WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Bài học đáng giá từ Luận án Tiến sĩ của Thủ tướng Campuchia Hun Sen

Sự kiện Chính phủ Campuchia vào hùa với Trung Cộng trong vai trò Chủ tịch ASEAN khi thảo luận về những tranh chấp Biển Đông vẫn đang gây bức xúc dư luận ở nước ta.

Một số người thể hiện thái độ thất vọng, bất bình, bàn ra tán vào về độ tin cậy và cái sự chung thủy của Campuchia với “Tình hữu nghị đặc biệt Campuchia-Lào-Việt Nam”

Còn tôi thì lại nghĩ khác: Đó là luật chơi quen thuộc của Campuchia mà chúng ta thường quan sát thấy.

Quan điểm mà chúng ta cần bình tĩnh xác nhận, là Campuchia đã lựa chọn một quyết định có lý, đúng nghĩa theo luật chơi truyền thống của họ, bất kể người đại diện của họ là Cựu hoàng Sihanouk, là nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản Polpot hay Thủ tướng Hun Sen. Và có lẽ đó cũng là điều mà các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng cần rút ra bài học cho luật chơi của mình.

Chúng ta hãy đọc một số luận điểm trong Luận án Tiến sĩ về Khoa học Chính trị của Hun Sen bảo vệ ở Học viện Nguyễn Ái Quốc (Việt Nam) năm 1991, tức Trường Đảng Cao cấp, trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Luận án có tên “Tính đặc thù của quá trình cách mạng Campuchia”.

Luận án là một công trình nghiên cứu khoa học rất nghiêm túc và thú vị, đưa ra nhiều luận điểm đáng trân trọng, hoàn toàn khác biệt với luận điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, mặc dầu cố vấn khoa học là Giáo sư Nguyễn Đức Bình, người được nổi tiếng là có quan điểm rất chuẩn tắc theo đúng nghĩa một người marxist-leninist “toàn tòng”.

Qua tư tưởng của luận án, chúng ta sẽ hiểu vì sao Campuchia đã vào hùa với Trung Cộng để có một thái độ xử sự không minh bạch trong vấn đề Biển Đông.

Trong nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN của Campuchia, và trong quan hệ lâu dài với họ, chắc chắn còn tái diễn nhiều sự kiện đại loại như chuyện xảy ra vừa qua. Vì vậy, nghiên cứu quan điểm của Hun Sen cũng có thể giúp chúng ta chọn nước đi thích hợp để ứng xử với Campuchia và những người đại diện khác của Campuchia trong tương lại.

Nhận xét của Hun Sen về tình hình Campuchia

Luận án của Hun Sen đã chỉ rõ bàn tay độc ác của Trung Cộng chia rẽ đảng của những người cộng sản Campuchia đến mức phe theo Trung Cộng trong Đảng đã thẳng tay chém giết đồng bào, đồng chí của mình, dẫn đến thảm họa diệt chủng theo kiểu giết người thời trung cổ, còn độc ác hơn cả phát xít Hitler thời Đệ nhị Thế chiến. Đương nhiên, trong lịch sử các đảng cộng sản, trước hết là Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc, việc giết hại đồng bào, đồng chí để “bảo vệ Đảng” là hiện tượng mang tính phổ biến, gần như là một tất yếu lịch sử, nhưng chưa ở đâu đạt đến trình độ tàn bạo tột cùng như trong phong trào cộng sản Campuchia.

Trước hết, trong Luận án, Hun Sen đã nêu những sự kiện mà chúng ta vốn biết:

Quân đội của cả hai phía Việt Nam đều đã ngã xuống trên mảnh đất Campuchia. Cả hai phía Việt Nam đều chiến đấu để bảo vệ hai phía của Campuchia, và đều bị cả hai phía Campuchia giết hại: Phía Campuchia chống cộng thì giết phía Việt Nam cộng sản, còn phía Campuchia cộng sản thì giết cả phía Việt Nam cộng hòa, và cả phía Việt Nam cộng sản. Từ khi Polpot giành được quyền lực trong Đảng (1973), thì vừa sử dụng quân đội Miền Bắc Việt Nam để chống lại lực lượng chống cộng Campuchia, vừa bắt đầu thanh trừng các lực lượng thân Việt Nam theo phương châm “vừa tranh thủ, vừa ngăn chặn, vừa loại trừ” (Luận án, trang 46).

