WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Phỏng vấn Zbigniew Brzezinski

Bauxite Việt Nam: Zbigniew Brzezinski là Cố vấn An ninh Quốc gia của Chính quyền Jimmy Carter từ năm 1977 đến năm 1981. Trong thời gian ông giữ chức vụ này, Mỹ đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và chấm dứt việc nhìn nhận Trung Hoa Dân Quốc (tức Đài Loan). Ông cũng là một trong những quan chức cấp cao đã chào đón cuộc thăm viếng lịch sử của Đặng Tiểu Bình tại Mỹ vào đầu năm 1979, và sau đó Đặng đã phát động cuộc Chiến tranh biên giới, rêu rao rằng để “dạy Việt Nam một bài học”. Cũng như Henry Kissinger, sự nghiệp chiến lược của Brzezinski là tạo một liên minh Mỹ – Trung để kiềm chế sự bành trướng của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, và liên minh này đã chi phối sâu sắc viễn kiến của Kissinger cũng như của Brzezinski đối với tình hữu nghị Mỹ – Trung mà hai ông thường bênh vực. Thậm chí gần đây, Brzezinki còn nói đến việc thành lập một G-2 (nhóm quốc gia gồm có hai nước là Mỹ và Trung Quốc) [Xin đọc thêm "The G-2 Mirage" (Ảo ảnh G-2) của Elizabeth Economy"].

Vì tiêu chí chuyển tải thông tin đa chiều, chúng tôi giới thiệu cùng bạn đọc bài phỏng vấn sau đây.

——————————————————-

Zbigniew Brzezinski. Photo: www.commondreams.org

Trợ lý Biên tập viên Zachary Keck của The Diplomat đã tọa đàm với cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Zbigniew Brzezinski để thảo luận về vai trò của Mỹ trong các vấn đề thế giới, về tình hình địa chính trị đang chuyển biến trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, về tính khả thi của nỗ lực loại bỏ vũ khí hạt nhân, và về các cường quốc đang trỗi dậy ngày càng ảnh hưởng vào sân sau của Mỹ [tức châu Mỹ La tinh, DG].

Trong cuốn Strategic Vision (Viễn kiến chiến lược), ông lý luận rằng trong thế giới ngày nay, không một cường quốc nào có đủ khả năng để thống trị khu vực Á Âu (Eurasia) theo quan niệm nổi tiếng của Harold Mackinder. Nhìn vào ý nghĩa trực tiếp của lý luận này, người ta thấy rằng nó tiêu biểu cho một thay đổi cực kỳ to lớn (tectonic shift) trong chính sách đối ngoại Mỹ. Vì qua một quá trình lâu dài trước khi Washington có thể thực hiện được thế quân bình lực lượng tại khu vực Á Âu, các lãnh đạo Mỹ đã coi việc ngăn chặn không cho phép một bá quyền nào thống trị vùng này như là một yêu cầu chiến lược chủ yếu. Nếu Mỹ không còn quan tâm đến việc bảo vệ “đảo thế giới” của Mackinder [tức khu vực Á Âu] khỏi rơi vào tay của một bá quyền tiềm năng, thì mục tiêu chủ yếu của việc Mỹ dấn thân vào châu Âu và châu Á là gì, nếu ta nhìn về tương lai?

Mục tiêu chính của việc Mỹ dấn thân vào châu Âu và châu Á phải là, để hậu thuẫn một thế quân bình nhằm ngăn cản không cho bất cứ một cường quốc nào hành động một cách quá quyết đoán đối với các nước láng giềng của nó. Trong tương lai trước mắt, dù sao đi nữa, không thể có một cường quốc duy nhất nào nắm được thế ưu việt quân sự để quyết đoán cung cách bá quyền của mình trên một đại lục đa dạng, phức tạp, và lắm vấn đề như khu vực Á Âu. Việc Mỹ có quan hệ mật thiết với châu Âu, nhưng đồng thời phải duy trì một quan hệ đối tác phức tạp với Trung Quốc và một liên minh với Nhật Bản, sẽ tạo cho Mỹ những điểm tập trung cần thiết trong một cuộc dấn thân chiến lược, nhằm duy trì một thế quân bình tương đối ổn định dù có tế nhị trên khu vực gọi là “hòn đảo thế giới”.

