WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Bệnh tật và cái chết của 4 văn nhân: Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Tường Tam[2]

 

Tiếp theo phần I

 

LTS: Tài liệu này là luận án tiến sĩ của bác sĩ y khoa Mạc Văn Phước làm tại Sài Gòn năm 1968. Đó là những khảo cứu nghiêm túc dưới góc độ y học liên quan tới cái chết của 4 nhân văn.

Tài liệu sau đó được thâu tóm lại thành một tiểu luận phổ thông và kèm theo những phụ chú mang tính cập nhật. Việc hiệu đính, phổ biến tài liệu này do chính tác giả- bác sĩ Mạc Văn Phước- khởi xướng, và người bạn tâm giao của ông là bác sĩ Đặng Ngọc Thuận thực hiện. Cả 2 cùng cư ngụ và hành nghề tại Montreal, Quebec, Canada.

Tập tài liệu được một cư dân khác ở Canada – tác giả Nguyễn Văn Lục- gửi đăng với mục đích mở đường cho loạt bài nghiên cứu sắp tới đây của ông trên trang nhà.

————————————
PHẠM QUỲNH (1890 – 1945)

I – Thân thế:

Sinh năm 1890 lại quê nhà ở làng Thượng Hồng tỉnh Hải Dương, cuộc đời Phạm Quỳnh có thể chia làm hai phần: một giai đoạn viết báo và một giai đoạn làm chính trị:

1) – Giai đoạn viết báo:

Khởi đầu Phạm Quỳnh cộng tác với Đông Dương Tạp Chí của Nguyễn Văn Vĩnh từ năm 1913 nhưng năm 1917 ông đứng riêng ra lập tờ Nam Phong Tạp Chí.

Từ 1917 cho đến 1934 vị chi trong suốt 17 năm tờ Nam Phong ra đều đặn hàng tháng tất cả được 210 số. Trong giai đoạn này, Phạm Quỳnh viết rất nhiều, đủ loại và đủ lĩnh vực : Dịch thuật, khảo cứu, phê bình, truớc tác, bình luận, văn học, triết học , chính trị.

2) – Giai đoạn làm chính trị:

Từ 1934 đến 1945, ông phục vụ Nam Triều làm thượng thư Bộ Lại rồi thượng thư Bộ Giáo Dục.

I I – Văn nghiệp:

Chúng ta có thể xếp tác phẩm của Phạm Quỳnh làm nhiều loại khác nhau :

1) – Loại trước tác:

- Ba Tháng ở Paris (Nam Phong Tùng Thư, 1927)
- Muời Ngày ở Huế (Nam Phong, số 101)
- Một Tháng ỏ Nam Kỳ (Nam Phong số 17- 19 – 20)

2) – Loại phê bình :

- Một Tấm Lòng (Nam Phong, số 2)
- Mộng hay Mị, Phê Bình Giấc Mộng Con của Tản Đà (Nam Phong, số 7)
- Pháp Văn Tiểu Thuyết Bình Luận (Nam Phong, số 9)

3) – Loại dịch thuật

- Tuồng Lôi Xích ( Le Cid của Corneille, Nam Phong số 38-39)
- Hoà Lạc (Horace của Corneille, Nam Phong số 73-74-75)
- Ái Tình ( L’Amour của Guy de Maupassant)
- Ôi Thiều Niên (Ô Jeunesse của Corneille, Nam Phong, 1929)
- Đời Đạo Lý ( La Vie Sage của Paul Carton, Nam Phong 1929- 1932)
- Phương Pháp Luận (Discours de la Méthode của Descartes, N.P. sổ 3-4-5
- Cách Ngôn (Proverbes của Épictète)

4) – Loại khảo cứu:

- Văn Minh Luận ( Nam Phong số 42)
- Khảo cứu về các luân lý học thuyết của Thái Tây (Nam Phong từ số 92)
- Thế giới tiến bộ sử (Nam Phong từ số 51)
- Lịch sử về học thuyết của Jean-Jacques Rousseau ( Nam Phong từ số 104)
- Lich sử về học thuyết của Montesquieu ( Nam Phong từ số 108)
- Lịch sử về học thuyết của Voltaire (Nam Phong số 114 và 115)
- Học thuyết Auguste Comte (Nam Phong số 138)
- Học thuyết Bergson (Nam Phong số 150)
- Khảo cứu về tiểu thuyết (Nam Phong 1929)
- Pháp văn thi thoại : Baudelaire (Nam Phong số 6)
- Pierre Loti – Anatole France
- Phật giáo lược khảo (Nam Phong số 40)
- Phật giáo đại quan (Nam Phong 1921)
- Quan niễm về người quân tử trong đạo Khổng (Nam Phong 1928)
- Tục ngữ ca dao (Nam Phong số 46)
- Văn chương trong lố hát ả đào (Nam Phong số 69)
- Hán Việt văn tự ( Nam Phong số 107)
- Việt Nam thi ca (Nam Phong số 64)

5) – Tác phẩm viết bằng Pháp văn:

- La poésie Annamite (Nam Phong 1931)
- Le Paysan Tonlinois à travers son parler (Nam Phong 1931)
- L’ Idéal du sage dans la philosophie confucéenne
- Essais Franco-Annamites

I I I– Bệnh tật:

Theo lời thuật của bà Phạm Thị Hảo, trưởng nữ Phạm Quỳnh thì ông là người mạnh khỏe, cao 1,73m nặng 65kg (như có ghi trong căn cước). bị cận thị mắt phải – 3 dioptries, mắt trái – 0.25 dioptries, không hút thuốc không uống rượu, ăn uống điều độ và phải kiêng cữ vì bịnh đau bao tử.

1) – Bệnh trạng:

Do độ acide chlorydrique trong dạ dầy cao hơn bình thường nên Phạm Quỳnh hay ợ chua sình bụng , khi đói bụng đau ngầm ngầm chứ không bao giờ đau từng cơn dữ dội.
Chứng đau bao tử không bộc phát vì Phạm Quỳnh thấy cứ ăn xôi thì không bị đau và luôn uống Magnésie bismuthée. Vì thế ông chấp nhận kiêng cữ từ lúc còn trẻ. Ngày 2 bữa cơm nếp hoa75c ăn súp theo lối cơm tây.. Ngay những lúc yến tiệc trong triều, ông cũng kiêng cữ cẩn thận.

