Brokeback Mountain: Không chỉ một mối tình đồng giới
Kỷ niệm 6 năm bộ phim Brokeback Mountain 12/2005 – 12/2011, kiệt tác hay nhất về đề tài tình yêu đồng giới. Và dành tặng cho những ai bỗng một ngày chợt thấy mình khác.
Lần đầu tiên xem Brokeback Mountain khi tôi được biết đó là bộ phim về đồng tính đoạt nhiều giải thưởng lớn, tua nhanh cả bộ phim chỉ trong 30 phút, chỉ thấy đó là câu chuyện lạc loài buồn.
Bỗng một hôm, tình cờ đọc Wikipedia, tôi dường như bị cuốn hút bởi chính câu chuyện mà tôi cho là lạc loài đó, rồi chợt nhận ra, có lẽ mình mới là kẻ lạc loài khi “dám” đánh giá như thế về một kiệt tác. Bộ phim mạng đậm tính nhân văn cao cả ấy không chỉ nói về tấn bi kịch của một mối tình đồng giới mà đằng sau nó còn là tấn bi kịch của những mối tình vấp phải rào cản phi lý của xã hội. Rồi tôi xem lại bộ phim, chầm chậm, từng chút một, để say đắm một mối tình thiêng liêng không trọn vẹn, và dư âm của nó, một nỗi buồn mênh mang xâm chiếm tôi, trong nhiều ngày sau đó.
Một tình yêu đẹp, không toan tính
Brokeback Mountain là câu chuyện về hai chàng cao bồi miền Tây nước Mỹ – hình ảnh những người đàn ông vạm vỡ, rắn rỏi, kiên trường, với đôi bốt cao cổ, áo sơ mi bỏ thùng cùng quần jean đinh rivê, và không thể thiếu chiếc mũ phớt rộng vành cong cong hai bên, trên lưng những chú ngựa của thảo nguyên mênh mông và đồi núi hùng vĩ – Ennis del Mar và Jack Twist, hai anh chàng chăn cừu thuê vào một mùa hè tại vùng núi Brokeback. Trong hoang sơ của núi, tình cảm giữa họ nảy nở như một điều tất yếu cho sự sẻ chia nỗi cô đơn. Một tình yêu đẹp. Nhưng họ không thể vượt qua nỗi sợ hãi những định kiến của con người về tình yêu đồng giới. Và rồi mỗi người đều đã tìm được cuộc sống riêng cho mình, như những người đàn ông đầy trách nhiệm và biết tuân thủ quy luật cuộc sống.
Nhưng, định mệnh đã kéo họ lại với nhau một lần nữa, và rồi cứ thế cho tới 20 năm sau, họ vẫn không thể vượt qua rào cản xã hội, vẫn phải kìm nén mình, che dấu tình cảm và nỗi khát khao hạnh phúc, chỉ được bùng cháy trong những lần gặp nhau vội vã. Cho đến khi Jack ra đi vĩnh viễn, thì Ennis mới hiểu rằng, cuộc đời anh đã có nhiều lựa chọn sai lầm.
Bộ phim mở đầu bằng hình ảnh miền Tây nước Mỹ, rộng lớn với những con đường đầy bụi đỏ trong tiếng ghita chậm rãi bản Opening của Gustavo Santaolalla như đón chào bạn.
Ennis del Mar và Jack Twist đều chưa đầy 20 tuổi, cùng xin việc giữ trại chăn cừu cho Joe Aguirre, cái bắt tay và một vài lời chào hỏi xã giao, dăm ba câu chuyện trong quán bia, rồi hôm sau lên núi. Ennis lầm lì, giọng trầm, nói nhỏ giọt, mang nét thô kệch của một chàng cao bồi thất học, tất cả mọi cảm xúc chỉ thể hiện qua đôi mắt sâu nặng trĩu, ngược lại là Jack, một anh chàng khá bảnh bao, sôi nổi với điệu nhếch mép khinh khỉnh đầy quyến rũ.
