Praha vào hạ
Cuối xuân sang hè thời tiết đẹp nắng ấm, chúng tôi đi Praha với cậu mợ từ Houston sang du lịch Âu Châu. Đây là lần thứ 3 tôi đến Cộng hòa Czech (Czech Republic) từ khi quốc gia nầy từ bỏ chế độ cộng sản năm 1989. Sau 23 năm đổi đời từ cộng sản trở thành quốc gia tự do dân chủ, đời sống người dân phát triển tòan diện, hệ thống lưu thông các xa lộ mới xây giống như các quốc gia khác ở Âu châu, nhờ Hiệp Ước Schengen ([i]) từ 21.12.2007 bãi bỏ việc kiểm soát biên giới thêm 9 quốc gia mới của khu vực Schengen là Czech, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Malta, Ba Lan, Slovakia và Slovenia công dân các quốc gia đi lại tự do, ngành thương mại và du lịch phát triển.
Những thập niên trước chúng ta chỉ biết một nước Tiệp Khắc Czechoslovakia, theo tài liệu: Đệ nhất thế chiến (1914-1918) kết thúc cùng với sự sụp đổ của đế chế Áo-Hung, ngày 28.10.1918, Tiệp Khắc tuyên bố độc lập thành lập nước Cộng Hòa Tiệp Khắc (Liên bang Tiệp gồm Czech và Slovakia ngày nay). Hiệp ước Saint-Germain-en-Laye là hòa ước được ký ngày 10-9-1919 tại Cung điện Saint-Germain gần Paris, chính thức chấm dứt sự tồn tại của Đế quốc Áo- Hung, là một trong những đế quốc lớn nhất Âu Châu trước Đệ nhất thế chiến. Hiệp ước công nhận nền Cộng Hòa mới của Tiệp Khắc. (Československo hay Czechoslovakia). Tiệp thừa hưởng 70-80% các cơ sở công nghiệp của đế chế Áo-Hung để lại và trở thành một trong những nước có kỹ nghệ mạnh nhất thế giới.
Thế chiến thứ hai (1939-1945) Tiệp bị Đức Quốc Xã chiếm ngày 16.3.1939, phần lớn người Do Thái bị giết, hàng trăm ngàn người bị đưa vào các nhà tù và các trại tập trung để làm việc khổ sai. Chiến tranh kết thúc ngày 09.05.1945, đảng cộng sản Tiệp phát triển nhanh chóng trong sự thất vọng của người Tiệp đối với Tây phương đã bỏ họ trong Hiệp ước München, ký kết tại München/ Munich ngày 23-9-1938 giữa bốn cường quốc: Anh, Pháp, Đức và Ý cắt nhiều phần đất của Tiệp chuyển giao cho Đức, Ba Lan và Hungaria… từ đó Tiệp càng ngày càng chịu ảnh hưởng mạnh của Liên Xô. Cuộc bầu cử năm 1946, đảng cộng sản Tiệp chiếm được 38% phiếu, trở thành chính đảng lớn nhất và chính thức cầm quyền từ tháng 2-1948. Đảng cộng sản Tiệp thành lập nhà cầm quyền theo chủ nghĩa CS.
Ngày 24.10.1946 toàn bộ 2,7 triệu người Đức ở Sudetenland (Reichsgau) vùng biên giới (Pohraničí Grenzgebiet) bị trục xuất khỏi Tiệp. Sau khi nắm quyền đảng cộng sản Tiệp quốc hữu hóa các ngành…làm khủng hoảng trầm trọng về kinh tế, chính trị, cộng sản Tiệp độc tài thiếu dân chủ nên năm 1968 mùa Xuân Praha (Prager Frühling/Pražské jaro) phong trào của quần chúng bùng nổ đòi mở rộng tự do dân chủ và thực hiện đa nguyên chính trị.
