Kim Hữu: Chuyện kể ở Đồng Ky – Bắc Ninh
Hôm nay chúng tôi có duyên được bà con Phường Đồng Kị mời về thăm quê hương của làng nghề truyền thống nổi tiếng làm pháo và làm đồ gỗ mĩ nghệ.
Chúng tôi hẹn nhau ở bến xe buýt Long Biên, lên xe số 10 đi về Từ Sơn. Đón chúng tôi là một phụ nữ địa phương có dáng người nhỏ nhắn, làn da trắng mỏng rất mịn, nụ cười tươi trẻ, đôi mắt tinh anh, sắc sảo thể hiện nhuệ khí cương cường mà vẫn thắm duyên quan họ lúc mời trầu. Chị Thi nhanh nhẹn tìm xe tắc- xi và đưa chúng tôi về nhà.
Vừa xuống xe chúng tôi đã được một số người dân cùng gia đình chị Thi đón tiếp niềm nở . Chúng tôi ai cũng cảm thấy rất ấm cúng, tự nhiên và thoải mái . Ngồi quanh bàn trà lại có thêm một số bà con đến chơi. Sau những câu hỏi thăm và giới thiệu thân mật, câu chuyện của chúng tôi mỗi lúc “nóng” dần lên với những bức xúc chất chứa trong mỗi người.
Bác Nghĩa một nông dân được bà con tín nhiệm cử ra thay lời đã cho chúng tôi biết làng Đồng Kị có 600 mẫu đất canh tác để nuôi sống 17 nghìn dân. Đất đai màu mỡ lại có con sông Ngũ Huyện Khê được đào từ thời Lý và được cải tạo nhiều lần, việc tưới tiêu thuận lợi, người nông dân chăm chỉ ,cần cù vắt đất lấy cơm nên an ninh lương thực của làng dù vào những lúc đất nước khó khăn nhất vẫn không thiếu đói. Sức đất, sức người đã tạo ra những cánh đồng vàng được Nhà nước công nhận. Như muốn chúng minh cho chúng tôi một bác nông dân đã đưa ra một tấm ảnh chụp các cán bộ của phường Đồng Kị với phó Chủ Tịch Nước Nguyễn Thị Doan trong buổi lễ trao giải thưởng “Cánh đồng vàng” năm 2012. Thế mà giờ đây, bác Nghĩa nói tiếp:
- Cán bộ tỉnh Bắc Ninh,Thị xã Từ Sơn đã bao che, dung túng, tiếp tay cho các đai gia,các nhà giàu hùn vốn vẽ ra một cái gọi là “ Khu thương mại làng nghề” lập kế hoạch thu hồi khoảng 400 mẫu ruộng rồi san lấp chia lô bán nền thu lợi cho cá nhân. Bây giờ nếu thực hiện xong dự án này thì cả làng chỉ còn lại khoảng 200 mẫu đất canh tác nuôi 17 nghìn dân dù một năm 2 vụ thì giá trị thu được cũng không đủ tiền nộp phí thu gom rác.
- Chúng tôi rồi chết đói.
Một chị giọng đầy bức xúc chen vào .
- Chết đói đầu nước thật đấy
- Chỉ dân nghèo chết thôi còn chúng nó của ăn mấy đời không hết, chết sao được.
- Ngày xưa tuy nghèo nhưng không chết đói chứ bây giờ nhìn bề ngoài thì thế chứ chết đói đấy
Mỗi người một câu căn phòng như chật lại, bầu không khí như đặc hơn .
- Sông Ngũ Huyện Khê cũng bị lấp ¾ rồi cũng chia lô bán làm chợ rồi, cứ tính sơ qua giá mỗi lô thì cũng biết được số thu hàng nghìn tỉ đồng.
- Chuyện ngược đời: Bên này cầu Tấn Bào thì lấp sông nhưng bên kia cầu thì ngân sách lại phải chi ra hàng nghìn tỉ để nạo vét và mở rộng lòng sông. Không hiểu Cục quản lí đê điều có biết không? !
