Cuộc cách mạng tại Mỹ
Gần phân nửa dân chúng Mỹ vùng dậy nhưng không bằng búa liềm và mã tấu mà với lá phiếu để nói lên sự phẫn nộ và đòi hỏi quyền lợi cho họ.
Quyền lực tại Mỹ đang rúng động nhưng không xảy ra bạo loạn cướp chính quyền trái lại nhà nước vẫn được chuyển tiếp một cách trật tự. Bên thua cuộc không sợ bị thanh toán, còn bên thắng cuộc cũng không đấu tố để tiêu diệt đối phương cho dù các thế lực chính trị sẽ bị đảo lộn trong căng thẳng, tính toán và thủ đoạn.
Tìm hiểu lý do khiến gần phân nửa dân Mỹ phẫn nộ là trả lời cho câu hỏi tại sao bà Clinton mất đi lá phiếu của giới thợ thuyền Mỹ trắng cho dù Đảng Dân chủ vẫn thường được xem bảo vệ công nhân trong khi Cộng hòa thuộc phe tư bản. Nhiều người mỉa mai đảng nào rồi cũng bênh vực giới quyền lực nhưng không đơn giản như vậy.
Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt của Đảng Dân chủ phát động phong trào New Deal sau cuộc Đại Khủng Hoảng 1929 nhằm giải quyết nạn thất nghiệp, nâng vai trò của công đoàn, tổ chức mạng lưới an sinh xã hội và đưa ra mức lương tối thiểu. Từ đó Đảng Dân chủ thu hút được sự ủng hộ của giới thợ thuyền.
Đến thập niên 70 kinh tế bị trì trệ một phần vì doanh nghiệp bị giám sát rườm rà và vì giới công đoàn đòi hỏi quá nhiều quyền lợi. Tổng thống Ronald Reagan thuộc Đảng Cộng hòa cắt giảm việc giám sát và vai trò của công đoàn để doanh nghiệp được tự do phát triển.
Sang thập niên 90 sau khi bức màn sắt sụp đổ, Tổng thống Bill Clinton thuộc Đảng Dân chủ cùng Quốc hội Cộng hoà đẩy mạnh trào lưu toàn cầu hóa khi tham gia vào WTO và ký kết Hiệp Ước Thương Mại Bắc Mỹ NAFTA; tiếp đó Tổng thống Bush thuộc Đảng Cộng hòa ủng hộ đưa Trung Quốc vào WTO; Tổng thống Obama thuộc Đảng Dân chủ vận động cho TPP (Thái Bình Dương) và TTIP (Đại Tây Dương). Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trở nên giống nhau vì cùng thúc đẩy mậu dịch trong khi để vai trò của các công đoàn ngày càng suy yếu.
Kết quả kinh tế thế giới và Hoa Kỳ tăng vọt nhưng giới thợ thuyền Mỹ trắng ở những tiểu bang vùng Trung Mỹ thất nghiệp hàng loạt do các tập đoàn đa quốc gia mang sản xuất ra nước ngoài. Trung Quốc hưởng lợi nhiều nhất nhờ vào (1) lực lượng nhân công cần cù, hùng hậu, lương rẻ; (2) thu hút đầu tư nước ngoài; (3) hạ giá đồng nhân dân tệ để hỗ trợ xuất cảng. Nước Mỹ rạn nứt thành hai mảnh, các tiểu bang ven bờ đại dương như California và New York ngày thêm giàu có trong lúc dân chúng vùng Trung Mỹ bị thất nghiệp hàng loạt (nay gọi là rust belt, tức vòng đai rỉ sét). Cho nên dân miền duyên hải có lợi tức và học vấn cao và gồm nhiều di dân ủng hộ toàn cầu hóa còn người bản xứ sống trong đất liền chống các hiệp ước thương mại quốc tế.
Mặt khác, Đảng Dân chủ thay đổi từ bênh vực quyền lợi công nhân thời New Deal sang đa bản sắc (multi-identity) và đa văn hóa (multi-culturalism) như nữ quyền, đồng tính và các sắc tộc thiểu số trong thế kỷ 21. Dân Mỹ trắng gồm cả hai giới trung lưu và thợ thuyền cảm thấy quyền lợi của họ bị di dân lấn chiếm (Welfare và ObamaCare), nền tảng Cơ Đốc Giáo (Christian Judaism) bị lung lạc trong khi người bản xứ bị lấn át trên chính quê hương cha ông họ đã dựng nên.
