WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

“Chém” Dị hương là Trần Mạnh Hảo tự “thiến” văn hoá đọc

LTS: Trần Ngọc Tuấn sinh sống tại Cộng Hòa Séc là tác giả của Đàn Chim Việt từ ngày đầu báo giấy. Sau đó, anh vẫn tiếp tục cộng tác với Đàn Chim Việt điện tử bằng một số bài viết và truyện ngắn cho tới năm 2007. Không rõ vì bận hoàn thành cuốn tiểu thuyết – như lời anh kể- hay vì lý do nào khác, anh bỗng vắng bóng.

Hôm qua, sau bài tranh luận của nhà văn Trần Mạnh Hảo lên mạng, anh đã liên lạc trở lại với Đàn Chim Việt và gửi bài viết mà anh đã đăng trên trang web trannhuong.com, để “tạo công bằng trong tranh luận”- anh nói.

Trần Ngọc Tuấn cũng cho biết sẽ tiếp tục “đáp lễ” Trần Mạnh Hảo.

Nhà văn Trần Mạnh Hảo cũng là tác giả lâu năm của chúng tôi và là cây bút yêu thích của bạn đọc Đàn Chim Việt. Nay, nếu 2 nhà văn muốn ‘so găng’ với nhau, Đàn Chim Việt sẵn sàng dọn ‘sân bãi’ cho quý vị và hy vọng bạn đọc sẽ là những trọng tài công minh.

———————————————-

Dù xa tổ quốc đã lâu tôi vẫn chịu đọc và quan tâm tới văn học Việt Nam, về các tác phẩm, các cuộc tranh luận. Buồn có, vui có. Nhưng quy nạp lại những cuộc “cãi nhau” có hệ thống, và… truyền thống của nhà thơ (không phải nhà phê bình văn học Trần Mạnh Hảo), tôi thấy anh “không thoáng” trong cái nhìn “lườm nguýt” một tác phẩm văn học, hoặc sự thay đổi thi pháp thơ ca.

Với tôi, Trần Mạnh Hảo là một nhà thơ mà tôi yêu quý về tài thơ. Nhưng chưa bao giờ, dù chỉ một phút xem anh là nhà phê bình văn học. Những suy nghĩ ấy có căn nguyên của nó khi anh “rủa sả” Phạm Thị Hoài. Nguyễn Quang Thiều, Lê Đạt, Chu Văn Sơn…vv… một cách thiếu học thuật, hằn học. Khi đọc các bài viết của anh, tôi có cảm tưởng: anh là ông quan văn nghệ, cầm batoong gõ đầu đồng nghiệp.

Nhiều người nói với tôi: Trần Mạnh Hảo cao ngạo khi được giới cầm bút ở hải ngoại lăng sê…tôi không tin, khi qua Mỹ được đọc “Ly Thân” của anh. Có người hỏi: ông thấy thế nào? Tôi trả lời: cũng là một cuộc “đấu tố thời cải cách văn chương” theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, nhưng thơ trong đó thì hay.

Cho tới tận ngày hôm nay tôi vẫn nhớ những câu thơ trong “Ly Thân”:..”Những con đường như những lằn roi/ Lịch sử quất lên mình đất nước/ Những con đường trên xứ sở tôi/ Như nước mắt của người yêu chảy suốt…”  Hoặc những câu trong bài “Đêm phương Bắc nhớ về tổ quốc”:..”Loa thành ơi! Ai lừa gạt Mỵ Châu/ Dấu lông ngỗng tình xưa còn trắng tóc/Tổ quốc tôi đau mà không dám khóc/ Hoa cau cười nhoè nhoẹt áo Nàng Bân..” và trong bài “Nhớ Nguyễn Bính”:..” Anh mang theo xuống đất cái thời/ Tới nghĩ ngợi cũng phải cần xin phép..”. Vào thời điểm đó, dù chưa một lần diện kiến tôi quý trọng anh biết dường nào. Nhưng sau này tôi thấy “tội nghiệp” cho anh khi “được” (các “chính khách” hải ngoại) tung anh lên tận mây xanh, họ gọi anh: nhà văn “Phản Tỉnh”, tôi cho đó là trò tháu cáy của kẻ thủ dâm chính trị.

