WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Bảo Đại: Tối cao cố vấn của ông Hồ [1]

BaoDai_DragonAnnam

Sau 25 năm im hơi lặng tiếng, đầu năm 1980, cựu hoàng Bảo Đại cho xuất bản cuốn hồi ký viết bằng tiếng Pháp Le Dragon d’Annam (Rồng Nam), kể lại cuộc đời mình từ khi sinh ra ở Huế cho đến năm 1956, khi bị ông Diệm truất phế. Phần đặc sắc nhất trong cuốn sách là phần kể lại thời gian ông Bảo Đại được ông Hồ phong làm cố vấn tối cao, sống ở Hà Nội sau khi thoái vị cho đến khi theo một phái đoàn của ông Hồ qua Tàu rồi đi Hồng Kông. Những sự kiện liên quan đến ông Hồ được ông Bảo Đại kể lại trong phần này chứng tỏ Bảo Đại cũng như hầu hết người dân Việt thời đó, đều bị ông Hồ mê hoặc khi ông hô hai câu thần chú “Độc Lập”, “Thống Nhất”.

Tôi xin trích dịch những đoạn chính trong phần này và tiếp theo, xin đưa ra một vài bình luận.

Cuộc Cách Mạng Việt Minh

“…. Phụ tá tổng trưởng bộ Thanh niên (Phan Anh, trong chính phủ Trần Trọng Kim) Tạ Quang Bửu, là người cho tôi biết có một nhóm kháng chiến được thành lập ở miền thượng du, vùng Cao Bằng có tên là ” Liên đoàn Việt Minh “. Linh hồn nhóm này là Võ Nguyên Giáp, được Tạ Quang Bửu nói đến với đầy nhiệt tình. Sau những cuộc hành quân du kích chống Nhật, “Việt Minh” bắt liên lạc được với đồng minh Trung Hoa và Mỹ đồng thời với cả Pháp và ngay cả với Khâm sai của tôi ở Bắc bộ là Phan Kế Toại. Nhưng tôi cũng không liên lạc được với Phan Kế Toại nên không có sự khẳng định cùa ông ấy (tr 113)

“… Có rất nhiều tin xấu đến tai tôi. Nguyễn Văn Sâm, người đại diện của tôi ở Sài Gòn chưa thấy tới nhiệm sở. Nghe đồn ông ấy bị ám sát sau khi rời khỏi Huế. Ai đã giết ông ấy? … Ở Hà Nội cũng đang xẩy ra những biến cố rất quan trọng. Ngay sau khi Nhật đầu hàng, có những toán xung phong dưới quyền Võ Nguyên Giáp đột nhập vào thành phố và mở cửa nhà tù dưới cặp mắt thản nhiên của Nhật Bản. Ngày 17-8, dưới sự xúi giục của những toán này, có cuộc biểu tình tụ tập 20 ngàn người trước Nhà Hát Lớn. Mọi người đều hô to “Độc lập” và trương cờ mới màu đỏ sao vàng, mà có người nói là do Kampetai (Mật vụ Nhật) đặt ra… Cờ Đế quốc Việt Nam bị giựt xuống…

” Ngày hôm sau, khâm sai của tôi, phải bỏ nhiệm sở và được thay thế bằng một Ủy Ban chỉ đạo lâm thời… vô danh. Ngày 19, toán xung phong “Việt Minh” được tăng cường bởi một đám đông vừa đi vừa la hét, chiếm đóng các công thự : tòa Thống sứ, Tòa án, Kho bạc, trường Đại học và các trường trung học… không những quân đội Nhật có phận sự duy trì kỷ luật, không có phản ứng mà còn mở kho súng phân phát cho lính vệ binh Đông Dương (Lính Khố đỏ);

” Những tin tức đó bị ít nhiều xuyên tạc khi đến tai tôi. Về tình hình Nam Kỳ thì còn thiếu chính xác hơn nữa. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, thủ lãnh “Thanh niên Tiền phong “, hình như từ ngày 15-8 đã đứng đầu một Mặt trận Quốc gia trước khi thành lập một Ủy ban hành pháp lâm thời đặt trụ sở tại dinh Thống đốc dưới sự chủ tọa của một người tên là Trần Văn Giầu mà theo Tạ Quang Bửu, người thông tin cho tôi, là người thuộc về Việt Minh. Cũng như ở Hà Nội, Nhật cũng không có phản ứng gì ở Sài Gòn…

” Cái quan trọng hơn hết cả là ở chỗ nào cũng có những cuộc ám sát và sự mất tích, đặc biệt là những nhân vật quốc gia.
” Ngay ở Huế cũng có những truyền đơn được phân phát. Và có những nhóm không biết nghe lệnh từ đâu, tụ họp và di chuyển trong thành phố, tới tận sát Thành nội.

” Ngày 22-8, đại tá chỉ huy quân đội Nhật ở Huế tới xin triều kiến và nói với tôi là theo lệnh của Chỉ huy Đồng Minh, quân đội Nhật đã bố trí xong hệ thống bảo vệ an ninh thành nội và mọi người trong Thành. Đường từ cầu Tràng Tiền ra cũng như tất cả những lối vào Thành đã bị chắn. Tôi cực lực phản đối quyết định này và nói : “tôi tuyệt đối khước từ sự bảo vệ của ông. Tôi ra lệnh cho ông bãi bỏ hệ thống phòng vệ vì tôi không muốn một quân đội ngoại quốc làm đổ máu dân tộc tôi. (tr 117)

” Để chắc chắn là lệnh của tôi được thi hành, tôi trao cho ông ta một công hàm có dấu ấn của tôi, trút cho ông trách nhiệm phải duy trì trật tự quanh Thành nội.Tôi ghi thêm là phải mở lại tất cả mọi cửa vào Thành để mọi người tự do ra vào như thường lệ.

” Sau đó ít lâu, giám đốc Bưu điện Huế xin được gặp tôi . Ông ta đưa cho tôi một điện tín nhận được từ Hà Nội. Nội dung bức điện tín : ” Trước lòng quyết tâm của toàn thể dân tộc sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nền độc lập quốc gia, chúng tôi kính cẩn xin Hoàng thương làm một cử chỉ lịch sừ là trao quyền lại “. Điện tín này được ký bởi ” Ủy ban Nhân dân Cứu quốc đại diện mọi đảng phái và mọi tầng lớp nhân dân “. Nhưng không có tên ai.

