Miền Tây Hoa Kỳ: Sóng thần & Động đất
6:25 sáng ngày Thứ Hai 17/3/2014, thành phố Los Angeles rung chuyển nhẹ. Động đất 4.4 độ Richter gần xa lộ 405. Trung tâm nằm trong vùng đường Mulholland Drive và đường Sepulveda trên một đường nứt (1) lạ thuộc vùng núi Santa Monica. Trong 80 năm qua chưa có một rung chuyển nào lớn hơn 3.0 Richter trong vùng này.
Sau trận động đất lớn năm 1994 ở Northridge, quận Los Angeles, miền nam California không bị trận động đất mạnh nào. Cho nên khi trận động đất 4.4 ngày 17/3 xẩy ra tại một đường nứt lạ các nhà địa chấn xem đó là một rung chuyển báo động một trận động đất lớn có thể đến bất cứ lúc nào trong vòng 30 năm tới tại California dọc theo đường nứt San Andreas. Trận động đất 5.1 độ Richter lúc 9:09 chiều ngày 28/3/2014 tại La Habra trong quận Cam càng làm cho giới quan sát địa chấn quan tâm và lo lắng hơn.
Sự quan tâm đến đường nứt San Andreas từng là mối lo thường trực của các nhà điạ chấn. Nhưng do thời tiết trên thế giới biến chứng bất thường, các nhà địa chấn bắt đầu quan tâm đến đường lèn (2) Cascadia trên bờ biển bắc California qua tận Canada băng qua hai bang Oregon và Washington State.
Mới đây hai phóng viên Rong-Gong Lin II và Rosanna Xia lật hồ sơ cũ và đưa ra cảnh giác rằng một trận động đất và sóng thần (tsunami) lớn có thể xẩy ra trên đường lèn Cascadia .
Đường lèn Carcadia gồm 3 lớp đá (3) được đặt tên Juan de Fuca, Gorcia và North American. Hai lớp đá Juan de Fuca và Gorcia lèn dưới lớp North American theo một đường dài 1.100km song song với bờ biển kéo dài từ bắc California, qua Oregon, Washington state và British of Columbia , Canada. Khi hai lớp Juan de Fuca hay Gorcia chuyển động chen dưới và nâng lớp North American lên thì có động đất dọc ven biển và sinh ra sóng thần.
Trong 100 năm qua đường lèn Cascadia đã sinh ra 6 trận động đất độ lớn 7.0 Richter hay hơn. Gần đây hơn, năm 1992, một trận động đất 7.2 trung tâm tại làng Petrolia, Tây Nam Eureka (California) 50km làm bị thương 95 người và nâng một ven biển dài ít nhất 24km lên hơn 1m, biến biển thành đất liền. Năm 2005 một trận khác cũng 7.2 độ Richter ngoài khơi thị trấn Crescent City (California), và mới nhất hôm Chủ Nhật 9/3/2014, một trận động đất 6.8 xẩy ra cách bờ biển Bắc California 80km, phía Tây thị trấn Eureka. Cả hai không gây thiệt hại gì.
Các dấu tích trong vùng và tài liệu sóng thần đánh vào bờ biển Nhật Bản mấy thế kỷ trước cho thấy năm 1700 đường lèn Cascadia đã gây ra một trận động đất 9.0 độ Richter và một cơn sóng thần vĩ đại dội băng qua Thái Bình Dương đánh vào bờ biển Nhật Bản.
Các nhà địa chấn tính toán khả năng tích lũy năng lượng trên đường lèn Cascadia thấy rằng khoảng 300 năm đường lèn có đủ độ căng để sinh ra động đất. Và kết luận: một trận động đất 9.0 độ Richter và một làn sóng thần vô cùng to lớn có thể xẩy ra bất cứ lúc nào từ giờ phút này.
Nếu xẩy ra, sóng thần sẽ tràn ngập nhiều thành phố ven biển bắc California, Oregon, Washington state, một đoạn dài xa lộ 101 sẽ bất khiển dụng, ước lượng độ 100 cây cầu bị cuốn trôi, và 10.000 người Mỹ và Canada có thể sẽ chết với tổn thất chung quanh con số 70 tỉ mỹ kim.
Để giảm thiểu tổn thất nhân mạng điều quan trọng nhất là trang bị máy báo sóng chính xác và nhanh. Trong trận động đất năm 2011 tại Nhật, máy báo sóng thiếu chính xác đã tăng thêm mức tổn thất. Hiện nay máy báo sóng đặt ngoài khơi bang Oregon báo sóng vào thời điểm 30 phút sau khi sóng hình thành. Thời gian này cần thu lại trong khoảng 5 phút.
Về phòng chống, bang Washington không có đất cao. Chính quyền đang cho xây tường chắn sóng để dân chúng có thì giờ leo lên mái nhà. Đồng thời cũng có kế hoạch xây 50 đồi nhân tạo, mỗi đồi có đủ chỗ và tiện nghi tạm thời cho 800 người.