2) – Biến chứng:

Năm 1934, sau một bữa tiệc trong triều về đến nhà ông bị nôn mửa và thổ huyết. Gia đình nghi bị đầu độc nên mời y sĩ rửa ruột, ông qua khỏi và bệnh không tái phát.

3) – Suy luận :

Theo những triệu chứng đã kể như đau bụng khi đói, một lần thổ
huyết, và hiệu quả của việc ăn kiêng uống thuốc, chúng ta có thể nghĩ là Phạm Quỳnh bị bệnh loét bao tử không bộc phát (Ulcère gastro-duodénal latent) nhờ ông biết kiêng cữ và uống thuốc Magnésie bismuthée, mặc dầu thiếu những đặc tính rõ rệt như đau đúng giờ, đau theo chu kỳ ….

PHỤ CHÚ:

1) Về bệnh loét bao tử (peptic ulcer disease hay PUD) :

Y học ngày nay có nhiều khám phá kỳ thú vê căn bệnh này từ nguyên nhân đến điều trị. Chúng tôi xin kể ra đây một vài sự kiện mới mẻ đó, ngõ hầu sau đấy có thể bàn luận về bệnh trạng của Phạm Quỳnh một cách khoa học.

a) Nguyên nhân căn bản vẫn vì mức độ acide chloridrique và pepsine quá nhiều trong dạ dầy do nhiều yếu tố mà ra, trong đó phải kể mấy dữ kiện sau đây :

- Loét bao tử do uống thuốc hay ăn uống không lành mà ra. Thí dụ điển hình là
ngày xưa ai có nghĩ là thuốc chống nhức đầu thông thưòng như Aspirine lại có thể làm loét và chảy máu bao tử, nói chi đến những thuốc chống viêm thấp như Advil hay thuốc chống miễn nhiễm thuộc loại corticoides.
Ăn uống ai có cho là ăn cay ăn chua là độc địa, hút thuốc và uống rượu thường còn được ca tụng là biết hưởng đời, gây nguồn cảm hứng cho thi ca. Biết đâu là những độc chất đó rất tai hại cho bao tử và nhiêu cơ quan khác.

- Stres ulcer : Loét bao tử do stress, chấn thương thể chất hay tâm thần như khi bị phỏng nặng hay bị cảm xúc mạnh (choc émotionnel). Trong những trường hợp này, các triệu chứng thường ngấm ngầm vì bệnh nhân quá đau đớn (phỏng nặng chẳng hạn) hay quá lo nghĩ buồn phiền (ly dị, vỡ nợ…) không còn thấy đau bụng, ơ chua gì cả.
Đến khi bệnh đột nhiên bộc phát ra như ngất xỉu vì chảy máu đuờng tiêu hóa chẳng hạn, phải đưa vô bệnh viện khám nghiệm điều nghiên mới tìm ra căn nguyên là loét hay lũng niêm mạc bao tử !

- Vi trùng gây ra loét bao tử được khám phá vào năm 1983 và đặt tên là Helicobacter pylori. Loại vi trùng này khá đăc biệt vì có thể tồn tại và nảy nở trong một môi trường khắc nghiệt với cường độ acide rất cao.
Một nét đặc thù nữa của H. pylori là xét nghiệm hơi thở của bệnh nhân (breath test) nguời ta có thể phát hiện ngay được sự hiện diên của chúng trong bao tử, căn cứ vào khả năng của chúng có thể chế tạo ra urea.
Xét nghiệm này giá rẻ và dễ làm đến độ ngày nay các bác sĩ có thể thực hiện ngay trong phòng mạch như là một xét nghiệm dùng để thanh lọc bệnh nhân (screening test)

b) Khám nghiệm:

- Quang tuyến X thông dụng đã từ lâu, ngay cả ở Việt Nam. Chúng tôi lấy làm
lạ một nhân vật làm đến thượng thư trong triều như Phạm Quỳnh mà duờng như không bao giờ đuợc khảo nghiệm bằng phương pháp này để xác định chẩn đoán Loét Bao Tử.

- Nội soi bao tử bằng ống mềm (gastro-endoscopy) ngày nay gần như đã hoàn toàn thay thế quang tuyến X, vừa ít độc vì tránh đuợc phóng xạ, vừa chính xác lại có thể lấy dung dịch trong bao tử để phân tích (tìm trực tiếp H. pylori) hay hơn nữa làm sinh thiết để loại trừ khả năng bị ung thư bao tử.

c) Điều trị:

- Kiêng cữ dinh dưỡng vẫn là căn bản của cách điều trị bệnh loét bao tử. Ăn
xôi trên thực tế tỏ ra hữu hiệu tuy chưa ai chứng minh được là gạo nếp có chất gì khả dĩ kiềm hóa bao tử làm giảm cuờng độ acide như sữa tươi.

- Ngoài những thuốc antacids làm giảm cơn đau bao tử thường dùng xưa nay
(magnésie bismuthée Phạm Quỳnh uống thường xuyên tương đuơng với Pepto-Bismol hay Milk of Magnesia ngày nay), y học hiện đại xử dụng rất nhiều thuốc mới phát minh để điều trị tận căn bệnh loét bao từ.

Xin kể vài thí dụ như Tagamet thuộc loại ‘’H2 receptor antagonists’’, Losec thuộc loại ‘’proton pump inhibitors’’…Đăc biệt trong trường hợp loét bao tử do H. pylori uống phối hợp 2 thứ kháng sinh (Clarithromycine + Amoxicilline chẳng hạn) với 1 loại thuốc kể trên có nhiều khả năng khỏi bệnh vĩnh viễn.

- Ngày nay điều trị bằng thuốc men hữu hiệu đến độ rất ít khi phải dùng đến
phẫu thuật cắt bỏ bao tử (gastrectomy) trừ khi bị lũng thủng. Loét bao tử sinh chảy máu bộ phận tiêu hóa (digestive hemorrhage) cũng chỉ cần chuyền máu và chuyền tĩnh mạch một loại thuốc trên đây cũng đủ thoát hiểm.