“… Sáng ngày 23 chung quanh tôi đều trống không. Từ ông Trần Trọng Kim tới mọi tổng trưởng, chả ông nào có mặt. Chỉ còn người em họ là hoàng thân Vĩnh Cẩn ở cạnh tôi.

” Những lời tâm sự của Tạ Quang Bửu trở lại trong trí tôi : Cái Mặt trận Việt Nam Độc Lập Đồng minh Hội” là cái gì để có thể động viên quần chúng, thực hiện những ước vọng của đám đông và bây giờ lại bảo tôi phải làm gì?

“Tôi không biết ai là những thủ lãnh. Vậy mà những người này lại có những tiếp xúc với Đồng Minh Trung Hoa, Mỹ, Pháp, khi mà những lời kêu gọi tôi gửi cho Tổng thống Truman, Thống chế Tưởng Giới Thạch, Anh hoàng và tướng de Gaulle đều không được trả lời… Những lãnh tụ này có súng ống, có phương tiện, nắm được chính quyền dễ dàng trong khi tôi sống trơ trọi trong một kinh thành đã chết. Sự thành công dễ dàng của các lãnh tụ này phải chăng là đó là dấu hiệu họ đã nhận được mệnh trời? Quần chúng có một bản năng rất là chắc chắn. Bản năng này, trong những giờ phút lịch sử, luôn luôn đưa họ tới những người đã nhận được sứ mệnh phải dẫn dắt họ. Đã đến lúc tôi phải có một sự lựa chọn để dung hòa số phận của tôi với số phận của dân tộc tôi… là tôi phải ra đi.

“Nhưng ai là người tiếp nhận sự ra đi của tôi?

“Tôi bảo người em họ Vĩnh Cẩn và Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe ra ngoài thành Nội hỏi tin tức về Việt Minh. Cả hai trở về chả biết chi cả. Tôi đành đánh đại một bức điện tín gửi trống không ” Ủy ban Nhân dân Cứu quốc ” ở Hà Nội. Tôi viết :

“Để trả lời kêu gọi của Ủy ban, tôi sẵn sàng tự rút lui. Trong giờ phút quyết định của lịch sử đất nước, đoàn kết là sống, chia rẽ là chết. Tôi sẵn sàng hy sinh hết mọi sự để có thể thực hiện được sự hợp quần. Tôi xin những người cầm đầu Ủy ban mau vào Huế để tôi trao lại quyền hành”.

“Ngay trong đêm hôm đó, với sự giúp đỡ của Vĩnh Cẩn, tôi thảo bản chiếu Thoái vị.

“Sáng ngày 25-8, có hai đặc phái viên, đại diện “Việt Nam Độc lập Đồng minh” từ Hà Nội vào : Trần Huy Liệu, trưởng phái đoàn, là phó chủ tịch Ủy ban. Một người gầy gò trông rất thảm hại, đeo kính đen để giấu cặp mắt lé. Người đi cùng là Cù Huy Cận, trông cũng quá tầm thường. Tôi hơi thất vọng.

“Trần Huy Liệu đưa cho tôi một giấy Ủy quyền có mang chữ ký không rõ là của ai. Ông tuyên bố một cách rất long trọng:

– Nhân danh nhân dân Việt Nam, cụ Hồ Chí Minh, chủ tịch Ủy ban Giải phóng, cho chúng tôi cái danh dự đến Ngài để tiếp nhận quyền hành.

” Đó là lần đầu tiên tôi nghe đến tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đưa bản chiếu thoái vị. Trần Huy Liệu đọc bản chiếu cùng với Cù Huy Cận rồi 2 người nói riêng với nhau trước khi quay lại nói:

– Thưa Ngài, nhân danh nhân dân Việt Nam chúng tôi chấp nhận hoàn toàn bản chiếu này. Nhưng chúng tôi cũng xin đề nghị với Ngài là nên tổ chức một nghi lễ vắn tắt để trong buổi lễ Ngài đọc bản chiếu trước công chúng.

– Ngay buổi chiều hôm đó, trước vài ngàn người mặc triều phục được tụ tập vội vã trước cửa Ngọ Môn, tôi đọc bản chiếu cuối cùng của triều Nguyễn đề ngày 25-8-1945.

Vua Bảo Đại (bên phải)

Vua Bảo Đại (bên phải)

“Bản chiếu bắt đầu bằng:

Để toàn dân Việt Nam có hạnh phúc!

Để Việt Nam có được độc lập!

Trẫm tuyên bố sẵn sàng hi sinh mọi sự…

” Và kết luận bằng:

“Trẫm thích được làm công dân một nước độc lập hơn làm vua một nước bị trị ”

Hoan hô Việt Nam độc lập!

Hoan hô nước Cộng hòa Dân chủ!

“… Trong một bầu không khí ngượng ngập, tôi đưa chiếc ấn tượng trưng quyền hành cho Trần Huy Liệu.

“… Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận tiễn tôi ra khỏi cửa. Trước khi chia tay, người đại diện Ủy ban Giải phóng nói với tôi :
– Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn mời ngài ra Hà Nội để cùng thiết lập những thể chế cộng hòa.

– Tôi trả lời : Thưa ông trưởng phái đoàn, tôi xin ông cho tôi gửi lời cám ơn Hồ chủ tịch và sẽ không quên ra Hà Nội theo lời mời của Chủ tịch.

“… Trở thành công dân Vĩnh Thụy từ khi thoái vị, tôi không có việc chi làm ở Huế. Tôi quyết định theo lời mời của Hồ Chí Minh ra Hà Nội. (tr 121)

Cố vấn Tối cao của Chính phủ

” ngày 6-9 tôi tới Hà Nội. Tôi được ở căn nhà của thị trưởng Hà Nội cũ, đường Gambetta ( Hoàng Diệu? ). Sau khi tắm rửa, tôi đi đến Bắc bộ Phủ (dinh Thống sứ cũ) để dự bữa ăn buổi tối được tổ chức để đãi tôi.

” Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng bộ Nội vụ đón tiếp tôi và khi ra ngồi bàn, đưa tôi tới trình diện Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa mới tới. Ông bắt tay tôi một cách thân mật, cám ơn tôi đã tự rút lui và nói thêm:

– Chúng ta sẽ cùng nhau làm việc cho nền độc lập của đất nước.

” Ngày hôm sau 11 giờ tôi gặp lại Hồ Chí Minh và nói chuyện riêng với nhau. Thái độ của ông khác hẳn với ngày hôm qua; Ông đối với tôi có vẻ kính trọng và xưng hô với tôi như ở trong cung điện khi dùng chữ Ngài tương đương với chữ Sire trong tiếng Pháp, gần như thiếu một điều là xin lỗi đã lên nắm quyền:

– Thưa Ngài, chúng tôi không có liên quan gì đến bức điện mà ngài nhận được ở Huế đòi ngài phải thoái vị. Riêng về phần tôi, như khi tôi đã nói ngày 22-8, tôi muốn ngài vẫn đứng đầu nước và cử tôi làm thủ tướng chính phủ mới. Tôi không tán thành những kẻ đã làm áp lực với ngài để ngài phải thoái vị.

– Tôi cũng trả lời với cùng một lễ độ khi dùng danh từ tôn kính là Cụ (Vénérable) và cam đoan là tôi chỉ muốn làm một người công dân thường để chung sức xây dựng một nước Việt Nam mới, thống nhất và độc lập.

“Hồ Chí Minh có vẻ yên tâm và đưa ra một bức tranh đầy phấn khởi, khác hẳn với sự dè dặt trong những câu nói lần trước:

– Tất cả những giấc mơ của ta đang được thực hiện cùng một lúc. Không những thống nhất và độc lập sắp được Đồng Minh chính thức công nhận mà chiến tranh kết liễu, Nhật bản đầu hàng cũng cho phép chúng ta tiến tới một chế độ được toàn dân ủng hộ muôn người như một. Trong chế độ này mỗi người chúng ta đều có một tương lai kỳ diệu. Độc Lập, trở thành một Từ ngữ biểu tượng của đất nước , mãnh liệt như làn sóng thủy triều dâng lên từ đáy biển cả, khiến không có công cuộc nào mà chúng ta không thực hiện được…

“Trong cái áo varơ cổ cao đã sờn rách, với đôi giày săng đan thô lỗ và bộ râu lơ thơ, Hồ Chí Minh giống một nhà tu khổ hạnh đồng thời cũng giống một nhà nho Việt Nam thời xưa được đào tạo trong nền văn hóa Trung Hoa, thiên về thi tứ, văn chương triết học hơn là về hoạt động chính trị.

“Có sự ngược lại là từ thân hình mảnh khảnh, yếu ớt và từ cặp mắt sáng ngời như đang lên cơn sốt, thoát ra một niềm tin truyền cảm rất khắc phục, đồng thời cũng tỏa ra một sự thanh thản rất ấn tượng. Những câu nói của ông Hồ đều có dấu ấn của một ý nghĩa sâu xa về con người, của một sự chối bỏ mọi bạo động. Ông Hồ hoàn toàn có ý thức về những thực tại và nhưng tất yếu của Việt Nam. Ông cũng biết chiều hướng biến chuyển lịch sử dựa vào sự tự học và sự hiểu biết tất nhiên về thế giới Âu Tây cũng như thế giới Trung Hoa và thế giới Nga (tr129).

“Sau hơn một giờ nói chuyện, ông Hồ kết luận:

– Tôi yêu cầu ngài tham dự những buổi họp của hội đồng các bộ trưởng và nhận chức vụ Cố vấn tối cao của chính phủ.
“Yêu cầu này làm tôi bất ngờ. Tôi thật không bao giờ nghĩ sự góp phần kiến tạo một nước Việt Nam mới của tôi dưới hình thức này. Nhưng khi nghe ông nói, không thể chối cãi được ông Hồ là người muốn độc lập và thống nhất một cách cuồng nhiệt, nên tôi nhận lời (tr 130).

” Hội đồng bộ trưởng họp mỗi tuần một lần. Ngày 8-9 tôi dự phiên họp lần đầu tiên..

“… Thật ra hội đồng gồm 3 nhóm.

Nhóm cố cựu gồm những người theo chủ tịch Hồ Chí Minh từ thuở ban đầu như Trần Huy Liệu. Những người này sống lâu năm ở Nga, ở Trung Quốc hay biết nhau trong tù. Những người này chống Pháp kịch liệt.

Nhóm thứ hai gồm những người gọi là giáo sư trường Thăng Long, một trường tư về Luật (thật ra chỉ là một trường trung học) ở Hà Nội mà những nhân vật trong ban giảng huấn đều thuộc thành phần đại trí thức rất hiểu biết về chính trị.

Trong số những người này có Võ Nguyên Giáp. Cũng có những người là cựu cán bộ của đảng Cộng sản được hợp pháp hóa khi Mặt trận Bình Dân lên nắm quyền ở Pháp như Phạm Văn Đồng. Những người này đều có văn hóa Pháp, thông minh và có óc cởi mở. Tuy chống đối kịch liệt chủ nghĩa thực dân, tranh đấu hăng say cho nền độc lập, những người này không muốn đoạn tuyệt với nước Pháp.

Sau cùng là những người gọi là những người “ngả theo”, như Dương Đức Hiền, cựu chủ tịch Tổng hội sinh viên Hà Nội, hay Nguyễn Mạnh Hà, cầm đầu Thanh niên hoạt động Công giáo. Đa số những người này đều là kỹ thuật viên xuất thân từ những Trường Lớn của Pháp nhưng không được (Pháp) dùng đúng với bằng cấp và khả năng của mình.

“Hồ Chí Minh ngồi ở một đầu bàn và tôi được ngồi đối diện ở đầu kia.

