Ukraina: Cách mạng màu Da cam tái sinh
Ukraina là nước lớn ở vùng Đông Âu, rộng hơn 600 ngàn cây số vuông, với 45 triệu dân. Ukraina là nước lớn sau nước Nga trong Liên bang Xô viết trước đây.
Năm 2005, cuộc Cách mạng màu Da cam diễn ra qua cuộc nổi dậy không bạo lực của nhân dân, chống cuộc bầu tổng thống gian lận năm 2004, đưa đến một cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên năm 2005.
Tổng thống dân chủ Victor Ioutchtchenko hồi ấy đã cử Thủ tướng mới là bà Ioula Timochenko một nhà kinh doanh 45 tuổi có tinh thần cải cách và đổi mới, được Quốc hội mới thông qua. Bà nhận chức Thủ tướng Ukraina từ ngày 24 tháng 1 năm 2005, đến ngày 8 tháng 9 năm 2005 bà mất chức thủ tướng do sự phá hoại gây rối của cánh hữu trong và ngoài quốc hội. Sau đó bà trở thành người lãnh đạo của liên minh các lực lượng đối lập. Cuộc đấu tranh chịnh trị khá gay go, phức tạp, để đến hơn 2 năm sau, bà lại được cử làm Thủ tướng lần thứ hai, từ ngày 18 tháng 12 năm 2007 đến ngày 11 tháng 3 năm 2010, bà lại bị mất chức.
Cuộc Cách mạng Da cam ở Ukhaina đã trải qua những thăng trầm bi thảm. Đó là do nhiều nguyên nhân chính trị- kinh tế- địa lý. Di sản của thời kỳ Xô viết phụ thuộc vào nước Nga còn dai dẳng. Đảng CS Ukraina vốn là bộ phận của đảng CS Liên Xô cũ vẫn tồn tại tuy chỉ còn là một đảng nhỏ, hoạt động ngăn cản trào lưu dân chủ. Chính quyền Putin ở Nga vẫn không muốn Ukraina ngả hẳn sang phía phương Tây, ngăn chặn mong muốn của đông đảo nhân dân Ukraina gia nhập khối Liên Âu và đồng Euro. Chính quyền Nga tận dụng tình hình Ukraina còn mắc nợ nước Nga, còn phải nhập dầu và hơi đốt từ nước Nga, tâm lý của một bộ phận nhân dân các tỉnh giáp nước Nga nói tiếng Nga và muốn gắn bó với nước Nga, để làm cho tình hình không ổn định.
Phái hữu dựng lên vụ án kinh tế mang tính vu cáo bà Ioula Timochenko trong thời kỳ trước và trong khi làm thủ tướng để hòng ám hại bà. Ngành tư pháp còn rơi rớt kiẻu cách cũ thời Xô viết ra lệnh quản thúc bà từ ngày 14/12/2010. Họ chụp cho bà tội cố tình vi phạm pháp luật về quản lý kinh tế, thiếu trách nhiệm để làm mất mát tài sản quốc gia. Phiên xử của Tòa án thủ đô Kiev ngày 11 tháng 10 năm 2011 tuyên án 7 năm tù giam. Bà bị đối xử rất tàn bạo trong tù, bị đánh đập thâm tím nhiều nơi trên cơ thể, rồi bị đau lưng, bà không còn đủ sức đến dự phiên tòa phúc thẩm ngày 1 tháng 12 năm 2012. Bà nhiều lần tuyệt thực phản đối chế độ nhà giam tàn bạo như thời phát xít và xô viết. Tháng 5/2012 tổng thống CH LB Đức đã hủy bỏ chuyến thăm chính thức Ukraina vì vụ án chính trị mang hình thức kinh tế này.
Cũng vào dịp ấy ủy viên đối ngoại của Liên Âu là bà Catherine Ashton lên tiếng cảnh báo rằng sẽ hủy thỏa ước thương mại Liên Âu – Ukraina nếu đại sứ Liên Âu không được đến thăm bà I. Timochenko đang ốm nặng trong nhà tù và chính quyền Ukraina đã phải nhượng bộ. Sau đó bà được đưa vào bệnh viện ở Kharkiv để khám và chữa bệnh do một bác sỹ Đức do bà lựa chọn đảm nhiệm.
