WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Câu chuyện Di cư vào miền Nam của tôi

Nhân đọc cuốn “20 Năm Miền Nam 1955 – 1975” của tác giả Nguyễn Văn Lục, mà đã được giời thiệu với công chúng từ năm 2010 – tôi nhớ lại chuyện Di cư vào Miền Nam của bản thân mình, và xin được ghi lại một số chi tiết như sau đây.

Năm 1954, tôi vừa tốt nghiệp văn bằng tú tài 2 qua kỳ thi vào tháng 6 tại Hanoi, thì được tin quân đội quốc gia đã rút khỏi miền quê tôi tại Bùi chu Xuân trường Nam định để ra Hải phòng bằng đường thủy. Và một số bà con ruột thịt của tôi cũng tìm cách đi theo đoàn quân để tới được thành phố cảng này. Tôi lại có ông anh cả thuộc đơn vị quân đội trú đóng ở Quảng yên sát với mỏ than Hòn gai. Nên vào đầu tháng 7, tôi đã tìm cách đi từ Hà nội đến Hải phòng để tìm bà con và đi thăm gia đình ông anh luôn thể.

Trước khi rời Hà nội, tôi phải đến nhà Thầy Nguyễn Ngọc Cư là Phó Trưởng Ban Giám Khảo kỳ thi Tú Tài, để xin Thầy cấp cho một Giấy Chứng Nhận Đã Thi Đậu Tú Tài, để nộp kèm theo hồ sơ ghi danh vào Đại học. Dù đã biết rõ tôi là học trò của Thầy tại trường Chu Văn An, mà đã thi đậu trong kỳ thi vừa qua, Thầy vẫn phải cẩn thận rà lại danh sách các thí sinh trúng tuyển, rồi mới  cấp cho tôi một “Giấy Chứng Nhận Tạm Thời” để tùy nghi sử dụng. Thầy nói: Giấy Chứng Nhận Chính Thức phải do Bộ Giáo Dục cấp phát, chứ Ban Giám Khảo chỉ có thể cấp Giấy Chứng Nhận Tạm Thời mà thôi. Biết tôi có ý định vào miền Nam, Thầy cầu chúc tôi lên đường gặp nhiều may mắn.

Ở vào tuổi 20 lúc đó, tôi nhìn cuộc đời với nhiều lạc quan tin tưởng, nên chẳng hề e ngại trước cuộc phiêu lưu phải rời xa quê hương đất Bắc, để mà đi tới miền Nam xa xôi cả mấy ngàn cây số. Một phần đó là do tính ưa thích phiêu lưu mạo hiểm của tuổi trẻ – nhưng phần lớn là do động cơ thúc đẩy bởi cái chuyện “phải tránh thoát khỏi cái nạn cộng sản độc tài nham hiểm”, mà đang sắp sửa bủa vây, bao trùm xuống khắp miền Bắc. Tôi phải ở lại thành phố Hải phòng đến hơn một tháng, thì mới tìm được phương tiện chuyên chở vào đến Saigon hồi giữa tháng 8.

Đó là nhờ một ông chú là cháu của bà nội tôi, tên là chú Nhân. Chú làm việc tại cơ quan hành chánh phụ trách về việc sắp xếp tàu bè đi vào Nam, nên đã xin cấp trên ưu tiên cấp phát giấy tờ di chuyển cho tôi và một bà cô là Cô Nguyệt để leo lên được chiếc tàu khá lớn của quân đội Pháp có tên là Gascogne. Con tàu này chuyên môn chở quân trang quân dụng cho quân đội, nên không có đủ tiện nghi như là tàu chở hành khách thông thường. Nhưng mà lúc đó, lớp người di cư tỵ nạn chúng tôi đâu còn có sự lựa chọn nào khác, miễn là đi thoát khỏi miền Bắc cộng sản là được may mắn lắm rồi?

Số lượng hành khách trên tàu lúc đó có đến 7 – 800 người, phần đông là từ các tỉnh xa mà sớm ra được tới Hải phòng để đi vào Nam trong mấy chuyến đầu tiên được tổ chức cấp tốc sau ngày ký kết hiệp Định Geneva 20 Tháng Bảy 1954, chia đôi đất nước. Mãi ít lâu sau, thì mới có loạt các tàu của Mỹ với tiện nghi thoải mái hơn.