4) Về riêng bệnh trạng của Phạm Quỳnh:

Một lần nữa chúng tôi khẳng định chúng ta không thể dựa trên những tiêu chuẩn ngày nay để phán xét cách chẩn đoán điều trị của người xưa. Nếu có so sánh thì mục đích chỉ để làm sáng tỏ vài nghi vấn hay nêu lên những tiến triển của tổ chức y tế hiện đại và ngành y học tân tiến ngày nay.

a) Chẩn đoán:

- Khó có thể khẳng định Phạm Quỳnh bị bênh loét bao tử khi không có một
bằng chứng cụ thể nào có tổn thương cơ thể (organic lesion) dù bằng điện quang chứ đừng kể soi bao tử. Nhưng ông bị chứng ‘’khó tiêu do chức năng’’ (dyspepsie fonctionnelle) thì đấy là một sự kiện chắc chắn, dựa trên những triệu chứng được tường thuật lại và tính hữu hiệu của cách điều trị do chính ông kiên trì áp dụng.

- Giai thoại ‘’ ói mửa và thổ huyết ’’ theo người nhà thì Phạm Quỳnh bị đầu độc,
song có lẽ ngộ độc thức ăn (food poisoning) thì đúng hơn. Ói mửa nhiều làm rách niêm mạc bao tử khiến chảy máu thổ huyết (Mallory-Weiss syndrome). Truờng hợp này không cần rửa ruột niêm mạc cũng tự nhiên lành trở lại.

Thế nhưng cũng có khả năng đây là một biến chứng bộc phát của hội chứng loét bao tử tiềm tàng từ lâu trong cơ thể, nhất là nếu thổ huyết màu đỏ tươi Trong trường hợp này, không nên rửa ruột vì có khả năng vết loét bao tử đã bị thủng (perforated ulcer) và rửa ruột có thể gây viêm nhiễm màng ruột (peritonitis) rất nguy hiểm cho tính mạng.

Dù là Mallory-Weiss syndrome hay perforated ulcer, khi thổ huyết màu đỏ tươi ngày nay không ai rửa ruột nữa mà nội soi bao tử bằng ống mềm ngay để chẩn đoán và chữa trị một lúc. Còn nếu nghi đầu độc hay ngộ độc, hành động ưu tiên là lấy đồ ói (vomitus) tìm chất độc hay vi trùng nhất là E. coli.

b) Điều trị:

Như đã trình bầy, nói riêng về cách chữa trị bệnh loét bao tử chúng ta phải nhìn nhận là y học đã tiến một bước rất xa. Chỉ cần xử dụng thuốc (uống hay chuyền tĩnh mạch) cũng đủ khỏi, khiến cho phẫu thuật trong bệnh này kể như đã được xếp vào dĩ vãng.

Chúng ta càng thán phục Phạm Quỳnh ờ một thời điểm ngành dinh dưỡng chưa có, thuốc men đơn giản mà đủ tài trí nghị lực để chế ngự đuợc căn bệnh khó tiêu mãn tính kinh niên ngõ hầu gây dựng cho sự nghiệp văn chương cũng như chính trị của mình.

I V – Cái chết của Phạm Quỳnh:

Vẫn theo lời bà Phạm Thị Hảo, năm 1945 Phạm Quỳnh đã vể hưu sống sống tại một ngôi nhà nơi bờ sông An Cựu, Huế. Ông có ý định quay lại với sự nghiệp văn chương.

Phong trào Việt Minh nổi lên, biểu tình lập chính phủ mới ồn ào tại Huế. Ngày 23 tháng 8 năm 1945 lúc 13 giờ, nhân viên chính phủ Hồ Chí Minh đến bắt Phạm Quỳnh đem đi giam tại Phủ Thừa ở Huế. Hai tháng sau, gia đình được tin ông bị bắn chết nhưng không biết ở đâu để tìm xác.

Mãi đến năm 1956, bà Hảo mới được gia đình T.T. Ngô Đình Diệm báo tin cho biết Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi và con trai là Ngô Đình Huân cùng bị bắn và chôn cùng huyệt tại Hát Phú cách Huế 20 cây số thuộc Quảng Trị.

Người chỉ huyệt chôn xác là ông lái đò năm xưa đã chở 3 nạn nhân đến nơi hành quyết. Ông lái đò kể lại ngày hôm đó (ông không nhớ rõ ngày nào năm 1945) ông phải chở 3 nạn nhân đến ven bờ sông, 2 người đã lớn tuổi và 1 thanh niên mặc quân phục Nhật Bản. Phạm Quỳnh bị bắn trước, rồi đến Ngô Đình Khôi và sau chót là Ngô Đình Huân. Xác cả ba bị vất xuống con kinh đang đào để dẫn nước vào ruộng

Ngày 28 Tết năm 1956, gia đình T.T. Diệm và gia đình bà Hảo ra Quảng Trị tìm hài cốt các nạn nhân. Khi đào lên thấy xác Ngô Đình Huân trước nhờ cái giây thắt lưng nhà binh Nhật. Rối đến hài cốt Ngô Đình Khôi bé nhỏ , sau cùng là hài cốt Phạm Quỳnh to lớn hơn.

Phạm Quỳnh nằm duới hai xương tay đưa sau gáy ôm lấy sọ bị bắn thủng với 7 phát súng lục. Gần đấy là cặp kính cận thị còn nguyên vẹn, gọng đồi mồi bị mục nát. Bà Hảo có cho chúng tôi xem đôi mắt kính và đem đi đo..

Di hài Phạm Quỳnh được đưa về an táng tại chùa Vạn Phước ở Huế.

KẾT LUẬN: 

Trong số các nhà văn chuyên nghiệp có người mang bệnh kinh niên mà vẫn hăng hái làm việc vì sợ chết sớm mà không thực hiện được hay hoàn tất được những tác phẩm của mình.. Điển hình là Marcel Proust năm 50 tuồi lâm bệnh suyễn nặng. Biết không còn sống bao lâu, ông cố sức viết cho xong cuốn trường thiên tiểu thuyết ‘’Đi Tìm Lại Thời Gian Đã Mất’’ (À la Recherche du Temps Perdu) Khi được tin cả bộ sách gồm nhiều cuốn đã in xong và đã được bầy bán ở các tiệm sách, ông mới nhắm mắt trong lòng đầy an ủi mãn nguyện.