Chính trị gia Alexander Dubček (1921-†1992) người Slovak trong thời gian lãnh đạo Tiệp (1968-1969) nổi tiếng về nỗ lực cải cách chế độ. Liên Xô lo ngại các quốc gia thuộc khối Đông Âu có hành động cải cách theo chủ nghiã tư bản nên nhân danh “Khối liên minh quân sự Warsaw“ gồm: Liên xô, Bulgaria, Balan và Hungary (Romania và Albania không tham gia) ra lệnh 200.000 lính và 2.000 xe tăng tấn công vào Praha ngày 21-8-1968 đàn áp dẹp phong trào đòi hỏi cải cách bắt giữ các nhà đấu tranh và Alexander Dubček, ông đã nói “Họ có thể dẫm đạp hoa, nhưng họ không thể ngăn cản mùa xuân“. Họ đàn áp dã man giết 72 người Czech và Slovak (19 trong số đó tại Slovakia), 266 người bị thương nặng và 436 người khác bị thương nhẹ, nhiều người Tiệp chạy trốn sang Tây Đức xin tỵ nạn chính trị. Các quốc gia Tây phương chỉ đưa ra những lời chỉ trích ngoại giao sau cuộc xâm lược…những người biểu tình bị bắt giữ và bị trừng phạt, chụp mũ là “phản Cách mạng”. Ngày 16-01-1969 sinh viên Jan Palach tự thiêu ở quảng trường Wenceslas trước Bảo tàng quốc gia, tiếp theo Sinh viên Jan Zajíc (25-2-1969) cũng tự thiêu tại nơi nầy, việc tự thiêu của 2 sinh viên phản đối chống lại cuộc xâm lược của quân đội khối liên Hiệp Warsaw vào Tiệp năm 1968. Hành động đàn áp bằng vũ lực không thể dập tắt lòng yêu nước của người dân Tiệp “Freedom is no free“. Đây là bài học để các quốc gia còn theo chủ nghiã cộng sản biết rằng độc tài, quân phiệt không thể tồn tại lâu dài.
Vaclav Havel (1936-† 2011) là nhà soạn kịch, chính trị gia, nhà đối kháng tranh đấu cho nhân quyền với lý tưởng bất bạo động. Từ năm 1968 ông bị cấm viết kịch nhưng ông tiếp tục dấn thân đấu tranh cho dân chủ, tự do, ông bị nhà cầm quyền cô lập không cho sử dụng điện thoại, luôn bị công an mật vụ theo dõi và bị bắt bỏ tù 5 năm vì là người đề xướng tuyên ngôn „Hiến chương 77“. Ông là lãnh tụ của cuộc „Cách mạng nhung“ năm 1989, và là người đứng đầu „Diễn đàn công dân“ (Civic Forum), giành thắng lợi trong cuộc tuyển cử tự do đầu tiên cùng thời với sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Romania, Bulgaria, Hungary và Balan, từ đó chế độ cộng sản đã bị khai tử tại Đông Âu.
Vaclav Havel được dân bầu làm tổng thống Tiệp (Czechoslovakia) 1989; và bầu làm tổng thống Cộng Hoà Czech Republic 1992, ông cũng giám sát việc phân chia Tiệp ngày 01.01.1993 thành 2 quốc gia là Cộng hòa Czech (tiếng Đức là Tschechische Republik) và Cộng Hòa Slovakia (Slovakische Republik):
Cộng Hòa Slovakia (Slovakische Republik):
Dân số trên 5,4 triệu người và diện tích khoảng 49,035 km2. Thành phố Bratislava lớn nhất là thủ đô. Slovakia cũng là thành viên của Liên Hiệp Âu Châu NATO, UN, OECD, WTO, UNESCO
Cộng Hòa Czech, dân số là 10.228.744 người, mật độ khoảng 130 người/km². Diện tích 78.860 km², là quốc gia đa đảng theo chế độ dân chủ nghị viện. Tổng thống hiện nay là ông Václav Klaus là người đứng đầu quốc gia, còn thủ tướng là người đứng đầu chính phủ. Quốc hội có hai viện gồm thượng viện và hạ viện. Từ năm 2000 được chia thành 13 khu vực (kraje hoặc kraj) và thủ đô là Praha, mỗi khu vực có một Hội đồng địa phương (krajské zastupitelstvo), được bầu cử và người lãnh đạo riêng (hejtman). Hệ thống hành chánh điều hành ở Praha có Hội đồng thành phố và thị trưởng là ông Bohuslav Svoboda. Năm 1784 là thủ đô hoàng gia Praha, từ năm 1920 Praha là thủ đô và thành phố lớn nhất Cộng Hòa Tiệp Khắc không bị chiến tranh tàn phá nên vẫn giữ nguyên các nét đẹp cổ kính, dân số Praha 1,2 triệu người, không kể khoảng 300.000 người vào làm việc tại thành phố, Praha diện tích 496 km² là trung tâm kinh tế, văn hoá và chính trị của CH. Czech hơn 1000 năm. Từ năm 1992 Praha được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Czech gia nhập NATO năm 1999 và trở thành một thành viên của Liên Hiệp Châu Âu từ năm 2004. Đơn vị tiền tệ: Koruna/ Krone (1 Koruna = 100 Heller; trị giá 1€ = 25,135 CZK) chính thức được xử dụng từ ngày 18.02.1993 sau khi Tiệp Khắc chia làm 2: Cộng Hòa Czech và Cộng Hòa Slovakia, chỉ số lạm phát của đồng Koruna là 2,4% và được duy trì ổn định trong suốt nhiều năm qua. Czech muốn gia nhập sử dụng tiền chung Châu Âu (Euro) năm 2012, nhưng sau đó tuyên bố hoãn lại đến năm 2019.
