Vụ án Cù Huy Hà Vũ: Luật pháp Việt Nam đúng?
All the rights secured to the citizens under the Constitution are worth nothing, and a mere bubble, except guaranteed to them by an independent and virtuous Judiciary.
Tất cả quyền lợi của công dân được hiến pháp bảo kê chỉ là bọt bể không có một giá trị nào cho đến khi được một bộ phận công lý, một hệ thống tòa án độc lập và trong sạch bảo vệ.
(Tổng thống thứ 7 của Hoa Kỳ: Andrew Jackson)
Như một phường tuồng, chuyện công lý ở Việt Nam lúc nào cũng được rêu rao trên hiến chương, báo chí, biểu ngữ nhiều năm nay nhưng chẳng có giá trị gì. Chuyện xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” từ ngót một thế kỷ nay như một cái bánh vẽ vẫn thách thức, trêu ngươi nhưng nhàm chán chẳng ai thèm để ý tới.
Gần đây, vụ án của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ sau một thời gian sôi động đã tạm thời lắng xuống nhường chỗ cho các cuộc cách mạng phát sinh từ những vụ bất công, phi công lý ở Bắc Phi, đang lan tràn đến Trung Đông. Trung quốc có lẽ cũng nao núng, không hiểu Việt Nam sẽ có phản ứng gì sau vụ hoa nhài manh nha ở Bắc Kinh tuần qua. Nhiều người so sánh tình hình Việt Nam với các nước đang sôi động trên, quan niệm rằng Việt Nam đã có nhiều điều kiện chín muồi, những truy bức, áp đảo đến chết người nhưng tại sao vẫn không có biến cố gì xảy ra.
Trong khi đó, không để cho thiên hạ quên đi người hùng của Việt Nam, nhà báo hải ngoại Nguyễn Tường Tâm ở San José đã viết một bài Biện Minh Trạng bênh vực Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ trên Đàn Chim Việt, cảnh báo hệ thống luật pháp Việt Nam cũng như các luật sư hiện hành trong nước. Tuy rằng một số nhận định của anh về luật học ở Việt Nam không hẳn sai, những phân tích của anh – không khác gì những người chán ngán với công lý Việt Nam – chưa hẳn là những điểm hoàn toàn hợp lý.
Sau đó, may mắn được thu thập những lời trao đổi của những bậc đàn anh am hiểu về luật pháp – quốc tế cũng như Việt Nam – trừ những hiệu đính nhỏ, tôi xin ghi lại nguyên văn ở đây những phân tích, nhận định tỉnh táo, nghiêm túc, vô tư đồng thời cũng không kém phần sôi nổi về hình luật của nhà nước Việt Nam của các luật gia này: 1) Luật sư kỳ cựu Trần Thanh Hiệp của Việt-Nam Cộng hòa ngày xưa, và 2) Nguyễn Xuân Phước, một luật sư còn đang hành luật ở Texas, 3) Trần Sơn, một phân tích gia đã theo dõi tình hình, hệ thống tòa án, cũng như các vụ xử ở Việt Nam nhiều năm nay.
Thiết tưởng đây là những luận cứ và phản biện chính đáng, có giá trị pháp lý, thích hợp với những người chưa phải luật sư, hoặc không am tường luật pháp nhưng lại quá nôn nóng vì chuyện phi lý của hệ thống tòa án Việt.
(Thái Anh)
Góp ý của Trần Sơn
1. Điều 88/BLHS có vi phạm Hiến pháp (CHXHCNVN) 1992?
Xin trích: Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001 – Ban hành: 25/12/2001)
“Chương V: QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN
Điều 50
Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật.
Điều 51
Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân. Nhà nước bảo đảm các quyền của công dân; công dân phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và xã hội. Quyền và nghĩa vụ của công dân do Hiến pháp và luật quy định.
Điều 53
Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.
Điều 57
Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Điều 69
Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.
Điều 70
Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.
Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ.
Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước.”