“… Tôi cũng lần lần khám phá ra bộ mặt thật của Hồ Chí Minh:

Có một ngày, trong buổi họp Hội đồng có cuộc bàn cãi khá sôi nổi giữa Hồ chủ tịch và Vũ Trọng Khánh, bộ trưởng bộ Tư pháp ngồi bên phải cạnh tôi. Sau buổi họp Vũ Trọng Khánh đưa cho tôi một cuốn sách nhỏ và nói với tôi:

– Ngài có vẻ ngạc nhiên về phản ứng của vị chủ tịch chúng ta. Đọc cuốn sách này ngài sẽ hiểu rõ hơn.

Tôi nhìn cái tít “Cuộc đời Nguyễn Ái Quốc” do A. Marty, trùm mật thám của Phủ Toàn quyền thảo.

– Ai là Nguyễn Ái Quốc?

Khánh nhìn tôi rồi đưa đầu về phía Hồ chủ tịch đúng vào lúc ông đi gần chúng tôi để ra khỏi phòng họp. Ngạc nhiên vì điệu bộ chúng tôi, ông lướt mắt nhìn cuốn sách rồi nhún vai, nhếch mép cười một cách hóm hỉnh, bước ra khỏi phòng họp không nói một lời.

” Về đến nhà, tôi vội vã đọc cuốn sách. Nguyễn Ái Quốc chỉ là một tên trong số cả mấy chục tên khác trong cuộc đời phiêu bạt trước khi trở thành Hồ Chí Minh… Cuốn sách của Marty ngưng lại ở đoạn này. Giáp là người kể tiếp cho tôi từ khi ông Hồ trở về nước năm 1941 và thành lập Việt Minh ngày 19-5 ở Cao Bằng.

“… Sự giao thiệp của tôi với các “đồng sự” rất là tốt đẹp. Nếu tôi gọi là các anh thì họ đều gọi tôi với cái tít Ngài. Hồ Chí Minh muốn mọi người phải xưng hô như vậy. Tôi đặc biệt gắn bó với Vũ Trọng Khánh. Ông ta có vẻ trơ trọi vì không nằm trong đảng…

” … Tôi nhận được tin Phạm Quỳnh, cựu thủ tướng của tôi, bị bắt, cũng như Ngô Đình Khôi, anh của Ngô Đình Diệm và người con là Ngô Đình Huân, thư ký riêng của đại sứ Yokoyama. Tôi can thiệp với Hồ Chí Minh:

– Thưa cụ, ai cũng muốn giúp cụ mà tôi là người đầu tiên. Xin cụ rộng lượng. Khi cụ mới cầm quyền cụ thả hết mọi người tù. Xin cụ ra lệnh thả những người bị bắt từ khi đó.

– Thưa ngài, không thể được, dân sẽ không hiểu.

– Ít ra cụ cũng thả những người cộng sự của tôi. Họ không có trách nhiệm gì cả.

– Tôi hứa với ngài tôi sẽ lo chuyện đó.

Thật ra cả hai, Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi bị giết ngay từ đầu mà ông Hồ không biết. (tr 134)

” … Giữa chúng tôi ( Bảo Đại và ông Hồ ) hoàn toàn có sự thông cảm. Trong những buổi đàm đạo, không bao giờ đả động gì đến những vấn đề về hệ tư tưởng. Chúng tôi cùng đi với nhau đến gặp Sainteny, người thay Messmer làm ủy viên Cộng hòa Pháp ở Bắc bộ. Chúng tôi cũng đi gặp người Mỹ và những phái viên của họ : Lansdale và thiếu tá Patti và sau này là tướng Gallagher. Tôi thấy Hồ Chí Minh nói tiếng Anh khá được.

“… Trong những cuộc đi gặp như vậy tôi luôn luôn được đẩy đi trước, khiến tôi phải nói: thưa chủ tịch tôi chỉ là cố vấn. Trái lại trong những buổi họp và biểu tình, tôi chỉ được ngồi bên phải. Sau tôi mới hiểu đó chỉ là những thủ đoạn. Chính phủ được chấp nhận nhưng không được công nhận bởi Đồng Minh. Sự có mặt của tôi cho chính phủ có bộ mặt hợp pháp hơn và tôi chỉ là bảo lãnh. (tr 135)

Trung Quốc xâm nhập

“… Toán lính đầu tiên tới Hà Nội ngày 9-9-45. Sau đó là tràn ngập lính Tàu. Tất cả là 3 quân đoàn chừng 80 ngàn người, không kể bọn tùy tùng và bầu đoàn thê tử nhào xuống Bắc Việt như những đám cào cào châu chấu. Tới với danh nghĩa bảo vệ độc lập cho Việt Nam, tụi lính Tàu này cư xử như những kẻ xâm lược. Đối với đám quân này, gồm những lính Vân Nam và Quảng Đông, Bắc Việt là một xứ thần tiên.

” Ngay khi tới Hà Nội ngày 18-9, tướng Lư Hán, chỉ huy trưởng, đã chiếm tòa nhà Puginier làm chỗ ở, đuổi phái bộ Sainteny ra ngoài. Lư Hán đòi tôi cho tiếp kiến, chứng tỏ Trung Quốc cố ý không biết Hồ Chí Minh. Tôi trả lời là tôi sẽ tới chào nhưng cuộc viếng thăm phải theo đúng nghi thức và chủ tịch chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh là người tiếp kiến. Đồng thời tôi cũng báo cho ông Hồ. Một thỏa thuận được tìm thấy nhanh chóng : Hồ Chí Minh tiếp tướng Lư Hán với sự hiện diện của tôi trong một biệt thự được trưng dụng. Như vậy cuộc thăm viếng không có tính cách chính thức.