Praha đẹp lộng lẫy nhờ nối liền hai nửa thành phố nằm bên bờ sông Vltava/ Moldau là hàng chục chiếc cầu, nổi tiếng nhất là cầu Charles Bridge/ Karlsbrüche/ Karluv Most mang tên vị vua Charles IV có nhiều công lao đối với Czech, cầu xây từ năm 1357- 1402 bằng đá lâu đời cả hàng nghìn năm dài 516m, rộng 10m, cao 13m các chân cầu cách nhau từng đoạn từ 16,62m, đến 23,38m, các cột đèn cao 4,30m ở 2 đầu cầu Charles có 2 tháp cao. Trải qua 2 biến cố ngập lụt cầu bị hư hại nhưng được tu bổ lại không mất nét cổ kính, cầu chỉ dành cho khách bộ hành, dọc hai bên cầu là những quầy bán hàng lưu niệm.. trên cầu thường có các ban nhạc trình diễn với nhiều nhạc cụ khác nhau để bán CD, các hoạ sĩ vẽ nhanh chân dung cho du khách rất truyền thần. Hoàng hôn về thật thơ mộng và lãng mạn với mây nước trong ánh đèn màu rực sáng trên sông, là nơi hò hẹn của những cặp tình nhân nên người Việt ở Praha gọi là „cầu tình“. 30 bức tượng nằm hai bên cầu được xây dựng giữa 1683 và 1714, mỗi tượng đài di tích là một phần lịch sử, tôn giáo của thành phố, mang một truyền thuyết như các vị thánh bảo trợ tôn kính tại thời điểm đó, bức tượng đồng nổi tiếng lâu đời nhất (năm 1683) là tượng thánh tử vì đạo Johannes von Nepomuk, nếu ai đến Praha mà sờ vào tượng sẽ đạt được một điều ước nguyện, nên bệ dưới tượng bóng ngời bởi bàn tay hằng ngày của du khách. Những nhà điêu khắc tham gia trang trí cầu như: J.K Böhm, Matthias Braun, F.M. Brokoff…Trong số các tác phẩm đáng chú ý nhất, các tượng thánh Lutgard von Tongen, thánh Giá Thánh …. Năm 1965, một số tượng đã được thay thế bằng bản sao và bản gốc đưa vào viện bảo tàng Quốc gia. (Mời xem 30 bức tượng trên cầu Chales).
Dân số của Czech gốc bản xứ chiếm tỉ lệ 94%. Theo Thiên chúa giáo 26,8%, (ngược lại Slovakei 69%); Tin Lành 2,3%; Phật giáo 7000; Hồi giáo 3700; Jehova 15.000; Cơ Đốc 77.053… người không theo tôn giáo 59%. Còn có các dân tộc thiểu số khác như: Slovakia 2%; Đức 0,17%; Balan 0,20%; Russen 0,24%; Việt Nam 0,54%; Ukrainer 1,21%. Ngày nay tại Czech còn rất ít người Do Thái, nhưng những nét văn hóa của họ vẫn còn được gìn giữ tại thủ đô Praha, người Đức chỉ còn thiểu số tiếng Đức không còn là ngôn ngữ phổ biến.
Nông Nghiệp của Czech trồng các loại ngủ cốc là lúa mì, khoai tây, củ cải đường, thuốc lá, trái cây, nho… Hofen (bông gia vị chế bier), nông nghiệp chỉ chiếm 3,4% GDP.
