Ngay từ hôm các anh chị phường quận đến nhà mình từ chủ nhật tuần trước, một mực mong mình thông cảm, đừng đi ra khỏi nhà, để cho các anh các chị ấy còn hoàn thành nhiệm vụ với cấp trên, mình đã định là sau đó thể nào cũng phải viết một cái thư phản đối hành vi vi phạm pháp luật của chính quyền, khi ngăn cản cuộc sống bình thường của người dân như thế này.
Nói thực là lúc ấy mình chả thông cảm cũng chả được. Các anh các chị ấy đông như thế, gấp mấy chục lần mình, lại còn lớp trong lớp ngoài, mà mình thì không thích trong thời bình lại diễn ra cảnh đấu vật không cân xứng thế này. Dù gì thì các anh các chị ấy chỉ biết mỗi cái việc là bằng giá nào cũng không để mình ra khỏi nhà. Thế nên mình chấp nhận quay vào nhà, lo xong bữa trưa đã rồi mới vào máy tính, kể lể, mách bạn đọc. Sau đó thư thả đọc tin tức xem có ai được các ban ngành đoàn thể ở địa phương, gặp gỡ đề nghị thông cảm như mình không.
Xem ra chả có cái nguyên tắc nào nên mỗi nơi áp dụng một kiểu, tùy theo nhận thức và mức độ tận tuy của người thi hành nhiệm vụ. Phần lớn chỉ vào thuyết phục tại gia, không được thì về. Có người từ chối thẳng thừng, không cho đoàn thể vào nhà như bác Ngô Đức Thọ. Bác Quang A còn được ra khỏi nhà một đoạn, chứ chả ai bị chặn ngay tại cửa một cách thô thiển như trường hợp của mình. Mẹ mình kể ngoài số người trên hành lang nhà mình khoảng 2 chục vị, thì ở các quán nước dưới nhà cũng có trên chục vị là ít. Bà còn bảo trông họ bặm trợn lắm, chả ai có dáng vẻ trí thức cả. Mình đoán đấy là an ninh !!!
Mình nghĩ mãi là tại sao có mỗi một mình mình mà phải huy động đông người thế? Hàng xóm chắc hãi lắm, tưởng mình hẳn phải là phản động nằm vùng cỡ bự. Hẳn họ rất thắc mắc là sao chưa thấy trình diễn màn còng số tám ???
Mình đoán chẳng qua do các đoàn thể ở đây họ nhận thức vấn đề bị phóng đại lên quá, nên mới làm hoành tráng thế, chứ ở đâu cũng như thế này thì có mà loạn.
Ừ! Hà Nội không vội được đâu, nói với họ bằng miệng là không ăn thua. Nói với bố, con đang ngâm cứu viết cái thư phản đối mà chưa biết gửi đi đâu. Nhưng kiểu gì cũng phải viết. Bố thấy vô lý không, đời thuở nhà ai lại ngăn sông cấm chợ quái đản đến mức thế bao giờ? Chính quyền mà không hành xử theo luật, lại dùng biện pháp “lấy thịt đè người” thế này à? Mình im thì hóa ra mình chấp nhận thành thông lệ, là họ thích ngăn mình lúc nào là họ ngăn, mình sẽ trở thành tù nhân kiểu mới à? Thế thì không ổn. Tuyệt đối là không ổn. Đương nhiên là bố đồng ý vì bố cũng rất bực mình.
Đang còn tham khảo trên mạng, chưa kịp viết thì tin tức dồn dập. Nào là lúc đầu thì có tin 9.000 tàu cá Trung Quốc sẽ tràn ra biển Đông, sau thì lại là 23.000 tàu chứ không phải là 9.000. Họ gọi biển Đông là ngư trường của Tam Sa. Tàu đông như kiến thế này thì còn gì cá mà đánh, là họ phô trương để dọa nạt là chính chứ đánh bắt cái gì?
Hôm kia nghe mấy bác trí thức trong Sài Gòn viết thư cho thành ủy, đề nghị chính quyền đứng ra tổ chức cho các đoàn thể và quần chúng biểu tình, phản đối hành động bành trướng của Trung Quốc tại biển Đông. Nếu vì một lý do nào đó mà chính quyền không tổ chức được thì các bác ấy sẽ tự tổ chức lấy.
Uh! Phải thế chứ. Hoan hô các bác!
Thương Sài Gòn lắm. Thời còn chiến tranh, ở Sài Gòn biểu tình chống chính quyền Mỹ Thiệu còn bị đàn áp bằng vòi rồng và lựu đạn cay mà vẫn nổ ra thường xuyên. Đằng này biểu tình phản đối Trung Quốc mà lại không được ư?
