa và cả từ khi được gọi là  nước CHXHCN Việt Nam từ sau năm 1975 cho đến nay, người Việt Nam chúng tôi  đã luôn hao tổn rất nhiều máu và nước mắt trong mối quan hệ với người láng giềng ở phương Bắc. Việt Nam từng  là thuộc địa của Pháp từ năm 1858, cho nên  quốc ngữ của chúng tôi hiện nay là vốn do một Giáo sĩ người Pháp có mặt tại Việt Nam từ thế kỷ 18 chế tác với 23 chữ cái  thuộc vào ngữ hệ Latinh. Tôi nhớ chính xác là từ năm 1881, đã có một sắc lệnh của chính quyền cho phép chữ quốc ngữ tức là tiếng Việt  chúng tôi dùng hôm nay được chính thức sử dụng trên toàn lãnh thổ. Có lẽ, chính vì thế mà từ đầu thế kỷ XX các trí thức Việt Nam mới có khả năng tiếp xúc với văn hóa Pháp, văn hóa Nga và văn hóa  Xô viết. Sau cuộc chiến với Mỹ, xuất hiện rất nhiều trí thức người Việt giỏi tiếng Anh  và thế là họ có thêm những chân trời ở Âu-Mỹ, thay vì các bậc tiền bối vốn chỉ có khả năng giao tiếp với phía Bắc bằng chữ Hán, chữ Nôm. Ngôn ngữ như vậy, vị thế địa chính trị như vậy, lại nếm trải đủ mùi các cuộc chiến Việt –Pháp, Việt- Mỹ, Việt -Trung cho nên từ đầu thế kỷ XX  đến  bây giờ người Việt Nam, nhất là thanh niên luôn luôn thích Pháp, thích Nga, thích Âu, thích Mỹ cũng là dễ hiểu.

Trong tiểu thuyết của anh có những chỗ nói về các thế hệ trí thức ở Trung Quốc những năm 80. Tôi có theo dõi  báo chí, truyền hình, được biết rằng hiện nay chính quyền Việt Nam đang chịu áp lực rất lớn từ phía Trung Quốc và hầu như mọi quyết sách của các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay đều  bị Trung Quốc chi phối.  Có thật thế không ? Anh nghĩ sao về thực trạng này?

Cảm ơn câu hỏi rất quan tâm đến Việt Nam. Như đã nói, từ nhiều năm qua người Việt  chúng tôi đã tốn vô cùng nhiều máu và nước mắt để có được một chỗ đứng dưới mặt trời bên cạnh ông bạn láng giềng to lớn. Vâng ! Đó rất có thể đã và đang là một sự thật. Song, tôi cho là trong nội bộ các nhà lãnh đạo cấp cao ở Việt Nam hiện nay  luôn luôn có ba khuynh hướng. Một là nhóm thích Tầu, hai là nhóm thích Âu-Mỹ, ba là nhóm muốn dung hợp cả Tầu lẫn Âu –Mỹ. Tôi không phải chính trị gia, với tư cách nhà văn, tôi nghĩ là với bối cảnh địa chính trị và các mối quan hệ  lịch sử như là một định mệnh, đương nhiên, Việt Nam đã phải chịu áp lực rất lớn và  bị chi phối rất nhiều từ phía Trung Quốc. Nhưng, theo lịch sử của tinh thần Việt Nam thì  người  Việt chúng tôi luôn nỗ lực tìm cách  để thoát ra khỏi  những áp lực và những chi phối tiêu cực ấy của láng giềng khi mà chúng tôi linh cảm được những hiểm nguy, những tai nạn ẩn náu trong đó. Đôi khi, đó không chỉ là việc của các Ủy viên Bộ chính trị mà còn là hành động trí thức cụ thể của của từng người dân Việt Nam.Tôi tin điều này vì Việt có nghĩa  là Vượt qua. Người Việt chúng tôi luôn luôn can đảm vượt qua mọi nguy hiểm dù biết rằng có thể sau đó lại là những hiểm nguy khác.

Anh có hay về Việt Nam không? Cha mẹ và những người thân của anh sống ra sao?

