Trở lại bài đăng trên báo Tiền Phong và câu chuyện Phan Lạc Hoa
Ngày 19.9.2012, nhân 30 năm nhạc sĩ Phan Lạc Hoa qua đời, bác sĩ có biệt danh Sao Hồng cho đăng trên FB của anh một bài hồi ức dài về người nhạc sĩ tài hoa mà anh đã có may mắn được thực tập điều trị tại khoa Tâm thần bệnh viện Bạch Mai. Bài viết tuy có một số chi tiết chưa chính xác (theo tôi biết), nhưng với sự tiếp xúc trực tiếp với “nhân vật” của mình, Sao Hồng đã cung cấp thêm nhiều chi tiết đáng quý về Phan Lạc Hoa những ngày cuối đời. Đọc bài viết đó, tôi hết sức xúc động, và đề nghị tác giả gửi trực tiếp cho tôi để đăng trên nguyentrongtao.info và nhathonguyentrongtao.wordpress.com, vì vợ chồng Phan Lạc Hoa là bạn thân thiết của tôi, và tôi muốn đăng lại (có chú thích nói lại một vài chi tiết không chính xác) để lưu giữ thêm những tư liệu chưa biết về bạn qua người bác sĩ.
Bài viết của Sao Hồng làm chấn động bạn đọc, với sự truy cập lớn. Nhà báo Xuân Ba (báo Tiền Phong) gọi điện cho tôi nói rất thích bài viết đó, và đề nghị cho báo Tiền Phong đăng lại. Tôi bảo Xuân Ba là hãy liên lạc với tác giả. Sau đó, nhà báo Phùng Nguyên của Tiền Phong đã liên lạc với Sao Hồng và một số người liên quan khác. Tuy nhiên khi đăng ở Tiền Phong thì Phùng Nguyên đã sắp đặt lại, thêm thắt đôi phần, biến thành bài phóng sự và ký tên mình, khiến Sao Hồng bị… bất ngờ.
Trong comment gửi tới NTT để trả lời một bạn đọc báo tin bài đã bị “xáo”, anh viết: “@Tuấn Nguyễn. Phùng Nguyên (PN) bảo, có hỏi bác Nguyễn Trọng Tạo hiện Sao Hồng ở đâu. Qua FB, PN có nhắn tin xin số mobile của mình và gọi hỏi về một số thông tin cá nhân và bối cảnh ra đời bài viết. Mình có hỏi để làm gì? Nếu cần thì xin phép rồi đăng lại thôi. PN cho biết là TBT Tiền Phong giao nhiệm vụ tiếp xúc mình để viết bài về cố nhạc sỹ Phan Lạc Hoa. Mình có nói là đã qua ngày giỗ rồi, đăng làm chi. Hôm qua, bạn bè nhắn tin báo mới biết PN đăng trên báo TP (mình không đọc báo TP). Vào đọc lại thấy bài đã xáo xào lại và đưa tin không chính xác. Nhất là in lại bản chép tay bài thơ (Nhụy lửa hoa đèn) mà bảo là “Bút tích của Phan Lạc Hoa”. Qua đó, mình thấy PN làm việc thiếu nghiêm túc. Mình cũng hơi bị dễ dãi khi tin người của Tiền Phong… Cố Nhạc sỹ Phan Lạc Hoa đã ra đi 30 năm rồi, nhưng người thân vẫn còn đó. Viết gì cũng cần thận trọng chứ không thể cẩu thả và lập lờ như thế được! Mình thấy những bài viết xáo xào như PN rất phổ biến trong giới truyền thông nước nhà hiện nay! Buồn!”.
Tôi có điện cho Xuân Ba, anh bảo sẽ nói với báo thu xếp việc này.
