Kẻ chống trăng
Nhật thực là hiện tượng mặt trăng “ăn” mặt Trời. Tại Việt Nam mỗi lần nhậtt thực xảy ra, người dân Việt Nam, nhất là những người ở vùng thôn quê, có tập tục đồng loạt đánh trống, phèng la, kéo chuông, gõ mõ…vận dụng tất cả những gì có thể tạo ra tiếng động lớn nhằm làm cho “ông” trăng giật mình khiếp sợ, ngưng “ăn” mặt trời, trả lại ánh nắng cho nhân gian.
Câu chuyện “Kẻ Chống Trăng” đã nêu bật một ý nghĩa: Không ai có thể làm cho mặt trăng phải xê dịch. Biết vậy, kẻ chống trăng vẫn cứ chống trăng. Chống trăng chỉ để tỏ ý bảo vệ ánh sáng mặt trời cho nhân gian.
Ngày 12/09/2012 thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đã ký một văn bản ra lệnh cho bộ công an và bộ thông tin hãy nhanh chóng triệt hạ các trang mạng kiểu Quan Làm Báo, Dân Làm Báo, Biển Đông… Những trang mạng kia bị chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng lên án là phản động, là mặt nổi của “thế lực thù địch”.
Lệnh triệt hạ trang mạng hoàn toàn đồng dạng với câu chuyện “Kẻ Chống Trăng”. Đôi bên đều thực hiện một công việc có tính hoang tưởng. Bên này đánh đuổi mặt trăng. Bên kia, Nguyễn Tấn Dũng đánh đuổi các trang mạng “phản động” nhằm bảo vệ “danh giá” cho chế độ chính trị. Có hai lý do để công việc triệt hạ các trang mạng bị xem là hoang tưởng:
Lý do kỹ thuật:
Lịch sử chính trị thế giới đã cho thấy: Chế độ độc tài các loại chỉ tồn tại nhờ vào khả năng bưng bít tin tức. Bưng bít để ngu dân. Bưng bít để mị dân. Bưng bít để che dấu tội ác độc tài, tham ô… Do nhu cầu bưng bít, bức màn sắt, bức màn tre, bức tường ô nhục Bá Linh ra đời. Ngày nay, thời-kỳ-vàng-son-của-các-loại-bức-màn đã tàn lụn. Ngày nay cách mạng điện toán đã triệt để huỷ diệt mọi kỹ thuật bưng bít thông tin của giới độc tài. Triệt hạ vài trang mạng “phản động” này, vài trăm trang mạng “thù địch” khác lại mọc lên: viết mạnh hơn, lột trần sự thật ầm ĩ hơn. Rõ ràng là nỗ lực triệt hạ các trang mạng chỉ là công việc của kẻ chống trăng.
Lý do chính trị:
Phải chăng, mệnh lệnh 12/09/2012 của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là sự phản ánh tình trạng mâu thuẫn giữa chế độ CSVN và các trang mạng “phản động” ? Tìm đáp số cho câu hỏi vừa nêu, chúng ta cần suy nghĩ về một tỷ dụ luận như sau: Hai người say rượu đấm đá lẫn nhau, rõ ràng là giữa hai người này đang có mâu thuẫn lớn. Mâu thuẫn lớn nhưng vẫn là mâu thuẫn phụ. Thật vậy, con người bị men rượu tấn công và con người bị thua cuộc trong vụ tấn công này. Từ đó, cuộc nói chuyện bằng tay chân mới xảy ra. Không có men rượu không thể có đấm đá. Không còn nghi ngờ gì nữa: Mâu thuẫn chính hiển nhiên là mâu thuẫn giữa con người và men rượu. Mâu thuẫn phụ là mâu thuẫn giữa hai ông say rượu. Giải trừ men rượu trong cơ thể của hai “võ sĩ say”, cuộc thí võ lập tức chấm dứt. Giải trừ mâu thuẫn chính, mâu thuẫn phụ tự nó tan biến.
