Thôi đành phụ nhau
Viết về tác giả và tác phẩm ký ức Huỳnh Văn Lang.
Bác Huỳnh Văn Lang, ở tuổi 90 không ai có thể sánh được. Trí tuệ sáng suốt, thể lực mạnh mẽ, lời nói vang dội, đi đứng vững vàng
“Để người phụ, tôi không phụ người.”
Giữa câu chuyện, tôi chợt nghe bác Huỳnh Văn Lang nói: Tôi thà để người ta phụ mình. Tôi không phụ người.
Đó là cách trò chuyện của tác giả ký ức Huỳnh Văn Lang. Đôi khi ông chợt nhẩy vào giữa câu chuyện. Phải theo một lúc mới bắt kịp. Tôi hỏi. Bác nói phụ ai, ai phụ. Trả lời. Tôi không phụ anh em tổng thống. Người anh phụ tôi, cất chức viện Hối Đoái mà không cho tôi biết. Người em giải tán kỳ bộ Cần lao của tôi mà không có lý do chính đáng. Người ta phụ tôi nhưng tôi không phụ người. Tôi thương cho người anh mà tiếc cho người em.
Tập Ký ức Huỳnh Văn Lang gần 900 trang, tác giả dành để kính dâng hương hồn tổng thống Ngô đình Diệm và ông cố vấn Ngô đình Nhu. Ông viết lời tâm huyết.
Vô cùng thương cho người Anh và tiếc cho người em.
Bìa cuốn sách là hình tổng thống Ngô đình Diệm. Dưới có ghi tác giả xuất bản và trình bầy.
Bìa trong là hình ông Ngô đình Nhu. Mặt trong của bìa sau là hình bà Ngô đình Nhu.
Phía ngoài bìa sau mới là hình phác họa chân dung tác giả. Phía dưới có một câu hết sức đặc biệt.
Cám ơn đời đãi ngộ tôi quá nhiều.
Nhưng bây giờ tôi lại thiếu quá lớn, thiếu cả vòm trời của một quê hương.
Theo tôi nghĩ, lời cám ơn đời của tác giả, hết sức chân thực. Đọc về cuộc đời tác giả, có thể lời cảm ơn chưa đủ. Sẽ không bao giờ đủ. Bởi vì thực ra quê hương Việt Nam đã đãi ngộ ông nhiều hơn tất cả mọi người,trong mọi thời đại. Đời ông không còn gì để phàn nàn. Nhưng bác vẫn phàn nàn bằng cả một cuốn sách.
Đời của bác Huỳnh Văn Lang, ở tuổi 90 không ai có thể sánh được. Trí tuệ sáng suốt, thể lực mạnh mẽ, lời nói vang dội, đi đứng vững vàng. Ông thách đố với định mệnh, ông sẵn sàng đối thoại với mọi vấn đề. Ông đặt tên cho những vấn nạn lịch sử, ông phê phán nhân sự từ Âu sang Á, trong và ngoài chính quyền, trong mọi hoàn cảnh và mọi thời đại. Ông là tay chơi của xứ Nam Kỳ. Từ đá cá thia thia đến săn cọp. Ông là khai quốc công thần của Đệ nhất Cộng Hòa. Ông là người số 2 của đảng Cần Lao. Chỉ đứng sau số 1 Ngô đình Nhu.
Ông là người hưởng bổng lộc hợp pháp nhiều nhất của đệ nhất Cộng Hòa. Ông là người đứng đầu phong trào Bình dân giáo dục và nhà bảo trợ sáng lập của tạp chí Bách khoa. Ông thành hôn với giai nhân Bắc hà, con gái của nhà hàng vàng danh tiếng Đức Âm. Ông là sinh viên du học Mỹ được thủ tướng Diệm triệu hồi đích danh về giúp nước. Nhưng trong kỳ đảo chánh tổng thống Diệm, chính ông cũng lại là người sẵn sàng hợp tác với đại tướng Khiêm để hy vọng thực hiện giải pháp giữ lại tổng thống Diệm và loại bỏ ông Nhu.