Trở lại đường nứt San Andreas. Theo tính toán địa chất đường nứt San Andreas được tạo hình cách đây 28 triệu năm gồm hai lớp đá Thái Bình và Bắc Mỹ (Pacific plate & North American plate) gặp nhau dọc theo chiều dài bang California từ cáp Mendocina đến biên giới Mexico. Quận San Diego, Los Angeles và thành phố Big Sur nằm trên lớp đá Pacific, trong khi quận San Francisco, các thành phố San Jose, Sierra Nevada nằm trên lớp đá Bắc Mỹ. Các thị trấn Desert Hot Springss, San Bernardino, Wrightwood, Palmdale, Gorman, Frazier Park, Daly City, Point Reyes Staton và Bodega nằm ngay trên đường nứt.
Trận động đất San Francisco năm 1906 làm dân California còn sợ đến bây giờ là do hai lớp đá nói trên chuyển động cọ vào nhau. Hai lớp đá địa chất này chuyển động rất chậm, trung bình chừng 7 hay 8 cm trong một năm, nhưng liên tục không ngừng nghỉ trong hàng triệu năm qua. Nếu tại một nơi nào đó hai lớp đứng yên bên nhau, chúng chịu đựng sức căng sức đẩy từ các phần khác của lớp đá bằng cách tích lũy năng lượng. Khi hết chịu được chúng giải tỏa năng lượng, bung ra sinh ra động đất.
Sau khi giải tỏa qua trận động đất San Francisco năm 1906, đến nay thời gian đã đủ để đường nứt San Andreas sinh ra một trận động đất khác. Tuy nhiên lời đồn rằng nếu có một trận động đất lớn trên đường nứt San Andreas, miếng đất phần bên trái của California có khả năng chìm xuống biển Thái Bình là một lời đồn nhảm. Các nhà khoa học tính toán và quả quyết rằng một điều như vậy không thể xảy ra.
Đi theo đường nứt San Andreas, vết nứt có thể thấy tại Carrizo Plain trong quận San Luis Obispo và Olema Trough trong quận Marin dưới hình thức mặt đất chênh nhau (escarpment) hay những vết nhăn trồi lên như một rặng núi nhỏ (ridges). Trong quận Los Angeles và San Bernardino đường nứt bị bụi đá và cây cối che khó thấy. Nhưng trên các tuyến đường chạy dọc theo vết nứt người ta có thể nhận ra sự hiện diện của đường nứt qua các con đường đầy bụi đá, do đá nằm trên vết nứt bị nghiền nát qua thời gian .
Nét đặc biệt của đường nứt San Andreas là cấu tạo đá hai bên đôi khi rất khác nhau do chuyển động ngang của hai lớp đá qua hằng chục triệu năm. Thí dụ đá granite trong vùng trung và bắc California là đá từ Bắc Mexico hay Nam Califrornia trượt lên.
Nét đặc biệt khác của đường nứt San Andreas là tính bình dân. California dân cư đông đúc, khí hậu ôn hòa, đường sá chằng chịt và dọc theo đường nứt từ Bắc xuống Nam không thiếu các khu rừng công viên (Parks) nên dân California hay khách du lịch có thể tiếp cận và quan sát đường nứt dễ dàng. Chỉ cần một bản đồ, một chiếc xe tốt và một quyết tâm muốn xem đường nứt.
Tiên báo động đất và chuẩn bị phương tiện cứu hộ là một quan tâm lớn của chính quyền California. Báo động càng sớm, tổn thất càng ít. Một vài cơ sở tư đã có khả năng bán chương trình báo động cho một số cơ sở chính quyền thành phố như sở chửa lửa, khu học chánh …
Cơ sở tư bán báo động có nhiều khách hàng nhất hiện nay trong vùng Nam California là sở báo động Seismic Warning Systems ở Scotts Valley. Giá mua báo động chừng $1,200 một năm cho trường học và $2,500 cho một sở chửa lửa và cấp cứu .
Cách đây một năm Quốc hội California thông qua luật thiết lập hệ thống báo động công tư phối hợp toàn bang, chi phí dự trù 80 triệu mỹ kim. Luật này tạo ra sự tranh cãi giữa giới kinh doanh (muốn toàn tư), và giới khoa học (muốn toàn công). Vụ tranh cãi “công hay tư” này có thể trở thành một sự tranh cãi có màu sắc Dân Chủ – Cộng Hòa như cuộc tranh cãi hiện nay về bộ luật Obamacare.
Hiện nay các nhà địa chấn đang thí nghiệm một hình thức báo động công cọng bằng cách chuyển tín hiệu báo động (5.0 Richter trở lên) vào máy vi tính và điện thoại cầm tay loại Smartphone (như blackberry, iPhone. Galaxy …) của bạn. Tùy theo khoảng cách nơi bạn đang ở với trung tâm rung chuyển (epicenter), máy bạn vừa báo động vừa cho biết thời gian động đất tới.