Con tàu chạy trong chừng ba ngày, thì đến Cap Saint Jacques, tức là cảng Vũng Tàu bây giờ, để chuẩn bị vào cửa sông đi đến bến Nhà Rồng của thành phố Saigon. Sau khi tàu cập bến ít lâu, thì chúng tôi được xe chuyên chở đưa tới nơi tạm cư là trường tiểu học Tôn Thọ Tường trên đường Trần Hưng Đạo bây giờ (mà hồi đó vẫn còn mang tên Pháp là Boulevard Gallieni), gần với Chợ Bến Thành. Lúc đó bên phía đối diện với ngôi trường, thì có một tòa nhà lớn đang được xây cất, mà sau này chính là rạp chiếu phim Đại Nam. Bà con di cư chúng tôi được các công nhân ở đây thật là hào phóng cấp cho một số gỗ ván gỡ từ giàn “cốt pha” (coffrage) – để dùng làm củi đun cơm, nấu nước. Đó thật là một nghĩa cử đầu tiên của người dân Saigon, mà làm cho tôi cứ nhớ hoài.

Chúng tôi được mấy bà con đến được Saigon vài ba tuần lễ trước, nên họ tìm đến để chỉ dẫn đường đi nước bước tại cái thành phố rộng mênh mông này. Riêng tôi thì gặp lại một số bạn bè cũng từ Hanoi hay từ Nam Định mà đến đây trước ít lâu, như Võ Thế Hào, Trần Ngọc Vân, Nguyễn Phi Hùng …, các bạn cũng giúp tôi việc này chuyện nọ trong bước đầu còn nhiều bỡ ngỡ.

Sau mấy bữa, thì tôi làm xong thủ tục ghi danh ở Đại học Saigon và được nhận vào ở trong Trường Gia Long dành riêng cho các sinh viên di cư. Tại đây, sinh viên chúng tôi được cư ngụ trong khu ký túc xá, nên có đày đủ tiện nghi về nơi ăn chốn ở, nhà vệ sinh, phòng tắm giặt thật là đàng hoàng tươm tất. Ban tiếp cư còn lo cho chúng tôi mỗi ngày ba bữa ăn đầy đủ. Và mỗi tháng chúng tôi còn được cấp phát cho một số tiền nhỏ để chi tiêu lặt vặt. Có lần chúng tôi lại được tiếp đón Thủ Tướng Ngô Đình Diệm cùng phái đoàn chánh phủ đến thăm nom và ủy lạo sinh viên nữa.

Nói chung, thì sự chăm sóc của nhà nước đối với lớp người di cư đầu tiên trong mấy tháng cuối năm 1954 rõ ràng là đã được tổ chức hết sức chu đáo, gọn gàng. Đặc biệt là mấy trăm sinh viên từ Hanoi như tôi đã được hưởng một chế độ ưu đãi quá tốt đẹp, vượt xa ngoài sự mong đợi của nhiều người trong hàng ngũ chúng tôi.

Nhưng rồi đến lúc các học sinh tựu trường, thì sinh viên chúng tôi phải di rời ra cư ngụ tại khu lều vải được dựng lên trên nền đất của Khám lớn Saigon cũ sát bên Tòa Án, để trả lại trường ốc cho nữ sinh Gia Long. Vào cuối năm, trời Saigon nắng nhiều và vào ban trưa nhiều anh em chúng tôi phải tìm cách chạy đến các công sở lân cận, mà có nhiều bóng cây che rợp cho bớt nóng. Và chúng tôi đã ăn cả hai cái Tết Tây và Tết Ta đầu năm 1955, tại khu lều vải tạm trú gần Chợ Bến Thành. Thật là một kỷ niệm khó quên của cái thời bọn thanh niên trai trẻ chúng tôi nơi miền đất mới lạ Saigon này.

Cuối cùng, thì vào khoảng tháng 3 năm 1955, sau Tết Âm lịch bọn chúng tôi được dọn đến khu Đại học xá Minh Mạng ở khu Ngã Sáu Chợ Lớn mà vừa mới được xây cất xong. Sinh viên di cư chúng tôi là những người đầu tiên đến cư ngụ tại khu cư xá này với đầy đủ tiện nghi phòng ốc, giường tủ, điện nước… Và cứ như vậy cuộc sống của lớp người trẻ chúng tôi lần hồi được tổ chức ổn định để có thể tiếp tục việc học tập và hòa nhập được với nền nếp của cả thành phố thủ đô của miền Nam tự do, phồn thịnh và thanh bình.