Nhưng phe tướng lãnh lúc đó xét ra không cần và không tin nên đã bỏ rơi ông Huỳnh Văn Lang và cả Phạm Ngọc Thảo.
Kết quả đảo chánh thành công, hai anh em tổng thống bị giết. Người bạn gần như đồng chí của ông Huỳnh Văn Lang là Phạm ngọc Thảo bị giết. Riêng ông Lang bị bắt, ra tòa và sau cùng được trả tự do. Trước sau ông bị tù chưa đến 2 năm. Tài sản bị mất khá nhiều, nhưng cũng còn lại khá nhiều vì dưới tên của bà Đức Âm, là mẹ vợ. Sau khi ra tù, lúc đó là thời kỳ nhiễu nhương giữa 2 nền Cộng Hòa. Đệ nhất đã cáo chung và đệ nhị chưa chính thức ra đời.
Cuộc đời của tác giả Huỳnh Văn Lang chuyển qua giai đoạn làm ăn và trở thành phú gia địch quốc.
Tác giả đã liệt kê và mô tả chi tiết công việc làm ăn thành công với 4 tổ chức vĩ đại. Hòa Phong công ty nhập cảng hàng trăm ngàn xe gắn máy Honda, rồi mở Đại Á ngân hàng qua công ty Đông Phương. Một lãnh vực khác rất mới mẻ với thị trường thương mại Việt Nam là công ty Bảo hiểm và tái bảo hiểm Phượng Hoàng. Sau cùng là Phương Phương Export mà tác giả tự nhận là 1 trong 2 tội lớn của con người. Thứ nhất là phá Sơn lâm và thứ hai là đâm Hà bá. Công ty Phương Phương là nỗ lực phá rừng xuất cảng gỗ trên toàn vùng cao nguyên Đắc Lắc, Lâm Đồng, Ban Mê Thuộc, Quảng Đức, Pleiku, Kontum.
Xem như vậy cuộc đời của tác giả Huỳnh Văn Lang hết sức phong phú, kỳ ngộ, đột biến và rất nhiều cơ hội. Chỉ riêng về cuộc đời của một con người, quá đủ để viết thành 1 cuốn trường thiên tiểu thuyết.
Ra mắt sách
Tôi đã tường thuật hết sức vắn tắt đến quý vị về cuộc đời của tác giả qua chính tác phẩm của ông . Tuy nhiên còn rất nhiều chi tiết lý thú phải tự đọc mới thấy được. Bây giờ, ngang đây xin ghi lại cũng vắn tắt về buổi ra mắt sách và phần chúng tôi tham dự.
Khi cuốn ký ức số 1 bác Lang xuất bản có nhờ chúng tôi đọc và góp ý. Vì chỉ đơn thuần là cuộc đời của một thanh niên miền Nam mới trưởng thành. Đọc rất thú vị nên tôi có viết bài gọi là tán thưởng. Lần nầy tác giả muốn chúng tôi đọc và cho ý kiến chân thực. Dược sĩ Bẩy, người bạn San Jose trưởng ban tổ chức cũng mời anh em tham dự và thỏa hiệp xin cứ phê phán tự nhiên.
Buổi ra mắt sách tại VIVO San Jose vào chiều chủ nhật phải nói là tuy không đông đảo nhưng hết sức hấp dẫn. Giáo sư Ngô đức Diễm điều hợp chặt chẽ và trật tự. Bác sĩ Nguyễn Thượng Vũ trong tình thân hữu với tác giả bao năm đã hết lòng ca ngợi bác Lang về mọi lãnh vực. Đặc biệt là về cá nhân và thành quả văn học, văn hóa. Về thú ăn chơi săn bắn và sưu tầm đồ cổ. Đến nhà văn Diệu Tần thì soạn bài công phu khi nói về tác phẩm. Rất mạch lạc và chi tiết, ông nêu lên các nhận định của bác Huỳnh Văn Lang về đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa. Đặc biệt các đoạn tác giả lên án hoặc nhắc lại các lời phê phán về tướng lãnh trong vụ đảo chánh. Những lời phê phán hết sức nặng nề. Một đoạn ghi rõ nhất khi tác giả nhắc lại ý kiến của Phạm ngọc Thảo và cho rằng đại tá quân báo Connor cũng ghi nhận như vậy.
