WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Hà Nội bên bờ sông Lot[2]

Tiếp theo phần I

Phần II: Cộng đồng thôn xã Việt Nam

 

Tino Rossi Hà Nội hay “Ông Già Nuôi Mèo”

Cụ Emile Le Jeune nói, ngày nay, trong lòng Cụ không có giữ hận thù. Có lẽ đúng. Vì Cụ đã qui y theo Phật pháp.

Trong nhà, Cụ thiết lập bàn thờ Phật rất trang nghiêm. Lúc chúng tôi tới thăm viếng bất ngờ tại tư gia, Cụ đang dùng cơm trưa và dường như Cụ ăn chay vì trong bữa ăn chỉ có rau cải mà thôi.

Cụ rất vui vẻ nói chuyện với chúng tôi về cuộc đời của Cụ lúc còn trai trẻ. Vì con quan Tòa Tây, Cụ theo học trường tây Albert Sarrault ở Hà Nội. Và học hết chương trình Trung học  Nhưng khi đi lính, Cụ chỉ làm “ông Đội”, tức Trung sĩ hay Trung sĩ nhứt (Sergent hay Sergent Chef) nhưng Cụ nổi tiếng một thời trong giới “trai thanh gái lịch” của Hà thành với biệt danh “Tino Rossi Hà Nội”. Không biết phải vì Cụ đẹp trai hay vì Cụ hát hay?

Có lẽ vì được cái biệt danh Tino Rossi mà khi đi lính, với gia thế lớn như vậy, Cụ chỉ làm tới “ông Đội” thay vì sĩ quan?

Bởi có không ít những người Việt Nam cùng lớp tuổi của cụ, ngày nay còn sống ở hải ngoại, chỉ mới học năm thứ ba (3e Année của Trung học theo chế độ giáo dục Đông Dương Pháp), tức chưa thi Văn bằng “Diplôme” (DEPSI), mà vẫn làm ông Đội thông dịch lúc mới vào lính, rồi làm Sĩ quan lên tới cấp Tá vào năm 1954.

Lại có kẻ gốc Sơn Tây, xuất thân trong giới xe đò, lớn lên vào thuở Tây cuối trào, đi lính Tây, nhờ tài bố láo mà vọt lên tới Tướng Tư lệnh Không Quân ở Sài Gòn trước 75.

Và Ông Đội Emile Le Jeune năm 1956 hồi hương về Sainte Livrade được Chánh quyền Quản lý Trại đề nghị ông đi học làm thợ hồ để có thể tái hội nhập vào đời sống mới .

Ông già nuôi mèo- Ảnh của Thanh Vân

Ngày nay, Cụ Emile Le Jeune có một biệt danh khác, hiền lành, dễ thương vô cùng: “Ông Già Nuôi Mèo”!

Đúng vậy. Tới Trại Sainte Livrade, hỏi bất kỳ ai “Ông Già Nuôi Mèo” ở đâu sẽ được dẫn tới tận nhà.

Chúng tôi, trong câu chuyện với anh Marcel vừa quen nhau trước đó vài giờ, trong quán ăn ở Trại, nghe nói tới “Ông Già Nuôi Mèo”, bèn nhờ anh đưa chúng tôi tới gặp cho biết. Thoạt nghe biệt danh của ông, chúng tôi nghĩ ông là người nuôi mèo cho vui tuổi già và bán lại cho ai muốn mua về nuôi vì ở đây xa cách thành phố nên không có tiệm bán thú vật như chó, mèo, chim chóc, cá kiểng, …

Trong câu chuyện, Cụ Emile Le Jeune thường lái khách nghe chuyện về với Phật pháp . … “Đời là vô thường”… Và mỗi khi nói về Phật pháp, Cụ thường nhìn lên bàn thờ Phật như dễ xác tín những lời của Cụ.