Phạm Quỳnh có một văn nghiệp phong phú và đa diện. Ông đạt được kết quả tốt đẹp như vậy nhờ ở tài năng thiên phú nhưng cũng nhờ ở năng xuất làm việc của ông. Đủ biết bệnh đau bao tử không hề cản trở công việc sáng tác của ông. Chính vì bị loét dạ dầy mà ông biết giữ gìn vệ sinh, ăn uống điều độ, không uống rượu không hút thuốc nên duy trì được khả năng suy tư, viết lách.

Là một học giả uyên thâm, Phạm Quỳnh đã kiên trì trước tác mặc dầu bệnh hoạn. Người ta đã tiếc cho văn học Việt Nam vì ông xoay hướng sang làm chính trị. Người ta thưong sót cho ông bị chết thảm vì do định mệnh.

Phụ chú : Chúng tôi không nghĩ như vậy. Phạm Quỳnh có tài trí nghị lực nên đã thắng được bệnh tật thành công rực rỡ trong văn nghiệp và quan trường nhưng đành bó tay chịu chết tức tưởi dưới gông cùm của một chế độ bạo tàn dựa trên một chủ thuyết ngoại lai bất nhân nhất trong lịch sử loài người. .

 

NHẤT LINH NGUYỄN TƯỜNG TAM (1908 – 1963)

I – Thân thế và sự nghiệp:

a) -Thân thế:

Sinh ngày 25 tháng 7 năm 1908 tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh
Hải Dương nơi ông nội Nhất Linh được bổ nhiệm làm tri huyện rồi hồi hưu ở tại đây. Quê nội Nhất Linh ở làng Cẩ Phô, huyện điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Quê ngoại ở ngay Huế. Ông chết ngày 7 tháng 7 năm 1963 tại Saigon
Năm 1927 ông sang Pháp du học và năm 1930 về nước với văn bằng Cử Nhân Khoa Học Giáo Khoa. Ông dạy học tại 2 trường Thăng Long và Gia Long trong có 2 năm rối bỏ để hoạt động văn chương và chính trị từ 1932 đến cuối đời.

b) – Văn nghiệp:

Văn nghiệp của Nhất Linh gắn bó với Tự Lục Văn Đoàn và 2 tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay.

Tự Lực Văn Đoàn được thành lập năm 1933 nguyên thủy có 6 thành viên là Nhất Linh – Khái Hưng – Hoàng Đạo – Thạch Lam – Tú Mỡ – Thế Lữ. Về sau có thêm Xuân Diệu – Trần Tiêu – Trọng Lang – Huy Cận – Thanh Tinh – Đoàn Phú Tứ.

Cơ quan ngôn luận của Tự Lực Văn Đoàn khởi đầu là tờ Phong Hóa bị đóng cửa vì châm biếm Hoàng Trọng Phu, sau mới là tờ Ngày Nay. Cả 2 tờ báo đều chú trọng về văn chương và trào phúng , hô hào âu hóa và đề cao chủ nghĩa cá nhân.

Các tác phẩm lớn của Nhất Linh có thể chia ra nhiều loại:

- Tiểu thuyết lý tưởng: Nho Phong (1924) , Quay Tơ (1923)
- Tiểu thuyết tranh đấu xã hội: Đoạn Tuyệt (1935) , Lạnh Lùng ( 1937) , Đôi Bạn (1938)
- Tiểu thuyết tâm lý; Bướm Trắng ( 1941) , Nắng Thu (1942), Dòng Sông Thanh Thủy (1930), Đi Tây (1935)
- Viết chung với Khái Hưng: Anh Phải Sống (1932) , Gánh Hàng Hoa (1934) , Đời Mưa Gió (1934)

c) – Hoạt động chính trị:

- 1938: Thành lập đảng Hưng Việt sau đổi tên là Đại Việt Dân Chính.
- 1941: Ngày Nay bị đóng cửa. Nhất Linh chạy sang Quảng Châu. Tại đây ông gặp Nguyễn Hải Thần và Hồ Chí Minh.
- 1943: Bị tù ở Liễu Châu khi được thả ra ông về Côn Minh tá túc với Vũ Hồng Khanh hoạt động trong Việt Nam Quốc Dân Đảng.
- 1944: Tại Liễu Châu ông được bầu làm ủy viên dự khuyết Ban Chấp Hành Trung Ương Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội gọi tắt là Việt Cách.
- 1945: Tại Trùng Khánh ông sát nhập Đại Việt Dân Chính Đảng với Việt Nam Quốc Dân Đảng công khai ra mắt với danh xưng Mặt Trận Việt Nam Quốc Dân Đảng gọi tắt là Việt Quốc.
- 1946: Ông trở về Hà Nội, tổ chức hoạt động đối lập chính quyền Việt Minh, tham gia Quốc Hội khoá 1 đặc cách không qua bầu cử, giữ chức bộ trưởng Ngoại Giao trong chính phủ Liêp Hiệp Kháng Chiến, làm Trưởng Đoàn Việt Nam dự Hội Nghị Trừ Bị Đà Lạt đàm phán với Pháp, được đề cử làm Trưởng Phái Đoàn Việt Nam dự Hội Nghị Fontainebleau nhưng từ chối, viện lẽ lực lượng Việt Minh tấn công cơ sở Việt Quốc, sát hại và bắt bớ nhiều đảng viên.
- 1947: Ông bỏ trốn sang Hồng Kông, thành lập cùng Trần Văn Tuyên, Phan Quang Đán, Nguyễn Hải Thần… Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất ủng hộ Bảo Đại chống cả Pháp lẫn Việt Minh nhưng đế năm 1950 thì mặt trận này tan rã.
- 1951: Ông về nước, mở nhà xuất bản Phượng Giang, tái bản sách của Tự Lực Văn Đoàn và tuyên bố không hoạt động chính trị nữa.
- 1953: Ông lên sống tại Đà Lạt , “tu tiên” song ngầm chỉ huy Quốc Dân Đảng cạnh tranh với 2 phái khác cùng đảng.
- 1958: Ông trở lại Saigon, thành lập Mặt Trận Quốc Dân Đoàn Kết, ủng hộ cuộc đảo chính của Đại Tá Nguyễn Chánh Thi và Trung Tá Vương Văn Đông. Thất bại, ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm quản thúc tại gia.
- 1963: Ông bị tòa gọi ra xét xử ngày 8 tháng 7 nhưng đêm 7 tháng 7 tại nhà riêng ông dùng rượu mạnh pha thuốc ngủ quyên sinh, để lại lời tuyệt mệnh trứ danh : ‘’ Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả ‘’