Nguyên văn như sau. Minh là đại ca đại ngu. Đôn là thằng đểu, Đính là thằng dốt, Đỗ Mậu gian, Kim là điếm chính trị, Oai là thằng hèn, Xuân là tên đại ác. Trong suốt tác phẩm, tác giả nhắc đi nhắc lại nhiều lần các tướng lãnh cầm quyền ngu, dốt, gái, tiền. Tác giả cũng thanh minh rằng khi nói đến người lính cầm quyền là chỉ các ông này. Không phải là các tỉnh trưởng và quận trưởng nhà binh.
Tác giả xác nhận là cuốn sách viết để tưởng nhớ anh em ông Diệm, nên các hình ảnh trình bày do chính tác giả sắp xếp là nhằm vào mục đích kể trên.
Rõ ràng ghi nhận tác phẩm là trải tấm lòng của tác giả với đệ nhất Cộng Hòa. Người phụ ta chứ không phụ người và đồng thời cũng lên án mạnh mẽ phe tướng lãnh đã chủ trương nhà Ngô must go toàn diện. Khác với tác giả cũng chủ trương đảo chánh nhưng chỉ có Nhu must go mà thôi.
Thôi đành phụ nhau
Rất tiếc là chúng tôi đã phụ lòng của tác giả và nhà tổ chức khi góp ý kiến quá thẳng thắn trên diễn đàn như sau:
Tôi buồn nhiều hơn vui khi đọc tác phẩm nầy. Ý kiến phê phán tác giả và tác phẩm thì khá nhiều nhưng vì hết sức tôn trọng tuổi tác và khí phách của bác Lang qua tình thân hữu nên chỉ trình bầy giới hạn.
Người xưa có nói rằng. Dân thế nào thì vua thế ấy. Quân ra sao thì tướng như vậy. Tướng lãnh của chúng tôi mà xấu xa tệ hại như thế, thì thuộc cấp còn ra làm sao. Dù rằng thực ra, nằm trong chăn chúng tôi biết chăn có rận.Trải qua bao năm quân ngũ, trực tiếp dưới quyền các tướng lãnh như thế, làm sao tôi không biết là các niên trưởng của tôi có những sai lầm tệ hại. Nhưng ngày nay rõ ràng vì thù hận mà tác giả lên án nặng nề . Hỏi là hàng cấp dưới chúng tôi, ai chả đau lòng. Nghĩ đi nghĩ lại, các vị tướng mà bác Lang nhắc đến tên từ Dương văn Minh, Tôn thất Đính, Đỗ Mậu, Trần văn Đôn, Trần tử Oai, Mai hữu Xuân, Lê văn Kim xem ra đều dốt và hèn. Nhưng các vị niên trưởng khác của chúng tôi chưa vươn lên trong giai đoạn cách mạng bỏ tù Huỳnh Văn Lang. Họ lên tướng đợt sau nhưng cũng có lúc vẫn vừa dốt lại vừa hèn. Ngay như thân phận anh em cùng khóa chúng tôi, có người chưa tốt nghiệp trung học mà đã ra trường sĩ quan. Nào có cơ hội học hành gì đâu mà tránh được bản án dốt nát. Sau này trải qua 21 năm chinh chiến, chuyện tứ đổ tường trong chúng tôi, anh nào cũng có lúc ra vào thong thả. Lính mà em. Chinh chiến có lúc mạnh lúc yếu, lúc can đảm lúc hèn nhát.
Vì vậy nghe bác chửi thượng cấp, làm sao lại không đau lòng. Lại xin có lời thưa rằng, xem lại các thượng cấp dốt nát mà bác chê bai chửi bới thì trăm phần trăm là do tổng thống Ngô đình Diệm tin cậy, nhận xét, cân nhắc, luôn luôn với sự cố vấn hết sức tinh tế của ông Ngô đình Nhu. Rồi mới thăng cấp và bổ nhiệm.
