WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Nghĩ về một cuộc bầu cử

Tôi đã trở thành công dân nước “Đại Pháp” từ ba mươi năm qua. Với tư cách công dân tôi đã nhiều lần sử dụng quyền bầu phiếu để chọn người lãnh đạo quốc gia. Trong từng ấy thời gian tôi đã từ chối không bầu ông Mitterand một lần, nửa muốn nửa không với ông Chirac hai lần và cũng không hăng hái chọn ông Sarkozy. Những lý do khiến tôi cứ lửng lơ con cá vàng như vậy là bởi không tìm thấy một chính trị gia nào có thể hoàn toàn tin cậy, ít ra là ở một khía cạnh nào đó trong địa vị và trách nhiệm mà họ nhằm tới. Có lẽ hơi tương tự tâm trạng của người đàn ông khi gặp một người đàn bà mà cơ hội đang mở ra giúp anh ta “tiếp cận”–sau những cuộc nói chuyện gọi là tâm tình, sau những đụng chạm chà xát mà đối phương cho phép trong một giới hạn nào đó…–khi đã về nhà một mình ngồi ôn lại, anh ta phân vân không biết có nên tiến thêm không, có nên đặt hết niềm tin yêu vào người con gái ấy không, để cuối cùng đi đến quyết định khênh nàng về dinh.

Tuy lá phiếu của bạn so với con số triệu triệu cử tri khác thì chẳng nhằm nhò vào đâu, nhưng nếu lỡ ra ứng cử viên bạn chọn bỗng lọt vào chung kết thì bạn sẽ mang cảm giác là mình có chút trách nhiệm chứ. Bạn sẽ hồi hộp chờ đợi những hành động ngoạn mục ích nước lợi dân, sẽ phấn khích khi hắn làm nên chuyện, sẽ thất vọng khi nhận ra hắn vấp váp và cuối cùng đau đớn khi thấy hắn chẳng ra gì, lẽ ra không nên cho hắn lá phiếu của bạn hồi nọ. Cũng nên thêm rằng trong lãnh vực này tôi là đứa tương đối lý tưởng, tôi không nghĩ đến quyền lợi riêng mình đâu mà là quyền lợi quốc gia trước nhất, nói cách khác, quyền lợi của đám đông. Không biết vì đâu mà tôi “lý tưởng” cỡ đó ; có lẽ do tâm trạng thất vọng ngàn đời vì đã từng làm công dân của nước Việt-Nam, từ Việt-Nam Dân chủ Cộng hòa sang Việt-Nam Cộng hòa rồi sang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa… Bạn cũng sẽ nhìn ra tôi gần tay phải hay tay trái trong chính kiến cũng bởi chuỗi kinh nghiệm đau đớn ở xã hội Vìệt Nam nơi tôi sống quá nửa đời người, nhưng trong thâm tâm, nếu xét kỹ thì tôi khuynh tả hơn là khuynh hữu chỉ vì yêu tự do, công bằng và dân chủ. Ngày nay hẳn mọi kẻ có suy nghĩ, ít hay nhiều đều thiên tả ; nhưng cũng ngày nay, hầu như không còn sự phân định rõ ràng tả hữu nữa –trong tả có chút hữu và trong hữu không hoàn toàn “phản động” theo cách nhìn của những người cộng sản còn sống sót tới  giờ. Ở một xã hội dân chủ và tự do, kẻ đứng đầu nhà nước chỉ có một tiêu chuẩn chọn lựa là ích quốc lợi dân dù có thể họ nhầm lẫn trong cách thế hành động. Tuy nhiên, cũng tùy nơi tâm tính và khả năng cá nhân đó nữa. Jacques Chirac rất được lòng đám đông, cả tả lẫn hữu, mặc dù xét qua 12 năm (7 năm nhiệm kỳ một và 5 năm nhiệm kỳ hai) nắm quyền ông chẳng làm nên trò trống gì. Mitterand mang tiếng là đại diện tả phái nhưng trong 14 năm cầm quyền ông đã hành động như một kẻ hữu khuynh một phần vì quyền lợi quốc gia (giải thể một số xí nghiệp quốc hữu hóa) mà phần khác vì quyền lợi của phe nhóm (ảnh hưởng của đảng CS Pháp vì ông mà sau đó gần như triệt tiêu mặc dù họ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa ông vào chức vụ tổng thống qua tổ chức có tên “liên minh tả phái”). Sarkozy, mặc cho những tấn công lẫn khinh nhờn, đã có những quyết định và hành động đáng kể (đối ngoại, đã liều lĩnh đi đầu trong cuộc chiến giúp phe nổi loạn Lybie, đưa đến việc lật đổ Kadhafi ; đối nội, đã có những hành động hữu ích trong việc ngăn chận sụp đổ kinh tế của Pháp trong thời gian khủng hoảng tài chính và ngân hàng). Nhưng nếu cứ phải chờ tới ngày mãn nhiệm mới đánh giá được thì làm thế nào để chọn lựa đây? Hơn nữa còn tùy vào hoàn cảnh, mỗi người có lối hành động khác nhau. Sarkozy là mẫu người hoạt động, càng rắc rối thì ông càng tỏ ra có bản lĩnh ; chưa chắc trong ổn định ông đã tỏ ra xuất sắc. Bên cạnh đó, cũng tựa trường hợp Obama, Sarkozy nắm quyền khi những cuộc khủng hoảng tài chính và ngân hàng đổ ập lên đầu, một  lý do để phe chống đối đổ tội cho ông. Đó là chưa kể vô số khuyết điểm nơi Sarkozy đã khiến người dân không còn nhận ra điểm son nào nơi ông hết.

