Ấn tượng khó quên từ Úc châu (Australia 4)
Trong ba bài trước đây, tôi đã trình bày chi tiết về sinh họat của bà con trong thân tộc và của bạn hữu thân thiết tại Úc châu. Trong bài này, tôi xin ghi lại một số ấn tượng khó quên phát xuất từ cuộc viếng thăm nước Úc vào cuối năm 2011 vừa qua, cụ thể là tại các thành phố Canberra, Sydney và Melbourne.
1 – Thành phố Canberra – thủ đô của Liên Bang Úc châu.
Vào đầu tháng 12/2011, anh Nguyễn Bá Tùng và tôi được hai anh bạn là nhà báo Lưu Dân và huynh trưởng Hướng Đạo Hồ Văn Chánh hướng dẫn đi từ Sydney để thăm viếng thủ đô Canberra. Đường xa khỏang trên 250 km, xuyên qua vùng đất trong nội địa với dân cư thưa thớt, nên xe có thể chạy với tốc độ cao trung bình có thể lên tới cỡ 70 – 80 km/giờ.
* Dọc đường nhà báo Lưu Dân kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện ngộ nghĩnh lạ lùng về nước Úc, cụ thể như “khu nhà tù cẩn mật tối đa” (maximum security prison) nằm trong thành phố Goulburn – mà hiện chỉ có chừng 7 – 8 phạm nhân bị giam giữ tại đây. Trong số này có một tù nhân gốc Việt nam mà vụ xét xử của Tòa án đã gây tranh cãi rất sôi động giữa người bênh kẻ chống trong dư luận tại Úc châu trong nhiều năm trước đây – đó là cựu Nghị viên Ngô Cảnh Phương bị kết án chung thân khổ sai với bản án chung thẩm vào năm 2008. Đây là một vụ ám sát vì lý do chính trị nghiêm trọng đầu tiên trong lịch sử nước Úc (political murder) khiến gây ra cái chết vào năm 1994 cho một vị dân biểu đương nhiệm có tên là John Newman người Úc ở thành phố Fairfield trong đó có khu vực Cabramatta là nơi rất đông người Việt định cư và kinh doanh buôn bán từ nhiều năm nay. Nhà báo Lưu Dân còn kể là phải qua 7 lần cửa kiểm sóat thật nghiêm ngặt, thì mới vào thăm ông Phương được. Anh Lưu Dân nói : “ Cả con ruồi cũng khó mà bay lọt qua 7 lần cửa ải đó !” Người dân nước Úc vốn có cuộc sống thanh bình trầm lặng và tương đối có ít những vụ phạm pháp nghiêm trọng so với dân tại nước Mỹ, ấy thế mà lại có lọai nhà tù cẩn mật tối đa như thế này, thì đó phải kể là một trường hợp ngọai lệ đặc biệt khác thường vậy.
*Thủ đô Canberra thật là yên tịnh đẹp đẽ, xanh tươi với nét kiến trúc tổng thể đượm tính chất phong thủy rõ ràng với núi đồi, sông hồ bao quanh những đại lộ chính yếu với các khu dinh thự công quyền, các tòa Đại sứ, các khu dân cư, trường học, nhà bảo tàng, khu thương mại … xen kẽ với nhau một cách rất hài hòa hợp lý. Tôi đặc biệt chú ý đến tòa nhà Quốc hội vừa mới được hòan thành vào năm 1988 mà được xây cất và trang trí bằng các vật liệu hòan tòan gom góp từ nội địa, nhằm kỷ niệm 200 năm ngày thành lập quốc gia Úc. Đây là một kỳ công của một quốc gia vào thập niên 1980 lúc đó chỉ mới có chừng 20 triệu dân thôi – mà đã dám chi ra một ngân khỏan lên đến 1,200 triệu dollar cho việc xây dựng được một tòa nhà thật là tân kỳ độc đáo mà lại uy nghi đồ sộ – để làm trụ sở cho cơ quan Lập pháp của Liên Bang như thế đó. Cơ sở này rõ ràng là một thắng cảnh thu hút rất đông du khách từ khắp nơi đến viếng thăm và cũng còn là một niềm tự hào cho dân tộc Úc nữa.