Kỹ nghệ: Nhiều nhà máy hiện đại ngành sản xuất xe hơi lớn nhất Czech là loại xe hiệu Škoda được xuất cảng ra nước ngoài. Các lĩnh vực quan trọng khác: luyện kim, máy móc, thực phẩm và các ngành công nghiệp gỗ, và các hóa chất, dầu và dược phẩm, các ngành thủ công nghệ gốm sứ, chế biến thủy tinh rất sắc sảo nổi tiếng ..
Năng lượng: Czech có một số tài nguyên như: than đá, than chì, cao lanh, đất sét, sắt, đổng, kẽm, gỗ, một ít dầu mỏ và khí gas ở miền nam Moravia. Hiện nay chế dần việc sử dụng than làm chất đốt vì làm ô nhiễm môi trường. Năng lượng nguyên tử chiếm 30% tăng lên 40% trong những năm tới. Khí gas tự nhiên được nhập từ nước ngoài Gas được nhập từ Cty Gazprom của Nga.
Y tế cũng giống như các quốc gia ở Âu Châu, có bảo hiểm công và tư cho mọi người dân chữa bệnh không phải tự trả tiền.
Giao thông: hệ thống giao thông phát triển, đường sắt dài 9.430 km; 2.743km đường chạy bằng diện, hàng năm chuyên chở khoảng 178 triệu hành khách và 100 triệu m³ hàng hóa. 99% di chuyển bằng đường sắt. Đường bộ của Czech có chiều dài 55.875km, có trên 414 km, đường xa lộ nối thủ đô và các thành phố chính như Brünn, Pilsen, Pripram tốc độ giới hạn chỉ 130km/h… Về đường hàng không có khoảng 60 sân bay công cộng trong đó lớn nhất là phi trường quốc tế Praha hàng năm đón khoảng 11 triệu lượt khách. Hãng hàng không quốc gia Cezch Airlines bay đến những thành phố lớn ở Âu Châu, Bắc Mỹ, Trung Đông, Á Châu và Bắc Phi. Đường sông trên ba con sông chính là Labe, Vltava và Berounka với tổng chiều dài khoảng 300 km. Vận tải đường sông chiếm từ 2 đến 5% lượng hàng hóa xuất nhập cảng và có vai trò quan trọng trong thương mại đến các hải cảng Hamburg, Magdeburg, Duisburg, Rotterdam. Giao thông công cộng ở các thành phố lớn với các phương tiện như xe bus, tàu điện, thủ đô Praha có tàu điện ngầm từ 9-5-1974, chiều dài khoảng 54km, hệ thống đường sạch sẽ được phân chia theo thứ tự A,B,C. Tuy còn thiếu các máy tự động bán ticket, người đi tự giác mua vé bấm giống như ở Đức không cần qua cửa kiểm soát như ở Paris, London. Metro ở Paris thì hôi thối nước tiểu, móc túi, ca hát xin tiền ồn ào…
Truyền thông: Czech có 75 nhật báo, 4 đài truyền hình chính và trên 20 đài khu vực trong đó Czech Television, TV Nova và Prima TV là những hãng lớn nhất, Czech là nước Đông Âu đầu tiên cho phép tư nhân phát sóng truyền hình năm 1994, có 7 đài phát thanh toàn quốc, 76 đài phát thanh địa phương. Internet khá phát triển với những nhà cung cấp dịch vụ chính là Seznam, Centrum, Atlas, iDnes, Volny và Tiscali. Phục vụ viễn thông quốc tế, có 6 vệ tinh: 2 Intersputnik, 1 Intelsat, 1 Eutelsat, 1 Inmarsat và 1 Globalstar. 125% sử dụng điện thoại di động
Giáo dục: Giáo dục bắt buộc ở bậc phổ thông kéo dài 9 năm (từ 6 đến 15 tuổi) trường phổ thông được chia ra hai bậc, bậc thứ nhất và bậc thứ hai (5 năm +4 năm). Sau khi xong bậc học thứ nhất 5 năm của trường phổ thông có thể tiếp tục học ở trường trung học Gymnasium. (8 năm, 6 năm, 4 năm) ngoài ra còn có các trường trung cấp chuyên nghiệp, học nghề hay âm nhạc. theo hệ 2, 3 hay 4 năm…Tỷ lệ số người mù chữ trên 15 tuổi chỉ dưới 5% mà thôi.
