Phải làm gì để người dân hưởng ứng những lời tuyên bố đầy tâm huyết của lãnh đạo đất nước?
“Theo đánh giá của BVN có lẽ ông Triết thuộc loại ít tai tiếng trong hàng ngũ lãnh đạo hiện nay, là một người còn mang được nét chất phác trong những lời phát biểu đôi khi nghe như quá thật thà, nhưng cũng là người đã ra tận đảo Bạch Long Vĩ trong những ngày cuối tháng Ba đầu tháng Tư vừa qua khi có tin đồn rộ lên rằng Trung Quốc đang lăm le chiếm thêm đảo Bạch Long vĩ thân yêu của Tổ quốc, để lên tiếng khẳng định một cách kiên quyết: “Đối với biên giới, lãnh hải, chúng ta luôn muốn hòa bình hữu nghị giữa hai dân tộc, giữa các dân tộc có biên giới với chúng ta, đó là mong muốn của nhân dân. Có hòa bình, hữu nghị thì nhân dân mới có cuộc sống ổn định, đó là thiện chí của cả dân tộc VN suốt hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Làm việc này trên cơ sở thương lượng, trao đổi, vận động, thuyết phục. Không để bất cứ ai xâm lấn bờ cõi của mình, biển đảo của mình. Khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, quyết tâm không gì lay chuyển được của Đảng, Nhà nước. Chúng ta không tham của ai, nhưng một tấc đất quê hương chúng ta cũng không nhân nhượng”. Hãy thử xem đã có ai hay chỉ duy nhất ông Triết trong hàng ngũ lãnh đạo tối cao nói lên những lời dõng dạc đúng lúc như vậy? Và lại nói trước khi Ngoại trưởng Hillary Clinton phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN về quan điểm của Hoa Kỳ đối với Biển Đông đến ba tháng!
Truyền thống con người Việt Nam là thế đấy ông Kim Văn Vũ ạ. Đối với những kẻ ăn chơi phè phỡn trên lưng dân chúng, người Việt chưa lên tiếng quyết liệt mà chỉ mới lẻ tẻ đấy thôi, nhưng rồi chúng ta sẽ được thấy người dân cùng nhau đứng dậy ngẩng cao đầu hất chúng xuống hố đen của lịch sử. Còn với những ai có lòng với đất nước, dù chỉ là một việc làm rất nhỏ, người Việt cũng dành cho họ một sự tri ân. Có thế dân tộc chúng ta mới có thể gắn bó, vượt qua mọi chông gai trắc trở, nhất là trong tình thế muôn phần khó khăn hiện nay, để giành được quyền sống, quyền tự do dân chủ, và giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ bất khả xâm phạm của mình”.
Nguyễn Huệ Chi
—————————————————-
Ba hôm nay, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần mấy dòng viết trên đây của GS Nguyễn Huệ Chi mà nghe lòng mình ray rứt. Là người đồng hương với Ông Triết, tôi biết rất rõ Ông là người đơn giản, thiệt thà, sống có tình. Nhưng ba năm nay, tôi và một số người chung quanh cứ tưởng rằng những bản tính đó không còn trong người ông nữa. Chúng tôi nghĩ chiếc ghế Chủ tịch nước đã làm cho chúng tôi mất đi một người đáng kính. Những điều GS Huệ Chi nhận xét về Ông, làm chúng tôi cảm thấy hơi ân hận vì đã nghĩ không đúng về Ông, mặc dù nguyên nhân làm cho chúng tôi mất đi những thiện cảm đối với Ông là những sự việc rất cụ thể, diễn ra ngay chính trên quê hương này.
Phát biểu trên đây của Ông Triết làm cho tôi nhớ lại mấy câu thơ được đọc khi đang học cấp 2 ở trường huyện, mà chắc Ông Triết cũng còn nhớ rõ:
“Việt Nam nước của tôi,
Già như trẻ, gái như trai,
Chết thời chịu chết,
Chẳng cúi lòn ai.
Tham lam ai muốn vô xâm chiếm,
Thì giặc vào đây, chết ở đây”.