Đường lối cách mạng Campuchia được viết tập trung trong Chương II của Luận án. Chương này mang tên: “Cuộc cách mạng làm lại”. Có thể nói đây là một chương đặc sắc trong Luận án của Hun Sen.

Mở đầu chương, Hun Sen nói về chế độ diệt chủng Polpot. Ông nhận định: Cái Đảng Cộng Sản của Polpot đã phản bội lại cách mạng.

Còn chính sách của Polpot đối với Việt Nam được Hun Sen mô tả như sự giải thích rõ thêm đường lối “vừa tranh thủ, vừa ngăn chặn, vừa loại trừ” đã nêu ở chương trước. Hun Sen trích dẫn lời Polpot phát biểu vào tháng 4/1978, trong Báo cáo về nhiệm vụ của Trung ương Đảng Campuchia 1976, Polpot tuyên bố: “Một người Campuchia phải tiêu diệt 30 người Việt Nam, vì vậy có thể dùng 2 triệu người Campuchia để tiêu diệt 60 triệu người Việt Nam” (Luận án, trang 63). Chúng ta nhớ lại, năm 1978, dân số Việt Nam khoảng 60 triệu người. Có nghĩa người lãnh đạo đảng cộng sản anh em Campuchia đã có một phát ngôn chính thức trước Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản của họ, là tiêu diệt hết dân tộc Việt Nam.

Hun Sen cũng đã chỉ ra rất rõ vai trò của Trung Cộng trong việc hậu thuẫn cho Đảng Cộng sản Campuchia dưới triều đại của Polpot. Ông viết: “Chỗ dựa về tư tưởng của Polpot chính là chủ nghĩa Mao” (Luận án, 59), “Trung Quốc có vai trò quan trọng trong việc ủng hộ cuộc diệt chủng của Polpot đối với nhân dân Campuchia cũng như việc Polpot xâm lược Việt Nam”, và Hun Sen xác định: “Nội dung của cách mạng dân tộc lúc này khác trước ở chỗ không tập trung mũi nhọn chống sự xâm lược của nước ngoài (ý Hun Sen nói về Pháp và Mỹ), nhưng tập trung đánh vào chế độ cai trị độc tài diệt chủng được Trung Quốc hậu thuẫn để cứu nước” (Luận án, 67).

Nhận định này của Hun Sen gợi chúng ta liên tưởng tới việc Trung Cộng hỗ trợ, vừa lôi kéo, vừa hù dọa các nhà cầm quyền ở một số nước, theo kiểu đã ủng hộ cho Polpot, để đàn áp nhân dân dưới chiêu bài “bảo vệ Đảng”, “bảo vệ cách mạng”, “chống các thế lực thù địch”, và như vậy, bài học mà Hun Sen đã chỉ ra cho Campuchia cũng là bài học đắt giá cho những ai muốn dựa vào Trung Cộng để bảo vệ cho quyền lực của họ và của đảng của họ, cũng là bài học nghiêm túc cho tất cả những ai yêu nước thương nòi muốn thực sự dấn thân bảo vệ độc lập chủ quyền, độc lập cho dân tộc.

Nói về một “cuộc cách mạng làm lại”, bắt đầu từ việc thành lập Mặt trận đoàn kết cứu nước Campuchia” vào tháng 12/1978 và giành thắng lợi vào tháng 1/1979, Hun Sen đã đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc giúp đỡ Campuchia. Hun Sen cho rằng, không có sự giúp đỡ của Việt Nam, thì không thể tiêu diệt được chính quyền diệt chủng của Polpot. Hun Sen còn trích dẫn lời của Quốc vương Sihanouk, người được ông gọi là “đồng minh của Polpot từ đầu đến cuối” (Luận án, 74) trong cuộc đàm phán Sihanouk – Hun Sen: “Nếu không có quân đội của ngài Hun Sen, không có quân đội Việt Nam đánh Polpot, thì tôi (Sihanouk) đã chết”.

Một trong những dòng được in chữ đậm trong Luận án, Hun Sen khẳng định: “Việt Nam đã đến giúp Campuchia là hoàn toàn hợp pháp”.

Chương III của Luận án bàn về “Cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ và nhân dân trong bối cảnh tình hình đất nước vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh”.

