WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Khi chủ nghĩa thực tiễn phá sản

Phụ Lục 1 :
Quỹ đạo của chó (Nguyễn Gia Kiểng)

Xin bắt đầu bằng một lời đính chính. Cụm từ “quỹ đạo của chó” không phải là một câu xỉ vả mà là tên của một bài toán. Độc giả nào từng học môn cơ học và hình học giải tích chắc đã biết bài toán dí dỏm nhưng hóc búa này.

Sở dĩ tựa đề bài này có thể gây khó chịu – và không biết chừng phẫn nộ – cho một số người là vì chó không được coi trọng trong nấc thang giá trị của người Á Đông. Người ta giận khi bị so sánh với chó. Người ta rủa nhau là “đồ chó má”, quân cẩu trệ”, v.v. làm như chó là tiêu biểu của một cái gì xấu xa, đáng khinh bỉ.

Thực ra chó là người bạn cao quý và thuỷ chung. Chủ của chó cho dù nghèo khổ, chó cũng không bỏ. Tình bạn đã cho, chó không bao giờ lấy lại. Thời Chiến Quốc bên Tàu, Tô Tần lúc chinh phục thiên hạ chưa thành, có lần trở về thân tàn ma dại, vợ con không thèm nhìn mặt, nhưng vẫn được con chó vàng vẫy đuôi mừng đón. Một khi đã thân quen, chó hy sinh và chịu đựng tất cả. Đứa trẻ nổi giận đánh chó, chó chỉ kêu đau và bỏ đi. Chó còn có một khả năng siêu việt mà không giống vật nào có: đó là tình yêu và sự vui tươi. Chủ chó đi xa về, chó chồm tới với một sự vui mừng hồn nhiên và mãnh liệt. Chó vẫy đuôi, quặn người, nhảy nhót, vồ vập… Chó có một trữ lượng yêu thương và lạc quan hình như vô tận. Và vì chó đem đến tình bạn và niềm vui trong một xã hội càng ngày càng máy móc và khô khan nên chó rất được các xã hội văn minh quý trọng.

Tại Pháp có một chương trình châm biếm các chính trị gia trên đài truyền hình được gọi là Bébête Show, trong đó mỗi chính khách có tên tuổi được hiện thân bằng một con vật. Tổng thống Mitterrand là một con ếch, cựu thủ tướng Raymond Barre là một con gấu, tổng bí thư đảng cộng sản Pháp Georges Marchais là một con heo, v.v. Riêng một số nhân vật như cựu tổng thống Giscard d’Estaing, cựu thủ tướng Chirac không được làm con vật mà vẫn phải xuất hiện như những con người. Ông Giscard d’Estaing coi đó là một bất công và ông tỏ ý muốn được thể hiện bằng một con chó nhỏ. Đòi hỏi này khiến nhà sản xuất Collaro bối rối vì nếu chiều ý ông Giscard thì sẽ khiến ông được nhiều thiện cảm quá, và sẽ bị các chính khách khác phản đối là thiên vị. Rốt cuộc không chính khách nào được làm chó cả.

*
Nhưng hãy trở về với bài toán “quỹ đạo của chó”. Không phải ai cũng đã từng học toán ở cấp đại học và vì thế cần trình bày bài toán đó. Thì đây:

Một con chó muốn chụp bắt một đối tượng (một đồ chơi chẳng hạn). Chó nhắm thẳng đối tượng và phóng tới. Nhưng đối tượng không đứng yên một chỗ mà chuyển động trên một quỹ đạo, cho nên chó vừa khởi hành đối tượng đã đổi vị trí, và chó lại phải đổi hướng chạy. Cứ như thế, chó vừa chạy vừa phải thích nghi hướng chạy của mình theo vị trí của đối tượng. Tìm ra quỹ đạo của chó không phải dễ. Ở mỗi thời điểm người ta chỉ biết một điều: đường thẳng nối liền chó với đối tượng là tiếp tuyến của quỹ đạo của chó. Muốn tìm quỹ đạo của chó phải dùng một phương trình tiếp tuyến phức tạp và phải vận dụng nhiều định lý của cơ học và hình học giải tích.