Trong cuốn sách, ông nói rằng Mỹ phải đóng vai trò của một trọng tài trung lập giữa các cường quốc châu Á, với ngoại lệ có thể là đối với Nhật Bản. Chính quyền Obama thông thường cũng có để ý đến điều này nhưng gần đây đã tách rời khỏi khuyến cáo của ông bằng cách đưa ra một tuyên bố gay gắt về tình hình biển Nam Trung Hoa [biển Đông Việt Nam], trong đó chỉ nêu đích danh một mình Trung Quốc. Ông có thấy vì lý do gì mà chính quyền Mỹ có hành động này và ông có coi đó là một sai lầm không?

Tôi cho rằng lập trường của Mỹ về tự do thông thương trên biển nói chung là đúng; nhưng gần đây lập trường này đã được theo đuổi một cách vụng về. Đáng tiếc là, bản tuyên bố nói trên đã được đưa ra trong bối cảnh của cái gọi là “xoay trục chiến lược”, với những ngụ ý liên quan tới việc gia tăng sức mạnh quân sự Mỹ tại châu Á, như một phản ứng cần thiết đối với những thực tế địa chiến lược vừa mới xuất hiện tại Viễn Đông. Nói vắn tắt, ta không nên ngạc nhiên nếu phía Trung Quốc cho rằng bản tuyên bố ấy có ngụ ý là Mỹ bắt đầu hình thành một liên minh chống Trung Quốc, một việc mà ở vào giai đoạn này ít ra là còn quá sớm và có nguy cơ trở nên một lời tiên tri tự biến thành hiện thực (a self-fulfilling prophecy).

Trong cuốn Strategic Vision ông đã công khai phản đối mạnh mẽ một liên minh chính thức giữa Mỹ và Ấn Độ, chỉ trích hợp đồng nguyên tử 2006, và nêu ra nhiều thách đố nội bộ mà New Delhi đang gặp phải. Từ lâu ông đã có quan điểm đặc biệt nhất quán về những điều này, nhưng hình như ông rất bất đồng với phần lớn giới hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ, những người đang coi một quan hệ chặt chẽ hơn với Ấn Độ là tất yếu nằm trong lợi ích quốc gia? Tại sao ông cho họ là sai lầm?

Tôi bất đồng ý kiến với nhiều nhân vật trong cộng đồng đối ngoại Mỹ về nhu cầu phải có một quan hệ hữu nghị vững chắc với Ấn Độ, một quan hệ mà mới nhìn vào là thấy nhắm vào Trung Quốc. Tôi cho rằng Mỹ có thể phục vụ lợi ích của mình cũng như sự ổn định tại Viễn Đông hữu hiệu hơn, bằng cách tránh xa bất cứ một liên minh ràng buộc nào với các cường quốc đang cạnh tranh nhau trên lục địa châu Á. Sau cùng nhưng không kém phần quan trọng là, sự ổn định tương lai của Ấn Độ, chứ đừng nói chi đến tiềm năng quyền lực của nó, là có vấn đề; và theo quan điểm của tôi, quá nhiều người đã bị mê hoặc bởi sự kiện Ấn Độ có một dân số vĩ đại không kém gì Trung Quốc.

Trong tháng Tám, Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton mở ra một chuyến công du 10 ngày đến châu Phi (mà nhiều người cho rằng) để chống lại ảnh hưởng ngày một lớn của Trung Quốc tại châu lục này. Trong cuốn Strategic Vision, ông bàn về Mexico, nhưng điều này có thể quảng diễn một cách hợp lý đến những nước khác tại Tây bán cầu, đấy là sự kiện những nước này có quan hệ ngày một gia tăng với Trung Quốc và với các cường quốc đang trỗi dậy khác kết hợp với nhiều vấn đề khác, khiến cho tình hữu nghị Mỹ-Mễ ngày càng trở nên căng thẳng. Căn cứ vào sự kiện địa vị bá quyền của Mỹ tại Tây Bán Cầu đã trở thành mục tiêu bao quát của chính sách đối ngoại Mỹ chí ít kể từ năm 1823, và là một thực tế kể từ năm 1898, liệu Mỹ có đang làm đầy đủ để chống lại sự xâm nhập của Trung Quốc và các cường quốc đang trỗi dậy khác vào vùng ảnh hưởng truyền thống của mình hay không? Nếu không, thì Mỹ phải làm gì?