Có lúc Cụ giảng luôn cho chúng tôi nghe ý nghĩa của Kinh Bát Nhã Ba La Mật
Đa Tâm Kinh. Cụ giảng ” …Sắc tức thị không …” là ý muốn nói “Cái Có” đó là “Cái Có” ở trên kia, trên cao khỏi cõi thế gian này, tức Đấng Thiên Liêng, là Ông Phật, Ông Trời, …và cụ vừa đọc lời kinh để dẫn chứng:

” … sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ tưởng hành thức diệc phục như thị . Xá Lợi tử, thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm, thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức, vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý. …”

Lúc ra khỏi nhà Cụ Le Jeune, chúng tôi hỏi anh Marcel tại sao mọi người ở đây gọi Cụ Le Jeune là “Ông Già Nuôi Mèo”?

Anh Marcel thuật lại câu chuyện tù Việt minh của Cụ năm 1946 ở Bắc Việt. Lúc cụ bị Việt minh nhốt trong hầm, Cụ chỉ chờ ngày Việt minh tới dẫn đi chặc đầu bằng mã-tấu như những đồng đội của Cụ vì thân phận của Cụ vừa Tây lai, con Quan Tòa với mẹ là hoàng phái. Tức Cụ thuộc thành phần mang nợ máu với cách mạng và nhân dân vì vừa Thực dân, vừa Phong kiến, vừa tiểu tư sản thì thử hỏi làm sao thoát khỏi tử thần Việt minh được?

Bỗng một hôm, Cụ trông thấy một con mèo từ đâu vào chỗ giam Cụ. Khi con mèo bỏ đi ra, cụ bèn men theo con mèo và Cụ nhờ đó mà thoát thân an toàn.
Ngày nay, nhớ lại con mèo cứu mạng, khi trông thấy mèo đi ngang qua nhà, Cụ đem thức ăn ra cho mèo ăn. Từ đó trở thành thói quen của mèo. Và có nhiều con mèo rủ nhau tới nhà Cụ xin ăn. Cụ được người trong Trại đặt cho Cụ biệt danh “Ông Già Nuôi Mèo”. Và tên thiệt Emile Le Jeune của Cụ cơ hồ như bị mọi người quên mất .

Như bên trong lũy tre làng

Hơn hai mươi năm sau, trở lại viếng Trại Sainte Livrade, ngay từ lúc mới tới “cổng trại”, chúng tôi đã được người trong Trại ân cần chào hỏi và sẵn lòng hướng dẫn chúng tôi tìm người muốn thăm viếng. Tình cảm thân thiện này ở đây vẫn không thay đổi.

Chúng tôi nhớ lại lần thăm viếng trước, lúc mới vào, còn đang ngơ ngác ngắm nhìn quan cảnh, bỗng có tiếng người hỏi lớn “Muốn kiếm ai đó?” bằng tiếng Việt rất chuẩn  xác. Chúng tôi nhìn khắp nơi để tìm người hỏi mà không thấy vì trước chúng tôi, cách mưoi thước, chỉ có một người Pháp trạc năm mươi tuổi đang đứng nhìn theo chúng tôi. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông tiến tới bắt tay chào hỏi chúng tôi và nói chuyện thêm. Cử chỉ, lời nói và tiếng Việt Nam, làm cho chúng tôi có cảm tưởng như mình đang đi chơi tại quê hương.

Tối lại, anh bạn Raymond Huỳnh, chủ nhà cho ăn bắp nướng thoa mỡ hành (dầu hành) thật ngon vì bắp mua tại chỗ nên mềm và ngọt vô cùng. Sáng ra, chúng tôi tới quán tạp hóa của một bà Cụ tóc vấn, ngồi trên góc sạp gỗ bày đầy hàng.

Cửa hàng của bà không có kệ hàng. Chúng tôi mua khoai mì luộc, trên mặt có rắc dừa nạo miếng to và muối mè. Giá khá mắc vì đó là hàng nhập cảng và chuyên chở từ xa tới. Vừa ăn vừa nghĩ cứ ở lại Việt Nam thì tha hồ ăn khoai mì mỗi ngày, khỏi phải mua mắc tiền vì Phường khóm phân phối bù thêm cho đủ khẩu phần gạo.