Theo tin của các hãng tin AP, AFP từ Kiev, ngày 21/2/2014 Quốc hội Ukraina đã bỏ phiếu quyết định trả tự do tức thời cho bà I.Timochenko. Ngày 22 bà đã ra khỏi nhà giam. Ngày 22/2 Quốc hội cũng đã cử một nhà hoạt động chính trị, được coi là cánh tay phải của bà I.Timochenko làm Chủ tịch quốc hội thay cho ông Vlodymyr Rybak, người thân tín của Tổng thống Victor Yanukovych. Có tin Tổng thống Victor Yanukovych – rất thân với tổng thống Nga Putin, - đã rời thủ đô Kiev đi Kharkiv. Ông tuyên bố không từ chức và tố cáo đây là ‘’một cuộc đảo chính bất hợp pháp’’. Lập tức chiều thứ bảy 22/2 quốc hội họp bỏ phiếu phế truất tổng thống V. Yanukovitch và ấn định cuộc bầu cử mới sẽ diễn ra ngày 25 tháng 5 tới. Trong khi nhân dân vẫn tập trung ở quanh quảng trường Độc Lập để thẽo dõi tình hình, một bộ phận nhân dân tràn vào dinh Tổng thống đã bỏ ngỏ. Có 2 sự kiện quan trọng nữa đồng thời diễn ra ngày 22/2, Bộ trưởng công an mới được cử là thuộc phe đối lập trước đây và người phát ngôn của quân đội Ukraina tuyên bố quân đội trung lập, không tham gia chính trị, không đàn áp nhân dân. Quân đội Ukraina là quân đội lớn có 70 vạn quân, và từng có vũ khí nguyên tử, hiện đã để lại vũ khí nguyên tử cho nước Nga và tham gia hiệp ước các nước không có vũ khí hạt nhân.
Tất cả sự chuyển biến có thể nói là hoành tráng, nhanh chóng trên đây là do cuộc xuống đường đông đảo của nhân dân thủ đô Kiev tại Quảng trường Độc Lập từ ngày thứ ba và thứ tư (19/2 và 20/2) đòi tổng thống Yanukovych và chính phủ từ chức, thả các tù nhân chính trị. Cảnh sát đã bắn vào người biểu tình,những người biểu tình đã dùng gậy đá chống lại, đốt xe, bắt giữ hàng chục nhân viên công an. Xung đột dữ dội đã gây nên 80 người chết .
Ngày 20/2 các ngoại trưởng Đức, Pháp và Ba Lan đã thay mặt khối Liên Âu đến Kiev dự họp cùng tổng thống và đại diện phe đối lập để đi đến thỏa thuận giải quyết cuộc xung đột là phía chính quyền rút lực lượng đàn áp, những người biểu tình giải tán , sẽ sửa đổi hiến pháp theo hướng dân chủ hóa và sẽ tổ chức bàu cử trong năm 2014. Ngày 22 và 23/2/2014 là 2 ngày lễ tang tưởng nhớ những người đã chết trong những ngày vừa qua. Hãng tin AP và AFP cho biết nhiều sỹ quan và nhân viên bộ công an Ukraina đã đứng về phía nhân dân, tán thành cuộc xuống đường của dân thủ đô và từ chối không đàn áp người biểu tình. Nhiều đoạn phim tả cảnh đoàn kết giữa nhân dân và lực lượng công an giữa quảng trường Độc Lập được truyền đi trên màn ảnh thời sự quốc tế.
Lực lượng đối lập ở Ukraina đã giành thắng lợi nổi bật trong thời gian rất ngắn, khi lòng dân đã quyết và khi cả khối Liên Âu hết lòng ủng hộ. Cuộc cách mạng màu da cam trải qua thăng trầm đã tái sinh qua một cuộc đấu tranh quyết liệt chống đàn áp, đòi quyền dân chủ và nhân quyền. Lực lượng đối lập đã lớn mạnh đang có thế thượng phong vì hợp lòng dân và có sự ủng hộ của cả khối Liên Âu cũng như của toàn thế giới dân chủ. Điều rất quan trọng là nước Nga đã cử phái viên Vladimir Loukine đến Kiev, tuy ông này không tham gia ký thỏa thuận chung nói trên nhưng tuyên bố điều ấy không có nghĩa là Nga phản đối. Tuy Nga không hài lòng, nhưng rất khó lòng can thiệp vì chính ông Putin cũng đang gặp khó khăn trước phong trào đối lập đang phát triển ở Nga.