Trong trường hợp đơn giản nhất là đối tượng chuyển động trên một đường thẳng với một vận tốc cố định và chó cũng chạy với một vận tốc không thay đổi, quỹ đạo của chó cũng đã là một đường cong rất cầu kỳ. Nếu ta lại giả thử đối tượng di chuyển trên một đường không thẳng, với vận tốc thay đổi và chó cũng chạy với một vận tốc biến thiên theo thời gian thì ngay cả những nhà toán học thượng thặng nhất về môn cơ học cũng phải điên đầu mà chưa chắc đã tìm ra phương trình cho đường biểu diễn cho quỹ đạo của chó.

*
Kết quả của bài toán trên là mặc dầu chó lúc nào cũng muốn chạy thẳng tới đối tượng và muốn chụp bắt đối tượng một cách nhanh chóng nhất nhưng trên thực tế chó đã chạy trên một quỹ đạo rất phức tạp và rất dài. Vô tình chó đã cho chúng ta một bài học: con đường có vẻ tự nhiên nhất thực ra không phải là con đường đơn giản hhất. Giải pháp có vẻ ngắn nhất thực ra làm tốn rất nhiều thì giở và sức lực.

Sai lầm cơ bản của anh bạn chó của chúng ta là đã không biết tiên liệu. Nếu bạn ta thay vì cắm đầu cắm cổ chạy theo đối tượng, biết suy nghĩ, chấp nhận hành động phức tạp hơn một chút thì có lẽ công việc của anh ta sẽ giản dị và dễ dàng hơn nhiều. Thay vì chạy theo đối tượng, bạn chó của chúng ta đáng lẽ đã phải chạy tới một điểm trên quỹ đạo của đối tượng và đợi để chụp bắt đối tượng ở đó.

Trình bày như trên có thể khiến nhiều người chê chó là “ngu như chó”. Nói như vậy là quên rằng quỹ đạo của chó là hậu quả của khả năng thích nghi phi thường của chó. Ở mỗi thời điểm chó nắm rõ vị trí của đối tượng và uyển chuyển tức khắc lộ trình của mình để đạt mục đích. Chó không nguỵ biện, tự ái, và cũng không lưỡng lự. Chó biết phục thiện và rất thực tế. Chỉ tiếc rằng chó đã hành động thuần tuý theo trực giác và bản năng thay vì theo lý luận.

Chó là con vật thông minh nhất và có nhiều nhạy cảm giống như người nên vì thế mà nhiều khi phản ứng của chó cũng giống phản ứng của người.

Hãy lấy thử trường hợp của chính trị Việt Nam

Đảng cộng sản mải miết chạy theo lý tưởng Mác-Lênin mà không nhận ra sự chuyển động của nó, vì thế họ đã bị dẫn tới những chặng đường không ngờ trên một quỹ đạo rất phức tạp. Thực ra phải nói là một quỹ đạo đẫm máu. Từ một lý tưởng quảng đại và vị tha lúc ban đầu, các chế độ cộng sản với thời gian đã hoá thân thành những bạo quyền khủng bố, rồi phải sống chung hoà bình với phương Tây, phải thoả hiệp trong chính sách nội bộ với quyền tư hữu, rồi co cụm lại trong những biên giới quốc gia đóng kín, cuối cùng trở thành những chế độ phát-xít mà không biết. Dầu vậy, Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn hăm hở chạy theo. Lộ trình của họ giống hệt như quỹ đạo của chó.

Nhưng họ lại thua chó ở khả năng thích nghi, cho nên cuối cùng khi các chế độ cộng sản chuyển động mạnh để tự khai tử trong hoà bình, họ đã thác loạn và vẫn cắm đầu chạy tiếp theo đường xưa lối cũ, mặc dầu đường xưa đã sập, lối cũ đã bít. Lần này quỹ đạo của họ không còn là quỹ đạo của chó nữa mà quỹ đạo rối loạn của con nai vàng ngơ ngác, hốt hoảng trong cơn bão rừng không biết chạy về đâu.