Những kẻ hả hê một cách thớ lợ khi đưa tin trên báo: mất mùa bão lụt, nhân dân mình khổ sở, các hiện tượng tiêu cực… nhưng lờ đi cái tích cực ở tổ quốc mình (nó có, dù ít nhưng vẫn có). Những người như vậy không lương thiện, dù họ sống trong môi trường dân chủ. Những người như thế, tung hô anh, vô tình lại làm anh mất giá.
Anh Trần Mạnh Hảo là người yêu tự do dân chủ, (tự do dân chủ ai mà chẳng yêu), nhà thơ cấp tiến. phản tỉnh.  Nhưng khi đọc các bài phê phán đồng nghiệp của anh, và gần đây nhất là bài viết về “Dị Hương”, tôi thấy anh không xứng đáng với sự tung hô ngưỡng mộ đó.

Thôi! Quay lại việc anh phê phán “Dị Hương” của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Tôi đã đọc cuốn này rất kỹ (khi được nhà thơ Lâm Quang Mỹ từ Ba Lan mang sang Tiệp cho tôi mượn). Và sau đó đọc bài của anh trên “Đàn Chim Việt”.

Cảm nghĩ đầu tiên tôi thấy anh… “chém” ông Hữu Thỉnh, chém Hội đồng Chung khảo và mượn cớ để “chém em Dị Hương”.  Anh viết “Dị Hương” sao chép “Kiếm Sắc” của Nguyễn Huy Thiệp, và…”Bịa chuyện bôi xấu vua Gia Long”,  tôi tìm hoài, không thấy sự bôi xấu. Còn bịa chuyện (thường được gọi dưới cái tên sang trọng mang tính văn học là hư cấu) thì điều này nghiễm nhiên phải có trong sáng tác văn học nghệ thuật. Bởi lẽ, viết về các nhân vật lịch sử hay huyền thoại, mỗi người viết đều có một góc nhìn khác, hư cấu khác. Ví dụ như viết về Robin Hood các nhà làm phim viết chuyện đều khai thác theo góc nhìn của mình dưới nhiều biên độ nghệ thuật khác nhau. Vả lại, Sương Nguyệt Minh không phải người chép sử như Lê Văn Hưu hoặc giống cái ông họ Tư Mã bên Tàu.

Nhà LLPB văn học Phạm Quang Trung  trong bài viết “Góp chuyện đầu xuân” có lý lẽ vững chắc khi viết:

“Mục đích dụng bút của anh Hảo được tỏ bày rất tập trung và rõ ràng: “Chúng tôi viết bài báo nhỏ này không nhằm phê bình cả tập truyện “Dị hương” của tác giả, mà cốt thông qua truyện ngắn “Dị hương” nhằm phê phán thái độ bôi bẩn lịch sử một cách vô lối của tác giả”. “Sự bôi bẩn” mà anh muốn nói tới lộ rõ ở tiêu đề bài viết “Dị hương”: Sao lại bịa chuyện bôi xấu vua Gia Long đến thế? Như đã nói ở trên, Dị hương của Sương Nguyệt Minh chỉ nhằm thông qua nhân vật lịch sử là Nguyễn Ánh để bộc lộ ý tưởng văn chương về con người đời thường nên có lẽ sự quy kết như vậy là có phần không trúng.“

Sự quy kết này chứng tỏ động cơ cầm bút của anh Hảo không xuất phát từ văn học, mà từ những điều ngoài văn học.

Bây giờ tôi xin đưa ra vài nhận xét, phân tích, đối chiếu văn bản trong “Kiếm Sắc” của Nguyễn Huy Thiệp và “Dị Hương” của Sương Nguyệt Minh xem nó có giống hay khác nhau? và xem có sự “Bôi xấu” Nguyễn Ánh (chữ của nhà thơ Trần Mạnh Hảo) hay không?

A/ Quan niệm như thế nào là “Bôi xấu” nhân vật lịch sử?