Mấy năm gần đây tôi hay về Việt Nam. Mẹ tôi tám ba tuổi đang sống ở Hà Nội. Con trai tôi là nhạc sỹ thì đã có gia đình riêng. Cháu đang sống ở Sài Gòn. Tôi  đã thành ông Nội từ tháng 12 năm vừa rồi.

Bao giờ thì anh sẽ ra mắt sách mới? Tôi đang tiếp tục hoàn thành cuốn tiểu thuyết về sự cố vỡ tường Berlin. Chúc anh thành công.

o

Ulrike Mann nhìn đồng hồ, chủ động nói lời cảm ơn kết thúc  phần phỏng vấn tác giả. Chị mời mọi người mua sách và nếu muốn có thể xin chữ ký hoặc lời đề tặng của tác giả.  Tôi không thể biết, nhớ và thuộc hết  tên họ tuổi tác những người đã hỏi mình. Nhưng rõ ràng những câu hỏi chứa đựng lòng yêu mến và sự quan tâm sâu sắc của họ tới Việt Nam làm tôi bỗng dưng thấy ấm áp, rưng rưng. Có thể trong số khán giả có người là sinh viên, là phóng viên; có thể  họ không phải là dân chuyên  văn mà họ chỉ  là những người  yêu thích văn chương. Người ta mua ngót hai mươi cuốn gồm  cả Giấc Mộng Orly và  tập thơ “ Mùa xuân dang dở”. Tôi ký tặng hoặc viết một hai dòng đề tặng bằng  tiếng Đức lẫn tiếng Việt theo yêu cầu của từng người. Sau khi tôi ký tặng bạn đọc xong, Bernd Rösemeier giao lại tôi máy ảnh và máy quay, chúng tôi tạm biệt mọi người. Maria, giám đốc điều hành của Weltladen Würzburg lên xe cùng Ulrike Mann vì nhà họ ở gần nhau, tôi ngồi cạnh Bernd. Sau khi, tạm biệt Marina, Bernd đưa chúng tôi về tới nhà vào lúc 22 giờ 45 phút.

5. Chuyện vãn trong đêm rượu mừng Xuân với Ulrike Mann & Bernd.

Sau khi an tọa quanh bàn, chị hỏi tôi: anh cảm thấy hài lòng với buổi tối hôm nay không?

Từng trải qua  nhiều  cuộc giới thiệu sách ở Đức, tôi đã thầm ước đoán có khi chỉ có chừng độ hơn 10 người có mặt. Rốt cuộc, trên hai mươi khán giả đã tới điều đó đã làm tôi phấn chấn và tự tin. Đã có rất nhiều cuộc ra mắt sách của những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở Berlin mà cũng chỉ thu hút được chừng mười lăm hai mươi khán giả. Anh chị biết không ? Lần đầu tiên sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, Heinrich Böll đến Ba Lan, cũng chỉ có hơn 10 người đến nghe ông nói  về văn chương Đức trong một khán phòng có 150 chỗ ngồi. Nữ thi sĩ Nobel người Ba Lan cũng từng than thở vì đã trải qua một đêm thơ với hơn mười cử tọa…Với tôi, buổi tối nay có thể nói là như  ý tôi mong. Cả hai anh chị đều tỏ ra vui thích vì đã có rất nhiều câu hỏi nảy sinh xoay quanh Giấc Mộng Orly  đã được trả lời. Ulrike Mann bảo Bernd xuống hầm lấy rượu. Chúng tôi chạm cốc mừng xuân vì hôm nay ở Việt Nam vẫn đang là Tết. Vừa nhâm nhi rượu vang đỏ với  Salami và Käse , chúng tôi vừa hỏi han nhau về đời tư. Anh chị  đã chung sống  28 năm và có căn nhà này từ  hai mươi năm nay. Khi đến với nhau anh chị vẫn son rỗi mặc dù mỗi người đều đã trải qua  một cuộc ly hôn. Vợ đầu của Bernd là bạn thân của cô em gái. Bây giờ thi thoảng anh chị  vẫn gặp hai chị em cô vợ cũ của Bernd trong những dịp sinh nhật hoặc xum họp gia đình. Hàng năm, anh chị thường sang Pháp, chị vốn rất thạo ngôn ngữ của Flaubert, ở đó họ có một người bạn thân rất thích uống Conhac. Chữ và Ba con số trên biển đăng ký xe của anh chị mách bảo về một tình yêu vì nó bao gồm cả ngày sinh nhật và hai chữ cái viết tắt tên của  hai người: W UB- 448. Anh sinh ngày 04.04; chị sinh ngày 04.08.  Bernd  bảo tôi, khi chúng ta sống một mình thì hàng ngày mỗi người đều sẽ phải làm tất cả các công việc cần thiết; nhưng nếu sống chung thì hai người sẽ chia xẻ cho nhau công việc hàng ngày và bổ sung cho nhau những mạnh yếu và như vậy sẽ tốt hơn là cô đơn. Tôi không thể tranh luận gì trước lý lẽ giản dị và chân thành của Bernd. Anh nói thêm, tôi sống được với Ulrike ngần ấy năm cũng là vì tôi đã có kinh nghiệm tình cảm sau khi ly hôn với người vợ trước.
Đúng vậy. Sau mỗi cuộc biệt ly. Mỗi một người đàn bà đều dạy cho đàn ông những bài học quý và ngược lại. À mà này, tôi và Bernd chưa có ảnh chung. Chị bấm giúp một kiểu đi.
OK! Ulrike Mann vui vẻ vừa vào vai nhiếp ảnh gia vừa khoe chồng.

