Hà Nội – thành phố của những ngõ ngách
Từ tiểu Bang Victoria (Úc) chị họ tôi bay về Hà Nội sau 30 năm xa cách, và lần gặp lại này, chị lại cuốn tôi vào những kỷ niệm xưa, chị bảo : “Đi xa bao năm rồi Hà Nội trong chị vẫn là “mái ngói lô xô” trong tranh của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, là “sông hồng tiếng hát 4000 năm” của nhà thơ Chế Lan Viên, là những mảnh đời lam lũ trong phóng sự của nhà văn Vũ Trọng Phụng, là những con người kiên trì “sống mãi với thủ đô” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, là cách sống, nghệ thuật ẩm thực của người Thủ đô trong tác phẩm của Thạch Lam, Vũ Bằng, là hiện thực “lửa cháy ngút trời”, “người ra đi đầu không ngoảnh lại” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi, là nỗi niềm “tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân” của nhạc sĩ Phú Quang, là cuộc sống bình dị với “quán cóc liêu xiêu một câu thơ” vốn quen thuộc của bao nhiêu cư dân Hà Nội”.
Thành thực tôi không ngờ chất Hà Nội trong chị còn cụ thể và sống động đến thế, cụ thể và sống động như những con người vẫn hàng ngày hàng giờ đang sống trong lòng Hà Nội vậy.
Chia xẻ với chị nỗi nhớ Hà Nội, tôi chỉ còn biết lẽo đẽo đi theo chị tìm lại các ngõ phố một thời để ôn lại những kỷ niệm xưa. Quả là các ngõ phố đã làm nên diện mạo của người Hà Nội mà nhà văn Nguyễn Tuân – bậc thầy về ngôn ngữ của làng văn Việt Nam từng ví “Hà Nội là thành phố của những ngõ ngách”. Theo ông, Hà Nội có vài chục con phố và chừng ấy ngõ, nghĩa là phố nhiều như ngõ, song cái thời của ông, Hà Nội chưa “trượt chân quá đà” và bung ra khủng khiếp như hiện tại. Thời ông sống, một con phố đã có tới vài ngõ, thậm chí cả chục ngõ. Ngõ chằng chịt, ngõ đan xen, rồi từ ngõ mẹ đẻ ra ngõ con mà nay người Hà Nội gọi là ngách, tất nhiên bây giờ còn cả hẻm nữa. Nghiã là “Tứ đại đồng đường” mà thời ông chỉ “nhị đại” thậm chí “tam đại đồng đường” là cùng.
Chính vì lắm ngõ, nhiều ngách mà người sống trong các ngõ ngách nhiều hơn trên mặt đường, mặt phố, và thế mới đẻ ra thành mặt tiền, mặt ngõ, giá chênh nhau tới cả chục lần. Tuy vậy trước khi lột xác như hôm nay, Hà Nội bao đời là kinh thành của Đại Việt, vẫn mang dáng dấp của một cái làng to. Ngay cạnh một số khách sạn, nhà nghỉ bây giờ như khách sạn Bảo Sơn, khách sạn Phương Nam, khách sạn đại Dương, nhà hàng Thế kỷ vẫn còn tên gọi là làng Khương Thượng, làng Kim liên, làng Nhân Chính v.v… Còn nguyên cả đường đất, thửa ruộng, ao hồ, hợp tác xã Nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp v.v…
Nhờ công cuộc “hiện đại hoá, công nghiệp hoá” mà ngõ thành phố, ngách thành ngõ, thậm chí cả hẻm cũng lên đời do mở đường lấy đất xây dựng các công trình trọng điểm, nhà văn hoá, khu vui chơi, siêu thị v.v… song nhà cửa vẫn lổn nhổn cao thấp to nhỏ khác nhau vì nhà giàu, nghèo, trình độ phân hoá thật khủng khiếp.