Việt Nam nước của tôi là thế đó. Vậy mà mới nửa thế kỷ trôi qua, bây giờ trong hàng ngũ lãnh đạo tối cao của đất nước – cả một tập thể rất đông người – chỉ có một người mạnh dạn nói lên quyết tâm giữ nước trước sự đe dọa xâm lấn của nước ngoài! Còn những người nông dân như chúng tôi thì vẫn còn mải mê đi khiếu kiện tố cáo chính quyền các cấp, nhất là ở địa phương, đã gây ra không biết bao nhiêu oan trái cho dân lành. Chúng tôi oán trách Nhà nước đã không tỏ rõ thái độ trước họa ngoại xâm lại còn quay lại đối phó, trừng trị những người dân đang muốn đứng lên hô hào chống giặc. Mải mê khiếu kiện, mải mê oán trách đến độ không nghe, không biết được một lời phát biều đầy tâm huyết của người đứng đầu Nhà nước.
Tình thế đất nước đang giữa lúc dầu sôi lửa bỏng, làm công dân mà như vậy nên khi đọc lại mấy câu thơ trên, sao khỏi hổ thẹn với tiền nhân! Xin cảm ơn Giáo sư Huệ Chi đã làm chúng tôi sực tỉnh.
Nhân câu chuyện anh Kim Văn Vũ “gặp rắc rối với công an vì đọc và phổ biến bài phỏng vấn LS Cù Huy Hà Vũ”, chúng tôi cũng xin có vài ý kiến liên quan đến vấn đề “cán bộ lãnh đạo và quê hương của mình”.
Tôi rất đồng ý với GS Huệ Chi “trách nhiệm hàng đầu của một người như ông Triết là phải xét ở cương vị Chủ tịch nước của ông”, “người ta đòi hỏi ở ông một tầm nhìn sáng suốt về chiều hướng phát triển của đất nước, và bản thân ông phải là tấm gương để dân chúng soi vào làm mực thước cho mình cũng như gửi gắm niềm tin tưởng của mình”.
Tôi và có lẽ nhiều người khác cũng thế, cảm thấy khó chịu nếu khi có một Thủ tướng, hoặc một Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước là người Vĩnh Long, Cà Mau, Đồng Tháp, Tiền Giang… thì lập tức ở những nơi đó thành phố khang trang, đường sá rộng rãi, bệnh viện, trường học, sân bóng, nghĩa trang… cũng hơn hẳn những nơi khác; nhất là tại cái huyện, cái xã quê hương của ông ấy. Kiểu cách đó là tàn dư của chế độ phong kiến. Vì vậy, chúng tôi chống lại những ý kiến đòi hỏi người lãnh đạo cả nước phải ưu tiên giúp đỡ cho “địa phương mình”. Anh ưu tiên cho quê hương của anh, có nghĩa là anh phải giảm bớt sự quan tâm tới những địa phương khác, trong khi ở cương vị lãnh đạo, thì cả cái đất nước Việt Nam này là quê hương của anh, cà cái dân tộc Việt nam này là ruột thịt của anh. Lo toan, suy nghĩ, tính toán và tình cảm của người lãnh đạo không được cục bộ, đóng khung trong địa phương, dòng tộc của mình. Khi cần đánh giặc, cả nước trở thành thành lũy, toàn dân trở thành chiến sĩ, chứ làm sao chỉ có nơi anh sinh ra và dòng họ của anh?
Là người đồng hương của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, tôi không mong được Ông ưu tiên giúp đỡ cho địa phương mình kiểu như thế.
Nhưng tôi rất muốn thấy Ông Chủ tịch nước tỏ ra quan tâm tới “thần dân” của mình trong mấy việc sau đây:
Hãy triệt để thực hành dân chủ, đảm bảo nhân quyền, cho người dân được các quyền tự do đã ghi rõ trong Hiến pháp và các quy định pháp luật. Ai vi phạm phải trừng trị đúng mức. Tại quê hương của Chủ tịch nước mà người dân còn phải sợ chính quyền, sợ công an như sợ cọp, thì còn có nơi nào người dân được hưởng những quyền tự do, dân chủ? Chỉ đọc báo và chuyền tay nhau một bài báo công khai, hợp pháp mà đã bị công an làm khó dễ, thì còn nói gì đến việc thực hiện các quyền tự do dân chủ khác của công dân.
Hãy thí điểm đi, ở đây cán bộ đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh Bình Dương, nếu không phải là con cháu ông, thì cũng là bạn bè hoặc người trước đây dưới quyền của Ông; vì trước khi ra trung ương, ông đã là người lãnh đạo tỉnh Bình Dương.