Bây giờ hãy trở lại với câu chuyện diệt trừ các trang mạng “phản động” của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Mâu thuẫn chính trong câu chuyện này là mâu thuẫn giữa hai nhu cầu trái ngược: Bên này là nhu cầu của quần chúng trong ý muốn nắm bắt những tin tức chính xác về mọi hoạt động của nhà cầm quyền. Bên kia là nhu cầu bưng bít tin tức của chế độ độc tài.
Mâu thuẫn phụ là mâu thuẫn giữa quyết tâm cấp cứu nạn “đói tin” của quần chúng từ phiá những trang mạng “thù địch” và quyết tâm của bộ công an, bộ thông tin của CSVN nhằm lùng và diệt những trang mạng kia.
Muốn chấm dứt tai hoạ bị quấy nhiễu bởi những trang mạng “phản động”, muốn bình định mâu thuẫn phụ, CSVN hãy tập trung giải trừ mâu thuẫn chính bằng hai biện pháp sau đây:
Một là nghiêm khắc trừng trị nhằm chấm dứt vĩnh viễn tệ trạng viên chức cầm quyền các cấp liên tục tạo ra những việc làm khiến chính phủ phải bưng bít.
Hai là mở cửa “kho tin mật” để dân chúng được tự do ra vào tham khảo. Một khi mọi loai tin mật không còn mật, tin mật tan biến, các trang mạng “thù địch” sẽ tự họ tan biến theo.
Muốn thực thi hai công việc vừa mô tả ở trên, nhà nước CSVN phải tái cấu trúc toàn bộ guồng máy cầm quyền. Trước tiên, luật pháp phải là luật do đại biểu thực sự của người dân làm ra: luật pháp trị (Rule of law). Đoạn tuyệt dứt khoát hệ thống luật pháp do chế độ độc tài tạo ra để thống trị xã hội: Luật pháp quyền (Rule by law). Kế đến nhà nước phải là nhà nước tam quyền phân lập chân chính. Xin hãy chấm dứt tức khắc và vô điều kiện vở hài kịch hành pháp, lập pháp và tư pháp nằm ngoan ngoãn và gọn gàng trong lòng bàn tay của đảng CSVN. Sau cùng xin đừng quên rằng báo chí là quyền thứ tư bên cạnh tam quyền phân lập. Báo chí vừa là tai mắt của xã hội vừa là vị trọng tài tài ba giúp cho tam quyền phân lập vận hành rộn ràng nhưng không bao giờ dẫm chân lên nhau.
Bài viết này chuyên chở hai trọng tâm:
Thứ nhất: Phân định mâu thuẫn chính và mâu thuẫn phụ trong cuộc đụng độ giữa CSVN và các trang mạng “phản động”. Nêu bật nguyên tắc: triệt tiêu mâu thuẫn chính, mâu thuẫn phụ tự tan biến theo.
Thứ hai: Đề nghị phương pháp luận dành cho phần “Thứ nhất” thông qua việc tái cấu trúc toàn bộ guồng máy cầm quyền.
Bằng vào hai trọng tâm nêu trên, bài viết này hy vọng sẽ giúp cho đảng CSVN nhanh chóng thoát những ngày vất vả với nỗ lực đóng vai chính trong vở tuồng “Kẻ Chống Trăng”
© Đỗ Thái Nhiên
Nguồn: Chuyển Hoá (changevietnam)
PHỦ ĐỊNH CỦA PHỦ ĐỊNH
Phủ định của cái sai trở thành cái đúng
Phủ định của cái đúng trở thành cái sai
Không thể khẳng định cả cái sai lẫn cái đúng cùng lúc
Không thể phủ định cả cái đúng và cái sai cùng lúc
Điều đó cũng có nghĩa không thể phủ định cái phủ định (vì vô ích)
Cũng không thể khẳng định khẳng định cái khẳng định (vì trùng lắp)
Nên nói chung lại, cũng chỉ là chuyện ông nói gà, bà nói vịt, thế thôi.
ĐẠI NGÀN
(15/9/12)