WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Mèo sinh đôi và chuyện đạo váy, đạo phim…

Có vẻ những chú mèo sinh đôi đang ngày càng nảy nở trong nhiều lĩnh vực; bao gồm cả những lĩnh vực “kị” sinh đôi nhất như nghệ thuật và khoa học.

“Sau khi ra đề thi tả chú mèo nhà em, cô giáo nhận về hai bài giống hệt nhau của hai học trò ngồi cùng bàn. Đặt câu hỏi nghi vấn, cô giáo nhận được câu trả lời: “Vì hai con mèo nhà chúng em sinh đôi ạ”.

Hồi nhỏ hẳn chúng ta đều biết truyện cười mèo sinh đôi này: một “biếm họa” sinh động về nạn copy bài của học sinh.

Có vẻ những chú mèo sinh đôi đang ngày càng nảy nở trong nhiều lĩnh vực; bao gồm cả những lĩnh vực “kị” sinh đôi nhất như nghệ thuật và khoa học. Những câu chuyện đạo phim, đạo ảnh, đạo nhạc, đạo văn… rồi cả đạo… váy gần đây đã chứng tỏ sức sinh sôi ghê gớm của họ nhà mèo.

Từ đạo phim…

Ra mắt rầm rộ vào tháng 9, với một “dàn sao” đình đám, Giao lộ định mệnh (GLĐM) được kỳ vọng sẽ đem hơi thở mới, làm thay đổi diện mạo của điện ảnh Việt Nam. Như tuyên bố của đạo diễn bộ phim Victor Vũ là: “Tôi đã đưa ra được một kiểu làm phim theo thể loại mới lạ có sự tìm tòi (với Việt Nam)”.

Tuy nhiên, không lâu sau khi công chiếu, GLĐM đã khiến khán giả vỡ mộng khi phát hiện ra nó giống bộ phim Shattered của Mỹ sản xuất năm 1991 đến… bất ngờ. Hai bộ phim không chỉ giống về đường dây chính của cốt truyện, nội dung mà còn được cho là giống cả về các nhân vật phụ. Ngay cả những hình ảnh, bố cục ánh sáng và màu sắc u ám tạo nên sự mơ hồ, bí ẩn cho bộ phim cũng giống đến… thảng thốt.

Có thể mượn lời tác giả để tổng kết về bộ phim là “không lạ với phim thế giới nhưng lạ với phim Việt”, vì cách đây đến gần 20 năm, nước Mỹ đã làm một bộ phim y hệt như vậy!

Không thành công trong vai trò thay đổi diện mạo phim Việt, ngược lại, có thể coi GLĐM là sự đánh dấu cho cao trào “mượn” của phim Việt. Mặc dù có khác là những bộ phim Việt gần đây đều “mượn” một cách đường đường chính chính (tức có thông qua việc mua bản quyền).

Như một số đánh giá, thì thời gian vừa qua có lẽ là thời kỳ “Hàn Quốc hóa” phim Việt nở rộ với khá nhiều bộ phim được mua bản quyền kịch bản. Từ Lẵng hoa tình yêu, Hoa dã quỳ, Mùi ngò gai, Vườn ảo thuật, Có lẽ nào ta yêu nhau, Ngôi nhà hạnh phúc, Anh em nhà bác sĩ… đều được chuyển thể từ những kịch bản ăn khách nhất của Hàn Quốc với đủ thể loại. Kết quả đến đâu, có lẽ chúng ta đều biết.

Việc “tích cực” mượn này, miêu tả hấp dẫn được gọi là quá trình giao thoa văn hóa, tiếp thu những cái hay, cái đẹp trong văn hóa nước bạn. Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, có thể thấy nếu bản thân nền tảng văn hóa nghệ thuật của chúng ta đủ để phục vụ nhu cầu trong nước, thì sao ta phải đi mượn nhiều đến vậy.

Không ai dư dật, giàu có lại đi vay mượn tràn lan. Vì vậy bản thân việc vay mượn quá nhiều cũng phần nào cho thấy lỗ hổng trong nội lực của chúng ta và cả sự thiếu quyết tâm tự thân bồi đắp lỗ hổng đó.

Trong khi, để có thể thực sự độc lập về văn hóa, và tránh tái diễn những sự cố như Lý Công Uẩn: Đường tới thành Thăng Long, đó lại là những lỗ hổng rất cần vá.

