HRW kêu gọi Campuchia đảm bảo quyền lợi cho người Việt tỵ nạn
(New York, ngày 14 tháng Hai, 2011) – Hôm nay Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng Cam-pu-chia cần cung cấp chỗ tị nạn an toàn cho những người Thượng phải trốn khỏi vùng Tây Nguyên Việt Nam ngay cả sau khi chính phủ nước này đóng cửa trung tâm tị nạn của Liên hiệp quốc dành cho người Thượng tại Phnom Penh vào ngày 15 tháng Hai năm 2011.
Việc chính quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp các tín đồ Cơ đốc người Thượng khiến Cam-pu-chia nhất thiết không được từ chối các quyền cơ bản của những người Thượng đi tìm nơi tị nạn an toàn, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. Là một thành viên đã tham gia Công ước Liên hiệp quốc về Vấn đề Tị nạn năm 1951, Cam-pu-chia có nghĩa vụ phải bảo vệ quyền của tất cả những người tị nạn trong phạm vi lãnh thổ của mình.
“Cam-pu-chia có nghĩa vụ rõ ràng phải bảo đảm cho những người Thượng sẽ đến tị nạn trong tương lai được tiếp nhận vào chương trình xét duyệt tị nạn công bằng và đúng tiêu chuẩn quốc tế,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Việc đóng cửa trung tâm tị nạn người Thượng không làm ảnh hưởng gì đến nghĩa vụ đó.”
Vào tháng Mười Hai năm 2010, chính phủ Cam-pu-chia yêu cầu Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc (UNHCR) đóng cửa trung tâm tị nạn người Thượng trước ngày mồng 1 tháng Giêng năm 2011. Sau đó, chính phủ Cam-pu-chia đồng ý gia hạn đến ngày 15 tháng Hai năm 2011 để có thêm thời gian tái định cư hoặc hồi cư những người Thượng còn lại trong trung tâm.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền bày tỏ quan ngại rằng sau khi trung tâm tị nạn đóng cửa, chính phủ Cam-pu-chia sẽ xét duyệt những người Thượng tị nạn trong tương lai theo một quy trình không đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế.
Một nghị định phụ được chính quyền Cam-pu-chia thông qua vào tháng Mười Hai năm 2009 trao quyền cho Bộ Nội vụ Cam-pu-chia, chứ không phải Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc, ban hành quyết định cuối cùng về tình trạng tị nạn của một cá nhân. Tuy nhiên, theo phân tích của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, văn bản pháp lý nói trên không kết hợp với định nghĩa về người tị nạn đã nêu trong Công ước Liên hiệp quốc về Vấn đề Tị nạn, và thiếu điều khoản đảm bảo hoàn thành các nghĩa vụ khác của Cam-pu-chia với tư cách một thành viên của Công ước. Văn bản pháp lý nói trên cũng tạo điều kiện dễ dàng cho chính phủ Cam-pu-chia từ chối tiếp nhận và trục xuất những người tị nạn, thiếu đảm bảo về quy trình ngăn ngừa các hành động trục xuất cưỡng ép trái luật dẫn tới sự vi phạm Công ước về Vấn đề Tị nạn.
Chỉ vài ngày sau khi nghị định phụ nói trên được thông qua, chính quyền Cam-pu-chia đã trục xuất 20 người tị nạn Duy Ngô Nhĩ (Uighur), những người có nguy cơ bị tra tấn và ngược đãi ở Trung Quốc.
“Chính quyền Cam-pu-chia có một bảng thành tích tồi tệ về việc trục xuất những người tị nạn trong diện được Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc bảo vệ – nhất là những người đến từ những quốc gia thân cận như Trung Quốc và Việt Nam,” Ông Robertson nói. “Liên hiệp quốc và các chính phủ hữu quan cần gây áp lực lên Cam-pu-chia để đảm bảo rằng những người Thượng sẽ không phải chịu số phận như những người Duy Ngô Nhĩ và những nhóm tị nạn khác đã bị trục xuất trái luật.”
Biện hộ cho việc đóng cửa trung tâm tị nạn dành cho người Thượng, giới chức Cam-pu-chia tuyên bố rằng những người Thượng không cần phải chạy trốn sang Cam-pu-chia nữa, với lý do viện dẫn là đã có những tiến bộ kinh tế và không có xung đột vũ trang ở những vùng người Thượng định cư.
Bộ trưởng Ngoại giao Hor Namhong phát biểu với các phóng viên vào tháng Mười Hai vừa qua: “Đã đến lúc chúng tôi đóng cửa trung tâm tị nạn vì ở Việt Nam không có chiến tranh hay xung đột vũ trang, và không cần có trung tâm tị nạn trên đất nước Cam-pu-chia.”
“Bộ trưởng Ngoại giao và các quan chức khác của Cam-pu-chia đã định dạng rất sai định nghĩa về người tị nạn,” ông Robertson phát biểu. “Một người tị nạn là người có nỗi sợ hãi bị khủng bố, đàn áp một cách có cơ sở, dẫn đến việc chạy trốn không liên quan gì tới xung đột vũ trang hay các yếu tố kinh tế.”
Kể từ năm 2001, hàng ngàn người Thượng từ Việt Nam đã chạy trốn khỏi sự đàn án thô bạo của chính quyền và đến Cam-pu-chia, hầu hết đều được công nhận là người tị nạn và tái định cư sang Hoa kỳ, Thụy Điển, Phần Lan và Canada.
Theo một thỏa thuận ký năm 2005 giữa Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc, chính phủ Cam-pu-chia và chính phủ Việt Nam, Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc đảm nhận việc bảo hộ và quy trình xét duyệt tị nạn cho những người Thượng trốn sang Cam-pu-chia. Thỏa thuận này kêu gọi tạo điều kiện cho những người Thượng đã qua xét duyệt hồ sơ tị nạn được đi tái định cư hoặc hồi cư về Việt Nam.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tiếp tục nhận được những báo cáo đáng tin cậy về việc đàn áp người Thượng ở Việt Nam, nơi đã và đang có hơn 300 người bị giam giữ kể từ năm 2001 chỉ vì bày tỏ quan điểm tôn giáo hoặc chính trị của mình một cách ôn hòa, hoặc vì trốn sang Cam-pu-chia tị nạn.
“Những người Thượng sẽ còn cố trốn khỏi Việt Nam chừng nào chính quyền Việt Nam còn vi phạm các quyền cơ bản của họ một cách có hệ thống,” ông Robertson nói. “Chính phủ Cam-pu-chia nhất thiết phải thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của mình và không cưỡng bức người tị nạn phải trở về nơi mà mạng sống và sự tự do của họ bị đe dọa.”
Để biết thêm về các báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về Cam-pu-chia, xin mời xem:
http://www.hrw.org/asia/cambodia
Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên lạc với:
Ở Bangkok, Phil Robertson (tiếng Anh, tiếng Thái): +66-85-060-8406 (di động);
Ở Washington DC, Bill Frelick (tiếng Anh): +1-202-612-4344; hoặc +1-240-593-1747 (di động);
Ở London, Brad Adams (tiếng Anh): +44-7908-728-333 (di động);
Ở Perth, Elaine Pearson (tiếng Anh): +61-415-489-428 (di động).