Thật sự tôi không biết viết gì
Người Việt Nam chúng ta có câu: ”Nghĩa tử là nghĩa tận”. Đây là câu nói thể hiện lòng vị tha và đức tính nhân hậu của dân tộc Việt Nam. Trước cái chết của mỗi con người, dù khi sống, họ là những con người tốt hay xấu, nhưng khi họ rời khỏi cõi đời này, có thể tha thứ cho họ. Người Hà Nội xưa, khi gặp một đám ma đi qua, đều ngả mũ đứng yên trong giây lát để tiễn đưa người quá cố, mặc dầu không biết người chết là ai.
Sau cái chết của ông của ông Kim Jong-il, nhà độc tài cộng sản, người đã cùng với cha mình đưa hơn 20 triệu nhân dân Bắc Triều Tiên đền cuộc sống cô lập bần hàn, không biết những người dân Việt Nam chúng ta, giầu lòng vị tha đã nghĩ gì về ông, nói gì về ông?
Trong cuộc sống hàng ngày ở Ba Lan, chúng tôi cũng thấy người dân Ba Lan rất tôn trọng người chết. Tại nhiều nơi có tai nạn chết người, những người dân sống gần đó thường dựng cây thánh giá, đặt vòng hoa, đốt nến để cầu nguyện cho người xấu số. Khi những người lãnh đạo của chế độ độc tài cộng sản qua đời, báo chí cũng rất ít nói đến những tội ác mà họ gây ra cho nhân dân trước đây.
Sau những ngày 17, 18 tháng 12 năm 2011 vừa qua, thông báo về cái chết của nhà độc tài Bắc Triều Tiên, ông Kim Jong-il và cựu tổng thống Tiệp, ông Vaclav Havel được giới truyền thông Ba Lan tường thuật hàng ngày.
WYBORCZ- nhật báo lớn nhất Ba Lan – trong các số báo ra hàng ngày, liên tiếp đăng tải rất nhiều các bài viết, các bài phát biểu của các nhân vật nổi tiếng, các nhà chính trị, thủ tướng, tổng thống Ba Lan… ca ngợi Vaclav Havel, tôn vinh ông đã đóng góp công lao to lớn cho công cuộc Cách Mạng Nhung, chuyển đổi các chế độ độc tài cộng sản sang chế độ tự do dân chủ. Adam Michnich, tổng biên tập của báo, một trong những nhà đối lập hàng đầu trong chế độ cộng sản của Ba Lan trước đây nói rằng: ”Havel là nhà chính trị- nhân văn rất hiếm hoi trên thế giới ngày nay….Trái tim của ông có một phần dành cho dân tộc Ba Lan”.
Các kênh truyền hình Ba Lan đưa hình ảnh những đoàn người đến Đại Sứ Quán Czech tại Warszawa, chia buồn và ghi vào sổ tang những lời tốt đẹp vể ông. Rất nhiều những người dân thường đến chân bức tường bên ngoài đại sứ quán đốt nến cầu nguyện cho ông, thương tiếc ông.
Ngược với trường hợp của cựu tổng thống Vaclav Havel, báo chí Ba Lan, ngoài những bài bình luận về tình hình Bắc Triều Tiên sau cái chết của Kim Jong-il, đưa rất ít tin tức về đám tang của ông. Hàng ngày lật các trang báo để tìm những tin tức nói về cảm nghĩ của người dân Ba Lan trước cái chết của ông Kim Jong-il đều không thấy. Các kênh truyền hình Ba Lan, ngoài đưa hình ảnh lá cờ rủ im lìm trước Đại Sứ Quán Bắc Triều Tiên tại Warszawa, không có tin tức gì khác.
Phóng viên nhật báo WYBORCZA Grzegorz Szymanik được tin Đại Sứ Quán Bắc Triều Tiên mở sổ tang, đón tiếp những người đến chia buồn, quyết định đến đó để viết bài. Đó là ngày thứ hai sau khi mở sổ tang.
Ông kể lại: “Không giống như sứ quán của các nước, Sứ Quán Bắc Triều Tiên trông giống như một căn nhà tập thể với vài ba tầng, nằm trên phố Bobrowiecka, cách bờ sông Wisla của Warszawa chừng 1 km . Phía trước là khoảng trống, trên cột cờ treo lá cờ rủ. Tôi đứng ở ngoài khá lâu nhìn vào, không thấy có người vào, cũng chẳng thấy người ra.
Tôi đi đến trước cổng vào, người bảo vệ nhìn tôi với đôi mắt mở tròn đầy ngạc nhiên.
- Ông là ai? Ông ta hỏi.
Sau đó ông ta yêu cầu để đồ đạc, điện thoại lại, trình giấy tờ để vào sổ và đứng chờ. Một lúc sau, ông dẫn tôi đi qua khoảng sân dài, trên bức tường, trước khi vào hành lang có dòng chữ màu đỏ ĐẠI SỨ QUÁN. Bên cạnh lối vào, môt người mặc com lê đứng chờ tôi. Trông người này rất giống ông Kim Pyong -il*, người anh em cùng bố khác mẹ với ông Kim Jong-il, nhưng ông ta không giới thiệu mình mà chỉ tay về phía trước nói: ở kia.
