WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Diễn viên đóng thế

viet

Đã nhiều lần viết về những buổi làm việc với công an, tôi đã thấy nhàm chán, không muốn viết về buổi sáng nay nữa. Nhưng, như một trách nhiệm, sau nửa ngày ngần ngại, tôi cố khắc phục sự ngán ngẩm, lười biếng, buổi tối buộc mình phải ngồi vào bàn viết.

Viết như một trách nhiệm tường trình, như một lời giãi bày, tâm sự với các Anh, các Chị đã và đang dành sự quan tâm, chia sẻ, sát vai đồng lòng cùng tôi.

Viết như san sẻ một chút thực tế với các anh, chị đang dấn thân vào cuộc đấu tranh cho dân chủ hóa đất nước sẽ phải nhận giấy mời, giấy triệu tập của công an đến “làm việc”. Vâng, tôi để chữ làm việc trong dấu nháy vì những cuộc như vậy không hẳn là làm việc.

Viết như một ghi chép lại bằng chứng, tư liệu lịch sử về một thời người dân Việt Nam khốn khổ phải sống trong nhà nước độc tài công an trị. Viết ghi lại hình hài con người văn hóa, con người nhân văn tong teo, còm cõi, suy kiệt ở những công cụ của bạo lực chuyên chính vô sản.

Viết vì trách nhiệm của trái tim như vậy, viết vì hôm nay và cả vì ngày mai nữa thì dù nhàm chán và ngán ngại đến đâu nhưng nếu còn phải nhận những giấy mời, giấy triệu tập ngạo ngược ra uy, coi thường người dân như vừa qua thì tôi sẽ còn phải viết.

Đúng thời gian theo giấy mời đến công an xã Phước Kiển “làm rõ nội dung thư kháng nghị”, 8 giờ 30 sáng thứ ba, 7.10.2014, tôi có mặt ở nơi tôi đã nhiều lần ngồi với công an. Lần công an bắt tôi như xã hội đen bắt cóc người dẫn giải tôi về đây giam giữ suốt cả ngày. Lần tôi tự đến theo giấy mời của công an cũng giống như hôm nay.

Trước mặt tôi, phía bên kia chiếc bàn dài có ba người. Ông Hoàng, ngoài năm mươi tuổi mặc đồ dân sự, tự giới thiệu là ở văn phòng phía Nam. Ông nói lấp lửng như vậy và tôi cứ nghĩ rằng ông ở văn phòng phía Nam bộ Công an nên không hỏi thêm nhưng đến cuối buổi làm việc, khi tôi hỏi thăm về cá nhân thì ông Hoàng lại bảo ông không phải công an. Ông Sang, ngoài bốn mươi tuổi cũng mặc dân sự mà tôi đã giáp mặt vài lần. Lần đầu, tôi ngồi làm việc với ông Sang cũng ngay tại gian phòng này, chiếc bàn này về những bài viết của tôi. Lần thứ hai tôi giáp mặt ông Sang là khi tôi bị bắt cóc đưa về đây. Trong số những người trông coi giam giữ tôi có cả ông Sang. Lần thứ ba, lần thứ tư tôi giáp mặt ông Sang là khi tôi nhận ra ông Sang có mặt trong số những người chốt chặn trước nhà tôi, những ngày đầu tháng chín, năm 2014. Người thứ ba mặt còn bầu bĩnh của tuổi đôi mươi, mặc sắc phục công an xã, gờ vai áo có phù hiệu với chữ CAX (công an xã). Giấy trước mặt, bút trong tay, CAX cắm cúi viết. Cuối buổi làm việc, đọc biên bản, tôi mới được biết CAX có tên Lê Chí Hiếu “cán bộ ghi biên bản”.

Với từ “hợp tác” thường được công an sử dụng, ông Hoàng đặt vấn đề buổi làm việc về thư kháng nghị của tôi và đề nghị tôi hợp tác. Ông nói thêm: Buổi làm việc có ghi âm, có quay phim để có trách nhiệm và có bằng chứng, sau này có cái đối chiếu, anh có ý kiến gì không? Thưa anh Hoàng. Sự có mặt của tôi ở đây đã là thể hiện sự hợp tác của tôi rồi. Tôi cũng mong có buổi làm việc này và tôi xin cảm ơn các anh đã dành thời gian xem xét thư kháng nghị của tôi. Thư kháng nghị của tôi là rõ ràng, đúng đắn. Vì thế, về nghiệp vụ các anh thấy cần ghi âm, ghi hình buổi làm việc này thì các anh cứ ghi.