Các nhà bình luận thời sự quốc tế ở Paris, Berlin, London … đều cho rằng các nước CS cũ ở Trung Âu như Ba Lan, Tiệp, Đông Đức thuộc CH LB Đức phát triển và ổn định đã có tác động lớn đối với tình hình Ukraina. Cả khối Liên Âu sẽ giúp Ukraina về vật chất khắc phục những tổn thất do những ngày rối loạn vừa qua gây nên.
Màn truyền hình không ngừng truyền đi cảnh giữa quảng trường thanh niên nam nữ ca hát mừng cuộc ‘’ Cách mạng của Nhân dân ‘’, chào mừng bà I. Timochenko được tự do, quyết giữ vững thành quả của cuộc Cách mạng màu Da cam đã có bước phát triển mạnh mẽ mới.
Blog Bùi Tín (VOA)
Mỹ và Nga vs khủng bố
Thân chào bạn Nguyễn Văn,
Bạn có vài quan điểm tương đồng với tôi và bạn cũng đã từng theo dõi thời sự hàng ngày nên biết rằng:
…”Giữa Mỹ và Nga luôn có vấn đề vì quyền lợi chiến lược thì làm sao là đồng minh được?! Chữ “đồng minh” trong ngoặc kép là tôi muốn nói về đồng minh chống khủng bố ở Sochi Olympic thôi, chứ còn xong Sochi thì mọi chuyện lại trở về như cũ, ngay cả chia xẻ tin tức tình báo chống khủng bố với Mỹ, Putin cũng không tích cực”…
___________
Tôi xin phép trình bày vài chi tiết nhỏ trong vấn đề “chống khủng bố” mà Mỹ và Nga đang bị nhức đầu. Có lẽ bạn Nguyễn Văn chưa quên hình ảnh “trái bom nồi hơi” do 2 anh em Chekchen tự chế tạo và kích nổ nhân ngày lễ chạy đua Marathon ở Boston năm ngoái. Trái bom tự chế này đã gây thương tích cho gần 200 người tham gia, phần đông bị cưa chân và tay vì những cây đinh nhỏ chôn dấu bên trong.
Vấn đề tôi muôn nhấn mạnh ở đây là 2 anh em người Chekchen này là dân di tản chạy trốn chế độ độc tài thân Nga ở quê nhà, sang Mỹ trước đó 5 năm, được chính phủ Mỹ cho vào dân nuôi ăn học lên đến đại học và có nghề nghiệp hẳn hòi. Tuy nhiên duyên cớ gì không biết sui khiến người anh lớn trở về quê hương, tiếp xúc với bọn khủng bố Hồi giáo, theo học những giáo điều khủng bố, chịu sự huấn luyện đặc biệt rồi khi trở về Mỹ thì âm thầm kết nối với người em để ngầm chế tạo vũ khí sát thương theo mệnh lệnh của nhóm khủng bố Hồi giáo.
Kết quả là gần 200 người bị sát thương, gây chấn động xã hội Mỹ, CIA và FBI trở tay không kịp. Một chi tiết khác tôi muốn nêu thêm là khi thanh tra FBI đáp máy bay qua Nga để truy tìm hồ sơ điều tra anh em này, họ mới biết rằng có rất nhiều điều chính quyền Nga dấu diếm không báo trước cho Mỹ hay để đề phòng. Nếu ai đó có thân nhân bị thương nặng trong sự cố này ắt hẳn sẽ đau đớn và căm hận biết bao !
Thêm một điểm son nữa là sự hợp tác nhanh chóng và hữu hiệu của quần chúng Mỹ, bằng cell phone camera, phát giác ngay hình dạng tên thủ phạm đang chạy trốn. Và cuộc điều tra truy tìm thủ phạm diễn ra ly kỳ hồi hộp không khác gì phim ảnh Hollywood, hoàn toàn nhờ vào sự hợp tác nhanh chóng của quần chúng.
Trở lại vấn đề Thế Vận Hội Mùa Đông Sotchi 2014, quả thật ông Obama rất lo ngại cho an tòan của hàng trăm lực sĩ và cổ động viên HK vì trước đó một tuần bọn khủng bố Hồi giáo đã từng đánh bom sát hại nhiều nguời ở thành phố này rồi. Lý do ông Obama gửi 2 chiếc chiến hạm lớn đậu ngoài hải phận Nga chính là dự kiến “di tản cấp tốc những người dân HK khi khủng bố tấn công lớn”. Chính phủ Mỹ phải có bổn phận bảo vệ người dân nước họ, xem ra Obama đã hoàn thành sứ mạng tổng thống, không chê trách vào đâu cho được.
