WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Nghĩa hay lợi?

Cần chấm dứt đức trị và thay thế bằng nền pháp trị. Ảnh mang tính minh họa

“Phàm người ta làm mọi việc ở đời cũng chỉ vì nghĩa hay vì lợi… Người quân tử chỉ nghĩ đến điều nghĩa mà dốc lòng vào việc thiện. Dù việc thiện nhỏ thế nào cũng không bỏ qua. Kẻ tiểu nhân thì chỉ nghĩ đến điều lợi, hễ thấy lợi thì dù ác thế nào cũng thực hiện”.

Đó là một câu ghi trên đài tưởng niệm liệt sĩ chống pháp Phước Ninh, Đà Nẵng. Đọc câu nói mang nặng màu sắc Nho giáo này trong một bài viết, tôi đã suy nghĩ rất mông lung về những giá trị cổ xưa mà ông cha ta đã suy tôn trong hành trình “tự Hán hóa” của mình. Đối với nhiều người, có lẽ câu nói rất ấn tượng, mang tầm vóc một phương châm sống đầy giá trị và đậm chất luân lý. Nhưng theo tôi, không thể nhận thức đơn sơ về “nghĩa” hay “lợi” như thế.

1/Quân tử và nền đức trị

“Quân tử” trong cách hiểu cơ bản nhất của người Trung Hoa xưa, là người cai trị. Do đó, từ này nguyên khởi được dùng để chỉ những người thuộc tầng lớp thượng lưu của xã hội quân chủ Trung Hoa và một số quốc gia du nhập Hán học khác. Với quan điểm đức trị mà Khổng giáo ra sức truyền bá hay thậm chí là áp đặt, những người cai trị là những kẻ tài đức vẹn toàn, là những ông vua anh minh mang tầm vóc thánh nhân, là những ông quan phụ mẫu chi dân. Theo cách dùng ấy, chúng ta hiểu rằng, quân tử là những người tài đức xuất chúng và có khả năng thống soái thiên hạ. Sau này, “quân tử” còn được dùng để chỉ những người có trí tuệ, đức độ, chính trực và hay làm việc nghĩa.

Quả tình, tôi không thích Nho giáo, không thích cả những khái niệm của nó. Các giá trị Khổng Nho xa lạ và không gây ấn tượng tốt với tôi. Bởi trong nền văn hóa ấy, người ta luôn miệng nói về đạo đức nhưng không có bất cứ một định chế khả dĩ nào để bảo vệ những giá trị luân lý ấy. Cũng chính trong nền văn hóa ấy, nơi mà kẻ cai trị được mặc định là những người vừa có tài thao lược, vừa có đức hạnh, chúng ta chỉ thấy đầy dẫy những kẻ bất chấp thủ đoạn để thoán đoạt thiên hạ hoặc ích kỷ hại nhân. Nào là Lưu Bang giết Hàn Tín sau khi đã thâu tóm thiên hạ về một mối, Lý Thế Dân giết anh em để lên ngôi hoàng đế…

Thật vậy,đạo đức xã hội không bao giờ được giữ gìn bằng cách hô hào, mà chỉ bằng thể chế chính trị, bằng luật pháp và phần còn lại được giao phó cho những định chế xã hội khác như: tôn giáo, giáo dục…Ngày hôm nay chúng ta biết rằng, động cơ hành động của con người là tự lợi. Bởi nhận chân ra điều ấy, nhân loại mới tạo lập thể chế dân chủ pháp trị. Kẻ lãnh đạo không thể trở nên tài đức chỉ vì mang cái danh quân tử. Ngược lại, ngay từ đầu họ phải được giả định là kẻ xấu, có khả năng lạm quyền, tư lợi, và phải được kìm chế bởi một cơ chế chính trị nghiêm khắc. Ở đó, họ bị đặt vào tình huống: nếu họ vi phạm những cam kết với người dân, hậu quả mà họ lãnh nhận sẽ lớn hơn nhiều so với mối lợi mà họ có được khi vi phạm. Nhân loại ngày hôm nay không tin tưởng vào những phẩm giá tốt đẹp được gán (một cách hão huyền) cho kẻ cầm quyền theo kiểu đức trị. Với thể chế chính trị tự do, người dân dõng dạc tuyên bố với kẻ cai trị rằng: “Các ông cứ tỏ ra tốt đẹp bề ngoài, còn chúng tôi không biết thâm tâm các ông mưu tính chuyện gì. Nhưng nếu các ông làm bậy, các ông sẽ nhận hậu quả nhãn tiền”.

2/Nghĩa hay lợi

Trở lại với câu nói đã được đề cập ở đầu bài viết, nó hoàn toàn đặt trên bình diện đức trị của Nho giáo, phản thực tế và phản khoa học. Theo đó, người ta chia con người thành hai loại: một, hành động vì nghĩa; hai, hành động vì lợi. Phân loại con người thô thiển như thế sẽ dẫn tới những ngộ nhận tai hại. Trong mỗi một con người, có cả bản năng vị kỷ và bản năng cộng đồng. Động cơ, hoài bão và hành động của con người là tổng thể những mối tương tác của các bản năng này chứ không thể phân biệt nhị nguyên như trên.

Như đã nói ở trên, trong thực tế, nhân loại có xu hướng hành động vì lợi ích. Bản thân việc hành động vì lợi không phải là việc xấu xa về luân lý. Việc xem lợi ích là một giá trị tiêu cực về đạo đức là đi ngược lại quy luật tự nhiên, và thậm chí là cản trở sự tiến bộ. Đối với nền văn hóa Khổng Nho, chỉ có những kẻ thấp kém về tư cách và tài năng mới hành động vì lợi, còn thánh nhân thì hành động vì nghĩa. Nhưng mặc cho những giáo điều mà họ rêu rao, con người là con người. Mặc cho những truyền giảng đạo đức to lớn của họ, những kẻ đứng đầu thiên hạ, những quân vương được lưu danh sử sách, luôn là những người hành động vì lợi. Ai nói những quân vương độc tài như Tào Tháo, Lưu Bị, Chu Nguyên Chương…hành động vì nghĩa? Thật trớ trêu, trong một nền văn hóa luôn xiển dương đạo đức, chính ở đó, đạo đức bị chà đạp thô bạo nhất, và hơn nữa bị lợi dụng để mang lại lợi ích cho kẻ cầm quyền độc tài.

Người ta quên mất rằng, điều quan trọng là cần phải xác định: “nghĩa” là nghĩa như thế nào, nghĩa đối với ai; còn “lợi” là lợi gì, lợi ích cho ai; chứ không phải chỉ nói “nghĩa” và “lợi” chung chung. Và việc đồng hóa “nghĩa” với “thiện”, “lợi” với “ác” như câu nói trên thật không thỏa đáng. Rất nhiều khi, cái “nghĩa” dành cho thiếu số sẽ là họa cho đa số còn lại (ví như: việc vì ơn mưa móc chúng ta từng có được từ Đảng cộng sản làm cho chúng ta không thể lên tiếng chí trích Đảng hoặc chỉ trích không tới nơi chỉ có thể là “nghĩa” với Đảng thiểu số chứ chẳng thể là nghĩa đối với đa số còn lại); và cũng như thế, “lợi”(dù là tư lợi) cũng không bao giờ là đồng nghĩa với “ác” nếu cái lợi ấy đạt được bằng những phương tiện hợp pháp, hợp luân lý.
Ấy vậy mà, chữ “nghĩa” lòe loẹt ấy trong suốt thời quân chủ ở Trung Hoa và Việt Nam đã là cái gông đeo cổ cho toàn xã hội, đã là giá trị “sáng lòe” để nô lệ hóa cá nhân, để phục vụ cho những cá nhân cai trị mang danh tập thể. Đến thời kỳ Cộng Sản, chữ “nghĩa” lại bị lợi dụng để kéo hàng triệu thanh niên ngây thơ vào “cuộc chiến chống đế quốc” mà thực ra là cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Thế mới biết “nghĩa” không đứng trơ trọi một mình để bắt người ta phải hành động, phải hy sinh; cái “nghĩa” đó phải đi cùng với lợi ích to lớn và lâu dài của cộng đồng thì mới có giá trị, xứng đáng là “nghĩa” thật. “Nghĩa” mà không mang lại lợi ích thiết thực cho cá nhân hay cộng đồng thì việc chạy theo nó là điều vô ích. Cái “nghĩa” mà không đi kèm với sự suy xét chín chắn có khi lại gây họa cho bản thân và nghiêm trọng hơn là cho cộng đồng.
Xét đến chữ “lợi”, mỗi cá nhân là phần tử của xã hội, lợi ích dành cho mỗi cá nhân là góp phần vào lợi ích chung của xã hội. Bởi vậy, sự mưu cầu lợi ích cá nhân, mà không xâm hại đến lợi ích của các cá nhân khác và của xã hội là điều tốt đẹp và cần được phát triển. Còn đối với những trường hợp mang lại lợi ích cho xã hội, thì “lợi” này mới chính là “nghĩa” thật. Cái “lợi” ấy, bây giờ không chỉ mang ý nghĩa luân lý tích cực, mà còn là sự thể hiện của trí tuệ.