Annie Proulx, tác giả truyện Brokeback Mountain đã từng nhận xét về hai diễn viên trẻ trong phim như sau: “Jack Twist của Jake Gyllenhaal không phải là Jack Twist mà tôi tưởng tượng khi viết truyện. Anh chàng Jack Twist mà tôi hình dung là một người chất phác, thô kệch, bồn chồn. Nhưng sự nhạy cảm và tinh tế của Gyllenhaal trong vai này quá xuất sắc. Anh ta xuất hiện trên phim rất sống động, linh hoạt. Heath Ledger thì còn đi xa hơn những gì mà tôi mong đợi. Anh ấy hiểu câu chuyện còn sâu sắc hơn cả tôi. Nếu như tôi rất khó khăn trong việc hình dung ra tính cách của Ennis thì Ledger cứ hiện lên rõ nét. Anh ấy thật sự chui vào dưới lớp da nhân vật, không phải chỉ là khoác chiếc áo mà tận sâu bên trong con người. Cực kỳ xuất sắc.” (Associated Press)
Tiếp tục câu chuyện về hai chàng cao bồi. Họ có thể nói là đồng nghiệp, là bạn rượu, là bạn chuyện qua những ngày nắng đẹp, những ngày mưa giông và cả những cơn giá rét trên núi Brokeback. Rồi khi họ cởi mở với nhau hơn, họ kể cho nhau nghe về gia đình, về dự định tương lai, về cô vợ sắp cưới Alma của Ennis. Nhưng rồi thời gian trông đàn cừu vào mỗi tối của Ennis ngày càng ngắn hơn, anh thích ngồi uống với Jack, hát mấy câu vớ vẩn, nghe âm thanh chói tai của cây kèn harmonica Jack thổi, rồi cứ thế cho đến khuya, khi không còn đủ sức nhấc người dậy để đi trông đàn cừu, Ennis đã nằm ngủ bên bếp lửa, ngoài trời, với tấm chăn mỏng, và với hàm răng lập cập. Jack cáu kỉnh, đề nghị Ennis vào trong lều, họ nằm bên cạnh nhau, gần gũi, ấm áp. Chỉ khi Jack cầm bàn tay Ennis, làm một động tác bất ngờ, và Ennis cũng bất ngờ không hiểu tại sao, giống như bản năng, đã làm một cái việc mà anh chưa từng làm.
Đây có thể xem là cảnh nóng đầu tiên của bộ phim, tôi nghe nói nó còn bị cắt đi khi chiếu tại Trung Quốc, bởi một số ý kiến cho rằng có gì đó hơi dữ dội, thô thiển khiến người ta sợ. Tôi cũng hơi giật mình khi xem đến đây dù đã biết trước nó sẽ xảy ra, nhưng đến khi đọc truyện của Annie Proulx, tôi mới thấy rằng, đạo diễn Lý An đã mô tả vô cùng chân thực, sống động những gì bà đã viết, đó mới là cái tài của một đạo diễn bậc thầy. Bên cạnh đó, một số người cũng cho rằng, tình yêu của hai chàng cao bồi được bắt đầu bằng dục vọng thì đâu có phải là tình yêu đẹp, có lẽ để trả lời câu hỏi này, bạn hãy đặt mình là họ, sự hoang dã, cái dữ dội của mảnh đất miền Tây nước Mỹ được khắc họa rõ nét trong chính những anh chàng cao bồi, từ suy nghĩ đến hành động.
Quay lại với bộ phim, khi Ennis cảm thấy tội lỗi, thì Jack lại luôn là người chủ động, chính điều đó đã giúp Ennis không quá khó khăn khi anh chấp nhận chuyện của mình với Jack. Và trong 20 năm sau đó, cũng vậy.
Cuộc sống của hai chàng cao bồi trẻ trên núi Brokeback rộn ràng, hạnh phúc như những gì họ dành cho nhau, mà không biết rằng Joe Aguirre đã quan sát họ qua ống nhòm của gã, và đã nhận ra một điều gì đó. Chỉ đến khi sau một đêm mưa bão, đàn cừu bị lẫn với một đàn cừu khác, và Aguirre nói rằng, sắp có bão, và rằng chuyện trông cừu sẽ kết thúc.
Ngày cuối cùng trên Brokeback, hai người đã đánh nhau, lau máu me trên mặt nhau bằng áo sơ mi của mình, để rồi 20 năm sau, Ennis mới biết rằng mình đã không bỏ quên chiếc áo sơ mi kẻ ca rô trên núi.
