WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

“…Nhà ông đã bán rồi…”

Hồi ký, thấy từng mảnh vụn

Mấy năm trước khi chúng tôi có dịp phát hành tập hồi ký của một thân hữu, độc giả đã hỏi với lời lẽ chân thành. Bao giờ xuất bản hồi ký của Giao Chỉ?

Giao Chỉ Vũ Văn Lộc

Suốt 20 năm, trung bình mỗi tuần viết một bài tạp ghi hay tham luận. Mỗi năm 52 bài báo. Tổng cộng hơn một ngàn bút ký đã lưu lại. Trong mỗi bài, dù nói chuyện thiên hạ nhưng vẫn thấp thoáng bóng dáng của tác giả. Ðôi khi có những bài toàn nói về chuyện của mình. Có thể đã bốc đồng khoe khoang cường điệu. Nhưng may thay, những bài thuộc loại này lại được độc giả lưu ý và tán thưởng. Trộm nghĩ rằng có lẽ văn chương mang lại mối chân tình. Cũng có khi, chuyện mình cũng giống chuyện anh em. Năm nay gia đình chúng tôi mới dọn nhà vào khu mobil home góc đường King và Capitol Expw, thành phố San Jose. Buổi sáng đứng chăm sóc khu vườn nhỏ trước cửa, một độc giả đi qua lại hỏi rằng: “Sao ông không viết hồi ký?” Bèn trả lời rằng, thực ra mỗi tuần tôi đều viết hồi ký. Mỗi tuần đều viết về một mảnh vụn của đời mình hay là cuộc đời nhân vật mà mình ghi nhận được trong thế giới quanh ta. Ðó chính là một thứ hồi ký về cuộc đời và cộng đồng mình đang sống.

Tháng trước chúng tôi có viết chuyện của chính mình liên quan đến bệnh tật, bác sĩ, nhà thương và giải phẫu qua đề tài “Mổ vú đàn ông”. Lần này xin viết về một đề tài cũng hết sức cá nhân. Ðó là đề tài địa ốc và giấc mơ an cư lạc nghiệp. Ðộc giả theo dõi sẽ thấy đây chính là một loại hồi ký tự thuật của những mảnh vụn cuộc đời. Chắp vá lại sẽ có được một bức tranh toàn cảnh.

Khách hỏi nhà ông đến

Cuối thế kỷ thứ 19 có một nhà thơ mà văn học Việt Nam phải xếp hạng nhất của dòng thơ trào phúng. Tác phẩm của thi sĩ Tú Xương có thể gọi là siêu về loại thơ hài. Thơ của ông phê phán xã hội, nhân vật và cuộc sống. Thơ của ông than thở cho kiếp người. Lấy cuộc đời của chính mình để tự thán. Một trăm năm sau, tâm sự của ông tưởng chừng đã để lại cho riêng tôi hai câu thơ làm kỷ niệm vào thập niên đầu tiên của thế kỷ thứ 21. Trong bài Than Cùng, Trần Tế Xương đã viết rằng: “Khách hỏi nhà ông đến, nhà ông đã bán rồi”

Tú Xương sinh năm 1870 và mất năm 1907. Người thi sĩ trẻ chỉ sống có 37 năm. Quê Nam Ðịnh, thành phố tôi trưởng thành, vì vậy, những nơi ông nhắc đến trong thơ, tôi đều biết hết. Từ bến đò Tân Ðệ cho đến phố hàng Than, hàng Rượu, cửa Ðông, bến Thóc. Thành phố Nam Ðịnh 60 năm xưa của tôi và 100 năm trước của ông. Xin ân cần nhắc lại. Năm nay 2010, ông để lại cho tôi một câu thơ. “Khách hỏi nhà ông đến, nhà ông đã bán rồi”. Và đầu đuôi câu chuyện địa ốc bán nhà của chúng tôi như thế này.

Lịch sử an cư lạc nghiệp.

Tôi có gần 20 năm sống tại Nam Ðịnh, trên 20 năm trong quân ngũ lưu lạc tại miền Nam và hơn 30 năm sống tại San Jose. Ði họp về định cư và xã hội tại DC hay các tiểu bang xa, luôn luôn tôi trả lời là đã đến từ San Jose. My home town. Nếu cuộc đời ghi nhận theo chiều hướng an cư thì ta có thứ tự căn bản sau đây:

(1)- Tạm trú nhà bảo trợ. (2)- Ra ở riêng, thuê một Apt. (3)- Mua ngôi nhà riêng, (4)- Tậu nhà trên núi, (5)- Bán nhà trên núi, bỏ của chạy lấy người. Dọn vào mobil home, (6)- Vào nursing home và (7)- Sau cùng di chuyển về địa chỉ cuối cùng. Cuộc đời của tác giả Giao Chỉ cho đến nay, lên núi xuống đèo đúng như chương trình ghi trên.