Trở lại câu chuyện gia đình nhạc sĩ Phan Lạc Hoa, một gia đình thân thiết của tôi và những người bạn khác, thỉnh thoảng gặp nhau, chúng tôi vẫn nhắc về “Đậu Phộng” (tên gọi thân mật từ chữ “Lạc” mà ra). Trong câu chuyện đau đớn đã qua, chúng tôi thương cả Phan Lạc Hoa, Thanh Hoa và những đứa con của hai người. Bởi từ ngày đầu tôi quen với họ (sau khi Thanh Hoa hát bài Làng Quan Họ quê tôi phát trên đài TNVN), thấy rất vui và hợp nhau. Những cuộc gặp nhau dù chén trà hay chén rượu thì chuyện trò cứ nổ như pháo bởi cái tính tiếu lâm ham vui của cặp vờ chồng này. Cũng nhờ việc đi mua trà móc câu Thái Nguyên để tiếp tôi mà Phan Lạc Hoa có bài thơ Đêm sông Cầu của Đỗ Trung Lai trên mảnh báo gói trà, để viết nên bài hát “Tình yêu bên dòng sông Quan họ”. Tên bài hát “Tình yêu bên dòng sông Quan họ” theo Phan Lạc Hoa cho biết là đã ghép tên 2 bài hát của tôi mà Thanh Hoa thường hát: Làng Quan Họ quê tôi và Tình ca bên một dòng sông. Bạn bè thuở ấy của Phan Lạc Hoa có “Hồng guốc”, Sĩ Bách, Phan Long, Ngọc Tân, Cao Việt Bách, Đỗ Mẫn… sau là tôi, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Hoa, Đặng Ái, Phan Hồng Khánh (tp Vinh)… Trong đám cưới Trung Trung Đỉnh, tôi đã rủ được cả hai vợ chồng đến dự và hát suốt cả buổi tại Vân Hồ 3, nơi ở của các nhà văn quân đội. Hồi đó, tôi có viết bài thơ tặng vợ chồng Hoa và các bạn:
CÕI NHỚ
Tặng Phan Lạc Hoa, Nguyễn Hoa, Nguyễn Thụy Kha
bạn bè ơi, nếu mà không các bạn
ta như chai rượu đã cạn rồi
cốc chén buồn tênh úp trên đĩa
ta như bình gốm chẳng hoa tươi
câu thơ bạn viết cho ta yêu
bài ca cho ta có sông Cầu
giọng hát xôn xao niềm câm lặng
gặp gỡ cho ta thêm nhớ nhau
bạn bè ơi, nếu mà không các bạn
những lúc lang thang ta về đâu
không nơi để Nhớ – nghèo biết mấy
ta như sao lạc giữa ban ngày
trái tim bạn giữ cho ta đây
niềm vui bạn giữ cho ta đây
nước mắt bạn giữ cho ta đây
giữ cho ta Cỏ với trời mây
bạn bè ơi, hãy thương nhiều thương mãi
thương niềm vui thương niềm đau
thêm lần nâng chén, nào các bạn
mai rồi bạc tóc đi tìm nhau!
Hà Nội, 1981
Sau đó quân đội điều tôi vào Quân khu Bốn sau sự cố bài thơ “Tản mạn thời tôi sống”, lần nào trở lại Hà Nội cũng ghé thăm gia đình Phan Lạc Hoa. Có hôm tôi cùng mấy người bạn bộ đội ngủ lại nhà Hoa, nhưng phải trải chiếu ngoài sân vì nhà chật và mất điện rất nóng. Một lần, hai vợ chồng Hoa tâm sự với tôi, một cuộc tâm sự thật lạ. Cả hai định ly hôn! Tôi hỏi lý do thì cả hai đều nói là “gần nhau mãi thấy nhàm và hay cãi nhau, thôi thì cứ thử ở xa nhau một thời gian xem sao”. Tôi bảo nhảm. Cả hai giải thích là sẽ đưa con ghé thăm nhau hàng ngày (thời đó chưa có điện thoại gia đình). Tôi cho đó là chuyện đủa, nên chỉ động viên cho qua chuyện. Không ngờ, một tháng sau, nhà văn Đặng Ái nói với tôi: “Chúng nó ly dị rồi. Thằng Hoa bị suy nhược thần kinh, phải vào bệnh viện Bạch Mai điều trị”.
