WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Nước Mỹ Vĩ Đại

 

Nhận định về nước Mỹ của một người Việt sống ở quốc gia này trên 40 năm nhân dịp Lễ Độc Lập Hoa Kỳ 2015.

laba.ws_USA_Independence_Day

Nhờ phim ảnh và sách báo, từ nhỏ tôi đã nghĩ là Hoa Kỳ là một nước vĩ đại. Không đầy hai thế kỷ từ ngày lập quốc, Hoa Kỳ đã trở thành một cường quốc số một của thế giới sau Đệ Nhất Thế Chiến. Vào đầu thập niên 70, sau nhiều cam go, xin được học bổng của Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế (U.S. Agency for International Development viết tắt là USAID) tôi được đặt chân đến Hoa Kỳ, một cơ hội cho tôi lần mò tìm hiểu làm thế nào Hoa Kỳ lại hùng mạnh đến như vậy.

Cơ quan USAID đề nghị ba trường đại học cho tôi tự ý chọn: Ohio State University, Louisiana State Unversity, và University of Florida. Tôi sợ lạnh nên lựa đại học của vùng nắng ấm Florida. Khi tôi nhập học, trường cho tôi ở chung với ba sinh viên Hoa Kỳ trong một phòng lớn có hai phòng ngủ và một phòng khách và bếp nối liền nhau ở tầng 9 trong một cao ốc 12 tầng.

Không đầy một tháng, tôi được tin cơ quan Quản Trị Hàng Không và Không Gian Quốc Gia (National Aeronautics and Space Administration viết tắt là NASA) báo tin về ngày phóng phòng thí nghiệm không gian (skylab) vào quỹ đạo trái đất. Tôi muốn chứng kiến một chương trình vĩ đại của nước Mỹ. Rất tiếc rằng cửa sổ phòng của chúng tôi hướng về phía bắc, trong khi đó Cape Canaveral, nơi phóng hỏa tiến lại ở về hướng nam. Cho dù ở cùng hướng, tôi cũng không nhìn thấy hỏa tiễn phóng lên, vì hai nơi cách xa nhau 170 dặm.

Những thứ vĩ đại của nước Mỹ người ta thường nghĩ đến là những tòa nhà chọc trời ở New York, hệ thống xa lộ chằng chịt bao trùm khắp nước Mỹ, chương trình Appolo đưa con người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, phi thuyền con thoi, số giải thưởng Nobel dành cho những nhà bác học Hoa Kỳ, lợi tức đầu người trung bình của người dân Hoa Kỳ và những trường đại học nổi tiếng. Theo điều nghiên của Đại Học Jaotong tại Thượng Hải, trong 20 trường đại học tốt nhất thế giới, 17 trường là của Hoa Kỳ. 1/

Kề từ ngày tới Mỹ du học đến nay, tôi đã ở liên tục trên đất nước này trên 40 năm, nhiều hơn cả thời gian ở Việt Nam. Thời gian này dài đủ để buộc tôi phải hiểu thêm về quốc gia trẻ trung và hùng mạnh này. Vai trò đại cường quốc mà nước Mỹ đạt được không phải là nhờ nước Mỹ rộng lớn, trải dài từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương. Thật vậy, Liên Bang Nga lớn gấp bội so với Hoa Kỳ. Trung Quốc và Canada có một diện tích xấp xỉ với Hoa Kỳ. Brazil và Úc cũng không thua Hoa Kỳ về diện tích bao nhiêu.

Nước Mỹ vĩ đại cũng không phải vì dân số đông. Thật vậy, Trung Quốc và Ấn Độ có dân số lớn gấp trên dưới bốn lần so với dân số của Hoa Kỳ nhưng tổng sản phẩm nội địa trung bình đầu người của Trung Quốc và Ấn Độ thua xa Hoa Kỳ. Singapore, Norway, và Switzerland có lợi tức đầu người trung bình hơn cả Hoa Kỳ mặc dù ba nước này rất nhỏ về cả diện tích lẫn dân số.

Nước Mỹ làm được những thứ vĩ đại chính là nhờ vào những điều rất tầm thường nhưng vô cùng quan trọng, nhiều quốc gia như Việt Nam không có được vì gánh nặng văn hóa chậm tiến đè nặng trên vai trên cổ của họ cùng với một mớ giáo điều lỗi thời.

Tôi đến nước Mỹ lần đầu tiên vào mùa xuân 1970 trong một chương trình huấn luyên quân nhu và du sát trong 4 tháng. Thỉnh thoảng chúng tôi được cho đi thăm thú một vài danh lam thắng cảnh của nước Mỹ bằng xe buýt. Mỗi khi gần đến các đoạn đường có đường xe lửa chạy ngang, ông tài xế cho ngừng xe lại, mở hết các cửa xe ra, rồi mới vượt qua đường sắt, mặc dù ở ngay giữa đồng không mông quạnh, không thấy một bóng dáng xe cộ nào cả. Ngày nay, thỉnh thoảng lái xe ban đêm khoảng một hai giờ sáng, tôi vẫn thấy người ta chịu khó chờ đèn xanh chứ không vượt đèn đỏ, mặc dù đường xá vắng tanh. Tinh thần kỷ luật của dân Mỹ nói chung rất cao là một trong những yếu tố làm cho nước Mỹ hùng mạnh. Dân Mỹ tôn trọng kỷ luật một phần vì luật pháp ở Hoa Kỳ rất nghiêm minh. Luật do chính người dân làm ra qua những người đại diện của họ trong chính quyền hoặc các cơ quan lập pháp.

Tôi làm việc nhiều năm trong Washington-DC. Thỉnh thoảng tôi đi bộ đến National Geographic Society (NGS) vào giờ trưa để xem triển lãm, tìm kiếm bản đồ, và sách báo về địa dư. Trong một thời gian rất lâu tôi vẫn tưởng NGS là một cơ quan của chính phủ, vì tầm vóc của cơ quan này về phương tiện cũng như hoạt động rất lớn, nhưng thật ra đây là một hội tư nhân bất vụ lợi, thành lập từ năm 1888, chuyên nghiên cứu về địa dư, khảo cổ, khoa học tự nhiên, và bảo vệ môi trường. NGS có 700 triệu độc giả mỗi tháng. Những ấn phẩm được in bằng 40 ngôn ngữ khác nhau. Ngân sách hàng năm vào khoảng $500 triệu.