3/Sự cáo chung cần thiết của nền đức trị

Việc cổ xúy đức trị thừa kế từ nền văn hóa Khổng Nho đã mở đường cho sự thâm nhập dễ dàng của nền “đức trị Cộng sản”. Văn hóa “đức trị” ấy đã “trao tặng” cho Việt Nam một Hồ Chí Minh thủ đoạn hơn người nhưng được tôn vinh thành “vị cha già dân tộc đại trí đại tâm”. Nền đức trị không bao giờ ngăn nổi người ta trở thành những kẻ độc tài tàn bạo; mà ngược lại còn “thánh hóa” kẻ độc tài ấy, và đưa đến khả năng chính danh hóa sự cai trị chuyên chế qua nạn sùng bái cá nhân bệnh hoạn.

Trong cuộc đấu tranh hôm nay, chúng ta đấu tranh vì “nghĩa” sao? Điều đó không sai, nhưng chưa đủ, chúng ta đấu tranh vì “lợi” nữa chứ. Nền dân chủ tự do sẽ mang lại cho toàn thể quốc gia này cũng như mỗi một cá nhân trong xã hội những lợi ích to lớn. Chúng ta đấu tranh cho dân chủ không phải vì nó tốt chung chung theo kiểu mị dân, mà vì nó mang lại lợi ích thực tế đã được kiểm chứng trên thế giới cho cá nhân và xã hội, mang lại sự thăng tiến tất cả các mặt của đời sống chính trị xã hội. Chính cái lợi ích to lớn ấy đã mang lại cho cuộc đấu tranh cái danh diện chính nghĩa chứ không phải là những giáo điều xơ cứng, màu mè. Nói cách khác, cái danh “chính nghĩa” là “bộ áo” bên ngoài ,còn lợi ích thật bên trong (hướng về thiểu số hay đa số) mới quyết định bản chất của “nghĩa”. Cộng sản đã khoác bộ áo “chính nghĩa” để tàn phá đất nước này đó thôi. Bởi thế khi đánh giá sự việc, ta không đánh giá qua “bộ áo chính nghĩa” ấy mà xét tận gốc rễ cái lợi ích mà nó mang lại sẽ thuộc về ai. Chúng ta mang lại lợi ích cho ai, điều đó sẽ cho thấy chúng ta là bậc đai phu hay kẻ tiểu nhân, chứ không phải chỉ nhìn nhận phân biệt đơn sơ giữa “nghĩa” và “lợi”.

Ngày hôm nay, chúng ta không hướng đến một xã hội có những cá nhân tỏa hào quang của thánh nhân mà là một xã hội với những định chế vững vàng và có khả năng kiềm tỏa quyền lực chính trị, bảo vệ tự do cá nhân. Sự hô hào đạo đức, nhân văn chẳng thể mang lại nhân văn, đạo đức thật; chỉ khi nào người ta bị buộc phải hành động như thế nếu không họ sẽ bị loại bỏ, trừng phạt thì lúc đó xã hội mới tiến bộ được. Vì vậy, xin hãy để tâm thức Khổng Nho cùng những giá trị mà nó xiển dương lùi vào quá khứ, nhường đường cho những giá trị mới.

Tam Kỳ ngày 10 tháng 10 năm 2012

© Huỳnh Thục Vy

© Đàn Chim Việt

119 Phản hồi cho “Nghĩa hay lợi?”

  1. Văn Thanh Quang says:

    Nghĩa hay Lợi? Lợi hay Nghĩa!

    Ở đời có mấy người vì Nghĩa quên Lợi, mà ngược lại, có rất nhiều người đã vì Lợi quên Nghĩa, nhất là khi đạo đức xuống cấp, xã hội suy đồi thì chữ Lợi trĩu nặng, đè bẹp luôn cả Nghĩa lẫn Tình!

    Trích (…) “Trong hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc thời Xuân Thu, giữa khí thế chính trị thống trị đang hoành hành, Khổng Tử đã không thành công trong lý tưởng đem đạo đức vào trong chính trị. Chủ trương Vương đạo của Khổng Tử đã không được các nhà thống trị đương thời dùng đến. Khổng Tử đã thất bại trong cuộc đời làm chính trị của Ngài.

    Lý tưởng của Khổng Tử, hoài bảo và ý hướng của Ngài, thật là tốt đẹp. Nhưng Ngài đã thất bại một cách rất đáng thương bởi thực tế chính trị ở ngoài đời, nhất là ở thời ly loạn kỷ cương đổ nát, văn hóa suy đồi, không thể nào chấp nhận để cho đạo đức chen vào. Làm chính trị là phải nắm cho được và phải giữ cho được chính quyền ở trong tay bằng bất cứ giá nào, bằng bất cứ phương tiện gì dù có phải hy sinh xương máu của bao nhiêu người khác. Đó là cách làm chính trị để thống trị của những kẻ gọi là thành công trên chính trường. Loại chính trị thống trị đó dĩ nhiên khó mà hội nhập tinh thần đạo đức vào trong. Có ai dùng lòng nhân, dùng chữ nghĩa, chữ tín để đoạt được, cướp lấy, và giữ vững chính quyền thống trị được đâu? Ngược lại chính trị thống trị thường phải bao gồm nhiều ác tính từ sự độc ác, mưu mô, gian xảo, tham lam, tráo trở, đến thủ đoạn, xuyên tạc, bóp méo, láo khoét , độc tài, chèn ép, dụ dỗ, ném đá dấu tay…”

    mà……… “độc ác, mưu mô, gian xảo, tham lam, tráo trở, đến thủ đoạn, xuyên tạc, bóp méo, láo khoét , độc tài, chèn ép, dụ dỗ, ném đá dấu tay…” là ma đạo chính là thời CSVN như hiện nay?