Lúc đó tôi đang công tác tại Nhà Văn Hóa Quân Khu 4. Một ngày tháng 9.1982, trời mưa to, gió bắt đầu nổi lên… tôi bỗng thấy nhớ Phan Lạc Hoa quá. Tôi xin mấy tờ giấy vẽ của cậu họa sĩ phòng bên về phòng mình ngồi vẽ bạn bè qua trí nhớ, với các chân dung “Đậu Phộng” tức Phan Lạc Hoa, Nguyễn Hoa, Nguyễn Thụy Kha và Thanh Hoa bằng chì than. Đấy là chiều chủ nhật 19.9. Đến đêm, tôi không sao ngủ được.
Gần nửa đêm dậy thắp đèn dầu đọc sách (điện máy nổ đã tắt từ lâu), lòng không yên. Không hết nhớ thằng “Đậu Phộng”, tôi định viết thư cho nó, nhưng rồi lại mở sổ tay ra làm thơ. Bài thơ viết xong, đã gần sáng, tôi vẫn không ngủ được. Đêm bão lớn, bão số 7. Bài thơ ấy chưa đặt tên, vẫn còn trong sổ tay của tôi với dòng chữ ghi bên cạnh: “đêm chủ nhật rạng thứ 2 [19-20] – 9 – 82”:
không ngủ vì nhớ bạn
hết đêm rồi lại đêm
dậy đốt đèn đọc sách
bên đèn càng không yên.
lục thư bạn ra xem
thấy chữ càng thêm nhớ
ôi những năm tháng cũ
đông vui và hồn nhiên.
bây giờ tao một mình
đến ngủ cũng không thể
giá đừng có chúng mày
đời tao đâu phải thế.
cái điều vừa chợt nghĩ
làm tao sợ kinh người
nếu bạn bè không có
tao biết còn nhớ ai?
cứ đến giết tao đi
đêm nay rồi đêm nữa
cho tao biết mình còn
tình bạn bè để nhớ!
Rú Dồi, 20/9/82
Không ngờ bài thơ ấy đã được viết ra cùng thời điểm Phan Lạc Hoa tự tử mà 3 ngày sau tôi mới biết.
Sáng hôm đó (20.9.1982), có xe của đoàn văn công Quân khu đi Hà Nội, tôi theo xe cùng đi, nhưng ra đến đường tỉnh lộ 49 thì cây xà cừ hai bên đường đổ ngổn ngang chưa được dọn dẹp nên xe phải quay lại. Như có một linh cảm gì đó thôi thúc, hôm sau, tôi lại quyết đi Hà Nội cùng xe của đoàn văn công. Xe ra đến Thanh Hóa, tôi ghé thăm gia đình Đặng Ái, không ngờ anh mới từ Hà Nội về thăm nhà 3 ngày nay. Tôi hỏi thăm về bệnh tình Phan Lạc Hoa thì Đặng Ái bảo vừa gặp Hoa hôm thứ bảy, sức khỏe có khá lên. Thế là tôi bảo xe đi, còn tôi ở lại chơi cùng Đặng Ái. Chiều, hai đứa đang trên đường đi thăm bạn bè thì gặp một cô đi học hát về. Cô bé này quen Đặng Ái nên dừng lại chào hai chú và hỏi: “Chú Phan Lạc Hoa thắt cổ chết rồi phải không ạ?”. Đặng Ái ngạc nhiên, trợn mắt quát: “Tầm bậy. Nó vừa tặng tao bài hát của nó đây này”. Rồi Đặng Ái rút từ túi vải ra cuốn tạp chí Thanh Niên in bài hát “Tình yêu bên dòng sông Quan họ” ở bìa 4, có chữ ký của Hoa, tặng cho cô bé. Cô bé sợ mất hồn, cám ơn rồi đạp xe thẳng về nhà…
Tôi cứ áy náy về câu hỏi của cô bé, bảo Đặng Ái đến nhà cô ấy hỏi lại xem sao. Chúng tôi đến nhà thì cô bé đã vắng nhà. Tôi và Đặng Ái đến đài phát thanh Thanh Hóa. Thì ra ở đây người ta đã biết tin chính xác là Phan Lạc Hoa tự tử vào đêm 19 tháng 9.