NGS là một trong hơn 1.5 triệu tổ chức phi chính phủ (non-governmental organization viết tắt là NGO) tại Hoa Kỳ. 2/ Những tổ chức này đóng những vai trò tích cực trong việc soạn thảo luật, hoạch định chánh sách của chính phủ, ảnh hưởng đến mọi tầng lớp của xã hội. Hoạt động của những tổ chức này bao gồm các vấn đề như nhân quyền, lao động, môi trường, phát triển, sức khỏe, kế hoạch gia đình, từ thiện, bảo vệ súc vật, bảo vệ nhóm thiểu số, v.v. Một số tổ chức không cung cấp dịch vụ, mà chỉ nhắm vận động hành lang để bênh vực quyền lợi của nhóm người mà tổ chức đại diện. NGO đóng một vai trò vô cùng quan trọng giúp cho Hoa Kỳ hùng mạnh.

Tôi có một người bạn già tri kỷ ở cùng tiểu bang Virginia. Anh ta có một người con học rất khá ở bậc trung học, nên University of Virginia (UVA) cho học bổng toàn phần 4 năm. Theo xếp hạng của U.S. News & World Report, UVA đứng thứ 23 trên toàn nước Mỹ nhưng đứng đầu về chương trình kỹ sư bậc cử nhân, hạng nhì so với các trường đại học công, và hạng 6 về ngành kinh doanh. Nhưng đứa con của anh bạn tôi từ chối học bổng này và chọn University of Pennsylvania, một trong tám trường Ivy League nổi tiếng, xếp hạng thứ 8 trong tổng số các trường đại học ở Mỹ. Khi học xong bậc cử nhân, đứa con của bạn tôi được cả năm trường đại học giỏi nhất nước Mỹ nhận vào học.

Ở Hoa Kỳ, sinh viên giỏi có nhiều cơ hội lựa chọn trường tốt. Các trường dành sinh viên giỏi. Các công ty và các cơ quan chính phủ đôi khi đến tận các trường nổi tiếng để tuyển sinh viên giỏi tốt nghiệp. Hệ thống ganh đua và lựa chọn như vậy đã giúp đưa nhiều người tài năng vào những chức vụ lãnh đạo trong mọi lãnh vực. Chính vì vậy mà nước Mỹ tiến mạnh, không một quốc gia trên thế giới hiện nay có thể bắt kịp.

Theo bảng xếp hạng hàng năm của Viện Quốc Phát Triển Quản Trị (International Institute of Management Devlopment viết tắt là IMD) tại Lausanne, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ đứng đầu trong danh sách những nước có khả năng cạnh tranh cao nhất thế giới, tiếp theo là Thụy Sĩ, Hồng Kông, Thụy Điển, và Singapore. Đức đứng hạng 9. Trung Quốc và Nga lần lượt đứng hạng 21 và 42 trong số 60 quốc gia IMD nghiên cứu.

Một trong những lý do khiến Hoa Kỳ có khả năng cạnh tranh cao là do năng suất lao động của Hoa Kỳ cao. Năng suất lao động được đo lường bằng tỉ lệ tổng sản lượng nội địa trên tổng số giờ làm việc. Theo thống kê 2012 của Tổ Chức Hợp Tác Kinh Tế và Phát Triển (Organization for Economic Cooperation & Development viết tắt là OECD), Hoa Kỳ xếp hạng thứ tư sau Norway, Luxembourg, và Ireland. Nga đứng hạng 36, trên Mexico trong số 37 nước thành viên trong tổ chức OECD. 3/

Một trong những khổ tâm trong thời gian học tại Việt Nam là lối học từ chương. Khi chuẩn bị thi tú tài, học trò phải thuộc lòng cùng một lúc nhiều môn học khác nhau đã học suốt năm. Vì học theo sách vở và rất ít thực hành nên nhiều khi thuộc như con vẹt mà không hiểu và do đó thi xong là quên. Lối giáo dục này tiếng Mỹ gọi là “drill-and-kill teaching” hiện vẫn còn áp dụng ở Trung Quốc và Việt Nam cộng thêm giáo điều xã hội chủ nghĩa và tư tưởng Hồ Chí Minh. Một trong điều may mắn khi được học ở nước Mỹ là chương trình theo lối tín chỉ. Thi xong môn nào vừa học trong ba hay sáu tháng là có điểm môn đó. Thường thường học mới có nửa khóa là đã phải thi giữa khóa. Các bài thi đòi hỏi sinh viên phải suy nghĩ chứ không phải thuộc lòng.

Sinh viên sợ nhất là thi mở sách (open book exam hay take-home exam) vì phải dùng sự xét đoán rất nhiều, thường áp dụng cho sinh viên cao học. Lối học thuộc lòng làm thui chột óc sáng tạo. Khi thính giảng tại School of Advanced International Studies của Johns Hopkins University, tôi thường cho sinh viên chọn một cuốn sách trong danh sách sách cần đọc và thường chỉ đòi sinh viên trả lời bốn câu hỏi: (1) Tác giả muốn nói gì?; (2) Những điểm đồng ý và tại sao; (3) Những điểm không đồng ý và tại sao? và (4) Kết luận.

Sáng tạo và khả năng cạnh tranh liên quan trực tiếp với nhau. Theo GS Richard Florida, University of Toronto, không ai rõ sự phồn thịnh, một phép lạ ở Hoa Kỳ trong hơn một thế kỷ vừa qua, thực sự do những nguyên nhân nào. Tuy nhiên theo ông, sự thành công của Hoa Kỳ do một nhân tố then chốt là việc đón nhận những ý kiến mới. Ý kiến không từ trên trời rơi xuống mà đến từ con người. Tất cả những tiện nghi và những phát minh làm gia tăng năng suất như iPod và GPS đều do con người tạo ra. Khối nhân lực sáng tạo 38 triệu người của Hoa Kỳ bao gồm những khoa học gia, kỹ sư, kiến trúc sư, nhà giáo dục, nghệ sĩ, nhạc sĩ, và những người giúp vui. Nhiệm vụ của họ là tạo ra những sáng kiến, kỹ thuật mới, hoặc là nội dung mới. 4/ Để khuyến khích sức sáng tạo, luật pháp Hoa Kỳ tuyệt đối bảo vệ các phát minh và bản quyền, kể cả một tấm hình vừa được máy ảnh thu vào hay một bản nhạc vừa được sáng tác.

Nhờ vào chính sách di dân rộng rãi, Hoa Kỳ đã thu nhận nhiều nhân tài từ những nước khác, đặc biệt từ Âu Châu khi nhiều người trốn tránh chế độ Phát Xit và Cộng Sản trong thời kỳ Thế Chiến Thứ Hai và chiến tranh lạnh. Nhà Vật Lý và Triết Gia Albert Einstein, từng mang nhiều quốc tịch khác nhau: Wurttenberg, Thụy Sĩ, Áo, và Đức. Trong một chuyến viếng thăm nước Mỹ vào 1933, là một người theo đạo Do Thái, ông quyết định không trở lại Đức khi Adolf Hitler lên làm tổng thống để trốn tránh chế độ Nazi. Albert Einstein trở thành công dân Mỹ vào năm 1940.