Trong “Kiếm Sắc” của Nguyễn Huy Thiệp ngay từ đoạn mở đầu, khi nhân vật Đặng Phú Bình (cha của Đặng Phú Lân) nói với con trước lúc chết:..”Con ơi, nước đang có loạn. Tây Sơn bây giờ đang lên như thế chẻ tre, nhưng ta thấy sức chơi của bọn này bất quá chỉ như trọc phú nhà giàu, gánh vác giang sơn sao được? Ta đồ rằng mệnh Tây Sơn có hạn. Hiện Gia Định có Nguyễn Phúc Ánh là nòi vương giả, con gắng vào đấy tìm xem…”

Nguyễn Huy Thiệp viết trong Kiếm Sắc:..”Nguyễn Phúc Ánh ở Gia Định tìm cách lật đổ Tây Sơn, khi này thế đã mạnh. Ánh là người đa mưu, túc kế, tính kiên trì, không tin ai (xin được viết đậm), dụng người lấy chữ hiệp chữ lễ làm trọng, không coi nhân, nghĩa, trí, tín ra gì…”

Cũng trong Kiếm Sắc, Nguyễn Phúc Ánh nói suy nghĩ của mình về sĩ phu Bắc Hà với Đặng Phú Lân:..”Chữ nghĩa của chúng nó thối lắm, nguỵ biện xảo trá tinh vi. Hành tung chúng, ta chẳng lo. Toàn lũ ốm o như dòi chó, hèn mọn cả…”
Lê Văn Duyệt tâu:..”Bắc Hà có nhiều danh sĩ tài giỏi. Sao cho cờ của ta đến đâu, bọn khốn nạn này mà theo thì dân chúng cũng phải theo thôi…”

Ánh bảo:..”Không được. Ta uỷ mệnh trời, cần gì mua chuộc ai?Ta đến đâu, đào hố đến đấy, chôn chúng nó xuống, dân chúng không theo không được…”

Nếu triết tự từng câu chữ, và giải mã các ẩn ý trong ngôn từ mà Nguyễn Phúc Ánh nói với quần thần, hay đoạn Nguyễn Huy Thiệp chấm phá, phác họạ tính cách của Nguyễn Phúc Ánh:..” không coi nhân, nghĩa, trí, tín ra gì…” hoặc:..”chữ nghĩa của chúng nó thối lắm…toàn lũ ốm o như dòi chó…Ta uỷ mệnh trời, cần gì mua chuộc ai? Ta đến đâu đào hố đến đấy, chôn chúng nó xuống, dân chúng không theo không được…” Thì thấy Nguyễn Huy Thiệp “Bôi xấu” Nguyễn Phúc Ánh một cách cay độc, thâm sâu – Nguyễn Phúc Ánh như bạo chúa Nero, như các Faraoh thời Ai Cập cổ đại. Nhưng không vì thế mà Nguyễn Huy Thiệp bị cho là báng bổ nhân vật lịch sử (nếu cứ theo cách nhìn của Trần Mạnh Hảo soi mói “Dị Hương”) hoặc bôi xấu Quang Trung (như Nguyễn Huy Thiệp đã từng bị một số nhà phê bình văn học mặc áo Trương Tuần quy chụp).

B/ Dị Hương ngợi ca Nguyễn Ánh.

Đọc Dị Hương, tôi không thấy sự “Bôi xấu” Nguyễn Phúc Ánh một chút nào, trái lại, Sương Nguyệt Minh lại đề cao, ngợi ca Nguyễn Phúc Ánh.

Trong lịch sử, Nguyễn Ánh nhốt vợ vào hang, ném con xuống biển, quyết chí “ra đi không vương thế nhi” để mưu nghiệp lớn, bôn tẩu, khổ ải, sống chết luôn cận kề 25 năm. Để lấy lại vương triều từ Tây Sơn thì khói lửa ngút trời, máu chảy đầy sông, đất nước kiệt quệ, Dị Hương đã dựng lên nỗi ai oán đó. Nhưng dưới ngòi bút của Sương Nguyệt Minh thì Nguyễn Ánh cũng có lúc đau đớn, buồn:

“Một vùng hoang vu. Quạ đen bay rợp trời. Xác binh lính chết như ngả rạ. Đồ khí giới quẳng vô tội vạ. Ngựa què nằm bẹp, máu tím bầm đen. Ruồi trâu bay vù vù. Xe mộc bỏ vương vãi. Đồng không mông quạnh. Xơ xác. Tiêu điều. Thật ai oán thê lương nước lửa và ống đồng. Ánh vốn lạnh lùng đến độc nghiệt, cũng không khỏi xót xa, cô đơn và buồn. „

Nguyễn Ánh biết việc mình làm chết muôn dân, vẫn làm, và sau đó thì xót xa, buồn; ông chưa đến mức người vô cảm. Mấy ai chia sẻ, cảm thông được với Nguyễn Ánh như Sương Nguyệt Minh?

Nguyễn Ánh trong Dị Hương là người đoạt đến tận cùng, kể cả cái bình thường nhất, đến cái dị thường của nhà Tây Sơn. Nhưng Nguyễn Ánh không võ biền, ông biết yêu mến cái đẹp và trân trọng người đẹp. Khi cận thần can gián, khuyên Nguyễn Ánh không nên lấy vợ của kẻ bại trận – kẻ thù, thì ông vẫn độc quyết theo ý mình:

Ánh cả giận, mắng:

“Ta đoạt lại thiên hạ từ giặc cỏ Tây Sơn, thì cành cây ngọn cỏ cũng thuộc về ta, huống chi là vợ Quang Toản. Vả lại, các ngươi là anh hùng thời loạn chỉ biết hùng hục đánh nhau chém giết, có biết yêu thương bao giờ mà hiểu được lòng ta. Các ngươi là hạng đàn ông võ biền chỉ nghĩ đến chuyện đực cái trần tục, đâu có biết cái thứ mùi hương kỳ lạ thanh tao tỏa ra từ ngọc thể của nàng”.

Dù cho có thù hận đối thủ (Nguyễn Huệ) bao nhiêu thì Nguyễn Ánh vẫn cảm phục Nguyễn Huệ. Ông không coi việc lấy lại vương quyền từ Tây Sơn khi Nguyễn Huệ chết bệnh đột ngột… là vẻ vang. Thói thường xưa nay: người đã chiến thắng thì phán xét kẻ bại trận thế nào chả phải, chả được; bởi khi ấy “chân lý thuộc về kẻ mạnh”; nhưng Nguyễn Ánh rất công bằng với người đã chết – Nguyễn Huệ, điều này, không phải người đại anh hùng nào cũng làm nổi:

“Giờ ta mới thấy Sán nói đúng. Nguỵ Huệ là bậc đại anh hùng thiên hạ thực. Huệ chết bất đắc kỳ tử, ta mới lấy Phú Xuân dễ dàng như đi vào chỗ không người. Vậy phỏng có vẻ vang kiêu hãnh gì với bậc Chúa vương đại nguyên suý như ta? Tiếc y không còn sống để ta thi thố đường gươm vó ngựa…” (trích Dị Hương).

“Biết người biết ta”, rõ ràng Nguyễn Phúc Ánh là một bậc hào kiệt, nể phục tôn trọng đối thủ của mình. Sương Nguyệt Minh đặt trí lự, tài năng Nguyễn Ánh ngang với Nguyễn Huệ. Viết tới đây tôi nhớ tới một chi tiết trong cuốn sách thời Liên Xô cũ “Tên anh chưa có trong danh sách”. Nội dung cuốn sách nói về một sĩ quan Hồng quân mới ra trường, anh được bổ nhiệm tới pháo đài Bret, chưa kịp trình diện, anh đã lao vào cuộc chiến chống cuộc xâm lược của phát xít Đức vào rạng sáng ngày 22.6.1941. Khi pháo đài bị chiếm, anh chui xuống hầm và chiến đấu bền bỉ gần một năm trời. Khi anh lên khỏi đường hầm, tất cả binh lính, sĩ quan Đức đều đứng nghiêm giơ tay chào kính phục một đối thủ quả cảm, ngoan cường, một chi tiết rất đắt. Biết kính trọng người đối nghịch là nghĩa cử thượng võ, quân tử.