I I – Bệnh tật:

Lúc thiếu thời du học ở Pháp về, Nguyễn Tuờng Tam là một thanh niên đầy sức khỏe. BS Trần Văn Bảng đã ngạc nhiên khi gặp ông, một người mảnh khảnh, tráng kiện và lanh lợi. Thế nhưng sau này lúc mới 50 tuổi sức khỏe của ông đã sút kém nhiều. Thế Uyên viết về ông: “Tuần trước tháng 11 năm 1960 gặp Nhất Linh, một ông già đau ốm đầy vẻ suy tư” (Tạp chí VĂN số 6/1966

Làm sao không đau ốm được, sau mấy chục năm làm văn nghệ không nghỉ, làm cách mệnh lưu vong gian khổ. Tất cả những cực nhọc lo âu thất vọng đã chồng chất lên thể xác tâm thần ông. Dựa vào các nhân chứng, chúng tôi không lấy làm lạ khi nhận thấy ở ông 3 chứng bệnh sau đây:

1) – Nghiện thuốc lá (tabagisme):

Nhất Linh nghiện thuốc lá rất nặng . Ông hút luôn miệng, mỗi ngày ít nhất 2 bao Bastos. Đôi khi ông còn hút thuốc lào và dường như có thử á phiện nữa. Thật ra ông cũng như đa số các nhà văn, coi những thứ này như kick thích tố để tránh buồn phiền, gợi cảm hứng, thậm chí tăng năng xuất.

Y học thì lại cho rằng thuốc lá có độc chất làm giảm thọ con người vì hại tim và gây ra ung thư phổi. Ngoài ra thuốc lá cũng làm người hút bị viêm cuống phổi mãn tính, rãn buồng phổi khó thỏ kinh niên Song theo BS Nguyễn Văn Bổn người thực hành phẫu nghiệm, phổi Nhất Linh “chỉ đen vì bụi” (anthracose)

2) – Nghiện rượu (alcoolisme):

Nhiều nhà văn cũng ca tụng rượu như Tản Đà, Nguyễn Tuân, Nguyễn Khuyến, tin rượu bồi bổ thể xác và tinh thần, ngoài ra còn là nguồn thơ, nguồn cảm hứng. Nhất Linh cũng thích uống rượu, nhất là whisky nhãn hiệu Johnnie Walker (ông tự vẫn bằng thuốc ngủ pha trong rượu này)

Không biết ông nghiện rượu từ bao giờ và uống mỗi ngày bao nhiêu. Tường Hùng, cháu gọi Nhất Linh bằng chú, viết trong Văn số 6/1966: “Đã có dạo cứ mỗi buổi chiều Nhất Linh lại say rượu. Nhưng ông chỉ uống để ngủ và lúc say ông ngồi im nghĩ ngợi trong căn phòng không có ánh sáng…”

Thế Uyên, một người cháu khác, còn kể lại đôi khi ông bị khủng khoảng tinh thần, lên cơn loạn trí . Có lần ông đứng trước cửa nhà ở đường Lý Thái Tỗ, móc giấy tờ trong ví đưa cho mọi người xem, miệng nói lảm nhảm : “Lấy hết đi , xin các ông lấy hết đi. Đừng áp chế tôi !”
Theo y học rượu làm suy nhược tâm thần, suy giảm trí nhớ, phản xạ kém nhậy, chậm trễ. Rượu cũng làm tổn thương não bộ, đi đứng mất thăng bằng mất hường, thậm chí sinh loạn trí nữa. Nhưng thông thường nhất lâu ngày ruợu làm chai gan khiến gan bị suy. Quả thật, BS nguyễn Văn Bổn khi làm phẫu nghiệm thấy lá gan của ông có một “lằn chai” lớn (bande de sclérose)

3) – Suy nhược tâm thần (neurasthénie):

BS Nguyễn Hữu Phiếm đã dùng chữ neurasthénie để định bệnh tâm trí của Nhất Linh từ một thanh niên lanh lợi mới du học ở Pháp về đến bây giờ là một ông già đầy suy tư, cô đơn và tuyệt vọng. Ông bị ý nghĩ tự sát ám ảnh (obsédé par le suicide) và đã uống thuốc ngủ tự tử một lần nhưng không thành vì BS Phiếm kịp thời chữa chạy, rửa ruột và chích Strychnine. Số lượng thuốc ngủ kỳ đó ít nên ông bình phục ngay và vằi hôm sau đã đi họp hội Văn Bút.

Tú Mỡ ngay từ khi còn làm báo Phong Hóa đã ghi nhận về Nhất Linh như sau : ‘’ Tâm thần bị giao động nhiều, gần như bệnh. Cần phải đi dưỡng bệnh ‘’ Thủa ấy ông đã bắt đầu bị dầy vò vì sự bất lực của mình, trên vai mang gánh nặng của một kẻ sĩ trí thức yêu nước được mọi người kỳ vọng.

Nguyễn thị Vinh: ‘’Hằng ngày tôi ít dám nói chuyện với anh bởi vì trên guơng mặt anh toát ra một vẻ nghiêm khắc, trầm lặng, rất buồn bã. Ánh mắt luôn luôn nhìn về một cõi xa xăm, mọng lên nỗi chất chứa u sầu ’’

Trương Bảo Sơn: ‘’Phải chăng việc mất hai người em thân yêu như mất hai cánh tay đắc lực, đã làm cho Nhất Linh Nguyễn Tuờng Tam xót xa đau lòng khiến nhiều đêm ông đã âm thầm khóc một mình và chán nản, ngưng làm chính trị mất ba bốn năm trời, ẩn cư nơi núi rừng Đà Lạt ‘’

Nguyễn Tường Bách, người em út bác sĩ đã nhận xét tâm trạng anh mình như sau: ‘’Tang tóc khiến cho bệnh suy nhược thần kinh của Nhất Linh ngày càng nặng thêm. Một ngày năm 1950, tôi ra Hồng Kông thăm anh. Chỗ anh ở trên một sườn đồi, bên cạnh một con suối trong. Anh cũng đồng ý về nước với quyết tâm không tham dự chính trị nữa, ít ra trong giai đoạn này ’’