” … Cùng đi theo đoàn quân Tàu là một đám các nhà chính trị thuộc các đảng phái quốc gia trốn từ trước qua Tàu được Quốc Dân Đảng cho tị nạn. Các lãnh tụ VNQDD và Đồng Minh Hội nhất quyết lấy lại ưu thế.. Được che chở bởi các tướng lãnh và những cơ quan tình báo Trung Hoa dưới quyền tướng Tiêu Văn, những người quốc gia này vội vã tước súng ống và thay thế những ủy ban nhân dân (Việt Minh) được Hồ Chí Minh thiết lập ở các tỉnh. (tr 138)

” Tình thế mỗi ngày một trở nên khó khăn với Hồ Chí Minh.. Biết đời sống bị đe dọa, mỗi đêm ông ngủ một chỗ khác. Ông vẫn tin tôi nên chỉ mình tôi biết ông ngủ đêm nào ở đâu…

” Chủ tịch cũng có vẻ bận tâm về sức khỏe của tôi và những quan hệ bạn bè của tôi. Biết là tôi hay được các bạn bè mời ăn tối, ông khuyên tôi như một người cha là phải coi chừng khi giao thiệp với đàn bà gặp ở những bữa ăn đó

“… Tôi không dễ bị mắc lừa về thái độ (của ông Hồ) đối với tôi. Nhưng hồi đó tôi không thấy ông biểu lộ một con người cứng rắn, khắc nghiệt, như sau này.

” Đối với tôi, ông (Hồ) là người rất gắn bó với nền độc lập nước nhà; Những điều ông nói tôi đều thấy hợp với nhãn quan của tôi. Không cần biết quá khứ và phương pháp hành động của ông, với tất cả sự trung trực của tôi, tôi ủng hộ ông.
” Nói cho thật, tôi thích tư thế của ông (Hồ) hơn những lãnh tụ quốc gia, thật sự chỉ là bù nhìn của bọn Tàu. Trong sự hỗn độn tôi thấy Hồ chí Minh vẫn giữ được trầm tĩnh.

– Một buổi chiều Hồ chí Minh nói với tôi : Ngài thấy không, tôi rất thất vọng về thái độ của Đồng Minh : Tôi tưởng được Nga ưu đãi. Rút cục họ chả làm gì cho chúng ta cả. Họ cũng chả thèm gửi qua đây một quan sát viên. Họ hoàn toàn lãnh đạm với vấn đề Đông Dương. Còn người Anh thì chả cần nói, chỉ cần nhìn thái độ của họ ở miền Nam Việt Nam. Họ đã thiên về Pháp và giúp Pháp tiêu diệt đồng bào ta đang tranh đấu giành độc lập. Còn người Mỹ thì ngài đã cùng tôi gặp họ. Khi tôi rời Trung Quốc, đại diện của họ có hứa hẹn với tôi và cam đoan với tôi. Để làm vui lòng họ, tôi để trong Lời nói đầu của Hiến Pháp tuyên ngôn độc lập hệt như tuyên ngôn của Jefferson năm 1776. Chúng ta được những gì? một con số không… Họ chỉ lo thay thế người Pháp và vì vậy họ cạnh tranh với Tàu. Gallagher đã nhận lời làm trung gian giữa chúng ta và bộ Ngoại giao Mỹ và đưa ra những đòi hỏi của chúng ta. Nhưng để đổi lại, ông ta đòi được tự do tổ chức lại nền kinh tế của ta, thật ra chỉ muốn nền kinh tế của ta phụ thuộc họ. Đó là những nhà tư bản, có tư bản trong máu rồi ! đối với họ chỉ có business… Bữa nọ chúng ta khám phá ra là ban điều tra của họ tới hỏi cung những tù binh Nhật, không phải để biết những tội ác chiến tranh của Kampetai mà để biết những cơ sở của cửa khẩu Hải Phòng. Về phần bọn Tàu, thì ngài thấy…cả nước Tàu là một cái bụng đói ! Quốc Dân Đảng chỉ là những tên trộm bợm, những đám diều hâu. Chỉ một người mà ta có thể dùng được, đó là Tiêu Văn (Siao Wen). Đó là một đứa vô lại rất tốn tiền cho chúng ta, nhưng biết được thứ chúng ta muốn và những “combin” của hắn có thể sài được; Nhưng tôi cũng nghi ngờ hắn có thể trở mặt lúc nào không hay. Khi mới tới đây hắn chơi lá bài VNQDĐ, bây giờ hắn gật đầu mỉm cười với ta. Mai mốt biết hắn cười với ai ?… Nghĩ đi nghĩ lại, chắc chỉ còn có Pháp… (tr 140)

” Tôi không thể nén được ngạc nhiên trước cái kết luận như vậy nhưng nó hoàn toàn lô gíc.

“Hồ Chí Minh cho tôi thấy một lần nữa cái tài biết che giấu của ông. Ở Việt Nam công giáo chỉ là một thiểu số nhưng là một lực lượng năng động. 2 triệu tín đồ dính chặc với linh mục của họ. Ngay từ khởi đầu, Hồ Chí Minh đã tìm cách được lòng họ. Không thể không có ẩn ý khi chọn ngày 2-9 lễ Thánh Tử đạo Annam làm ngày Quốc khánh. Ông cũng đưa vào chính phủ Nguyễn Mạnh Hà khi học ở Paris là một thủ lãnh thanh niên Công giáo hoạt động xã hội và là con rể Georges Maranne, thượng nghị sĩ cộng sản quận Seine.

“Ngày 23-9 Nguyễn Mạnh Hà tổ chức một míting lớn ở Hà Nội tụ tập nhiều ngàn giáo dân để biểu lộ tinh thần ái quốc và sự tin tưởng vào chủ tịch Hồ Chí Minh.

” Cũng trong bầu không khí đó, lễ tấn phong Giám mục Lê Hữu Từ được sủa soạn ở Phát Diệm. Hồ Chí Minh yêu cầu tôi thay mặt ông dự lễ vì bị mắt kẹt ở Hà Nội ngày 28-9, tướng Lư Hán đến để chính thức tiếp nhận sự đầu hàng của quân đội Nhật.

“Nhưng ngày hôm trước, chủ tịch nói với tôi:

– Thưa Ngài, quân đội Pháp đã gần như dẹp yên kháng chiến Nam bộ. Sớm muộn gì bọn chúng cũng sẽ đổ bộ ở đây. Cần phải tránh không rơi vào tay chúng. Ngài là biểu tượng của nền độc lập Việt Nam. Ngài nên lợi dụng đi Phát Diệm để lánh xa Hà Nội.

– Tôi hỏi thế cụ thì sao?

– Ồ ! với tôi đường lối đã vạch sẵn.