Nguyễn Phúc Ánh dưới ngòi bút của Sương Nguyệt Minh cũng như vậy. Dù coi Nguyễn Huệ là giặc cỏ, là ngụy Huệ, ngụy Toản, nhưng Nguyễn Ánh rất nể phục người anh hùng Nguyễn Huệ.

C. Dị Hương không giống Kiếm Sắc.

So sánh văn bản giữa “Kiếm Sắc” và “Dị Hương” tôi thấy ý tưởng, văn phong hoàn toàn khác nhau, xung đột nhân vật khác nhau, ngôn ngữ khác nhau…

(-) Ý tưởng của Dị Hương: là bị kịch anh hùng và mỹ nhân, là bi kịch bạo quyền với vẻ đẹp thánh thiện.

Ý tưởng Kiếm Sắc là xung đột thân phận bị “vắt chanh bỏ vỏ” của trí thức với nhà chính trị cầm quyền.

Xây dựng ý tưởng văn học của Sương Nguyệt Minh và Nguyễn Huy Thiệp khác nhau nên cùng là nhân vật lịch sử Nguyễn Ánh khi đi vào tác phẩm của hai ông cũng khác nhau:

(-) Nhân vật Nguyễn Ánh trong “Dị Hương” không phải con người chính trị, mà là con người anh hùng giữa đời thường, làm người bình thường. Nguyễn Phúc Ánh biết rung động trước cái đẹp, coi nghiệp bá chẳng ra gì so với mỹ nhân:

…”Sao đế vương khổ thế?Ta muốn sống như một người dân bình thường không được ư? Chẳng lẽ việc ngủ với gái mà còn phải hoãn cơn động cỡn lại chờ về nơi lều son gác tía?…Ta không bằng một thợ cầy sao?Đêm nay ta muốn ngủ với nàng trên cỏ cây như một thảo dân vô học…”

Đó! Nguyễn Phúc Ánh đã cay đắng thét lên bi phẫn như vậy với Lê Văn Duyệt trong khi tay vẫn ôm “Dị Hương” vào lòng. Cái bi kịch kép giữa ngôi vương, quyền lực, giữa nhục thể bản năng mà Sương Nguyệt Minh khai thác khác hoàn toàn Nguyễn Phúc Ánh trong “Kiếm Sắc”.

Nhân vật Nguyễn Ánh dưới ngòi bút của Nguyễn Huy Thiệp là con người quyền lực chính trị, là người làm tất cả để đoạt lại cơ đồ nhà Nguyễn, ông coi tất cả như cỏ rác, miễn đoạt được mục đích. Nguyễn Ánh dứt bỏ ca nữ Ngô Thị Vinh Hoa và tiếng đàn mang hình tượng nghệ thuật để thực hiện cơ hội “nghìn năm có một” là chiếm thành Thăng Long.

Còn Nguyễn Phúc Ánh – Anh hùng với cái nhìn đời thường của nhà văn Sương Nguyệt Minh trong “Dị Hương” thì bị giằng xé về nội tâm, về bản dục – bản năng gốc thụ hưởng vẻ đẹp với chức phận làm con người anh hùng – làm Vương:

Ánh cười gằn, bảo:

“Bọn các ngươi không nghe câu thơ cổ: “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng”. Nàng còn hơn cả danh tướng. Ta được nàng như được nửa cuộc đời”.

Và: “Sao đế vương khổ thế!? Ta muốn sống như một người dân bình thường không được ư?… Ta không bằng một thợ cày sao? Đêm nay ta muốn ngủ với nàng trên cỏ cây như một thảo dân vô học”.

Cựu Tổng Thống Cộng hòa Czech – VL. Havel là Nhà viết kịch lớn đã nói: các vĩ nhân khi làm tình đều bình dân cả…”

Ở truyện ngắn “Dị Hương”, Sương Nguyệt Minh đã đưa ra cái điều mà bấy lâu nay nhiều nhà văn xứ mình ít đề cập tới: cái đẹp của mỹ nhân bên cái hào sảng của anh hùng. Cái phần con, trong chính giới rất thật, rất người.