Bài này không có ý định mạt sát người cộng sản. Nó chỉ nói lên một sự bi đát và sự bi đát này những người chống cộng cũng chia sẻ. Chống cộng đã chỉ là một chính sách giai đoạn của các cường quốc phương Tây. Nó chưa bao giờ là một lý tưởng. Nhưng nhiều người Việt Nam đã lấy nó làm lý tưởng để rồi cũng phải chật vật với những thay đổi chính sách của quan thầy và bị dẫn dắt từ thất vọng này đến thất vọng khác. Chống Hiệp định Genève rồi sau đó lại phải đòi tôn trọng Hiệp định Genève mà không được. Chống Hiệp định Paris rồi cũng phải ký, rồi lại cố đòi tôn trọng Hiệp định Paris mà cũng không được. Dàn cảnh kháng chiến võ trang, ồn ào kêu gọi lập chiến khu để rồi phải biện bạch rằng lúc đó vì… nhưng ngày nay vì…

Thực đáng buồn, nhưng phải nhìn nhận rằng thiếu tiên liệu luôn luôn là một hằng số của chính trị Việt Nam.

Năm 1945, đã phải tiên liệu rằng chủ nghĩa thực dân sắp cáo chung và độc lập dân tộc là điều chắc chắn sẽ có. Vấn đề lúc đó chỉ là tranh đấu để sớm có độc lập để sớm bắt đầu xây dựng, và nếu hiểu như thế thì không thể có vấn đề hy sinh tất cả cho kháng chiến giành độc lập.

Năm 1954, đã phải nhận định là đất nước đã quá kiệt quệ và mệt mỏi để có thể chịu đựng một cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Năm 1975, thay vì nhìn thấy sự phá sản đã rõ rệt của chủ nghĩa cộng sản và chuyển hướng – vì lúc đó có rất nhiều điều kiện tốt để chuyển hướng – đảng cộng sản lại huênh hoang đi vào ngõ cụt. Họ đánh chiếm Kampuchea để rồi phải rút quân sau khi trả giá rất đắt. Họ khiêu khích với Trung Quốc để rồi phải quỵ luỵ cầu hoà.

Năm 1991, bầu trời xã hội chủ nghĩa đã sập trên đầu họ, nhưng họ vẫn chưa hiểu rằng chỉ còn một việc phải làm là tự tổ chức lấy sự cáo chung của chế độ trong êm thấm.

Những người lãnh đạo cộng sản không phải là tồi. Trái lại họ rất xuất chúng. Họ có bản năng mạnh. Họ cũng có thừa thông minh và đảm lược. Nhưng họ thiếu văn hoá để cứ chạy theo một thực tại không bao giờ ngừng chuyển động.

Trước mặt họ, rất nhiều người quốc gia nhiều năm sau 1975 vẫn không thấy được là chế độ cộng sản chắc chắn sẽ bị đào thải và tương lai dân chủ đa nguyên là một bắt buộc. Thay vì lạc quan, họ đã lấy tuyệt vọng làm tinh thần chỉ đạo và đã chỉ biết phản ứng thay vì hành động. Thay vì đứng dậy khởi hành về tương lai, họ đã tự cột chân vào nghĩa trang để làm người giữ mồ cho chế độ Việt Nam Cộng Hoà.

*
Ngày nay dù chúng ta đã được thời cuộc soi sáng rất nhiều, nhưng chúng ta vẫn còn có nguy cơ rơi vào một thảm kịch khác nếu không biết tiên liệu để đi trước biến cố thay vì chạy theo biến cố.

Chế độ cộng sản đã chết, ngay cả tại Việt Nam. Trước mắt chúng ta chỉ còn một chế độ độc tài thối nát, như mọi chế độ độc tài thối nát khác. Nhưng hết cộng sản không phải là hết vấn đề. Bộ máy chính trị của đảng cộng sản đã quá yếu để có thể kiểm soát được một quân lực quá đồ sộ. Chúng ta thiếu thực phẩm nhưng lại có quá nhiều súng đạn. Đất nước Việt Nam đã chín muồi cho một cuộc đảo chánh, dọn đường cho một chế độ quân phiệt. Chế độ này sẽ tuyên bố từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, nhưng sẽ chẳng thay đổi gì hết. Nó sẽ chỉ đem lại một tình trạng hỗn loạn chính thức. Nó sẽ cấu kết với các tập đoàn quân phiệt địa phương Thái Lan, Miến Điện, Trung Quốc để kéo dài. Lúc đó chúng ta sẽ ăn nói làm sao? Lập trường của đối lập Việt Nam vẫn là chống cộng?