Mở đầu chương này, Hun Sen nhận định về bối cảnh trong nước và quốc tế. Tiếp đó ông trích dẫn một câu nói rất đúng chỗ của Lênin: “Chỉ có độc một mình đội tiên phong thôi (ý của Lênin trong đoạn này là nói về đảng cộng sản) thì không thể thắng nổi. Ném độc một mình đội tiên phong vào một cuộc chiến đâu quyết định, khi mà toàn thể giai cấp công nhân và quần chúng lao động chưa được chuẩn bị sẵn sàng và chưa có thái độ trực tiếp ủng hộ đội tiên phong, hoặc ít ra là một thái độ trung lập hoặc có thiện cảm với đội tiên phong khiến họ không thể hoàn toàn ủng hộ kẻ địch được, thì đó không những là một điều dại dột, mà còn là một tội ác nữa” (Luận án, 100). Thì ra, khi chúng ta được nghe ai đó – vẫn xem mình là leninist – nói, công việc trọng đại cứu nước đã có một mình “đội tiên phong” lo, là nói ngược với lời chỉ giáo của ông tổ Lênin của họ, thì ra họ đã chẳng leninist một chút nào!

Hun Sen đã phát triển rất đặc sắc tư tưởng này của Lênin. Ông viết: “Như vậy điều quan trọng trong lúc này là phải có một chính sách đồng minh đúng đắn phù hợp với tính chất dân tộc dân chủ nhân dân mà đòi hỏi đầu tiên là nỗ lực xây dựng một mặt trận rộng rộng rãi, thành lập một liên minh có số lượng mạnh, làm cho các tầng lớp khác cùng tham gia cách mạng…”.Hết đoạn này, Hun Sen kết luận bằng những dòng (in đậm trong nguyên bản): “Từ đó Đảng mới có thể thực hiện được sách lược thêm bạn, bớt thù một cách đúng đắn và chủ động làm thay đổi so sánh lực lượng giai cấp trong xã hội có lợi cho cách mạng” (Luận án, 101).

Và ở đoạn dưới, Hun Sen đã viết không úp mở: Ông nhận đỉnh rằng “Chiến tranh ở Campuchia chưa chấm dứt…” và ông đưa ra những luận điểm rất mạnh dạn: “Nếu có giải pháp chính trị đưa đến chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, chấm dứt sự đe dọa từ bên ngoài đối với độc lập, chủ quyền của Campuchia thì có thể nói rằng, nhiệm vụ dân tộc đã hoàn thành một bước quan trọng…”. Ông khẳng định: “Giải pháp là một sự thỏa hiệp, và sự thỏa hiệp ở đây bước đầu là nhằm chấm dứt cuộc xung đột vũ trang (ý nói xung đột giữa các phe phái Campuchia), tạo lập hòa bình và hòa hợp dân tộc. Như vậy các chính đảng thôi đánh nhau bằng vũ trang, phải sống chung, nhưng vẫn tiếp tục đấu tranh với nhau dưới những hình thức khác: chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa… trong cùng một khuôn khổ xã hội, do đó sẽ nảy sinh lập tức hệ thống đa đảng, đa nguyên chính trị. Đây là cái giá mà cách mạng phải trả vì hòa bình, vì lợi ích của nhân dân.” Đoạn này Hun Sen in chữ đậm, và ông đã khẳng định “Vai trò của Đảng sẽ không như trước kia, vì phải mất đi vai trò độc quyền lãnh đạo” (Luận án, 117).

Luận án của Hun Sen đã cho thấy thái độ nhất quán của ông, được nhắc lại nhiều lần, là phải làm lại cách mạng Campuchia, chỉ rõ chân tướng của cái đảng vẫn mang vỏ bọc cộng sản của Polpot là “phản động”, cái đảng đang dựa lưng vào một bức tường chắn khổng lồ là Đảng Cộng sản Trung Quốc và nước lớn xã hội chủ nghĩa là Trung Hoa đại lục. Ông không lấn cấn với nước Trung Hoa anh em “bốn tốt” và “mười sáu chữ vàng”, và ông cũng không sợ mang tiếng đánh nhóm cộng sản Polpot sẽ bị Polpot gọi tên là “thế lực thù địch”.