Czech có 74 Đại học trong đó có 26 đại học công, 46 đại học tư nhân, với nhiều chuyên khoa, đại học cho Quốc phòng (Universität für Verteidigung 2004) và Học viện Cảnh sát (Polizeiakademie der Tschechischen Republik 1993), từ lâu C.H Czech nổi tiếng là một trong những trung tâm văn hóa, giáo dục quan trọng tại Âu châu. Năm 1348, vua Charles IV (Karl IV) thành lập Karls-University nổi tiếng tại Praha. Số sinh viên theo học hàng năm trên 45.915 Sinh viên, số giáo sư đại học trên 745, nhân viên phục vụ trên 7000 người. Đại học Kinh tế (Wirtschaftsuniversität Prag) hơn 15.500 Sinh viên theo học hàng năm.
Quảng trường Wenceslas Square/ Wenzelsplatz là trung tâm của Praha từ năm 1848 được đặt tên theo Thánh Wenceslas, chiều rộng khoảng 60 m, dài 750 m, diện tích 45.000m². Đại lộ rộng là trung tâm thương mại, nhiều Hotel, Ngân hàng, nhà hàng, tượng đài của Wenceslas trước viện bảo tàng Quốc gia… Nơi nầy trải qua những sự kiện lịch sử như tuyên bố độc lập của nước Cộng Hòa Tiệp Khắc đầu tiên vào năm 1918, các cuộc biểu tình chống lại sự chiếm đóng Tiệp Khắc của quân đội Khối liên minh quân sự Warsaw năm 1969. Hai sinh viên yêu nước là: Jan Palach và Jan Zajíc tự thiêu trước Bảo tàng quốc gia để phản đối hành động xâm lược của ngoại bang. Bồn hoa hình tròn ở quảng trường là nơi tưởng niệm hai sinh viên Jan Palach và Jan Zajíc. Cuộc biểu tình tuần hành năm 1989, đã dẫn đến cuộc „Cách Mạng Nhung“ chấm dứt chế độ độc tài cộng sản…
Old Town Tòa thị chính Praha
Bá tước Luxembourg và vua của Bohemia quyết định xây dựng một tòa thị chính, trả bằng thuế thời đó đánh vào thuế rượu. Tòa tháp cao 70 m được hoàn thành năm 1364, sau đó liên tục mở rộng. Clock Tower tại Town Hall bao gồm các tòa nhà màu hồng là một trong những điểm thu hút du khách.
Prague Astronomical Clock: là một trong ba chiếc đồng hồ thiên văn học cổ nhất trên thế giới và là chiếc duy nhất vẫn còn hoạt động cho đến nay, dù trải qua nhiều biến cố của thời gian. Cuối thế chiến thứ hai, năm 1945 tòa thị chính nơi đặt đồng hồ Orloj bị trúng đạn của Đức Quốc xã tấn công, các tượng gỗ trang trí cho Orloj bị cháy, may mắn Orloj không bị hư được lắp lại, các tượng thánh tông đồ bằng gỗ được các nhà điêu khắc làm lại, Orloj hoạt động lại từ năm 1948 đến nay.
Theo truyền thuyết dân gian thợ đồng hồ Hanus bị hội đồng thành phố Praha xử chọc mù mắt sau khi hoàn tất chiếc đồng hồ tuyệt tác độc nhất vô nhị nầy, là nỗi đau của một thiên tài trước khi chết, Hanus cố tình phá hỏng chiếc đồng hồ và nguyền rủa rằng ai sửa chữa nó thì sẽ chết hay điên. (mãi đến thập niên 1960, dựa vào những thư tịch cổ người ta mới biết tác giả làm đồng hồ Orloj là Mikulas ở Kadan làm ra theo sự tính toán của Jan Ondrejuv hay còn gọi là Sindel – giáo sư toán học kiêm thiên văn học của trường đại học Charles Praha, còn Hanus chỉ là người đầu tiên sửa chữa). Từ năm 1865-1866 đồng hồ được sửa thêm vào trên cùng là một con gà bằng đồng nằm trong hốc, trên của hai mặt đồng hồ là một tượng thiên thần bằng đá, hai bên là hai ô cửa sổ nhỏ, bên trong 12 vị thánh tông đồ xuất hiện cầu nguyện và biến mất vào những thời điểm khác nhau, được gọi là “Walk of the Apostles”.