Phố Khâm Thiên, Nguyễn Thái Học, Đội Cấn, Nguyễn Lương Bằng… rất nhiều ngõ, mỗi ngõ là một thế giới riêng, có ngõ như ngõ Văn Chương là cả một phường. Ngõ đặc biệt nhất – có lẽ là ngõ Cấm Chỉ – truyền thuyết của một thời xa xưa nay còn ghi lại dấu ấn bởi tên gọi của ngõ. Chuyện kể rằng chú bé Chổm ngày xưa là một cậu bé nghèo xơ nghèo xác song đi đến đâu cũng có quầng sáng to trên đầu, vốn tính háu ăn lại có biệt tài lạ lùng là sáng ra hễ sà vào hàng nào thì hàng đó lập tức bán đắt như tôm tươi, thế là các bà các cô bán hàng thịt, gạo bánh bún các kiểu cứ thi nhau chào mời bằng được… Miệng ăn núi lở, Chổm ta trở thành người mắc nợ khắp kinh thành, đi đến đâu cũng có người chạy theo đòi nợ. Trốn tránh mãi không lại, đến khi chuyện vỡ lở, Chổm bị đưa lên công đường, nhà vua thấy mặt mũi thông minh sáng sủa thì thương tình, liền ban cho một một đường thoát hiểm, bèn ra sắc lệnh: Hễ đòi nợ Chổm ở đâu thì đòi nhưng khi đã vào trong cái ngõ ấy rồi thì cấm chỉ. Ai trái lệnh sẽ mắc tội khi quân, bị xử trảm. Từ sắc lệnh “cấm chỉ” ấy mà thành tên ngõ.
Ngõ Tạm Thương lại bắt nguồn từ tích xưa, chuyện cũ. Trước đó có kho lương tạm thời do những anh lính đứng gác. Buồn tình liền kiếm chuyện làm quà với những cô gái vốn cả nể, hay thương người, khi các chú lính trạm chuyển đi, chuyện tình một thưở thành tạm thời chốc lát và tên ngõ được đặt thành “tạm thương”… nhưng những mối tình “tạm thương” không bao giờ thành dĩ vãng bởi tên ngõ vẫn còn đó, minh chứng cho mối tình lỡ độ đường, yêu vụng nhớ thầm thưở nào…
Ngõ Hàng Lọng dài mấy chục mét, một bên là nhà dân bên kia là tường của bộ công an. Dân phố ngày xưa chuyên làm ô lọng nên tên nghề mới thành tên ngõ. Sau ngày giải phóng thủ đô, nó được mang tên mới là đường Nam Bộ, khi Bắc Nam thống nhất đổi thành đường Lê Duẩn, nhưng người dân chẳng ai thích tên ấy, phần lớn lớp già vẫn gọi bằng tên “Hàng Lọng” cũ, lớp trẻ hỗn hào hơn cứ gọi bừa là “đường đa thê” hoặc “đường con lợn của Đảng” cho dễ nhớ, dễ phân biệt với các tên tuổi lừng danh, xứng đáng khác.