  2. abc says:

    Luận cổ suy kim. Lấy cái ngày xưa mà so vói ngày nay rồi la lên là “sao lạc hậu ,sao ngu dốt” .Một htv sinh thời cộng sản ,biệt gì về Khổng phu mà cũng “chõng khu” chê bai …Quã thật “hậu sanh khả úy!” Đáng sơ thay !đáng ngại thay !,đáng phục thay !
    HTV hãy hỏi lại người cha sống thời “ ngụy” ,được hưỡng nên giáo dục của thời ngụy đẻ biết Không Tữ phong kiến không còn ,nhưng khổng tử đổi mới cho hợp vói thời đại cộng thêm cái học thuyết triệt ly của tây phương tạo nên con người VNCH có bản như thế nào…
    Hãy đọc ,nghiền ngẫm các sí phu Trung Quốc đã vân động các cuộc CM đổi mới như thế nào và phủ nhận không tữ như thế nào.Rồi nhìn về VN với các nhà nho đã vận dụng cái sở học khổng giáo của mình,qua tây qua Tàu đẻ về vn làm cuộc cm ,dỏi mói cái học từ chương ,không tử như thế nào. Không tử có cái lạc hậu theo đà văn minh tiến bộ như ngày nay và ta cần đã phá ,nhưng có nhiều giá trị vẩn là thước đo đạo đức nhân nghĩa của con người . Ngay chính HCM trong lời dạy trung vói đãng hiếu vời dân là mượn theo câu nói của không tữ trung quân (nay là đãng,ai quốc thì không còn vì cs không có tổ quốc. Hiếu với dân chẳng qua là “dân vi quý,”quân vi khinh,nghĩa là dân quan trọng hơn vua vì dân “lật thuyền cũng là dân ,đẫy thuyền cũng là dân”….
    Thời đại phong kiến nên không coi trọng nữ nhân. Ngay đức Phật tổ đầu tiên cũng không nhận nữ làm đồ đệ ,mãi sau này khi bà dì của phật xin tu Phật phải chấp nhận nhưng đặt ra thêm100 diều cấm ky + vói 265 điều cấm của sư nam.
    Khổng Tữ lại gọi nứ nhan nan hóa thì quả là nan hóa. Nếu không có luật lệ thì rối tung lên. Người nữ sau này đòi bình quyền,không coi trịnh tiết mình là quan trọng ,tự do luyến ái đã gây ra bao đỏ vở g đ…Cho nên mói đây bên Pháp một nhóm thanh niên nam nữ lập hội giữ gìn trinh tiết cho người yêu đầu và là chông của minh (hội viên khá đông).Nói tóm lại khổng tữ vẫn bàng bạc trong vân hóa giáo dục con người của vn ,của các nước á châu. Nhật Bãn ,Đai loan và các nước chịu ảnh hưỡng tàu vẫn bàng bạc khỗng tữ trong con người ,cố nhiên là những phong hóa tập quán tốt đẹp vẫn lưu giũ.
    Đọc các tiểu thuyết của những thanh niên Tây học như Nhất linh ,Khái Hưng với Đoạn tuyệt/lanh lùng nữa chưng xuân đẻ thấy cuộc đỏi mới phần nào về nhũng giá tri của khổng tữ không còn hớp thời đại đối vói nữ nhân khi chịu ảnh hương tự do và bình đăng của tây phương. Nhưng thực sự tự do đó có phải là ngườ phu nử buông tuồng ,đem cái sắc ,cái trời cho đánh đỏi cuộc sông vô giáo vô thiên hay không ?
    Gia đình tan nát ,xã hội loạn ly ,dân tình không có noi chi tới lòng yêu nước thương dân ?
    Lưu Hiểu Ba là nhà văn đoạt giãi Nobel ,nhưng là nhà văn cs tàu. Mà Tàu thì trong CM văn hóa đã đánh đỏ tất cả các giá trị cổ truyền tốt đẹp,các tôn giáo (vô tôn)nên khổng tữ cũng cùng chung số phận. Cố nhiên miền Bắc cũng đánh đỏ khổng tữ ví là con cái của tàu .Cha sao ,con vậy.Chủ sao tớ vậy. Do đó TC cán người ,lui xe ,cán tiếp cho đến chết (không có lòng nhân)…Và vn thì con giết cha ,cha hãm hiếp con…,thầy hiếp trò…Bắt trộm một con chó cũng giết một mạng người ! Đó là xã hội không có kỹ cương ,con người không có nhân nghĩa ,lể nghĩa bị thui chột (miền Bắc không chào ai ,không biết nói tiếng cám ơn),lừa thầy ,phản bạn,chĩ biết mình (không trí tín) cho nên Tàu mới phục hưng khổng tử . Nhưng Phục Hưng không có nghĩa là tất cả cái gì khổng tữ viết nói đêu áp dụng vào cuộc sống hôm nay. Phải chọn lọc .
    Đối vói Tây Phương thì cái học khổng tử là lạc hâu ,không hớp với tự do nhân quyền ,bình đẳng bác ái của vân hóa của ho nên 154 giáo sư ĐH Mỹ kiến nghị Mỹ (các ĐH) không lập viện Khổng Tữ như TC phổ biến. Bới vì người ta biết rằng ,TQ đề cao khổng tư không thật ,chĩ là một đòn chính trị : Muốn hế giới nhìn TC như một nước vân minh ,có văn hóa .Nhưng những việc làm của hăn thì ngược lại, Và thế giưới ,nhất là Tây Phuông đã biết diều đó.
    Kết luận là chúng ta KHÔNG NÊN lấy tên Lưu hữu Ba là tên cs đẻ trích dẩn No bài bác không tữ vị vạn thế sư biểu của nhân loại ! Cũng như HTV nên nghiên cứu lich sử đỗi mới của đầu thế kỹ trước cac nhà nho đối vói Khổng tữ và nhìn nhaajnmoojt phần nào giá trị của nó trong ngày hôm nayNgay lớp mẫu giáo có treo câu :”tiên học lể ,hậu hoc văn” cũng đã là khổng tữ rồi !
    (abc)

    • Nguyễn Trọng Dân says:

      Thưa ,

      Qua đây xin sửa lại…

      “Tiên học Văn- hậu hành Văn ”

      Đó mới là chân lý của sự phát triển bởi Văn là biểu hiện của tri thức , của chân lý , của văn minh, của tình người- KHÔNG PHẢI LỄ , vốn thay đổi xoèn xoẹt qua mỗi thời đại.

      Ngoài ra , Nưu Hiểu Ba nào mà nà cộng sản , … giởn chơi hoài…

      • Trực Ngôn says:

        Đồng ý rằng “Văn” là biểu hiện của tri thức, của văn minh. Nhưng Văn có biểu hiện của chân lý, của tình người hay không thì còn tùy thuộc vào người sử dụng nó!

        Lưu Hiểu Ba sinh năm 1955, học tại Đại học Cát Lâm, có bằng Cử nhân Văn học vào năm 1982, Thạc sĩ năm 1984 của Đại học Sư phạm Bắc Kinh, và bằng tiến sĩ năm 1988.

        Lưu Hiểu Ba không phải là đảng viên CS, tuy nhiên ông đã sinh ra và lớn lên, giáo dục dưới chế độ CS-Tầu. Ông là một nhà hoạt động nhân quyền, kêu gọi cuộc bầu cử dân chủ, ông ủng hộ các giá trị tự do.

        Tháng 6/1989 sau cuộc biểu tình Thiên An Môn, Lưu Hiểu Ba bị bắt giam và bị kết án về tội “tuyên truyền và kích động phản cách mạng “. Tháng 10/1996, ông bị ba năm cải tạo về tội “gây rối trật tự công cộng” vì đã chỉ trích Đảng CS-Tầu.

        Tóm lại, suy nghĩ của Lưu Hiểu Ba cũng như của Huỳnh Thục Vy, hay của bất cứ ai trên DCV này cũng chỉ là suy nghĩ của một cá nhân thời hậu sinh!

        Nói như nick abc; ”tiên học lể ,hậu học văn” trong cảnh ngữ này, là cần phải giữ lễ độ đối với những bậc trưởng thượng (như Khổng Tử) trong việc góp ý (viết văn)?

  3. Minh says:

    Thưa ông Nguyễn Trọng Dân ,

    Tôi hết sức bất ngờ khi biết được chuyện Khổng giáo bị Lưu Hiểu Ba cùng các giáo sư khác của Trung Quốc gọi là “táng gia cẩu” . Tôi không tin bọn người này thiếu tri thức nhưng tôi lại tin họ đang cố giúp xã hội Trung quốc khi phê phán Khổng giáo nặng nề như vậy

    Tôi cũng đọc rất kỹ , đọc đi đọc lại những phản hồi của ông về bốn cái diệt bậy của Khổng giáo, tôi thấy ông tóm lượt rất thú vị . Chỉ có điều , tôi cho rằng chúng ta cần lật đổ Cộng Sản mới là điều quan trọng nên hy vọng ông đừng quá xa đà vào những tranh luận không thực tế trước tình hình trước mặt hiện nay .