(1) Nhà bảo trợ. Cuối năm 1976 từ giã nhà bảo trợ ở tiểu bang Illinois.

(2) Thuê Apt. Chúng tôi dọn về San Jose đã ở thuê khu Apt. đường số 7. Nhà 2 phòng 2 buồng tắm, tháng có hơn $300.

(3) Mua nhà mới. Chỉ vài năm sau đã vay đủ tiền down $10,000 mua một ngôi nhà hoàn toàn mới có 80 ngàn. Vay nợ nhiều bạn bè, mỗi người 1 ngàn. Riêng ông Tư Lành cho vay 2,000 tiền mặt dấu dưới gầm giường. Hôm ăn tân gia, Tư Lành uống la de, ngó đi ngó lại không nói một câu. Tàn tiệc, anh đứng lên gạt nước mắt đòi lại 2 ngàn. Nói rằng, Lành cũng muốn mua nhà mới. Rồi mọi chuyện cũng phải thu xếp xong. Từ ngôi nhà này, những đứa con lập gia đình và cùng vươn lên trong một cộng đồng Việt Nam trẻ trung đang phát triển.

New home

Sau 2 năm định cư, dân tỵ nạn đứng lên thề lấy thẻ xanh. Ðủ 5 năm đứng lên tuyên thệ thành quốc tịch. Dân số San Jose từ 5 ngàn thành 10,000. Rồi từ 10,000 thành 100 ngàn. Những kỳ kiểm kê dân số đến rồi đi qua. Tám mươi, 90, 2000, rồi 2010… Cũng như phần lớn các gia đình Á Châu định cư tại Hoa Kỳ. Mỗi đứa con đều có riêng gia đình trong một mái nhà. Các con bắt đầu lo tìm trường cho các cháu. Một thế hệ tương lai ra đời với nhu cầu số một là giáo dục.

Mùa Thu năm 2005, tôi và con trai đi tìm mua nhà tại khu vực phía Bắc để lựa chọn trường cho các cháu. Trên con đường vòng lên núi Evergreen chợt thấy ngôi nhà vừa ý nhưng quá khả năng dự tính. Cha con bèn quyết định bán quách 2 ngôi nhà trung lưu để mua một ngôi nhà tư bản. Gặp lúc giá nhà còn cao, nhưng bán cao thì mua cũng cao. Ngôi nhà trên triền dốc có uy thế mặt tiền và hết sức nở hậu. Phòng tiếp tân được trang bị bằng kệ sách chứa được trên 2,000 tác phẩm.

(4) Dọn nhà lên núi. Trong niềm hào hứng đầy văn hóa nghệ thuật chúng tôi bắt đầu dọn nhà lên núi. Như vậy là xét theo bước thang giá trị tính về gia cư, tôi đã lên cao đủ chóng mặt. Nhưng thuế đất xem chừng cao hơn tiền thuê nhà. Lại phải đổ thêm xăng cho xe lên dốc.

Sau vài năm mới thấy rằng mua nhà lớn để tổ chức tiếp tân gây quỹ Museum xem ra không có kết quả, dù rằng sân rộng đủ chỗ dành cho trên 300 tân khách. Năm năm vào vai nhà giàu trôi qua. Lương giám đốc xã hội phải hy sinh cắt giảm xuống còn một nửa. Tuổi cao niên không còn sức săn sóc khu vườn quá rộng. Cũng đến lúc các cháu nhỏ có thể chuyển trường qua khu khác. Chúng tôi cảm thấy giai đoạn ở nhà trên núi cũng đủ thâm niên. Lại thêm gia cảnh yếu dần kể cả lợi tức lẫn sức khỏe. Bèn chia tay, giữ lại tấm hình kỷ niệm.

Woodbridge Mobilehome Park

Giao Chi new address 3017. Oakbridge Dr. San Jose CA 95121.

(5) Mobil home. Chúng tôi bắt đầu dọn vào mobil home. Khởi sự giai đoạn thứ 5 của cuộc đời. Ðám con trẻ cũng dọn ra ngôi nhà dưới chân đồi.