Kỹ Sư Không Gian gốc Đức Wernher von Braun định cư tại Hoa Kỳ sau khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt ở Âu châu. Khoa Học Gia Điện Toán gốc Nga Sergey Mikkhaylovich Brin di dân đến Mỹ vào năm 1979 khi mới 6 tuổi. Gần 20 năm sau, ông cùng với bạn học cũ Larry Page ở Stanford University thành lập công ty Google. Kỹ Sư Điện gốc Ấn Độ Sabeer Bhatia du học ở Mỹ từ năm 1988, đồng sáng lập Hotmail cùng với đồng nghiệp Jack Smith vào năm 1996 với 369 triệu người sử dụng, xếp hạng hai sau Google. 5/

Kinh tế Hoa Kỳ phát triển qua ba thời đại. Trước nhất là thời đại nông nghiệp. Kế tiếp là thời đại kỹ nghệ hóa. Trong ba hay bốn thập niên vừa qua, Hoa Kỳ đã bước vào thời đại sáng tạo. Trong 10 năm gần đây có những dấu hiệu chứng tỏ sức sáng tạo của Hoa Kỳ gặp nguy cơ đi xuống. Thật vậy, theo sự nghiên cứu của GS Richard Florida, tỉ lệ của khối nhân lực sáng tạo trên tổng số nhân công của Hoa Kỳ đứng hạng thứ 11 sau mười nước như Ái Nhĩ Lan, Bỉ, Úc, Hòa Lan, Tân Tây Lan, Estonia, Anh, Canada, Phần Lan, và Iceland. Theo tạp chí Business Week, trong số 25 công ty công nghiệp cao, chỉ có sáu công ty đặt cơ sở tại Hoa Kỳ trong khi đó 14 công ty đặt tại Á Châu.

Về công ăn việc làm người ta thường nói đến nạn thất nghiệp và công việc chuyển ra nước ngoài. Nhưng theo GS Florida vấn đề quan trọng hơn là tình trạng thiếu tài năng sáng tạo. Kinh tế gia Lawrence Summers, cựu Viện Trưởng Harvard University và kinh tế gia Edward Montgomery, cựu Thứ Trưởng Lao Động, cho rằng vấn đề thiếu tài năng sáng tạo khó tránh khỏi. Hoa Kỳ cần phải cạnh tranh với những nước phát triển khác để thu hút và trọng dụng nhân tài bằng chương trình di dân và chiếu khán rộng rãi. Trong khoảng 24 năm gần đây, kể từ 1990 đến 2013, Hoa Kỳ đã nhận 24.2 triệu di dân hợp pháp, trung bình mỗi năm là khoảng 1 triệu người. 6/

Gần đây nhân dân Mỹ phàn nàn rất nhiều về tình trạng đảng phái cấu xé nhau tàn tệ tại Quốc Hội. Một trong những hậu quả đã xẩy ra là việc chánh phủ đã buộc phải đóng cửa 16 ngày trong năm 2013. Một cường quốc lãnh đạo mà đã để xẩy ra tình trạng như vậy không thể không mất uy tín và lòng tin cậy của thế giới. Một việc kéo dài từ vài năm nay chưa giải quyết được là chương trình y tế “Patient Protection and Affordable Care Act” (PPACA) gọi tắt là Obamacare do sự xung khắc về quyền lợi mà hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đại diện. Tuy nhiên đây là chuyện nội bộ của nước Mỹ.

Tồi tệ hơn là chương trình ngoại thương Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, viết tắt là TPP) liên quan đến 11 nước khác đã kéo dài nhiều năm. TPP đã không kết thúc được vào năm vừa qua như mong muốn. 2015 có thể là năm dứt điểm vì tình trạng căng thẳng ở Biển Đông và sự cạnh tranh của Trung Quốc và Nga qua việc thành lập Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở Á Châu (Asian Infrastructure Investment Bank viết tắt là AIIB) và Liên Hiệp Kinh Tế Âu Á (Eurasian Economic Union viết tắt là EAEU). Tuy nhiên Hoa Kỳ đang vấp phải khó khăn nội bộ. Vấn đề lao động gây chia rẽ ngay trong Đảng Dân Chủ, giữa phe hành pháp và lập pháp và đàng sau là những công đoàn lao động của Hoa Kỳ.

Tôi tin đây trên đây là những khó khăn ngắn hạn và tạm thời. Thật vậy, truyền thông thương mại và truyền thông xã hội dân sự đã lên án gắt gao tình trạng ngưng trệ tại Washington. Một xã hội cởi mở với tự do báo chí và tự do bầy tỏ như xã hội Hoa Kỳ sẽ giúp cho Hoa Kỳ tự sửa đổi như đối với nạn kỳ thị chủng tộc và nam nữ bất bình đẳng. Cạnh tranh và hợp tác là truyền thống tạo nên sức mạnh tại quốc gia này.

Ngay sau khi chính thức thất cử trong cuộc tranh cử tổng thống vào năm 2008, TNS John McCain tuyên bố TNS Barack Obama là vị tổng thống của tôi và kêu gọi mọi công dân Hoa Kỳ chúc mừng TNS Obama và ủng hộ tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ. Ông cũng nói rằng lần đầu tiên trong lịch sử một công dân Hoa Kỳ gốc Phi châu được bầu làm tổng thống. Đây là một niềm hãnh diện lớn lao và là một bằng chứng rõ ràng rằng Hoa Kỳ đã tiến một bước rất xa về vấn đề kỳ thị chủng tộc. TNS McCain nói tiếp rằng TNS Obama và ông đã tranh luận về những khác biệt, nhưng TNS Obama đã thắng. Chắc chắn rằng những khác biệt đó vẫn còn, nhưng ông hứa rằng ông sẽ giúp TNS Obama trong quyền hạn của mình để đối phó với những thử thách trước mặt. 7/

 Nghi thức đầu hàng của Tướng Robert E. Lee (ngồi bên trái) tại Appomatox Court House Virginia, ngày 9-4-1865 (hình của The Major)


Nghi thức đầu hàng của Tướng Robert E. Lee (ngồi bên trái) tại Appomatox Court House
Virginia, ngày 9-4-1865 (hình của The Major)

Một thế kỷ rưỡi trước đây, Hoa Kỳ đã để lại một gương sáng cho nhân loại về tinh thần mã thượng của dân tộc Hoa Kỳ. 8/ Cuộc nội chiến kéo dài bốn năm, ba tuần và sáu ngày chấm dứt vào 9-4-1865 (theo Tuyên Ngôn là 9-5-1865). Tướng Robert E. Lee của quân miền Nam nhận đầu hàng với đại diện quân miền Bắc là Tướng Ulysses S. Grant tại Appomattox Court House, Virginia qua một nghi thức giản dị nhưng trang nghiêm. Quân lính miền Nam được tự do trở về nguyên quán và không ai bị trừng phạt hay bị tù đầy. Binh sĩ tử trận được chôn chung trong cùng một nghĩa trang, ngoại trừ thân nhân muốn mang thi hài chôn cất ở nơi khác. Theo lệnh của Tướng Grant, quân miền Bắc không được ăn mừng chiến thắng. Sau này Tướng Lee trở thành viện trưởng của một đại học nay gọi là Washington and Lee University tại Lexington, Virginia. Ông chống lại toan tính tổ chức nổi loạn tiếp tục chống lại chánh phủ liên bang, ủng hộ việc giúp cựu quân nhân miền Nam hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ, và kiến thiết lại đất nước.