Quả thực, trong lịch sử phong trào cộng sản quốc tế chúng ta chưa đọc được ở quốc gia nào một sự kiện mang tính nghịch lý của lịch sử: Một nhóm đảng viên cộng sản đứng ra thành lập một đảng cộng sản khác, xây dựng một lực lượng vũ trang khác để lật đổ ách thống trị của một nhóm cộng sản vẫn vỗ ngực là đảng của giai cấp công nhân, nhưng phản bội lại lợi ích của nhân dân và của tổ quốc, và bám vào sự ủng hộ của đảng Trung Cộng để ra tay đàn áp nhân dân.

Trong bản luận án của Hun Sen, chúng ta thấy Hun Sen nhiều lần nhắc đến sự hậu thuẫn và giúp đỡ vật chất cho Polpot, nhưng không hề thấy Hun Sen nêu một sự kiện nào về việc Trung Cộng mua chuộc và đút lót các quan chức cao cấp của Polpot để lũng đoạn đảng này, để thâm nhập ngày càng sâu vào Campuchia, để khai thác tài nguyên ở Campuchia, để khống chế nền kinh tế Campuchia. Từ đó có thể suy ra, Trung Cộng ngày nay thâm độc hơn Trung Cộng hồi đó rất nhiều.

Đường lối quốc tế trong Luận án của Hun Sen

Trước hết, chúng ta hãy đọc những đoạn của Luận án nói về quan hệ với Việt Nam. Hun Sen viết: “Do điều kiện chính trị, điều kiện tự nhiên và nguyên tắc tự nguyện, Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia (tức đảng cộng sản) đã ra đời như một đứa con sinh ba từ một bào thai…” (Luận án, 7).

Đối với phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới, Hun Sen cũng đánh giá “Liên Xô ở trong thế mạnh nhất trong việc kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai. Chủ nghĩa xã hội không chỉ có ở Liên Xô và đã trở thành hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới, đang trong thế tiến công và là chỗ dựa vững chắc nhất cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc…” (Luận án, 9).

Tác hại của Trung Quốc đến cách mạng Campuchia cũng được Hun Sen chỉ rõ khi bàn về bối cảnh củaHội nghị Genève về Đông Dương tháng 5 năm 1954. Hun Sen nhận định: “… và cùng lúc đó Trung Quốc đang tìm cách thỏa hiệp để bảo vệ mình. Vì vậy, các thỏa hiệp trong Hội nghị Genève được tiến hành liên tục do sự cấu kết bí mật giữa Pháp, Mỹ và Trung Quốc; những thỏa hiệp này đã làm tiêu tan mọi thuận lợi của phong trào kháng chiếncủa nhân dân Campuchia” (Luận án, 16). Trong một đoạn sau đó, Hun Sen nhận định: “Về phần Trung Quốc thì cần xây dựng lại đất nước và muốn có một khu vực đệm ở phía Nam Trung Quốc, tức là Miền Bắc Việt Nam để tránh đụng đầu trực tiếp với Mỹ, Trung Quốc đã thưc hiện chiến lược thỏa hiệp vì lợi ích của bản thân mình” (Luận án, 17). Nhận định này của Hun Sen càng khẳng định: Chính Trung Quốc mới là người phải biết ơn nhân dân Việt Nam, bởi vì Việt Nam đổ xương máu để tạo một vùng đệm để bảo vệ công cuộc xây dựng đất nước Trung Quốc trong hòa bình.

Hun Sen nhiều lần phê phán đường lối của Đảng Cộng sản của Polpot đối với Việt Nam, là “vừa tranh thủ, vừa ngăn chặn, vừa loại trừ”, nhưng đường lối này đúng cả với Sihanouk và với cả chính Hun Sen.

Về nguyên nhân dẫn đến sự phản bội cách mạng của Đảng Cộng sản (Polpot)