    ( Tôi có feeling ông lo sợ một điều gì khác lớn hơn bên trong nên mới lên án Khổng giáo công khai như vậy?” Có thể nào hé chút chút được không?)

    Cám ơn & chúc ông vui vẽ

    • Nguyễn Trọng Dân says:

      Hehehe…

      “Minh” nghĩa là sáng…Người sao hợp với tên ru mà…

      Cám ơn anh Minh có lòng thăm hỏi , chống Cộng Sản thì đương nhiên chẳng bao giờ bị đuối.

      Cũng xin chúc anh Minh vui vẽ

      Kính Anh

  4. Timsuthat says:

    HTV có lẽ hơi đơn giản hóa vấn đề khi viết “ông cha ta đã tự Hán hóa” mà không bàn luận cặn kẽ. Tôi nghĩ rằng khi mới trở thành thuộc địa của Tàu, ông cha ta đã chỉ miễn cưỡng chấp nhận Nho học (vì đó là thái độ tự nhiên của con người), nhưng rồi về sau qua thời gian dài, dù sau khi đã lấy lại độc lập, những tư tưởng đó đã mặc nhiên trở thành chính thống vì không có một hệ thống tư tưởng nào là chọn lựa khác; và rồi qua truyền thống, tiền nhân đã “tự Hán hóa” nhiều để rồi khi bị đối diện với những tư tưởng mới từ Tây phương, vẫn nhất quyết ôm Nho học như là của dân tộc mình! Do đó đại ý của HTV vẫn đúng tuy cần giải thích chi tiết hơn; và tôi cũng đồng ý với cô Vy về bàn luận về sự thô thiển của Khổng Tử trong bài “Nghĩa Hay Lợi” này.

    Tạm gác bàn luận về thời gian từ khi chủ nghĩa CS đến hoành hành ở Á Châu cho đến nay, lịch sử của TQ và VN trong thời thuộc địa cũng như trước đó qua hơn hai ngàn năm chứng minh rằng, Nho giáo có tác động lớn nhất khiến các nước Đông Á kém phát triển, nghèo nàn, bên cạnh những gì chúng ta vẫn còn coi là tích cực trong văn hóa đó (và là những điều cũng cần bàn để khẳng định giá trị đích thực của nó trong xã hội ngày nay).

    Các tư tưởng thoát trần, khổ hạnh như hiện hữu trong Lão, Trang, và Phật giáo cũng đã từng xuất hiện trong triết lý của thời Hy-Mã trước công nguyên của Âu Châu (tỉ dụ Stoicism, Pyrrhonism) mặc dù không hoàn toàn giống và không phổ thông như ở Á; và đến thời Ki Tô giáo, tuy những xét đoán rất khắt khe về sự giàu có của cải không là trọng tâm của giáo lý Ki Tô giáo, những tư tưởng thoát trần này vẫn có mạch sống riêng và được đánh giá trị cao (và vì thế mới có các dòng tu sĩ lo cho người nghèo, người tật nguyền, có Mẹ Theresa của Calcutta, v.v.). Nhưng rõ ràng là không vì thế mà Âu Châu đã bị nghèo đi. Cả hai khối Âu và Á đã đều có lịch sử của các chính thể phong kiến, quân chủ, độc tài như mọi văn hóa cổ xưa khắp thế giới. Cho nên có thể xác định rằng những ảnh hưởng của Lão, Phật, v.v. không là tác động chính cho sự kém phát triển của các nước Đông Á.

    Nho giáo là thủ phạm chính vì nó đã đặt một khuôn khổ chính trị quân chủ được đan kết với những giá trị đạo đức phổ thông của con người (nhân, nghĩa, tín), với những triết lý về cá nhân (ba hạng người, tám điều chuyên tâm, v.v.), và triết lý về xã hội mà quan hệ giữa các thành phần của mỗi giai cấp, mỗi vai trò được hệ thống hóa (thuyết chính danh, tam cương, tam tòng tứ đức) và được lồng trong luật cư xử nhiêu khê cùng với những luận bàn dạy khôn ngoan và đạo đức xử thế (lễ).

    Sự bền vững của chính thể quân chủ với ảnh hưởng Nho giáo này ở Đông Á – dù có những sự đánh giá trị khác biệt của khía cạnh nào đó qua mỗi triều đại và mỗi dân tộc – đã kéo dài do sự triệt để khai thác và truyền bá nó của các vương triều cho sự tồn vong của họ (mà dân gian thường đánh đồng với sự tồn vong của dân tộc, tổ quốc, nếu tranh chấp giữa các lãnh chúa không xảy ra), và tri thức về Nho giáo được đặt thành tiêu chuẩn chính cho học thức của con người như một đạo giáo. Sự bền vững của chính thể quân chủ cũng một phần nhờ vào những giá trị phi chính trị nhưng có tính chất tích cực mà dân gian rất dễ đồng tâm tuân phục (đạo nghĩa với bản thân, gia đình, thân hữu) và vì thế mặc nhiên chấp nhận toàn bộ văn hóa Nho chỉ vì họ không thể hình dung một chính thể nào khác hơn là chuyên quyền.

    Xem ra tưởng chừng sự bền vững này là rất tốt, nhưng Nho Giáo còn có tư tưởng mà ảnh hưởng về kinh tế của nó đã rất tai hại, bên cạnh vấn đề kéo dài hệ thống quan lại phong kiến và làm nghèo kho tàng tri thức; đó là việc đánh giá các giai cấp con người trong xã hội của “sĩ, nông, công, thương”! Tạm gác bàn luận về nghiệp Thương sâu rộng hơn, thực tế của “phi thương bất phú” và sự giàu có của các thương gia Tàu trước khi xã hội họ công nghiệp hóa từ thế kỷ 20 qua đều chứng tỏ Khổng Tử đã sai vì đã đánh giá lầm giá trị của nghiệp Thương trong xã hội, vì thực ra giá trị của mọi nghề nghiệp lương thiện đều là tích cực cho kinh tế và đều có phẩm giá như nhau – dù danh dự có thể khác nhau.

    (còn tiếp)

    • Timsuthat says:

      Quan trọng hơn nữa là Khổng Tử đã đặt giai cấp Công sau Sĩ và Nông, và như thế đã khiến dân chúng trong văn hóa Nho này có quan niệm sai lạc về Công và nghề nghiệp nói chung. Sĩ được đặt cao, vì như chính Khổng Tử, kiến thức được quảng bá/phát triển bởi giới này và đó là bậc thày của thiên hạ, là con đường làm quan khi Khổng giáo trở thành quốc sách; Nông là vì sự quan trọng của miếng ăn thực tiễn trước mắt. Không những Khổng Tử mà tất cả các Nho sĩ sau đó, dù nếu có mộng ước xây dựng một quốc gia giàu mạnh hơn, đều đã tiếp tục lầm lẫn không nhận ra vai trò cực kỳ quan trọng của công nghiệp và đã không có một khai phá tư tưởng để đời nào để sửa lại tư tưởng này của Nho giáo. Họ không nhận ra rằng, từ khi con người khám phá ra cách tạo lửa và sáng chế dụng cụ để săn bắn cũng như che thân, con người luôn phải tìm cách để thăng hóa đời sống qua vật chất, dù đó chỉ là phương tiện cho mục đích duy tâm của cá nhân hay của tập thể mà trong đó mục đích “mọi người đủ cơm ăn áo mặc” là rất căn bản; họ không hiểu rằng công nghiệp là cái đòn bẩy mạnh nhất để phục vụ xã hội ở phương diện này, và vì thế cái “nghĩa” của công nghiệp là rất lớn.