Cảnh lột tả rõ nét nhất tình cảm dành cho nhau của hai chàng cao bồi, chính là đoạn chia tay nhạt nhẽo trước cửa văn phòng của Aguirre, không một cái ôm, không một cái bắt tay, và ai đi đường nấy. Nhưng sau đó, là ánh mắt thân thương của Jack khi nhìn Ennis qua gương xe, là những cái nôn khan, tiếng nức nở của Ennis khi xe của Jack đã mất dạng. Trong truyện, khi mô tả đoạn này, Annie Proulx đã viết: “Ennis cảm thấy như có kẻ đang lôi ruột gã ra từng khúc, từng khúc một… Gã cảm thấy khó chịu chưa từng thấy, và cảm giác đó lâu lắm mới phai đi.” Và câu nói của Ennis sau 4 năm gặp lại: “… Tớ quặn ruột lại, tưởng đã ăn phải cái gì thiu. Một năm sao tớ mới hiểu ra, đáng lẽ tớ không nên để mất cậu…”.
Phần tiếp theo của bộ phim chủ yếu nói về cuộc sống của hai người sau khi chia tay, Ennis cưới Alma và sinh hai cô con gái, cuộc sống khá chật vật khi anh luôn thích làm một người trông coi gia súc. Còn Jack, anh là một Rodeo – người cưỡi bò, cưới Lureen – con gái một ông chủ buôn bán nông cụ giàu có, Jack có một cậu con trai. Tuy nhiên, họ vẫn nhớ đến nhau.
4 năm sau ngày chia tay, một hôm Ennis nhận được tấm bưu thiếp của Jack, Ennis nôn nóng gửi thiếp lại, và rồi, câu chuyện của 4 năm về trước, trên đỉnh Brokeback, lại được nối lại.
Hôm Jack tới, Ennis chải chuốt bản thân, đi lại trong nhà với vẻ sốt ruột – chúng ta có thể quan sát thấy Ennis đã uống tới 5 chai bia trong lúc chờ đợi. Đến khi anh nhìn thấy Jack bước xuống xe, thì những xúc cảm dồn nén của 4 năm chợt bung ra, ào ạt. Dưới cầu thang, Ennis và Jack vội vàng ôm chầm lấy nhau, xiết chặt, và… một nụ hôn như đôi tình nhân xa cách giờ mới gặp lại.
Bất ngờ nhất của đoạn phim này, đó không phải Jack là người chủ động, chính Ennis đã vội kéo Jack vào vòng tay mình, và hôn Jack, như thỏa nỗi nhớ, nỗi khao khát chất chứa trong lòng bao lâu nay.
Theo bình chọn của người hâm mộ do hãng DVD Love Film tiến hành, thì màn khóa môi đặc biệt này đã đánh bại những nụ hôn ngọt ngào khác từng là biểu tượng của màn bạc thế giới như Gone With The Wind hay Dirty để được coi là nụ hôn đẹp nhất trên phim ảnh mọi thời đại.
Khi xem đến cảnh này, lòng tôi cũng tràn đầy cảm xúc, vừa thương, vừa buồn, vừa nuối tiếc cho họ, mà không hề có chút cảm giác khó chịu nào, tôi bỗng không nghĩ rằng họ là hai người đàn ông, hai chàng cao bồi – hình ảnh đại diện cho chất manly đầy tự hào của người Mỹ, chỉ cảm nhận một điều, đó là nụ hôn cháy bỏng cho một tình yêu không giới hạn, nụ hôn của hai người yêu nhau.
Nhưng mọi việc không như những gì ta mong muốn, Alma đã tình cờ nhìn thấy cảnh trớ trêu đó giữa chồng cô và người bạn thân Jack của anh. Cô đã nhận ra mờ ảo một điều gì, cho cả những tháng ngày sau này.
Bộ phim tiếp nối với những cảnh Ennis và Jack cùng đi dạo trên đồng cỏ, ngoài bãi sông, trên núi, bên bếp lửa của Brokeback, Ennis đã nói dối vợ rằng anh đi “câu cá”, mỗi năm vài lần với Jack, nhưng anh chưa từng mang một con cá nào về.
Hai trái tim hòa cùng một nhịp trong không gian chỉ của riêng họ, không có tiếng phố ồn ào, không có tiếng người hằn học, nhạc trong phim chỉ là tiếng vi vu của gió, của núi đồi, róc rách của nước đậm màu mây. Tất cả đều ngập tràn hương vị sâu lắng của vùng đất miền Tây nổi tiếng trong những câu chuyện nổi tiếng.
Đến đây, tôi như say đắm trong tình yêu của họ.