… đến đạo váy

Cũng lại là một lỗ hổng khác nhưng lần này là trong ngành thời trang. Đó là sự kiện “cô Trúc” Tăng Thanh Hà bị phát hiện diện đến 2 chiếc váy “đạo” của nhà thiết kế nước ngoài trong Liên hoan phim Quốc tế VN lần thứ nhất.

Bàn tay nào đã sao chép tác phẩm của người khác rồi lại tự gắn mác “thiết kế riêng”, cho đến nay chúng ta vẫn chưa biết rõ. Đã có những ý kiến lên tiếng chê trách người đẹp họ Tăng lơ đễnh trong việc “tiếp tay” cho hàng nhái. Tuy nhiên, nếu xét trong bối cảnh hiện nay, có lẽ “tội” của cô cũng không phải quá to.

Chiếc váy Tăng Thanh Hà mặc trong Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất bị phát hiện là "đạo" của hãng Elie Saab

Nhìn ra xung quanh, Trung Quốc hiện đã là cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới, sau khi “soán ngôi” Nhật Bản. Nhưng đến nay cường quốc này vẫn được mệnh danh là công xưởng sản xuất hàng… nhái của thế giới, và vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ của Trung Quốc vẫn là “cái gai” khiến nhiều nước phải “lên tiếng” nhắc nhở tích cực.

Còn Việt Nam và không ít nước thì lại đang là thiên đường… tiêu thụ hàng nhái từ Trung Quốc. Sự tràn ngập của mặt hàng “Made in China” có lẽ là một trong những nhân tố lớn khiến con đường vận động “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” càng trở nên gập ghềnh.

Thế nhưng, nếu đặt trường hợp cuộc vận động này thành công mỹ mãn, thì đó có lẽ vẫn chưa phải là cái đích thực sự chúng ta cần vươn tới. Bởi hàng “made in VietNam” đến giờ phần nhiều vẫn là “da Việt” nhưng “hồn ngoại”, những sản phẩm thực sự do Việt Nam tự thiết kế còn rất ít.

Có lẽ vì thế mà khi nhà thiết kế Minh Hạnh cùng một số đồng nghiệp dựng Nhà thiết kế thời trang Việt (VitetnamDesigners House – VDH) luôn khát vọng sáng tạo được những sản phẩm hoàn toàn do Việt Nam thiết kế (Design by Việt Nam).
Tạo ra được những sản phẩm 100% mang “hồn” và “da” Việt là mong ước chân chính của bất cứ nhà thiết kế Việt Nam nào. Và nếu nhà thiết kế trang phục cho Tăng Thanh Hà cũng nuôi trong mình khát vọng đó, hẳn đã không có sự ra đời của chiếc váy gây nhiều tranh cãi và tốn giấy mực như trong thời gian vừa qua.

Quay trở lại người đẹp họ Tăng, thì “tội” lớn hơn của cô có lẽ là đã “sao chép”… chính mình trong một hoàn cảnh không phù hợp. Xem phim Cánh đồng bất tận, khán giả thấy vẫn một cô Trúc trong sáng tuổi đôi mươi với nụ cười tỏa nắng hóa thân vào vai người mẹ hai con nghèo khổ đến tận cùng.

Thay vì nỗ lực tỏa sáng trong 2-3 phút đất diễn ngắn ngủi, có vẻ người đẹp đã tỏa sáng thành công hơn trên các áp-phích quảng cáo cũng như xuất hiện rạng rỡ trong hàng loạt chiến dịch quảng bá của bộ phim. Nhưng thực tế, đối với người nghệ sĩ, suốt chặng đường hoạt động nghệ thuật phải luôn là quá trình không ngừng sáng tạo và tự làm mới mình. Bởi nếu cứ tự “ăn mòn” hình ảnh bản thân thì cho dù có đẹp tới đâu, cũng khó thoát khỏi “mỹ danh” “Bình hoa di động”!

… rồi đến đạo văn

Nói đến chuyện sao chép bản thân tôi lại nhớ đến những cú sốc khi mới “mon men” vào con đường học cao học. Rất nhiều thầy giáo từng dạy chúng tôi thời đại học, và đến khi dạy cao học, bài giảng của các thầy không hề được nâng cấp hay bổ sung.

Có thầy giáo chúng tôi vẫn may mắn giữ được vở ghi chép cũ, và mang ra so với bài giảng “mới” của thầy thì thậm chí không sai cả… dấu chấm, dấu phẩy. Không những vậy, cả cách thầy lắc lư đầu mỗi khi có đoạn cần nhấn nhá cũng vẫn… thân thuộc đến buồn lòng!