Theo những đoạn trích, thì chẳng những Điều 88, mà kể cả những Điều khoản khác của Chương XI: CÁC TỘI XÂM PHẠM AN NINH QUỐC GIA
(http://vbqppl.moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=6163#Chuong_XI)
Và cả các Luật Báo chí, Luật về Hội… và các văn bản qui định dưới luật… đều KHÔNG VI PHẠM HIẾN PHÁP (1992).
Vì chính Hiến Pháp đã cho phép các Luật (dưới Hiến Pháp) hạn chế “các quyền cơ bản” trong Chương V này bằng các cụm từ theo quy định của pháp luật.
Do đó, khi nói Điều 88, 79 v.v… vi phạm Hiến Pháp là không đúng!
Điều này không phải là “phát hiện” mới mẻ gì mà đã được nhiều người đề cập tới. Trong đó có anh Võ Quốc Sự và tôi cũng đã phát hiện ra điểm này từ những năm 1994-1995 khi tìm hiểu Hiến Pháp và các bộ luật VN (1992) để viết 1 “Khảo phê về tị nạn và nhân quyền”
2. Điều 88/BLHS có vi phạm Công pháp Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị không?
Xét tổng quát, Điều 88/BLHS có vi phạm, nhưng nếu đọc kỹ, có những loại trừ đã được CSVN vận dụng. Xin trích:
“Điều 2.2. Trong trường hợp những quyền được nhìn nhận trong Công Ước này chưa được quy định thành văn trong luật pháp quốc gia, các quốc gia hội viên ký kết Công Ước cam kết sẽ ban hành các đạo luật theo thủ tục luật pháp quốc gia và theo các điều khoản của Công Ước để các quyền này có hiệu lực.
Điều 19:
1. Mọi người đều có quyền giữ vững quan niệm mà không bị ai can thiệp.
2. Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia.
3. Việc hành sử quyền tự do phát biểu quan điểm (ghi ở khoản 2 nói trên) đòi hỏi đương sự phải có những bổn phận và trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu:
a. Tôn trọng những quyền tự do và thanh danh của người khác.
b. Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo đức.”
http://www.vietnamhumanrights.net/viet/vintbill/dansuchinhtri.htm
Bên cạnh, VN tuy ký vào các Công ước này năm 1982, nhưng không ký Nghị Định Thư (Optional Protocol to the International Covenant on Civil and Political Rights), nên không bị cưỡng chế thi hành (chế tài), và như anh Nguyễn Xuân Phước thông tin, các Công ước này cũng không được quốc hội (CSVN) thông qua, nên không có hiệu lực pháp lý thi hành tại VN.
Tuy VN có “Luật Kí kết, gia nhập và thực hiện Điều Ước Quốc Tế năm 2005″ nhưng không điều chỉnh, sửa đổi các luật khác để phù hợp các Công ước Nhân quyền, thì cũng không có giá trị pháp lý thực hiện tại VN.
3. Thủ tục Tố tụng?
- Theo tôi hiểu, trừ các Tòa án Quốc tế, không có tòa án địa phương trong 1 quốc gia nào đem các điều luật quốc tế ra làm cơ sở xét xử 1 vụ án, mà chỉ căn cứ vào luật quốc gia (và các điều khoản quốc tế đã được nội luật hóa trong các điều khoản tương tự trong luật quốc gia).
- Thẩm quyền “làm luật” là do quốc hội, chứ không phải là ngành tư pháp. Do đó các quan tòa (CSVN) có quyền tuyên bố chúng tôi chỉ xét xử căn cứ theo luật hiện hành của VN, còn việc các luật này “đúng/sai” với Hiến pháp và Quốc tế công pháp là chuyện của quốc hội, các anh đi mà kiện quốc hội, khi nào quốc hội ban hành luật mới chúng tôi sẽ theo để xét xử.
- VN không có Tòa án Hiến pháp, mà Ủy ban Thường vụ Quốc Hội kiêm luôn việc giải thích luật và Hiến pháp - thì làm sao có chuyện “các luật vi phạm HP” khi chính quốc hội “vừa đá bóng vừa thổi còi”!?