Còn về phần riêng gia đình các anh chị em ruột thịt của tôi, thì kẻ trước người sau chúng tôi đều quy tụ được với nhau trên mảnh đất miền Nam an lành, và nâng đỡ bảo bọc nhau xây dựng lại cuộc sống mới. Và rất nhiều các cháu thuộc thế hệ thứ hai trong đại gia đình anh chị em chúng tôi đều đã thành đạt tại đây. Vì thế, khi các cháu khôn lớn, thì đều bày tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ vì đã hy sinh hết mình, để mà đem được các cháu vào miền Nam và nhờ đó mà các cháu có được những cơ hội tốt đẹp để học tập và gặt hái được nhiều thành công trên đời.

*   *   *

Năm 2012 này, nhân dịp kỷ niệm 58 năm Ngày Đặt Chân đến miền Nam Tự Do (1954 – 2012), tôi xin ghi lại một số kỷ niệm riêng tư của mình như là một chứng từ của một thanh niên vốn là một phần tử trong khối gần một triệu người di cư tỵ nạn cộng sản thời đó – mà đã phải bỏ lại tất cả tài sản nhà cửa, ruộng vườn, mồ mả cha ông trên đất Bắc để đi xây dựng cuộc sống mới tại miền đất tự do, no ấm và an hòa ở phía Nam của tổ quốc Việt nam.

Và nhân dịp này, với tư cách là một người thụ ơn, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn đối với nhân dân các quốc gia đã góp phần yểm trợ cho công cuộc di chuyển và định cư lớn lao của cả triệu đồng bào chúng tôi trong những ngày tháng đen tối đó. Và tôi cũng không quên công lao của các nhân viên Chánh phủ, của Quân đội miền Nam Việt nam, và của biết bao nhiêu cơ quan thiện nguyện khác – tất cả đã lo lắng chăm sóc thật là chu đáo tận tình cho lớp người di cư chúng tôi vào thuở đó. Dù chỉ là một cá nhân nhỏ bé, lời nói của tôi lại hết sức trung thực, như là một biểu hiện của sự cảm thông sâu sắc và quý mến chân thành đối với tất cả các vị ân nhân đáng kính của cả một thế hệ người di cư từ miền Bắc Việt nam năm 1954 vậy.

Costa Mesa California, Mùa Vu Lan Nhâm Thìn 2012

© Đoàn Thanh Liêm

© Đàn Chim Việt

 

 

 

 

 

 

2 Phản hồi cho “Câu chuyện Di cư vào miền Nam của tôi”

  1. Dao Cong Khai says:

    Tôi cũng lớn lên ở Miền Nam dưới chế độ Mỹ Thiệu, rất ghét chuyện chính trị, và hồi đó tôi cũng bất mãn với chế độ đó lắm; cũng ghét Mỹ, ghét các ông cai trị ở trong Nam…

    Thế nhưng cứ nhắc tới CS Bắc Việt là tôi không bao giờ có cảm tình nổi. Lý do là vì kinh nghiệm sống của những người Bắc di cư năm 54 ở ngoài đó kể lại cho tôi, các ông thầy tôi trong trường cũng dân Bắc 54, họ kể lại những sự lường gạt, quỷ quyệt, bóc lột của CS Bắc Việt ngoài đó. Họ tuyên truyền? Cũng có người vì thù VC nên họ cũng nói phóng đại thêm những sự gian ác của Việt Minh, nhưng phần đông qua con người của họ, tôi phải tin họ. Tôi có thể kiểm chứng lời nói của họ qua đài phát thanh Hà Nội. Hồi đó mặc dù Miền Nam họ không cho dân nghe đài Hà Nội tuyên truyền, nhưng cha tôi vẫn mở đài Hà Nội, và đài Giải Phóng của VC Miền Nam hàng ngày. Ngoài ra còn nghe đài VOA, BBC, Úc Đại Lợi, Nhật Bản, Bắc Kinh, Manila, để nghe tin tức nữa.

