Nghe thơ trong đêm mưa: Tâm tư của thi sĩ Việt-Mỹ
LTS. Cái khó của người Việt hải ngoại – ở đây xin tạm phân biệt hai thế hệ: đối với người có tuổi – làm cách nào quên đi những chuyện oan trái của đất nước để sống một đời sống bình dị như công dân của một nước sở tại bình thường, thừa hưởng những thi vị của cuộc sống thoáng đãng. Đối với thế hệ trẻ Việt Nam, dường như họ đã đạt được điều này vì không mang nặng hành trang quốc-cộng hận thù.
Người đi trước không nên trách kẻ đi sau không giữ được văn hóa hay lịch sử dân tộc. Trái lại tuổi trẻ có diễm phúc hơn tuổi già để đeo đuổi ước vọng đời thường mà không phải gánh thêm chuyện bất cập của quê hương. Lời văn ý thơ đã thể hiện rõ ràng chỗ đứng cùng sự thăng hoa trí tuệ của sáu nhà thơ có mặt trong đêm văn nghệ mưa sa Cựu Kim Sơn vừa qua. Họ đã bước lên nấc thang danh vọng của cuộc sống Mỹ vì gốc gác Việt Nam hay đã lánh xa khỏi nghiệp chướng đó? Mời bạn đọc hãy lượng định điều đó bằng cách trực tiếp dự thính những buổi văn nghệ Anh văn như sau, hoặc đọc lại bài tường trình chủ quan của tác giả sau đây.
7 giờ 30 thứ Bảy, một chiều mưa Đông ở San Francisco; tòa nhà A trong Fort Mason, gần bến tàu, đã nhộn nhịp tiếng cười nói của 250 khán giả đến dự thính chương trình Thi Nhân Việt Nam Tha hương (Vietnamese Poets of The Diaspora). Thành phần khán giả ước lượng khoảng 90% Việt và 10% Mỹ và các người thuộc dòng chính. Một đêm đáng nhớ cho tôi và nhiều khán giả, bởi chưng đã nhiều năm trôi qua và cũng vào một chiều mưa mùa Đông như thế này năm 1991, khi nhóm Mực và Máu bắt đầu khai sáng những hoạt động văn chương và nghệ thuật của họ ở vùng Vịnh.
Nhằm tiếp nối truyền thống đó, cô Isabelle Thúy Pelaud, cựu thành viên Mực và Máu, hiện là giáo sư giám đốc chương trình Việt học thuộc đại học San Francisco State, đã khởi xướng hai buổi họp mặt Đông-Tây, quy tụ nhiều văn nghệ sĩ Việt-Mỹ trẻ khắp toàn quốc Hoa Kỳ đến trình diễn tại đại học San Francisco State sau khi cô được bổ làm chủ tịch đảm trách các lớp Việt học ở đó. Sau nhiều năm gián đoạn, giáo sư IsabelleThúy Pelaud đã cùng Mạng Lưới Nghệ sĩ Việt Nam Di dân (The Diaspora Vietnamese Artists Network) của mình cùng với hội Thân hữu của Thư viện Công San Francisco tổ chức chương trình trình diễn thơ tối hôm 8 tháng Mười Một, 2008, mà nhiều người Việt cũng như các cộng đồng dòng chính hằng mong đợi.
Sáu nhà thơ trẻ Việt Mỹ: Đinh Linh, lêthịdiễmthúy (tác giả thích viết tên mình bằng dòng chữ nhỏ đan với nhau) Bảo Phi, Trần Trường, Nguyễn thị Mộng Lan, Nguyễn thị Ánh Hoa được giáo sư Thúy Pelaud lần lượt giới thiệu với khán giả. Họ đứng trước bục giảng, trong khoảng không gian rộng thắp sáng ánh đèn, kể chuyện của mình qua lời thơ Anh ngữ, ngoài kia sau lớp kính tỏa lan ánh sáng, những hàng mưa nghiêng nghiêng đập vào lớp cửa kính bao quanh tòa nhà ấm cúng.