Tôi không nghĩ Mỹ cần phải làm “đầy đủ để chống lại sự xâm nhập của Trung Quốc và các cường quốc đang trỗi dậy khác vào vùng ảnh hưởng của mình” tại Nam Mỹ bởi vì ở giai đoạn này các nước Nam Mỹ rõ ràng có ý định trở nên tự trị hơn trong quan hệ giữa họ với Mỹ. Một chính sách đặt cơ sở trên tiền đề mà tôi vừa trích dẫn sẽ buộc các nước châu Mỹ La-tinh hoặc phải đứng vào hàng ngũ với Mỹ hoặc là chống lại Mỹ, và điều này sẽ không nằm trong lợi ích của Mỹ, nhất là nếu ta căn cứ vào tâm trạng đang thịnh hành và đang chuyển biến của dân chúng trong một số nước châu Mỹ La-tinh.

Từ lâu ông chủ trương đàm phán nghiêm chỉnh với Iran, điều mà chính quyền Obama có ý định thực hiện chí ít vào lúc mới nhậm chức. Tuy nhiên trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu, những cuộc xuống đường phản kháng đã bộc phát tại Tehran tiếp theo sau cuộc bầu cử Tổng thống 2009. Mặc dù chính quyền Obama cho rằng biến cố này đã diễn ra hoàn toàn như một cú sốc đối với họ, nhưng tôi thiết tưởng ông không thấy như vậy, vì năm 2007 chính ông đã tuyên bố rằng Iran là nước có thể đang gặp phải những vấn đề nội bộ nghiêm trọng, một khi người Iran không còn cảm thấy thế giới bên ngoài, và đặc biệt Mỹ, bao vây họ. Ông cũng có kinh nghiệm bản thân trong việc đối phó những cuộc biểu tình tại Tehran. Theo quan niệm của ông, chính quyền Obama đã hành động ra sao trong việc phản ứng lại các cuộc biểu tình tại Iran năm 2009? Ông nghĩ gì về cuộc nổi dậy này về sau đã lan khắp phần lớn thế giới Ả-rập?

Tôi không thấy Mỹ có nhiều tự do hành động trong việc phản ứng lại những biến động ởIranvà nói rộng hơn ở Trung Đông. Những biến cố này tự bản thân đã có liên quan với sự thay đổi xã hội ở trong khu vực, nhất là có liên quan với hiện tượng thức tỉnh chính trị của đại đa số tầng lớp trẻ. Về điểm này, luận điệu được sử dụng bởi nhiều người phát ngôn tham gia vào các biến cố này có khuynh hướng dân chủ, mặc dù dân chủ không nhất thiết là mục tiêu đích thực của những nguyện vọng chính trị quần chúng. Những nguyện vọng này vốn có gốc rễ trong những căm thù lịch sử, trong phân biệt đối xử xã hội, trong ganh tị tài chính, hay chỉ thuần túy thất vọng mà thôi. Kết quả là, các biến động này có xu thế tạo ra một chủ nghĩa dân túy có tính quyết đoán (assertive populism), mà ta không nên lẫn lộn với nỗ lực định chế hóa các tiến trình dân chủ sắp diễn ra.

Nhiều nhà ngoại giao nổi tiếng nhất của Mỹ, kể cả nhiều người đồng thời với ông, đã dứt khoát chấp nhận việc hũy bỏ vũ khí hạt nhân. Trong cuốn Strategic Vision, ông bàn khá dài về những mối nguy tiềm tàng do việc gia tăng số nước có vũ khí hạt nhân (horizontal proliferation) – đặc biệt từ các nước có vũ khí tương đương với vũ khí hạt nhân (quasi-nuclear weapon states) như Nhật Bản, Nam Hàn, và Đức – cũng như mối nguy do việc gia tăng khả năng của các nước vốn đã có vũ khí hạt nhân (vertical proliferation) từ các nước như Nga, Trung Quốc, và Ấn Độ. Đồng thời, tôi có cảm tưởng ông thiếu nhiệt tình đối với phong trào đòi hũy bỏ vũ khí hạt nhân toàn cầu (global zero movement), mặc dù gần đây thỉnh thoảng ông có dè dặt bày tỏ sự đồng tình với phong trào này. Vì thế, tôi tự hỏi liệu ông có thể nói thêm suy nghĩ của ông về vấn đề này hay không? Chẳng hạn, ông có thấy phương án nào khác dễ thực hiện hơn để ngăn chặn việc bành trướng vũ khí hạt nhân hay không?