Trong trung hạn, 5 năm hay 10 năm, điều rất có thể xảy ra là Việt Nam sẽ là một nước trong đó các chủ nhân và ban lãnh đạo xí nghiệp là người Trung Hoa, người Nhật, người Thái, người Đại Hàn, người Pháp v.v., còn công nhân là người Việt Nam. Tệ hơn nữa còn là một đất nước đầy rẫy khách sạn và vũ trường trong đó chủ nhân và khách hàng là người nước ngoài, còn bồi bàn và vũ nữ là người Việt Nam. Ai chấp nhận cho Việt Nam tương lai này? Nhưng đó là điều sẽ đến nếu kẻ cầm quyền vẫn tiếp tục thái độ “được làm vua” và đối lập vẫn tiếp tục tâm lý “thua làm giặc”.

Chúng ta hơn thua nhau để làm gì nếu đất nước chúng ta thua kém thế giới? Lúc đó cái hơn chẳng qua chỉ là cái hơn của người bồi chính và người bồi phụ. Chúng ta sẽ chỉ có tương lai xứng đáng nếu biết nhìn nhau là anh em và bắt tay nhau, dìu dắt nhau xây dựng một tương lai chung. Hoà giải và hoà hợp dân tộc là một bắt buộc. Hoà giải để động viên mọi khát vọng dân chủ trong cố gắng dứt điểm bạo quyền. Hoà hợp để cùng nhau thoát hiểm, tránh cho đất nước khỏi bị gạch tên trong danh sách những dân tộc có thể nói đến hạnh phúc và danh dự.

Mỗi người chúng ta chắc chắn sẽ phải hy sinh nhiều tự ái và nhiều uất ức chính đáng. Nhưng nếu không chúng ta sẽ mất tất cả.

*
Tiên liệu là yếu tố cốt lõi của chính trị. Cái khó là tiên liệu không phải là một phản ứng tự nhiên. Nó không có sẵn trong bản năng mà, trái lại, đòi hỏi vượt lên trên bản năng và vận dụng trí tuệ để vừa nhìn rõ thực tại vừa nhận ra hướng đi và điểm tới của thực tại.

Tiên liệu chính xác chỉ có trong khoa học chính xác. Trong vận hành của xã hội hầu hết mọi tiên liệu đều sai nếu không được liên tục điều chỉnh. Dự đoán của chúng ta cho năm 2000 vào tháng 12 năm 1991 này sẽ không còn là dự đoán của chúng ta cho năm 2000 vào tháng 6 năm 1992. Nhưng chúng ta vẫn phải tiên liệu. Bởi vì nếu không có tiên liệu thì không thể có chính trị. Chúng ta cũng chỉ có thể đoàn kết với nhau nếu cùng theo đuổi một dự án, dựa trên một dự đoán tương lai.

Nhà khoa học không gian không bắn được phi thuyền lên mặt trăng nếu chỉ nhắm mặt trăng mà bắn, trái lại phải bắn phi thuyền tới một điểm mà mặt trăng sẽ tới. Trong chính trị cũng thế. Làm chính trị là hò hẹn với tương lai chứ không phải là chạy theo một hiện tại không ngừng thay đổi.

©Nguyễn Gia Kiểng

Pages: 1 2

2 Phản hồi cho “Khi chủ nghĩa thực tiễn phá sản”

  1. vu.mai48 says:

    Việt Nam có quá nhiều người tài ,có trình độ trí thức không thua gì trên thế giới,nhưng giửa nói và làm tuy gần mà rất xa khi áp dụng .Lảnh đạo ĐCSVN nói lý thuyết rất hay ,đa số nhân dân đều nghe theo ,nhưng khi áp dụng thật hết chổ chê ,rất trái ngược lại nhửng gì mà các cán bộ lảnh đạo nói .Bài trừ tham nhủng nhưng lai bao che tham nhủng ,đem lại công bằng xả hội nhưng rất bất công với người dân đen ,bảo vệ tài sản người dân nhưng cán bộ lại có dả tâm chiếm đoạt ..v v và v v…Phước đức cho dân Việt nếu người tài giỏi làm chính trị có đức độ.vì nhân dân mà quên thân mình,không tư lợi vì thân nhân gia đình .