” Bữa sau tôi đi Phát Diệm cùng với Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng bộ Nội vụ. Giám mục Lê Hữu Từ thuộc dòng tu kín (trappiste) là một nhân vật rất lạ lùng. Người bé nhỏ gầy đét trong bộ áo trắng dòng tu rộng thùng thình, cặp mắt sáng ngời lại sáng hơn nữa vì 2 lưỡng quyền nhô cao. Ông nổi tiếng trong dòng tu vì tài điều động công việc và rất biết rõ những mưu mẹo thương thuyết mặc cả.. Buổi lễ dưới quyền chủ tọa của giám mục Hà Nội là Nguyễn Bá Tòng. Giáp được Hồ Chí Minh ủy thác là mời tân giám mục Lê Hữu Từ làm cố vấn tôn giáo cho chính phủ. Đức cha Lê Hữu Từ nhận lời ngay tức khắc. (tr 141)

” Sau buổi lễ Giáp trở lại Hà Nội còn tôi đi Sầm Sơn, một bãi biẻn nghỉ mát ở gần Thanh Hóa.

“… Vào khoảng giữa tháng 12, một đại biểu Ủy ban tỉnh Thanh hóa đến gặp tôi và nhân danh chính phủ mời tôi ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Tôi nhận lời về mặt nguyên tắc và nhắc lại là tôi muốn trở về Hà Nội. Ông này hỏi tôi:

– Thưa ngài; ngài muốn ra ứng cử dưới danh hiệu nào?

– Dưới danh hiệu đảng Cộng sản. Tôi trả lời với chút châm biếm trước một câu hỏi như vậy.

– Không thể được thưa ngài, ông ta trả lời một cách rất nghiêm túc : Đảng Cộng sản Đông Dương đã được giải tán theo quyết định của Ủy ban Trung ương ngày 11-11.

Tôi làm sao biết được những gì xẩy ra ở Hà Nội từ ngày tôi đi khỏi.

– Vậy thi ghi tên tôi là một người cộng hòa.

” Trong 3 tuần tôi không nhận được tin tức gì. Đúng ngày 7-1 có một phái đoàn đến báo tin tôi đã trúng cử vào Quốc hội và cuộc bầu cử đã diễn ra ngày hôm qua. Tôi được bầu đại biểu tỉnh Thanh Hóa với 92% số phiếu. Mọi người đều chúc tụng tôi. Còn tôi thì không biết ngày bầu cử và tất nhiên là tôi cũng chưa đi bầu. (tr 145)

” Nhưng bây giờ tôi đã là đại biểu Quốc hội. Tôi nhờ phái đoàn nói với Ủy ban Thanh Hóa là tôi muốn trở về Hà Nội càng sớm càng hay và xin cung cấp săng cho xe tôi. 8 ngày sau, mọi chuyện đều xếp đặt xong xuôi và tôi rời bỏ Sầm Sơn trở về Hà Nội, lòng nhẹ nhõm.”

(Còn tiếp)

© Phong Uyên

© Đàn Chim Việt

9 Phản hồi cho “Bảo Đại: Tối cao cố vấn của ông Hồ [1]”

  1. Trần Đại Phú says:

    Trích: “Những sự kiện liên quan đến ông Hồ được ông Bảo Đại kể lại trong phần này chứng tỏ Bảo Đại cũng như hầu hết người dân Việt thời đó, đều bị ông Hồ mê hoặc khi ông hô hai câu thần chú “Độc Lập”, “Thống Nhất”. (hết trích)

    Tôi chỉ đồng ý một phần với tác giả Phong Uyên. Nhưng càng đọc lại càng thêm giận Bảo Đại! Không chỉ Hồ Chí Minh là tên ma lanh đểu cáng, mà chính Bảo Đại cũng là kẻ vô trách nhiệm, nên Hồ Chí Minh mới dễ bề thao túng?

    Trích tiếp: “Tôi không biết ai là những thủ lãnh. Vậy mà những người này lại có những tiếp xúc với Đồng Minh Trung Hoa, Mỹ, Pháp, khi mà những lời kêu gọi tôi gửi cho Tổng thống Truman, Thống chế Tưởng Giới Thạch, Anh hoàng và tướng de Gaulle đều không được trả lời… Những lãnh tụ này có súng ống, có phương tiện, nắm được chính quyền dễ dàng trong khi tôi sống trơ trọi trong một kinh thành đã chết. Sự thành công dễ dàng của các lãnh tụ này phải chăng là đó là dấu hiệu họ đã nhận được mệnh trời?

    Đừng đổ thừa cho “mệnh trời”, mà Bảo Đại hãy tự đấm ngực sám hối, bởi vì lo ăn chơi trác táng, không quan tâm việc nước, đến nỗi ai làm gì cũng không hay biết, không lưu tâm chấn chỉnh, kiểm soát chính quyền do ông lãnh đạo, ai làm gì cũng không biết, vì thế nên những lời kêu gọi của Bảo Đại gửi cho Truman, Tưởng Giới Thạch, Anh hoàng và tướng de Gaulle đều không được trả lời, nhưng họ lại quan tâm đến những tên vô danh tiểu tốt như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp?

  2. HỘI ĐỒNG QUÂN NHÂN CÁCH MẠNG - says:

    Mặt mày cũng láng bóng vậy , khi hãnh diện tuyên bố trước Việt Minh và quốc dân đồng bào :
    ” Ta thà làm dân một nước tự do ( Việt Nam Dân chủ cộng hòa ) , còn hơn là làm một vua nô lệ ( cho td Pháp ” .

    Vậy mà cuối cùng , Bảo Đại đã bị Diệm truất quyền .

    Rồi sau nữa , quốc trưởng Diệm lại chết còng queo dưới chân giày lính VNCH , thảm hại phơi xác nơi sàn xe bọc thép !