      Nếu Khổng Tử đã không đánh giá giai cấp, phân chia xã hội như thế, thì những người được chút ít chữ nghĩa sẽ không hổ thẹn đi vào công nghiệp và nhiều sáng chế đã có thể ra đời ở Đông Á, những nghiệp hội (guild) đã có thể thành tựu, và rồi giới sĩ phu sẽ tìm được ý niệm ‘độc quyền sáng chế’ (patent), để giải quyết các tranh chấp công nghệ như đã là tiến trình của văn minh Âu Châu vào giữa thế kỷ 15 – thay vì các sáng chế thường được giữ làm bí mật gia truyền và rồi mai một theo hoàn cảnh của gia đình đó, nếu không bị ăn cắp trước (bắt chước). Xét từ mọi khía cạnh, động cơ sáng tạo trong dân gian đã hoàn toàn mất đi sức sống, ngoại trừ những sáng tạo có lợi ích trực tiếp cho giới quyền bính và triều đình, vì người sáng chế sẽ được đền đáp xứng đáng ngay, không cần phải khó nhọc bán cho dân gian. (Và vì thế, có thể giải thích tại sao sức sáng tạo để cạnh tranh hướng về các món ãn, thuốc gia truyền và võ thuật là chính! Ở Ấn Độ, do không có triết lý về nhân sinh tương tự như Khổng giáo và thay vào đó là nhiều triết lý về vũ trụ mà nói chung là đều dạy con người có thể được giải thoát để vào giới thần linh nếu tránh được mọi nghiệp chướng, nhất là tội sát sinh để nuôi chính mình; điều này khiến dân gian theo đuổi, cạnh tranh (!) về tâm linh và vì thế Ấn Độ có lắm giáo phái và vô số “gurus”.)

      Thêm một yếu tố rất quan trọng khiến các nước theo Nho học kém phát triển là vai trò của hệ thống luận thuyết Kinh Dịch để tìm hiểu những bí mật của thiên nhiên và vũ trụ (dù Khổng Tử không phải là tác giả). So với sự phát triển đa dạng và vô cùng rộng lớn của khoa học tự nhiên và toán học của Âu Châu, Nho học ở phương diện này đã dẫn đưa xã hội Đông Á đi lạc đường và vì thế công nghệ đã không thể phát triển vì Nho sĩ là những tín đồ trung thành với Kinh Dịch. Toán học có gốc từ nhiều văn minh khác nhau từ trước công nguyên, nhưng như được biết ở dạng của ngày nay thì mãi đến thế kỷ 12 thì Âu Châu mới nhập cảng cách viết số từ văn hóa Ả Rập và rồi toán học phát triển mạnh mẽ chỉ từ vào khoảng thế kỷ 15, 16. Nho học đã có thời gian rất dài để có thể tự sửa đổi nhưng nó đã tự nhốt nó ở trong vòng luẩn quẩn (self-perpetuating cycle) và chỉ bị phá vỡ khi sức mạnh của Âu Châu thuyết phục giới trí thức cần thay đổi.

      Giá trị của Kinh Dịch theo tôi biết chưa được đánh giá một cách chặt chẽ mà chỉ có những tuyên bố đối nghịch từ hai phía: cho đó là dị đoan hoàn toàn hoặc quả quyết đó là một khoa học thực sự. Vũ trụ quan của Đông phương và Tây phương có xung đột lớn nhất là ở đây trên thực hành. Ở phương diện tìm hiểu thiên cơ, bói toán vận mệnh, tức là tìm hiểu tương giao của vũ trụ và con người (metaphysical study), phương pháp của Kinh Dịch chỉ cho giải đáp nhất thời, tùy thuộc vào hoàn cảnh nên không có phương trình cố định để mà có thể định giá một cách khách quan dễ dàng. Trách nhiệm chứng minh (burden of proof) của giá trị Kinh Dịch là ở những tín đồ của thuyết này. Và ở phương diện tìm hiểu tính chất bất dịch cũng như biến hóa của vật chất vô tri (physical study), Kinh Dịch đã không hề được khai triển hoặc đã thất bại hoàn toàn trong con đường này. Kinh Dịch tóm lại, đã không đáp ứng được cho mục đích của công nghệ như được biết đến ngày nay. Và vì thế các nước Đông Á đã không thể phát triển cho đến khi khoa học và công nghệ của Âu Mỹ được theo đuổi.

      (còn tiếp)

    • Timsuthat says:

      Xét lại, ngoài những giá trị phổ thông và một số tư tưởng triết lý về cá nhân (mà thường được gói gém trong “Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín” và ngày nay cần phải được gạn lọc lại), Nho học thực sự có gì để người VN nên gìn giữ? Đây không phải là một sự chà đạp cá nhân ông Khổng hoặc chối bỏ lịch sử cũng như văn hóa dân tộc và ảnh hưởng của Khổng, nhưng nếu không xác định những gì thực sự còn giá trị và vứt đi những gì không hay, không tốt nữa, thì có còn là người có tự do ngay trong tư tưởng?

      Phải chăng những triết lý về xã hội và chính trị của Khổng đã hoàn toàn lỗi thời, với những luận lý bất công, không ít luân lý sai lầm, nghi lễ câu nệ, như ông Trọng Dân và nhiều người đã nêu ra ở trang này?

      Tôi không thấy có gì là mâu thuẫn để cho rằng Nho giáo đã có phần đóng góp tạo nên lịch sử và con người VN mà tôi cũng có phần nào tự hào, và cũng đồng thời xác định rằng, ngoài vài giá trị phổ thông tốt đẹp, Nho giáo và Khổng Tử không còn đáng để được ca tụng, tìm hiểu (ngoài phạm vi môn cổ học và triết học). Đặt ông Khổng ở bậc thánh nhân có thể là ý kiến riêng của những cá nhân bảo thủ nào đó, nhưng trân trọng Nho giáo, giữ nó làm căn bản triết lý cho tương lai xã hội VN, cho con người VN là một điều sai lầm rất lớn không thể lập lại. Mục đích đảng CSTQ và CSVN dùng Khổng Tử là chỉ để bảo vệ, hợp pháp hóa chính thể độc tài, chuyên quyền của họ; đó lại càng là lý do cho người VN cần phơi bày ra tại sao hệ thống tư tưởng đó không còn chỗ đứng trong thế giới ngày nay.

      (Hết. Cám ơn BBT ĐCV.)

  5. Ly Thi Dung says:

    Thưa ông Nguyễn Trọng Dân và Ban Biên Tập,

    Tôi xin cám ơn về những trình bày của ông về những cái diệt bậy của Khổng giáo

    Tuy nhiên , tôi có linh tính là ông trù trừ chưa thẳng tay chỉ rõ bản chất dối trá của Khổng cũng như Khổng giáo cho nên tôi viết phản này để hỏi lại cho rõ.

    Tất cả những lý luận của Khổng Tử trong Luận ngữ đề cập đến nhân lễ nghĩa trí tín và được thổi phòng từ triều Hán Vũ Đế thành một giáo hệ như là một phương tiện gò bó , khống chế xã hội và bành trướng lãnh thổ

    Thực tế , Khổng giáo còn một cái diệt bậy khác , sao tôi thấy ông có vẻ bỏ qua hay lờ đi . Đó là diệt văn hóa. Thực tế , không biết có bao nhiêu nên văn hóa lớn nhỏ , văn minh kỳ thú nằm ngoài Khổng hệ đã bị triệt tiêu.

    Tôi tinh rằng lịch sữ nước nhà đã chứng mình được điều này.

    Hán tộc đã bành trướng & sát hại hàng loạt các bộ tộc dù mang theo mình tư tưỡng nhân nghĩa của Khổng.