Lưu động hay tiền chế.

Ðây là khu mobil home dành cho giới cao niên ở góc đường King và Capitol Expw. Tuy gọi là nhà lưu động nhưng thực sự đã được biến cải thành một loại nhà tiền chế làm sẵn từ trong xưởng chở đến đặt trên các con đội, ráp 2 mảnh thành một ngôi nhà 3 phòng ngủ 2 nhà tắm với đầy đủ tiện nghi và hình thức của một ngôi nhà xây cất. Phần lớn là sẽ nằm yên một chỗ chứ không hề di chuyển mobil đi đâu cả. Ðiều khác biệt căn bản là khi dọn nhà trên núi thì càng ở lâu càng thấy bất tiện. Nhưng dọn vào mobil home thì có vẻ bâng khuâng lúc đầu, nhưng quen dần lại thấy dễ chịu. Khi ta lên núi mình mà không phải thực sự là đại tư bản với lợi tức cao nên việc chi tiêu có phần thiếu thong thả. Ngoài ra, từ xa lộ vào đến tệ xá, đường xa diệu vợi, khách và chủ đều cảm thấy ngại ngùng. Ngoại trừ khi tổ chức tiếp tân huy hoàng rực rỡ, còn thường ra việc chăm sóc vườn cảnh, bếp núc cũng như các tiện nghi phụ thuộc xem ra cũng nhiều vất vả.

Dọn vào khu mobil home hiện nay mỗi ngày chúng tôi đã phát hiện ra những ưu điểm của cuộc sống rất thích hợp với giới cao niên. Niên trưởng Nguyễn Khắc Bình khoe rằng ông đi thăm hàng chục khu mobil home và đã chọn nơi đây là danh lam thắng cảnh. Tôi hoàn toàn đồng ý. Khu nhà loại này, theo tôi đã mang cả ý niệm về thế giới đại đồng. Về hình thức, các nóc gia đều giống nhau. Giá nhà trung bình hiện nay có thể từ 50 ngàn đến 150 ngàn. Ngoại trừ cây cảnh hay một vài hình thức khác biệt, ngoài ra trên căn bản rất đồng dạng. Dù chủ nhân có tư tưởng quái lạ hay giàu có bao nhiêu thì cũng không thể phô trương để làm cho ngôi nhà hoành tráng khác thường.

Không có một chiếc xe nào đậu ngoài đường. Dù xe cũ vài trăm đến xe mới vài chục ngàn, tất cả đều phải đậu nép bên cạnh nhà, làm cho toàn bộ cư xá có vẻ đẹp đầm ấm dịu dàng. Khu mobil home của chúng tôi là một vườn cảnh có rất nhiều cây cối. Mỗi buổi chiều, từ phía dưới, chúng tôi nhìn lên ngọn đồi cao, thấy những ngôi nhà dinh thự phơi mình chịu nắng trên các ngọn đồi trọc, cảm thấy mình dễ chịu vì bóng mát dưới trần gian sống trong vườn cảnh.

Woodridge mobile Home Park.

Khu vục này có tổng cộng 176 đơn vị. Hơn một phần ba là cư dân Việt Nam, những người dân Việt hiền lành nhất San Jose hoặc là hãy còn sớm quá để nói như vậy. Mặc dù ở đây không có an ninh gác cổng như nhà trên núi, nhưng xem chừng cũng khá an toàn.

Các ngôi nhà giống nhau nằm trên 4 con đường ngang. Tất cả các con đường đều có chung một tên gọi là Oakbridge Dr. Mỗi nhà đều có số nhà riêng trực tiếp trong hồ sơ bưu điện. Tiền thuế đất vào khoảng từ 600 đến 900 một tháng. Dù là nhà 2 phòng hay 4 phòng thì diện tích lô đất cũng gần bằng nhau. Mỗi nhà đều có một mảnh vườn nhỏ để chăm sóc.Trong số các gia chủ chăm chỉ làm vườn lại có những cây hồng đẹp đẽ, nhất là dàn hồng của anh chị hàng xóm ngay sau lưng nhà chúng tôi. Không còn gì vui bằng được sống ngay giữa một khu công viên êm đềm, chung quanh toàn cây cảnh mà riêng phần mình chỉ phải góp rất giới hạn.

Mỗi buổi sáng, cư dân trong xóm lần lượt xuống đường đi bộ chung quanh cư xá, đa số người Việt cũng rất hăng hái luyện tập thân thể. Không khí xem chừng thân thiện hơn những khu gia cư chung quanh.

