Đối mặt với công an – một số kinh nghiệm [1]
Cho đến những ngày của tháng 06/2009 này, qua những vụ tai tiếng gần đây, như câu chuyện ăn hối lộ dự án Đại Lộ Đông Tây, bản quyền in tiền Polimer, và đặc biệt là vụ án Bauxite Tây Nguyên. Cũng như sự nhu nhược trước mưu đồ bành trướng trắng trợn của Trung Quốc trên Biển Đông. ĐCSVN đã hoàn toàn phơi bày bộ mặt thật tham nhũng, dối trá trước nhân dân Việt Nam, ươn hèn trước thế lực xâm lấn của Trung Quốc…
Tuy ươn hèn trước ngoại bang như vậy, nhưng ĐCSVN lại rất cứng rắn với những tiếng nói trung thực trong nước. Đặc biệt là trước những tiếng nói bất đồng chính kiến của các nhà đấu tranh dân chủ. Bằng cớ là họ đã thẳng tay đàn áp, thậm chí từ trong trứng nước, những tư tưởng đối lập với ĐCSVN.
Để làm được điều này ĐCSVN đã đào tạo, huấn luyện một đội ngũ công an an ninh với đầy đủ phương tiện hiện đại nhằm khống chế, khủng bố kể cả vật chất và tinh thần đối với các nhà dân chủ. Công an an ninh Việt Nam có đầy đủ máy nghe trộm điện thoại, máy phá sóng, máy dò phương điện đài vv… Họ có một đội ngũ hùng hậu nhân viên an ninh làm việc 24/24 giờ trong ngày, sẵn sàng ra tay khi có lệnh cấp trên.
Trước áp bức bất công vô lý bên trong từ mấy chục năm qua, và ngày nay giặc ngoài ngấp nghé bờ cõi giang sơn. Nhiều người dân Việt Nam đủ mọi tầng lớp, từ nhiều năm nay đã cất lên tiếng nói đấu tranh, trước hết là giành lại những quyền tự do căn bản cho mỗi người dân mà lâu nay đã bị ĐCSVN tước đoạt, dân chủ hóa đất nước và cùng nhau bảo vệ non sông Việt Nam . Vì vậy, những tiếng nói này đã bị đàn áp nặng nề với những bản án bỏ túi bất công “trèo lên trên cả luật pháp”, số khác thì bị giam lỏng, triệt hạ về kinh tế, mất việc làm. Họ bị công an an ninh gọi hỏi thẩm vấn liên tục, theo dõi hàng ngày… Tạo nên một sự khó khăn trên mọi bình diện của cuộc sống cá nhân và gia đình của các nhà dân chủ.
Cuộc đấu tranh công khai, ôn hòa, bất bạo động hiện nay tại Việt Nam là một “ván bài lật ngưả” cho nên công an an ninh Việt Nam không mảy may gặp khó khăn gì trong việc “thăm hỏi” các nhà tranh đấu. Công việc đấu tranh hiện nay rất cần có những hoạt động bí mật xây dựng lực lượng, chờ thời cơ để đồng loạt xuất hiện đấu tranh công khai sau này. Qua kinh nghiệm thực tế của một số nhà dân chủ có nhiều năm đấu tranh trong nước, người viết bài này đã rút ra được một số kinh nghiệm cụ thể có tính nguyên tắc. Có thể bổ sung cho vốn kiến thức cơ bản của cá nhân các thành viên đấu tranh ôn hòa như sau:
Sử dụng Internet thông qua công cụ máy vi tính.