- Dào …. Con sông chứ có phải cái kim sợi chỉ đâu mà không nhìn thấy
Một bác kêu lên.
-Này con sông này chảy qua cả Đông Anh quê hương của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đấy. Hỡi ôi! Ông Tổng Trọng ơi! Ông có biết không! Tiếng kêu tuyệt vọng của Bác nông dân làm căn phòng thêm chật nữa, không khí đặc quánh lại, bốn chiếc quạt mở hết công suất cũng không xua nổi mồ hôi nhếnh nháng trên khuôn mặt khắc khổ, thiểu não.
- Đưa các bác đi thăm cánh đồng” một người hô lên
- Đúng, đúng đưa đi thăm cánh đồng . Tất cả đều ào ào hưởng ứng .
Cánh đồng – hai từ máu thịt từ bao đời giờ đây là một vùng trắng nham nhở nằm phủ phục dưới những chiếc máy xúc đang nghễu nghện vươn chiếc gầu sắt như những chiếc vòi bạch tuộc khổng lồ nuốt chửng từng vạt đất gọn lỏn, lạnh lùng. Một vài dải rau mỏng manh đã queo quắt chới với rã rượi như dù chết cũng chẳng rời khỏi đất.
Chiếc xe đưa chúng tôi đi trên con đường bê tông còn mới.
- Đây là lòng sông , còn đây là điếm canh đê.
Chúng tôi cùng nhìn theo tay chị chỉ cách bờ sông khoảng hơn 100m một chiếc điếm canh nằm lọt thỏm giữa khu hỗn hợp vừa dân cư, vừa buôn bán, vừa sản xuất bụi gỗ bay như lớp sương mù nhuộm những mái đầu tuổi chỉ đôi mươi thành màu bàng bạc. Một người dân cho biết đoạn sông bị lấp kéo dài khoảng 5km
- Làng mình có nghề thủ công truyền thống hay ta phát huy nghề để kiếm sống. Tôi quay sang nói với Bác Nghĩa
- Kiếm sống sao nổi . Làm nghề thì phải có nguyên liệu, có đầu ra cho sản phẩm nhưng nguồn gỗ quí của nước mình giờ đã cạn kiệt, còn đầu ra phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Anh chị đã đọc bài báo “ phố Người Hoa cách Hà Nội 20km” chưa? Đấy chính là khu phố tôi đấy, họ ở đây để mua hàng, vì bài báo đó nên bây giờ những nhà cho người Hoa thuê họ bỏ biển hiệu bằng tiếng Hoa xuống
- Mấy năm vừa rồi thực chất là chỉ phá rừng, làm hàng và bán sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên cũng kiếm được cho nên cả làng từ người lớn đến trẻ con lao vào buôn gỗ, làm đồ gỗ mỗi tháng mỗi gia đình sản xuất tiêu thụ khoảng 1m3 gỗ . Bây giờ gỗ quí không còn, gỗ nguyên liệu thường cũng hiếm, Trung Quốc thì nhập rất ít, nợ ngân hàng đến nỗi nhiều nhà không thể trả được lãi, nhiều gia đình đang trên bờ phá sản
- Hay là ta đi làm thuê cho các khu công nghiệp mỗi tháng cũng kiếm được 4 đến 5 triệu đồng một người, Bắc Ninh cũng nhiều khu công nghiệp đấy, tôi nói. Bác Nghĩa thở sượt dài:
- Dào ôi ! Bây giờ những chỗ công chức hay cơ quan nhà nước lương tuy thấp nhưng bổng không tính được thì con ông, cháu cha chưa học xong đã nằm trong cơ cấu rồi còn con em nhân dân bằng giỏi đầy có xin được việc đâu huống chi làng tôi thuần nông. Những năm gần đây chỉ lao vào làm nghề huy động hết nguồn sức trẻ cho sản xuất nên ngoài nghề gỗ ra có mấy ai học cao hay làm nghề khác đâu cứ nghĩ nông dân có thêm nghề phụ thì dù thế nào cũng khấm khá ngờ đâu bây giờ bị nguy cơ chết đói, thanh niên không có việc làm trong làng bây giờ còn sinh ra nghiện ngập, cờ bạc.