    Những trận đánh, tuyên truyền về cuộc sống, khí thế VC ở miền Bắc của đài Hà Nội thì chắc chắn con nít miền Nam chúng tôi không bao giờ tin được rồi. Chúng tôi sống ở miền Nam, sống cạnh chiến trường miền Nam, chính tôi đã nhìn tận mắt xác của khủng bố VC phá cầu Long Hương ở Bà Rịa bị lính Địa Phương Quân VNCH bắn chết dưới sông và đưa lên chợ Bà Rịa cho dân chúng xem… thì làm sao tôi tin nổi sự tuyên truyền của đài phát thanh Hà Nội. Tiếc thay đài Hà Nội nó chỉ nằm tuyên truyền cho dân miền Bắc, những kẻ không biết gì về cuộc sống và xã hội tự do của dân miền Nam chúng tôi, nghe thôi.

    Tuy nhiên có những điều tôi có thể tin vào đài phát thanh Hà Nội. Chẳng hạn như trong chương trình phát thanh dành cho học sinh miền Bắc; tôi còn nhớ đài Hà Nội có tuyên dương những em học sinh ở trường cấp I đó, rất siêng học mà còn mê lao động sản xuất hơn nữa, trên đường tan học về nhà, những em học sinh đó còn lượm cứt trâu khô, bỏ vào cặp để đem về tăng gia sản xuất, bón cho lúa tốt.

    Nghe sơ qua những thành quả đó của nhân dân miền Bắc là học sinh VNCH chúng tôi đủ hiểu trình độ, mức văn minh, tổ chức canh nông, kinh tế và xã hội của miền Bắc XHCN quý vị tiến bộ như thế nào. Và chuyện đó sau này cũng xẩy ra ở miền Nam sau Giải Phóng. Chính tôi, hồi ở vùng Kinh Tế Mới cũng phải tới trường học cấp I của VC xin phân người để về nhà trồng rau. Đỡ hơn miền Bắc một tí là chúng tôi xin được thứ đó chứ không phải mua như dân miền Bắc!

    Tôi cũng thú thiệt với Trịnh Văn là sau 75, vài năm sau tôi thấy dân miền Bắc bắt đầu di cư vào Nam kiếm đất sống. Họ đói khát, xuống cả vùng Kinh Tế Mới chúng tôi kiếm đất sống, họ đi lang thang vào rẫy chúng tôi mót bắp ót để ăn; và mỗi khi tôi thấy dân Bắc Kỳ vào đất tôi kiếm ăn là tôi vác dao ra rượt họ vừa rượt vừa chửi dân Bắc vào đất chúng tôi ăn cướp… Sở dĩ ghét họ là vì gặp một số VC Bắc Kỳ sạo quá cỡ, nói rằng miền Bắc no ấm và giầu có lắm. Sau này tôi cảm thấy thương những người đó, chỉ vì tôi thù hận bọn CS Băc Việt cướp nước chúng tôi nên mới ghét lây những người dân miền Bắc, nói đúng ra họ cũng là nạn nhân của bọn CS Bắc Việt và họ là nạn nhân trước dân miền Nam chúng tôi nữa.

    Còn nói về xã hội, kinh tế, cuộc sống, tâm tình con người, và nhất là giáo dục và học đường của VNCH thì miền Bắc XHCN của quý vị không có gì đáng so sánh với cái mà chúng tôi được hưởng ngày xưa đâu. Đối với cá nhân của người Bắc Việt thì tuỳ theo con người của họ tôi có thể tôn trọng từng cá nhân. Nhưng nói tới cái tập đoàn xã hội, và nhất là hệ thống cai trị của họ thì dân tị nạn chúng tôi cần phải khinh bỉ, không thèm phê phán nữa.

    Nhưng nói chung chung thì dân miền Bắc có ý chí hơn dân miền Nam; chính nhờ ý chí đó mà họ chiến thắng Mỹ Nguỵ (chưa bàn tới chiến thắng đó là tốt hay xấu). Đồng thời VNCH tồn tại được tới năm 75 cũng là nhờ sự hiện diện của khoảng 1 triệu dân miền Bắc di cư năm 54. Không có đám dân đó thì TT Diệm cũng không tồn tại nổi với bọn Bình Xuyên, nếu qua khỏi cơn biến loạn đó được thì VNCH cũng không thể tồn tại nổi tới năm 75 như lịch sử đã trải qua (đám tướng lãnh miền Nam như Dương Văn Minh đã bán nước cho CS sau năm 63 rồi; trong vụ biểu tình chống Dương Văn Minh năm 1964 đó có 8 người công giáo Bắc 54 thuộc giáo xứ Tân Sa Châu bị bắn chết trước cổng bộ Tổng Tham Mưu quân đội VNCH). Dân Nam Kỳ chúng tôi chống cộng yếu xìu, nhiều người lại còn nuôi chứa CS nữa; bây giờ họ mới mở mắt ra nhìn rõ bọn Cộng Phỉ thì too late, đã muộn rồi… em ơi!

