WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Nghề báo và tôi…

Báo chí VN. Nguồn On the net

Ngoài nghề dạy học mà tôi đã đeo đuổi suốt hàng chục năm nay, tôi đã làm đủ nghề chẳng liên quan gì đến chuyện viết lách: Làm phụ hồ, đúc tableaux, bốc vác ở nhà ga xe lửa, phụ xe ca (vào dịp hè), buôn củi, buôn heo, buôn quần áo, thuốc lá sợi, buôn sắt vụn, cho thuê băng hình… Ngoài ra còn những “nghề” tay trái khác liên quan trực tiếp đến cái sự viết là viết tiểu thuyết, truyện ngắn. Có lẽ, cơ duyên và những nỗi buồn xót xa trước những bất công, ngang trái của cuộc đời đã xô đẩy tôi đến với nghề báo? Cũng xin mở ngoặc rằng ngoài cái “động cơ” có vẻ mùi mẫn trên thì chính đồng lương eo hẹp của nghề giáo đã buộc tôi phải tìm cho mình một cách “làm thêm” để tăng thu nhập.

Sự đời đôi khi nghĩ cũng oái oăm bởi lắm chuyện không ngờ: Chính cái việc viết báo lại đem đến cho tôi một cuộc đời khác với những vui buồn không thể tìm đâu giống thế – thậm chí có thể nói không sợ ngoa ngôn rằng nó có tất cả những thăng trầm bằng nhiều nghề khác cộng lại.

Thời gian đầu, tôi đã viết đến 11 bài mà chẳng có báo nào in. Hoang mang, bối rối và buồn thấu xương là cảm giác của cái thời chập chững học làm báo. Sau, tôi mới ngồi và nghiền ngẫm về cái lẽ tại sao, mới chợt vỡ ra rằng tôi đã xuẩn ngốc khi ép buộc các báo khác nhau dùng một “món” với khẩu vị y chang như nhau! Báo TN cần có chút mượt mà giống như làn gió thoảng trong một ngày hè. Báo TT cần cái nhìn thẳng như trong văn hóa giao tiếp phương Tây nhưng ngôn từ phải tinh tế và nhiều ẩn ý. Báo LĐ luôn cần ngôn ngữ giản dị, rất ghét những câu chữ rườm rà nhưng cái ý, cái tứ rõ ràng không lắm nghĩa, dễ làm người đọc hiểu sai thì nhất thiết phải đặt lên hàng đầu. Báo ĐN là một tờ báo địa phương nhưng luôn nhấn mạnh đến vấn đề vươn tới đẳng cấp và, quý nhất, được tự do sáng tạo trong khuôn khổ của định hướng tự mình, vừa phải. KTNN là một trong những tờ báo khó tính vì luôn đòi hỏi cái mới, khổ nỗi tôi thì cứ đang cũ đi mỗi ngày. KTGĐ là một chuyên san về gia đình nên không thích bàn các vấn đề đao to búa lớn nhưng “nguyên tắc” là những gì cần viết phải nhiều ít liên quan đến gia đình, con cái… Hiểu cho ra những điều “đơn giản” ấy phải mất đứt nửa năm trời và, cũng chỉ hiểu được có một phần luôn không đủ mà thôi.

Khác với mọi nghề, nghề “nhà báo” tự do có cái tuyệt thú vô cùng là ưng chi viết nấy, thích đâu gửi đấy nhưng chẳng biết “người ta” có dùng cho hay không. Phần lớn các tờ báo nhận được bài rồi… im lặng! Cái im lặng khó tả và luôn tạo nên hy vọng phập phồng ấy có kết quả là cứ ba bài tôi viết, may ra in được một. Tâm sự với các đồng nghiệp, ai cũng an ủi, thế là may lắm rồi. Kể ra thì cũng tội. Có những bài viết tâm đắc cứ tưởng chắc “ăn” chăm phần chăm nhưng cuối cùng chỉ là để làm… kỷ niệm cho cái sự kém cỏi của mình. Tôi cũng dần dần hiểu ra rằng đôi khi tờ báo cũng muốn đăng, có nghĩa không thể đăng không phải là vì không muốn. Cuộc đời nghiệt ngã là bài học nhập môn của cái nghề lách và viết.

Có một danh nhân đã từng khuyên rằng phải viết như là đang viết những dòng cuối cùng trong đời, phải yêu đề tài mình đặt ra như yêu mối tình đầu và, phải trung thực với vấn đề như sự chân thành đứng trước đam mê cháy bỏng của chính mình. Biết là vậy nhưng làm được như thế là điều gần như không tưởng. Bể học không cùng, dốt mãi dốt hoài là cản trở thứ nhất. Viết thế nào để mình hài lòng mà độc giả (đầu tiên là Ban biên tập) cũng chấp nhận là cái khó thứ hai. Sau cùng, đề tài mình viết không trùng lặp với người khác là điều bất khả tư nghị vì người tài (nhất là những cây bút trẻ có nhiều lắm) và sự nhạy bén thì thế hệ mới hơn đứt mọi phần.

Nghề báo cực nhọc lắm. Đọc và viết, cô đơn trong đêm khuya là bạn “đồng hành”. Đôi khi vì quá phẫn nộ với cái ác mà không thể dùng những từ để miêu tả cái ác đúng như là nó thế thì quả là một sự xót xa, cay đắng đến không cùng. Kiềm chế được ngòi bút chẳng khác gì giữ một con trâu đang chọi với… sự thật giữa đồng. Khó và khổ lắm, nhưng biết làm sao? Đôi khi, cứ tin rằng trong cái đồng cỏ xanh ngút ngàn của niềm vui và hy vọng của đất nước, mình chỉ là một cọng cỏ mà thôi. Nói để tự động viên mình là sự nhỏ nhoi của cố gắng nếu có bị khước từ âu cũng là chuyện đương nhiên. Tự động viên mình, mỗi ngày, cho ngòi bút thẳng hơn một chút là câu chuyện của lâu dài…

Dù sao, nghề báo đã dạy cho chúng ta cách học hỏi không ngừng; cách dù muốn hay không cũng phải biết tôn trọng sự thật; cách nghĩ và hiểu như người dân vẫn nghĩ trong cái lo toan, nặng nhọc khốn cùng; và, cách để hiểu thêm rằng nếu không có cái xấu, cái ác nhiều như thế thì sinh ra nhà báo để làm gì?

Huế, 21.6.2010.

Nguồn: Danluan.org

Phản hồi