Nguyễn Ánh trong Kiếm Sắc của Nguyễn Huy Thiệp là con người lạnh lùng, mưu sự việc nghiệp lớn với Đặng Phú Lân, chỉ với ý chí trả thù, quyết liệt tận diệt Tây Sơn đến cùng:  “Khi nào ta thành nghiệp lớn, ta phanh thây nó, ta chôn ba họ nó”

(-) Văn truyện ngắn Kiếm Sắc của Nguyễn Huy Thiệp gai góc, gồ ghề, sắc lạnh; còn văn Dị Hương của Sương Nguyệt Minh ấm áp, chở được xung đột nội tâm, lãng mạn và bàng bạc chất thơ. Tôi cho đoạn làm tình trong Dị Hương rất mỹ cảm:

…”Ánh trôi vào mê mị. Tiếng rên rỉ trong niềm khoái lạc tột cùng của Ánh tựa hồ tiếng binh khí chạm vào nhau lan ra mặt sông làm váng đầu quân quan. Cá chép ở thượng nguồn xuôi về. Con đực bám đuôi con cái, quẫy ùm ùm giao phối không đợi mùa động đực. Cả khúc sông Hương nổi đầy màng nhầy trong suốt lấm tấm trứng cá, nồng nàn mùi đực cái. Từ lính, quan đến cung tần không ai ngủ nổi…”

Tôi rất đồng cảm với nhà nghiên cứu văn học Trần Đình Thu trên binhchonthohay.com viết: “Thực ra khi hai truyện ngắn đã rất khác nhau, chúng ta không thể so sánh như thế được. Cũng như ta không so sánh một cành hoa mai với một cành hoa đào xem cành hoa nào đẹp hơn.“

Trong khi Trần Mạnh Hảo rủa sả, chê bai Dị Hương thì Nhà nghiên cứu văn học Trần Đình Thu lại quả quyết: “Sự thực, đọc Dị hương của Sương Nguyệt Minh tôi thấy rất thú vị. Truyện viết công phu, sức tưởng tượng phong phú, có nhiều tình tiết văn học đắt giá“.

Mới hay, nhìn viên ngọc đẹp cũng tùy từng người có con mắt xanh hay không, đứng ở điểm nhìn nào, và tâm thế nào thì mới nhận ra giá trị của nó?

“Dị Hương” không phải chính sử. Trong thực tế, ngay cùng một hiện tượng, một nhân vật lịch sử thì các nhà sử học cũng có các cách nhìn, quan điểm đánh giá khác nhau. Tôi có cảm giác anh Hảo bị mù mầu khi thẩm định một tác phẩm văn học.

Anh Trần Mạnh Hảo còn nói (đại ý) là có sự chỉ thị cho Sương Nguyệt Minh viết truyện ngắn Dị Hương. Đó là sự suy diễn thô lậu, cay cú, hậm hực. Tôi tin, chẳng bao giờ có một chỉ thị ngớ ngẩn như thế.

Trần Mạnh Hảo còn viết:

“Nếu một kẻ nào đó, lôi ông tổ của nhà văn Sương Nguyệt Minh ra để chửi bới thậm tệ như ông đã làm với vị Hoàng đế nước Việt Nam Gia Long, một người đã có công thống nhất đất nước, liệu ông Sương Nguyệt Minh có để yên hay sẽ nhảy dựng lên đòi kiện bọn vô cớ bôi bẩn ông cha mình ra tòa? Nếu một kẻ cầm bút vì lý do tiến thân nào đó, tự nhiên lôi ông tổ của nhà thơ Chủ tịch ra vu cáo thậm tệ theo kiểu Sương Nguyệt Minh vu cáo tổ tiên của hoàng tộc Huế, liệu ông Chủ tịch có dám trao giải thưởng cho hay không?”.

Thưa bạn đọc! Đoạn viết trên của Trần Mạnh Hảo có phải là phê bình học thuật, hay là lời chửi bới tác giả? Tôi xin nhường bạn đọc phán xét.

Cách “Chém” “Dị Hương” vô hình dung Trần Mạnh Hảo đã “Tự thiến”  văn hoá đọc của mình.