Gần đây hơn, sau khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, Hoa Kỳ đã không hề chủ trương chém giết những kẻ thua trận mà trái lại còn giúp các nước đồng minh và cả các nước cựu thù xây dựng lại những đổ vỡ. Hoa Kỳ chi khoảng $13 tỉ (tương đương với $120 tì theo thời giá bây giờ) qua Chương Trình Phục Hồi Âu Châu (European Recovery Program viết tắt là ERP) hay còn gọi là Kế Hoạch Marshall, theo tên của Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ George Marshall. Tướng Douglas McCarthur, Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, chỉ huy lực lượng chiếm đóng Nhật từ 1945-1951, đã giúp nước này soạn thảo hiến pháp mới, loại bỏ quyền tư lệnh tối cao của Hoàng Đế Nhật, cải tổ nước Nhật thành một nước dân chủ, thực hiện chương trình cải cách ruộng đất. Ngày nay, dân Nhật coi McCarthur là một trong những người có công lớn trong việc tái thiết nước Nhật. 9/

Sau hết nhưng không kém phần quan trọng là lòng yêu chuộng tự do của dân Hoa Kỳ. Tự do giúp con người phát triển năng khiếu và sáng kiến. Tự do giúp sự thông tin được nhanh chóng, đa chiều và trung thực hơn, giúp mọi người bầy tỏ lập trường dễ dàng và như vậy dễ tìm được chân lý. Tự do, trái ngược với sự bưng bít, giúp xã hội cởi mở, hạn chế được những sai trái và tội phạm.

Tự do tất nhiên đưa đến dân chủ. Phần lớn các nước dân chủ đều là những nước giầu có. Kinh tế gia đoạt giải Nobel người Ấn Độ Amartya Sen nghiên cứu về nghèo đói và dân chủ đã đưa ra một lời tuyên bố nổi tiếng: “Không bao giờ có một nạn đói nào đáng kể xẩy ra ở một nước độc lập, dân chủ và có tự do báo chí.” 10/ Nạn đói chỉ xẩy ra ở những độc tài hay bị chiếm đóng.

Tương tự như vậy, tham nhũng thường lan rộng ở những nước thiếu dân chủ. Hậu quả của tham nhũng là không đạt được sự chọn lựa tốt nhất, gia tăng phí tổn, làm hại đến sự sáng tạo, và nuôi dưỡng tội phạm. Những bằng chứng cụ thể từ những cuộc nghiên cứu của Ngân Hàng Thế Giới cho thấy rằng tham nhũng làm giảm đầu tư (nội địa cũng như nước ngoài), giảm phát triển, giới hạn giao thương, làm sai lệch chi phí quốc gia, làm suy yếu hệ thống tài chánh, và củng cố nền kinh tế đen (underground economy). Quan trọng hơn cả là tham nhũng làm tăng sự nghèo nàn và chênh lệch lợi tức. 11/ Tham nhũng và tình trạng phe đảng, con ông cháu cha (cronyism) tại Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục nhận chìm những nhân tài và khả năng cạnh tranh của hai nước này. 12/

Trong bảng xếp hạng về mức độ tham nhũng tại 177 quốc gia trên thế giới vào năm 2014 do Transparency International thiết lập, đứng đầu danh sách (trong sạch nhất) là Đan Mạch, kế đến là Tân Tây Lan, Phần Lan, Thụy Điển và Na Uy. Hoa Kỳ đứng hạng thứ 17. Trung Quốc: 100. Việt Nam: 119. Nga: 136. 13/ Hoa Kỳ có thể cố gắng hơn để cải tiến hơn nữa về lãnh vực này.

Môi trường tự do dân chủ và một nền văn hóa siêu việt đã giúp cho Hoa Kỳ phát triển như hiện nay với lợi tức đầu người tính theo mãi lực quân bình vào năm 2013 là $53,042, xếp hạng sau bẩy nước mà phần đông là những nước sản xuất dầu: Qatar, Kuwait, Singapore, Brunei, Norway, Switzerland, và Saudi Arabia. Hoa Kỳ bỏ xa Nga ($25,248) và Trung Quốc ($11,906). 14/

GS Jonathan Adelman thuộc University of Denver viết: “một câu châm ngôn chính trị xưa nói rằng ‘Anh không thể đánh bại một ai nếu người đó không có đối thủ.’ Ngay bây giờ không có một nước nào hiện ra ở chân trời sẽ bắt kịp hoặc thử thách Hoa Kỳ một cách nghiêm chỉnh trong thời hạn ít nhất một hay hai thập niên sắp tới.” 15/

Sau khi viết bài nhận định này gần xong, dựa trên những dữ kiện vừa phân tách, tôi có khuynh hướng đồng ý với nhận định của GS Adelman. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là một đại cường quốc về kinh tế cũng như về quân sự không bị thử thách trong một tương lai có thể thấy được. Nga và Trung Quốc còn khá lâu mới có thể là đối thủ cân xứng với Hoa Kỳ. Thay đổi một thể chế chính trị cần từ vài năm đến vài thập niên. Cải tổ một nền văn hóa cần từ vài thế hệ cho đến vài thế kỷ để trở thành một nước vĩ đại.

© Nguyễn Quốc Khải

© Đàn Chim Việt

——————————————————-

Chú thích:

1/ Jonathan Adelman, “Why the U.S. Remains the World’s Unchallenged Superpower,” Forbes, November 24, 2013.
2/ Wikipedia, “Non-government Organization,” May 28, 2015.
3/ Theo thống kê của tổ chức OECD, Labor – Productivity Levels in the total economy, May 27, 2015.
4/ Richard Florida, “America’s Looming Creativity Crisis,” Harvard Business Review, October 2004.
5/ Như trên.
6/ Wikipedia, “Immigration to the U.S.”, May 28, 2015.
7/ John McCain, “McCain’s Concession Speech,” The New York Time, November 4, 2008.
8/ Vũ Ngọc Tấn, “Tinh Thần Mã Thượng Trong Nội Chiến Mỹ,” Việt Luận, 12-2011.
9/ Wikipedia, “Marshall Plan”, May 28, 2015.
10/ Amartya Sen and Amartya K. Sen, “Poverty and Famines – an Essay on Entitlement and Deprivation”, Oxford University Press, London, 1983.
11/ The World Bank, “The Economic and Social Consequences of Corruption in Transition Countries.”
12/ Susan Adams, “The World’s Most Competitive Countries,” Forbes, May 30, 2013.
13/ Transparency International, “Corruption Perceptions Index 2014,” 2014.
14/ Theo số thống kê của World Bank.
15/ Như chú thích 1/.