Về nguyên nhân làm cho Đảng Cộng sản của Polpot đẩy nhân dân và đồng minh đi với kẻ thù và Đảng Cộng sản của Polpot đi vào con đường phản bội cách mạng Campuchia, Hun Sen viết: “Sự phản bội của Polpot xuất phát từ việc xác định mâu thuẫn không đúng, không nhận rõ kẻ thù”. Trong toàn bộ phần sau, Hun Sen đã phân tích hậu quả của chính sách nhầm lẫn kẻ thù của Polpot đã làm cho Đảng Cộng sản bị cô lập, đẩy các lực lượng vốn liên minh với Đảng nay quay lại chống Đảng. Ông viết: “Polpot đã làm cho cách mạng xa rời tình hình và nhiệm vụ của dân tộc, thoát ly xu thế của thời đại”… Ông viết tiếp: “Việc xa rời xu thế chung của dân tộc không những không làm cho cách mạng phát triển, mà còn làm mất đồng minh, đẩy đồng minh đi với kẻ thù…” và ông kết luận: “Do đó so sánh lực lượng xung quanh đường lối độc lập mất đi sự thuận lợi, tạo ưu thế hoàn toàn cho phái hữu tay sai đế quốc chi phối chính sách đối nội và đối ngoại” (Luận án, 38). Hun Sen còn bình luận thêm: “Hành động phản bội (của Đảng Cộng sản của Polpot) dẫn đến sự sai lầm về chiến lược, sách lược cách mạng trong giai đoạn đó, là yếu tố kết hợp đưa Campuchia vào vòng xâm lươc của đế quốc…” (Luận án, 39).

Sự nhầm lẫn kẻ thù và sự thoát ly bối cảnh quốc tế của những người cộng sản dưới triều đại của Polpot là điều được Hun Sen nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Luận án của ông.

Hun Sen viết: “Nhóm này luôn ra sức tách phong trào ra khỏi xu thế chung của dân tộc và xu thế quốc tế, gây nên tai họa nặng nề cho cách mạng”. Ông nhận định: “Nếu xét nhóm Polpot theo từng giai đoạn, người ta có thể kết luận rằng nhóm này có sai lầm về chủ trương và hoạt động trong khuôn khổ cách mạng, nhưng nếu nhận xét bằng cách xâu chuỗi lại các giai đoạn đấu tranh người ta có thể kết luận rằng đây là hành động phản bội cách mạng, một hành động phản bội được thực hiện bằng cách lợi dụng lực lượng cách mạng để giành lấy quyền lợi cho riêng phe phái của họ mà thôi.” Tôi cần mở ngoặc ở đoạn này: Nhóm Polpot chỉ quyết giành quyền lãnh đạo và gây tội ác diệt chủng với dân tộc họ, chứ tôi chưa đọc được ở đâu những sự kiện về việc nhóm này ăn chặn của dân những lợi ích kinh tế khổng lồ do bán đất bán biển, bán rừng và tài nguyên khoáng sản cho ngoại bang. Có thể nói, đời sống cá nhân của họ thì hết sức trong sạch. Từ những thông tin rộng rãi trên mạng chúng ta còn biết được, vợ và con gái của Polpot vẫn giữ một cuộc sống thanh bạch, nghèo hèn không được Polpot đưa vào những vị trí quyền lực béo bở trong xã hội.

Luận án còn đưa ra một phân tích thú vị nữa về việc, vì sao Polpot thực hành đường lối sai trái đến mức Hun Sen gọi là phản cách mạng như vậy, mà vẫn còn rất nhiều đảng viên và phong trào quần chúng ủng hộ. Hun Sen giải thích là vì “phần lớn cán bộ, đảng viên và nhân dân vẫn còn khắc sâu ân tình với những người du kích cộng sản trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và hiểu lầm rằng Đảng vẫn được các vị lãnh tụ cũ (như Tou Samouth và Sơn Ngọc Minh …) lãnh đạo”.

Từ những gì diễn ra trong phong trào cộng sản quốc tế, chúng ta có thể nhận ra rằng, sự nhầm lẫn kẻ thù dẫn đến tàn sát đồng bào đồng chí không phải xuất hiện ngẫu nhiên, mang tính cá biệt ở nhà lãnh đạo cộng sản Polpot, mà chính là căn bệnh mãn tính di truyền từ các nhà lãnh đạo cộng sản tiền bối như Stalin, Djerdjinski, Beria và Mao Trạch Đông. Có thể nói đây là một trong những luận điểm hay nhất trong Luận án của Hun Sen.

Những gì giúp ta hiểu được thái độ của Campuchia trong vai trò chủ tịch ASEAN

Đọc luận án của Hun Sen chúng ta hiểu được rất nhiều điều:

Trước hết, Hun Sen đã thể hiện những tư duy hoàn toàn độc lập, gắn bó với Tổ quốc của ông, gắn bó với nhân dân của ông, chĩa mũi nhọn vào kẻ thù của dân tộc, không mơ hồ ảo tưởng theo cái mũ kim cô về ý thức hệ, bất kể người nắm cái mũ kim cô đó là những người cộng sản Việt Nam hay cộng sản Trung Quốc.

