WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Trung Cộng lại làu bàu

Bà Hillary Clinton trên đảo Cook Islands. Ảnh Google

Bà Hillary Clinton bỗng dưng làm cho Cộng sản Trung Quốc bị nhột. Một bài bình luận trên Tân Hoa Xã hỏi: “Tại sao bà Clinton lại công du đến một nước chỉ có 11.000 dân làm cái gì?”

Cái nước nhỏ bé đó là Cook Islands, thực ra dân số gần 20.000 người nhưng Từ điển Bách khoa bên Tàu chưa cập nhật. Một nước 20.000 dân thì không có lý do nào làm cho một nước 1.300.000.000 dân phải bị nhột và làu bàu chỉ trích nước Mỹ. Nhưng Tân Hoa Xã nhắc đến để báo động với dân Trung Hoa là chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục đẩy mạnh bao vây Trung Quốc!

Chắc chắn khi đến quần đảo Cook, bà ngoại trưởng Mỹ sẽ không lên giọng giảng giải cho chính phủ nước này phải tôn trọng nhân quyền, cũng không khuyên bảo họ phải tôn trọng chủ quyền trên biển của lân bang. Quốc gia nhỏ bé này theo chế độ dân chủ đại nghị, quyền tư pháp độc lập với ông thủ tướng và Quốc Hội, theo truyền thống Anh quốc. Mỗi đảo trong số gần 20 hòn đảo lớn đều có hội đồng xã do dân bầu lên. Họ liên kết với New Zealand để được trợ giúp về kinh tế, nhận nữ hoàng New Zealand, tức là nữ hoàng Anh làm quốc trưởng. Trung Quốc cũng viện trợ cho chính phủ quần đảo Cook, đã xây tặng họ trụ sở cảnh sát toàn quốc, mà không biết có đặt máy nghe lén hay không!

Bài bình luận trên Tân Hoa Xã kể tội nước Mỹ đang bao vây Trung Quốc. Họ phân tích: “Nửa sau thế kỷ 20 và đầu thế kỷ này chiến lược của Mỹ đặt trọng tâm vào Châu Âu. Trong nhiệm kỳ của Tổng Thống George W. Bush thì ông dồn hết năng lực vào chiến tranh Afghanistan và Iraq. Nhưng trong hai năm qua chính quyền Barack Obama đã nâng cao khẩu hiệu Trở về Châu Á; năm ngoái ông Obama đã khẳng định điều đó trước Quốc Hội Australia, Úc Châu. Washington đã thắt chặt quan hệ quân sự với Nhật Bản, Nam Hàn, Úc và Philippines. Obama gia tăng số thủy quân lục chiến đồn trú ở bờ biển phía Bắc nước Úc. Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố thay đổi kế hoạch điều động hải quân. Trước kia là một nửa ở Châu Á; bây giờ là 60% sang Châu Á! Mỹ đã thao diễn quân sự với các nước Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines, Thái Lan và cả Việt Nam! Trong thời gian Trung Quốc và Nhật Bản đang cãi nhau về quần đảo Ðiếu Ngư thì Mỹ đi tập trận trên biển với Hải Quân Nhật suốt 37 ngày! Năm ngoái, số vũ khí Mỹ bán cho nước khác đã lên tới hơn 66 tỷ đô la, phần lớn bán cho các nước Châu Á. Ðầu năm 2013 tới, lần đầu tiên Mỹ sẽ điều động tới Singapore những tầu chiến cận duyên (littoral combat ship, LCS).

Tân Hoa Xã còn nhắc lại từ năm 2009 chính quyền Obama đã cổ động cho một hiệp ước Hợp tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP, Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement), để lôi kéo các nước Á Ðông liên kết kinh tế với Mỹ chặt chẽ hơn.

Nhưng , theo cơ quan thông tấn Bắc Kinh thì thế lực kinh tế của Mỹ trong vùng đang thua Trung Quốc. Trung Quốc đã trở thành nước mua hàng của Nhật Bản nhiều nhất, chiếm 20% trong năm 2010; trong khi Mỹ chỉ còn mua 15% số hàng Nhật xuất cảng. Vì “ganh tị” nên Mỹ đang tìm cách chia rẽ Trung Quốc với các nước trong vùng; để hưởng lợi. Tất nhiên, theo Tân Hoa Xã thì Mỹ không có hy vọng thành công: Kinh tế Mỹ không đủ sức mạnh hay tài nguyên để ngự trị vùng Châu Á Thái Bình Dương!

Có lẽ nghe bấy nhiêu lời của Tân Hoa Xã cũng đủ. Một điều mà họ không nhắc tới là chính kinh tế Trung Quốc đang trên đà xuống dốc.