2 – Từ Thế vận hội Melbourne 1956 đến Thế vân hội Sydney 2000.
*Năm 1956, dân số nước Úc mới có chừng 10 triệu, ấy thế mà đã tổ chức thành công được cuộc tranh tài Thế vân hội thứ XVI và đặc biệt đòan lực sĩ Úc châu đã chiếm được rất nhiều huy chương vàng trong bộ môn bơi lội. Tổng kết thành tích: nước Úc với 35 huy chương, được xếp hạng thứ , chỉ đứng sau hai cường quốc là Liên Xô và Hoa kỳ mà thôi.
Mặc dầu hồi năm 1956, tình hình thế giới rất căng thẳng với vụ khủng hỏang về kinh đào Suez và vụ Liên Xô đàn áp cuộc nổi dậy ở Hungary, thì Thế vận hội Olympics Melbourne – dù mới chỉ là lần đầu tiên do nước Úc đăng cai – cũng vẫn diễn ra rất tốt đẹp. Khi chở tôi đi thăm phố xá ở Melbourne, Luật sư Trần Minh Phước đã chỉ cho tôi thấy nhiều dãy building được xây cất cho Olympics này, mà hiện được sử dụng làm các khu chúng cư dành ưu tiên cho lớp người di dân.
*Đến năm 2000, một lần nữa nước Úc lại nhận trách niệm đứng ra tổ chức Olympics Sydney với sự thành công vượt bậc được cả thế giới ca ngợi. Kết quả là nước Úc với tổng số 58 huy chương, được xếp hạng thứ tư sau Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc. Vào năm 2000 này, thì dân số Úc châu mới chỉ có 20 triệu, ấy thế mà vẫn đạt thành tích vượt xa những nước lớn hơn mà lại từng có có tên tuổi về thể thao như Anh, Pháp, Đức, Nhật …
Anh bạn Đặng Trung Chính ở Sydney còn cho tôi biết một chi tiết thật là phấn khởi như thế này, đó là có đến con số 50,000 thiện nguyện viên (volunteers) xin xung phong phục vụ trong mấy tuần lễ của Olympics thứ XXVII này. Họ phần đông là giới sinh viên học sinh tình nguyện tham gia các khóa huấn luyện, rồi được phân công trong các tóan chuyên môn để phục vụ cho các sinh họat rất đa dạng của Olympics. Con số 50,000 thiện nguyện viên này quả là một biểu hiện của một trình độ văn hóa cao độ của người dân Úc.
Qua hai cuộc thế vân hội này, ta có thể nhận định rằng nước Úc tuy có một dân số tương đối còn ít ỏi – hiện vào năm 2012 thì chỉ mới có khỏang 22 triệu người – nhưng đã có được một cuộc sống khá năng động thỏai mái để mà có thể duy trì được một địa vị rất khả quan trong bảng xếp hạng về thành tích thể dục thể thao trên thế giới. Và đó cũng là một đặc trưng tiêu biểu cho tinh thần đồng đội gắn bó trong nếp sinh họat tập thể của một dân tộc tại vùng Nam bán cầu này vậy.
3 – Người tiếp tục sứ mệnh ngọai giao của người Việt Tự Do tại nước Úc.
*Sau năm 1975, có rất nhiều viên chức có tên tuổi trong ngành ngọai giao của Việt nam Cộng hòa đã chọn đến định cư tại nước Úc, cụ thể như các vị cựu Đại sứ Trần Văn Lắm, Đòan Bá Cang, các vị Sứ thần Nguyễn Triệu Đan, Đỗ Quang Năng v.v… Nhưng trong số đông các cựu viên chức ngọai giao này, thì người vẫn còn họat động năng nổ nhất tại Úc châu lại là Luật sư Lưu Tường Quang. Một phần vì vào năm 1975, ông Quang hãy còn trẻ – mới ở tuổi ngòai 30 – một phần vì ông đã đã có nhiều kinh nghiệm trong thời gian làm việc tại Tòa Đại sứ Việt nam tại Úc, nên ông đã dễ dàng hội nhập vào với dòng chính của xã hội nước Úc.