Hãy thí điểm đi, vì ở đây chắc chắn không thế lực thù địch nào lợi dụng được những người dân vốn là bà con Ông, bạn bè Ông và nhiều người thân quen khác của Ông. Hãy cho họ cái quyền được thông tin, được tự do bày tỏ ý kiến, được xem báo nghe đài và bàn bạc những việc có liên quan tới đất nước, tới dân tộc và tới cuộc sống của chính họ. Hãy cho họ được quyền công khai tố cáo những kẻ lợi dụng quyền lực cấm cản, hạn chế các quyền tự do của công dân đi. Sẽ có lợi rất nhiều cho việc phát triển dân chủ trong cả nước và cũng chẳng làm giảm đi chút nào uy tìn của Ông Chủ tịch nước. Trước đây, Ông từng làm công tác ở trung ương đoàn; Ông có cảm thấy xót xa không khi mà ngày nay, tại tỉnh Bình Dương, quê hương của Ông, sinh viên-học sinh vẫn còn phải lén lút khi muốn dán hoặc viết chữ TS-HS-VN? Là người xuất thân từ một gia đình nông dân, Ông có thông cảm chút nào không với hàng trăm nông dân ở tỉnh Bình Dương mấy năm nay phải năm lần bảy lượt vác đơn lặn lội hàng ngàn cây số ra tới Hà Nội, ăn chực nằm chờ cả tháng trời để khiếu nại về việc họ bị Chính quyền tỉnh Bình Dương cướp đất; trong đó nhiều người là gia đình liệt sĩ, có người trên 80 tuổi, có người cả đời chưa hề được một lần đi dạo ở thành phố Sài Gòn, chỉ cách Bình Dương 30km?
Nếu Ông thấy được kết quả của những lần khiếu kiện đó là hình ảnh người cha trên 90 tuổi của liệt sĩ Lê văn Gieo, ôm tấm bằng Tổ quốc ghi công ngồi co ro trong chòi lá giữa đồng vì nhà cửa đã bị chính quyền cưỡng chế ủi sạch; đứa em út của dũng sĩ Thái Văn Cung bị người ta bắt đi như bắt một con heo để nhốt vào tù chỉ vì dám ngăn cản những kẻ thi công trái phép trên đất của gia đình mình… và bao nhiêu thảm cảnh khác diễn ra hằng ngày tại cái khu liên hợp công nghiệp-dịch vụ-đô thị tỉnh Bình Dương này; thì Ông sẽ suy nghĩ ra sao?
“Chúng ta không tham của ai, nhưng một tấc đất quê hương chúng ta cũng không nhân nhượng”. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình và ủng hộ Ông về lời tuyên bố đó. Chúng tôi sẽ sẵn sàng dứt bỏ mọi tài sản, gia đình để tham gia đánh giặc. Nhưng dưới lá cờ đại nghĩa của Ông, chúng tôi phải đứng trong hàng quân nào đây. Chúng tôi sẽ ở trong một đội ngũ mà người chỉ huy chúng tôi là những kẻ mới hôm qua đây đã cướp hết đất đai, càn ủi tan nát ruộng vườn, nhà cửa của gia đình chúng tôi, truy bức đánh đập, bắt bớ giam cầm chúng tôi ư? Chúng tôi tòng quân cứu nước để được đứng chung, thậm chí đứng dưới sự chỉ huy của những kẻ hôm nay đang cầm súng nhắm thẳng vào người dân mà bắn, những kẻ tìm đủ cách làm giàu trên xương máu của nhân dân, những kẻ hiếp dâm trẻ em mà vẫn được đề bạt làm Chủ tịch huyện, Chủ tịch tỉnh, hay những kẻ đã thủ tiêu hàng ngàn hecta đất lâm trường chiến khu D, những kẻ lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhân dân, thu hồi trái pháp luật hàng mấy ngàn hecta đất của dân tại khu liên hợp Tây Nam Bến Cát và khu liên hợp công nghiệp-dịch vụ-đô thị tỉnh Bình Dương, trục lợi hàng mấy chục nghìn tỷ bạc? Chúng tôi sẽ đổ máu, như bao nhiêu người đã đổ máu, để rồi sẽ bị chính ngay những người cùng chiến đấu với mình phản bội như bao nhiêu nông dân đã và đang bị phản bội hay sao?