Bernd là người biên tập lại các bài viết của tôi trước khi cho đăng báo.Tất cả các loại tủ trong bếp đều do anh ấy tự thiết kế, rồi đi mua gỗ về để đóng lấy.

Bernd cười khoe với khách, người quen của tôi mới mua 20000 Euro cho toàn bộ cái bếp của gia đình nhưng nó vẫn không tiện dụng và đầy đủ như cái bếp của tôi.

Thú thật, nhìn nội thất và  gian bếp của anh chị, tôi đã hình dung ra một người đàn ông khéo tay.

Anh chị có thích đọc thơ của Eva Strittmatter không ? Nữ thi sĩ  vừa mới mất hôm 3 tháng 02 vừa rồi.

Eva Strittmater ư? Không. Tôi chưa đọc, tôi không hề biết tác giả này.

Ở Đông Đức, đặc biệt là ở Đông Berlin, người yêu văn chương, không ai là không biết nữ thi sĩ này.

Có thể do chúng tôi ở tận phía Nam của Tây Đức cho nên nhiều khi không biết hết được những tên tuổi ở Đông Đức.Ngay như sự kiện bức tường Berlin sụp đổ chúng tôi cũng chỉ biết qua truyền hình và Radio. Còn tôi có cái mắn là kẻ đi qua Brandenburger Tor trong đêm 31.12.1990. Thế chị biết Christa Wolf chứ? Có. Bà này thì tôi đã đọc. Thế Heinrich Böll? Đương nhiên. Quê ông ấy ở gần đây mà.

Tôi rất thích chất lính trong văn chương của Heinrich Böll và vô cùng kính trọng nhân cách của ông. Chính ông là người đã che chở đùm bọc Solschenizyn khi ông này bị chính quyền xô viết trục xuất vì trúng giải Nobel văn chương năm 1974 và chưa thể sang Mỹ.

Đúng. Heinrich Böll là một con người chân thực và rất nồng nhiệt.

Anh chị thích kịch hay thích thơ của Bertolt Brecht?

Ông này từng là Chủ tịch của văn Bút Đông Đức mặc dù xuất thân từ thành phần Tư sản.

Bertolt Brecht là người vùng chúng tôi mà. Chúng tôi lạ gì ông ấy. Ông ấy là một con người phức tạp. Tôi thì tôi thích thơ của Brecht hơn là kịch của ông ta.

Còn Monica Maron, nữ nhà văn này là con gái của một vị tướng An ninh của Đông Đức đã chạy sang Tây Đức sống từ những năm 80. Chị đã viết những cuốn như Animal Triste, Pawels Briefe, Stille Zeile Sechs. Tiểu thuyết mới nhất của chị ấy  là Ach! Glück! anh chị đọc chưa? Tôi chưa đọc tác giả này.

Còn những tác giả như Doris Dörrie, Julia Frank, Judith Hermann?

Doris Dörrie thì đã còn hai vị kia thì chỉ nghe nói.