Công an nhà nước cộng sản Việt Nam hôm nay có quá nhiều tướng, quá đông quân, quá đủ trang thiết bị hiện đại cho nghiệp vụ trị dân và họ cũng tự cho mình cái quyền muốn ghi âm, ghi hình ai thì ghi, không cần báo, không cần hỏi người bị thu lời, ghi mặt. Nhưng hôm nay ông Hoàng đã hơn một lần nhắc đến việc quay phim, ghi âm với tôi. Họ tôn trọng tôi ư? Tôi cười thầm. Còn lâu công cụ bạo lực chuyên chính vô sản mới biết cúi đầu tôn trọng người dân. Sự nhấn mạnh ghi âm ghi hình của ông Hoàng làm cho tôi chợt nhận ra điều bất thường: Máy ghi hình phải có người sử dụng điều chỉnh khuôn hình nhưng khi tôi vào phòng làm việc đã thấy chiếc máy như máy ảnh bé xíu đặt trên giá ba chân hướng ống kính về giữa bàn làm việc và cứ để đó suốt buổi, không có ai điều chỉnh để thu mặt mũi người được ghi hình vào khuôn hình. Còn ghi âm là chiếc điện thoại di động cũng bé xíu của ông Sang để trên bàn.

Vừa giáo đầu làm việc, tôi mới nhỏ nhẹ thưa gửi được vài lời thì ông Hoàng đã hai lần nhắc: Anh Trọng đừng căng thẳng. Tôi cho rằng mấy trò ghi âm, ghi hình, nhắc nhở đừng căng thẳng chỉ để tạo áp lực tâm lí nên tôi mỉm cười, nói: Tôi thấy có được buổi làm việc này là rất tốt nên tôi rất thoải mái. Thưa anh Hoàng. Để có thể hợp tác, tôi có một đề nghị là làm việc đúng pháp luật, có văn hóa. Mà văn hóa cao nhất là tình người, là cư xử có tình. Và tôi cũng mong buổi làm việc có kết quả. Mà kết quả cần phải có là những hành xử vi phạm pháp luật của công an đối với tôi phải vĩnh viễn chấm dứt. Làm việc đúng pháp luật là giấy mời tôi đến đây để “làm rõ nội dung thư kháng nghị” thì chỉ làm việc về thư kháng nghị của tôi mà thôi, không làm những nội dung khác. Giấy mời cũng ghi tôi đến đây làm việc với ông Toàn, ông Sang. Nhưng ở đây không có ông Toàn. Và trong giấy mời không có tên anh Hoàng, tức là anh Hoàng không phải là người làm việc với tôi. Nhưng thôi, điều đó bỏ qua.

Tôi cần ghi chú thêm một chút. Ông Toàn không có ở công an xã Phước Kiển nhưng có ông Tuấn, công an cấp thành phố. Ông Tuấn là người luôn theo sát tôi suốt mấy năm qua. Người đã ngồi làm việc với tôi ở nhà tôi khi tôi còn ở quận Tân Bình. Người đã làm việc với tôi ở công an phường Bến Thành khi tôi đi dự phiên tòa công khai xử phúc thẩm Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải mà bị bắt đưa từ tòa án thành phố về công an phường Bến Thành. Và còn nhiều lần ông Tuấn và tôi giáp mặt nhau nữa. Tôi dắt xe vào sân công an xã Phước Kiển thoáng thấy ông Tuấn đứng ở phía trong cùng mảnh sân. Nhìn thấy tôi, ông Tuấn liền đi khuất vào sau lùm cây cạnh nhà ủy ban xã. Như vậy ông Tuấn từ trên công an thành phố có đến đây nhưng không ra mặt làm việc với tôi.

Đặt điện thoại trên bàn, đầu điện thoại hướng về phía tôi, ông Sang: Chú cho biết họ tên, nơi cư trú. Thưa anh Sang. Đây không phải là cuộc điều tra, lấy lời khai, không phải là lấy cung. Đây là buổi làm việc về thư kháng nghị của tôi. Trong thư kháng nghị tôi đã ghi đầy đủ họ tên, chỗ ở nên tôi không nói lại. Ông Sang giải thích rằng biên bản cần có đủ thủ tục và còn ghi âm nữa nên tôi cần nói họ tên, nơi ở để ghi âm. Nếu vậy, các anh cầm thư kháng nghị của tôi đọc to họ tên, địa chỉ của tôi lên. Ông Hoàng phải lên tiếng đề nghị cho qua phần thủ tục này.