Do vậy, việc lên án/chỉ trích… Điều 88 hay các điều khoản khác là vi phạm Hiến Pháp là “nói trật” và vi phạm Công ước Quốc tế là “nói chơi”… chỉ mang tính chất “đấu tranh chính trị”, “đấu tranh nhân quyền”… chứ không có giá trị pháp lý thực tiễn tại VN.
Và chừng nào chúng ta còn dựa vào những chuyện “nói trật”, “nói chơi” này để lý luận/cãi cọ… thì sẽ không tác động được chút (giá trị) gì vào các vụ án chính trị tại VN!
Dưới đây là góp ý của Luật sư Nguyễn Xuân Phước
Xin góp thêm một vài ý với bài của anh Nguyễn TườngTâm và anh Trần Sơn.
Có hai cách phê phán đìều 88.
Thứ nhất là vấn đề sai hệ thống của pháp luật VN.
Để phê phán hệ thống luật pháp VN (hay các chế độ độc tài) chúng ta không thể nhìn vào một khía cạnh của luật pháp. Khi nói “điều 88 vi phạm hiến pháp” chúng ta đã mặc nhiên nhìn nhận hiến pháp có giá trị. Chúng ta quên là mặc định nầy sai. Hiến pháp VN hiện nay không có giá trị vì vi phạm những nguyên tắc lập hiến căn bản nhất của quốc tế. Cái sai của luật CS Việt Nam là cái sai hệ thống chứ không phải sai vì đìều luật không phù hợp với hiến pháp.
Cái sai hệ thống lớn nhất của hiến pháp VN, tôi đã bàn trong bài “Hiến pháp ’46″, đó là những hiến pháp hiện nay không theo thủ tục sửa đổi hiến pháp của hiến pháp ’46, không có trưng cầu dân ý. Sau đó, phế quyền phúc quyết của người dân và giao cho quốc hội quyền làm hiến pháp. Vì thế, hiến pháp VN là hiến pháp tùy tiện, cho nên luật pháp làm ra từ hiến pháp nầy cũng tùy tiện.
Do tính tùy tiện, nên mới có điều 4, không có phân quyền, không có độc lập toà án, cho phép quốc hội làm luật hạn chế quyền tự do căn bản.
Cho nên nếu phê phán một điều luật, như điều 88 Bộ Luật Hình Sự (BLHS), mà cho là nó vi phạm hiến pháp là chúng ta đã chấp nhận cái sai hệ thống của nền pháp lý VN, và chấp nhận luôn cái giá trị của một hiến pháp tùy tiện.
Thứ hai là phê phán điều 88 trên văn bản xác định tội danh.
Nguyên tắc làm luật là ngôn ngữ pháp lý phải rõ ràng và trong sáng, không được mơ hồ. Chẳng hạn như điều luật: “cấm tụ họp đông người lúc chạng vạng tối”. Điều luật nầy mặc dầu theo ngôn ngữ bình dân thì cũng dễ hiểu, nhưng theo ngôn ngữ luật pháp thì rõ ràng là tối nghĩa. Nhà nưóc không thể áp dụng điều luật nầy vì thế nào là “đông người”, và thế nào là “chạng vạng tối”. Theo nguyên tắc lập pháp thì điều luật nầy vô giá trị vì không qui định chính xác số lượng người và thời gian. Như thế thì tội danh không đưọc qui định rõ ràng.
Trở lại điều 88 BLHS:
1. Người nào có hành vi sau đây nhằm chống nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam sẽ bi phạt tù từ 3 năm đến 12 năm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân.
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt trong nhân dân.
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liêu, văn hóa phẩm có nội dung chống nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Các chữ như ”xuyên tạc”, “phỉ báng”, luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, nội dung chống nhà nước xã hội chủ nghĩa, và “chính quyền nhân dân” cần phải định nghĩa rõ ràng. Chẳng hạn xuyên tạc và phỉ báng… liệu nói lên sự thật có phải là xuyên tạc và phỉ báng không. Thế nào luận điệu chiến tranh tâm lý? Khi nào thì một luận điệu trở thành chiến tranh tâm lý v.v., ngay cả chữ “chính quyền nhân dân” cũng phải đặt thành vấn đề. Thế nào là chính quyền nhân dân? Hiến pháp có định nghĩa chính quyền nhân dân không? Hay là đó là ngôn ngữ tuyên truyền.