Anh đọc và viết vào lúc nào khi phải bận bịu với vai trò Trợ lý của Tổng giám đốc ASIAGOURMET?

Tôi thường viết vào ban đêm. Mười năm trước, tôi còn phải trực tiếp điều hành một hoặc hai Nhà hàng. Khi thì ở Berlin, khi thì ở Leipzig hoặc Stuttgat tùy theo yêu cầu của hệ thống. Mặc dù những năm gần đây, tôi làm việc  ở khu vực Văn phòng của Tổng giám đốc; nhưng vẫn phải viết vào ban đêm là chính.

Tôi rất muốn được làm quen với hệ thống nhà hàng của ASIAGOURMET.

Vâng. Khi nào có dịp ghé qua Berlin anh chị allo cho tôi. Anh chị có thể gặp ASIAGOURMET trong các Trung tâm Thương mại hoặc các Nhà Ga  lớn ở Berlin, ở Postdam, ở Bochum, ở Hamburg, ở Köll, ở Frankfurkt Mainz..v..v. Đầu tháng 12 năm 2010, chúng tôi mới khai trương thêm một ASIAGOURMET ở Bahnhoft Zoologischer Berlin.
Ồ ! Đó là vị trí rất tốt cho kinh doanh và cũng là một địa danh nổi  tiếng của Berlin đấy?

Vâng rất nhiều  người Đức đã chăm chú theo dõi  khi chúng tôi xuất hiện ở Bahnhof Zoo. Vì có người đã thất bại ở đó nên chúng tôi mới có cơ hội khẳng định mình. Rất may là chúng tôi đang bắt đầu có doanh số rất lạc quan ở chính nơi mà người khác đã bó tay bỏ cuộc. Tôi vừa mới mua được cuốn tiểu thuyết: Những Đứa Trẻ Ở Bahnhof Zoo của một nữ tác giả trẻ. Quả thật đó là một địa danh nổi tiếng.

Đêm hôm đó, ba người chúng tôi nhâm nhi hết hai chai rượu vang đỏ. Tới một giờ kém 15, chúng tôi quyết định đi ngủ. Ulrike Mann giao hẹn. Tôi và Bernd dậy vào lúc 8 giờ 30. Anh thì 9 giờ hãy dậy. Ăn sáng xong, trước khi lên tầu, anh có thể kịp ngắm nghía thêm phong cảnh Würburg.

6. Câu hỏi trước lúc chia tay.

Hôm sau, tôi y hẹn dậy đúng giờ. Cùng nhau uống Cà Phê và ăn sáng xong, Ulrike Mann thanh toán tiền Hornora, tiền tầu cho tác giả và không quen nhắc tôi: anh mang chai rượu vang Würzburg này về Berlin, chúng tôi tặng để anh uống cùng với chị ấy. Bernd tranh thủ chỉnh sửa lại ảnh và coppi hết những gì anh chụp được bằng hai máy ảnh  vào USB của tôi. Sau đó anh chuẩn bị ô tô cho vợ tiễn khách. Tôi và anh ôm nhau tạm biệt. Chị chở tôi ra Ga còn anh ở lại với công việc dang dở của mình.

Tôi ngồi bên ghế phụ và tranh thủ quay phim. Chị đưa tôi lên một cao điểm ở phía cổng thành của Pháo Đài Würzburg, nơi mà chiều hôm trước trên cầu, chúng tôi phải ngước mắt nhìn lên từ phía bên kia của dòng sông. Nhìn thấy toàn cảnh thành phố dưới chân mình, tôi từ từ lia máy thật chậm ghi lại hình thù thành phố bên sông Meinz  từ một độ cao hiếm có. Tôi không quên chụp ảnh chị đứng bên cạnh một thân cây cổ thụ đã trở thành di tích của cảnh quan để thay  lời cảm ơn. Trên đường trở lại xe để ra Ga, chị dẫn tôi tới khu vườn trập trùng bên những cổng vòm, thành lũy  xa xưa  để thưởng ngoạn  nơi chốn mà theo chị các du khách tới đây không bao giờ bỏ qua.

Này, anh chị đã rất  yêu nhau suốt 28 năm, vậy mà tại sao lại không có con?  Tôi hỏi thật, vì anh chị không muốn có hay do không thể có?