Còn vấn đề tại sao Putin chểnh mảng tập trung năng lực vào Olympic Sotchi 2014 để quên lãng đồng chí tổng thống xứ Ukraina, thì đó là vấn đề nội bộ của Nga. Đừng thắc mắc tại sao Putin dám chi tiêu gần 50 tỷ US$ để tổ chức thành công Olympic, thế giới phải chiêm nguỡng và thán phục.
Vấn đề khủng bố Hồi giáo Al-Kaeda cộng với kho chất độc hoá học của Syria khiến cho Obama phải sợ xanh mặt vì lẽ loại vũ khí này vô cùng nguy hiểm, khó phát giác, gây tử thương hàng trăm người sẽ làm đảo lộn xã hội Mỹ. Cho nên tôi hoàn toàn thông cảm với thế đứng của Obama, khi cần đến Nga hợp tác đê thiêu huỷ kho vũ khí hoá học này. Tại sao không cần ai khác ngoài Nga ra ? Đặt câu hỏi tức là đã ngầm có câu trả lời rồi.
Bạn Nguyễn Văn nghĩ sao ?
Chào thân ái,
Lê Quốc Trinh, Canada
Chào bác Trinh,
Tôi xin phép chỉ nói ngắn gọn sơ qua những gì đã công khai trên báo chí và mọi người đã biết.
Trong kịch bản Syria có hai tài tử chính và nhiều tài tử phụ của cả hai phe, và hai tài tử chính lại là hai đối thủ đáng gờm nhất, đó là Mỹ và Nga.
Tổng thống Obama vì áp lực nên đã tuyên bố rằng nếu tìm thấy bằng chứng tổng thống Syria dùng vũ khí hóa học thì sẽ đánh. Ông tuyên bố thì ông phải giữ lời, và khi có bằng chứng thì ông phải hành động. Nhưng Obama không dám đánh, ông dùng ngoại giao áp lực quốc tế cũng như Liên Hiệp Quốc bắt tổng thống Bashar al-Assad phải rút lui, nhưng Bashar al-Assad không rút lui.
Như tôi đã nói, Syria là nước thân Nga và là quyền lợi cuối cùng mà Nga còn để tạo ảnh hưởng ở Trung Đông nên Nga quyết bảo vệ. Chính vì vậy nên dù áp lực nặng nề từ Mỹ và LHQ, Bashar al-Assad vẫn bình chân như vại. Obama ở vào thế kẹt, đã tuyên bố trước bàn quan thiên hạ mà không đánh thì quả là mất mặt. Ông có toàn quyền và được sự hậu thuẫn của quốc hội nhưng ông vẫn không dám đánh. Lý do là ông sợ. Ông không có bản lãnh của một tổng tư lệnh, tổng tư lệnh của một cường quốc bậc nhất (nếu ông còn làm tổng thống, sức mạnh quân sự của Mỹ sẽ ngày càng đi xuống). Tuy nhiên, ông sợ cũng có lý do, ông hiểu nếu đánh Syria là dồn Nga vào con đường phải trả đũa và chiến tranh sẽ lôi kéo nhiều nước tham chiến như Iran, Israel, Turkey, Anh, Pháp… Có nghĩa là chiến tranh thế giới.
Hiểu được “lòng” Obama và cũng để cứu lấy quyền lợi của mình, Nga liền đề nghị Bashar al-Assad từ bỏ và bàn giao vũ khí hóa học cho Mỹ để cứu cả hai Mỹ-Nga, hai tài tử chính, cũng như nhiều tài tử phụ và cả khán thính giả (thế giới) tránh đi đến bị hủy diệt – Nga vẫn bảo toàn quyền lợi của mìnhl và Obama cũng đỡ mất mặt vì không dám đánh. China cũng có tham dự trong quy trình phá hủy, nhưng vai chính vẫn là Mỹ-Nga.
Chỉ tiếc phim kịch tài tử nhiều mà chẳng có giai nhân!
Nói nhỏ. Nếu Mỹ đánh thì Putin cũng chẳng dám tham chiến; cũng như tình hình Ukraine bây giờ, nếu Nga liều đem quân bảo vệ quyền lợi mình, Mỹ và Âu Châu cũng rét.