  2. NON NGÀN says:

    KHI CHỦ NGHĨA KHOA HỌC TIẾN LÊN

    Bài viết của ông Nguyễn Gia Kiểng trên đây từ Paris là bài viết hiện nay của ông tuyên bố chủ nghĩa thực tiển phá sản. Tác giả nêu ra ba thứ chủ nghĩa và nhấn mạnh không thể lầm lẫn giữa chúng : “Không nên lẫn lộn chủ nghĩa thực tiễn (realism) tiễn với chủ nghĩa phúc lợi (utilitarialism), một phương thức đánh giá hành động, đặc biệt là hành động chính trị, theo tiêu chuẩn hành động đúng là hành động đem lại phúc lợi tối đa cho thật nhiều người. Hay với chủ nghĩa thực dụng (pragmatism), một phương pháp đánh giá các lý thuyết, theo đó một lý thuyết chỉ đáng để ta quan tâm và học hỏi nếu sự kiện nó đúng hay sai và có ảnh hưởng cụ thể trong đời sống”. Để cuối cùng ông kết luận: “Chủ nghĩa thực tiễn có thể tóm lược như một chọn lựa chính trị dành cho quyền lợi chỗ đứng trước hết và trên hết, nghĩa là mỗi khi có mâu thuẫn giữa quyền lợi và các giá trị đạo đức thì quyền lợi phải được dành ưu tiên”.
    Thật ra quan điểm của ông Nguyễn Gia Kiểng vẫn còn chưa thoát ra hay vẫn lưu luyên hoặc luẩn quẩn trong vòng các ý niệm “chủ nghĩa” (ísme, ísm, ismus). Thật sự chủ nghĩa chỉ là thứ quan niệm, thứ lý thuyết nào đó, nó có thể là chủ quan, riêng biệt, hạn hẹp, đặc thù hay không đầy đủ. Trong cả thế kỷ trước, ý tưởng cửa miệng của mọi người, nhất là chủ giới chính trị hay liên quan đến chính trị vẫn thường vung vít “chủ nghĩa Mác Lênin” và “chủ nghĩa tư bản” hay “chủ nghĩa đế quốc”. Bây giờ thế giới đã chỉnh đốn lại, các sự phân lập cũ đã đổi thay, nhiều việc đời đã biến khác, các thái độ gọi là “chủ nghĩa” của cả một thời gấu ó điên khùng, rỗng tuếch, giả tạo, cường điệu và mập mờ như thế đã đi vào dĩ vãng. Bây giờ người ta chỉ nói đến các ý niệm toàn cầu, ý niệm hội nhập … Cho nên dường như ông Kiểng hãy còn nặng nợ với “chủ nghĩa” là điều dường như vẫn còn mây khói. Ông phê phán và kết luận chủ nghĩa thực tiển trong chính trị chỉ nhấn mạnh mặt quyền lợi thực tế mà quên các ý nghĩa và yêu cầu đạo đức.
    Thật ra các cái realism, utilitarialism, pragmatism đều là quan niệm của Anh, Mỹ cả. Chỉ có các cái marxism, Leninism, hay gộp cả hai lại Marx-Leninism mới thật sự chống Anh, Mỹ. Từ đó người ta cũng bảo “ý thức hệ” (ideology) cộng sản chống lại ý thức hệ tư bản. Thuật ngữ ideologie thật ra lần đầu tiên đã được Mác sử dụng theo cách võ đoán nhất. Cái ông cho được xây dựng trên hạ tầng cơ sở xã hội đó là ý thức hệ. Cái cơ chế này hãy còn rất mơ hồ, mù mờ, nhưng Mác lại khẳng định chủ quan như đinh đóng cột đó là chân lý duy nhất đúng, khách quan và toàn diện bậc nhất. Cái này cho đến nay khoa học xã hội chưa chứng minh rạch ròi và cả Mác nói rất vi vút nhưng thực tế cũng chưa chứng minh ra ngô ra khoai gì cả, hay lý thuyết đưa ra vẫn chỉ là giả định mà hoàn toàn chưa thuyết phục.