Từ khi tôi với Bernd  thành một đôi, chúng tôi luôn luôn làm việc ở hai nơi rất xa nhau. Vì thế nếu có con thì tôi sẽ vất vả. Mà Bernd thì không muốn vậy. Tới lúc chúng tôi được sống gần nhau thì luống tuổi cả rồi nên chúng tôi không muốn có con nữa.

Chị biết không? Tôi có biết một cặp vợ chồng ở Berlin cùng sinh năm 1947. Chồng là Kiến trúc sư, vợ là Nhiếp ảnh gia.  Bức chân dung tôi mà chị sử dụng cho tờ quảng cáo chính là tác phẩm của Nelly Rau-Häring. Năm 2000, quen nhau tại một Diễn đàn văn chương, khi tôi hỏi thăm chuyện con cái, Nelly bảo, cả hai vợ chồng tôi đều đam mê làm việc và đã  chủ động sống với nhau cả đời không con cái. Do rất quý trọng  tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật  cao của lý trí  Đức nên tôi đã có câu hỏi quá tò mò. Chả là tôi cũng ý định, sau chuyến đi này sẽ  viết một chút gì đó về Weltladen Würzburg. Vâng. Cảm ơn anh. Tới Ga, đỗ xe xong chị định đưa tôi ra tận đường ray số 7. Tôi cố tình dừng chân  ở  tiệm hoa, nơi mà chị đã đón tôi để nói lời từ biệt.

Ulrike à, bây giờ chị có thể trở về với Bernd và nghỉ ngơi một chút. Cảm ơn chị. Chúc anh chị hạnh phúc.

Chúc anh mọi sự tốt lành. Cho chúng tôi gửi lời chào chị nhà và chúc ASIAGOU RMET tiếp tục thành công.

Một lần nữa, cảm ơn chị vì nhờ chị mà tôi đã được trò chuyện với những câu hỏi về  người Việt, và cũng nhờ chị mà tôi biết về văn hóa doanh nhân ở Weltladen Würzburg.
Chúng tôi tạm biệt nhau như hai người bạn đã thân, như hai cơn gió thoắt gần thoắt xa dưới trời phiêu bạt.

Chợt nhớ tới chuyên mục Giới trẻ Đức đã biết gì về Việt Nam và Giới trẻ Việt Nam đã biết gì về Đức mà Tạp Chí Hương Việt đã khởi động từ năm ngoái, tôi thấy mình không thể  không viết về những câu hỏi ở Würzburg.

Würzburg –Berlin 02-2011

© Thế Dũng

© Đàn Chim Việt

2 Phản hồi cho “Những câu hỏi ở Würzburg”

  1. Hwy Tse says:

    VỀ CAO TRÀO BIẾN ĐỘNG XÃ HỘI

    Arthur Koestler once wrote:
    ” The principal mark of genius is not perfection;
    but originality, the opening of new frontiers.”

    Những cao trào tạo nên VẬN THẾ của mọi biến động xã hội
    đều được manh nha từ tư tưởng của thiên tài, bậc chưa từng
    xuất hiện trên đời; tất cả những gì khác chỉ còn lùa vào thùng rác.
    (còn tiếp)

    Hwy Tse, S&FR, Soci. Coll. UMass Univ. , Boston, MA.

  2. thaile says:

    Chào thua !!!!
    Quá nhiều lỗi chính tả trong một bài viết ngắn.
    - Sẽ không trách tác giả, nếu tác giả không phải là một “người cầm bút”. Ví dụ, những lỗi như “suất” ăn chứ không phải là “xuất” ăn (trong “xuất Bochwurt”), hoặc “chia sẻ” chứ không phải là “chia xẻ”,…..
    - Sẽ không trách tác giả, nếu như tác giả không dính dáng gì đến nhà hàng. Chẳng lẽ trợ lý “bà chủ” có các nhà hàng ăn uống ở nhiều nơi mà còn viết sai cả tên những món ăn được sử dụng thường xuyên ở Đức. Ví dụ: bockwurst chứ không phải là Bochwurt và Spaghetti chứ không phải là Spaketti.

    Thật buồn.

Leave a Reply to Hwy Tse