Trở lại với bộ phim, Alma đã không chịu đựng được quá lâu, khoảng trống mênh mang giữa cô và Ennis dường như ngày càng lớn, rồi họ li dị. Khi Ennis báo tin cho Jack, Jack đã vội đến, nhưng lại hiểu lầm rằng Ennis muốn họ chính thức có một cuộc sống cho riêng mình, như ngày nào trên Brokeback, nhưng không, Ennis đã nói anh không thể, anh còn có hai đứa con gái, và chúng cần anh, nhưng hơn hết, là Ennis không thể vượt qua định kiến xã hội, không thể trốn được ký ức xa xưa, khi anh nhìn thấy một người đồng tính bị giết chết, và người làm điều đó lại là cha anh.
Xem đến đoạn này, có nhiều người cảm thấy bực mình với Ennis, và trách anh sao cố chấp đến thế, nhưng nói cho cùng, đó là quyết định mà Ennis phải đưa ra trong hoàn cảnh ấy, có lẽ cũng không sai. Khi xã hội còn chưa chấp nhận, thì bản thân anh cũng phải trốn chạy sự thật, chôn vùi giấc mơ để lãnh trách nhiệm với đúng nghĩa một người đàn ông, và cố lừa phỉnh mình với cái suy nghĩ “Tớ không phải là thằng bóng”, như trong phần đầu phim.
Tôi chợt nao lòng khi nhìn thấy những giọt nước mắt của Jack khi anh lái xe ra về, tình cảm của Jack quá mạnh mẽ, khiến anh luôn là người chủ động trong mọi chuyện, nhưng sự chán nản bởi quyết định của Ennis, đã đẩy anh tới biên giới Mexico, nơi có các call boy như đồn thổi. Đó là phút khẳng định, Jack “dám” là một người đồng tính.
Nhưng rồi mọi chuyện vẫn ổn thỏa, những năm tiếp theo, vẫn là những cuộc dạo chơi ngắn ngày, những cái ôm xiết nóng bỏng, những buổi tranh luận về tương lai của hai người.
20 năm đã trôi qua, đã là năm 1983. Ennis và Jack đều có dấu hiệu của tuổi tác. Con cái họ cũng đã trưởng thành, nhưng họ vẫn phải giấu giếm tình cảm đó, dù cả hai đều biết họ thuộc về nhau.
Cho đến buổi tranh luận cuối cùng trước khi chia tay nhau vào tháng 5, Jack đã nói anh muốn nhiều hơn thế này, anh muốn một cuộc sống riêng cho hai người, chứ không chỉ là Brokeback, và Jack đã sẵn sàng bỏ vợ, hai người có thể đi Mexico.
Đoạn phim này tựa như đoạn Ennis tức điên lên khi Alma sổ toẹt ra rằng cô đã biết chuyện gì đó, rằng Jack là một tên khốn, Ennis đã ứa nước mắt và nói “Cô chẳng biết gì hết”, đã nắm tay cô đến lằn vết rồi bỏ đi, dường như Ennis đang muốn bảo vệ Jack cũng như những gì anh đang có với Jack. Nhưng ở đoạn này, sự tức giận của Ennis lại là ở chỗ, anh phát hiện ra Jack đã đến Mexico, và cái này, nếu nói theo ngôn ngữ thông thường, là Ennis đang “ghen tuông”. Ennis đã gầm lên với Jack: “Tớ chỉ nói với cậu điều này một lần thôi, Jack, tớ không nói đùa đâu, cái mà tớ không biết, nếu tớ tình cờ biết, thì cậu sẽ chết!” Và sau đó là câu nói đã thể hiện hết cung bậc tình cảm của Jack: “Ước gì tớ có thể bỏ được cậu!”, đây là câu nói mang ý nghĩa lớn trong cả bộ phim, cả một bộ phim không một từ “yêu” theo đúng nghĩa giữa hai người. Ra thế, tình yêu là như thế, cớ gì cứ phải nói “anh yêu em” hay “em yêu anh” thì đó mới là yêu, không cần một lời, họ cũng thừa hiểu những gì họ dành cho nhau.