“Vào Cu Ba, ra Vạn Kiếp” là tên người dân sống lâu đời trong ngõ vẫn gọi. Ngõ này nằm giữa bệnh viện Việt Nam – Cu Ba và đường Trần Hưng Đạo – cái tên như nói rõ cảnh ngộ của bao kiếp người sống trong lòng ngõ… Bên kia còn một ngõ nữa không hiểu vì sao không có biển đề, người dân quen miệng gọi ngõ lao động để phân biệt ngõ của những con người cần cù lao động nghèo khổ với các ngõ phố đài các cao sang khác. Thời kỳ Đảng đổi mới tư duy đặt lại thành ngõ 90, cánh văn nhân yêu mến tài của cụ Nguyễn Tuân thường gọi đùa là ngõ Nguyễn Tuân. Nơi đó trên gác hai có nhà của văn hào Nguyễn Tuân. Trong căn phòng nhỏ ông từng giải thích tên gọi của từng loại rượu cho cánh nhà văn trẻ, theo cách hiểu của ông, nào rượu lậu, quốc lủi, làng vân rồi rượu bộ, rượu mắt ếch v.v…
Nhà văn Băng Sơn – người được coi là một nhà Hà Nội học vì sự am tường về văn hoá nghệ thuật, sinh hoạt, cũng như địa lý Hà Nội, khẳng định Hà Nội bây giờ có tới 500 phố, và hơn 100 ngõ, nhiều nhà thơ văn quen thuộc của Việt Nam đã gắn bó với các ngõ Hà Nội như nhà thơ Trần Huyền Trân ở ngõ cống trắng, Vũ Hoàng Chương ở ngõ Thanh Miến, nhà văn Kim Lân ở ngõ Hạ Hồi, nhà văn Thạch Lam và thi sĩ Vân Đài ở ngõ Trúc Lạc (gần Hồ Tây) nhà văn Sơn Tùng ở ngõ Văn Chương v.v…
Ngày nay những địa danh ẩm thực nổi tiếng, như “cầy tơ bảy món”, chân gà nướng, sôi lạp sườn, vằn thắn sủi cảo, gà hầm thuốc bắc, bánh cuốn cà cuống” v.v… lại gắn liền với tên ngõ xưa như ngõ Cấm Chỉ, ngõ Phất Lộc, ngõ Hàng Hành, Hàng Hương v.v…
Ngõ dài nhất Hà Nội có thể là ngõ Quỳnh, vừa dài vừa hẹp lại ngoằn nghèo chạy loằng ngoằng từ phố Bạch Mai khu vực ô cầu Dền tới tận phố Nguyễn Thị Minh Khai, gần nhà máy dệt 8-3. Một ngõ có đến cả vạn người sinh sống. Ngõ Thổ Quan (Khâm Thiên) có thể coi như ngõ dài thứ hai, biết bao nhiêu là dân cư đông đúc. Hàng triệu người Hà Nội đã ra đời ở ngõ này bởi nơi đó có nhà hộ sinh Thổ Quan, nơi đón nhận những sinh linh bé bỏng của Hà Nội chào đời. Ngõ ngắn nhất có thể kể như ngõ Tức Mặc, vừa rộng vừa ngắn lại cụt thun lủn, trước đây nổi tiếng vì những cây hoàng lan cao to lừng lững. Bây giờ đất chật, người đông bóng mát ít dần, nhường chỗ cho những bóng người chen chúc, ngõ ngắn thứ hai ba gì đó có thể là ngõ Vân Hồ, một đoạn đường 50 mét chưa đầy 50 nóc nhà cũng biến thành “ngõ ẩm thực”, ngõ hẹp người đông, người và xe cộ muốn tránh nhau đều phải vén bụng, uốn ghi đông xe sang một bên vì trước cửa nhà nào cũng khư khư một quán bán hàng từ trà đá đến mì bún miến, rồi bánh giò bánh bao các loại, không phải trăm người bán vạn người mua mà dăm người bán vài người mua, quán vẫn tồn tại năm này sang năm khác, đời cha cho chí đời con, rõ ra là lối ngõ Hà Thành thật, mật ít, ruồi nhiều nên đất nào cũng có ruồi bâu, chả lo thừa ế.
Cuộc sống trong ngõ ngách tưởng lặng lẽ, câm nín như một vũng ao tù mà ngược lại cuồn cuộn sôi sục như dòng chẩy. Ngõ càng đông, dòng chảy càng sôi, ngõ vắng người thưa dòng chảy mới sâu và êm, song trong thời cơ chế mở những ngõ ấy chỉ có thể là ngõ phố của các cán bộ lãnh đạo lâu năm như ngõ N5, N7, N22 ở phố Liễu Giai bây giờ, nhà nào cũng là khu biệt thự hai tầng lầu, diện tích mặt đất đã là 130 mét, xe con chạy thẳng tận cửa không phải bóp còi, đạp phanh như các ngõ phố khác của Hà Nội.