Khởi đầu ông Quang đã tiếp tục học thêm để có bằng hành nghề Luật sư ở Úc. Và đặc biệt ông Quang được chánh quyền nước Úc tín nhiệm để trao phó cho trách nhiệm điều hành văn phòng Di trú của tiểu bang New South Wales và sau này ông còn được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng Giám Đốc Hệ thống Truyền Thanh SBS của chánh phủ Liên Bang Úc châu nữa. Và hiện nay ở vào tuổi 70, dù đã về hưu, ông Quang lại vẫn họat động trong lãnh vực từ thiện nhân đạo, cụ thể như cộng tác với cơ quan xã hội AusCare do Giáo hội Công giáo Úc châu khởi xướng. Ông Quang cò tham gia cả trong lãnh vực truyền thông với tư cách là một nhà báo cộng tác thường xuyên với các đài truyền thanh quốc tế như VOA, RFI nữa
*Và đối với cộng đồng người Việt, thì ông Quang luôn hỗ trợ mọi công tác về văn hóa xã hội cũng như về ngọai giao chính trị, mỗi khi được bà con cần đến sự tiếp tay của ông trong việc liên lạc giao tiếp với các cấp chính quyền bản xứ. Điển hình như việc mới đây vào tháng 8/2011, ông Quang đã hợp tác với giới chức lãnh đạo cộng đồng người Việt tại Úc châu trong việc soạn thảo và đệ trình lên chính quyền nước Úc một tài liệu về tình hình vi phạm về Nhân quyền tại Việt nam. Tài liệu này do tổ chức Cộng đồng người Việt tại Liên Bang Úc châu (Vietnamese Community in Australia – VCA National) đệ trình theo lời mời gọi của Tiểu Ban về Nhân Quyền thuộc Liên Ủy Ban về Ngọai Giao, Quốc Phòng và Thương Mại để góp phần vào Những Vòng Đối Thọai về Nhân Quyền của chánh quyền Úc châu với Trung quốc và Việt nam vào cuối năm 2011 (Australia’s Human Rights Dialogues with China and Vietnam). Bản văn dài trên 30 trang với nhiều chi tiết và hình ảnh minh họa trình bày về các vụ vi phạm Tự do Tôn giáo, đàn áp đối lập chính trị, hạn chế tự do ngôn luận, nạn buôn người, đàn áp các sắc dân thiểu số v.v…
*Đặc biệt riêng đối với Mạng Lưới Nhân Quyền Việt nam (MLNQ – VN) chúng tôi, thì vào ngày 6/12/2011 ông Lưu Tường Quang đã hướng dẫn Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng và tôi đến văn phòng của Viện Đại học Southern Cross ở trung tâm thành phố Sydney để viếng thăm và trao đổi với Luật sư John Dowd hiện là Viện trưởng của Viện Đại học này. Luật sư John Dowd đã từng giữ chức vụ Bộ trưởng Tư pháp Tiểu bang NSW và hiện là Chủ tịch Hội Luật gia Úc châu và Phó Chủ tịch Hội Luật gia Quốc tế nữa.
Trong hơn một giờ tiếp chuyện với nhân vật này, anh Tùng và tôi đã có dịp trình bày chi tiết hơn về tình hình vi phạm nhân quyền vẫn còn rất trầm trọng ở Việt nam hiện nay. Nhân dịp này, chúng tôi cũng trao tận tay Ông John Dowd một bản Tường Trình năm 2011 của MLNQ – VN về tình trạng Nhân quyền ở Việt Nam vào lúc này.
Nhiều bạn hữu của tôi ở Úc châu đều cho biết là ông Lưu Tường Quang là một nhân vật rất có uy tín đối với giới chức trong chánh quyền nước Úc và ông Quang đã thật xuất sắc trong vai trò làm nhịp cầu nối kết giữa cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản với dòng chính của xã hội Úc châu nữa. Quả thật ông Quang là một trong những người vẫn tiếp tục sứ mạng ngọai giao của tập thể người Việt Tự Do tại Liên Bang Úc châu này vậy./
California, tháng Hai năm 2012
© Đoàn Thanh Liêm
© Đàn Chim Việt