Nguyễn Tường Thiết, con trai nhà văn: ‘’Nhất Linh thường viết trong đêm khuya khoắt. . Nhiều khi thức giấc nửa đêm, tôi thường thấy qua khe cửa đèn trong phòng ông còn bật sáng. Có đêm lũ chúng tôi lòm còm bò dậy vì nghe tiếng khóc trong phòng cha tôi. Tiếng khóc lúc đầu còn nhỏ sau lớn dần như không kìm hãm đươc. Chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau. Không ai có thể đoán biết ông khóc cái gì, ngay cả mẹ tôi. Nhưng khám phá này đã gieo vào tuổi thơ của tôi một ấn tượng mạnh mẽ rằng cha tôi là một người cô đơn và đau khổ. Ngoài ra những giấc mơ kỳ lạ và kinh hãi cũng được tôi hình dung thấy qua giấc ngủ của ông, qua cách ông trằn trọc ú ớ trong đêm khuya.’’

 I I I – Cái chết:

1) – Bối cảnh:

a) – Nhất Linh đã chết như thế nào?

Ngày 6-7-1963, Nhất Linh nhận được giấy đòi phải trình diện tiểu đội Hiến Binh ở số 635 đường Nguyễn Trãi Saigon và được biết sáng thứ hai 8-7-1963 phải ra tòa vì tội tham gia cuộc đảo chánh 11-11-1960.

Duờng như từ trước ông đã có ý định tự vẫn vào ngày Song Thất (mồng 7 tháng 7 năm 1963) để đem một cái nhục cho họ Ngô và thúc đẫy quần chúng đảo chánh lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Trát tòa ông nhận đuợc đúng lúc để gíúp ông quả quyết thực hiện ý định của mình.

Ông viết di ngôn vào sáng chủ nhật 7-7-1963 Khoảng 4 giờ chiều hôm ấy, ông vừa ngồi uống Johnnie Walker vừa nói chuyện bình thường với con cái. Con trai ông là Nguyễn Tường Thiết tưởng ông uống rượu như mọi ngày để quên sự thế, nào ngờ ông có pha thêm độc dược để tìm cái chết, tránh khỏi tòa án chính quyền đương thời xét xử.

Khi BS Nguyễn Hữu Phiếm được mời đến thì Nhất Linh đã mê man bất tỉnh, hơi thở rất yếu. Ông bèn viết giấy tối khẩn gửi Nhất Linh vào bệnh viên Grall lúc 18:00 giờ, với lời ghi : ‘’ Tentavive de suicide avec substance inconnue ‘’ Vào đến bệnh viện, bác sĩ nhận bệnh tưởng như bệnh nhân đã chết rồi. Ông không thấy triệu chứng của một bệnh nào nên cũng nghĩ là tự vẫn bằng độc duợc. Thử nước tiểu thấy có thuốc ngủ tuy không rõ rệt.

Bệnh nhân tắt thở đêm 7-7-1963 rạng ngày 8-7-1963, lúc 01:15 giờ sáng.:

b) – Nơi an nghỉ:

Theo lệnh nhà cầm quyền, gia đình Nhất Linh phải chấp nhận cho phẫu nghiệm tử thi để tìm hiểu nguyên nhân cái chết, sau đó phải chôn ông gấp tại nghĩa trang chùa Giác Minh ở Gò Vấp, không cho đợi người con cả ở Pháp về chịu tang.

Phụ chú:

Năm 1975, Nguyễn Tường Thạch con trai thứ của Nhất Linh đã hỏa thiêu di cốt của cha rồi gửi bình tro tại chùa Kim Cương ở đường Trần Quang Diệu Saigon

Năm 1981 bà Nhất Linh sang Pháp đoàn tụ với các con rồi qua đời và an táng tại đó

Mãi đến năm 2001, con cháu mới quyết định rời di cốt Nhất Linh cùng vợ và con gái lớn về khu mộ dòng họ tại Hội An, Quảng Nam.

2) – Điều tra:

Sau đây là tóm tắt kết quả 2 cuộc giảo nghiệm y khoa thiết yếu trong việc điều tra cái chết của Nhất Linh.

a) – Phẫu nghiệm tử thi:

- Thi hành ngày 8-7-1963 hồi 16:00 giờ tại nhà xác bệnh viện Grall duới sự hiện diện của Biện Lý Tòa Án Saigon, Cảnh Sát Quận 1, Sở Giảo Nghiệm, Y Sĩ Trưởng Đô Thành, Thanh Tra Bộ Y Tế, Đại Diện trường Y Khoa, Y Sĩ Giải Phẫu bệnh viện Grall

- Phúc trình pháp y ký tên bởi 2 y sĩ giám định là BS Nguyễn Văn Bổn giải phẫu và BS Đào Huy Chân phụ tá:

Kết quả (trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ ghi những kết quả duơng tính mà thôi):

+ Phổi đen vì bụi (anthracose)
+ Bao tử đầy phân nửa thức ăn (đuợc cột 2 đầu và lấy nguyên vẹn ra với thức ăn để tìm chất độc tại Viện Giảo Nghiệm)
+ Gan phía dưới có một lằn chai to (bande scléreuse)
+ Gởi thêm đến Viện Giảo Nghiệm 25cc máu lấy trong tim, 30cc nước tiểu lấy trong bọng đái, 4cc nước đầu và xương sống (liquide céphalo-rachidien)

Kết luận:

+ Với những phương pháp khám nghiệm thông thường tại chỗ, không thấy thi hài có triệu chứng nào cò thể giải thích cái chết mau chóng của Nguyễn Tường Tam
+ Cần chờ xem kết quả việc tìm kiếm do các phòng và Viện Giảo Nghiệm.

b) – Thử nghiệm độc duợc:

- Thi hành ngày 15 tháng 7 năm 1963 tại Viện Pasteur, chiếu yêu cầu của Tòa Án Saigon ngày 10 tháng 7 năm 1963

- Phúc trình kết quả ký tên bởi BS Phạm Văn Tất, trưởng phòng :

+ Có hiện diện của chất barbiturique với một mức độ rất cao trong nước tiểu của Nguyễn Tường Tam
+ Sau khi kiểm nhận bằng microcrystalloscopie, có thể kết luận chất barbiturique này là loại Veronal

PHỤ CHÚ:

1) – Về bệnh tật của Nhất Linh:

a) – Nói chung nghiện thuốc lá và nghiện rượu không
gây ra hay chưa gây ra biến chứng gì trầm trọng cho Nhất Linh mặc dầu nhìn lại chúng ta thấy 2 dữ kiện đáng chú ý:

- Phẫu nghiệm tử thi Nhất Linh thấy phổi đen vì anthracosis, song bụi than đá (miner’s lungs) mới là nguyên nhân chinh của bệnh này. Hút thuốc chỉ làm cho bệnh trầm trọng thêm.