Trưòng họp Cù Huy Hà Vũ vi phạm khoản (c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liêu, văn hóa phẩm có nội dung chống nhà nước xã hội chủ nghĩa. Điều nầy đòi hỏi công tố viên phải chứng minh là nội dung các bài viết có nội dung “chống nhà nước xã hội chủ nghĩa”. Nhà nước xã hội chủ nghĩa là một chữ hàm chứa một nghĩa rất rộng. Chẳng hạn, Đan Mạch, Na Uy đều là những “nhà nưóc xã hội chủ nghĩa”, liệu điều khoản nầy có áp dụng cho các loại nhà nưóc đó không? Thế nào là xã hội chủ nghĩa? Những điều nầy chưa được qui định rõ ràng trong luật pháp.
Và nữa, thế nào là “chống”? Ở mức độ bất đồng ý kiến đến đâu sẽ trở thành “chống”? Hay góp ý với nhà nước như thế nào thì thành “chống”? Chữ “chống” do đó cũng là chữ mơ hồ, không thể định được tội danh và do đó sẽ có tính tùy tiện.
Nói chung, để bào chữa cho CHHV chúng ta phải dùng luật VN dù bản chất luật VN là sai hệ thống. Nhưng chúng ta không thể bào chữa bằng cách dùng luật quốc tế được.
Trong trưòng hợp nầy chỉ có 2 cách để bào chữa cho bị cáo đó là phân tích cách xác định tội danh theo điều luật như nói trên. Thứ hai, xem thủ tục tố tụng lúc thi hành điều tra họ có làm gì sai lầm nghiêm trọng hay không.
Còn muốn sửa lỗi hệ thống thì phải thay cái hệ thống đó đi như Ai Cập và Tunisia. Liệu nhân dân VN có đủ can đảm như thiên hạ hay không.
Sau đây là phần góp ý tiếp của Trần Sơn:
1. Một số lý luận liên quan vừa qua của tôi thật sự là “chuyện xưa tích cũ” – mà lâu rồi tôi không muốn nhắc lại, chứ không phải là “chuyện mới” và muốn phô trương/“nổ”!
Nó nằm trong 1 tiểu mục của đề mục “Khảo sát Luật VN đối chiếu Luật Quốc tế” – 1 phần nằm trong 1 bản viết (gồm 3 phần) gọi là “(Dự thảo) Khảo phê về Luật, Nhân quyền và Tỵ nạn Việt Nam” mà tôi đã được dịp (ủy nhiệm của anh em) trình bày tại 1 Hội nghị Tỵ nạn Liên bang Đức ở Koenigstein (Miền trung Đức).
2. Trở lại vấn đề anh Nguyễn Xuân Phước nêu ra – đó cũng là những ý kiến (hậu kết hàm chứa) mà tôi đã (bỏ lửng) không nêu ra trong email trước, vì mong chờ những thảo luận tiếp theo – và cảm ơn đã có anh Nguyễn Xuân Phước nêu ra, đó là:
2.1. Muốn “đấu tranh pháp lý” trong khuôn khổ “pháp luật hiện hành tại VN”, để đạt những kết quả cụ thể có thể có được cho những “bị cáo” (vi phạm các điều khoản về Chương XI: CÁC TỘI XÂM PHẠM AN NINH QUỐC GIA trong BỘ LUẬT HÌNH SỰ VN 1992 – Tu chính Số: 15/1999/QH10 ngày 21 tháng 12 năm 1999 – hiện hành), thì chỉ có 2 cách:
- Chứng minh “Tội danh” được xác định và truy tố là không chính xác.
- Chứng minh những sai phạm trong quá trình “tố tụng” (lý cớ, bắt giữ, tạm giữ, khởi tố, tạm giam, điều tra, truy tố, quá trình xét xử: cáo trạng, biện hộ, bằng chứng/nhân chứng, thành phần Hội thẩm, điều luật buộc tội, khung án, cách thức quyết định và bản án…v.v).