Đối với người dân bị thu hồi đất trái pháp luật, họ đã thật sự bị mất nước, mặc dù giặc ngoại xâm chưa tới. Đất đai ruộng vườn, nhà cửa không còn. Tài sản làng mạc mất hết. Nghề nghiệp cũng không, chẳng biết phải lấy gì mà sống. Khiếu kiện thì chính quyền không giải quyết, trái lại còn chụp mũ và đối xử như kẻ thù. Nếu chống lại thì bị đánh đập, bị bắt bớ, bị bỏ tù, thậm chí bị bắn chết tại chỗ. Vậy là coi như người nông dân cũng đã mất cả chính quyền. Khi chính quyền và người dân đối lập đến như thế thì hoặc là người dân hoặc là cán bộ chính quyền đã trở thành kẻ phản quốc. Hai lực lượng này có thể cùng đứng chung nhau trong hàng ngũ của những người tham gia cứu nước? Những kẻ coi nhân dân như kẻ thù, đã tự biến mình thành kẻ thù của nhân dân. Kẻ thù của nhân dân thì làm sao có thể lãnh đạo nhân dân chống quân xâm lược?
Lịch sử đã chứng minh: khi ở trong tình thế “thù trong giặc ngoài” thì không thể chỉ quan tâm chống giặc. Kẻ thù sẽ bắn chúng ta ngay từ sau lưng. Kẻ thù sẽ tiếp tay với giặc, đánh ta từ hai phía. Ai còn hy vọng dùng kẻ thù bên trong như là một lực lượng, nhất là lực lượng nòng cốt, để chống ngoại xâm thì chắc chắn sẽ thất bại. Không tảo trừ thù trong thì không thể chống lại giặc ngoài. Thù trong làm cho những quyết tâm chống giặc ngoài trở thành bị cô lập, bị mất hậu thuẫn của nhân dân.
Nói “xử lý những kẻ làm trái thì lấy ai mà làm”, là ngụy biện. Còn dung dưỡng những kẻ làm trái pháp luật, làm hại nhân dân thì mới phải lâm vào cảnh không ai ra giúp nước. Cho nên trên cương vị lãnh đạo, một lời nói hợp lòng dân làm sao lại lẻ loi, cô lập được. Tuyên bố ba năm nay, tôi không xử lý cán bộ nào thì cùng lắm là sẽ nhận được sự đồng tình của những tên tham quan ô lại. Còn nếu ai dám nói: trong tình thế đất nước hiện nay, ai tham nhũng là kẻ phản quốc, phải bị tử hình, thì sẽ được sự ủng hộ của 80 triệu dân trong cả nước. Cái tập thể quan lại hư đốn, nhũng nhiễu hại dân đang nắm quyền phát ngôn, nắm quyền thao túng; sẽ chẳng còn quyền lực gì cả, chẳng còn sức mạnh hậu thuẩn nào cả nếu người dân được quyền lên tiếng.
Đơn thư khiếu nại, tố cáo, kêu cứu của nhân dân gởi đến những người có trách nhiệm thì bị mất hút trong im lặng, gởi tới báo đài thì cũng không ai dám lên tiếng. Kẻ làm trái có gì đâu mà phải sợ, còn người bị hại thì cứ phải cam tâm chịu đựng. Ra báo không cho. Viết báo không được; nay đến đọc báo cũng bị công an mời lên mời xuống. Thế nên lời phát biểu đầy tâm huyết của Chủ tịch nước, ít người biết đến cũng là dễ hiểu thôi. Mà như thế thì có lợi cho ai, chắc cũng đã rõ.
Ông Chủ tịch nước, hãy thử đi! Hãy nới lỏng để người dân hưởng một chút tự do, dân chủ. Ông sẽ thấy nhân dân Việt Nam không còn quá ngu muội như trong thời Pháp thuộc. Hãy để cho dân nói và hãy lắng nghe dân nói, Ông sẽ thấy người dân đang muốn gì, ủng hộ cái gì và chống lại cái gì. Và lúc đó, những ai quyết tâm chống lại bọn sâu dân mọt nước có còn bị cô lập hay không sẽ khắc biết.
Ông đã dõng dạc đúng lúc với giặc ngoài xâm.
Chúng tôi mong được nghe ông tuyên chíến thẳng thừng và đúng lúc với bọn sâu dân mọt nước. Đồng thời hãy cho nhân dân cả nước được hưởng ứng những lời nói phải, trấn áp lại luận điệu của những kẻ xưa nay vẫn nắm độc quyền phát ngôn để vừa ăn cướp vừa la làng, chôn vùi chân lý và công lý dưới những thủ đoạn và tham vọng ác nghiệt của chúng. Ngày nào bọn chúng chưa bị trừng trị và còn ngồi trên đầu trên cổ nhân dân, ngày nào chúng tôi còn bị bịt miệng không được nói nên lời, thì tâm huyết của lãnh đạo và những bức xúc của nhân dân vẫn còn khoảng cách.
19-8-2010
Nông Dân Bình Dương, bauxitevietnam