Những điều tôi viết trên đây chưa phải là điều tôi nhắm đến. Chỉ tại phải điểm sơ qua về những gì đã xảy ra để được phép đề cập tới chuyện hôm nay. Chuyện hôm nay là thời kỳ vận động bầu cử. Hiện trong cuộc đua nước rút chỉ còn bốn khuôn mặt đáng kể. Về phía hữu, các ứng viên nhỏ dần dần rút lui để chỉ còn lại hai khuôn mặt : Sarkozy cho phe hữu ôn hòa và bà Marine Le Pen đại diện phái cực hữu. Thường khi tình hình không ổn thì cử tri có khuynh hướng nghiêng về thái độ quá khích. Nỗi đa đoan số một của Pháp hiện nay là nạn thất nghiệp và suy yếu kinh tế.  Thật ra cái này là hệ quả của cái kia. Thất nghiệp kéo theo việc mãi lực tụt thang, đời sống vật chất suy giảm ; thiếu thốn vật chất ấy khiến người dân tìm cách vượt thoát ; không vượt thoát nổi thì sinh bất mãn nên phải tìm cách phân tích nọc độc: chính quyền bất lực, xã hội thiếu công bằng, an ninh bị đe dọa, tệ nạn phát sinh do chỗ người nhiều việc ít; nhưng người ở đâu mà nhiều nếu không phải là thành phần di cư? Tệ nạn khi đã phát sinh đếm kỹ thì tỷ lệ tội phạm nơi đám di dân chiếm số cao. Như vậy uy quyền quốc gia bị hạ thấp, luật lệ bị coi thường cũng lại do thành phần xấu ấy thôi. Lập luận của Bà Le Pen nhờ vậy nghe ra rất hợp lý, tỷ số phiếu bà chiếm có thể từ 17- 20% tính trên tổng số cử tri. Điều này mang đến việc chia phiếu cùa thành phần cử tri thiên hữu, mối đe dọa nghiêm trọng cho Sarkozy. Bên phe tả ông Hollande là đại diện chính, cạnh đó có nhóm bảo vệ môi sinh đứng đầu là bà Joly, rồi đến phe cực tả do ông Mélenchon lãnh đạo, nhưng theo kết quả dọ dẫm thì hai người này không chiếm được tỷ số phiếu bầu đáng kể. Ngoài ra còn phong trào dân chủ của ông Bayrou, có mác trung dung, ông này khi chênh hữu khi chênh tả tùy quan điểm và tùy cả khuynh hướng chung của quần chúng cử tri. Sau cuộc chạy đua vận động đợt đầu người ta đã nhìn thấy một số khuôn mặt có khả năng qui tụ số phiếu đáng kể, số còn lại nên bỏ qua. Họ gồm bốn người; phe hữu có Sarkozy và bà Le Pen, phe tả có Hollande và phe trung dung có Bayrou. Tất cả họ mỗi người sẽ chiếm tỷ lệ phiếu từ trên 10% lên đến xấp xỉ 30% trong kỳ bầu lần thứ nhất. Như vậy, chỉ cần nhìn qua ta đã thấy cái chông chênh của Sarkozy, bị đe dọa mất phần phiếu của nhóm cực đoan dành cho bà Le Pen và một ít dành cho Bayrou (ông này cũng có thể chiếm đi một ít phiếu lẽ ra của Hollande). Hiện bà Le Pen chưa có đủ 500 chữ ký của các vị dân cử cấp tỉnh và quận hạt, điều kiện cần hội đủ để chính thức trở thành ứng cử viên tổng thống. Có một kẻ có thể làm việc đó là Sarkozy nếu ông chịu ra lệnh ngầm cho các vị dân cử thuộc đảng ông ký vào đơn ứng cử của bà Le Pen. Vấn đề là có nên làm hay không. Giả thiết 1: bà Le Pen được chính thức là ứng cử viên vào tranh cử kỳ bầu lần đầu, số phiếu bà chiếm có thể khiến Sarkozy mất đi một phần phiếu nhưng đó chỉ là kỳ bầu lần đầu. Mặt khác, sự có mặt của bà Le Pen sẽ ngăn chận số phiếu của những kẻ bất mãn, nếu không họ sẽ dồn cho Bayrou, điều này sẽ khiến Bayrou có thể có số phiếu lớn bất ngờ, hất chân được một trong hai ứng cử viên của hai đảng lớn là Sarkozy hoặc Hollande để vào tranh cử kỳ sau như trường hợp Le Pen bố vào tranh cùng Chirac năm 2002 đẩy cử tri Jospin của đảng Xã hội là đảng lớn, ra rìa. Hơn nữa, nhân danh một chế độ dân chủ, người ta không thể để cho một ứng cử viên có số phiếu từ 15-20% bị loại chỉ vì không hội đủ điều kiện làm ứng cử viên. Giả thiết 2: Từ chối giúp đỡ bà Le Pen, như vậy bà không là ứng cử viên, cuộc chạy nước rút chỉ còn lại ba đấu thủ, Sarkozy, Hollande và Bayrou. Muốn thế phải thay đổi nội dung vận động để kiếm số phiếu “mồ côi” của đám cử tri Le Pen, tức phải tỏ ra hữu khuynh hơn nhằm vào các chủ đề khiến họ bất mãn, đặc biệt là an ninh và di dân. Và mặt khác phải chuẩn bị lý luận để giảm uy thế Bayrou. Phần Hollande phe tả có chiều vững vàng hơn vì các ứng viên kia hẳn sẽ không gây ảnh hưởng lớn đối với ông: bà Joly càng ngày càng chìm, ông Mélenchon tuy có tài hoạt bát nhưng cánh cực tả của ông không có hậu thuẫn lớn.
Chỉ còn hơn sáu mươi ngày kể từ nay cho đến kỳ bầu lần thứ nhất (nhất định là phải qua hai kỳ chọn lựa vì chắc chắn là không ứng cử viên nào có thể chiếm được tỷ lệ phiếu quá bán) nên không khí vận động trở nên căng thẳng. Ngày nay phương tiện truyền thông khá phong phú, người ta đã cố gắng tận dụng chúng. Những bộ mặt có khả năng níu kéo được quần chúng đã ra mặt lựa chọn đi với phe này hoặc phe nọ: tài tử chiếu bóng, nghệ sĩ trình diễn, lực sĩ thể thao… được mời lên khán đài đứng chung bá vai bá cổ ứng cử viên có khi chẳng phải vì chính kiến mà vì một hứa hẹn chiều đãi nào đó nếu ứng cử viên thắng cuộc. Phần ứng cử viên là mài giũa giọng điệu sao để thuyết phục cử tọa, càng nhiều càng tốt. Để chứng tỏ tính chất dân chủ, những cơ quan trách nhiệm nghiên cứu phân chia thời lượng cho mỗi cử tri ra mắt trên truyền hình và truyền thanh. Song song với việc đó, mỗi ứng cử viên cho xuất bản những cuốn sách trình bày đường lối hành động sẽ có của mình và tấn công các nhược điểm của đối thủ. Ở lãnh vực này vai trò nhà văn đâm ra cần kíp. Có loại cây bút nghề nghiệp chuyên lo viết diễn văn cho ứng cử viên; có loại “văn nhân nô bộc” nhận viết thuê nguyên cuốn sách tuyên truyền trong trường hợp ứng cử viên không đủ khả năng viết lách, và cuối cùng là những nhà văn tự nhận thấy mình có thiện cảm với phe nào cũng đứng ra viết bài đăng báo ủng hộ gà nhà. Loại sau cùng này chắc chắn sẽ gây nhiều tác động đáng kể.