Thị trường bán báo động thay đổi tùy theo tính de dọa của động đất. Vùng gần đường nứt San Andreas, thí dụ vùng Coachella Valley, đắt hàng nhất. Hoặc khi có một trận động đất xẩy ra thì có thêm khách hàng. Năm 2010 sau trận động đất xẩy ra vào dịp lễ Phục sinh trên biên giới California và Mexico, chính quyền quận Imperial (một quận nằm ở cực nam California) thông qua ngay quyết nghị xuất ngân sách $250,000 để thiết đặt báo động cho 20 cơ sở chính quyền liên hệ đến công tác cứu hộ.
Về mặt chuẩn bị cho từng cá nhân, mỗi người cần đặt câu hỏi và nên có một câu trả lời. Khi động đất lớn hay sóng thần đến: (1) Phải làm gì nếu đang ở trong nhà, ban đêm hay ban ngày, ở công sở, đang đi dạo mát, đang ngồi trên xe … … (2) Chuẩn bị thực phẩm như thế nào, (3) Nếu phải chạy cần mang giấy tờ thuốc men gì theo (4) Làm sao liên lạc với thân nhân, (5) Giúp người chung quanh ra sao ? (6) …
Bầu khí quyển nóng dần do chúng ta đốt than đốt dầu để sản xuất năng lượng đã làm cho cho thời tiết thay đổi một cách căn bản trong thập niên qua: Các tảng băng miền Bắc Cực tan nhanh, gió lạnh xuống thăm tận miền Florida, Texas . Nước biển dâng cao lấn đất. Bão lụt lớn và triền miên vào dịp Thu Đông. Mùa hè nắng gắt hạn hán, đồng khô nước cạn. Cuồng phong ì ầm thổi tan nhà cửa hằng chục dặm vuông. Trong không khí đe dọa đó, một tâm lý chuẩn bị đương đầu với thiên tai là một tâm lý cần thiết./.
March 29, 2014
© Trần Bình Nam
© Đàn Chim Việt
——————————————————————-
Ghi chú:
(1) Đường nứt (fault): Danh từ địa chấn, là đường gặp nhau giữa hai lớp đá (plate) giáp nhau hay cách mí nhưng không lèn lên nhau. Thí dụ: đường nứt San Andreas.
(2) Đường lèn (subduction): Danh từ địa chấn, là đường gặp nhau của hai lớp đá, lớp này lèn dưới lớp kia, thí dụ đường lèn Cascadia.
(3) Lớp đá (plate): Danh từ địa chất, là các lớp đá xếp lên nhau tạo thành vỏ quả đất.
Tài liệu tham khảo:
· Potent Threat: Los Angeles Times, 13/3/ 2014, by Rong-Gong Lin II & Rosanna Xia
· A Wake-up Call on L.A.’s faults: Los Angeles Times March 18, 2014 by Rong-Gong Lin II & Rosanna Xia
· Google
Xả súng ở căn cứ quân sự Mỹ
Căn cứ quân sự Mỹ ở Texas vừa bị ít nhất một tay súng tấn công, làm bốn người thiệt mạng và 14 người bị thương.
Sự việc xảy ra vào khoảng 4h30 chiều 2/4 tại căn cứ quân sự Fort Hood, các nhân chứng và quan chức quân đội cho biết. Hệ thống báo động khẩn cấp trong căn cứ lập tức vang lên.
“Một vụ nổ súng đã xảy ra ở Fort Hood và có người bị thương”, AFP dẫn thông tin đăng tải trên Twitter của căn cứ Fort Hood cho hay. “Tất cả quân nhân trong căn cứ được yêu cầu trú ẩn tại chỗ”.
“Họ đề nghị được hỗ trợ”, Donnie Adams, cảnh sát trưởng hạt Bell ở gần căn cứ, nói.
Các quan chức Mỹ cho biết vụ việc làm bốn người chết và ít nhất 14 người bị thương. Các phương tiện khẩn cấp nhanh chóng đến hiện trường.
Nhân chứng mô tả nghi phạm nổ súng là đàn ông da trắng, lái xe Toyota màu xám và sử dụng súng lục .45. Kẻ này được cho là ở trong tòa nhà y tế tại căn cứ. Nguồn tin địa phương cho biết có hai nghi phạm. CNN cho hay một nghi phạm đã chết.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ông “rất đau lòng” khi xả súng lại xảy ra ở căn cứ Fort Hood.
Vụ nổ súng tương tự từng xảy ra vào ngày 5/11/2009 ở căn cứ trên, làm 12 người chết và 31 người bị thương. Kẻ tấn công, Major Nidal Hasan, bị một cảnh sát dân sự bắn chết tại hiện trường. Đó là vụ thảm sát tồi tệ nhất tại một căn cứ quân sự Mỹ.
Như Tâm