Trong Luận án của mình, Hun Sen nhiều lần nói đến Trung Cộng như người hà hơi tiếp sức cho phe cộng sản Polpot và nhắc đến ân tình của Việt Nam, nhưng vì lợi ích của dân tộc mình, tiến sĩ Hun Sen sẵn sàng hy sinh “Người anh em sinh ba Việt Nam”, và chơi những trò chơi đúng như quan thầy Trung Cộng của Polpot, người mà Hun Sen đã nhiều lần gọi là bọn phản bội.

Người Tàu có câu nói “Hậu sinh khả úy”. Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi, quả thật, người cộng sản “hậu sinh khả úy” Hun Sen, dám biết hy sinh cái mũ kim cô cộng sản vì quyền lợi dân tộc của mình, kể cả việc hy sinh “Người anh em sinh ba Việt Nam” đáng để những người marxist-leninist toàn tòng ngả mũ kính chào bái phục.

Tôi đột nhiên nhớ đến, trong một hội thảo nào đó, khi nghe người ta bàn về một chuẩn mực cần đề xướng trong chính sách đối ngoại là phải “Dựa trên độ tin cậy lẫn nhau giữa các quốc gia”, tôi đã được nghe nhà nghiên cứu khả kính Nguyễn Trung, cựu đại sứ Việt Nam tại Thái Lan phản ứng: “Không, chính sách đối ngoại không thể dựa vào độ tin cậy, mà phải dựa trên lợi ích sống còn của các quốc gia”.

Qua luận án của Hun Sen, chúng ta hoàn toàn hiểu được việc làm của người cộng sản Hun Sen. Đó là một việc làm đáng để những nhà lãnh đạo các quốc gia tham khảo.

Nguồn: Bauxite

3 Phản hồi cho “Bài học đáng giá từ Luận án Tiến sĩ của Thủ tướng Campuchia Hun Sen”

  1. Lâm Vũ says:

    Luận án Tiến Sĩ lại do cái “trường làng” có tên “Học viện Nguyễn Ái Quốc” phát cho thì làm sao được quốc tế công nhận? Thứ nữa, văn bằng Tiến Sĩ, theo nghĩa ngày nay, là chứng chỉ công nhận khả năng nghiên cứu và tư duy độc lập, hầu mang lại lợi ích cho con người chứ không phải riên cho một chế độ, hệ chính trị hay riêng một quốc gia nào. Do đó, văn bằng TS của Hun Sen mang tính chất bất thường, dù là ông ta có là chính trị gia tài giỏi tới đâu.

    Những nhận xét trên chỉ có tính “hàn lâm” chung chung và không nói đến giá trị thực tiễn của “luận án” như là một tài liệu về sách lược chính trị, cho ai muốn tìm hiểu về cái nhìn của chính quyền CS Căm-bu-chia và CSVN vào thời 1990. Cũng phải hiểu răng, vì đây là chuyện sách lược chính trị, nên không thể lấy đó làm nên tảng để suy đoán lập trường cụ thể của chính quyền Hun-Sen ngay bây giờ, với áp lực kinh tế của TQ đang đè nặng lên Căm-bu-chia.

    TB. Điểm buồn cười của bài viết là khi mang chuyện vợ con của Hun-Sen vào đây! Nhưng tôi hiểu ý của tác giả bài viết này là để làm nổi rõ đặc tính ích kỷ, tham nhũng, đục khoét tài sản quốc gia của lãnh đạo VN ngay bây giờ.