Bộ phim có nhiều hình ảnh đẹp, và một trong những hình ảnh đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem, có lẽ là hình ảnh trên núi Brokeback của những năm 1963, khi Ennis tiến lại, ôm Jack từ phía sau, Jack mơ màng thoáng mỉm cười, thời gian trôi chầm chậm theo ánh lửa tàn trước mặt họ, hai người cứ đứng như thế, cho đến khi Ennis nói: “Cậu ngủ đứng như con ngựa… Mai gặp lại cậu!”
Đoạn mô tả của Annie Proulx để các bạn hiểu rõ hơn: “Điều Jack nhớ và khát khao không đừng được và hiểu được là lần mùa hè xa xôi đó trên núi Brokeback, khi Ennis đến sau lưng gã và kéo gã lại gần, vòng tay ôm lặng lẽ, thỏa mãn nỗi khát khao chia sẻ và không gợn tình dục. Họ đứng như thế rất lâu trước ngọn lửa, lửa cháy tung những mảng sáng hồng, bóng họ thành một trên đá… Sau này vòng tay mơ màng ấy đông cứng lại trong ký ức gã như khoảnh khắc duy nhất của hạnh phúc chân chất, quyến rũ trong cuộc sống xa cách và khó khăn của họ. Không có gì vẩn đục nó…”.
Tôi đặc biệt thích hình ảnh này, nó đẹp hơn tất thảy những gì mà tôi đã cảm nhận qua các bức ảnh về những tình yêu, có lẽ nó đẹp là bởi nó quá khác, nhưng nó không lạc loài.
Phần cuối phim là nỗi đau trong tim mà Ennis gánh chịu khi nhận được tin Jack đã chết, nhưng anh không tin rằng đó là vụ tai nạn xe, anh luôn bị ám ảnh cảnh người đàn ông đồng tính bị cha anh giết chết hồi anh còn nhỏ, và anh tin, Jack cũng bị như thế. Ennis đau tột cùng khi nghe Lureen, vợ Jack nói rằng Jack muốn tro của mình được rải khắp Brokeback, vì đó là chỗ của Jack, là nơi anh ấy hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình.
Khi Ennis đến nhà cha mẹ Jack, người cha Jack tỏ vẻ biết chuyện, ông hống hách tuyên bố sẽ chôn Jack trong phần đất dành cho gia đình. Ông nói rằng Jack luôn mồm nhắc đến Ennis del Mar, rằng sẽ đưa nó tới đây phụ giúp ông, xây cabin gỗ, và hai đứa sẽ sống cùng nhau, rằng Jack sẽ bỏ vợ, rằng mọi dự định của Jack không bao giờ thành hiện thực… Nhưng chúng ta vẫn có thể nhận ra sự chịu đựng khốn khổ của cha mẹ Jack qua khuôn mặt đầy nếp nhăn của họ.
Hình ảnh khiến tôi bị ám ảnh trong nhiều ngày, là khi Ennis tìm ra chiếc áo sơ mi xanh mà Jack đã mặc trong ngày cuối cùng trên Brokeback mùa hè đó, chiếc áo vẫn dính đầy máu trên tay áo khi Jack lau máu mũi cho Ennis, và điều khám phá ra sau đó, khiến tôi buồn mênh mang.
Trích đoạn trong truyện của Annie Proulx: “…một chiếc áo treo lâu ngày trên đinh. Gã nhấc nó ra khỏi cây đinh. Chiếc áo cũ của Jack từ những ngày ở Brokeback. Máu khô trên tay áo là máu của gã… Chiếc áo có vẻ nặng, đến khi gã thấy có một chiếc áo nữa lồng ở trong, tay áo cẩn thận luồn trong tay áo của Jack, đó là cái áo sơ mi kẻ ô của gã… Hai chiếc áo như hai làn da trong nhau, hai trong một… Ennis áp mặt mình vào lớp vải, và chầm chậm hít vào bằng miệng và mũi, hi vọng tìm thấy thoang thoảng mùi khói, mùi ngải núi và mùi mồ hôi mặn ngọt của Jack…”
Có thể nói, trong đoạn phim này, Heath Ledger đã lột tả xuất sắc tâm trạng đầy đau đớn của Ennis qua dáng người như chùng xuống cùng ánh mắt nhìn vô định.