    Bằng cách quy nạp tất cả mọi nền văn hóa xung quanh là mọi rợ , thiếu Khổng , người Hán đã lần lần đồng hóa và áp đặt Khổng học bằng bạo lực xâm lược và tàn sát lên ít nhất 200 dân tộc , sắc tộc khác nhau ở các vùng đất xung quanh, trong đó có Giao Chỉ ta

    Làm người phải có nhân- nhân ở chổ nào trong thuyết Khổng khi mà con người ngoại Khổng hệ bị triệt tiêu , sát hại tàn bạo bởi bọn Nho Sĩ

    Ngay các đạo Phật cũng bị Khổng giáo đã kích triệt tiêu dữ dội, không biết ông có nhận xét gì

    Bản chất dối trá của Khổng giáo còn nằm ở trong nghi lễ , kèm kẹp con người vào thứ bậc đẳng cấp và bất công.. Điều mà tôi hy vọng sẽ được ông trình bày để tôi hiểu biết thêm

    Cho đến ngày nay , nền văn hóa Khổng học của Trung Hoa là nền văn hóa cửa mưu kế , dối trá , lừa lọc được bao bọc bởi che đậy lý luận Tam Cương .

    Khổng giáo có bao giờ được phục hồi bởi người dân đâu mà luôn được phục hồi bởi chính quyền độc tài chuyên chế

    Một vài dòng , không biết ông Dân nghĩ sao?

    Chào ông

    Lý Thị Dung

    • Nguyễn Trọng Dân says:

      Kính Thưa bà Dung ,

      Vấn đề bà đề cập đến quá rộng…, cho nên Dân tui cần tí thời gian suy nghĩ viết sao cho ngắn mà tạm đủ …

      Tuy nhiên , nếu bà đã có y’ bài sẳn thì xin trình bày chút chút giúp cho mạt Dân thêm chút minh tri

      Chúc bà vui vẽ

      Kính

  6. NHẠC CỦA DÂN VIỆT says:

    Kính gởi Ban Biên Tập Đàn Chim Việt và quý đọc giả

    Ông Lưu Hiểu Ba , người TQ đoạt giải Nobel Hòa Bình , cùng với nhiều vị giáo sư đại học khác của Trung Quốc đã khẳng định Khổng giáo là một hệ lụy thần thánh hóa , thổi phòng bởi các triều đại Phong kiến để Khổng giáo có thể làm bổn phận của “một con chó giữ nhà “- đúng nguyên văn của ông Lưu Hiểu Ba

    Điều quan trọng hơn hết , các giá trị của luận ngữ hết sức tầm thuờng & thiếu tính cách khả thi vì những gì trong luận ngữ hoàn toàn lệch lạc dị biệt

    Cũng theo ông Lưu Hiểu Ba , sự thần thánh hóa Khổng đã khiến cho Khổng trở nên không thật , một sản phẫm của tuyên truyền láo lếu chính trị như chúng ta thấy hình tưởng của Hồ Chí Minh ngày nay

    Tác phẫm “Tang gia cẩu , ngã độc Luận ngữ ” của giáo sư Đại Học Bắc Kinh , Lý Linh đã coi Khổng Tử- Khổng giáo như “những con chó mất nhà – táng gia cẩu”

    Điều mà chúng ta cần phải dìm xuống , theo ông Lưu Hiểu Ba , chính là nạn sùng bái Khổng tử- bởi Khổng giáo chỉ là sản phẫm của sự thổi phòng trải qua các triều đại để làm “con cho giữ cửa” – nguyên văn của Lưu Hiểu Ba

    Những định kiến của Khổng Tử không thể cứ tiếp tục được nâng lên thành GIÁO , rồi trùm cho nó một sự kính nể để giúp đỡ các thế lực chính trị

    Cũng theo ông Lưu Hiểu Ba, quote :

    “Sự sùng bái kia khiến người ta mất khả năng phân biệt đâu là người đâu là thánh, đâu là lời nói đời thường đâu là lời phán của trời.

    Họ gán cho những lời dạy thông thường trong Luận ngữ những ý nghĩa thâm thúy, cao siêu.

    Chẳng hạn như hai câu mở đầu của Luận ngữ “Học nhi thời tập chi, bất diệc thuyết hồ? Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ?” (Học mà mỗi buổi mỗi tập, chẳng cũng thích ư? Có bạn ở xa nghe tiếng mà tìm lại, chằng cũng vui ư?)

    Thử hỏi sự thâm thúy cao siêu trong câu này nằm ở đâu mà thiên hạ phải khổ công chú giải suốt suốt 2000 năm qua cho đến tận bây giờ? ” end quote

    Vì vậy , tôi rất khâm phục những cách đúc kết ngắn gọn , rõ ràng của ông Nguyễn Trọng Dân về những cái bậy của Khổng giáo , vốn là một sản phẫm thổi phòng để “làm con chó giữ nhà ” cho 2000 năm phong kiến trình bày cùng cho mọi người

    Tôi chỉ không hiểu tại sao ông Nguyễn Trọng Dân lại im lặng trước những phỉ báng vô học của ông Ngàn mà lại còn khích bác để Ngàn tiếp tục tánh hung hăng của mình

    Ngoài ra , ông Ngàn đã quá hết sực dốt nát , lầm lẫn tin tưởng vào sản phẫm thổi phòng của các triều đại khi gọi và tôn thờ “Khổng giáo”

    Ông ấy lại càng láo lếu ngụy biện đổi lỗi tại phong kiến chớ Khổng không sai , vẫn cao siêu đã cho thấy rõ Ngàn là một sản phẫm tẫy nảo của phong kiến

    Điều quan trọng hơn hết , phong cách tranh luận của ông ấy là tôi tỡm lợm. Đúng là thất phu- vô học

    Cũng như ông Lưu Hiểu Ba khẳng định , Khổng giáo hết thời là một cái may mắn cho Trung Quốc.

    Dân trí thức Trung Quốc , người ta coi Khổng là chó. Chỉ có Ngàn và những con người mù quán khác thì mới bưng bô nâng bi Khổng cao mà thôi

    Xin được đúc kết phản hồi bằng lời kết của giáo sư Lý Linh , University of Beijing

    “Hãy bình tâm mà đọc Luận ngữ, đừng chính trị hóa, đạo đức hóa, giáo phái hóa Luận ngữ.”

    Cám ơn quý ban biện tập

    • Nguyễn Trọng Dân says:

      Đại phu văn chương ngay thẳng , trong sáng thế này… Mạt Dân thất nghiệp mất thôi…hehehe…

    • Thích Nói Thật says:

      Chào các Bác

      Thiển nghĩ, chẳng cần phải là người đoạt giải Nobel Hòa Bình như ông Lưu Hiểu Ba cũng có thể hiểu được rằng;

      Sự sùng bái kia khiến người ta mất khả năng phân biệt đâu là người đâu là thánh, đâu là lời nói đời thường đâu là lời phán của trời…. (hết trích)

      Nó tương tự như đảng CSVN bôi son, trát phấn, thần thánh hoá ông HCM và hô hào “hãy học hỏi tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (?).

      Nhưng đạo đức của ông Hồ là gì thì ai ai cũng đã biết; dâm ô, tàn ác, bất nhân, gian xảo, thủ đoạn. Còn tư tưởng của ông Hồ nếu không phải là; “Bác Mao không ở đâu xa. Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao”?

      Trích; “Khổng giáo là một hệ lụy thần thánh hóa, thổi phòng bởi các triều đại Phong kiến để Khổng giáo có thể làm bổn phận của “một con chó giữ nhà““. (sic)

      Nếu có trách thì phải trách các triều đại Phong kiến, hay các chế độ độc tài, đã lạm dụng và thần thánh hoá Khổng Giáo cho ý đồ xấu của chúng, tại sao lại chê trách “Khổng Giáo”?

      Người làm ra “con dao” để xử dụng vào những công việc cần thiết thường ngày trong đời sống, nhưng bọn cướp dùng dao làm vũ khí để ăn cướp. Vậy thì phải chửi bọn cướp, cớ gì lại lên án người làm ra con dao?