Những thành viên tranh đấu rất cần biết sử dụng máy vi tính (điều này tương đối khó cho những người sống ở nông thôn, vùng sâu vùng xa. Có nhiều người vì lý do này, lý do khác nên không có điều kiện tiếp cận). Ngoài việc theo dõi các thông tin cần thiết trên báo chí thì Internet là một công cụ rất tỉện ích cho liên lạc bí mật, mà Emai và những dịch vụ đàm thoại, chat là những cách liên lạc đảm bảo độ an toàn cao. Tuy nhiên, các nhà dân chủ cũng nên lựa chọn những nhà cung cấp dịch vụ có uy tín. Máy vi tính giúp ta ghi chép, in ấn soạn thảo văn bản dễ dàng, Internet giúp ta liên lạc nhanh chóng, bí mật kịp thời…
Đối với Email ta nên sử dụng Gmail cho các hộp thư cần độ an toàn cao. Vì Gmail luôn có độ bảo mật (security) cao và là dịch vụ Internet miễn phí đứng đầu thế giới hiện nay. Những văn bản tài liệu quan trọng, ta chỉ cần lập một hộp thư Gmail và thoải mái lưu (gần như vô hạn) các File trong đó. Muốn truy cập Gmail cần có bảo mật cao ta không nên vào theo cách thông thường, mà gõ vào địa chỉ : https://mail.goole.com . Khác biệt là ở chữ s gõ thêm vào sau chữ http, s= security (bảo mật). Mọi chi tiết như nội dung thư hoặc địa chỉ nơi ta đang truy cập Internet sẽ bị mã hóa, giấu kín khó có thể bị phát hiện. Thế nhưng nếu ta đăng ký tài khoản hộp thư có tận cùng bằng (.vn) ví dụ abc@yahoo.com.vn chẳng hạn. Trường hợp này thì máy chủ của Yahoo sẽ đặt tại Việt Nam , và công an không khó khăn gì để truy cập vắng mặt hộp thư của ta. Vì vậy các nhà dân chủ không nên dùng hộp thư loại này.
Một phương pháp bảo mật khá thông thường, đó là viết thư vào trong một phần mềm Microsoft Word rồi cài khóa lại, sau đó dùng Winzip đưa vào tập tin đính kèm của Email. Trường hợp này người nhận phải được thông báo Password thì mới mở thư được. Nhưng những tập tin này nếu rơi vào tay những người là chuyên gia bẻ khóa, thì cũng không cần mất nhiều thời gian để họ vô hiệu hóa những khóa này.
Cách bí mật nhất lại là cách đơn giản nhất. Đó là chỉ sử dụng mỗi Email bí mật cho một vài đối tượng cần liên lạc riêng (tốt nhất là một cho một), cần lập nhiều Email (vì lập Email hết sức đơn giản). Những Email này, không ghi bất cứ thông tin thật nào của mình khi đăng ký tài khoản. Vì mỗi ngày có hàng triệu Email lưu chuyển trên mạng Internet, nên công an không thể nào có đủ công sức để dò ra được những địa chỉ này.
Sử dụng Email xong nhớ Log-out (đăng xuất). Mọi bức thư quan trọng nên lưu lại trong phần lưu của hộp thư riêng, còn lại tại các hộp thư thông thường thì nên xóa hết (xóa cả trong thùng rác). Lúc này, mọi dấu vết đều hoàn toàn bị xóa sạch trong hộp thư. Một điều cần lưu ý là nên thường xuyên thay đổi Password trong mỗi vài tháng, chi tiết nên vừa có số và chữ xen kẽ (ít nhất là 10 ký tự). Không nên dùng một tài khoản Password cho nhiều Email, tất nhiên là những Email quan trọng thì càng cần tránh sử dụng Password trùng nhau.
Sử dụng dịch vụ chat, đàm thoại nên dùng Skype vì Skype thông dụng, nhiều người dùng và nó an toàn nhất trong các dịch vụ hiện nay đang có trên mạng Internet. Dùng dịch vụ này cùng lúc có thể liên lạc hội thoại được với một hoặc nhiều người. Nhưng không nên sử dụng chat (history) vì Skype có tính năng tự động lưu giữ các chi tiết chat một thời gian hoặc lưu vĩnh viễn. Công dụng này không cần thiết và rất nguy hại, thiếu bảo đảm an ninh. Nên lưu ý, khi đăng ký Skype cũng không nên đăng ký tên và địa chỉ thật (tên người, tên thành phố, tên nước).
Xóa sạch tài liệu trong máy vi tính.
Xóa theo cách thông thường (Delete) rồi kèm theo xóa luôn trong thùng rác (Recycle Bin) cũng chưa thật sự là đã xóa hết. Cần sử dụng Program Ccleaner để xóa hoàn toàn File cần xóa trong ổ cứng của máy vi tính. Tải về máy vi tính chương trình này tại địa chỉ: http://www.ccleaner.com/download/downloading. Nếu là máy tính cá nhân của riêng mình hoặc của gia đình mới mua thì nên yêu cầu kỹ thuật viên cài đặt Windows đồng thời cài đặt phần mềm Ccleaner để sử dụng lâu dài.