Ông Hoàng đưa cho tôi thư kháng nghị của tôi được in ra từ trên mạng bảo tôi đọc xem có đúng thư tôi viết không. Thưa anh Hoàng. Tôi vừa đọc vừa phải đối chiếu với bản gốc thì lâu lắm. Tôi có bản gốc đây. Anh cho photo rồi anh giữ một bản. Tôi khỏi đọc và đối chiếu. Bản gốc thư kháng nghị của tôi được đưa sang phòng bên photo. Ông Hoàng đề nghị tôi kí vào một bản và ông giữ bản có chữ kí của tôi.

Cầm thư kháng nghị của tôi trên tay, ông Hoàng nói: Tôi được biết anh hay viết rồi đưa lên mạng về nhiều sự việc. Tôi đề nghị có gì không hài lòng, anh cứ phản ảnh theo kênh nhà nước sẽ được trả lời. Câu này được ông Hoàng nhiều lần nhắc lại trong buổi làm việc. Bảo tôi hay viết về nhiều sự việc nhưng ông Hoàng lại hỏi: Thư kháng nghị do anh tự viết hay ai viết. Tôi nói: Tôi là nhà văn mà không viết nổi cái thư hai trang phải nhờ người khác viết sao?

Vì ông Hoàng bảo tôi nói cụ thể về những điều làm cho tôi phải phản ứng với công an thành phố, tôi phải nhắc lại những sự việc. Không cần giấy tờ, chỉ bằng trí nhớ tôi nhắc lại rành rọt những con số:  Sáng chủ nhật, 18.5.2014, tôi đang đi bộ trong vườn cây trước dinh Thống Nhất, từ phía sau, hai cánh tay thọc vào hai nách, một bàn tay bịt miệng tôi, lôi xuống đường Lê Duẩn, tống tôi vào chiếc ô tô biển số 51A535.20, chạy ra Cần Giờ và giữ tôi ngoài đó suốt một ngày. Sáng chủ nhật, 24.8.2014, khi tôi vừa ra khỏi nhà đi ăn sáng, cả chục công an xô đến bắt cóc tôi, tống tôi vào chiếc ô tô 52N2654 đưa về công an xã Phước Kiển và cũng giữ tôi ở đây suốt một ngày. Từ 26.8.2014 đến 8.9.2014 ngày nào cũng có từ 6 đến 10 công an mặc dân sự cùng chiếc ô tô 52N2654 chở người bị bắt, đến chốt chặn trước nhà tôi. Tôi chở đứa cháu đi học, hai công an trên một xe máy theo sát tôi. Tôi thả cháu ở trường, hai công an ép tôi phải quay về ngay. Sau thư kháng nghị ngày 8.9.2014 của tôi, tưởng việc công an phong tỏa nhà tôi sẽ chấm dứt nhưng đến tận ngày chủ nhật, 5.10.2014, mới cách đây hai hôm, bảy công an mặc dân sự lại đến chốt chặn trước nhà tôi từ mờ sáng đến chiều.

Ông Hoàng: Anh có biết lí do vì sao họ làm như vậy với anh không? Thưa anh Hoàng. Vì sao họ làm như vậy thì anh phải hỏi họ chứ sao lại hỏi tôi. Họ làm như vậy chỉ gây cho tôi ấn tượng rất mạnh về sự ngang nhiên vi phạm pháp luật của họ, những công an nhân dân, lực lượng bảo vệ pháp luật.

Ông Sang hỏi: Sao chú biết những người đó là công an? Anh Sang ạ, ngày 18.5.2014, tôi bị bắt trước dinh Thống nhất ngay trước mắt rất đông công an. Những người bắt tôi tự nhận là công an cấm tôi ra khỏi nhà. Ngày 24.8.2014, những người bắt tôi, tống tôi vào chiếc ô tô 52N2654 chạy thẳng vào công an xã Phước Kiển và phòng giam giữ tôi trong trụ sở công an Phước Kiển là phòng có hai bàn làm việc, luôn có cán bộ công an Phước Kiển ra vào. Còn có cả ông Thành, phó ban an ninh ấp 3 xã Phước Kiển đến gặp tôi, khuyên nhủ tôi rằng nếu tôi hứa không đi đâu ra khỏi nhà, ông Thành sẽ nói các anh công an để tôi về nhà. Còn trong số những người đến chốt chăn trước nhà tôi, tôi nhận ra có cả anh Sang nữa.