Căn phòng lịch sự, với cuốn sổ tang rất lớn và ảnh của lãnh tụ. Cuốn sổ tang chỉ có ba người viết, một bằng tiếng Ba Lan. Tôi đọc: “Khi tôi được tin về cái chết của lãnh tụ kính yêu….”, nhưng ngay lập tức một nhân viên đi đến, lật trang giấy mới, lấy ngón tay chỉ viết vào chỗ này.
Tôi nhìn xung quanh, hai nhân viên với máy ảnh trong tay đang chụp ảnh. Sau bụi dương xỉ, một máy quay phim đươc giấu trên tường đang hoạt động. Anh đèn flash từ các phía chiếu theo tôi sau mỗi một cử động, tôi cảm thấy như mình sắp phải viết một bài luận văn quan trọng. Tôi đã mất hết hứng thú, chỉ còn lại suy nghĩ là sẽ viết gì đây?
Trước mắt tôi chập chờn hình ảnh về 200 nghìn người đang bị đầy ải trong các trại lao khổ, qua những câu chuyện của những ngươi tỵ nạn Bắc Triều Tiên kể lại. Tôi nhìn rõ những cuộc duyệt binh xám xịt với những tên lửa khổng lồ trên đường phố Bình Nhưỡng. Những đứa trẻ gầy còm ốm yếu, hai triệu người dân đã chết đói. Ôi, sự chết chóc! Tôi viết gì đây? Tôi không biết. Vậy thì tôi viết: “Thật sự, tôi không biết viết gì. Đơn giản là tôi đặt dấu chấm hết”. Tôi đặt dấu chấm và đi ra.
Nhưng tôi mới đi được mấy bước, có ai đó đã kịp đọc những dòng tôi đã viết trong sổ tang, họ giữ tôi lại.
- Ông đã viết gì trong sổ tang. Ông vào lãnh thổ của một quốc gia khác và xúc phạm người ta. Để làm gì? Tại sao trông ông đáng nghi ngờ như vậy? Ở đâu ra kiểu tóc quái đản này? Ông từ đâu đến đây?
Tôi xin lỗi họ và giải thích, tôi là nhà báo, tôi quan tâm xem những người Ba Lan đã viết những gì trong sổ tang.
- Thật như vậy? Chúng tôi đã thu hình ông. Những bài viết trong sổ tang sẽ được in ấn, nhưng những dòng viết của ông sẽ bị loại bỏ. Nên viết những đau buồn từ trái tim của mình. Họ khuyên tôi.
- Nhưng đáng tiếc là tôi không có cảm giác đó. Tôi trả lời.
- Vậy thì đừng viết gì. Họ nói.
Tôi nhìn trong mắt của họ có nỗi buồn. Nhưng tôi không biết ,đó có phải là nỗi buồn do cảnh thu hình không thành công của chiếc máy thu hình đặt đằng sau bụi dương xỉ.
- Nhưng chúng tôi mời anh đến thăm Bắc Triều Tiên. Họ nói với bộ mặt lạnh lùng.”
Những nhà lãnh đạo độc tài có thể lừa dối nhân dân mà họ cai trị bằng dối trá, bưng bít, đàn áp …. Nhưng đối với nhân dân các nước thuộc các quốc gia dân chủ, họ được thông tin đầy đủ, đúng sự thật. Họ có đủ hiểu biết để nhận biết ai là những kẻ độc tài, gây nhiều tội ác đối với loài người. Dù họ có lòng vị tha đền đâu, thì nạn nhân của các chế độ độc tài luôn nhắc nhở lương tâm họ, ghi nhớ về các tội ác do những kẻ độc tài gây ra đối vời loài người.
Liệu ông Kim Jong-il ở thế giới bên kia có thành tâm lục vấn lương tâm mình, sám hối về những gì mình đã gây ra cho nhân dân Bắc Triều Tiên cũng như các quốc gia lân cận?
Warsaw 04-01-2012
© Đàn Chim Việt
—————————————–
* Kim Pyong-il anh em cùng bố khác mẹ với Kim Jong-il, hiện là
đại sứ của Bắc Triều Tiên tại Ba Lan.
Nếu tớ là người được viết, tớ sẽ viết lại một câu giống như của ông Thánh Thán:
“Sáng nay thức dậy đọc báo & xem đài được tin một tên đồ tể độc tài cùng hung & cực ác vừa lăn quay ra chầu Diêm Vương: Không phải là một niềm vui bất ngờ hay sao?”
Có thực người Hà Nội gặp đám tang đều dở mũ ra không ? Chuyện này ngộ à nghe . Tôi chỉ thấy ở miền nam thuộc VNCH có điều này thôi và sĩ quan binh sĩ cảnh sát VNCH đều được lệnh chào kính xe tang và tạo thuận lợi cho đoàn xe tang di chuyển . Còn người Hà Nội vô cảm , lính Hà Nội trông có đồng chí chết để chia đồ đạc ( cũng chẳng có gì ) thôi . Đó mới là sự thật .!