- Phẫu nghiệm tử thi cũng thấy gan Nhất Linh có một vết chai song thât sự ông chưa hề có một triệu chứng gì suy gan do chai gan vì rượu (alcoholic cirrhosis of the liver)

Chuyện Nhất Linh nói lảm nhảm rồi móc ví cho mọi người xem giấy tờ đáng làm cho chúng ta lưu ý hơn vì liên tưởng đến hội chứng Wernicke-Korsakoff do rượu gây ra.

Chuyện này khiến bà em gái Nhất Linh cho rằng ông anh mình ‘’điên’’ dù là điên khôn. Nhất Linh quả thật mắc chứng suy nhược tâm thần nhưng quan niệm ngày nay điên là phải mất hẳn khả năng tiếp cận thực tế như với schizophrenia chẳng hạn, nôm na có thể gọi là ‘’ khùng, rồ, điên thứ thiệt’’

b) – Nói riêng bệnh suy nhược tâm thần của Nhất Linh

lại khá trầm trọng. Từ ngữ ‘’neurasthenia’’ không mấy chính xác vì nghĩa quá rộng. Theo ngôn ngữ chuyên khoa tâm thần ngày nay thì phải gọi là ‘’mental depression’’ hay là bệnh ‘’trầm cảm’’.

Thông thưòng ta có thể phân bệnh trầm cảm làm 2 loại theo đó có thể chữa trị bằng thuốc men (antidepressants), tâm thần trị liệu.

(psychotherapy), tái phục hồi (rehabilitation)… hay phối hợp nhiều phương pháp.

- Trầm cảm nội xuất (endogenous depression) có tính cách di truyền vì không tìm thấy nguyên do gì cả, nên cũng rất khó chữa trị. Truờng hợp này dễ thành ‘’major depressive disorder’’ tạm dịch là ‘’trầm cảm cao độ’’. Bệnh nhân dễ mất tiếp cận với thực tế (psychosis).

- Trầm cảm ngoại xuất (exogenous depression) do hoàn cảnh khó khăn tạo ra (situational depression) hay cách phản ứng của bệnh nhân đối với nghịch cảnh (reactive depression). Trên nguyên tắc loại này dễ chữa trị hơn. Nguyên nhân hết, bệnh cũng tự nhiên khỏi.

Chúng tôi cho rằng Nhất Linh ở trong trường hợp này có nghĩa là tâm trí ông tuy suy nhược nhưng bao giờ cũng sáng suốt, song theo như chính ông (dixit) cuộc đời chính trị của ông là một chuỗi dài thất bại.

Nhà biên khảo Nguyễn Văn Lục kể lại giai thoại bức họa Nguyễn Gia Trí vẽ chân dung Nhất Linh phải bỏ dở vì bị đi tù. Khi đưọc thả ra, ông Trí định vẽ tiếp thì Nhất Linh không chịu và đòi cứ để nguyên như thế vì cho rằng bức họa dang dở giống như cuộc đời của ông, một tác phẩm không bao giờ hoàn tất được.

3) – Về cái chết của Nhất Linh:

a) – Trên phương diện y học, tự vẫn là một biến chứng
của bệnh trầm cảm gồm 3 giai đoạn:

- Ý định tự vẫn (suicidal ideation): BS Nguyễn Hữu Phiếm đã từng nhận xét là Nhất Linh bị ám ảnh bởi ý nghĩ tự sát từ lâu.

- Kế hoạch tự vẫn (suicidal planning): Chính Nhất Linh từng nói ‘’ Tôi mà tự tử thì chẳng ai biết tôi dùng loại độc dược nào’’ hay ‘’ Chỉ tạch một cái là xong’’.

- Toan tính tự vẫn (suicidal attempt): Chỉ cần một yếu tố phát đông (triggering factor) đủ mạnh là bệnh nhân thực hiện kế hoạch của mình. Trong trường hợp Nhất Linh yếu tố quyết định đó là cái trát đòi ông ra tòa.

b) – Trên phương diện chính trị lịch sử, nếu xét cơ chế

hành động Nhất Linh tự vẫn đơn thuần như một biến chứng bệnh hoạn, ta có thể đã coi thường hành động hi sinh cao cả của ông để thúc đẩy công cuộc lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm.

Chúng tôi không nghĩ như vậy. Hành động sáng suốt của Nhất Linh vẫn giữ nguyên giá với tính cách tiêu cực của nó. Nếu ông không mắc bệnh trầm cảm, có lẽ ông đã chọn một cách đấu tranh khác có thể tích cực hơn nhưng thành quả cũng tương tự, tiếng vang không chừng lại thua.

KẾT LUẬN:

Nhất Linh là một nghệ sĩ trước khi là một chính trị gia. Rất có thể ông mường tượng vuốt ve một cái chết đặc biệt khác thường, một cái ‘’chết đẹp’’

Nếu quả thật vậy thì cái chết của ông không phải là cái chết tiêu cực của một bệnh nhân tâm thần. mà là cái chết đã được ông xếp đặt theo sở cầu của mình. Ông muốn cho cái chết của ông đạt được hai mục đích:

- Thứ nhất là để gây một tiếng vang trên thế giới và đánh một đòn nặng vào chính quyền Ngô Đình Diệm

- Thứ hai là để thỏa mãn cái sở cấu thiên tính nghệ sĩ của ông. Ông vừa uống
rượu vừa uống thuốc ngủ. Phải chăng ông muốn một cái chết say sưa êm đềm và cũng vui như một giấc mơ của nhân vật Thanh trong tac phẩm Dòng Sông Thanh Thủy vậy?