      Trích; “ Luận ngữ “Học nhi thời tập chi, bất diệc thuyết hồ? Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ?” (Học mà mỗi buổi mỗi tập, chẳng cũng thích ư? Có bạn ở xa nghe tiếng mà tìm lại, chằng cũng vui ư?)

      Một lời khuyên quá hay, chân tình và đầy ý nghĩa đấy chứ!

      Muốn thành công thì phải chuyên cần học tập. Bạn bè quan tâm, đến thăm viếng nhau, thì quả là đầy tình người.

      Còn nói rằng “để Khổng giáo có thể làm bổn phận của “một con chó giữ nhà“ thì hừm hừm….hơi bị lỗ mãng!

      Không phải Lưu Hiểu Ba (Peace Nobel Price) nói gì thì chúng ta cũng phải nghe, phải tin, hay phải học theo đâu!

  7. Nguyễn Trọng Dân says:

    Trích một đoạn của Lưu Hiểu Ba ( Peace Nobel Price ) nói về Khổng & “Táng Gia Cẩu ” (chó nhà tang”) cho bà con đọc chơi ( chưa thèm bình luận ) – Phan Trinh dịch

    *************************

    ….Chu Tố Nhân (1885-1967) trong cuốn Luận ngữ tiểu ký đã nói đúng: “Luận ngữ chỉ cách tu tập để thành người tốt và cách ứng xử với đời… Đó có thể là một cẩm nang hữu ích cho hậu thế, nhưng dứt khoát không được xem đó là những chân lý không bao giờ thay đổi hoặc những chuẩn mực đạo đức. Càng không nên nghĩ rằng nó chứa đựng những triết lý chính trị sâu sắc có thể trị quốc và mang lại hòa bình cho thiên hạ.” Ngay G.W.F. Hegel, triết gia lớn của Đức, cũng chỉ xem Luận ngữ như một cuốn sách ghi chép những đạo lý thường thức, không hơn không kém.

    Chính Hán Vũ Đế (156-87 trước CN) người ra quyết định “độc tôn Nho thuật” đã hóa phép cho Khổng Khâu trở thành đức Khổng Phu Tử. Con chó nhà tang chết còn bộ xương, nay bộ xương bỗng chốc phục sinh và trở thành con chó gác cửa cho các triều đại quân chủ chuyên chế Trung Hoa.

    Vì đạo Nho tỏ ra có ích cho quyền thống trị của vua chúa chuyên chế, nên địa vị của con chó giữ cửa được chăm sóc, củng cố, một khi ngồi vào chỗ rồi là nó cứ ngồi đó suốt hai ngàn năm.

    Và khi thần tượng của giới có học được triều đình thổi lên đến tận trời xanh, thậm chí biến thành tượng thờ giát vàng trong tổ miếu hoàng gia, thì đó là lúc trí thức Trung Hoa có tư tưởng tiến bộ bị đầy xuống địa ngục, biến thành nữ tì phục vụ quyền lực.

    Một trường hợp điển hình là Tư Mã Đàm (165-110 trước CN) cha của Tư Mã Thiên. Hai cha con đều phục vụ triều đình nhà Hán trong tư cách những thái sử. Khi Tư Mã Thiên vì dám can ngăn Hán Vũ Đế mà bị xử thiến, ông đã bi phẫn than rằng:

    Cha ta cũng chẳng đạt được gì đáng ghi tên vào sổ sách triều đình. “Nghề viết văn, viết sử, xem sao, xem lịch thì cũng gần với bọn thầy bói, thầy cúng. Chúa thượng vẫn đùa bỡn nuôi như bọn con hát, còn thế tục vẫn coi thường.”

    Đến thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi các cường quốc Tây phương ép Trung Quốc mở cửa cho thế giới thì hệ thống quyền lực và ý thức hệ cũ lập tức suy vong nhanh chóng. Năm 1911, khi Cách mạng Tân Hợi kết liễu đế chế truyền thống thì Đạo Khổng, hệ ý thức của vua chúa độc tài, cũng mất hẳn chỗ dựa.

    Một lần nữa, “chó giữ cửa” lại trở thành “chó nhà tang” lang thang xó chợ. Mặc dù Viên Thế Khải (1859-1916) đã xoay sở để trở thành hoàng đế vào tháng 1 năm 1916 và cố phục hồi nghi lễ Đạo Khổng, nhưng cũng chẳng được bao lâu. Chỉ sáu tháng sau, Viên Thế Khải chết. Sự sụp đổ toàn diện của những định chế truyền thống và ý thức hệ cũ đã diễn ra, không thể nào tránh khỏi.

    Theo tôi, khi các nhà Nho truyền thống mất chỗ dựa quyền lực thì đó là nỗi bất hạnh của họ, con chó gác cửa cung đình lại trở thành con chó lang bạt.

    Nhưng, nếu nhìn cách khác thì đây lại là một vận may lớn, là cơ hội để giới có học ở Trung Quốc có thể trở thành người trí thức hiện đại, có thể vứt bỏ những bệ đỡ của quyền lực độc tài mà họ vẫn dựa vào, có thể nuôi dưỡng và phát huy tinh thần phê phán độc lập. ….

    ………..

    ….Ở đoạn cuối lời giới thiệu sách, giáo sư Lý viết:

    “Hãy bình tâm mà đọc Luận ngữ, đừng chính trị hóa, đạo đức hóa, giáo phái hóa Luận ngữ.

    Mục tiêu duy nhất là tìm cho được con người Khổng Tử thật, giữa một thời đại mà, mượn chính lời Khổng Tử, lễ nhạc đã suy đồi.”” – ( het trich )
    *************************

    Táng Gia cẩu: Ngã độc Luận ngữ 丧家狗:我读《论语》, Lý Linh, NXB Nhân Dân Sơn Tây, Trung Quốc, 2007

  8. Linh Lê says:

    Thưa ông Nguyễn Trọng Dân,

    Cám ơn những trình bày của ông về bốn cái diệt bậy của Khổng giáo sinh động và rất hay

    Tôi thật sự muốn biết ông nhận định ra sao về Phạm Lãi, tôi mê mẫn nhân vật này rất lâu.

    Nếu ông muốn né tránh những thị phi nhố nhăng khi trả lời cho tôi , xin liên lạc email

    linhledeplao@yahoo.com

    Cám ơn ông lần nữa. Chúc ông vui vẽ , mong ông đừng buồn lòng về những comment báng bổ rẽ tiền

    Cám ơn Đàn Chim Việt

    Linh Lê

    • Nguyễn Trọng Dân says:

      Úi Chà !

      Cái vụ Phạm Lãi này thì mình có thể sổ Nho cả ngày không biết mệt… ( trúng tủ quân áo to to )…

      Hẹn gặp qua e-mail.!

      Ki’nh

      • Thích Nói Thật says:

        Hì hì hì….Thắp đèn thì phải để trên cao cho mọi người cùng được hưởng ánh sáng của nó, để dưới gầm bàn hay nhét vào tủ thì uổng lắm đa!

        Bác Trọng Dân “phơi bày” ra trên ĐCV này đây cho bàn dân thiên hạ cùng thưởng lãm với chứ, qua e-mail thì khác nào giấu vào “tủ quần áo” dành riêng cho một người?

  9. Minh says:

    @ Nguyễn Trọng Dân

    Thưa ông Nguyễn Trọng Dân ,

    Tôi đọc những phản hồi của ông về bốn cái diệt bậy của Khổng giáo. Rất hay! Tôi thích nhất là đoạn sau đây :

    “Trong lúc mạt sát nhau , trong tiếng Việt ta , chúng ta cũng vẫn thuờng hay nói..”đồ tiểu nhân ” , “quân thất phu “, ” đồ hàng tôm hàng cá ” , “tép riu”, etc … cho thấy những chia rẽ , khinh khi bất bình đẳng giữa người & người của Khổng giáo đã ăn sâu vào cá tính , ngôn ngữ và cách nhìn người của tất cả chúng ta một cách rất sâu đậm “( hết trích )

    Xin ông có thể cho biết – tôi chỉ tò mò- có sự khác biệt nào giữa Khổng giáo bên Trung Hoa và Khổng giáo bên Việt Nam hay không?