Mặt của đồng hồ thiên văn xem ngày giờ phút giây và cung hoàng đạo của mặt trời và mặt trăng, hai cây kim mang dấu hiệu của mặt Trời và mặt Trăng gồm 3 vòng tròn không đồng tâm để xem thiên văn, chỉ ba cách đếm thời gian khác nhau:
*Vòng ngoài chữ số kiểu Schwabacher chỉ giờ Czech cổ hay còn gọi là giờ Ý.
* Vòng ở giữa chữ số La Mã chỉ giờ của Trung Âu.
* Vòng trong chữ số Ả Rập chỉ giờ Babylon: chiều dài của mỗi giờ khác nhau tùy theo mùa: dài về mùa hè và ngắn về mùa đông.
Trên mặt đồng hồ vẽ trái đất ở giữa, mặt trời và mặt trăng xoay xung quanh trái đất. Những vòng tròn màu xanh ở trung tâm là trái đất, màu xanh bên trên biểu tượng cho một phần của bầu trời, phần màu đỏ hiện ra cho biết bình minh hoặc hoàng hôn. Hai bên đồng hồ có 4 bức tượng là những biểu tượng: sự kiêu căng tự phụ là người mãi nhìn mình trong gương, trong khi người tham lam cho vay nặng là người Do Thái ôm túi vàng lắc đầu từ chối. Bên phải là bộ xương tượng thần chết kéo dây chuông tay kia lật đồng hồ cát bên cạnh người Thổ Nhĩ Kỳ „kẻ ngoại xâm“ (thời đó đe dọa bởi các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ).
Bên dưới đồng hồ Thiên Văn là một đồng hồ lịch năm 1870 vẽ 12 bức hình tượng trưng cho 12 tháng trong năm, hai bên đồng hồ lịch từ trái sang phải có các tượng của một nhà triết học, một vị Thần, một nhà Thiên văn và một Sử gia. Hàng ngày cứ khoảng 15-20 phút trước khi đến mỗi giờ chẵn những tượng này đi lắc lư theo tiếng chuông và khi 12 Tông đồ qua hết thì đồng hồ điểm chuông và chú gà thò đầu ra vỗ cánh gáy chào tạm biệt…
Lâu đài Praha là một trong những lâu đài cổ lớn nguy nga từ thế kỷ thứ 9, chiều dài 570m, chiều rộng trung bình khoảng 130m và diện tích gần 70.000m2. Bao gồm cung điện, tháp canh, Đại thánh đường St. George cổ nhất, được xây từ năm 920 và được tu sửa lại sau trận hỏa hoạn lớn vào thế kỷ 12. Ngày nay, nó được dùng làm nơi trình diễn hòa nhạc và cũng là nơi lưu giữ bộ sưu tập nghệ thuật Bohemia nổi tiếng. Đại thánh đường St. Vitus được xây vào nửa đầu thế kỷ thứ 10. Nhiều lần được mở rộng, xây lại và hoàn thiện cho tới thế kỷ 18. Đây là nơi các vị vua cho tới các Tổng thống của Czech ngự trị. Vương niệm bằng vàng, thánh giá và thanh gươm nạm đá quý của các vị vua ngày xưa cũng được đặt tại cung điện này, nơi đây còn có viện bảo tàng và phòng tranh. Sảnh đường Vladislav đồ sộ được xây thêm vào cung điện hoàng gia vào thế kỷ 16, sảnh đường lớn dài 60m và rộng 16m trần nhà cao 12m. Lâu đài Praha cũng như những di tích lịch sử khác của Czech vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính dù trải qua những biến động lịch sử và sức tàn phá của thời gian.