Và cũng chính vào thời cao học, tôi bắt đầu nhận thức rõ hơn về việc đứng tên “nhầm”. Có thầy giáo khi làm luận văn thạc sĩ chép y nguyên một phần trong cuốn sách của thầy hướng dẫn, sau đó còn in luận văn của mình thành sách và bán đến tận tay học viên (với chữ ký “khuyến mại” kèm theo cho mỗi quyển sách).

Câu chuyện đạo văn trong giới nghiên cứu đã không còn là hiện tượng hiếm và nó cũng là một khía cạnh đáng buồn trong vấn nạn bằng cấp của Việt Nam. Không ít người nhờ “đứng nhầm tên” mà ung dung bằng cấp và tiếp đến là được “đứng nhầm chỗ”.

Gần đây nhất phải kể đến sự cố ban biên tập tạp chí Euro Physics Letters (một tạp chí vật lý hàng đầu của châu Âu) thông báo rút bài của nhóm tác giả thuộc Viện Vật lý Hà Nội và trung tâm Nghiên cứu – triển khai công nghệ bức xạ TP.HCM do đạo văn quá nhiều.

Từ những sự kiện này, nhiều người đã đặt vấn đề báo động về đạo đức khoa học, nạn “ký sinh” trên công sức, sáng tạo của người khác. Thêm vào đó, tình trạng lỏng lẻo, thiếu cơ chế xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm sở hữu trí tuệ tại Việt Nam dường như đang tiếp sức cho các bản sao ra đời thường xuyên hơn.

Số phận của mèo sinh đôi

“Nếu các em thực sự yêu quý và trân trọng con mèo của mình, các em sẽ không bao giờ thấy và muốn con mèo của mình giống bất cứ con mèo nào trên thế giới.”

Hồi nhỏ tôi đã tưởng tượng nếu là cô giáo tôi sẽ trả lời “mánh” mèo sinh đôi của học sinh như vậy. Dĩ nhiên, cách tư duy của tôi là lối tư duy của một đứa trẻ mê muội tụi mèo.

Bất cứ một đứa trẻ “si mê” mèo nào cũng sẽ thấy con mèo của mình khác biệt hoàn toàn, không “đụng hàng” với bất cứ con mèo nào. Nó sẽ thấy con mèo của mình rửa mặt rất khác, làm nũng rất khác, thậm chí xấu tính cũng theo cách rất riêng…

Nếu lấy tư duy đó áp dụng vào nghệ thuật và khoa học, có lẽ bất cứ ai say mê và trân trọng mỗi tác phẩm mình sáng tạo ra sẽ không bao giờ mong muốn nó giống với bất cứ tác phẩm nào hay dễ dãi buông thả bản thân sao chép của người khác. Lòng say mê lĩnh vực mình theo đuổi sẽ tạo cho mỗi người ý thức nghiêm cẩn với bản thân, vì xét đến cùng, bản sao vẫn luôn là bản sao, không bao giờ đủ khả năng tự sống.

Hành trình để sáng tạo ra những tác phẩm thực thụ, độc nhất luôn rất gian khổ và đòi hỏi nhiều nỗ lực. Như họa sĩ Bùi Xuân Phái từng tổng kết trong cuốn Viết dưới ánh đèn dầu: “Đúng nghĩa của nghệ thuật là sáng tạo – sáng tạo ra một cái gì MỚI – ĐẸP.” Và “Con đường sáng tác không dễ dàng, không có một lối tắt nào nếu anh muốn nhanh chóng trở nên xuất chúng! Chỉ có một con đường rất là dài, rất là vất vả và cũng dễ thất bại, đau khổ”.

Có lẽ cả trong khoa học cũng vậy – chẳng có lối tắt nào cho thành công. Để đi đến phút giây được cả thế giới ngưỡng mộ khi nhận giải toán học Fields, hẳn Giáo sư Ngô Bảo Châu đã phải trải qua nhiều năm tháng thầm lặng nghiên cứu và đấu tranh vượt qua những thất bại.

Không có gì mới dưới ánh mặt trời, và người ta cần “đứng trên vai những người khổng lồ” để sáng tạo nên những tác phẩm của mình. Nhưng đứng trên vai chứ không phải sống dựa vào. Vì nếu vẫn tiếp tục sống dưới cái bóng của người khác – dù là cái bóng lớn – chúng ta sẽ chỉ vĩnh viễn tạo ra được những sáng tạo nhân bản vô tính… yểu mệnh. Điều tương tự cũng đúng với nền văn hóa một đất nước.

Nguồn: Mỹ Hà, tuanvn

Phản hồi