Praha – đầu năm con mèo.

©  Trần Ngọc Tuấn – CH Séc

6 Phản hồi cho ““Chém” Dị hương là Trần Mạnh Hảo tự “thiến” văn hoá đọc”

  1. Thế Thảo says:

    Bình tỉnh. Có một chuyện siêu ngắn như thế này :
    Bớt giỡn, nhột!

  2. LẠI MẠNH CƯỜNG says:

    Thưa tôi xem chuyện vừa qua như một “CƠN BÃO TRONG LY NƯỚC”. Mục đích đề gây chú ý ít nhiều đến những sinh hoạt văn nghệ trong và ngoài nước.
    Theo tôi cũng không có gì mà ầm ĩ, đến nỗi dân ngoại đạo (ko phải là nhà văn) phải lên tiếng “giáo dục” các ông bà cầm bút xứ ta cần hành xử ra sao cho phải đạo mí nhau. Nói thật, ở lãnh vực nào chả thế, từ chính trị cho đến các lãnh vực khác.
    Tuy nhiên mong rằng ba bề bốn bên đừng để đi quá đà, gây nhiều đổ vỡ tình cảm cho nhau; nhất là độc giả lại phản cảm nhiều với giới viết văn làm báo … Vâng “một con sâu làm rầu nồi canh” !

    Lão Ngoan

  3. Nguyen Tan Trung says:

    Toi nghi: Chung ta dang di lac duong, binh luan tranh cai ban luan cai chuyen qua khu da roi khong may quan trong, vi tghuc su ca Nguyen Anh va Nguye Hue deu la anh hung va co cong lon doi voi nuoc Viet, Chuyen chinh chuyen quan trong bay gio la lam sao giai the cho duoc cai che do my dan doc tai tan ac Cong san la truoc nhat va uu tien tuyet doi, Roi cai ke tieu cung quan trong vo cung la cung nhau thuong yeu doan ket xoa bo han thu dexa dug mot che do mot xa hoi that su dan chu tu do ton trong nhan quyen va ton trong tinh chat da nguyen cua xa hoi, Vi vay moi nguoi dan viet du ta tri thuc hay vo hoc, du la quoc gia chan chinh hay hay lo lam theo Cong san, theo de quoc thuc dan hay doan ket lai de cung cuu dan cuu nuoc va cuu ming minh cuu gia dih ba con minh. Do la cai chinh cai nen lam .

  4. Trung Kiên says:

    Ông Trần Ngọc Tuấn viết:
    “Nhiều người nói với tôi: Trần Mạnh Hảo cao ngạo khi được giới cầm bút ở hải ngoại lăng sê…tôi không tin, khi qua Mỹ được đọc “Ly Thân” của anh. Có người hỏi: ông thấy thế nào? Tôi trả lời: cũng là một cuộc “đấu tố thời cải cách văn chương” theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, nhưng thơ trong đó thì hay….()…Cho tới tận ngày hôm nay tôi vẫn nhớ những câu thơ trong “Ly Thân”:..”Những con đường như những lằn roi/ Lịch sử quất lên mình đất nước/ Những con đường trên xứ sở tôi/ Như nước mắt của người yêu chảy suốt…” Hoặc những câu trong bài “Đêm phương Bắc nhớ về tổ quốc”:..”Loa thành ơi! Ai lừa gạt Mỵ Châu/ Dấu lông ngỗng tình xưa còn trắng tóc/Tổ quốc tôi đau mà không dám khóc/ Hoa cau cười nhoè nhoẹt áo Nàng Bân..” và trong bài “Nhớ Nguyễn Bính”:..” Anh mang theo xuống đất cái thời/ Tới nghĩ ngợi cũng phải cần xin phép..”. Vào thời điểm đó, dù chưa một lần diện kiến tôi quý trọng anh biết dường nào. Nhưng sau này tôi thấy “tội nghiệp” cho anh khi “được” (các “chính khách” hải ngoại) tung anh lên tận mây xanh, họ gọi anh: nhà văn “Phản Tỉnh”, tôi cho đó là trò tháu cáy của kẻ thủ dâm chính trị…)…Những kẻ hả hê một cách thớ lợ khi đưa tin trên báo: mất mùa bão lụt, nhân dân mình khổ sở, các hiện tượng tiêu cực… nhưng lờ đi cái tích cực ở tổ quốc mình (nó có, dù ít nhưng vẫn có). Những người như vậy không lương thiện, dù họ sống trong môi trường dân chủ. Những người như thế, tung hô anh, vô tình lại làm anh mất giá.