    Bàn thêm về chính trị với anh Trịnh Văn, đúng ra CS Bắc Việt chịu bỏ cuộc sau thất bại Tết Mậu Thân rồi. Thế nhưng ngay lúc đó, 1968, thì Mỹ lại mời họ vào bàn hoà đàm ở Paris. Đang thua, muốn giơ tay hàng thì, địch thủ lại mời mình vào bàn hoà đàm, ai lại không muốn, không hy vọng. Thế là chính Mỹ nó bơm thêm ý chí cho CS Bắc Việt, để cuối cũng Mỹ nó lãnh cái vị trí kẻ thất bại. Cho nên trận B52 của Mỹ ở Hà Nội, mặc dù VC nó tởn tới óc, nhưng nó biết Mỹ chỉ đánh hù một trận rồi thôi, chứ không dám làm thiệt; vì VC đã thắng Mỹ về chính trị ở ngay Washington rồi.

    Hôm nay chúng tôi ở Mỹ, và hiểu được những điều đó; hồi chiến tranh chúng tôi thấy những sự vô lý, bất thường trong cuộc chiến; nhiều câu hỏi lớn chúng tôi chỉ nghe giải thích bằng những tin đồn, tới nay mới biết những tin đó là sự thực, và đó cũng là lý do học sinh miền Nam chúng tôi phần nhiều là ghét Mỹ. (Tai hại thêm là nhiều đứa vì ghét Mỹ nên chúng trở nên thân cộng, chui vào bưng theo CS). Thành phần trí thức miền Nam thì ghét Mỹ, thành phần nông dân miền Nam thì không hiểu gì về Mỹ, toàn bị VC tuyên truyền nhồi sọ. Nói sơ như thế có lẽ anh Trịnh Văn hiểu rõ hơn về dân miền Nam rồi chứ.

  2. Trinh Van says:

    Là một hậu sinh so với tác giả, lại là đứa bé được sinh ra ở miền Bắc xhcn, tôi tiếp thu một nền giáo cụ giáo điều, xuyên tạc, nhồi sọ, ngu dân của “Đảng ta” nên có thể nói là trong suốt nhiều chục năm đầu đời, tôi hiểu sai hoàn toàn về lịch sử VN và lịch sử thế giới cận đại. Chỉ từ ngày có mạng internet, được đọc thỏa sức những bài viết của các chí sỹ mọi lứa tuổi, tôi mới thấy mình như được tẩy não, được lôi ra khỏi vùng tăm tối. Sự thật là cho đến cuối những năm 80 của thế kỷ 20, đa số dân chúng ở miền Bắc không thể có nổi một cái radio nhỏ xíu để nghe tin tức, mà nếu ai đó có đi nữa thì cũng không được nghe “đài địch” như voa, bbc, rfa…Có điều, tôi vẫn không hiểu nổi là tại sao có gần 1 triệu đồng bào miền Bắc di cư vào Nam để trốn chạy hiểm họa cộng sản, nhưng ở ngay tại miền Nam lại có nhiều người đi theo cộng sản hay những lực lượng do cộng sản miền Bắc dựng lên như Mặt trận DTGP miền Nam hay Chính phủ CMLT miền Nam. Chả lẽ chính sách tuyên truyền xảo trá của cộng sản cũng có tác dụng đối với bà con trong đó? Nếu như ở miền Bắc trong những năm chiến tranh có nhiều thanh niên tự nguyện gia nhập quân đội để “giải phóng miền Nam” do cuồng tín, do bị lừa dối, lợi dụng, thì động cơ chiến đấu của nhiều thanh niên miền Nam chống lại chính quyền VNCH là gì? Nhiều cán binh của chính quyền VNCH thấy chua chát vì thua trận nhưng chúng tôi-những người miền Bắc cũng chả lấy gì làm vui mừng, vẻ vang cả. Có thể nói là hàng triệu thanh niên miền Bắc thời chiến tranh vừa là tội nhân vừa là nạn nhân của cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Xin cảm ơn tác giả về bài viết kể lại câu chuyện có thật của bản thân. Những gì tác giả nhận thức được ngay từ năm 1954 thì phải gần nửa thế kỷ sau chúng tôi mới hiểu.

Phản hồi