Ăn cơm chiều xong, tôi và Đặng Ái ra phía bắc thị xã (thời đó tp Thanh Hóa là thị xã) vẫy xe ra Hà Nội. Xe cộ không dễ như bây giờ. Mãi đến 9 giờ tối chúng tôi mới vẫy được chiếc xe con Rumani “vừa đi vừa đẩy”, lại đúng là của phòng kỹ thuật đài TNVN. Nhiều chuyện về Phan Lạc Hoa chúng tôi được nghe mấy anh kỹ thuật trên xe kể, nghe thật ly kỳ. Đó là chuyện họ ly hôn mà không ai biết đã ly hôn, chuyện đám tang bạn bè uống rượu say khóc lóc thảm thiết, v.v… Mãi 4 giờ sáng, xe mới đưa chúng tôi đến khu tập thể đài TNVN ở Đại La. Tôi và Đặng Ái thấy ánh đèn sáng phía cửa sau gian nhà vợ chồng Hoa, và đi vào theo hướng đó. Căn phòng tập thể cấp 4 sặc mùi nhang. Đi qua nửa phòng trong thấy hai bé Thư, Lữ đang ngủ ngon trong màn. Ra phía nửa phòng ngoài thấy Thanh Hoa và ca sĩ Kim Oanh đang thức, ngồi canh trước bàn thờ. Hai người giật mình khi thấy chúng tôi lặng lẽ đi vào từ phía cửa sau bỏ ngỏ…
Nhà văn Đặng Ái vốn yếu đuối, nhìn lên bàn thờ bạn, rồi lên chiếc giường cá nhân đặt bên cạnh, nơi Phan Lạc Hoa vẫn thường nằm. Anh nằm ôm đầu không nói năng gì. Hình như cơn xúc động khiến anh không nói nên lời, làm cho Thanh Hoa vừa mừng vừa sợ.
Tôi lấy một bó hương thắp lên khấn vái rồi cắm vào bát hương trên bàn thờ. Thanh Hoa nói: “Anh ấy linh thiêng lắm, mấy lần bát hương bốc cháy rồi anh ạ”. Đặng Ái vẫn nằm. Tôi ngồi lên giường nhìn Thanh Hoa và chị Kim Oanh rồi hỏi: “Hoa nó chết thế nào?”. Thanh Hoa xúc động kể lại toàn bộ câu chuyện từ buổi chiều chủ nhật cho đến việc cúng 3 ngày cho chồng. Thanh Hoa kể rất tỉ mỉ từng chi tiết, với giọng kể thành thực và xúc động. Trong lúc Thanh Hoa đang kể chuyện thì bát hương trên bàn thờ bốc cháy. Thanh Hoa thốt lên: “Đấy, anh ấy biết anh Tạo và anh Ái đến”. Tôi giật mình nghĩ bạn về thật… Bát hương cháy hết, hương lại được thắp lên và cắm vào đấy. Thanh Hoa lại kể tiếp. Câu chuyện của Thanh Hoa làm hiện lên vô cùng rõ nét cái ngày cuối cùng của Phan Lạc Hoa, khiến tôi mãi mãi không quên. Có lúc tôi nghĩ sẽ viết thành một cái truyện, nhưng thấy đau quá, lại không nỡ viết. (Ngay cả lúc này tôi cũng không muốn kể lại ở đây). Tôi chỉ nhắc lại một chi tiết khá lãng mạn của Phan Lạc Hoa: sau khi anh chết, người ta tìm thấy trong túi áo ngực của anh một mảnh giấy có ghi dòng chữ: “Vĩnh biệt các con! Vĩnh biệt gia đình! Vĩnh biệt bạn bè! Ôi Thanh Hoa! Ôi tình yêu!”. Nghe cứ như khẩu khí của Napoleon của nước Pháp vậy. Khi Thanh Hoa kể xong câu chuyện, Đặng Ái dậy thắp hương khấn vái, và tôi thấy mắt anh đẫm lệ.
Trời sáng, hai bé Thư, Lữ vẫn còn ngủ. Chắc các cháu cũng mệt sau những ngày đầu trống vắng người bố thân yêu mà chúng không thể hình dung lại có ngày như thế. Thư mới 10 tuổi và Lữ mới 7 tuổi. Tôi và Đặng Ái vén màn hôn nhẹ các cháu để an ủi, rồi chia tay Thanh Hoa và chị Kim Oanh. Tôi không quên dặn Thanh Hoa: “Em cần bình tĩnh để vượt qua nỗi đau, và chăm sóc các con. Bọn anh không nghĩ về em như một vài người khác nghĩ đâu”.