Ngày chị tôi đi, chưa có đường Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ – ba vị giáo sư có công đầu trong việc xây dựng trường đại học Y khoa Hà Nội, ba nhà khoa học được nhiều giải thưởng lớn cả trong nước cũng như quốc tế đều là con của núi Ngự sông Hương, khi còn sống giữa rừng sâu Việt Bắc – vì khoa học vì tổ quốc họ luôn gắn bó với nhau, sau khi từ giã cõi đời, trường đại học y khoa đã đề nghị họ được gần nhau và đã được chấp thuận, trong ba con đường ấy thì đường Tôn Thất Tùng chạy qua cổng trường đại học y khoa nối với đường Đặng Văn Ngữ qua hồ Trung Tự rồi tiếp xúc với đường Hồ Đắc Di chạy sang khu tập thể Nam Đồng.
Để giới thiệu với chị đầy đủ dáng vẻ mới của Hà Nội, tôi đưa chị đến phố Cù Huy Cận nổi tiếng với “làng nướng” với các món nướng đủ loại do các du khách tự chọn theo khẩu phần và ý thích của mình với giá 85.000VND một người, một xuất kèm cả một cốc bia. Ngồi thưởng thức hương vị quê hương tôi kể chị nghe một chuyện vui có liên quan đến tên đường Cù Huy Cận này. Ấy là khi còn sống, vừa kịp trông thấy đường Xuân Diệu, vị “La Hán” béo tốt thứ 13 đã thắc mắc: Anh Xuân Diệu có đường rồi, còn đường của tui ở mô? Tất nhiên câu trả lời của lãnh đạo Hà Nội khi đó là: ” -Thì bác cứ chết đi, rồi đâu sẽ có đó mà!” Làm chị cười ngặt nghẽo, đưa ra một lời bình chí lý: -”Quả nhiên ông ta không được lên thiên đường, nhưng đã có tên đường thật .”
Phố Tạ Quang Bửu vốn thuộc phường Bách Khoa, một phường chỉ toàn đường ngang ngõ tắt, nhà không số, phố không tên, sâu hun hút như cái tổ lươn. Sau thập kỷ 90 mới đặt tên phố – từ phố sinh ra một loạt ngõ, ngõ đẻ ra ngách, ngách lại nảy thành hẻm, từ hẻm phân nhánh thành hẻm 1, hẻm 2, hẻm 3 v.v… không biết sau hẻm còn là gì nữa. Thế gian cải vũng nên đồi, nhiều ngõ lên đời thành phố như ngõ Văn Chỉ nay đã thành đường Lê Thành Nghị, nhà nhà đang từ ổ chuột ẩm thấp thành to đẹp đàng hoàng ngay mặt đường sáng trưng, giá ngất nghểu gấp hai ba chục lần. Hoá ra “sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông” là chuyện không hiếm xảy ra ở Hà Nội, thậm chí còn là đặc thù của ngõ ngách Hà Nội thời hiện đại nữa.
Một cuộc sống vừa thực vừa ảo, lung linh mà gần gũi, quẩn quanh mà sống động, vất vả mà thơ mộng, lấm láp mà cao sang, trầm lặng mà biến đổi… Đó chính là cuộc sống của muôn dân trong ngõ ngách Hà Nội hôm nay, không trừu tượng và cũng chẳng giản đơn…
Cùng một lúc phải dạo qua nhiều ngõ ngách Hà Nội quá, cả hai chị em tôi mệt phờ nhưng cũng vui vì được ôn lại những kỷ niệm đẹp của ngày xưa. Tuy vậy, chị tôi bảo: Hà Nội bây giờ thay đổi nhiều quá, phố xá ồn ào, nhà nhà xả rác ra đường, con trai con gái thô lỗ cục cằn, nói tục, chửi bậy nhiều qúa… bây giờ nếu cho chị quay lại Hà Nội sinh sống như trước, chắc chắn là chị sẽ không bao giờ ở lại, chị đã quen sống ở thiên đường mặt đất là xứ xở yên bình Australia rồi.
Câu trả lời của chị gieo vào lòng tôi một dấu chấm lửng, như thể bị lạc vào trong ngõ rồi và không thấy nẻo ra …
© 2008 www.danchimviet.com