    Thế thì trở về vấn đề, mọi cái -ísm (chủ nghĩa, lý thuyết) ngoài tính cách chủ quan, biệt phái của nó ra, cũng còn tùy theo năng lực hay trình độ nhận thức. Nếu chủ nghĩa mà chỉ máy móc, thụ động đi theo, nghe theo, tin theo người khác kiểu cá mè một lứa, nhân giống vô sinh thì thực chất cũng chẳng có ý nghĩa, giá trị hay tính cách gì cả.
    Cho nên, theo tôi không có “chủ nghĩa” nào bằng “chủ nghĩa khoa học” đích thực thật sự. Chủ nghĩa khoa học có nghĩa là duy khoa học, lấy khoa học làm chuẩn mực, tiêu chí hay tiêu chuẩn. Nói như thế “chủ nghĩa khoa học” cũng chỉ còn lại là ý nghĩa khách quan, giá trị khách quan, yêu cầu khách quan mà không còn là thữ “chủ nghĩa” đặc thù nào hết. Bởi mọi thứ chủ nghĩa mà đi ra ngoài ý nghĩa và giá trị khoa học thì chỉ có vứt đi, như chủ nghĩa Mác chẳng hạn. Mác tự xưng minh là khoa học, nhưng thực chất là phi khoa học. Còn nếu khoa học mà lại đóng khung trong chủ nghĩa, nô lệ chủ nghĩa, cũng không còn là khoa học, hay chỉ phản và phi khoa học.
    Nói khác đi cái mà ông Nguyễn Gia Kiểng cho là chủ nghĩa “thực tiển” (realism) thì theo ông chỉ mang ý nghĩa hay nội hàm về chính trị. Đúng ra realism chỉ là quan điểm hiện thực hay thực tế nói chung. Nó bao quát trong triết học và khoa học mà không cữ chỉ trong triết học. Hình như ở đây ông Kiểng vô hình chung có đánh đồng ý nghĩa hiện thực với ý nghĩa cá nhân hay ích kỷ (individualism, egoism). Thật sự realism là quan điểm chung tôn trọng và đề cao thực tại hay thực tế khách quan, còn vị tha hay vị kỷ lại là chuyện khác. Nói như thế, nếu phá sản chỉ có thể là quan điểm thiển cận, quan điểm vị kỷ, quan điểm cá nhân, quan điểm ích kỷ có thể luôn bị phá sản, nhưng không bao giờ chủ nghĩa hay quan điểm hiện thực là phá sản cả. Cụ thể hơn, quan điểm hiện thực luôn luôn đồng nhất với ý nghĩa khoa học hay quan điểm khoa học. Vì scientifique cũng không thể trái lại resalist hoặc ngược lại. Chính sự thất bại của chủ nghĩa Mác trong thực tế xã hội vì nó không sicentifique mà không phải nó là realist như quan điểm ông Nguyễn Gia Kiểng hình như muốn bày tỏ.
    Cho nên tóm lại cái cá nhân chủ nghĩa, ích kỳ chủ nghĩa, cho dầu nó thuộc về cá nhân, đảng phái nào đó, phạm vi xã hội nào đó, thực thể nào đó đều nhất thiết phải phá sản không chóng thì muộn trên con đường đi lên phát triển của xã hội, của nhân loại, mà không phải là realism, utilitarialism, pragmatism gì cả. Bởi vì cái real, cái util, cái pragma ở đây tự nó không hề mang tính chất vị tha hay vị kỷ gì hết. Nó chỉ có thể đúng theo khoa học hay không đúng theo khoa học tùy theo điều kiện, tình huống, hay hoàn cảnh nào đó thôi, tùy theo ý hướng của năng lực cá nhân chủ trương nó.
    Vậy nên theo tôi, chỉ có con đường khoa học khách quan về kinh tế, về xã hội, về đời sống, về phát triển ngày nay mới là con đường thực tiển và đúng đắn nhất. Con đường gọi là ý thức hệ dầu cho nó tự mệnh danh là xã hội chủ nghĩa, nếu phi khoa học và phản khoa học, thì thực chất cũng chỉ là phi xã hội, trở nên cá nhân chủ nghĩa, và chính nó mới phải bị phá sản hay thất bại.

    VÕ HƯNG THANH
    (20/01/12)

Phản hồi