Tuần trước mục này đã trình bày những sự kiện và con số cho thấy nền sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đang ứ đọng hàng hóa không bán được. Trên các mạng tư nhân của dân Trung Hoa ở lục địa đang truyền nhau một bài nhận định của Lý Tả Quân, một nhà kinh tế làm trong viện nghiên cứu chính phủ. Ông Lý Tả Quân nói chuyện trong nội bộ từ năm ngoái, nhưng bản báo cáo của ông vừa mới bị lọt ra ngoài ngày 21 Tháng Tám vừa qua.

Từ năm trước, Lý Tả Quân đã tiên đoán: “Kinh tế Trung Quốc sẽ lâm nguy” (Ông Lý dùng chữ “kinh tế nguy cơ”) và báo động các ngân hàng, các cấp chính quyền địa phương sẽ vỡ nợ vào năm 2013. Ðây là điều mà giới phân tích trong và ngoài Trung Quốc đã báo động từ lâu. Nhưng tình trạng mỗi ngày một xấu hơn. Các ngân hàng do nhà nước kiểm soát cho các công ty quốc doanh vay, khi các công ty này không bán được hàng thì họ cũng không trả được nợ. Các cấp chính quyền địa phương lâu nay thu tiền vào ngân sách phần lớn nhờ tịch thu đất ruộng của dân để đem bán lại cho các xí nghiệp với giá cao; đến lúc nguồn thâu đó sẽ cạn; trong khi họ cũng mang đầy nợ từ các ngân hàng.

Lý Tả Quân tiên đoán giữa năm 2013 thì tình trạng này sẽ đi tới mức chịu không nổi, phải phá sản. Trong năm 2012 nhóm lãnh đạo đương nhiệm Hồ Cẩm Ðào, Ôn Gia Bảo sắp chuyển giao ngôi vị cho Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường; cho nên guồng máy nhà nước cố giữ để không có chuyện nào xấu xẩy ra. Họ có tiền để tiếp tục đưa cho các ngân hàng bù vào chỗ nợ xấu không đòi được. Nhưng nhóm lãnh đạo mới sẽ khó giữ mãi chính sách đó. Chậm nhất là đến năm 2014 hay 2015 thì nhiều xí nghiệp cỡ trung và nhỏ, hầu hết các ngân hàng và cơ quan chính quyền sẽ vỡ nợ. Nhà kinh tế lão thành Mao Vu Thức đồng ý với Lý Tả Quân, cũng nói trên các mạng: “Rất có thể sẽ xảy ra đột biến.” Từ vấn đề kinh tế sẽ dẫn đến hàng loạt các vấn đề xã hội, uy quyền của đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ suy yếu.

Tuần trước, mục này đã báo tin chỉ số PMI của Trung Quốc sụt giảm, nhưng đầu tuần này còn tệ hơn nữa. PMI của HSBC là một chỉ số được Ngân hàng Hồng Kông Thượng Hải tính toán sau khi thu thập dữ kiện từ các nhà sản xuất công nghiệp, nhằm dự đoán tương lai của các ngành sản xuất (HSBC Purchasing Managers’ Index™). Khi nào chỉ số PMI của một nước xuống dưới 50 tức là sản xuất công nghiệp đang xuống.

Trong Tháng Bẩy chỉ số này đã xuống tới 49.3, giữa Tháng Tám xuống 47.8; nhưng ngày Thứ Hai, 3 Tháng Chín, vừa qua HSBC cho biết chỉ số PMI trong toàn thể Tháng Tám chỉ còn là 47.6. Như vậy là trong suốt 11 tháng vừa qua chỉ số PMI của Trung Quốc liên tục nằm dưới 50. Ðiều đáng chú ý là chỉ số sản xuất công nghiệp của Trung Quốc vẫn xuống mạnh mặc dù đầu mùa Hè năm nay chính quyền Trung Cộng đã thả lỏng cho bơm thêm tiền vào để kích thích sản xuất! (Xin ghi thêm chỉ số PMI của HSBC tại Việt Nam; trong Tháng Bẩy là 43.6, Tháng Chín lên 47.9, tình trạng sản xuất công nghiệp tiếp tục giảm, vẫn dưới chỉ số 50, như các đồng chí vĩ đại).

Một hình ảnh dễ thấy nhất là ngành sản xuất thép, mà Trung Cộng đã bơm vào không biết bao nhiêu tỷ Mỹ kim để xây dựng nhà máy, rồi thép chế ra bán không được. Trong bốn tháng qua giá thép giảm gần 20%; trong nửa năm đầu tiền lời của các công ty thép giảm 96% so với sáu tháng đầu năm ngoái. Nhiều công ty thép đã tự xóa bỏ các hợp đồng mua sắt quặng. Nhưng các công ty của nhà nước vẫn được lệnh chính quyền, đặc biệt là chính quyền địa phương thúc đẩy phải cho máy chạy đều đều, dù sau khi chế ra thì hàng chỉ cất vào kho.

