Chân lý và điểm hẹn
Bài Xã luận số 2 trên trang Web bauxitevietnam khiến tôi giật mình vui sướng trên cái nền tâm thức vốn bi quan của tôi về giới trí thức nước nhà.
Trong rất nhiều năm, Lý trí của xã hội dường như ngủ yên, xã hội bị cuốn đi bởi ma lực của lợi quyền hoặc bởi khát vọng nông cạn, tình trạng đó có trách nhiệm lớn của giới Trí thức.
Trí thức vốn có ưu điểm tự trọng, làm gì cũng phải có lý có tình; có bằng chứng chắc chắn thuyết phục mới dám kết luận, mới dám lên tiếng. Biết mười chỉ nói hai, ba. Nhưng ưu điểm ấy đã bị đẩy quá lên thành nhược điểm rồi thành tội lỗi. Trước thói lạm quyền cố hữu của quyền lực (và của đồng tiền), cách trị dân không bằng Lý trí công chính mà bằng mẹo, bằng nguỵ biện, lại thường cấm đoán, phi lý, khinh nhờn, bất chấp, thì ưu điểm khoa học cầu toàn cố chấp kia lại trở thành phi khoa học, vô duyên, đáng thương và cực kỳ tai hại.
Nhiều lúc chân lý đã sờ sờ trước mắt, bằng chứng đã hiển hiện trong tay mà vẫn cứ “khiêm nhường” sợ sai, uốn lưỡi đến 70 năm vẫn thấy chưa “chín” để thốt ra lời. Đến khi nói ra thì lời nói lại bị chính mình tự kiểm duyệt, gọt dũa đến tròn và kín như vỏ ốc. Sự hèn nhát lại được bảo kê bằng những dáng vẻ thanh cao, đạo hạnh nữa mới khổ. Cứ như thế, cuối cùng không thành con giun thì thành công cụ. Những dị ứng tiên khởi như của cụ Nguyễn Mạnh Tường, Trần Độ, Nguyễn Minh Châu…lẻ loi không được cộng hưởng.
Nhưng giống như con sói bị đánh thức bởi tiếng gọi từ nơi hoang dã, lòng người Trí thức trước nguy cơ giống nòi bị làm nhục, đã được đánh thức bởi tiếng gọi tiềm thức của dòng giống oai hùng từ rất xa xăm, ẩn đâu trong mỗi tế bào.
Đã bắt đầu khác. Bài xã luận số 2 này là lời mở đầu một bản tự đính chính mình của giới Trí thức, từ nay dũng cảm nói lên SỰ THẬT.
Lần đầu tiên trong đời “Trí thức xã hội chủ nghĩa” một tập thể Trí thức dám khẳng định không úp mở: Trong việc này chúng tôi đúng, Đảng và nhà nước sai!
Sau khi đã viện dẫn tổng quát “những đánh giá mang tính phản biện khá đầy đủ về mọi mặt” , trong đó có luận chứng của những chuyên gia về kinh tế, về văn hoá, về môi sinh, về an ninh, về quốc phòng (trong đó nổi bật là 3 bức thư của đại tướng Võ Nguyên Giáp), bài xã luận khẳng định về “những ý kiến khôn ngoan đúng mực”, và “dư luận càng lúc càng tự tin vào tính CHÍNH NGHĨA và sự đúng đắn”. Trước nguy cơ dễ dàng bị quy kết là chống đối, là phản động, là phá hoại công cuộc xây dựng thì sự khẳng định CHÍNH NGHĨA về phía mình còn có ý nghĩa trả lại sự PHI NGHĨA cho phía quy kết.
Còn diện mạo phía chủ trương khai thác bauxite thì sao? Cách làm của họ thì dùng những thủ đoạn bất chính như “giữ mười năm nằm trong vòng bí mật”, diễn văn viết sẵn, hứa hẹn suông sẽ “chịu trách nhiệm”, hạn chế thông tin, làm ăn “kín đáo”, xé lẻ đàn áp, chỉ muốn “làm tới” bất chấp luật pháp, tóm lại đó chỉ là một thứ “lý trí” phản lý trí mà thôi.