Mở màn chương trình cô Ánh Hoa (hình ảnh một thiếu phụ cổ điền với bông hoa trắng cài đầu) muốn nhắc nhở cội nguồn mình bằng những địa danh đất nước mà cô đã trở lại thăm viếng sau nhiều năm xa vắng. Trong những lời thơ Anh ngữ cô chêm vào những từ Việt như ông ngoại, bà ngoại, tuy giọng Việt không được như ý, ước muốn trở về nguồn dâng cao, tỏ ý rằng đằng sau người thi sĩ vẫn còn chứa đựng một bản chất Việt mà mức độ thuần túy chưa cần thẩm định. Bỗng nhiên khi đọc đến chuyện tảo mộ của thân phụ vài năm trước đây, nhà thơ không cầm được nước mắt, giọng nói run run tràn đầy cảm xúc, bộc lộ một tâm hồn Việt đa sầu đa cảm. Không hiểu nỗi xúc động của thi sĩ chỉ chất chứa nỗi niềm riêng của mình hay nó lại quyện lẫn tình cảm của nhiều thính giả? Tâm hồn tôi cũng chùng xuống cùng một giai điệu, cảm thông cho những tâm hồn Việt lạc lõng của các nhà thơ trẻ như cô. Phải chăng diện mạo Việt Nam của họ chỉ còn nằm trong tên gọi hay bề mặt phiên phiến nét Á châu của mình? Chẳng sao! Có phải chính những văn thi sĩ như cô đang chinh phục nhiều quả tim và khối óc của các cộng đồng Mỹ?
Ngay cả một tâm hồn dũng cảm tiến tới không ngừng, không nao núng như nhà thơ hát nói quán quân (grand slam poet) đột phá và tiến bộ như Bảo Phi cũng đã mượn lời dịch của người bạn Việt cho hai câu của siêu ca sĩ Rock kích động ngày nào – vâng chính là chàng Prince, một hiện tượng nổi tiếng của thời 80, với phim Mưa Tím (Purple Rain) Anh đâu muốn làm em đau! Anh đâu muốn làm em khổ!
Tôi cũng đã được nghe thơ và dự kiến lối trình diễn năng động của Bảo Phi vài lần nên biết rằng anh cũng là một người hăm hở, hăng say về chuyện chính trị. May mắn thay cho những người của đảng Cộng hòa đêm đó, anh Bảo Phi không đọc những bài thơ đả phá, khích bác ông Bush hay McCain, có lẽ vì anh cảm thấy thương hại ông McCain vừa bị thua ông Obama một trận nặng nề trong cuộc bầu cử vừa qua; nhưng ít ra trong lời mở đầu anh cũng gán cho ông McCain tội gọi người Việt là “gook”. ̣(Thật ra ông McCain chỉ gán từ này cho những cai tù Việt Cộng đánh đập và tra tấn ông mà thôi)
Bảo Phi là một người hoàn toàn trái ngược với cô lêthịdiễmthúy, ồn ào và náo động, không êm đềm, dịu ngọt với những lời du dương như nàng thơ gốc Phan Thiết này. Nàng thuộc về một tâm hồn sầu lắng, nhưng không kém phần âm ỉ và mãnh liệt, giọng nói miền Nam không sai chạy vào đâu, nhưng nàng lại khiêm tốn (khi nói chuyện riêng với tác giả) từ chối không cho biết sự thật là mình giỏi tiếng Việt đến bực nào. Trong khi Bảo Phi là một người ồn ào hoạt bát với thể thơ hát nói (spoken words) làm sống động cả hội trường, thính giả phải lắng nghe những lời ru như rót vào tim của diễm thúy.
Trong bài thơ nói về chuyến về thăm mẹ, hay những dòng thơ nói về người cha thân yêu đã từ bỏ cô ra đi vào cõi vĩnh hằng, DiễmThúy đã gieo vào tâm tư người nghe một ấn tượng ấm ức, một nỗi buồn tha thiết và diệu vợi như chuyện sinh hoạt thường ngày của người mẹ đứng tuổi – đi chợ – nấu ăn – hay mua sắm. Lời nói lêthịdiễmthúy như ru lòng người vào chốn mê chìm, thể như một giấc mơ vào rạng đông tranh tối tranh sáng của vùng duyên hải mặn mùi nước biển. Thật hợp tình hợp cảnh khi người nghe đã được tiễn biệt bằng những lời giã từ nhẹ nhàng trước khi bước sang phần hồi quang, khi khán giả có cơ hội giao du thân mật với thi sĩ ở tiệm sách ấm cúng cách đó một dãy nhà.