Trên tuần báo Le Point, ta thấy có bài của nhà văn Yann Moix phác họa chân dung ứng viên Bayrou. Trường hợp Bayrou thông thường là chiếm được một số phiếu nhỏ hơn phiếu của hai ứng cử viên sẽ vào chung kết kỳ bầu lần thứ hai. Tuy nhiên cũng khó lường nếu quần chúng thấy rằng đường lối của hai kẻ kia xét ra vẫn có nhiều điểm tương đồng không hứa hẹn cải cách đáng kể ; họ có thể,  ở phút cuối, dồn phiếu cho ông, điều mà các nhà chính trị học đặt tên là lá phiếu phản kháng, cho phép ông hất cẳng một trong hai nhân vật lớn kia, tình trạng mà ta quen gọi là ngựa về ngược. Tôi nghĩ nhà văn Yann Moix cũng có những suy nghĩ tương tự khi ông viết bài bày tỏ thiện cảm với Bayrou mà không mang nét hô hào, vận động ; trái lại ông giới thiệu chân dung Bayrou như hình ảnh của loại “người hiền”, những nhà chính trị lý tưởng theo quan niệm Đông phương. Bayrou của Yann Moix xem phương tiện quan trọng hơn cứu cánh, coi con đường chọn lựa còn quan trọng hơn đích đến kiểu như nhà cách mạng Nguyễn Thái Học cho rằng nếu không thành công thì cũng thành nhân! Chúng ta đã vượt quá mười năm của thế kỷ XXI trong khi chính khách Bayrou muốn làm ông Khổng tử để lãnh đạo nước Pháp càng ngày càng tụt dốc!