34 Phản hồi cho “Nước Mỹ Vĩ Đại”

  1. tonydo says:

    Bài viết công phu. Nhận xét của tác giả về tên “Sen đầm quốc tế” là hết sức chí lý.
    Tôi khoái nhất câu kết:
    (Thay đổi một thể chế chính trị cần từ vài năm đến vài thập niên. Cải tổ một nền văn hóa cần từ vài thế hệ cho đến vài thế kỷ để trở thành một nước vĩ đại.) “Đàn anh Phạm Minh cũng có nhắc đến” (hết trích)
    Tuyệt vời! Cám ơn đàn anh Nguyễn Quốc Khải.

    Người Việt vốn nóng nảy. Các nhà lãnh đạo cũng không ngoại lệ.
    Khi chiếm được miền nam 30/04/75, các đồng chí cộng sản đã nhanh nhẩu thống nhất sơn hà . Những hậu quả do khác biệt văn hóa giữa hai miền vẫn còn tồn đọng cho đến ngày nay.

    Vì văn hóa là cách sống bao gồm (phong cách ẩm thực, trang phục, cư xử, cả đức tin, tri thức…v.v.) nó phức tạp hơn những gì các đồng chí Duẩn, Thọ, Đồng, Chinh nghĩ.

    Nắm độc quyền sinh sát ngoài Bắc trong mấy chục năm, quen làm gì cũng được, họ không đủ kiên nhẫn để điều chỉnh sự khác biệt văn hóa giữa hai miền tổ quốc.

    Nhân tiện đây tôi xin chia sẻ một chút suy nghĩ về tính kiên nhẫn “patience” của dân chúng cũng như chính quyền Mỹ.
    Sau cuộc nội chiến 4 năm chấm dứt, khi quân miền Nam đầu hàng năm 1865 và chế độ nô lệ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ. Cho tới hôm nay, sau 150 năm, nước Mỹ vẫn kiên nhẫn, từ từ tìm cách hoá giải những di sản không mấy tốt đẹp do cha ông họ để lại.

    Tôi muốn nói đến lá cờ của miền Nam “Confederate Flag” với 13 ngôi sao đan chéo nhau, biểu tượng cho 13 tiểu bang ly khai.
    Mặc dù đã tiếp nhận sự đầu hàng của miền Nam và nước Mỹ đã trở lại thành một quốc gia “Reunion”, nhưng sau 150 năm, tới ngày nay, lá cờ Confederate vẫn được 13 tiểu bang miền Nam ly khai gìữ lại như một di sản “heritage”.

    Chính quyền biết, dân chúng hiểu, đó là một việc phiền toái. Nhưng người Mỹ không nóng vội. Khi thời cơ tới, vào ngày 17 tháng sáu vừa qua trong vụ chín người bị bắn chết tại thành phố Charleston, South Carolina, người ta mới bắt đầu chộp lấy cơ hội, vì “dân chúng đã sẵn sàng” để giải quyết dứt khoát với lá cờ không cần thiết, nhưng đôi khi còn gây hệ lụy cho xã hội nữa.

    Chuyện đang diễn ra thế nào thì mọi người đều biết trên các màn hình và internet.
    Vấn đề là:
    Liệu đây có phải là bài học tuyệt vời cho những người cộng sản Việt Nam về cách hành xử với những kẻ thua trận, nhưng cùng máu mủ và cùng cư ngụ trên mảnh đất mà Mẹ Việt Nam để lại cho con cái của Ngài…
    Ki’nh Làng!

    • Nguyễn Văn says:

      Tại sao lại đem chuyện nước Mỹ tự do nhân bản ra so sánh với con người cộng sản? Như vậy có gượng ép quá không? Hãy thử xét lại xem khi người cộng sản chiêu hồi được chính quyền Miền Nam đối xử ra sao? Nó có khác gì chuyện quân Bắc đối xử với quân Nam trong nội chiến Hoa Kỳ? Bản chất khác biệt là vậy nên không thể so sánh.

      Ông Tonydo viết: “Nắm độc quyền sinh sát ngoài Bắc trong mấy chục năm, quen làm gì cũng được, họ không đủ kiên nhẫn để điều chỉnh sự khác biệt văn hóa giữa hai miền tổ quốc.
      Và đoạn cuối ông hỏi: “Liệu đây có phải là bài học tuyệt vời cho những người cộng sản Việt Nam về cách hành xử với những kẻ thua trận, nhưng cùng máu mủ và cùng cư ngụ trên mảnh đất mà Mẹ Việt Nam để lại cho con cái của Ngài…

      Vậy ra ông tonydo không biết tại sao Bắc Cộng muốn chiếm Miền Nam? Ông Tonydo thấy cộng sản Việt Nam đối xử với người dân bên thắng cuộc Miền Bắc ra sao mà họ cũng phải bỏ nước chạy đi tỵ nạn? Sau 40 năm cai trị cả hai miền trong hòa bình, hỏi ông Tonydo nếu bây giờ người dân được quyền lựa chọn ra đi thì sẽ còn lại bao nhiêu phần trăm ở lại sống với cộng sản? Bản thân ông cũng là người thắng cuộc mà tại sao bây giờ lại sống ở Mỹ? Ông không hiểu cộng sản hay ông còn muốn bao che cho họ?

      nv

      • tonydo says:

        Sao bác Nguyễn Văn lại hỏi em?
        Hồi em vác AK-47 đi “Giải phóng miền Nam” là do lời kêu gọi của bác Hồ vĩ đại. Hãy vượt Trường Sơn đi đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào, thống nhất đất nước, đưa Dân Tộc ta lên chủ nghĩa xã hội, nơi mọi người đều có cuộc sống tươi đẹp.

        Tất nhiên, vì là con địa chủ, không được học hành, dốt nát, nên em xông lên phía trước như những con thiêu thân. Với hy vọng đổi đời cho quê hương xứ sở (khỏi phải ngô, khoai, sắn, củ mài, củ chuối), và cho một tương lai tươi sáng như hoa nở mùa xuân của cá nhân mình.

        Thế nhưng mấy chục năm sau, khi người ta đã có TV, Internet toàn cầu, những suy nghĩ của đám sau này như:
        Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày, Trần Khải Thanh Thủy..v.v.. mới là những người bác nên hỏi!
        Vui vẻ quan bác!