Ông Sang vội chối đây đẩy: Tôi không biết nhà chú ở đâu. Tôi gặp chú lần này mới là lần thứ hai. Anh Sang ơi, mắt tôi còn tinh lắm, không nhìn gà hóa cuốc đâu và trí nhớ tôi còn rất tốt. Hôm tôi thấy anh Sang cùng những người chốt chặn trước nhà tôi, anh Sang mặc áo thun trắng. Chú thấy tôi sao chú không hỏi. Tôi định chào anh Sang nhưng thấy tôi, anh Sang liền quay mặt đi nên tôi không chào nữa.

Tôi xác định và dẫn chứng như vậy nhưng ông Sang vẫn một mực nói rằng hôm nay ông Sang mới gặp tôi lần thư hai. Tôi nhìn ông Sang. Một dáng vẻ rất đàn ông. Mặt sáng sủa. Dáng cao ráo, sức vóc. Thật tiếc, đó lại là người đàn ông không có dũng khí đàn ông, lẩn tránh trách nhiệm, dám làm mà không dám chịu trách nhiệm! Không dám nhận việc mình làm tức là biết việc làm đó là sai. Sai nhưng vẫn hăm hở làm để có thành tích. Tôi nói: Đi lại cũng như ăn uống, hít thở là nhu cầu không thể thiếu của người đang sống, là quyền cơ bản của con người. Hiến pháp Việt Nam 2013 cũng ghi “Công dân có quyền tự do đi lại, tự do cư trú ở trong nước”. Thế mà công an đã ngang nhiên tước đoạt quyền tự do đi lại của tôi, một công dân tư do, lương thiện, không làm gì phạm pháp.

Ông Hoàng nói rằng anh em dưới này làm việc quá lố ông sẽ cho kiểm tra lại và ông hỏi tôi: Sự có mặt của những người ở trước nhà anh, có ai thấy không? Người dân trong khối nhà tôi ở đều thấy cả. Gần chục thanh niên trẻ khỏe suốt từ sáng sớm đến tối cứ vật vờ, la cà trước nhà, làm sao không thấy. Người dân cũng biết rõ những người đó đều là công an. Hôm chủ nhật, 5.10.2014, tôi chỉ nhận ra được sáu người đến chốt chặn. Nhưng có ông bạn ở cùng tòa nhà mách cho tôi biết số người chốt chặn là bảy chứ không phải sáu. Năm giờ sáng, ông bạn đó xuống nhà tập thể dục đã thấy có hai người. Một lúc sau thêm năm người nữa. Sự xuất hiện của công an đông đảo và dài ngày như vậy làm cho người dân xì xào, hoang mang, xao xác, bất an cả khu nhà.

Anh hay ai đưa thư kháng nghị của anh lên facebook? Anh có facebook lâu chưa? Hỏi những câu đó rồi ông Hoàng lại nói: Có gì không đồng tình, anh cứ gửi vào kênh góp ý sẽ có người trả lời. Thưa anh Hoàng. Chúng tôi đã nhiều lần kí kiến nghị gửi theo kênh nhà nước đến những người có trách nhiệm mà có ai trả lời đâu. Anh kiến nghị việc gì? Chúng tôi kiến nghị dừng dự án bô xít và đã cử người mang trực tiếp kiến nghị đến văn phòng Quốc hội. Trong dịp sửa đổi hiến pháp 1992, Quốc hội kêu gọi người dân tham gia xây dựng hiến pháp mới, chúng tôi hưởng ứng liền kiến nghị về những nội dung cần sửa đổi và cũng có một đoàn do nguyên Bộ trưởng bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc dẫn đầu mang kiến nghị giao trực tiếp cho ban sửa đổi hiến pháp. Những ai kí kiến nghị đó? Nhiều lắm. Có kiến nghị hàng trăm người kí. Có kiến nghị hàng ngàn người kí. Anh có nhớ tên những người kí không? Nội dung kiến nghị và tên những người kí kiến nghị đều đã công bố đầy đủ, công khai trên các trang mạng. Những trang mạng nào? Ông Hoàng hỏi dồn dập, tỏ ra không biết gì đến những kiến nghị được đông đảo người dân quan tâm. Ông cũng tỏ ra không biết đến những trang mạng xã hội. Khi tôi nói trang mạng đăng những kiến nghị và đăng tên người kí kiến nghị là trang Bô xít Việt Nam thì ông càng bất ngờ, hỏi: Trang Bô xit là trang nào? Ông lại dồn dập hỏi những câu của người chưa hề biết đến thế giới mạng, tôi phải nói: Thôi, những cái đó không liên qua đến nội dung làm việc hôm nay. Xin quay về với thư kháng nghị.

