Lâm Bình Duy Nhiên: Những người Mẹ vì tương lai quê hương
Trong thời khắc giao mùa, khi mọi người nóng lòng đón chờ giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, khi ai cũng nghĩ đến sự đoàn viên, tôi chợt nhớ đến bài hát Huyền thoại Mẹ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn :
Đêm chong đèn ngồi nhớ lại
Từng câu chuyện ngày xưa
Mẹ về đứng dưới mưa
Che đàn con nằm ngủ
Canh từng bước chân thù
Mẹ ngồi dưới cơn mưa
…
Mẹ là gió uốn quanh,
Trên đời con thầm lặng
Trong câu hát thanh bình.
Mẹ làm gió mong manh.
Mẹ là nước chứa chan,
Trôi dùm con phiền muộn
Cho đời mãi trong lành
Mẹ chìm dưới gian nan.
Tấm lòng cao cả của người Mẹ Việt Nam trong thời loạn lạc chinh chiến hay trong thời bình luôn là một giá trị vĩnh hằng và là thứ tình cảm cao quí nhất. Biết bao người mẹ đã vì chồng, vì con, vì đất nước mà thầm lặng chịu đựng, hy sinh trong những chuỗi ngày đau thương trong lịch sử dân tộc.
Khi những đứa con ở xa đang quay về với gia đình, với mẹ để cùng nhau xum họp trong những ngày Tết, tôi không khỏi chạnh lòng, đau buồn khi nghĩ đến khuôn mặt của ba người mẹ Việt Nam vẫn đang bị giam cầm trong chốn lao tù nơi quê nhà.
Đó là các chị Cấn Thị Thêu, Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga. Nhà cầm quyền trong nước đã vi phạm nghiêm trọng Công ước quốc tế về Nhân quyền khi bắt giữ họ một cách tùy tiện.
Ngày 10/6/2016, chị Cấn Thị Thêu đã bị công an tỉnh Hòa Bình và Hà Nội bắt theo điều 245 Bộ Luật Hình sự. Tháng 9/2016, chị bị Tòa án Nhân dân quận Đống Đa, Hà Nội tuyên án 20 tháng tù giam do « gây rối trật tự công cộng ». Cũng cần nhắc lại, chị đã từng bị kết án 15 tháng tù giam vào năm 2014.
Chị Cấn Thị Thêu là tiếng nói đấu tranh đại diện cho các nông dân Dương Nội trong những vụ tranh chấp đất với chính quyền địa phương. Chị chỉ cùng người dân lam lũ tại đây công khai đòi hỏi thực thi quyền lợi chính đáng của mình.
Đến ngày 10/10/2016, Mẹ Nấm, tức chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một blogger đã bị công an tỉnh Khánh Hòa bắt giữ tại Nha Trang. Mẹ Nấm là một khuôn mặt quen thuộc trong những hoạt động nhân quyền tại Việt Nam. Từ vấn đề chủ quyền lãnh hải (Trường Sa, Hoàng Sa) cho đến việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên và gần đây là vụ thảm họa môi trường biển miền Trung do công ty Formosa gây nên, chị luôn cất tiếng nói phản kháng mạnh mẽ hòng lên án thái độ vô trách nhiệm của nhà nước trước những vấn nạn của dân tộc. Chị luôn là một cái gai khó chịu đối với chế độ khi không ngừng tranh đấu cho những quyền lợi căn bản nhất của người dân.
Trước Tết Nguyên đán, đến lượt chị Trần Thị Nga bị công an tỉnh Hà Nam bắt giữ vào ngày 21/1/2017. Chị cũng từng đồng hành bên những người dân oan Hà Nam, xuống đường tham gia biểu tình chống Formosa, đấu tranh cho một xã hội công bằng và một môi trường sống tốt đẹp.