    • Thái Nguyên says:

      Người Cộng Sản chỉ có thiên khiếu học rất giỏi, tiếp thu rất nhanh, phát huy rất vững những cái đểu, cái ác, cái gian, cái vô nhân tính, cái phản nhân văn, nhân bản. còn cái tốt, cái hay, cái mã thượng, cái trượng phu thì họ rất dốt, vì có thể trong não bộ của họ những điều này đã bị phá nát bời con vi trùng cộng sản. Kêu gọi họ học tập đều tốt không khác chi chuyện khuyên nhà Sư chải tóc mà thôi ông Kính Làng ơi! “Đế quốc Mỹ xâm lược” và giới báo chí của tài phiệt Do Thái hôm nay, dù có chắp vây, chắp cánh cho cái gian đảng Cộng Sản, biến chúng từ ác điểu thành đại bàng, thì rồi cũng đến một ngày, toàn Dân Việt Nam cũng sẽ kéo chúng từ trên “thiên đường mù” xuống để ném chúng vào cái xọt rác thối tha của lịch sử mang thời đại Hồ Chí Minh của chúng mà thôi.

      • tonydo says:

        Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã dạy rằng:
        (Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người).

        50 năm (nửa đời) sau khi được trồng, không nói đến những người còn đang ở trong nước, nhưng ngay cả những người đã được ra hải ngoại như Điếu Cày, Cù Huy Hà Vũ, Trần khải Thanh Thủy, Dương Thu Hương, Bùi Tín..v.v. vẫn còn chất Xã Hội Chủ Nghĩa hơi nhiều “XHCN”.

        Bác Hồ quên không dạy con dân về Đấng Tạo Hóa chăng?
        Chào đàn anh!

  2. nguyen ha says:

    Ngày nay quốc gia to lớn không phải là Quốc gia “to xác” và đông dân cư . Thế giới đả chứng minh điều đó một cách rỏ ràng . Bởi thế khi nói “Bác Hồ vĩ đại ” hay “Bác Mao Vĩ đại” chỉ làm trò cười cho Thiên hạ !
    Nhìn chiếc xe School bus dừng lại ,xe hai bên đường phải dừng . Nhìn thấy em nhỏ Tiểu học cùng cô giáo cầm biển STOP ngăn xe khi bải trường. Nhìn người Thầy giáo – thầy thuốc. Nhìn bệnh viện và trường học … phải mạnh dạn nói không nơi nào bằng Mỹ cả !! Tôi có những người bạn ở Úc- Âu châu..
    họ nói như vậy ,khi đến thăm Mỹ. Thì té ra cái “vĩ đại” không phải là cái to lớn như Vạn lý trường thành !
    Mà chính cái Vô-cùng-bé mới thật sự Vĩ đại ! Vì ở đó ,nó thể hiện năng lực của Trí tuệ. Khoa học Điện toán đả chứng minh điều đó.!!

  3. Hồ Bác Cụ says:

    Cái ông Nguyễn Quốc Khải chỉ giỏi tài “nịnh Mỹ” mà không chịu nhìn về đất nước VN xem chúng ta cũng có rất nhiều cái Dzĩ Đại (đừng có nói lái nghen!!) lắm chớ!!! Này nhé, chúng ta có “Bác Hù Dzĩ Đại” với cái Công Hàm 1958 Dzĩ Đại nè; chúng ta có “tô hủ tíu Dzĩ Đại” đi vào sách kỉ lục Guiness; có “bánh chưng Dzĩ Đại nè; có bánh tét Dzĩ Đại nè;…..có nhiều cái đầu Dzĩ Đại đang lãnh đạo làm nghèo đất nước nè; có đảng CSVN với cái Miệng Dzĩ Đại để….Ngậm Cờ…U cho ngoại bang để khỏi phải lên tiếng phản đối mỗi khi lãnh thổ hay lãnh hải VN bị xâm phạm nè; có nhiều ngôi biệt thự Dzĩ Đại của các đại gia Đỏ nè; có nhiều gái đẹp với cái L……Dzĩ Đại nè ai muốn lấy đàn bà con gái VN rẻ rề, mua tại chỗ hay mua qua xuất cảng cũng đều có đủ hàng để cung cấp tuốt luốt!!!! Ai nói VN của tớ thời đại Đồ Đểu này mà không Dzĩ Đại, thì tớ không chịu thua đâu, phải không các đồng chóe????

    • Trần Vinh says:

      Việt Nam có các nhà lãnh đạo CS nhân từ, đô lượng nhất thế giới ! Bọn đế quốc Tàu chiếm biển, chiếm đảo, thế nhưng lãnh đạo Việt Nam nhất định không kiện cáo ra toà án quốc tế . Bọn đế quốc Tàu đái vào đầu tuần tra biển, thế nhưng lãnh đạo Việt Nam không nổ súng . Bọn đế quốc Tàu bắt giữ, giết ngư dân Việt, thế nhưng lãnh đạo Việt Nam cho rằng thủ phạm là ” tàu lạ”- chớ không phải là ” Tàu cộng”.

  4. Nguyen Quang says:

    Người nghèo ở Mỹ không sợ bị đói ăn. Chính phủ từ cấp liên bang xuống đến quận hạt, thành phố đều có các chương trình trợ giúp thực phẩm, nhà cửa, y tế …Ngoài ra, các tổ chức từ thiện tư nhân, tôn giáo cũng thường xuyên góp tay cứu giúp .

    Học sinh nghèo cấp tiểu học và trung học được ăn sáng và trưa miễn phí ở trường. Mùa hè, nhiều trường cũng có chương trình thực phẩm đặc biệt .

    Sinh viên nghèo được chính phủ giúp đỡ tài chánh hoặc cho mượn tiền với lãi xuất thấp .

    Nếu lợi tức thấp, người nghèo được miễn thuế hoàn toàn .

  5. Trần Vinh says:

    Ở Mỹ, giới chân yếu tay mềm thoải mái đối lập, mạnh miệng chỉ trích chính quyền mà chẳng hề sợ hãi . Còn ở Việt Nam, chí ít cũng bị ném phân vào nhà, bị côn an đón đường đánh cho sưng mặt vỡ đầu…. Ở trong nhà giam thì bị nhốt chung với tù hình sự , Ra toà, thì bản án đã bị bè lũ Cộng sản ấn định trước, luật sư có biện hộ cũng vô ích .

  6. phamminh says:

    Trông người lại nghĩ đến ta: VN là một nước nhỏ, 1000 năm giặc Tàu, 100 năm giặc Tây, chiến tranh triền miên … đến khi chiến tranh chấm dứt, đã 40 năm rồi mà con đinh vít của Intel còn không làm nỗi thì mơ chi thành một cường quốc kinh tế hay quân sự!