2.2. Ngoài ra, chỉ là 1 lựa chọn khác: coi sự truy tố và phiên tòa hình sự xảy ra với Ts. Luật CHHV (cũng như các vụ án chính trị tương tự tại VN) là 1 phương tiện/cơ hội “đấu tranh nhân quyền”/”vận động chính trị” nhằm phủ nhận/bác bỏ/đạp đổ “hệ thống” (pháp lý/chính quyền/đảng CSVN) với những lý luận “như đã từng”, với kết quả thấy trước (để chấp nhận):
- Sẽ không ảnh hưởng gì (tốt) cho “bị cáo” (không tội/nhẹ tội hơn), mà có thể bản án bị kết (cho bị cáo) còn “nặng” hơn (do ảnh hưởng/tác động chính trị).
- Có thể có ảnh hưởng/tác động có lợi cho nỗ lực/tiến trình xây dựng xã hội dân sự (về pháp lý), vận động nhân quyền, đấu tranh chính trị/dân chủ hóa… (mà không ai biết được có hay không và có tới đâu!?).
3. Vấn đề còn lại là tùy thuộc lựa chọn của mỗi người trong chúng ta:
- “Nói” cho sướng (tự thỏa mãn/”tự sướng”).
- “Làm” cho dù có nỗ lực hết sức (của mỗi người/riêng lẻ), (nhìn thấy vấn đề/lựa chọn đúng mục tiêu/phương cách) thì kết quả cụ thể có được (có thể thấy được) cũng sẽ rất nhỏ nhoi (cho nạn nhân, và cho công cuộc chung)… dĩ nhiên là ngoại trừ những trường hợp “cuồng vĩ”, “hoang tưởng” sẽ thấy khác!
Phần góp ý của Luật sư Trần thanh Hiệp
Tôi là người đã được nhiều lần ”gọi hỏi” (nhẹ hơn “chất vấn”, tự điển Pháp-Anh của tôi dịch là to take in for questioning, không biết các bạn dịch là gì), nhân vụ Cù Huy Hà Vũ (CHHV), về luật pháp Cộng Sản (CS), nhất là Hiến Pháp CS và điều 88 bộ luật Hình sự, về cách thức CS thi hành những cam kết quốc tế, về việc bênh vực luật gia đối kháng CHHV v.v…, tôi xin lỗi đã không mau lẹ lên tiếng vì có ít nhiều lý do – cá nhân – để giữ im lặng. Rất may là người bạn đồng nghiệp trẻ tuổi và có tay nghề cao Nguyễn Xuân Phước (NXP) của tôi đã nói dùm tôi đến hơn 90% những điều tôi phải nói, dù đã nói trên diễn đàn RFA từ nhiều năm nay rồi, tôi không còn hứng thú nhắc đi nhắc lại nữa. Vả lại xem ra thì mọi người, theo cung cách riêng, cũng đều đã nhìn thấy sự thật, như NXP nêu lên. Ngoài ra, mọi người lại còn được một bạn trẻ khác của tôi, Trần Sơn (TS), góp nhặt đầy đủ những “qui phạm pháp lý” liên hệ để đánh giá cho chính xác luật pháp CS ở trong nước.
Tôi xin không lặp lại ở đây ý kiến và quan điểm rất xác đáng của NXP và TS, chỉ xin thêm hai nhận định bổ túc – với cách trình bày mới – của tôi để trả lời chậm – Mộc Lan và Thái Anh đã gọi hỏi, ‘interpeller’ tôi. Theo tôi phải bàn về trường hợp CHHV thì cũng đúng thôi, nhưng có nhiều trường hợp khác nữa, không thể không quan tâm. Bàn như vậy thì không có đủ chỗ, đủ thời giờ để bàn nên phải gom lại mà bàn cho đủ, cho gọn, và rõ ràng. Dưới độ góc nhìn vấn đề như thế thì hãy đặt vụ CHHV vào trong vấn đề thực hiện công lý dưới chế độ CS ở Việt Nam.