    Xin cám ơn ông

    Xin chúc ông bình an vui vẽ

    • Nguyễn Trọng Dân says:

      Thưa ,

      Một câu hỏi hết sức bất ngờ nhưng rất hay. Chắc chắn , nền Khổng học ở Việt Nam và nền Khổng học Trung hoa sẽ có khác biệt , không phải thể hiện ở giáo ly’ mà ở tập quán , nghi lễ và phong hóa sống.

      Khác rõ ràng như thế nào thì phải từ từ suy nghĩ , cái sự biết nó nằm sẳn ở trong đầu rồi nhưng… retrieve ra viết xuống có đôi khi hơi chậm …

      Hơn nữa , phản hồi thì không thể sổ Nho tràng dang đại hải nên cũng phải nghỉ cách cô đọng…!

      Thanks to your question

      Kính

  10. ĐẠI NGÀN says:

    NGHĨA VÀ LỢI : TỪ XÃ HỘI PHONG KIẾN PHƯƠNG ĐÔNG ĐẾN XÃ HỘI TOÀN CẦU HIỆN ĐẠI

    Cách đây khoảng 26 thế kỷ, có lần vua Lương Huệ Vương bên Tàu mời nhà hiền triết Mạnh tử đến hỏi cách làm sao để nước của nhà vua có lợi.

    Mạnh tử bảo nhà vua phải theo cái nghĩa, không nên theo cái lợi. Vua theo cái nghĩa, người trong nước đều cùng theo cái nghĩa, vậy là nước trở nên tốt đẹp, đó mới là cái lợi lớn.
    Vua theo cái lợi, người trong nước cùng theo cái lợi, ai ai cũng chỉ cấu xé nhau, đó là cái hại lớn.

    Đương nhiên với cái nhìn thiển cận của mình về điều lợi, Huệ Vương không nghe và Mạnh tử bỏ đi.

    Trong thời đại phong kiến, xã hội chủ yếu là nông nghiệp, cùng lắm có thêm tiểu thủ công nghiệp và thương nghiệp kiểu nhỏ, học thuyết Mạnh tử chuộng về đạo đức tinh thần, muốn giữ cho con người luôn tốt đẹp, xã hội luôn tốt đẹp. Cơ sở đạo đức đó là cái nghĩa, tức sự quan tâm lẫn nhau, biết nghĩa lý, đạo lý, đạo nghĩa, điều phải, điều tốt lẫn nhau giữa mọi người. Không chỉ lấy cái lợi lộc ích kỷ riêng mà sát phạt lẫn nhau khiến xã hội loạn lạc, tệ hại.

    Thời xã hội hiện tại, nói chung là thời tư bản chủ nghĩa, chắc có người cho rằng nếu theo cái nghĩa thì chỉ trái lẽ, vì xã hội phải cạnh tranh mới phát triển, con người cần đua theo lợi nhuận, đua theo cái lợi mới tồn tại, mới vươn lên, vậy cái nghĩa chỉ là mơ hồ.

    Hiểu như vậy là hoàn toàn sai. Chê đạo Khổng Mạnh xưa cũ là phong kiến là dốt nát. Bởi Khổng Mạnh chỉ nhằm đến đạo đức nhân văn con người và xã hội nói chung, thời nào cũng thế, không phải chỉ nhằm cổ vũ cho riêng xã hội quân chủ, phong kiến.

    Xã hội tư bản là xã hội phát triển nhờ khoa học kỹ thuật tiến bộ, nhờ nền dân chủ tự do tiên tiến, đương nhiên lợi nhuận là động lực hướng dẫn, kích thích mọi người cũng như xã hội, nhưng chính cái đức, cái nghĩa bên trong của con người, của xã hội cũng không thể bị mất. Nếu đã bị mất như Các Mác quan niệm, xã hội tư bản đã tự đào thải từ lâu, không thể nào cứ tiếp tục tồn tại và đi lên được.

    Nên lợi nhuận và cạnh tranh là đúng, có khi rất khốc liệt, nhưng phải trong ý nghĩa lành mạnh, trong pháp luật. Luật pháp đúng đắn là công cụ điều chỉnh tốt đẹp và hiệu quả của mọi chế độ xã hội tư bản phát triển là như thế. Đương nhiên, lúc mới phát sinh, xã hội tư bản còn hổn loạn, còn những điều phi nhân, trái lý, nên Mác phê phán là đúng. Nhưng nhân chỗ tiêu cực ban đầu đó mà không thấy cái tích cực về sau, Mác trở thành sai, thành đưa ra lý thuyết phản xã hội. Đó là do Mác mù quáng, mê tín vào ý nghĩa giai cấp nhất thời, không thấy được ý nghĩa con người, ý nghĩa xã hội luôn luôn là những thực thể cơ bản, phổ quát nói chung.

    Nên về phương diện kinh tế học và xã hội học, thực chất lợi nhuận cuối cùng cũng nhằm tái đầu tư phát triển, và mọi sự mở rộng, sự phát triển hàng hóa cuối cùng lại nhập vào lại trong toàn xã hội và quay vòng lại để tiếp tục tiến lên.

    Nên Mác cho rằng phải dẹp cơ chế tư bản, dẹp lợi nhuận, dẹp thị trường, dẹp thương mại, dẹp tư hữu để tránh bóc lột, kinh tế phải thành tập thể, sản xuất và phân phối trực tiếp nhau, không thông qua tiền tệ, đó là sự dốt nát, ngu muội, vớ vẩn, nông cạn khiến gây tai hại của Mác.

    Thật ra, các nhà tư bản khi đã quá giàu có như Bill Gate chẳng hạn, họ lại quay ra làm từ thiện, tức cái nghĩa cho xã hội, và đều được pháp luật khuyến khích. Và Mỹ là nước nêu cao pháp luật chặt chẽ, và bài trừ tham nhũng nhất. Không giống TQ khởi đầu là CS mê muội, sau tiến vào Tư bản hoang dã, nạn lạm quyền và nạn tham nhũng quả thật không thể nói hết.

    Bởi vậy cái nghĩa là cái nghĩa lẫn nhau giữa mọi cá nhân con người, nó xây dựng trên điều đúng đắn, như là sự nhớ ơn chính đáng, như là lòng thương người rộng lớn. Nếu cái nghĩa không đúng chỗ, như nhớ ơn giả tạo, lợi dụng, xây tượng đài, xây nhà lưu niệm … chỉ nhằm thu lợi riêng nào đó, làm thiệt hại chung đến phúc lợi toàn xã hội, toàn dân, làm phung phí các tài nguyên của đất nước, đó thực chất không phải nghĩa mà chỉ là lợi lộc ích kỷ riêng.

    Thế thì nói chung lại, chỉ theo lợi là sai và luôn theo nghĩa là đúng, thời đại nào cũng vậy, xã hội nào cũng vậy. Bởi thuần lợi chỉ là ích kỷ, thấp kém, ngu dốt, thiển cận. Còn hướng nghĩa là sự rành mạch, trong sáng, hữu lý, đó là lý trí đúng đắn và tình cảm cao quý. Tất nhiên ý nghĩa của nghĩa phải là ý thức lành mạnh, là lương tâm sáng suốt, là tinh thần xã hội và nhân văn rộng lớn. Nếu dùng hình thức nghĩa mà thực chất là vụ lợi riêng ích kỷ, đó không phải nghĩa thật mà chỉ là ngụy nghĩa.

    THƯỢNG NGÀN
    (28/7/14)

Leave a Reply to abc