Nhưng nếu là một nhà đấu tranh đã bị lộ diện rồi, thì việc công an cài đặt thiết bị Hack theo dõi và kiểm soát người đó sử dụng Internet từ bên ngoài Modem là một công việc vô cùng đơn giản đối với Hacker Mũ Đen của công an! Một vài trường hợp công an có thể thông qua nhà cung cấp dịch vụ Internet gây trục trặc đường truyền tín hiệu. Lúc này người sử dụng buộc phải liên lạc với nhà cung cấp dịch vụ đến để sửa chữa, và công an có thể giả làm người kỹ thuật viên xử lý tình huống. Họ sẽ cài đặt phần mềm gián điệp trực tiếp vào máy tính của người đó, phần mềm này sẽ ghi chép và gửi thông tin về trung tâm theo dõi của công an. Trong trường hợp này thì không nên dùng máy vi tính tại nhà mà bí mật sử dụng dịch vụ Internet bên ngoài lại là điều tốt hơn.
Trong một trường hợp khác, đó là những kẻ có mục đích xấu, chúng có thể khủng bố các nhà dân chủ bằng cách gửi thư rác (mỗi ngày có thể gửi tới hàng ngàn bức thư). Khiến cho người dùng hết sức khó khăn trong việc kiểm tra thư tín, nhưng tình huống này không làm hư hại hộp thư, vì hiện nay các nhà cung cấp dịch vụ Email đã nâng cấp dung lượng chứa thư lên vô hạn.
Tiếp theo, một cách phá hoại khác. Đó là kẻ xấu sẽ gửi cho chúng ta một bức thư, có thể ngụy trang rất khéo dưới dạng thăm hỏi hoặc chúc mừng chẳng hạn. Họ sẽ gửi đính kèm theo thư này một phần mềm gián điệp phá hoại, chứa virus, virus này được chúng ta kích hoạt trong động tác mở thư, nó sẽ phá hoại các phần mềm đã cài đặt trong máy vi tính của ta, xóa dữ liệu, đôi khi phá hủy cả phần cứng của Computer. Nếu đó là một phần mềm gián điệp ăn cắp thì nó sẽ tự cài đặt vào máy vi tính của ta, tên gián điệp này sẽ ăn cắp các thông tin trong máy vi tính của các nhà dân chủ và gửi về cho chủ của nó. Trong trường hợp bắt buộc hoặc vì tò mò muốn mở thư của người lạ, thì tốt nhất là nên ra tiệm Net. Nhưng an toàn hơn cả là không bao giờ mở thư của người lạ, vì hiện nay Hacker có hàng trăm cách xâm nhập máy tính cá nhân khác nhau.
Sử dụng điện thoại.
Chúng ta đã biết là nhà nước CSVN đã hợp lý hóa việc nghe trộm điện thoại bằng một văn bản luật ra đời năm 2008, lấy lý do là phục vụ cho việc đảm bảo an ninh quốc gia. Cho nên, họ tùy ý nghe lén điện thoại mà không hề bị coi là phạm pháp!
Chính vì như vậy nên các cuộc nói chuyện bằng điện thoại, dù là dưới loại hình nào, di động hay hữu tuyến, thuê bao hay không thuê bao, đều hoàn toàn không có gì là bí mật. Nhất là các cuộc đàm thoại ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam thì luôn luôn bị nghe trộm bởi một trung tâm đặc biệt chuyên trách phản gián khổng lồ của công an an ninh.
Khi sử dụng điện thoại di động, nhiều người sử dụng cứ tưởng rằng công an không thể biết họ đang đứng ở đâu. Điều này là hoàn toàn sai lầm. Chính thủ lĩnh quân ly khai Chechnya là đã bị tên lửa của Nga tiêu diệt chỉ vì sử dụng điện thoại di động, làm lộ bí mật nơi ông ta ẩn náu trong hầm ngầm.
Dù thay đổi sim điện thoại di động liên tục, nhưng vẫn không an toàn vì công an nếu đã theo dõi một người thì họ theo dõi luôn những số máy mà người này từng liên lạc. Và từ đó dễ dàng kiểm soát những số máy mới phát sinh có liên lạc với những người thân, người quen của các nhà dân chủ mà họ vẫn đang theo dõi từ trước.
Như vậy, sử dụng điện thoại trong công tác bí mật là hoàn toàn… không bí mật!
Sử dụng máy chụp hình kỹ thuật số. Chúng ta chỉ nên dùng các máy có thẻ nhớ ngoài để dễ cất giấu thẻ nhớ và thuận tiện khi sao chép dữ liệu.
Tất cả các phương pháp đối phó đề phòng kể trên chỉ mang tính tương đối. Còn ở mức kỹ thuật bí mật cao hơn, xin dành cho các nhà hoạt động tình báo chuyên nghiệp.
Bài do tác giả gửi tới Đàn Chim Việt