  2. THƯỢNG NGÀN says:

    ÔI, LUẬN ÁN TIẾN SĨ

    Ở Việt Nam xưa, Tiến sĩ được hiểu là loại người không những có học cao, tức sâu và rộng, hay gọi là loại biết nhiều, hiểu rộng, mà còn là loại có bản lính, tức có tư duy, trí tuệ, hay nói cụ thể là có quốc sách, biết quốc sách để được tiến cử lên vua, như là kẻ sĩ có học vấn xuất sắc, có đầu óc kinh bang tế thế nhàm giúp vua trị nước. Như thế, cái ý nghĩa sâu xa của tiến sĩ là óc sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề, không phải chỉ là sự hiểu biết từ chương, thụ động hoặc thuộc loại phổ cập, tầm thường hay chẳng có gì đặc thù, xuất sắc hay riêng biệt. Các loại chỉ các dạng ông nghè, ông cống, tức kiểu đến tú tài hay cử nhân là đủ rồi. Chính vì thế bậc tiến sĩ phải xuất thân từ thi Đình, tức đình thí, có nghĩa phải thi nơi sân của triều đình, tức trường thi là trường thi nơi cung vua, được vua ra đề, thậm chí được vua xét duyệt cả cả những bài thi xuất sắc, những thí sinh xuất sắc. Bởi không có ai hiểu hơn vua về yêu cầu của thuật an bang tế thế mà nhà vua chủ trương, nên ý nghĩa của tiến sĩ, tức người được tiến cử lên vua qua kỳ thi đình là nhằm lựa chọn, giới thiệu bằng cách khoa trường về những cá nhân, những thần dân đủ đức đủ tài về chính các yêu cầu cao nhất như thế.
    Điều này cũng hoàn toàn có khác với quan niệm “tiến sĩ” của truyền thống các nước phương Tây. Danh hiệu Tiến sĩ ở phương Tây không nặng về quốc kế dân sinh, về an bang tế thế, tức không chỉ nặng về thuật trị nước như kiểu phương Đông, mà cụ thể nhất là ở Việt Nam xưa, như trên kia đã nói, tức về ý hướng tu dưỡng, rèn luyện về nhân cách chính trị, về ý nghĩa của kẻ sĩ hay sĩ phu, mà trái lại bao gồm ý nghĩa sáng tạo, khám phá khoa học khách quan về mọi loại, tức về mọi lãnh vực bao quát hay toàn diện. Có nghĩa cử nhân, kỹ sư hay bác sĩ, vẫn còn ở mức tri thức làm theo, học theo, tức tập hợp, khai thác, ứng dụng, áp dụng cái gì đã có, mọi người đã biết, chưa phải là cái nhất thiết mới hay hoàn toàn mới. Trong khi đó, bậc tiến sĩ có nghĩa phải có góc độ khám phá cái mới, đặt ra nền tảng mới, hay ít nhất cũng là sự gợi ý mới có hệ thống, có chiều sâu nghiên cứu thuộc về một vấn đề chuyên sâu của một lãnh vực hay một phạm vi khoa học lý thuyết hay ứng dụng nào đó. Yêu cầu của luận án hay đề tài nghiên cứu tiến sĩ như vậy phải đi sâu vào một khía cạnh khoa học trong nhận thức hay trong khai phá mới mẽ nhất định, không thuần túy chỉ là tập hợp hoặc áp dụng các tri thức từ người khác. Bởi chiều hướng trước là chiều hướng truy tầm, đào sâu, còn chiều hướng sau là chiều hướng của thông tin, tổng hợp hay phổ biến tri thức hoặc nhận thức đã có sẳn. Cũng do vậy mà các giá trị bằng tiến sĩ phương Tây có thể phân biệt theo trường đào tạo, ngành đào tạo, phương thức đào tạo, không chỉ kiểu hình thức đại trà, hàng loạt, hoặc cá mè một lứa. Ngay cả về ngành triết học, chính trị học, xã hội học nói chung, ý nghĩa của cấp tiến sĩ hay văn bằng tiến sĩ của phương Tây cũng không thể đi ra ngoài các yêu cầu bó buộc hay các nguyên tắc bó buộc mang tính chất cơ bản hay căn cơ như vậy.
    Điều này quả thật khác với các văn bằng gọi là tiến sĩ ở những nước XHCN hay Cộng sản mác xít, đặc biệt về lãnh vực được gọi là “chính trị” hay “triết học”. Bởi ý nghĩa ở đây, thông lệ ai cũng biết, là chính trị đồng nghĩa với “triết học mác lênin” cũng như ngược lại. Có n ghĩa không có chính trị nào ngoài chính trị mác lê nin, và cũng không có “triết học” nào ngoài “triết học mác lênin” hay “chính trị học mác lênin”.
    Cũng trong ý nghĩa ấy mà ở VN từ xưa đến nay mọi cái gọi là “tiến sĩ” ngành xã hội như kinh tế, luật học, triết học, chính trị nói chung, đều không ngoài chính nền tảng của duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, lịch sử đảng, các chủ trương đường lối cách mạng của đảng CS qua từng thời kỳ, giai đoạn chẳng hạn. Có nghĩa mọi đề tài, mọi sự hướng dẫn, mọi sự thực hiện công trình luận án đều không ra ngoài những ý chính, những mục tiêu chính vốn đã có, hay phải được lồng vào, hoặc phải nhất thiết phù hợp theo đó, không thể nào sai chạy được. Nếu sai chạy thì chắc chắn không thể chấm đỗ, bởi vì coi như đã phạm trường quy hay trái mục đích, tiêu chí như phải có mà ai cũng biết. Chính bởi tính cách đó mà phần lớn hay hầu hết các luận án gọi là tiến sĩ chỉ giống như các công trình sử học, hay báo chí, tức viết theo dữ liệu, tập hợp, khai thác, uốn nắn dữ liệu theo hướng đã có, nhằm nhân rộng ra những cái đã biết, không nhằm tạo ra cái gì mới mẽ, sáng tạo trong tính độc lập của mục tiêu văn hóa và khoa học mà xã hội hay cả loài người vẫn hoặc buộc phải đòi hỏi.
    Cũng trong hoàn cảnh đó mà luận án tiến sĩ của ông Thủ tướng Kampuchia Hunsen “TÍNH ĐẶC THÙ CỦA QUÁ TRÌNH CÁCH MẠNG KAMPUCHIA” quả thật rõ ràng đã cho thấy những điều gì như trên đã nhận xét và phân tích. Đó là chưa nói thói quen của các vị tiến sĩ ở VN là lựa chọn những đề tài dễ dàng nhất, và nếu là chức sắc, có thể nhờ đàn em gia cố thêm cho mình mặt này mặt khác để có thể có được bằng cấp đơn giản nhất hay nhanh chóng nhất. Điều này có nghĩa là học chỉ để nhằm lấy bằng, lấy học vị, danh xưng, địa vị xã hội, không phải học để sáng tạo hay đóng góp điều gì mới về mặt khoa học và nhận thức cho xã hội.
    Ngay hai khái niệm “tính đặc thù” và “tiến trình” được lồng ghép nhau một cách cố ý, người ta cũng thấy ngay được mục đích của nó là một công trình sử học hay thông tin báo chí là chính yếu mà không phải các thành quả khoa học hay khai thác nhận thức khoa học theo yêu cầu gì mới mẽ nào cả. Cũng chính trong ý nghĩa đó mà xã hội VN rất kém tiến bộ về các mặt phát triển nói chung trong cả trên nửa thế kỷ nay, là do ý nghĩa và cơ sở như vậy. Đây chỉ mới là mới dùng học vấn để soi rọi xã hội, chưa dùng các tiêu chuẩn hay tiêu chí khác, cũng như những thực tại hay các góc độ hoặc ý nghĩa khác về con người, về xã hội, cũng như về các mặt lịch sử cụ thể hay cũng đầy các tính cách chủ quan, sai lạc nói chung.