Cảm xúc mà cảnh này đem lại cho người xem kéo dài và trào dâng mạnh mẽ khi tới đoạn cuối cùng, sau khi con gái Ennis đến mời cha tham dự đám cưới và cô bỏ quên chiếc áo khoác của mình ở đó. Ennis mở tủ cất áo của con gái, và rồi, anh nhìn cánh cửa tủ, nơi có một cái đinh, treo một cái mắc áo, cái áo trông có vẻ khá nặng, là bởi, còn có một chiếc áo lồng bên trong nó, tay lồng trong tay. Có điều, lần này, chiếc áo xanh của Jack lại ở bên trong, cánh tay áo luồn trong tay áo ca rô của Ennis. Bên cạnh 2 chiếc áo, ghim một tấm thiệp in hình núi Brokeback.
Đến đây, qua sự hoán đổi vị trí hai chiếc áo, chính là Ennis đang thực sự muốn che chở cho Jack, cái cách Ennis chỉnh lại tấm thiệp, ngắm nhìn nó với giọt nước mắt, với nỗi buồn trĩu trong đôi mắt sâu, giữa nền tối của căn nhà, khuôn mặt Ennis chợt già đi, và với câu nói không hết “Jack, tớ thề…”, đã cho thấy một Ennis đang đau khổ, đang ân hận, đang dằn vặt, đang tiếc nuối, đang chôn vùi mình vào quá khứ tươi đẹp.
Trước đó, Ennis đã nói với con gái khi cô đề nghị cha mua thêm đồ đạc: “Nếu con chẳng có gì thì con cũng chẳng cần gì nhiều”. Đúng vậy, giờ với Ennis, có lẽ anh chẳng có gì, chẳng còn gì.
Tôi đã thử đặt mình vào vị trí của Ennis khi anh nhìn hai chiếc áo, tôi thử cảm nhận nỗi đau ấy, kỳ lạ, tôi cũng có nó, tràn ngập nỗi nhớ thương và tiếc nuối trong một phút giây ngắn ngủi thôi rồi chợt biến thành trống rỗng, vâng, có lẽ đây là lúc tôi bắt đầu bị ám ảnh bởi nỗi buồn mênh mang, tôi nhắc đến từ mênh mang nhiều lần, có lẽ cũng là vì không tìm thấy từ nào phù hợp hơn để thay thế nó.
Bộ phim kết thúc với hình ảnh Ennis đóng cửa tủ, chỉ còn lại ô cửa sổ đang mở, với màu xanh của đồng cỏ và màu đỏ của con đường, như một nỗi cô đơn bất tận, trên nền bản nhạc The Wings sâu lắng của Gustavo Santaolalla.
Đoạn đầu truyện. Annie đã miêu tả tâm trạng của Ennis như sau: “… Hai chiếc áo sơ mi như chợt rùng mình trong thế giới của chúng… Trang trại đang rao bán một lần nữa, Ennis sẽ phải ra khỏi nơi đây. Có lẽ gã sẽ phải đến ở tạm nhà cô con gái lớn đã lấy chồng đến khi xoay được việc khác, nhưng gã đang tràn ngập cảm giác hân hoan vì đã thấy Jack Twist trong giấc mơ…”
Đoạn cuối truyện, vẫn là tâm trạng ấy: “…Jack xuất hiện trong giấc mơ của gã, Jack như thuở ban đầu gã gặp… Và đôi khi gã thức dậy trong nỗi tiếc thương, đôi khi với cảm giác hân hoan và nhẹ nhõm cũ; đôi khi ướt gối, đôi khi ướt tấm vải trải giường.”
Và câu kết đã nói lên tất cả: “Giữa điều Ennis biết và điều gã cố tin có khoảng trống mênh mang nào đó, nhưng chẳng làm gì được, và nếu bạn không làm gì được, bạn đành phải chịu.” Rõ ràng Ennis đang đành phải chịu.
Bộ phim khép lại với dư âm buồn, một nỗi buồn mà tôi đã nói, nó tới độ, khiến tôi rơi vào trạng thái đau thương trong nhiều ngày, thương cho Jack, cho Ennis, thương cho những tình cảm mà họ dành cho nhau, nó dịu dàng như nắng trên Brokeback và cũng sôi nổi như gió trên Brokeback.
(Có lẽ đây là bộ phim về cao bồi mà tôi thấy có nhiều nước mắt đàn ông nhất, không biết do đạo diễn Lý An muốn nhấn mạnh rằng ai dù là đàn ông hay đàn bà cũng đều có phút giây yếu mềm, rằng đàn ông cũng dễ khóc lắm chứ?)