Hai ngày sau, tôi ghé đài TNVN, gặp nhạc sĩ Vũ Thanh – Trưởng phòng âm nhạc – đề nghị anh phát lại một số bài hát của Phan Lạc Hoa và báo tin nhạc sĩ đã qua đời cho thính giả của đài biết, nhưng anh Vũ Thanh bảo không thể được, vì cái chết của Phan Lạc Hoa là cái chết “tiêu cực”. Đài đã không phát chương trình và không đưa tin về Hoa mà còn ngừng phát khá lâu những bài hát của anh. (Anh Vũ Thanh trước đó cũng không duyệt thu thanh bài hát “Tình yêu bên dòng sông Quan họ” mà Phan Lạc Hoa đã gửi tới đài. Anh nói, bài ấy ủy mị quá !!!).
Mấy ngày sau, tôi viết bài thơ viếng Phan Lạc Hoa:
CHƯA KẾT THÚC
Viếng PLH thân yêu
Muộn rồi ư? cả người đến đầu tiên
nghe mày thở hơi cuối cùng vĩnh biệt
không một ai cưỡng nổi cái chết
cái vô hình mạnh mẽ dường bao
Muộn rồi ư? Bao bè bạn của mày
rắn như đá vỡ tan như đá
đứa đốt hương như điên, đứa kêu gào đập phá
rượu không làm vơi bớt buồn đau.
Muộn rồi ư? Mưa gió trăng sao
sáng vô nghĩa và mát lành vô nghĩa
hát hay khóc phút giây này đều thế
lấy gì thay cái đã mất đi rồi?
Muộn rồi ư? Tao đến muộn rồi ư
con mày đó. Người mày yêu còn đó
bao câu hỏi vẫn như bài toán đố
sống cùng nhau liệu có thể trả lời?
Muộn rồi ư? Bài hát cuộc đời
bài hát không kết thúc
ai sẽ hát và ai không thể hát
người đến đầu tiên và người đến cuối cùng?
Muộn rồi ư? Vô định tiếng chuông rung…
Hà Nội, 27/9/82
49 ngày Phan Lạc Hoa, tôi trở lại Hà Nôi, và cùng các bạn đi xe máy về quê Thạch Thất viếng mộ Phan Lạc Hoa. Hôm ấy trời mưa to. Chúng tôi đội áo mưa mà vẫn bị ướt. Đường trơn, xe trượt ngã, chuyện thường. Đang trẻ mà. Mộ Phan Lạc Hoa nằm trong một nghĩa địa ngập nước. Chúng tôi xắn đất đắp cao lên. Có một tảng đá, hình như nhà văn Ngô Thảo đã đặt vào đó từ trước. Hai chai rượu mang đi thì một chai tưới lên mộ Hoa vừa được đắp cao lên trên mặt nước, một chai thì mấy anh em cùng “tu” để tưởng nhớ “Đậu Phộng” tài hoa đoản mệnh.
Giờ thì các con của vợ chồng Phan Lạc Hoa đã lớn, đã trưởng thành, đã có gia đình riêng. Thanh Hoa cũng có gia đình mới, con cháu, dâu rể sum họp đông vui, hạnh phúc. Cho dù họ ít nhắc chuyện xưa, nhưng họ vẫn âm thầm nhớ về con người tài hoa, chân thành rất mực yêu thương ấy. Họ tha thứ cho anh tất cả những gì không phải, và họ tự hào về anh.
Hà Nội, 17.10.2012
Tôi chưa bao giờ gặp Phan Lạc Hoa và Thanh Hoa . Chỉ biết họ qua những ca khúc tuyệt vời như : Tàu anh qua núi , Tình yêu bên dòng sông quan họ . Dù Phan Lạc Hoa chết như thế nào thì cũng thật đáng tiếc cho một tài hoa . Cần nhớ rằng nhạc sĩ tài hoa này có thời gian dài phải sống ” không tem phiếu ” bên lề xã hội .