Cả ba chị đều là những bà mẹ Việt Nam. Cả ba chị đều bị bắt giam một cách hèn nhát. Mẹ Nấm và Trần Thị Nga bị nhà cầm quyền cáo buộc « tuyên truyền chống nhà nước » theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự. Đây chính là hành vi xâm phạm nhân quyền đáng lên án của chế độ. Cả một guồng máy an ninh hung hăng, gieo rắc nỗi sợ hãi bao trùm xã hội lại không thể đương đầu với những tiếng nói phản biện chính đáng của những người phụ nữ tay không, tranh đấu ôn hòa. Phải sử dụng đến vũ lực, ngục tù hòng bóp nghẹn sự phản kháng, thể hiện bản chất độc tài của chế độ.
Tự bao giờ tranh đấu cho một xã hôi công bằng, cho quyền công dân, cho môi trường và cho chủ quyền quốc gia lại bị kết án gây rối hay chống phá nhà nước ? Những gì các chị Cấn Thị Thêu, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga làm chỉ là trách nhiệm và bổn phận của một công dân trước vận mệnh của dân tộc. Các chị đã thực thi quyền công dân khi mà hàng triệu người khác vì nỗi lo bị đàn áp, bắt bớ, vì miếng cơm manh áo, đã và đang chấp thuận im lặng, bỏ mặc tương lai đất nước cho nhà cầm quyền.
Bắt giam những người mẹ, tách biệt họ với những đứa con còn thơ dại những ngày giáp Tết chỉ làm dâng cao làn sóng bất bình đang ngấm ngầm âm ỉ chảy trong lòng người dân. Tính nhân văn của một dân tộc vốn ngàn năm tôn trọng đang bị chà đạp một cách thô thiển nhân danh pháp luật của một thể chế chính trị độc tài, đảng trị. Nhà cầm quyền muốn dựa vào tình mẫu tử để uy hiếp tinh thần, để làm lùi bước và để dập tắt sự tranh đấu của cách chị. Họ đã lầm !
Các chị là những gương mặt kiên cường, sát cánh cùng đồng bào lam lũ, những công dân hạng hai trong một xã hội bệnh hoạn. Suy cho cùng, vượt lên trên mọi ý thức hệ chính trị, hành động của các chị chính là nền tảng cho một xã hội tiến bộ, tự do và dân chủ mà tất cả chúng ta đang hướng về. Những việc tưởng chừng bé nhỏ ấy lại ẩn chứa một sức mạnh vô biên khiến cho cả một chế độ phải đối phó và đàn áp, bất chấp luật pháp. Không cần lý tưởng, tuyên truyền như câu nói, được cho là của Lý Tự Trọng,: « Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác », các chị chọn nhân dân, chọn quê hương. Đơn giản thế thôi !
Lại nhớ đến nhận xét của Dương Thành Truyền, một cán bộ cao cấp của thành đoàn TNCS khi về nói chuyện, tuyên truyền với bọn học sinh chúng tôi cách đây hơn 27 năm : «Hai Bà Trưng rất anh hùng, quân của Hai Bà đánh đâu thắng đó, bọn giặc Hán phải dụng đến trò tồi bại là khi xông trận, lính của chúng ở truồng, khiến cho nữ quân của Hai Bà mắc cỡ, e thẹn, bỏ chạy. Chính vì thế giặc Hán mới thắng ! ». Dương Thành Truyền cười ngất. Ngày nay, chính quyền của ông cũng đang sử dụng những phương cách hèn hạ nhất để thị uy, trấn áp những bà mẹ Việt Nam.
Trịnh Công Sơn đã viết Huyền thoại Mẹ vào năm 1984 khi nhìn thấy tấm ảnh mẹ Suốt. Không biết nếu còn sống, ông sẽ có những cảm xúc gì khi còn có những người Mẹ đang bị chế độ giam cầm chỉ vì tiếng nói đấu tranh của họ, trong một đất nước được cho là độc lập, tự do và hạnh phúc.
Ngày Tết, không quên còn có những tù nhân lương tâm, những người phụ nữ, người mẹ đang trong chốn lao tù, hy sinh cuộc đời, tuổi trẻ cho một Việt Nam tự do và dân chủ.
Cho tương lai của tất cả chúng ta !
Mồng Một Tết Đinh Dậu 2017
Lâm Bình Duy Nhiên