Ngày nay, trở lại viếng thăm, chúng tôi vào cửa hàng trong một tòa nhà mới xây cất xong, khang trang và khá rộng lớn. Nhiều mặt hàng, từ thực phẩm khô như bún, bánh phở, đồ hộp, mì gói, nuớc mắm, …tới các loại rau cải, hoa quả địa phương như lê, táo, hoa quả nhập cảng từ Á châu như xoài, bưởi, rau thơm,… tất cả  bày trên kệ hoặc trên mặt tủ hàng.

Vì tới vào buổi trưa nên chúng tôi tìm mua vài thứ để ăn trưa. Chúng tôi nhìn trên quày hàng thấy có vài loại xôi, bánh khúc, bánh ú, bánh tét, bánh dầy, chả lụa. Từ hôm đi hồi đầu tuần cho tới hôm nay là cuối tuần, chúng tôi ăn chay nên hôm nay muốn giử ăn chay luôn cho trọn đạo? Chúng tôi hỏi bà đầm đứng sau quầy có thứ xôi nào không có thịt không? Bà nhìn chúng tôi vừa hỏi phải chúng tôi muốn ăn chay không?

- Phải. Chúng tôi ăn chay.

- Vậy chúng tôi làm cơm chay cho. Ăn cơm nóng ngon hơn.

Chúng tôi bắt chuyện hỏi thăm. Trước kia, chúng tôi có biết một bà Cụ người Việt Nam miền Bắc, đầu tóc vấn, có một cửa hàng tạp hóa…

Bà đầm reo lên với tiếng cười vui vẻ trả lời chúng tôi đó là mẹ chồng của bà và bà bảo bà ấy đang có ở đây, vừa gọi bà tới nói chuyện với chúng tôi.

Một bà Cụ nay tuy già nhưng trông còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, tươi cười niềm nở chào chúng tôi.

Đúng là bà mà chúng tôi đã gặp và mua khoai mì ở quán của bà cách đây hơn hai mươi năm.

Bà giới thiệu bà đầ đứng bán hàng vừa nói chuyện với chúng tôi là con dâu, cô bé lai lối hai mươi tuổi đứng bên cạnh, phụ bà đầm, là cháu nội. Bà có tất cả 7 người con trai và 7 người con gái, cháu và chắt. Tất cả có hơn trăm người nên bất chợt hỏi,  bà không thể trả lời bằng con số chính xác được.

Bà nói với chúng tôi một cách tự hào là mọi người trong gia đình, rể tây, dâu đầm, cháu tây, cháu đầm, cho tới các chắc của bà, đều nói được tiếng Việt Nam khá rành rẽ. Với giọng Hà Nội trước 1954. Với những từ ngữ cũng của thời ấy.

Và cả nhà sống quây quần với nhau như một xí nghiệp gia đình.

Quả thật. Một người Pháp mặc áo choàng làm việc màu trắng từ trong bếp bước ra với 3 đĩa cơm xào thập cẩm chay đem đặt lên bàn. Cậu bé hơn mươi tuổi đem ra khăn ăn, đủa, nĩa, muỗng, ly. Một cô đầm lai mang tới cho chúng tôi một chai nước ướp lạnh.

Chúng tôi hỏi chuyện bằng tiếng Việt và được trả lời bằng tiếng Việt khá rõ.

(Còn tiếp)

© Nguyễn thị Cỏ May

© Đàn Chim Việt

1 Phản hồi cho “Hà Nội bên bờ sông Lot[2]”

  1. Lão Ngoan Đồng says:

    Ối giời đất ơi,

    Vừa đọc bài ký sự mà cảm động
    chảy cả nước mắt lẫn … nước miếng !

    Lý do nghe kể hay quá và lại được biết đến đó tha hồ ăn đủ món quê hương, kể cả món cơm chay nóng hổi vừa thổi vừa ăn, đồng thời tha hồ chí chát tiếng mẹ đẻ , hahahahahaha !

    Ôi đời vô thường,
    tưởng IMPOSSIBLE
    POSSIBLE như không !
    rồi biến mất tất cả mấy hồi !

    Lão Ngoan Đồng

Phản hồi