Tại sao họ lại có hành vi lạ lùng như vậy? Vì các cán bộ sẽ được thăng thưởng nếu “tổng số sản xuất lên.” Một triệu tấn thép chất đầy trong kho hay mười ngàn ngôi nhà xây xong bỏ trống; nhưng trị giá của tất cả những thứ đó vẫn được ghi trong số thống kê; đóng góp vào con số tổng sản lượng nội địa (GDP), cho thấy nó vẫn gia tăng! Năm nay, sau khi có giới lãnh đạo mới trong đảng Cộng sản, họ sẽ tính sổ các cán bộ coi anh chị nào đáng lên, anh chị nào phải xuống. Cho nên các quan địa phương càng phải “phấn đấu” cho nhà máy chạy.

Trong một nền kinh tế bình thường, khi hàng tồn kho gia tăng thì người ta biết kinh tế sắp suy yếu, phải giảm bớt sản xuất. Ở Trung Quốc thì hàng tồn kho cứ chất đống mãi cũng không sao, cho đến khi tức nước vỡ bờ!

Kinh tế Trung Quốc trên căn bản vẫn chưa phải kinh tế thị trường. Trên tạp chí Foreign Affairs tháng này, Giáo Sư Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei), nhà kinh tế Trung Quốc sống ở Mỹ, nhận xét rằng: “Cảnh kinh tế trì trệ của Bắc Kinh không phải do chu kỳ kinh tế lên xuống, cũng không phải vì các nước khác bớt mua hàng. Căn bệnh của kinh tế bắt rễ sâu hơn. Ðó là vì guồng máy nhà nước phí phạm tài nguyên tiền vốn và chèn ép giới kinh doanh tư; vì từ trong hệ thống không nảy ra sáng kiến, phát minh; và vì một tầng lớp lãnh đạo tham lam chỉ nghĩ cách làm giầu cho chính họ và bảo vệ các đặc quyền của họ mãi mãi.”

Ðó là tình trạng thực của kinh tế Trung Quốc, dù nước Mỹ có trở lại vùng Á Ðông hay không; dù bà Hillary Clinton có thăm quần đảo Cook hay không. Chính quyền Trung Cộng phải luôn luôn gây ồn ào về chính sách “bao vây, ngăn cản” của chính quyền Mỹ vì đó là một cách nuôi tinh thần bài ngoại. Từ gần 200 năm nay, dân Trung Hoa đã có ác cảm với người da trắng. Khơi dậy tình tự thù ghét đó là để cho dân quên đi những bất công xã hội, môi trường ô nhiễm, và những vụ đấu đá chém giết nhau để tranh giành quyền lực trong nội bộ một đảng tham ô!

Dân Trung Quốc không được tự do tìm hiểu và thảo luận về nỗi khó khăn của chính nước họ. Hai tuần trước, ông Từ Hoài Khiêm (Xu Huaiqian), 44 tuổi, chủ biên tạp chí Ðại Ðịa của nhật báo Nhân Dân đã nhảy lầu tự vẫn. Trong blog của ông còn để lại một lời trối trăn: “Nỗi đau đớn của tôi là vì tôi dám suy nghĩ, nhưng lại không dám nói lên. Nếu dám nói ra, tôi cũng không dám viết. Mà nếu tôi dám viết, cũng không ai đăng!”

Nguồn: Người Việt

Tags:

2 Phản hồi cho “Trung Cộng lại làu bàu”

  1. Trung Hoàng says:

    COOK ISLANDS VÀ TAM SA.

    Cho dù Cook Islands là nước nhỏ trên thế giới, nhưng lại được vinh hạnh đón tiếp Bà Ngoại Trưởng cuả một cường quốc đứng đầu thế giới. Trong khi Trung Quốc vưà thành lập tự quyết định Thị Trấn Tam Sa trên Hoàng Sa cuả Việt Nam, tất nhiên Hoa Kỳ đã cực lực phản đối hành động bất chấp Công Pháp Quốc Tế nầy cuả CSBK. Sự thăm viếng Cook Islands cuả Bà Hillary Clinton, mặt nào đó đã khiến cho Trung Quốc khá nhột nhạt, vì đó cũng là một hành trạng phản đối khá linh hoạt, tinh vi cuả một nhà ngoại giao tế nhị.