Đời sống của người Czech trở nên giàu có văn minh, đất nước phú cường nhờ từ bỏ chế độ độc tài cộng sản. Nhưng cũng có những tệ nạn được tính trên 100.000 người ở trong một năm có 252,73 vụ ăn trộm xe, ăn trộm cạy cửa là 111,19; bạo lực xảy ra 216,8; tự tử, gây án mạng 2,52. Tránh những việc không vui có thể xảy ra, du khách nên đậu xe ở Parking của Hotel, đổi tiền ở Ngân hàng, không nên đổi ngoài đường…Praha ít Toilette công cộng để giải quyết „vấn đề“ có thể vào McDonald nhưng phải có tiền lẽ…
Người Việt phần đông gốc miền Bắc đến Tiệp từ thời còn „cộng sản anh em“. Sau khi thay đổi chế độ cố Tổng thống Václav Havel cho phép sinh viên, học sinh du học và những người lao động Việt được ở lại. Nhờ chính sách cho tự do kinh doanh, người Việt làm ăn buôn bán, thành lập công ty, chợ Sapa trung tâm thương mại trù phú ở ngoại ô Praha có khoảng 7.000 người, ngoài ra tại Czech có thêm 10 chợ trời. Người Việt nhờ „đất lành chim đậu“ với bản tính siêng năng, cần mẫn làm ăn phát đạt, họ đưa gia đình, người thân sang sinh sống. Hiện nay khoảng trên 60 ngàn người Việt sinh sống tại Czech. Trong cộng đồng người Việt tại Czech có người tốt kẻ xấu, một thiểu số gây nên những tệ nạn xã hội như: nạn buôn người, trồng cần sa…v. và vv…vì họ là những người Việt Nam không chịu từ bỏ „cái đỉnh cao trí tuệ“ để học cái hay, cái đẹp, cái chân thật mà hội nhập với thế giới văn minh tiến bộ Đó là nỗi buồn chung của chúng ta!
Hè 2012
© Nguyễn Quý Đại
© Đàn Chim Việt
—————————————–
Tài liệu tham khảo
Das Neue Universal Lexikon 2011, nhà xuất bản Bertelamann
Hình của tác giả và trên Internet
http://de.wikipedia.org/wiki/Prager_Rathausuhr.
http://de.wikipedia.org/wiki/Prag
http://www.myczechrepublic.com/de/prag/
http://de.wikipedia.org/wiki/Wirtschaftsuniversit%C3%A4t_Prag
http://de.wikipedia.org/wiki/Karls-Universit%C3%A4t_Prag
(1)Schengen là tên một ngôi làng nhỏ, nằm ở đông nam Luxembourg, gần ngã ba biên giới với Ðức và Pháp. Điạ danh nầy ngày 14-6-1985, các nước Pháp, Bỉ, Hòa Lan, Luxembourg và Ðức đã ký hiệp định Schengen, Công dân các nước tham gia Hiệp ước Schengen đi lại tự do bằng đường hàng không, đường bộ và đường biển không bị kiểm soát ở biên giới. Năm 1990, các nước trên ký thêm một văn bản thay thế gọi là Hiệp ước Schengen và lần lượt có thêm các nước khác gia nhập. Năm 2001 có 15 thành viên là: Áo, Bỉ, Ðan Mạch, Phần Lan, Pháp, Ðức, Iceland, Italy, Hy Lạp, Luxembourg, Hòa Lan, Na Uy, Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha và Thụy Ðiển. Ngày 01.5. 2004 thêm 9 thành viên mới là: Czech, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Malta, Ba Lan, Slovakia và Slovenia.
Công dân các nước ngoài EU, chỉ cần có Visa được nhập cảnh một trong những nước trên có thể đi lại tự do trong toàn khối. Việc mở rộng khu vực Schengen của EU là dỡ bỏ “bức màn sắt” ngăn cách giữ các quốc gia Đông âu. Anh Quốc vẫn đứng ngoài khu vực Schengen, Tổng số quốc gia tham gia ký hiệp ước này là 28 nước: Đức, Áo, Ý, Hy Lạp, Zypern, Macedonia, Montenegro, Serbia. Luxembourg, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Hungary, Slovakia, Slovenia, Estonia, Latvia, Litva, Malta, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ,
Các thành viên và ngày gia nhập
*04.6.1985: Pháp, Bỉ, Hòa Lan, Luxembourg, CHLB Đức
*17.11.1990: Ý
*25.6.1992: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha
*06.11.1992: Hy Lạp
*28.4.1995: Áo
*19.12.1996: Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Iceland
*29.5.2000: Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland và Ireland chỉ ký thỏa thuận về hợp tác an ninh và cảnh sát, chưa ký bãi bỏ kiểm soát biên giới
*01.5. 2004: đảo Kypros, Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, Hungary, Malta, Slovakia, Cộng hòa Czech và Slovenia
*16.10.2004: Thụy Sĩ (ngoài Liên minh châu Âu, đã trưng cầu ý dân chấp thuận ngày 05.6.2005)
*19 .12.2009: Macedonia, Montenegro, Serbia.