Bộ phim là bài ca về tình yêu con người với con người, không giới hạn. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận ra ý nghĩa nhân văn của phim rõ ràng không chỉ dừng lại là bài ca tình yêu không trọn vẹn của hai chàng cao bồi, mà nó còn là câu chuyện đẫm nước mắt của hai người con gái, hoặc của một người con trai một người con gái, vấp vào những rào cản về quan niệm, về tôn giáo, hay chủng tộc, hoặc thậm chí là bệnh tật.
Sau bộ phim, tôi hoàn toàn mất đi sự nghi hoặc về tình yêu đồng giới, bộ phim đã cho tôi và có lẽ nhiều người khác một cái nhìn mới mẻ hơn về họ, và hẳn rồi tình yêu nào cũng là tình yêu.
Giống như những câu chuyện tình khác, tôi luôn hi vọng một kết thúc có hậu, tôi ước Jack và Ennis thành đôi và sống hạnh phúc, tôi còn chợt ước mình có một tình yêu đẹp đến như vậy, khát khao một tình yêu với chờ đợi, với nhớ mong, yếu đuối và không toan tính của mỗi con người, với mạnh mẽ và hoang dại của miền Tây nước Mỹ, một tình yêu thiêng liêng đến thế.
Đằng sau thành công của phim
Bộ phim đã giành nhiều giải thưởng lớn:
Oscar 2006: Đạo diễn xuất sắc nhất, kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất, nhạc phim hay nhất.
Quả cầu vàng 2006: Phim hay nhất (thể loại chính kịch), kịch bản xuất sắc nhất, bài hát chủ đề hay nhất.
LHP Venice 2005: Giải sư tử vàng
Trong lễ trao giải MTV Movie Awards, 2 diễn viên chính đoạt giải “Nụ hôn đẹp nhất”, Jake Gyllenhaal được bình chọn là Diễn viên phụ xuất sắc.
Bộ phim được dàn dựng cùng với nền nhạc của phim là tiếng đàn ghita mang âm hưởng lúc sâu lắng, lúc phóng khoáng và lãng mạn.
Tuy nhiên, nó lại thất bại cho hạng mục phim xuất sắc nhất Oscar 2006, có lẽ bởi tình yêu đồng giới là một chủ đề còn khá nóng và gây nhiều tranh cãi trong xã hội, ngay chính tại xã hội dân chủ như nước Mỹ, chính vì vậy, dù xứng đáng để nhận giải thưởng này, ban giám khảo Oscar cũng phải nghĩ đến giải pháp an toàn là chọn một bộ phim khác (Crash của Paul Haggis).
Bộ phim gây nhiều tranh cãi trong xã hội, không chỉ bởi nó là bộ phim về tình yêu đồng giới, mà trước hết, nó là bộ phim về tình yêu giữa những chàng cao bồi – hình ảnh biểu tượng đầy nam tính của nước Mỹ, người ta lo ngại bộ phim sẽ làm xấu đi hình ảnh đó, điều lạ là ở một số vùng thuộc miền Tây nước Mỹ, vẫn còn mang nặng tư tưởng kỳ thị người đồng tính.
Nhưng cũng có thể nói rằng, bộ phim đã mở ra cái nhìn mới về cuộc sống con người miền Tây nhiều biến động, nhiều trăn trở, và cũng không kém phần dữ dội, một góc khuất của mảng tối nơi vùng đất luôn được mô tả vô cùng lãng mạn, hấp dẫn như trong bất kỳ một cuốn tiểu thuyết nào.
Nói đến thành công của bộ phim, không thể không nhắc đến hai diễn viên trẻ đầy tài năng: Heath Ledger và Jake Gyllenhaal. Họ đã lột tả khá thành công nội tâm nhân vật với sự yếu đuối ẩn dấu bên trong hình ảnh chàng cao bồi miền Tây phóng khoáng và mạnh mẽ, cùng sự dằn vặt cũng như nỗi khát khao về một tình yêu phải giấu kín.
Nhân vật Ennis del Mar do tài năng trẻ Heath Ledger (1979 – 2008) thủ vai, một anh chàng cao bồi rắn rỏi lầm lì, ít nói, tất cả cảm xúc đều thể hiện qua đôi mắt sâu nặng trĩu, Ledger diễn xuất đặc biệt thành công cho vai này, tiếc là anh đã bị Philip Seymour Hoffman đánh bại khi tranh giải Diễn viên chính xuất sắc nhất của Oscar 2006.