Thăm viếng toàn khu vực

Dân Mobil Home cư ngụ trên con đường Oakbridge chỉ cần đi bộ qua các khu thương xá hỗn hợp Việt Mỹ bên cạnh là có đủ tiện nghi cho đời sống. Tôi thường quen tự sửa chữa bảo toàn tại gia theo kiểu người Mỹ cái gì cũng tự làm lấy, nên rất thú vị ở gần kề Orchard Hardware cùng với Payless Hardware. Ðặc biệt là đôi khi chỉ thiếu một con ốc vít mà phải đi xa thì hết sức khó chịu. Ngôi chợ Mỹ bình dân, Target, là quá đủ cho các nhu cầu gia dụng. Target cũng nằm trong phạm vi đi bộ của mobil home. Tôi lại thường có khuynh hướng vào chợ SaveWay để mua tạp chí 2 đồng cũng đủ để dùng thẻ nhựa lấy ra 200 mỹ kim mà không phải đến ngân hàng.

Nhưng sự thuận tiện rất Việt Nam phải kể đến những tiệm ăn quanh vùng. Tất cả đều trong phạm vi di chuyển bằng chân. Nếu bạn là người chuyên trị về Phở mà cư ngụ tại mobil home này thì quả thực là đã ở đúng trung tâm. Bước chân ra cổng, tay mặt là Phở số 1, danh bất hư truyền, với mùi phở Bắc bay cả lên trời xanh. Qua bên kia đường là phở Lý, một thời oanh liệt vẫn còn đây. Quẹo qua trái là Phở Tàu Bay đã có thương hiệu nổi tiếng. Nhưng trước khi đến Tàu Bay đã phải qua tiệm Thiên Long quanh năm đông khách. Nếu đi thẳng sẽ gặp phở Hà Nội nổi tiếng với tái đập. Trong khu thương mại Việt Nam, phía trái còn có hai nhà hàng Huế và một tiệm chuyên bán trái cây miền nhiệt đới. Như cả một vựa trái cây Việt Nam. Tại đây có cả nhà hàng Thái, nhà hàng Nhật. Phía tay mặt bên kia đường Capitol Expw, cạnh phở Lý còn có nhà hàng cơm chay Di Lặc. Và cũng đừng quên tại đây có Buffet Tàu rất đông khách.

Có điều khá lạ lùng là dù gặp thời buổi kinh tế còn thê thảm nhưng mấy nhà hàng Việt Nam tại đây vẫn còn khá đông khách.

Tiếp thị tình cảm cho chi nhánh Bank of America

Cũng nhân dịp đi thăm khu lân cận nơi cư ngụ mới, tôi tìm đến chi nhánh ngân hàng Bank of America trong vùng này. Hết sức ngạc nhiên là chi nhánh B of A tại góc đường King và Capitol Expw đón khách hết sức cảm động. Tại đây có đến 30% là nhân viên Việt Nam. Anh chàng manager cũng là người Việt. Dù Việt hay không phải Việt, khách hàng được tiếp đãi hết sức chu đáo và thân thiện ngay từ khi bước chân vào. Tôi mở chương mục mới, thì đại khái cũng như nơi khác, duy nhất ưu điểm là gần nhà, đi bộ được. Mở chương mục được thưởng 35 đồng và người giới thiệu được 25 đồng. Sắp đến mùa lễ Tạ ơn, chúng tôi cần tiền nuôi Homeless Hoa kỳ. Xin các bạn bè trong khu mobil home và các thân hữu quanh vùng ra mở ngay chương mục B/A và ghi danh cho tên tôi là người giới thiệu. Tôi sẽ dành tiền này mua thực phẩm cho chương trình Thực Ðơn Thân Ái của IRCC cho mùa lễ hội 2010. Một phần ăn với 3 món, có tráng miệng trái cây, bánh ngọt. Có đầy đủ nước uống và ăn bao bụng cần 5 mỹ kim. Một chương mục mở ra, người giới thiệu được 25 đồng là có đủ phần ăn thịnh soạn cho 5 homeless Hoa Kỳ. Mở chương mục của ngân hàng này là bảo đảm vì danh tiếng sẵn có, gần nhà và chi nhánh ở đây lịch sự nhất vùng.

Tâm sự sau cùng

Tại sao lại phải bán nhà. Chuyện rất giản dị. Nhà lớn nên lợi tức thấp gánh không nổi.