Trong khi đó Trần Trường không phải là một gương mặt mới lạ của vùng Vịnh, vì anh chính là cư dân San Francisco. Anh đến với khán giả, phân bua về chuyện sổ nho bốn chữ cái của mình nhân một buổi đọc thơ trong lớp Việt học của giáo sư Isabelle Pelaud. Bốn mẫu tự này là câu phát ngôn thường tình của người Mỹ khi gặp chuyện bất bình hay phật ý (bắt đầu bằng chữ F, Việt ngữ là mẫu tự Đ..). Nhưng đã là một nhà thơ người ta không nên ngại ngùng với những phát biểu thẳng thừng như vậy, anh Trường bày tỏ ý kiến. Một người nghệ sĩ không ngán sợ những phê bình thẳng tính vì đôi khi anh thích gây xốc mạnh bằng những từ mạnh mẽ, tuy nhiên Trần Trường là một con người nhân vị sâu xa, chứa đựng một tâm hồn Việt mà anh đã bộc lộ qua nhiều bài thơ trước đây.
Nhà thơ, như những phần tử trong xã hội, đều khác biệt, đương nhiên họ là những tâm hồn nhạy cảm, tuy rằng không phải lúc nào họ cũng thích che đậy những sự kiện phũ phàng, vì trong thế gian trầm kha này ai cũng mang nặng một kiếp người. Khác chăng qua thi văn, lý tưởng chân thiện mỹ đòi hỏi một sự cân bằng cá nhân nào đó. Ai thích thể hiện chân lý bằng cách khuếch đại cái xấu, ai thích dùng mỹ từ để lý tưởng hóa cuộc đời, chẳng qua là một sự chọn lựa của cá tính. Cho nên là nhà thơ người ta khó lòng che dấu những phát xuất từ đáy lòng, cho dù nó đến từ những tâm tư thuần Mỹ hay Việt.
Nguyễn thị Mộng Lan, một nhà thơ mang nhiều đam mê và sôi động, thực thi chất thơ của mình qua lối sống cuồng nhiệt giữa giai điệu thơ và vũ điệu của cuộc sống. Mộng Lan là nhà văn, họa sĩ tranh dầu, một vũ nữ Tango chính hiệu Á căn Đình. Nàng đã sống nhiều nơi trên thế giới.ở Buenos Aires và miệt mài tài nghệ qua vũ điệu Tango ở nhiều vũ trường tại thành phố này. Buổi đọc thơ của nàng được tăng thêm chất sống bằng những hình ảnh Tango mà chính nàng đã thực hiện, được chiếu trên màn ảnh làm phông cho lời thơ bóng bẩy. Ngũ quan của thính giả được khơi dậy bằng vũ điệu và kích động khác. Âm thanh và những mỹ từ được sống dậy qua khứu giác, cũng như giai điệu giật gân như có thể lôi cuốn khán thính giả nghe và nhìn vào những bước áp má ôm eo. Cùng với những điệu Tango này, Mộng Lan khuyến dụ thính giả với những bài thơ yêu cây trái hay rau quả không thuộc về trái cấm của ái tình mà nó đã trở thành thức ăn của tinh thần sau khi thân thể được no đủ.
