Giang hồ oan
Chiều nay, đang lang thang đi tìm nhà thuê tình cờ gặp lại một người em giang hồ. Qua những lời tâm sự biết được hắn đã bỏ xứ ra đi để tránh “Lệnh cưỡng bức”. Lệnh cưỡng bức nghe có vẻ xa lạ đối với nhiểu người nhưng đối với dân giang hồ không ai không biết đến lệnh này. Nó còn được biết đến với một tên gọi khác đó là “Lệnh cưỡng bức lao động”. Trong hệ thống pháp luật Việt nam nó được gọi tên hết sức “nhân đạo và cao cả”: Quyết định đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên và quyết định đưa vào cơ sở giáo dục đối với người thành niên. Đây là một loại quyết định hành chính.
Giới giang hồ thường kháo với nhau rằng: thà đi tù chứ đừng bao giờ đi cưỡng bức lao động vì trong trại giáo dưỡng hay cơ sở giáo dục còn kinh khủng hơn trong nhà tù. Kinh nghiệm của những người từng bị đưa vào trường giáo dưỡng hay cơ sở giáo dục được truyền trong giới giang hồ: “Nếu thấy khả năng có thể bị đưa đi cưỡng bức thì tốt nhất là bỏ xứ, không thì nên cố tình phạm một tội nào đó nhẹ nhẹ để được Tòa án xử bằng một bản án”. Thọat nghe thấy vô lý, nhưng tìm hiểu các quy định của pháp luật về vấn đề này chúng ta sẽ thấy lời khuyên trên là có cơ sở vì các lẽ sau đây:
1. Bản chất của trường giáo dưỡng hay cơ sở giáo dục là một nhà tù.
2. Quyết định đưa vào trường giáo dưỡng là một quyết định hành chính có hiệu lực thi hành ngay, không có cơ hội kháng cáo, kháng nghị như bản án của Tòa án, tức là cơ hội giành lại sự tự do hoàn toàn không có.
3. Quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục thường có thời hạn là 24 tháng. Trong khi đó bản án của Tòa có thể là 6 – 9 tháng hoặc một năm nếu phạm tội ít nghiêm trọng, ngoài ra bản án có thể là tù treo hoặc cải tạo không giam giữ.
4. Những bản án 6 – 9 tháng hay một năm thì thông thường được thụ án tại trại giam tỉnh nhà, người thân dễ có điều kiện để thăm nuôi.
Đối chiếu các quy định pháp luật về Quy chế cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng chúng ta thấy nó giống như chế độ của trại giam, đó là:
- Diện tích chỗ nằm của trại viên, học viên là 2,5m2.
- Mỗi năm, mỗi trại viên được cấp 2 bộ quần áo dài, 2 bô quần áo lót, 2 khăn mặt, một đôi dép, một bàn chải đánh răng, 1 chiếc mũ. Một quý được cấp 1 hộp kem đánh răng, 0.6kg xà phòng. Ba năm được cấp 1 chăn, 1 màn.
- Định mức ăn hàng tháng của trại viên là: gạo 15kg; thịt hoặc cá 0,8kg; đường 0.3kg; muối 0,5kg.
- Mỗi ngày lao động 8h.
- Mỗi tháng được thăm nuôi 2 lần, mỗi lần không quá 2h.
- Thân nhân muốn thăm nuôi phải có đơn xin thăm nuôi được xác nhận của chính quyền địa phương.
- Khi chấp hành xong quyết định được cấp giấy chứng nhận.
Ngoài những điểm giống nhau như trên thì cán bộ quản giáo ở cơ sở giáo dục và trại giam đều phải có các điều kiện giống nhau là tốt nghiệp trường cảnh sát hoặc trường an ninh. Cơ sở giáo dục hoặc trường giáo dưỡng được cấp và sử dụng vũ khí như trại giam.Còn rất nhiều điểm giống nhau nữa mà xét thấy không cần phải liệt kê ra hết ở đây.
Như vậy, giới giang hồ đã không sai khi nói cơ sở giáo dục, giáo dưỡng của Việt nam cũng như nhà tù. Ở đây chỉ có sự khác nhau về tên gọi đó là: Tù nhân và trại viên, nhà tù và trường giáo dưỡng, giáo dục.
Sự đánh tráo tên gọi ở đây nhằm che đậy một sự thật hết sức man rợ của Nhà nước Việt nam hiện nay là: “Tước đoạt sự tự do của con người mà không cần phán quyết của Tòa án”. Trong khi đó cả nhân loại và nhà nước Việt nam đều xác định rằng: Con người chỉ bị mất tự do bởi một phán quyết có hiệu lực của Tòa án. Theo pháp lệnh xử phạt hành chính 2002, Điều 24 và 25 quy định những người sau đây có thể bị đưa vào trường giáo dưỡng hoặc cơ sở giáo dục:
- Người từ 12 tuổi đến 14 tuổi có dấu hiệu phạm tội rất nghiêm trọng, hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
- Người từ đủ 14 tuổi đến 18 tuổi nhiều lần thực hiện hành vi ăn cắp vặt, lừa đảo nhỏ, đánh bạc nhỏ v.v.v.
- Người đủ 18 tuổi thực hiện các hành vi vi phạm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Với quy định như vậy rõ ràng không cần phạm một tội trong bộ luật hình sự, chỉ cần có dấu hiệu hoặc có hành vi chưa tới mức truy cứu thì có thể bị tước đọat sự tự do đến hai năm. Cũng cần lưu ý rằng đối với bản án, sau khi chấp hành xong thì được trả tự do ngay, còn đối với quyết định đưa vào trường giáo dưỡng hoặc cơ sở giáo dục có thể bị gian hạn thêm nếu vi phạm các nội quy của trường hoặc cơ sở giáo dục.
Không biết việc giáo dục giáo dưỡng như thế nào nhưng đa số các các “học viên”, các “trại viên” sau khi trở về đếu trở thành các tay “anh chị” đầy số má trong giang hồ và liều lĩnh hơn. Cá biệt có nhiều trường hợp đã chết trong trường giáo dưỡng hoặc cơ sở giáo dục. Có trường hợp bị tàn phế sau khi đưa đi cơ sở giáo dục về như trường hợp của anh Nguyễn Minh Hà (khu 4, xã Phú ninh, Huyện Phú lộc, tỉnh Phú thọ) mà báo Pháp luật TpHCM đã đưa tin ngày 18/04/2010.
Chúng ta không bào chữa hay biện minh cho những hành động càn quấy, sai trái của giới giang hồ nhưng chúng ta phải thấy rằng sự tự do của con người không thể bị tước đọat một cách hết sức đơn giản như vậy. Nhà nước có Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, có Công an, có Kiểm sát, có Tòa án, có nhà tù thì sự tự do của con người chỉ bị tước đọat khi và chỉ khi có phán quyết của Tòa án. Cho dù giang hồ có càn quấy, có sai trái như thế nào đi chăng nữa thì khi và chỉ khi họ phạm một điều luật của Bộ luật hình sự mới bị tước đọat sự tự do. Không thể lấy lý do phòng ngừa tội phạm để tước đọat “ quá sớm” sự tự do của con người như vậy được!
Mất sự tự do không bằng một phán quyết có hiệu lực của Tòa án là một sự oan sai.
Nguồn: Blog Lê Trần Luật
luat khong de noi voi dau goi
(Tòa soạn: Mời bạn vào vpskeys.org tải phần mềm gõ tiếng Việt miễn phí)