Còn chuyện thành ủy hay chính quyền có trả lời thư của các bác ấy không thì có vẻ ai cũng biết. Bác Lê Hiếu Đằng đã chả nhận định rằng “… tôi nghĩ có khả năng là không sẽ trả lời. Bởi vì tôi nghĩ như thế này, đối với một vị công thần, một vị đại tướng lẫy lừng như Võ Nguyên Giáp mà trong nhiều văn bản đại tướng từng gởi cho nhà nước và cũng không được trả lời. Bản thân chúng tôi khi gởi chúng tôi cũng nghĩ rằng nhà nước có thể không trả lời. Mà nếu không trả lời thì chúng tôi được toàn quyền thực hiện quyền biểu tình của mình theo luật pháp và theo hiến pháp đã qui định. Chúng tôi sẽ tự đứng ra tổ chức và như trong văn bản chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng phải giữ trật tự an ninh để chúng tôi thực hiện cuộc biểu tình đó.”
Đấy, thư của ông Võ Nguyên Giáp họ không trả lời. Thư của các bác ấy chắc gì họ đã trả lời. Thư phản đối của mình họ lại càng không trả lời.
Nếu nói đúng nguyên tắc thì chả phải bàn làm gì. Nhưng bao nhiêu năm nay, mình ngộ thấy nó đã trở thành một thứ văn hóa, chứ không còn là nguyên tắc nữa. Có biết bao nhiêu dạng đơn thư đã được gửi đi trong nhiều năm qua, và bao nhiêu trong số đó được hồi âm? Không có một cơ quan tổ chức nào đứng ra thống kê con số này, nhưng mình chắc chắn nó rất khủng khiếp. Nó không chỉ làm lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức mà còn lãng phí cả niềm tin của người dân vào công lý nữa.
Không trả lời đơn thư của người dân giờ đây đã trở thành một thứ văn hóa của chính quyền. Ngay cả trước những sự kiện chấn động dư luận trong và ngoài nước về vụ tự thiêu mới đây của bà Đặng Thị Kim Liêng ở Bạc Liêu, hay việc tàu cá Trung Quốc tràn ngập biển Đông thì chính quyền vẫn hoàn toàn im hơi lặng tiếng. Một sự im lặng không thể giải thích nổi.
Trước đây văn học Nga có một cuốn truyện phản gián khá nổi tiếng có tựa đề : “TASS được quyền tuyên bố”. Bỗng mình nghĩ, giá mình mà có tài viết văn, mình sẽ viết một cuốn có tựa đề ngược lại: “ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM được quyền im lặng”
Theo Blog Chimkiwi
Các bác thông cảm: Môi hở răng lạnh
chimkiwi.blogspot.com là blog của chị Phương Bích. Để cổ võ tác giả, mời các bạn vào đọc nhiều bài viết khác của chị PB. Bài viết nào của chị cũng có sức lôi cuốn người đọc vì cách dùng chữ đơn giản mà chính xác, và đặc biệt là tình cảm chân thành của tác giả trong mỗi bài viết.
[Theo sự nhận xét của tôi, các tác giả viết blog thường chú ý đến SỐ lượng đọc giả vào đọc bài của họ. Nếu số lượng đọc giả vào blog của họ ngày càng gia tăng, họ sẽ hăng hái và chuyên cần viết thêm nhiều bài mới để đăng trên blog của họ. Ngược lại, nếu số lượng bạn đọc vào blog của họ ít, hoặc không gia tăng theo thời gian, họ sẽ ít viết bài mới và ít chăm sóc blog. Đó là một tâm lý tự nhiên của các tác giả.
BBT Đàn Chim Việt khi copy bài của các blog về đăng lại trên website của họ thì thường có thói quen KHÔNG để link dẫn đến các bài gốc của các tác giả. Tôi không biết BBT làm như thế là vì mục đích gì mặc dầu tôi đã nhiều lần góp ý yêu cầu họ tôn trọng tác giả. Nhưng BBT ĐCV đã không muốn thay đổi cách làm, họ không muốn dẫn link tới các bài gốc.]
Chỉ có những quan chức trong một chính quyền của dân, cho dân và vì dân thì mới năng nổ làm việc theo đúng trách nhiệm được dân giao phó. Chúng ta đã quá quen với thái độ bất chấp của các tòa án: làm ngơ những vụ khiếu kiện đất đai.
Tác giả có nhận xét, và kết luận rất đúng; Nhưng tại sao họ lại làm vậy? Câu trả lời có thể là vế thứ hai của thành ngữ “Ngậm miệng ăn tiền” trong ngôn ngữ VN.