- Học à nếu nói đến học thì mời các bác đi thăm nhà trẻ.
Chúng tôi để xe ở Ủy Ban Nhân Dân Phường Đồng Kị xuống đi bộ qua những con ngõ quanh co chật hẹp. Nhà trẻ đây rồi, chúng tôi đứng trước một ngôi nhà cũ kĩ được xây dựng từ năm 1966, từng mảng tường rêu phong lở lóc để trơ ra từng khoảng gạch mòn bở. Căn nhà rộng chừng 16m2 khoảng hơn 40 cháu nhỏ tuổi từ 3 đến 5 đi đi, lại lại đồ chơi chẳng có gì. Một khoảng sân rộng chừng 8 m2 mặt nền đã biến dạng do sụt lún, rêu phong. Phường Đồng Kị có khoảng 2000 trẻ trong độ tuổi mẫu giáo và mầm non thì khoảng hơn 1000 cháu hiện đang được “ dạy dỗ và học tập” trong những nhà trẻ kiểu thế này. Số còn lại, con em các gia đình quan chức và tư bản được gửi trong các nhà trẻ tư thục khang trang.
Chúng tôi ra về không khí thật nặng nề. Qua Ủy ban Nhân Dân Phường Đồng Kị lấy xe tôi ngước nhìn một tòa nhà đồ sộ tọa lạc trên một khu đất rộng mênh mông chừng 3 ha hiện đang xây dựng . Nếu so với qui định của thông tư số 02/2014TT-BGDĐT, so với Ủy ban Nhân Dân Phường Đồng Kị thì cái “ nhà trẻ” kia đối với những đứa trẻ chỉ là nơi tạm tá túc mà chúng bị giữ ở đó mỗi ngày 8 tiếng vì một tội duy nhất, chúng là những công dân tí hon của Phường Đồng Kị, của Thị trấn Từ Sơn của Tỉnh Bắc Ninh. Không hiểu khi đặt bút ký những dự án trá hình kiểu “khu công nghiệp làng nghề”, xây dựng những công trình đồ sộ kia những công bộc của nhân dân nghĩ gì đến những chủ trương của Đảng và Nhà nước về xóa đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo để phát triển bền vững.
Những Đảng viên nghĩ gì về mong ước thiết tha của Bác Hồ là Nước ta được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc ai cũng được học hành. Chính quyền Phường Đồng Kị nghĩ gì đến câu nói “ giáo dục là vũ khí mạnh nhất có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới”. Rồi đây Đồng Kị, thị xã Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh lấy gì để thay đổi quê hương, viết tiếp trang truyền thống nơi địa linh, nhân kiệt, mảnh đất của Tám đời vua Lý
Hà Nội, cuối Thu 2016
Kim Hữu
Hội viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam IJAVN
(Tác giả gửi đăng)
Trích: “…. Những Đảng viên nghĩ gì về mong ước thiết tha của Bác Hồ là Nước ta được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc ai cũng được học hành.
” Bởi tin vào ” bác” nên bây giờ cả nước mới ra nông nỗi này!!! Nơi nào cũng có bọn Tàu chệt làm ăn buôn bán, biển thì bị nhiễm độc, tôm cá chết; Dân chài không được phép ra biển Đông chài lưới; ;nông dân bị cướp đất; cán bộ thi tham nhũng từ trên xuống dưới. Dân Việt bây giờ có câu:
” Giàu có thì chúng ghét, đói rét thì chúng khinh, thông minh thì chúng diệt!”