Ông Sang đưa cho tôi tờ giấy A4 in lại trang facebook của tôi ngày 10.9.2014, ngày tôi post thư kháng nghị và hỏi: Đây có phải trang facebook của chú không? Tôi xác nhận ngay. Ông Sang nói: Ngày mười tháng chín thư kháng nghị mới có trên facebook của chú. Nhưng từ ngày chín tháng chín nó đã có trên trang Ba Sàm. Nghe nhắc đến tên một trang mạng mới, ông Hoàng lại hấp tấp hỏi: Trang Ba Sàm là trang nào? Không quan tâm đến vẻ bỡ ngỡ của ông Hoàng, ông Sang tiếp: Như vậy thư kháng nghị này chú lấy từ trên trang Ba Sàm? Không phải là do chú viết.

Tôi giải thích rằng viết xong thư kháng nghị, trước khi chính thức gửi đến những địa chỉ mà thư cần gửi tôi đã chuyển tới các anh chị trong Diễn đàn Xã hội Dân sự, Văn đoàn Độc lập và hội Nhà Báo Độc lập mà tôi là thành viên để thông báo và mong được sự hỗ trợ tinh thần từ các tổ chức đó. Chính vì thế từ thư kháng nghị của tôi đã có thêm thư kháng nghị của Diễn đàn Xã hội Dân sự có chữ kí của nhiều người và có Tuyên bố của Văn đoàn Độc lập Việt Nam “về việc nhà văn Phạm Đình Trọng bị công an sách nhiễu”.

Nghe những tên Diễn đàn Xã hội Dân sự, Văn Đoàn Độc lập .  .  . ông Hoàng lại tỏ ra bất ngờ, lạ lẫm và lại hỏi dồn dập. Còn ông Sang thì vẫn nhắc đi nhắc lại hai mốc thời gian trên trang Ba Sàm và trên facebook của tôi để bảo rằng thư kháng nghị là lấy từ trang Ba Sàm, không phải do tôi viết. Nhưng điều đó có gì quan trọng nhỉ?

Có lẽ ông Hoàng cũng thấy điều ông Sang quan tâm là không có gì quan trọng nên trao đổi nhỏ với ông Sang cho kết thúc buổi làm việc. Ông Hoàng hướng về phía tôi, nói: Tôi sẽ về kiểm tra những điều anh phản ảnh và sẽ có giấy mời anh đến để chúng tôi trả lời. Tôi đề nghị anh từ nay có gì không hài lòng thì anh cứ viết rồi gửi theo kênh nhà nước, đừng gửi lung tung.

Ông Sang chuyển cho tôi biên bản làm việc. Nhìn biên bản tôi lại thấy thêm những điều rất không bình thường phải được gọi đúng tên là khuất tất. Hai chủ thể chủ trì buổi làm việc là ông Hoàng và ông Sang đều không có tên trong biên bản, thay vào đó là tên ông Lâm Ngọc Thích, trưởng công an xã, người hoàn toàn không có mặt trong buổi làm việc. Ghi biên bản là một công an cấp xã trẻ măng vì thế số chữ ghi được vào biên bản sau hai giờ làm việc cũng chỉ được vài trăm từ. Cái biên bản khuất tất, sai lệch, không trung thực và thiếu hụt về buổi làm việc đã chứng tỏ những người bày đặt ra buổi làm việc này cũng chẳng coi buổi làm việc ra gì và buổi làm việc cũng chẳng phải để “làm rõ nội dung thư kháng nghị”. Vì thế cái sự ghi âm, ghi hình “buổi làm việc” cũng chỉ là một trò đùa. Chẳng cần mất thời gian đọc biên bản tôi ghi ngay vào vị trí kí tên của tôi ở biên bản rằng: “Tôi xác nhận có buổi làm việc với ông Hoàng và ông Sang”. Vì ở biên bản phần ghi tên những người tham gia làm việc không có tên ông Hoàng, ông Sang nên tôi phải ghi rõ rằng tôi làm việc với ông Hoàng, ông Sang chứ không phải làm việc với ông Lâm Ngọc Thích để chỉ ra sự khuất tất của biên bản.