Tôi cho rằng những người dân chủ - hay muốn được coi là dân chủ – phải dứt khoát khởi đi, mà không sợ sai lầm, từ tiền đề theo đó, cả về hình thức lẫn nội dung, thực chất của hệ thống luật pháp CS ở Việt Nam, trước đây và hiện nay, là một hệ thống luật pháp “phi nhân quyền” và do đó, tất nhiên “phi-công-lý” (đối chiếu với luật pháp dân chủ). Với tôi chữ “phi-nhân-quyền” đã phản ảnh đầy đủ các mặt chính trị, pháp lý, văn hóa, xã hội của không gian “CS” ở VN. Vậy thì tại sao lại muốn, lại mơ ước, lại lý luận để tìm công lý trong không gian ấy? Tôi xin viện dẫn hai bằng chứng về sự phi này.
Một, có nhiều người thường coi Hiến Pháp CS là “tiêu chuẩn” của tính hợp pháp, của công lý trong không gian CS. Những người này quên rằng Hiến Pháp CS không phải là “đạo luật tối thượng” với giá trị chính-tri-pháp-lý tuyệt đối như ở các nước dân chủ. Hiến Pháp (HP) với cộng sản là một “công cụ cai trị” độc đoán do Đảng cộng sản tự phong cho mình quyền đặt ra và bắt dân phải theo. Rồi để lừa gạt dân cũng như quốc tế, những người cầm quyền cộng sản một mặt, liệt kê trong đó đủ mọi thứ, mọi loại quyền con người, quyền công dân. Nhưng mặt khác, cũng dùng Hiến Pháp ấy, lại cho phép làm ra những đạo luật dưới hiến pháp xâm phạm, thậm chí hủy bỏ tất cả những quyền đã ghi trong Hiến Pháp. Vậy trích dẫn và viện dẫn thứ Hiến Pháp “cương lĩnh” “công cụ” của CS để đòi CS thực hiện công lý là một điều cực kỳ phi lý. Với quái thai Hiến Pháp này thì không có cách gì thực hiện được công lý cả. Vẫn biết rằng các tổ chức quốc tế tranh đấu, bảo vệ nhân quyền quốc tế luôn luôn viện dẫn nhiều điều trong Hiến Pháp CS để đòi nhà cầm quyền CS phải tôn trọng nhân quyền. Không phải là những tổ chức ấy không biết rằng văn bản gọi là HP cộng sản hoàn toàn vô giá trị, nhưng họ vẫn cứ phải quy chiếu vào đó để đối thoại mà cải thiện. Nhưng người Việt Nam thì không thể sơ tâm hay vô ý thức đến mức không nhận ra thật, giả rồi cứ tranh luận “chiếu lệ”, cho oai, nói là để tìm công lý. Đừng bao giờ quên rằng Hiến Pháp cộng sản là thứ mà những luật gia dân chủ đích thực và chân chính phải thảy vào “sọt rác”.
Hai, tôi xin không bàn rộng về điều 88 của bộ Luật Hình sự cộng sản, vì tôi đã bàn nhiều lần về điều khoản này rồi. Ở đây, tôi chỉ giới hạn sự phân tích của tôi vào trường hợp của Tiến sĩ CHHV mà thôi. Nếu tôi không lầm thì nhà cầm quyền cộng sản đã chỉ dựa vào đoạn c) của điều 88 để truy tố Ts CHHV. Đoạn c) này có nội dung như sau: “Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống chế độ xã hội chủ nghĩa”. Khác với hai đoạn trên còn có chỗ để tranh luận, có thể nói đoạn c) này là để cho nhà cầm quyền CS muốn kết tội ai cũng được. Hễ ai không chịu nhắm mắt đi theo con đường “xã hội chủ nghĩa” thì đoạn c) coi là “chống lại” chế độ xã hội chủ nghĩa và “đương nhiên” có tội. Với thứ luật pháp quái đản như thế thì còn bàn cãi để làm gì? Chẳng những không ích lợi nào cho việc đi tìm công lý, bảo vệ công lý mà lại còn vô bổ về các mặt trí thức, kiến thức và lương tâm.