    Trích: ”Thay đổi một thể chế chính trị cần từ vài năm đến vài thập niên. Cải tổ một nền văn hóa cần từ vài thế hệ cho đến vài thế kỷ để trở thành một nước vĩ đại” Chính xác.

    VN , ngay cả sau khi thay đổi thể chế chính trị, muốn có được một nền văn hóa giáo dục đạo đức, nhân bản được như miến Nam VN trước 1975 (mặc dù chưa hoàn hảo vì chỉ mới xây dựng trong thời kỳ chiến tranh được 20 năm) cũng phải mất đến vài thế hệ mới được; bởi phá hoại thì dễ/nhanh mà xây dựng lại thì khó/chậm.

    VN ngày nay chậm phát triển mọi mặt cũng còn bởi yếu tố tham nhũng, bè phái, con ông cháu cha nhận chìm tài năng và khả năng cạnh tranh.

    Còn chế độ độc tài CS thì không thể nào đất nước phát triển cho người dân đỡ khổ nói chi là một cường quốc.

    PM

  7. tam phan says:

    bài hát nation of america của một nhạc si VN Denny Nguyễn:

    https://youtu.be/I_XL5fYIC5o

  8. NÓI CHUYÊN VỀ “ĐẾ QUỐC MỸ”

    Nước Mỹ mới lập quốc mới chừng hai thế kỷ rưởi, từ dân số vài mươi triệu người nay lên gần 200 triệu rưỡi người, nhưng từ thế chiến thứ nhất đến nay luôn là nước phát triển hàng đầu trên thế giới và cũng từng giúp cả thế giới về nhiều mặt.

    Nhưng có ba người là Mác, Ănghen, Lênin ngay từ đầu thế kỷ 19 là những người đầu tiên đã luôn luôn mạnh mẽ, không ngừng lên tiếng bêu rếu và kết án Đế quốc Mỹ chẳng qua là một cách hữu bậc hiệu nhất để xiển dương học thuyết Mác xít và chủ nghĩa cộng sản của họ. Ngay cả trong cuộc chiến tranh lâu dài ở Việt Nam, khẩu hiệu chống đế quốc Mỹ xâm lược cũng là yếu tố thiết yếu giúp cho miền Bắc hoàn toàn giành được thắng lợi.

    Nhất là chiêu bài chống đế quốc Mỹ, không sợ đế quốc Mỹ vì Mỹ chỉ là con hổ giấy của Mao Trạch Đông cũng là chiêu bài giúp ông ta củng cố quyền hành ở Hoa lục trong thời gian dài, biến người dân Trung Quốc toàn thành sống trong ảo giác của sự tuyên truyền chính trị thủ đoạn không ngay thẳng, và kể cả ở VN cho đến nay vẫn còn nhiều người trong vô thức vẫn còn thù ghét, nghi kỵ đế quốc Mỹ cho dù không hiếm người từ lâu nay phần lớn con cái đều được đưa đến Mỹ để học tập hoặc sinh sống.

    Thế mà cuối cùng ngày nay, sau biết bao sự tốn phí rãi ra cùng khắp thế giới để trợ giúp thế giới trong nhiều mặt qua bao nhiêu năm, nước Mỹ vẫn là nước hàng đầu luôn giàu mạnh về kinh tế, văn hóa và quốc phòng, thì hỏi tại sạo ? Và câu hỏi này cần cho mọi cá nhân, mọi nước trên thế giới cần suy gẫm để tự mình giải phóng khỏi mọi ngụy tín sai trái và tự vạch lên những hướng đi lên chính đáng.

    Tất nhiên mọi thành quả của nước Mỹ đều do nhân dân Mỹ, tức mọi người Mỹ, từng cá nhân người Mỹ, có nghĩa chính yếu tố con người là quyết định. Đó là dân tộc mới thành hình, còn đầy sức sống, còn đầy các phấn đấu để tồn tại và phát triển đi lên, tức đầu óc, ý thức, tinh thần của mỗi cá nhân là ý nghĩa quan trọng, nhưng quyết định hơn cả lại chính là nền kinh tế xã hội tự do, và nhất là các chính sách của chính phủ Mỹ.

    Tất cả mọi điều này đã có kể từ khi thành lập nước, mà những vĩ nhân quan trọng nhất của họ như G. Washington, A. Lincoln, Eisenhower … đã là những thành tố cơ bản vĩ đại để giúp cho đất nước càng ngày càng trở thành lớn mạnh. Bởi chỉ có một nền kinh tế thị trường tự do lành mạnh mới bảo đảm cho sự cạnh tranh xã hội lành mạnh, tốt đẹp, mới bảo được cho một xã hội tương đối lành mạnh và hiệu lực nhất cũng như ngược lại chính một xã hội tự do theo đúng nguyên tắc mới bảo đảm được cho một nền kinh tế hoàn toàn thành công được đúng nguyên tắc.

    Nói chung lại, cái đáng tự hào nhất của nước Mỹ là tập hợp được phần nhiều các nhân tài từ các nước khác, tập hợp và khuyến khích tốt đẹp mọi tài năng trong nước họ một cách tốt đẹp, tạo ra những tcU?

    • Nói chung lại, cái đáng tự hào nhất của nước Mỹ là tập hợp được phần nhiều các nhân tài từ các nước khác, tập hợp và khuyến khích tốt đẹp mọi tài năng trong nước họ một cách tốt đẹp, tạo ra những thành quả kinh tế xã hội hoàn toàn hiệu quả, tự nhiên, khách quan, không hề giả tạo hay khiên cưỡng, không hề bị hi sinh sai trái ở bất kể mặt nào. Từ nền kinh tế xã hội như thế tất nhiên sẽ tạo được nền an sinh xã hội tốt đẹp, và từ nên an sinh xã hội tốt đẹp hiển nhiên cứ đưa nên kinih tế xã hội phải càng đi lên và mối quan hệ hữu cơ đó chính là ý nghĩa và kết quả quan trọng nhất.

      Trong khi đó nền kinh tế và xã hội chống “đế quốc”, chống “tư bản chủ nghĩa” kiểu cộng sản mác xít được gọi là xã hội chủ nghĩa thực chất chỉ là nền kinh tế xã hôi ngược ngạo, giả tạo, gò bó, cưỡng bức, phi hiệu quả và phi kết quả do tính cách tập thể theo kiểu công thức phi thực tế và trái tự nhiên, tức nền kinh tế bao cấp theo cách bầy đàn kiểu bề ngoài mà bên trong thì ích kỷ, hỏi làm sao mà thành công hay tốt đẹp được.Nên hiểu sai, làm sai quy luật khách quan về cá nhân con người và về xã hội, tức đi sai về nguyên tắc bản chất tự nhiên, thì điều đó từ Mác đến Lênin, đến Stalin, rồi Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành v.v… đều phải chịu trách nhiệm và chịu lỗi chung đối với chính đất nước của họ và đối với toàn thể xã hội loài người.