BS Mạc Văn Phước và BS Đặng Ngọc Thuận

Montreal, mùa Xuân 2011

 

7 Phản hồi cho “Bệnh tật và cái chết của 4 văn nhân: Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Tường Tam[2]”

  1. Minh Đức says:

    Trích: “Ông bị tòa gọi ra xét xử ngày 8 tháng 7 nhưng đêm 7 tháng 7 tại nhà riêng ông dùng rượu mạnh pha thuốc ngủ quyên sinh”

    Sau khi Nhất Linh chết thì người ta nói là ông uống rượu pha với thạch tín.

  2. le van luc says:

    Nen Nho Rang Tu Tu khac Voi Tu Huy,trong di Chuc Nhat linh Viet Tu Huy minh Chu khg Phai Tu Tu .Con Nhat linh Nguyen tuong Thiet da viet ro rang ,va co dan chung ro rang ve Cai chet cua Nhat Linh Va nhung benh trang Cua Nhat linh do BS than quen gia dinh cua Nhat linh dinh kem .Tai sao lai dao boi chi nua? Nguyen van luc da Boi bac Su huy minh Cua Nhat linh Chua du sao? Dam Can lao khg khac gi CS thu dai va hen mon ,sao khg Chong CS di lai quay dao ve phia Nguoi Viet quoc gia da Chet Vi Chong Doc tai ./

  3. Quan Cong says:

    Nguyen vab Luc la nguoi ton tho Ngo dinh Diem,, Nguyen van Luc tim du moi cach gian tra de chung minh Nhat Linh chet vi mac benh tam than,loan tri .Do la mot cach chay toi cho che do Ngo dinh Diem,, nhambao chua cho Che Do Ngo Dinh Diem khong giet Naht Linh trong khi ai cung biet che do Ngo dinh Diem da chaun bai dua Nhat Linh ra toa lam nhuc Nhat linh khien Nhat Linh phai di den quyet dinh tu tu.. . Nguyen van Luc cach boi ban Nhat Linh de de biu danh du cua Nhat Linh , nham benh vuc cho che do khon nan Ngo dinh Diem
    Nguoi con trai ut cua Nhat Linh la Nguyen tuongThiet da len tieng de vach tran am muu luu manh cua Nguyen van Luc.. Luc la mot ten hen ha gian tra, vo liem si..
    Noi chung thang deo thanh gia nhu Nguyen van Luc viet lach bao gio cung doi tra .. Co the ke them 2 thang deo thanh gia viet lach doi gian la Ha tien Nhat va Tu Gan,.,Deo thanh gia vao nguoi thi tu nhien gian doi tho bi va voliem si,,

  4. Dao Cong Khai says:

    Cái chết vì chính trị thì nó luôn luôn có ý nghĩa chính trị, bệnh tật hay gì đó nhưng nguyên nhân chính là cái trát toà. Vấn đề là ý nghĩa chính trị ở đây tốt hay xấu cho Nhất Linh.

    Lịch sử xét xử ông ta như thế nào thì biến cố 63 và 75 đã bộc lộ cho người ta hiểu cả rồi. Rõ ràng ông ta muốn dùng cái chết của mình để lật đổ chế độ, Nhất Linh đã châm ngòi cho “Cách Mạng” mà cách mạng đó đã dẫn tới thảm hoạ cho đất nước như đã xẩy ra. “Đời tôi chỉ có thể để cho lịch sử xét xử”, lời nói đã bay đi thì không ai có thể thu lại được nữa.

    Trần Văn Đôn, Trần Thiện Khiêm, Dương Văn Minh … bỏ dân phải chịu đau khổ ở VN để chuồn qua đây; ai hỏi gì cũng trốn; muốn tự tử lắm nhưng không dám. Cũng để cho lịch sử xét xử. Bao nhiêu sinh viên học sinh họ muốn học hỏi lãnh tụ Cách Mạng của họ những con đường đưa đất nước tới vinh quang khi có dịp đối đáp với chế độ ở nơi công cộng như thế, nhưng lãnh tụ lại đi tìm cái chết, bí quá rồi phải nói vậy (lịch sử) cho oai!

  5. cslykhai says:

    phạm quỳnh bị giết vì là hội viên hội tam điểm vn khi sang pháp cùng vua khải định dự đấu xảo pa ri lại có hai lần ăn cơm ở nhà luật sư phan văn trường với nguyễn ái quốc là hội viên tam điểm pháp,mà quốc tế cs không dung thứ các hội viên tam điểm trong hàng ngũ của mình,đó là lý do cái chết của hoc giả phạm quỳnh,bằng chứng là bút tích của phạm quỳnh trên hai tớ lịch mà hoc giả pham quỳnh có ghi lại 2 lần đến nhà phan văn trường ăn cơm cùng nguyễn ái quốc ,2 tờ lịch này do bà con gái cụ pham quỳnh đã công bố ở pa ri

  6. Cong says:

    Chúng tôi cho rằng Nhất Linh ở trong trường hợp này có nghĩa là tâm trí ông tuy suy nhược nhưng bao giờ cũng sáng suốt

  7. D.Nhật Lệ says:

    Theo tôi,nhan đề luận án Y khoa như vậy rất dễ gây hiểu lầm là 4 nhà văn đều chết vì bệnh nhưng thật ra,
    xét kỹ thì chỉ có học giả PQ.là chết vì bị VM.thủ tiêu.Có lẽ vì tài liệu y khoa thì không nên dính líu đến nghi án chính trị,do đó đành phải dựa vào đa số nguời chết mà đặt đề tài chăng ?
    Luận án này có thể được xem như lời biện hộ thuyết phục và đáng tin cậy cho bài viết của cựu nhà giáo Nguyễn Văn Lục,trong đó ông ta đưa ra những nhận định về chứng bệnh thuộc tâm thần của văn hào Nhất Linh,khiến một số tác giả khác (có thiện cảm với nhà văn) đã kết án ông Lục khá gắt gao,nếu không muốn nói là thậm tệ như chưởi bới vào mặt ông NVL.
    Dĩ nhiên,văn hào NLchết vì.tự tử nhưng nguyên nhân tự tử cũng có sự góp phần chính và trực tiếp từ bệnh trầm cảm mà ra,nên giả định của nhị vị bác sĩ Phước & Thuận xem ra rất hợp lý và hợp tình !

Phản hồi