Tôi không có tranh cãi nào với phong trào đòi hũy bỏ vũ khí hạt nhân toàn cầu nhưng tôi nghĩ rằng đó là một tiêu chí chỉ được thực hiện từ từ, với sự dần dần lắng dịu của thời đại đầy nhiễu nhương hiện nay, và có lẽ trong một bối cảnh mà các cường quốc chính trên thế giới sẽ nhận thấy việc tham gia hợp tác thật sự nghiêm chỉnh là điều khả thi và có kết quả tích cực.Viễn cảnh cho việc hũy bỏ vũ khí hạt nhân toàn cầu trong ngắn hạn là tương đối mong manh và không mấy hi vọng. Vì thế, tôi thấy không ích chi trong việc hăng hái tham gia một phong trào mà đáng lẽ tôi phải coi là một nguyện vọng tích cực.

Ngoại trưởng Hillary Clinton nhiều lần nói rằng bà sẽ không tiếp tục làm Bộ trưởng Ngoại giao trong một nhiệm kỳ thứ hai của chính quyền Obama. Như vậy, Mỹ có khả năng thay thế người đứng đầu ngành ngoại giao bất chấp kết quả của cuộc bầu Tổng thống vào tháng 11 này. Ai là những người ông muốn đề xuất với vị Tổng thống vừa đắc cử để phỏng vấn cho chức vụ này? Nếu ông không muốn nêu tên họ ra, có lẽ chí ít ông có thể cho biết những đức tính nào mà ông nghĩ là quan trọng nhất cho những ứng viên này?

Tôi không muốn lao vào việc cổ xúy cho một tên tuổi đặc biệt nào vì tôi nghi rằng một sự cổ xúy như vậy do tôi đưa ra thậm chí có thể là phản tác dụng. Có một số người trên chính trường hiện nay, trong đó có một số Thượng nghị sĩ, cũng như những người đang hoạt động trong lãnh vực công, có thể trở thành những ngoại trường rất đầy đủ khả năng. Tuy nhiên, sự lựa chọn này phần lớn tùy thuộc vào cái vai trò mà vị Tổng thống sắp tới dự phóng cho vị Bộ trưởng Ngoại giao của mình: đấy là, liệu người được đề cử vào chức vụ trên sẽ thực sự trở thành người hoạch địch chính sách đối ngoại chủ yếu, hay người được đề cử chỉ được kỳ vọng làm một vị Ngoại trưởng để chăm sóc các quan hệ đối ngoại, với từ “các quan hệ” là quan trọng. Tôi vừa mới xem một số bài phân tích chi li nhưng vớ vẩn khi bàn về bao nhiêu ngàn dặm mỗi một vị Bộ trưởng Ngoại giao đã công du trong những năm gần đây, và điều này cho tôi thấy nhu cầu cần phải phân biệt giữa việc hoạch định chính sách đối ngoại và việc tích cực dấn thân vào các quan hệ ngoại giao.

 

Nguồnhttp://thediplomat.com/2012/09/10/the-interview-zbigniew-brzezinski/2/?all=true

Bản tiếng Việt: Bauxite

1 Phản hồi cho “Phỏng vấn Zbigniew Brzezinski”

  1. Ngụy Quân Tử - Hồ Bác Cụ says:

    Ông Zbigniew Brzezinski là người Ba Lan, do đó những chính sách mà ông đưa ra thuờng huớng về bảo vệ Âu Châu trong đó có Ba Lan, thay vì quan tâm đến Á Châu và đối phó với Tàu cộng. Rồi nào là “Để cho các nước độc tài toàn trị như TQ, VN phát triển kinh tế trước, tự do nhân quyền sẽ xuất hiện sau”. Những điều đó đã được thực tế chứng minh là ấu trĩ, kém hiểu biết về chế độ CS. Trong những nhiệm kỳ TT Mỹ nào đi theo đường lối của ông này, Trung Cộng mừng húm và đã phát triển tối đa. Chính quyền Obama đã nhận ra những sai lầm về chiến lược của ông Zbigniew Brzezinski, nên rút ra khỏi Afghanistan và quay về Á Châu. Điều này khiến cho Trung cộng đang lo lắng. Là người VN, tôi sẽ bỏ phiếu cho Obama thêm một nhiệm kỳ nữa và hy vọng sau Obama sẽ là bà Hillary Clinton, người phụ nữ tài giỏi nhất của nước Mỹ. Hay là ông Zbigniew Brzezinski muốn trả thù nước Mỹ về việc TT Roosevelt đã “ếm nhẹm” các bằng chứng cuộc thảm sát hàng ngàn quân nhân giới trí thức Ba Lan ở rừng Katyn do Nga gây ra, nên nuôi Trung cộng lớn lên, mượn tay Trung cộng trả thù Mỹ?????

Phản hồi