    ĐẠI NGÀN
    (15/8/12)

  3. nguenha says:

    Thật vậy Hunsen đã làm đúng những gì Ông nghĩ và viết. Chỉ việc Hunsen phục hồi đế chế “hoàng gia’
    đủ biết Ông là nhà yêu nước. Trong hội nghị Thành đô 1990,chỉ có VNCS và Trung cộng tham dự,có bàn về
    thành phần chính phủ Campuchia,Hunsen đã mạnh dạn trả lời;”không ai có thể bàn về vận mệnh Campuchia khi không có người Campuchia!!”.Tôi cũng thấy tận mắt vào năm 2008 ,tại phi trường Syney(Úc) đón tiếp 2 vợ chồng Hunsen,không kể cái “trân trọng”của nước Úc về ngoại giao,mà thấy người Campuchia sắp 2 hàng,chắp tay ,cúi mình , khi Ông bà đi qua.Đến bây giờ thì “hiểu”tất cả phải có cái “Lý”của nó.! Đất nước tôi(Vn) đến hôm nay, không có Lảnh tụ nào sánh vai với Hunsen hay sao??
    Càng nghĩ,càng thấy quá “tội nghiệp”!! Xuống cấp như thế thì còn gì để nói nửa!!Lảnh đạo người ta kéo
    nhau ra biển lớn,lảnh đạo”của mình”còn ngồi kiểm điểm chuyện “ăn hối lộ”,thế mà không xấu hổ mới hay!
    Cám ơn tác-giả cho tôi biết thêm về Hunsen.

Phản hồi