Kể từ năm 2003 dân Mỹ lại thêm tức giận vì can thiệp quân sự ra nước ngoài vô cùng tốn kém mà không đạt được kết quả nào; nhà nước bị tê liệt do hai đảng chính trị tranh giành thế lực nên phủ quyết lẫn nhau (vetocracy) thay vì điều hành đất nước; các biện pháp kinh tế sau cuộc khủng hoảng 2007-08 bảo vệ giới tài phiệt nhiều hơn là dân chúng; di dân bất hợp pháp từ Nam Mỹ mang theo tội phạm, còn di dân Hồi Giáo là mảnh đất dung dưỡng cực đoan và khủng bố; chính sách ngoại giao mềm yếu của Obama bị Putin (Nga), Erdogan (Thổ), Duterte (Phi) khinh thường mà ngay cả các nhà cầm quyền như Trung Hoa và Việt Nam cũng không cần nghênh đón trọng thể khi công du sang nước họ. Nhiều nỗi tức giận bị dồn nén thể hiện qua lá phiếu phẫn nộ chống giới tinh hoa chính trị (elites) thuộc cả hai phía cho dù Đảng Dân chủ đang nắm quyền nên thiệt thòi nhiều nhất, thua cả Hành pháp lẫn Quốc hội vì vừa mất lá phiếu thợ thuyền lại không được sự ủng hộ nồng nhiệt của các thành phần còn lại.
Xã hội khi thay đổi đều có kẻ thắng người thua, nhưng trong nền dân chủ kẻ bị thua thiệt vẫn có sức mạnh qua lá phiếu. Điều trớ trêu khi nhà tỷ phú Donald Trump đắc cử không nhờ vào giới quyền lực tinh hoa hay của các tập đoàn tư bản và lợi ích mà bằng lá phiếu phẫn nộ của phân nửa dân Mỹ. Cả hai đảng đều rơi vào cơn khủng hoảng nên hiện đang cố moi tim óc tìm chỗ đứng vững trong quần chúng: có người đòi Đảng Cộng hòa phải trở thành đảng của quần chúng (populist party) tiếp theo thắng lợi của ông Trump; còn ông Bernie Sander kêu gọi các dân biểu nghị sĩ Dân Chủ phải bước ra khỏi vòng đai quyền lực Washington DC để trở về nghe tiếng nói của dân chúng ở từng địa phương.
Nước Mỹ đang bị khủng hoảng nhưng lại cho chúng ta thấy sức sinh động của nền dân chủ: dân chúng như nước nâng con thuyền chính trị nhưng cũng làm lật đổ con thuyền đảng phái, nên các đảng chính trị phải thay đổi thích ứng khi thì hỗ trợ doanh nghiệp, lúc lại trở về quần chúng.
Tất nhiên có những trào lưu không thể cưỡng lại được vì đi phản lại động lực tiến hoá: toàn cầu hóa; tự động hóa; đa chủng tộc và đa văn hoá trong tình trạng lão hóa của người da trắng nói chung; trọng tâm kinh tế chuyển từ Tây sang Đông. Đây là một cơn đại hồng thủy (tetonic shift) mà người ta đang dần thấy các hậu quả như sự nổi dậy của Trung Quốc, khủng hoảng kinh tế 2007-08, Brexit và phong trào dân túy ở Tây Phương; lá phiếu phẫn nộ của cử tri Mỹ 2016.
Nền dân chủ Hoa Kỳ trải qua một cơn chấn động nhưng chúng ta phải lạc quan vì giới tinh hoa đã bừng tỉnh và tìm cách thích ứng, bởi vì nếu họ không thay đổi thì sẽ bị cuốn theo dòng thác lủ từ không bạo động sang bạo động như đã từng xảy ra trong thập niên 1930.
Đại đa số dân Mỹ không chống toàn cầu hóa nhưng họ muốn chậm bớt cường độ nhanh đến chóng mặt; họ tiếp đón di dân nhưng đừng quá ồ ạt, không lạm dụng an sinh xã hội, không mang theo tội phạm và khủng bố; dân Mỹ chấp nhận các giá trị trong xã hội phải thay đổi nhưng không muốn thấy nền tảng đạo đức bị lung lay.
Mọi thay đổi đều có kẻ đắc lợi và người thua thiệt. Riêng trong thể chế dân chủ các đảng phái chính trị phải quan tâm đến thành phần dù không có quyền lực chính trị nhưng vẫn có lá phiếu bầu nhằm tìm cách giảm thiểu sự thiệt hại của họ.
© Đoàn Hưng Quốc
© Đàn Chim Việt