Sau khi tôi có ý kiến về việc ông Lâm Ngọc Thích không tham dự buổi làm việc lại có tên ở vị trí người chủ trì, ông Lâm Ngọc Thích mới được ông Sang mời đến. Nhưng ông Thích mặc cảnh phục hàm trung tá vừa lặng lẽ ngồi ghé xuống chiếc ghế ở góc bàn thì ông Hoàng lại tỏ ra ngạc nhiên liền hỏi: Anh là ai mà vào ngồi đây?

Đến phút cuối cùng ngồi chuyện gẫu hỏi thăm cá nhân mới lộ ra cái bi hài, cái trò đùa dai của buổi làm việc này. Tôi hỏi thăm, ông Hoàng cho biết ông quê ở Vĩnh Long, nhà ở quận Một Sài Gòn. Tôi nói: Nhà anh ở quận Một thì đến Văn phòng phía Nam đường Nguyễn Trãi cũng gần. Ông Hoàng liền cải chính: Văn phòng phía Nam ở đường Nguyễn Trãi là của bộ Công an. Tôi không ở bộ Công an. Ơ kìa, đại tá Hồ Quang Thắng trưởng công an huyện Nhà Bè kí giấy mời tôi đến làm việc thì phải làm việc với công an chứ. Sao ông Hoàng không phải công an lại đến đây làm việc với tôi! Bất ngờ quá, tôi hỏi: Thế anh ở bộ nào? Tôi ở cơ quan pháp luật. Ông Hoàng nói thêm: Có cái không thể công khai được. Tôi nói: Buổi làm việc hôm nay chỉ là sự việc bình thường của đời sống dân sự. Cơ quan anh Hoàng làm việc dù là cơ quan pháp luật cũng làm việc với dân, có gì liên quan đến an ninh quốc gia đâu mà không thể công khai. Ông Hoàng im lặng.

Hóa ra ông Hoàng chỉ là chân gỗ, là cascadeur, diễn viên đóng thế! Ông Hoàng là diễn viên đóng thế người chủ trì buổi làm việc còn ông trưởng công an xã Phước Kiển Lâm Ngọc Thích là diễn viên đóng thế ở biên bản làm việc!

Ông Hoàng, diễn viên đóng thế nói rằng sẽ về kiểm tra lại và một buổi khác sẽ mời tôi đến làm việc để nghe trả lời. Không! Tôi sẽ không đến công an làm việc về thư kháng nghị của tôi nữa. Thư kháng nghị của tôi gửi Chủ tịch nước và Bộ trưởng Công an thì chỉ hai nơi đó mới có trách nhiệm trả lời. Thư kháng nghị của tôi tố cáo việc làm vi phạm pháp luật của công an thì bị cáo không thể lại là người phán xử giải quyết tố cáo được. Bị cáo ngồi ghế phán xử nên mới có sự quanh co của ông Sang và mới có chuyện diễn viên đóng thế bi hài này.

LỜI CUỐI.

Tôi là người trong cuộc viết lại trung thực những gì vừa xảy ra nhưng Diễn Viên Đóng Thế có cốt cách như một truyện ngắn hư cấu. Tôi có thể xác quyết rằng nhà văn dù có sức tưởng tượng phong phú đến đâu cũng không thể hư cấu nổi truyện Diễn Viên Đóng Thế đã diễn ra trong đời thực của xã hội Việt Nam thời độc tài công an trị.

Hỡi các nhà văn. Chúng ta đang được sống trong thời mà cuộc đời ngồn ngộn, lấp lánh chất liệu của văn chương. Hãy về với đời thực cùng chia sẻ khổ đau, vật vã với nhân dân thân yêu để có những trang viết chân thực về nhân dân, cho nhân dân, cho cuộc đời. Đừng cam chịu viết những điều giả dối, nhạt nhẽo, vô hồn minh họa cho cái lí tưởng đã chết khô, đã là rác thải của lịch sử rồi ngửa tay nhận bổng lộc và tranh nhau mấy cái giải thưởng, danh hiệu hão. Bổng lộc, giải thưởng, danh hiệu cũng từ đồng tiền thuế mồ hôi nước mắt của dân đấy.

© Phạm Đình Trọng

© Đàn Chim Việt

1 Phản hồi cho “Diễn viên đóng thế”

  1. Tran Triet says:

    Cam on Bac Trong da chia se kinh nghiem de chung chau hoc hoi – Chuc Bac luon manh khoe.

Leave a Reply to Tran Triet