Ledger cũng có mối quan hệ kéo dài 2 năm với chính Michelle Williams, người đóng vai Alma vợ anh trong phim, hai người có một cô con gái. Nhưng tháng 1 năm 2008, người hâm mộ điện ảnh đã phải nói lời vĩnh biệt với anh khi người ta phát hiện anh chết trong một căn hộ tại Manhattan do uống thuốc ngủ quá liều, sau khi đóng bộ phim The dark night.
Còn Jack Twist do Jake Gyllenhaal thủ vai, một anh chàng điển trai và quyến rũ sinh năm 1980, người thành công với vai diễn trong phim The day after tomorrow. Đây là đoạn phỏng vấn Jake Gyllenhaal:
“Hồi đó tôi mới 16 tuổi, đề tài này làm tôi lo sợ. Mãi về sau, Lý An ngồi lên chiếc ghế đạo diễn và tôi nghĩ ngay: ồ, chắc phải là cái gì tuyệt vời và rất đặc biệt, đầy tính nhân văn như tất cả các phim của Lý An.
Thế là tôi vớ lấy kịch bản. Đọc ngấu nghiến. Tôi đã tìm thấy câu chuyện tình hay nhất mà tôi từng đọc. Một câu chuyện thật và chân thành, là câu chuyện tình chưa từng được kể trên đời. Và tôi đã nhận lời.” (Tiền Phong)
Một người nữa không thể không nhắc tới là đạo diễn gạo cội Ang Lee tức Lý An, người đã đưa Ngọa hổ tàng long ra với thế giới, ông đã đem tới cho người xem những cảm nhận về cuộc sống nhiều mảng màu, những mối quan hệ phức tạp giữa người với người, khiến người ta phải ngẫm nghĩ và suy tư trong dài lâu. Với những điều đó, ông xứng đáng nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất Oscar 2006.
Còn dưới đây là lời nhận xét về bộ phim của tác giả Brokeback Mountain, Annie Proulx: “Khi tôi đang viết truyện, do suy nghĩ quá nhiều về các nhân vật và tốn quá nhiều thời gian với họ nên họ đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi. Họ trở nên thật như những người đang thật sự tồn tại, đi quanh tôi và hít thở cuộc sống. Phải mất một thời gian tôi mới có thể khiến họ ra khỏi đầu mình để tiếp tục làm việc. Thế rồi tôi xem bộ phim (lần đầu hồi tháng 9-2005), họ lại ùa về. Thật quá sức tưởng tượng, như là “ầm” một cái, thế là họ lại ở bên tôi.” (Associated Press)
Cũng cần phải nói thêm rằng truyện Brokeback Mountain của Annie Proulx đã đạt giải thưởng truyện ngắn O.Henry vào năm 1998.
Có một điều khá thú vị, khi bộ phim công chiếu ở Mỹ, có đến gần 70% khán giả tới rạp là nữ giới!
Brokeback Mountain sẽ còn là đề tài tranh cãi trong nhiều năm nữa, cho đến khi cái gọi là kỳ thị tình yêu đồng giới hoàn toàn được xóa bỏ.
Nhiều người đã nói với tôi thế này: Cái gì đi chệch quy luật của cuộc sống, nó sẽ bị đào thải. Nhưng đánh giá một cách toàn diện, thì xét cho cùng, quy luật của cuộc sống là do chính con người định ra, thì con người cũng có thể phá vỡ một thứ gì đó tồn tại trong nó, để cái phản quy luật, lại trở thành quy luật, tựa như việc Paul Dirac tìm ra phản vật chất trong quan niệm chỉ có vật chất mới tồn tại, có lẽ là thế chăng?
Dẫu sao có thể nói, dù không thuộc giới thứ 3, nhưng với tôi, Brokeback Mountain là một bộ phim không tì vết, và nó đẹp, nó tuyệt vời, nó đầy tính nhân văn như những gì cuộc sống đã dành tặng cho mỗi chúng ta.
***
Bạn cứ yêu đi, và hãy thể hiện tình yêu của bạn, sao phải sợ người ta nói gì cười gì, nhưng nên nhớ, bạn chỉ làm thế khi đối phương của bạn cũng yêu bạn, mà thôi.
Ling – Yume
Tks vì bạn đã thích bài viết này!:))