Nhà bạc triệu nhưng bán đi đã trả nợ ngân hàng phân nửa. Phần còn lại trả cho con để mua nhà nhỏ hơn cùng với mobil home phải trả dứt một lần. Bây giờ lại lấy nhà của con đang ở làm “loan” để trả nợ cho việc xây cất đã hoàn tất Museum. “Loan” còn đang được cứu xét. Xin thông báo để khất nợ các thân chủ ân nhân. Công nợ sẽ chắc chắn trả dần, và sẽ hoàn tất trong danh dự.

Tháng 12 năm nay, 2010, cơ quan IRCC của chúng tôi sẽ có tiệc ghi dấu đoạn cuối của 35 năm nhìn lại. Chương trình ra sao, có những tiết mục gì, sẽ là đề tài của bài sắp đến. Các bác lại hỏi rằng, vậy bán nhà cũ vào mobil home thì địa chỉ mới như thế nào, có tiết lộ được không. Vâng đây là địa chỉ nhà mới. Có ngại gì mà không cho bạn biết.

Số nhà 3017. Oakbridge Dr. San Jose CA 95121.

Ðó là địa chỉ mobil home, thuộc giai đoạn hoàng hôn cuộc đời. Thuộc tiết mục số 5. Qua đến tiết mục số 6 là địa chỉ Nursing home sẽ cho biết sau. Ðịa chỉ số 7 cuối cùng của cuộc đời thì đã có sẵn tại Los Gatos. Nằm giữa khu đồi núi. Phong cảnh đẹp vô cùng. Xóm giềng yên tĩnh. An ninh 100%. Nhà một phòng, không có số nhà, chỉ có số lô đất và bên trong không có toilette. Cũng chẳng có khách nào hỏi thăm để đến chơi. Nằm giữa khu đồi núi Los Gatos.

Tái bút: Báo tin cho thân hữu biết, tôi cũng đã có thêm một địa chỉ tại Việt Nam dành cho giai đoạn thứ 7 của cuộc đời. Cũng như bà con ta hiện nay. Tương lai, tôi sẽ đi đi, về về. Nhà mặt tiền, ngay cạnh Nghĩa Dũng Ðài, tại quận Dĩ An. Trước thuộc tỉnh Biên Hòa, nay là Bình Dương. Bạn đến thăm, không cần báo trước. Nhớ đem theo Salem, ở đây anh em chúng tôi được phép hút thuốc. OK.

© Giao chi, San Jose

© Đàn Chim Việt

6 Phản hồi cho ““…Nhà ông đã bán rồi…””

  1. D.Nhật Lệ says:

    Hoá ra là ông Giao Chỉ sắp đi đi về về VN.nên đã mượn bài viết này để loan báo.Bây giờ,
    tôi mới hiểu tại sao giọng văn của ông khác đi trước nhiều lắm.Thay vì cương trực thành
    mềm dẽo (chỉ sợ thành nhu nhược).Thay vì thẳng hoá ra hơi cong (xin hãy cẩn thận).Kẻ
    này xin gửi đến ông lời nhắc nhở xin hãy bảo trọng !

    • Lữ Út says:

      Xin đọc kỹ kẻo hiểu lầm. Nghĩa Dũng Đài trong Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa.

      • D.Nhật Lệ says:

        Nếu viết “tôi SẼ đi đi về về” thì có lẽ nào hiểu là linh hồn chăng (dù là ‘ý tại ngôn
        ngoại’) ? Viết hài hước mà viết như thế thì khó trách ai hiểu lầm được !

  2. BaWa says:

    ”Nhà ông đã bán”, vẫn còn may,
    Khối người mất sạch! ”Cướp ban ngày!”
    Trăm ngàn, dànhdụm bao năm tháng
    Bỏ vốn mua nhà, nay gió bay…!!!???

    • Huong Nguyen says:

      Sao lai “Cuop giua ban ngay” ? Mua nha ( dau tu), loi thi huong lo thi phai chiu chu. Tu duy gi ma ky la the !

  3. Lý Nhân Bản says:

    Bài anh viết rất thực tế và sinh động, cộng thêm cái hóm hĩnh dễ thương.
    Anh đã nói lên rất hay về đời sống cuả anh cũng như cuả chúng ta trên mảnh đất tạm dung này. Mấy chục năm dài mà anh chỉ cần hoạ trong một bài viết ngắn. Đầy đủ và thật.

    Cám ơn anh Giao Chỉ.

Leave a Reply to D.Nhật Lệ