Về động cơ thì có vô vàn thứ đặc quyền đặc lợi , do lý trí tham lam đen tối của các nhóm đặc quyền đặc lợi trong nước và ngoài nước, đem tài nguyên thô đi bán cho bọn lái súng và bọn sản xuất tàu ngầm.
Cuối cùng giới trí thức đã vạch thẳng những tim đen toan chơi canh bạc này tới đồng xu cuối cùng và giọt máu cuối cùng của dân tộc.
Hỡi bạn, là người Việt Nam, nghe lời máu thịt này mà không có cảm ứng gì thì tôi cam đoan con người trong bạn đã chết! Khỏi cần nói, nếu bạn lại còn là một đại biểu của dân trong Quốc hội, và đang cận kề trước nguy cơ trở thành kẻ tòng phạm của một tội ác lịch sử.
Ngoài sự khẳng định chính nghĩa và bất chính trong vụ Bauxite, ngoài ý nghĩa của một thông điệp về mối liên minh ma quỷ giữa nội xâm và ngoại xâm đang cố tình làm nhục dân tộc, bài Xã luận ấy, qua sự phác hoạ về “3 khả năng” còn nói thẳng ra những SỰ THẬT khác:
- SỰ THẬT trong tính cách Dân tộc: bên cạnh những ưu điểm đáng tự hào cũng vốn có những nhược điểm đang kìm hãm Dân tộc. Đó là “lối khôn khéo của đầu óc tiểu nông và theo lối nửa vời của đầu óc tiểu thương” làm cho xã hội cứ “cò cưa kéo cưa”. Đó là “thói ỷ lại chờ đợi phó mặc cho những quyết định từ bên trên, cấp trên quyết định gì cũng được, cấp trên quyết định thế nào cũng xong, hậu quả ra sao không cần biết”.
Có phải đây là căn nguyên của sự thiếu ý thức xã hội (nên khó hình thành một Xã hội Dân sự cường tráng), rất hay có mâu thuẫn nhỏ với nhau nhưng lại thiếu phản biện vĩ mô, khiến cho cho một lý thuyết hữu tâm nhưng vô lý như thuyết Mác xít có thể xâm nhập vào một cách tự nhiên không qua sàng lọc? Đây cũng là căn nguyên bệnh “phò chính thống” của giới sĩ phu chăng? Bệnh “phò chính thống” là sản phẩm của nề nếp phong kiến: kẻ đã bật lên thành chính thống thì không bị sàng lọc nữa. Một xã hội như vậy, trong tương lai sẽ có nguy cơ “tiến lên” thành một chế độ “Dân chủ phi Tự do” (Illiberal Democracy).
- SỰ THẬT về một Dân tộc bị tha hoá bởi cái “vòng trói buộc mê muội”, “đã biến một dân tộc năng động và yêu cuộc sống thành những cá thể rời rã bất lực, bất cần đến chí khí, bỏ mặc cho lý trí bị ngủ vùi”. Quốc hội thì biến thành một “diễn đàn quan phương, xuôi chiều”. Báo chí “lề phải” thì như con chim dính tên sợ làn cây cong (Cái lưng của kẻ chư hầu nịnh thần càng cong xuống lại càng biến thành cái cần cong của cây cung đang cố giương lên, sẵn sàng nhả tên vào những người đứng thẳng! Sao lại bi hài đến thế?).