      Cho nên hiểu sai về khách quan, hiểu sai về quy luật, hiểu sai về nguyên lý khoa học của cá nhân, xã hội, lịch sử đó chính là trách nhiệm lớn lao của học thuyết Mác. của bản thân Mác, và đó là tội lỗi đối với lịch sử của Mác. Bởi trách nhiệm của Mác là đưa ra một hệ thống lý thuyết mà hầu hết là ngụy biện, xuyên tạc, khiến hấp dẫn giả tạo nhiều người, còn trách nhiệm của Lênin là tạo nên hệ thống tuyên truyền bất chấp sự thật khách quan, và trách nhiệm của Stalin là hệ thong guồng máy xã hội bàn tay sắt đầy bạo lực khống chế, đó là nguồn gốc của mọi di hại sau này về mọi mặt cho tới nay ở nhiều nơi mà chính học thuyết Mác đã mang lại.

      Cho nên khi khoa học sai thì đạo đưc nếu có cũng trở thành sai, huống gì chỉ là thứ đạo đức giả tạo, đóng kịch theo kiểu cơ hội, lợi dụng, giả dối thì còn làm thế nào mà thành đạo đức chân thật hay có ý nghĩa và giá trị chính đáng, hiệu quả được. Và chính tính bạo lực, tính giả dối trong tuyên truyền, tính khiên cưỡng trong tổ chức tướt đoạt đi hết mọi quyền tự do chính đáng của con người cá nhân và xã hội, thì đó chỉ là sự tàn phá cá nhân và xã hội mà không thể nào đi đến xây dựng nên được một xã hội nhân văn tốt đẹp với những cá nhân tốt đẹp thật sự mà mọi người đều muốn mơ ước cả.

      ĐẠI NGÀN
      (25/6/15)

  9. Thanh Pham says:

    Chúng tôi không phải là Trọng lú!

    Nầy người bạn láng giềng to xác,
    Nếu là môt quốc gia vĩ đại
    Bạn nên theo học xứ Cờ Hoa
    Mà hành xử một cách Quảng Đại!

    Nói theo ngôn ngữ của các bạn
    Hoa Kỳ, xứ Độc Cô Cầu Bại
    Làm chủ biển cả và bầu trời
    Vậy mà giúp người hơn là hại!

    Tất cả nước nhỏ chung quanh Mỹ
    Được nước Mỹ bảo vệ tối đa
    Phụng sự nền hòa bình thế giới
    Bao la như Đức Phật Thích Ca!

    Nếu bạn vĩ đại như người ta
    Ai dám đem quân chiếm Đông Dương?
    Từ xa xôi bọn Phú Lang Sa
    Bàn tay lông lá vươn tới bạn!

    Một trăm năm dân tôi lầm than
    Nối dài kiếp người trong nô lệ
    Tổ quốc thân yêu tôi tan hoang
    Bạn xúi dại, tương tàn huynh đệ!

    Bạn biết người Việt qua Hồ tặc
    Lê Duẩn Nguyễn Văn Linh Đỗ Mười
    Hậu duệ Lê Chiêu Thống Ích Tắc
    Và một lũ súc sanh hình người!

    Bạn cào bằng người Việt chúng tôi
    Như Lê Đức Anh Tư sâu Ba X
    Mà tiêu biểu là Thanh mặt mâm
    Toàn thứ đồ thổ tả ôn dịch!

    Chắc bạn chưa quên Ngụy Văn Thà
    Bảy mươi bốn chiến sĩ dũng cảm
    Nằm xuống tại hải đảo Hoàng Sa
    Chắc bạn cũng biết Hồ Ngọc Cẩn?

    Chúng tôi là con cháu Trần Bình Trọng
    Là Trần Văn Hai Lê Nguyên Vỹ
    Là Lê Văn Hưng Nguyễn Văn Long
    Là Nguyễn Khoa Nam Phạm Văn Phú!

    Chúng tôi không phải là Trọng lú
    Mà chúng tôi là Phạm Hồng Thái
    Người đang nằm tại Hoàng Hoa Cương!

    Nông dân Nam Bộ

    https://sangcongpha1.wordpress.com/

  10. Thanh Pham says:

    Hoàng Trường Sa Là Của Ta!

    Gà què ăn quẩn cối xay
    Tự mãn bảo rằng ta quá hay
    Dăm ba hạt thóc còn sót lại
    Sao không nhớ mới ngày nào đây?

    Chúng nó xa tít tận trời Tây
    Vậy mà dám kéo tới bao vây
    Ngang ngược chúng dám chia tô giới
    Trên mảnh đất Đại Hán nầy đây!

    Đừng nói đâu xa ngay sát nách
    Nước Nhật Bản cũng từng làm phách
    Có coi Trung Hoa ra gì đâu
    Vậy mà lúc nào cũng số dzách!

    Lịch sử vẫn còn ghi đậm nét
    Mãn Thanh Mông Cổ chứ đâu xa
    Đã từng thống trị xứ China
    Hách xì xằng ta đây Trung Hoa?

    Với một đất nước rộng bao la
    Một phần tư dân số nhân loại
    Có chiều dài lịch sử lâu đời
    Theo tôi “Bạn” nên nghĩ lại!

    Nước Anh bé tí tẹo “Bạn” à
    Vậy mà đã bao lần lừng lẩy
    Coi nước Đại Hán như sân nhà
    Lại còn chiếm nước Úc bao la!

    “Bạn” xâm lăng Tây Tạng
    Vỏn vẹn sáu triệu dân
    Một quốc gia Phật giáo
    Không vũ khí phòng thân!

    “Bạn” xâm chiếm Tân Cương
    “Bạn” xúi tui đở đạn
    Để rồi “Bạn” đơn phương
    Đâm tôi không nương tay
    Mà “Bạn” thấy sung sướng?

    Đạo làm người quân tử
    Đức Khổng Phu Tử dạy
    Chắc “Bạn” vẫn thuộc bài
    Chớ nên làm chuyện dại!

    Thế giới ngày nay khác
    Ỷ nước lớn hiếp đáp
    Xưa rồi “Bạn” Đại Hán
    Chiến tranh bị lên án
    Thôi để tui nhắc “Bạn”:

    “Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư
    Tiệt Nhiên Định Phận Tại Thiên Thư
    Như Hà Nghịch Lỗ Lai Xâm Phạm
    Nhữ Đẳng Hành Khan Thủ Bại Hư.”

    Nông dân Nam Bộ

    https://sangcongpha1.wordpress.com/

Phản hồi