  3. Nguyễn Thế Viên says:

    Tôi suy ngẫm một số việc:
    1. Tinh thần “nệ ngoại” đã luôn khiến một số nhân vật có ảnh hưởng cuả phe quốc gia (không CS) gây nên tôi đối với tổ quốc, đồng bào:
    - Do bị HCM và CS loè là đã được đồng minh ủng hộ nên đã để cho HCM và CS cướp chính quyền một cách quá dễ dàng (trong khi lực lượng các đảng phái quốc gia lú đó mạnh hơn phe CS). Vua Bảo Đại lại thoái vị trao quyền cho chúng. Không những thế lại chịu vào CP liên hiệp. Điều này khiến bọn HCM cướp được chính nghiã.
    - Một số đảng phái quốc gia (VNQDĐ, ĐV) chú trọng đến các giai tầng trên trong XH (trí thức, Tiểu tư sản…). Ngược lại CS chủ trương xây dựng cơ sở nơi tầng lớp LĐ (nông, công dân, tiều thương…). Trường hợp này còn thấy được nơi một số các đoàn thể chống cộng hải ngoại (chỉ có quan và hầu như không có lính). Tuyên truyền xúi dục căm thù giai cấp là sở trường cuả CS.
    - HCM và CSVN liên kết chặt chẽ vớiTàu cộng (tuy mãi 1949 mới hoàn toàn thành công) trong khi các phe phái quốc gia thì dưạ vào Tàu phù tham ô và sắp thua. Họ cũng chưa hề nhận được cam kết nào cuả đồng minh mà đã vội giao trứng cho ác!!
    - Thậm chí sau này các lãnh đạo VN cuả Đệ Nhị CH cũng “ngó HK” mà chiến đấu. Mỹ viện trợ bao nhiêu thì đánh bấy nhiêu, không viện trợ thì bỏ chạy!!!! Điều này không chỉ diễn ra ở cấp cao mà còn ở các chỉ huy cỡ trung (xin đọc hồi ký về trận Hoàn sa cuả Hạm Trưởng HQ 16).
    2. Ý đồ cuả HK:
    - Chính HK huấn luyện và cung cấp vũ khi cho đội quân sơ khai cuả CSVN (Trung đội VNTTGPQ do VNG chỉ huy).
    - Sỹ quan tình báo HK dự lễ tuyên bố độc lập cuả VNDCCH. Lời nói đầu bản tuyên ngôn độc dường như cũng do người MỸ soạn giúp.
    - Đồng minh, do HK cầm chịch, chia việc giải giới quân Nhật cho hai nước Tàu (tưởng) từ vĩ Tuyến 16 ra Bắc và Anh từ Vĩ tuyến 16 vào Nam (có quân Pháp đi theo để tái lập thuộc điạ).
    - Năm 1972 HK mở màn bang giao với Tàu cộng (để chống Nga cộng?) bằng món quà VN (?): buộc VNCH ký HĐ Paris bất lợi hoàn toàn, làm ngơ cho Tàu cộng chiếm Hoàng Xa.
    Các sự kiện nêu trên khiến tôi có hoài nghi là phải chăng Tư Bản HK và Tàu đã có ý đồ phân chia ảnh hưởng từ lâu. Nói trắng ra là HK giao VN cho Tàu???!!!
    Không đủ tài để diễn tả hết nỗi lòng, nhưng tôi nghĩ, tuy sự giúp đỡ cuả thế giới bên ngoài là cần thiết, nhưng chỉ khi nào người Việt yêu nước (không CS) có sức mình cuả chính thì nước VN mới hy vọng có tự do – dân chủ thực sự. Không ai chết thay cho chúng ta đâu!!
    Điều ước mong lớn nhất cuả tôi là được về chết tại quê hương không còn bóng dáng bọn CS vô nhân. Tuy nhiên ước nguyện đó có vẻ xa xôi quá!
    Nguyễn Thế Viên

    • tonydo says:

      Còn trật vào đâu nữa!
      (Trích) Các sự kiện nêu trên khiến tôi có hoài nghi là phải chăng Tư Bản HK và Tàu đã có ý đồ phân chia ảnh hưởng từ lâu. Nói trắng ra là HK giao VN cho Tàu???!!! (hết trích).
      Còn gì để mà nói.
      Tất cả là quyền lợi.
      Xin giữ sức khoẻ. Ai biết đuợc ngày mai.

  4. Thợ Mộc says:

    Vua Bảo Đại nên được gọi là Bảo Dại thì đúng hơn, ai nói sao nghe vậy, buồn…

    • NON NGÀN says:

      VỊ VUA CUỐI CÙNG
      CỦA NHÀ NƯỚC QUÂN CHỦ
      VIỆT NAM

      Việt Nam có cái may và cái không may là có vị vua cuối cùng của triêu đại phong kiến quá hiền lành. Vì quá hiền lành nên không để lại sự nghiệp gì vẽ vang cho muôn dân và cũng không gây tàn hại cay nghiệt gì cho muôn dân.
      Vị vua cuối cùng quả thật chỉ có tầm lòng trong sáng với dân với nước.
      Không tham quyền cố vị nên sẵn sàng từ ngôi, thoái vị để làm một công dân của đất nước.
      Nhưng cũng không phải cố đấm ăn xôi hay quá mụ mẩn để mãi làm thân phận bù nhìn.
      Ông thật tình cũng cố vùng vẫy trong điều kiện khách quan của mình, trong hoàn cảnh khách quan của lịch sử để lo cho dân cho nước rất tiếc là không thành công hay kết quả. Chính tầm lòng và ý thức của ông là quý nhất, không phải những điều gì ông đã thực hiện hay không thực hiện được.
      So với nhiều nước khác trong cùng hoàn cảnh cáo chung của chế độ quân chủ, vị vua cuối cùng của nước là là cựu hoàng Bảo Đại thật rất đáng cho mọi người dân đúng đắn hãnh diện và yêu quý ông.

      Giờ thì Ngài cũng đi rồi
      Nhưng còn tiếng tốt cõi trời Việt Nam
      Cựu hoàng Bảo Đại cao sang
      Tuy rằng không mấy vẻ vang trên đời
      Tầm lòng Ngài vẫn đủ rồi
      Làm dân ta vẫn kính ngài không thôi !