Tôi cũng xin nói thêm, tôi nghĩ rằng chưa chắc Hà Nội đã dám đem vụ CHHV ra xử, dù là xử kín. Tuyên bố rùm beng tội này tội nọ chỉ cốt để lấy cớ “bắt giam” ông CHHV mà thôi. Chứ muốn đem ra xử một cách đàng hoàng, đứng đắn, nghiêm chỉnh thì tiên quyết phải xét đơn khiếu kiện của nữ luật sư Dương Hà đòi hủy bỏ thủ tục truy tố bất hợp pháp Ts CHHV. Không lẽ cứ xử bừa bãi bằng một thủ tục truy tố trái luật hay sao? Cho nên tôi không muốn bàn.
Vì những lẽ đó, tôi thiển nghĩ ta chẳng nên phí thời giờ, tâm sức mà bàn chuyện quẩn quanh về luật pháp “phi-nhân-quyền, phi-công-ly” của cộng sản. Điều đáng bàn làm cách nào để thay toàn bộ cái hệ thống pháp luật quái đản, man rợ ấy. Luôn tiện cũng nên tìm hiểu về những bài học lịch sử nóng hổi của các nước ở Trung Đông về cách thức chấm dứt những chế độ độc tài, thối nát hại nước hại dân. Theo những hiểu biết và kinh nghiệm bình thường của tôi thì nếu để tâm tìm hiểu những tiền lệ Tunisia, Egypt, Iran, Libya v.v… sẽ không thiếu đề tài để trao đổi.
Các anh có cần bỏ phí thời gian để phân tích LUẬT PHÁP hay HIẾN PHÁP của Đảng CSVN kg ???
Chẳng có lợi ít gì….Các anh là nhửng nhà NGHIÊN CỨU về luật pháp. Mà kg đọc cho rỏ nhửng chử sau cùng của nhửng điều luất….Nào là THEO QUI ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT rồi PHÁP LUẬT ĐẢ QUI ĐỊNH….CỨ THẾ MÀ ĐẢO TỚI ĐẢO LUI….BỌN CSVN đả qui định rỏ ràng và hẳn hòi chưa,.???
Nhửng gì chúng chưa có qui địng thì sẻ XỬ CỤI như vụ án T/S CHHV… Vậy chúng ta tự hỏi có cần tranh luận với nhau làm gì cho mất hòa khí…
Trong thực tế ở Việt nam nhân dân Việt nam (02.091945-17.04.2011) chưa có quyền tự do ứng cử và bầu cử thì không thể có chính quyền, hiến pháp , luật pháp và tòa án của nhân dân Việt nam.Nhà nước Việt nam dân chủ cộng hòa và cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam ,hệ thống hiến pháp,luật pháp,quốc hội và tòa án là những công cụ của giai cấp thống tri-đảng cộng sản Việt nam dùng để thống trị giai cấp bị trị-nhân dân Việt nam nên tranh luận về hiến pháp,luật pháp,nghị định … là thiếu thực tế.Ngoại trừ Việt nam cộng hòa 26.10.1955-30.04.1975 ở miến nam Việt nam (dân chủ hạn chế)
Co phong vien hoi dong chi Dung – vay nhung nam thang o trong rung danh My – ong hoc luat o dau – Sach vo hoc nhu the nao de ong co cu nhan Luat – Dong chi Dung noi rang – dai hoc nhan dan o trong rung day ong ta va ong ay co cu nhan luat rung – va luat hom nay ong ay ap dung o Viet Nam la luat rung. Ton gio may ong oi – cong san Viet Nam lam cho gi co luat ma ban voi khong ban – chong chung no la chap nhan chet va tu – khong co con duong nao khac. Vi dieu do – chung ta moi nga non kinh trong nhung nha dan chu dau tranh that o trong nuoc.
Cac bac oi! Viet Nam lam gi co luat. Luat VN la…ngau hung qua cau
Tran Ngoc Tuan