    Trích đoạn:
    Trần Mạnh Hảo còn viết: “Nếu một kẻ nào đó, lôi ông tổ của nhà văn Sương Nguyệt Minh ra để chửi bới thậm tệ như ông đã làm với vị Hoàng đế nước Việt Nam Gia Long, một người đã có công thống nhất đất nước, liệu ông Sương Nguyệt Minh có để yên hay sẽ nhảy dựng lên đòi kiện bọn vô cớ bôi bẩn ông cha mình ra tòa? Nếu một kẻ cầm bút vì lý do tiến thân nào đó, tự nhiên lôi ông tổ của nhà thơ Chủ tịch ra vu cáo thậm tệ theo kiểu Sương Nguyệt Minh vu cáo tổ tiên của hoàng tộc Huế, liệu ông Chủ tịch có dám trao giải thưởng cho hay không?”.

    –> Bình loạn: Chán quá các Ông ơi, dùng văn chương để phê bình văn học trong tinh thần xây dựng thì quí hoá biết bao, đằng này các Ông lại dùng văn chương chữ nghĩa để “chơi xỏ” và đập “batoong” lên đầu nhau kiểu này thì có khác gì “trí thức” bôi mặt đá nhau!

    Trông kià “trí thức” choảng nhau
    Để cho Cộng Sản nắm đầu kéo đi
    Choảng nhau thì có ích gì!
    Sao không đoàn kết sống vì nước non?

  5. DO NGHE says:

    Bới long tìm vết
    Đó là Thiên Tài Trần Mạnh Hảo
    Tự cho MÌNH là con chiên ngoan đạo
    Không bao giờ Đổi TRẮNG Thay ĐEN
    Đó là Đầu MỐI của Thiển HÌNH Vạn TRẠNG

  6. D.Nhật Lệ says:

    Trước đây,khi nhà văn NHT.hư cấu hóa lịch sử để viết truyện về vua Gia Long và Quang Trung thì nhà
    văn TMH.cũng đã phê bình kịch liệt NHT.nhưng không đúng lắm khi gán cho NHT.là phỉ báng lịch sử
    vì lời lẽ và giọng văn của NHT.rất đặc biệt sáng tạo,sắc gọn như chém đinh chặt sắt.NHT.có ý thức
    nên ông công bình trong phê phán lẫn thán phục hai vị vua tài giỏi này,chứ không phải như SNM.hay NQT.Tuy nhiên,lần này thì tôi đồng ý với nhà văn TMH.khi phê bình SNM.và NQT.
    Tôi cũng đồng ý với nhận xét của ai đó là phải lên án HNV.đã trao giải thưởng cho 2 nhà văn trên vì
    HNV.đã không “nhạy bén”để nhận ra cách “viết lách” của SNM,nhất là NQT.dùng chuyện xưa để nói
    chuyện nay khá chính xác.Có điều đáng trách là 2 nhà văn.này đã hư cấu thái qúa và lộ liễu thành ra
    TMH.mới bất bình lên tiếng.Thế nhưng phê bình TMH.như TNT.xem ra có hơi hám “khủng bố” và có
    ý đồ,chứ không phải bỗng dưng mà TNT.lên gân nặng lời với TMH.rồi đi đến chổ phủ nhận cả hướng
    đi của mình bằng những lời mỉa mai về dân chủ kiểu… “bán đồ nhi phế” như thế !
    Phải chăng nhà văn đa tình đa cảm thì thường tham sân si hơn người bình thường nên dễ xoay như
    chong chóng,miễn có lợi cho mình ? Có đáng không 1 chổ ngồi trong chiếu HNV.lệ thuộc đảng ?

Phản hồi