      ĐẠI NGÀN
      (19/3/14)

  5. Hồ Bác Cụ says:

    Mới đọc phần đầu, cảm nhận đầu tiên của tôi là lời đồn về ông Bảo Đại quả có phần đúng: Ông ngây thơ về chính trị và thiếu hiểu biết về thủ đoạn cùng những việc thủ tiêu đã xảy ra trong khi ông chỉ lo đi du hí, tiệc tùng. Bị Hồ chí minh cho làm bù nhìn để đoạt chính nghĩa, giống hệt như Tào Tháo đem vua Hán đế ra để thu phục các chư hầu, mà không biết, biết rồi lại không lo từ chức. Làm chính trị khó hơn làm vua, và ông Bảo Đại đã chọn cái dễ.

    • NON NGÀN says:

      LUẬN VỀ VUA BẢO ĐẠI VÀ CỰU TỔNG THỐNG DIỆM

      Người quân tử hay kẻ đứng đắn luận về người khác luôn cần phải chính xác, khách quan theo điều mình hiểu và theo ý thức trong sáng mà mình có. Không chủ quan, không định kiến, không xu thời, không vô ý thức và vô trách nhiệm mới là điều thiết yếu nhất.
      Vua Bảo Đại là người có tấm lòng nhưng sinh trong điều kiện nghịch cảnh nên thật uổng phí một đời người. Không có công nhiều mà cũng không có tội nhiều, đó là điều mọi người cần nên ghi nhận đối với vị Hoàng đế cuối cùng này. Bảo Đại không có đạo Thiên chúa nhưng lấy hoàng hậu Nam Phương có đạo Thiên chúa, chứng tỏ ý thức của cựu hoàng cũng bình dân và trong sáng, không phân biệt đối xử hay không kỳ thị gì ở vào vị trí như ông.
      Ông Ngô Đình Diệm cũng phải thừa nhận là người có lòng, có tâm huyết với nước như vua Bảo. Nhưng chắc hẳn ông Diệm có tài năng hơn Bảo Đại. Vả chăng ông Diệm gặp thời hơn, hoàn cảnh lịch sử có thuận lợi hơn cho bản thân ông, đó là điều khiến kết quả ông khác hơn cựu hoàng Bảo Đại. Cho nên việc vua Bảo Đại chọn ông Diệm đứng ra làm
      Thủ tướng, không phải nhà vua không sáng suốt nếu xét về mặt công ích mà nhà vua mong muốn. Cho nên ông Diệm thực chất cũng đã làm được nhiều việc theo năng lực của ông. Tiếc rằng ông bị nhiều lực lượng đối nghịch phá hoại cho nên nửa đường sự nghiệp lớn của ông đành phải đứt gánh. Đó cũng là điều thật đáng tiếc thương cho bản thân ông Diệm và cho xã hội VN xưa nói chung.
      Việc ông Diệm được vua Bảo Đại phong lên nhưng rồi chính ông Diệm lại đứng ra truất phế Bảo Đại, có nhiều người cho là phản trắc. Thật sự đó chỉ là cái nhìn tầm thường của những lòng dạ tầm thường. Ông Diệm sở dĩ truất phế Quốc trưởng Bảo Đại, vì ông ta muốn mình được hoàn toàn toàn quyền để thực thi mọi hoài bão và mong ước đúng mức của mình mà không bị hạn chế. Có nghĩa ông Diệm không phải là người vì danh lợi riêng để làm chuyên này mà chính ông vì mục đích cao cả theo ông quan niệm để làm việc này. Điều này càng cho thấy ông Diệm có tài và có thực chất thật sự mà không phải chỉ là kẻ nô lệ hư danh.
      Còn khía cạnh khác, gia đình ông Diệm là gia đỉnh Thiên chúa giáo, ông là người rất mộ đạo nhưng quan niệm suy tôn Khổng giáo và luân lý dân tộc của ông Diệm là điều không phủ nhận được. Tức ông Diệm là người có đầu óc suy nghĩ rạch ròi, không mờ tối, không thiên vị dù là mặt nào trong bản thân ông.
      Thế nhưng có số người chống đối ông Diệm vào thời của ông, cũng chẳng phải họ hay ho, sáng suốt gì hơn ông Diệm, chẳng qua chỉ vì tâm lý về hùa, nông cạn hay nông nỗi. Sự việc ông Diệm bị thất bại về cuối đời, không phải do bản thân ông mà là chính do hoàn cảnh lịch sử bên ngoài tạo nên. Mãnh hổ nan địch quần hồ chính là tính bi đát của thân phận về sau của ông Diệm. Chính những kẻ nịnh bợ, những người thân cân ông về sau đã làm ông thành chủ quan, kém sáng suốt hơn là như thế. Âu chính thời thế đã làm hại bản thân ông quả thật là điều đáng tiếc. Ngay như hiện nay, nói điều gì đứng đắn về ông Diệm cũng còn bao kẻ nhao nhao lên chống đối, thì hãy tưởng tượng vào thời của ông nó như thế nào. Quả thật rất đáng tiếc cho ông. Cho nên Bảo Đại và Ngô Đình Diệm vẫn đích thị là nạn nhân của hoàn cảnh và thời cuộc hơn là nạn nhân do chính bản thân của họ. Quả thật đáng thương và cũng đáng tiếc cho cả hai người họ thay.

      NGÀN KHƠI
      (19/3/14)

  6. Tô Mã Ý says:

    Tại Hồng Kông, Vua BẢO ĐẠI đả phán một câu xanh rờn :

    ” Chúng ta già trẻ, đều bị thằng côn đồ nó đánh lừa.”

    Thưa vong linh Hoàng thượng, nếu thằng Côn Hồ không
    được OSS nó cưu mang theo quỷ kế tính trước của nó,
    thì thằng Côn Hố chẳng đánh lừa đước mấy ai.” — bởi
    cò có mặt hoàng thượng, còn có các chánh đảng yêu
    nước khác, còn các tôn giáo. Thằng Côn Hồ bắt đầu làm
    chó dẫn đường cho Mọi Da Đõ từ lâu, mà it ai ngờ…)

    Tất cả đều uy về cái đầu sợi dây múa rối marionettes
    trong tay thằng OSS.

    Cung kính, TMY

Leave a Reply to Tô Mã Ý