- SỰ THẬT được dự báo như có một ngọn trào Dân tộc hồi sinh, “đang có tầng tầng lớp lớp sóng dồi dư luận lồng lên như đồng thanh tương ứng” ,“các trang web và trang blog chúng ta đều có chung một nguyện vọng tha thiết chẳng nói thành lời, ấy là làm sao nâng cao DÂN TRÍ nhiều hơn nữa để cởi cho dân tộc khỏi vòng trói buộc mê muội ấy”…
- Cuối cùng, SỰ THẬT tổng quát nhất mà Bài xã luận 2 bộc lộ là sự thật về một tương lai khả kiến, về tương quan lực lượng giữa Chính và Tà, giữa Hy vọng và Tuyệt vọng, giữa ý chí và thực tiễn, giữa quy luật và tấm lòng…
Sau khi đã chứng minh được tính CHÍNH NGHĨA rất thuyết phục của con đường mình đi, tính PHI NGHĨA rõ ràng của thứ “lý trí” phản lý trí , và nhất là thấy việc mình làm “đã có nhiều kết quả tích cực đến bất ngờ”, các tác giả vẫn hình dung ra 3 khả năng, và đau đớn thay khả năng “cò cưa kéo cưa” là khả năng không mấy tốt đẹp vẫn nhiều hơn cả! Thế là tỉnh táo, không lấy tấm lòng thay cho thực tế. (Thực tế vẫn đang diễn ra, chuyện hải đảo, chuyện bauxite giấu mãi không được nay lại bung ra rùm beng như một “chủ trương lớn”, nhưng người tinh ý nhận ra ngay trò hữu danh vô thực, tung hoả mù để tiếp tục làm kín đáo hơn). Nhất định họ cứ “liên kết chặt chẽ với nhau để cương quyết xốc tới” như điều đã diễn ra từ trước đến nay, chừng nào vẫn còn “cơ chế một đảng cầm quyền”!
Nhưng biết như vậy mà vẫn quyết tâm: “người trí thức và lớp người trẻ tuổi lại phải chấp nhận dấn thân chứ không còn giải pháp nào hơn! Mình không làm thì ai làm? Mình không chủ động đảm đương lấy thì chờ ai đảm đương hộ? Mình không nhận việc thì cậy ai nhận việc thay?”
Dù chỉ còn một tia hy vọng cũng không được nản vì nếu khả năng “Lý trí thua, mà thua to” xảy ra thì “đây sẽ là một kịch bản đen tối nhất cho dân tộc”. Dân tộc bị nhục thì người dân nào có thể còn vinh?
Ai biết nước sông Lam răng là trong, là đục.
Thì biết sống cuộc đời răng là nhục, là vinh?
Chỉ nghĩ đến thế thôi, thì còn một chút hy vọng cũng phải làm.
Trước đây đọc Nguyễn Du “Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI” tôi thường hiểu đây là lời khuyên đạo đức, lối tu thân thụ động, không thành công thì ít ra cũng thành nhân. Ừ thì cứ cho “tấm lòng chẳng để làm gì cả, chỉ để cho gió cuốn đi” (Trịnh Công Sơn) thì vẫn cứ phải có một tấm lòng, để khi từ biệt thế gian còn nhắm được mắt.
Nhưng không phải chỉ có thế, cái TÂM không thể nằm yên, TÂM đủ ngưỡng sẽ sinh ra TÀI, trừ những thứ tài buộc phải bẩm sinh. Trước khi có Kiến nghị về Bauxit này, tôi cũng chẳng tin mấy vị “Trí thức, nhà văn Xã hội chủ nghĩa kinh niên” nhà ta có thể làm một cuộc phản biện cho ra hồn. Vậy mà…, đọc bài Xã luận số 2 tôi có chút giật mình, vì điều mong muốn đã đến nhanh hơn mình tưởng.
Quy luật ư (ta nói quy luật xã hội), quy luật đúng là sự cưỡng bức của Tạo hoá, khó mà chống lại. Nhưng Tạo hoá vốn rất “dân chủ”, trong “Hội đồng Quy luật” của Tạo hoá có dành chỗ ít nhất cũng 51 phần trăm cho sự chọn lựa của chính con người.
“Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” – (Nguyễn Du)
Biển đời chưa biết đâu là bờ, “Tận Nhân lực mới tri Thiên mệnh”.
Có quyền, có tiền, người ta hẹn gặp nhau nơi “canh bạc cuối cùng” cá độ cả dân tộc. Những người chỉ có Lý trí công chính và Tấm lòng mạnh hơn vũ khí thì hẹn nhau nơi CHÂN LÝ mà thôi.
Nhưng, hãy đợi đấy!
Bài do tác giả gửi đến Đàn Chim Việt