Nhà thơ Đinh Linh theo tôi là một trong những người đi sát với mặt đất và lòng người nhất. Nhiều đọc giả đã biết anh trên một số văn đàn như talawas với những dòng văn tả chân trần truồng và thực tại. Ngoài đời anh là một người người khả ái. Không những anh được nổi tiếng với những người ở hải ngoại, Đinh Linh lại là một văn nghệ sĩ gần gũi với những văn nhân mặc khách trong nước. Anh đã bỏ gần ba năm trời về sống trên quê hương, ngao du khắp các miền đất nước (nhiều lúc Linh Đinh – đọc theo lối Mỹ – cho tôi một cảm giác rất Lênh Đênh về nhà thơ nà). Với bộ mặt khổ sở của anh khi đọc thơ, người ta có cảm giác khổ đau cho thân phận của người Việt, của kiếp người nói chung. Sau đây là bài thơ mà chính tác giả đã đọc trong đêm mưa, người viết xin chia sẻ với đọc giả:
Từ đẹp nhất
(Hoàng Hưng chuyển sang tiếng Việt)
Tôi cho “vesicle” là từ tiếng Anh đẹp nhất. Anh nằm sấp mặt, áo cháy hết, lưng bốc hơi. Chính tôi chảy máu. Lưng anh một mùa mụn giộp. Thân thể anh khóc. “Yaw” có thể là từ xấu nhất. Đừng nói “Đạn lạng lách trong thân thể”. Hãy nói “Đạn nhảy nhót trong thân thể”. Hãy nói “Đạn nhào về trước và ngoắt lên trên”. Ánh sáng xiên xuống. Từng cơ nhỏ trên mặt tôi co rúm. Tôi nhẹ nhàng lật anh bạn lên, như người tình nôn nóng, cẩn thận không làm gãy đốt sống cổ. Những quân bài lách cách dưới lớp da giòn. Lách cách! Khuôn mặt xẹp trừng trừng. Một tia hồng phụt trong không khí, rồi một thoáng cầu vồng. Chỉ xanh khâu hàm dưới vào linh hồn. Tôi nhổ ra một chiếc răng ở lưỡi. Anh đã nuốt phần còn lại.
——————————————————————————–
Chú thích:
Bài “The Most Beautiful Word” được tuyển vào “The Best American Poetry 2000″ (Những bài thơ hay nhất năm 2000 của Mỹ). Đây là lần đầu tiên một bài thơ của một người Mỹ gốc Việt được vinh dự vào tuyển thơ hàng năm có uy tín hàng đầu này.
Vesicle: túi, bọng, mụn nước, vết bỏng giộp trên da
Yaw: đi (bay) đổi hướng, chệch hướng. Từ “yaw” dịch bằng từ “lạng lách” là ý kiến của nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh, xin phép bạn NQC được sử dụng trong bản dịch này.
Nguyen thi Anh Hoa graduated at Mills College with a MFA in Creative Writing and was awarded the Mary Merrit Henry Prize in Poetry and the Ardella Mills Literary Composition Prize in Creative Non-Fiction. Her work has been published in many literary journals. She has performed at The Kearny Street Workshop and others.
Mong Lan is a poet, writer, painter, photographer and tango dancer. Graduated with a Master in Fine Arts from the University of Arizona, she received her Wallace E Stegner Fellowship in poetry at Stanford University and a Fulbright Scholarship to Vietnam. Her poetry has been anthologized in Best American poetry; and published in various literary magazines.
Lethidiemthuy was born in Phan Thiet. She and her father left Vietnam in 1978 by boat, eventually settling in Southern California. Her first novel, The Gangster We Are All Looking For, was published to great acclaim in 2003 she is at work on her second novel.
Bao Phi is a performing poet since 1991 and a two-time Minnesota Grand Slam champion and a National Poetry Slam finalist. He has appeared on HBO’S Russell Simmons Presents Def Poetry. His poetry has appeared in the 2006 Best American poetry anthology.
Born in Vietnam in 1963, Linh Dinh came to the US in 1975 and sojourned in Vietnam in 2005. He has lived in Italy and England. Author of two collections of stories, Fake House and Blood and Soap, and four books of poems, All Around What empties Out (2003), American Tatts, Borderdeless Bodies and Jam Alerts. His novel, Love Like Hate, will be release in 2009 by Seven Stories Press.
Truong Tran is a poet and visual artist. He has published The Book of Perceptions (finalist for the Kiriyama Book Prize, Placing the Accents ̣finalist the Western States Book Prize for Poetry), dust and conscience ̣winner of the 2000 San Francisco Poetry Cneter Book Prize, within the margin, and Four Letter Words. Tran lives in San Francisco where he teaches poetry and San Francisco State University and Mills College.
(Nếu muốn biết thêm về tiểu sử của 6 thi sĩ trên đây, bạn đọc có thể truy cập tên tuổi họ trên Google)
© 2008 www.danchimviet.com