    Trong suốt thời gian qua, con đường ngoại giao cuả CSBK đã gặp phải một kình thủ rất khó chịu, đó chính là Bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton Hoa Kỳ, một đối thủ ngoại giao mà dường như CSBK đã không thể nào vượt qua mặt được. Khi có sự xuất hiện cuả Bà Ngoại Trưởng Hoa Kỳ ở khu vực Châu Á, y như rằng con đường ngoại giao cuả CSBK ở đây, ắt sẽ gặp phải nhiều khó khăn trở ngại khó xoay trở đúng theo ý muốn được. Gần như đó chính là khắc tinh cuả CSBK, trên con đường ngoại giao ve vãn qua “Quyền Lực Mền”, đối với các nước trong khu vực nói chung.

    Nếu Trung Quốc với luận điệu Biển Đông là “Quyền Lợi Cơ Bản” để đối lại “Quyền Lợi Cốt Lõi” cuả Hoa Kỳ. Mà xét ra cái Quyền Lợi Cốt Lõi cuả Hoa Kỳ, nó vẫn còn có nhiều sức thuyết phục hơn cái gọi là Quyền Lợi Cơ Bản cuả Trung Quốc. Nhật Hàn Đài Úc, không ít thì nhiều, vưà là đồng minh quân sự, mà cũng là những đối tác kinh tế lâu đời cuả Hoa Kỳ. Thông thương con đường hàng hải ở đây, đối với Hoa Kỳ thì thực sự đó là cốt lõi cuả quyền lợi quốc gia, cần phải được bảo vệ an toàn trong sự ổn định phải có. Trong khi Cái Lưỡi Bò Trung Quốc chỉ là sự tự biên tự diễn, tự chuyên hành động bất chấp luật Công Pháp Quốc Tế, thì không thể nào rêu rao cho đó là Quyền Lợi Cơ Bản cuả mình được.

    Hơn nưã, cái gọi là Thành Phố Tam Sa cũng chẳng qua là đánh cướp cuả người bằng võ lực thô bạo, năm 1974 xua hải quân tràn ngập đánh chiếm Hoàng Sa cuả Việt Nam Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam, năm 1988 cưỡng chiếm thêm một số đảo Trường Sa cuả Việt Nam trong tay đảng đàn em là CSVN. Để rồi ngày nay, vội vội vàng vàng lập cứ điểm quân sự và xây dựng cơ sở kinh tế chính trị trên Hoàng Sa, với cái tên rất kiêu cách là Tam Sa, rồi cho đó là cái Quyền Lợi Cơ Bản, thì quả thật đúng cung cách cuả một kẻ cướp biển. Liệu con đường thông thương hang hải ở Biển Đông Á có được yên bình, khi mà Trung Quốc cho rằng đó chính là Quyền Lợi Cơ Bản cuả CSBK.

    Trên mặt điạ chính trị, ý đồ cuả CSBK không bao giờ dừng lại ở điểm Quyền Lợi Cơ Bản, mà thực chất là giành sân hoạt động với chính Hoa Kỳ trên khu vực biển ở đây. Khi đã vững vàng, CSBK có toàn quyền trên khu vực đó, Hoa Kỳ sẽ là quốc gia mà Trung Quốc muốn ngăn chận mọi sự hiện diện, từ chính trị cho đến kinh tế, đó chính là một mong muốn mà Trung Quốc sẽ lần hồi thực hiện cho bằng được. Khu vực lân cận với Trung Quốc, cho dù còn ranh giới quốc gia, nhưng thực chất đều phải lệ thuộc, bắt buộc chỉ dưạ vào Trung Quốc để sinh tồn, đó mới chính là ý đồ bá quyền bành trướng thời đại mới cuả người Trung Hoa ngày nay.

    Một chuyến công du với nhiều ý nghiã, Bà Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Billary Clinton đến Cook Islands và sau cùng mới đến đất nước vĩ đại Trung Quốc, một đất nước mà vưà bị cả hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ cực lực phản đối, về hành động tự chuyên tự định đoạt về Thành Phố Tam Sa. Tất nhiên không riêng vì nước Hoa Kỳ, mà cả các nước trên thế giới cũng đang cẩn trọng chú ý theo dõi, các hành động ngang ngược bất chấp Luật Công Pháp Quốc Tế cuả CSBK.

    Dưới mắt thế giới, Bà Ngoại Trưởng Hoa Kỳ đang cho các nhà lảnh đạo Bắc Kinh một bài học ngoại giao, một bài học gởi đến gián tiếp, sự xem thường kẻ ngạo mạn hống hách luôn theo một kiểu cách : “Chưa đổ Ông Nghè, muốn đe hàng tổng”.

    Xin trân trọng.

    • Sáu C + cc says:

      Vạn Lý Trường,đập Tam-Hiệp,tàu sân bay Thi Lang..than ! ( Varyag ) và trên một Tỷ dân ! phải là …xiêu… cường ( siêu cường ),nhửng ai xem thường có ngày chạy té…tè…! .

Phản hồi