Bên láng giềng, nhà văn (nữ) Christine Angot ca tụng và tin tưởng vào khả năng Hollande. Bà được mời vào ngồi cùng xe với ứng cử viên, quan sát ông ta và quả quyết rằng ông ta “ngon” hơn Sarkozy nhiều. Mọi điều hơn được xây trên mặc cảm tự tôn của phe tả Pháp như một truyền thống bắt nguồn từ nhiều đời. Tả là văn hóa, tả là trí tuệ.

Chưa thấy cây bút nào bênh vực Sarkozy bằng một bài văn tương tự.

Đọc những bài viết xong, tôi ngỏ ý với nhà tôi rằng có thể chúng có tác động lớn trong quần chúng, nhà tôi cười phản pháo : “bộ anh tưởng ai cũng đọc báo như anh sao? Quần chúng bình dân họ chỉ nhận diện những ca sĩ mà họ say mê, những anh hề chọc họ cười chảy nước mắt nên ứng cử viên nào qui tụ được nhiều nghệ sĩ như vậy bên cạnh, trên diễn đàn, thì ứng cử viên ấy sẽ thu được nhiều phiếu đấy”

Không chừng nhà tôi có lý hơn.

© Đặng Đình Túy

© Đàn Chim Việt

 

 

Phản hồi