Làm sao các ngài lại để ra cớ sự như vậy. Lính tráng và các sĩ quan cấp dưới chúng tôi đâu có bầu ra tướng lãnh. Đặc biệt là các tướng lãnh cầm đầu đảo chánh và sau nầy họ bắt bác bỏ tù. Vì vậy xin bác nghĩ lại không nên nặng lời với anh em như thế.
Bác đã từng là đệ nhất công thần của chế độ, ngày xưa khi vua bị giết, quan đại thần phải chết theo. Nay bác chỉ bị tạm giữ, xem chừng mấy ông tướng vẫn còn sợ nhân vật Cần Lao số 2 của chế độ. Lại nói về Cần Lao, xin báo cáo bác rõ dù muộn màng gần 50 năm, là ở cấp dưới chúng tôi đã khổ vì mấy ông Cần Lao biết chừng nào. Phải chi ngày xưa tôi quen với nhân vật số 2?
Vấn nạn tiếp theo là trong giai đoạn người lính cai trị kéo dài suốt đệ nhị Cộng Hòa. Lính là tổng thống, thủ tướng, tỉnh trưởng và quận trưởng. Đó lại là giai đoạn mà tác giả làm giàu. Làm giàu trong chiến tranh. Thời đệ nhất Cộng Hòa tác giả tiền bạc dư thừa vì hưởng quyền lợi hợp pháp qua tiền thưởng trên công vụ điều tra sai lầm hối đoái. Quả thực không 1 người lính tham nhũng nào được hưởng quyền lợi nhiều hơn những phần thưởng hợp pháp như thế. Đó chính là nguồn gốc của bất công. Khi mới ra trường, tiểu đoàn hành quân tự do thành công sau khi chết mấy anh lính. Đơn vị được thưởng là con bò chết vì lạc đạn. Trong khi đó ở trên trời cao các bác được thưởng đủ tiền mua dinh thự. Cho đến năm 1975 lương của cá nhân tôi cấp đại tá cũng chỉ có năm, sáu chục ngàn tương đương với 50 mỹ kim một tháng. Suốt đời đi lính, cho đến năm 75 tôi chưa có dịp cầm trong tay tờ 100 mỹ kim. Và tôi biết rằng các anh em khác còn khốn nạn hơn nhiều. Một lần đi công tác về Tân sơn Nhất, không có xe đón đúng giờ. Tôi tháo lon leo lên xe ôm của 1 anh lính ở cổng phi trường. Khi xuống xe mới biết anh xe ôm là thiếu tá. Chiến hữu thường cũng bỏ lon chở lính Mỹ từ Tân sơn nhất về đường Tự do. Cũng là một chuyến đi làm về, có tiền mua sữa cho con.
Vì vậy tôi cho rằng giàu có trong chiến tranh là 1 tội lỗi. Xem ra suốt cuộc đời thành công và tung hoành ngang dọc. Tác giả dù sống trong lòng đất nước, nhưng vẫn không biết lính tráng chúng tôi đã khổ sở biết chừng nào.
Vì vậy nên không cách chi giải thích được khi bác đổ tội cho người lính cầm quyền, người lính cai trị.
Tuy nhiên, sau cùng, độc giả nên tìm đọc tác phẩm của tác giả Huỳnh Văn Lang. Giá trị của tác phẩm là hết sức chân thực, thẳng thắn, hết sức chủ quan, không vòng vo khách sáo. Đa số các nhân vật đều bị đả kích. Ngay cả các nhân vật tác giả hết lòng kính trọng cũng có dịp phơi bầy những yếu kém sai lầm. Có cả đoạn tác giả đề nghị tổ chức đối lập cuội trong quốc hội nhưng gọi là đối lập xây dựng. Tuy nhiên độc giả cần có 1 máy lọc để tự mình thẩm định. Tác phẩm nầy về chất lượng rất phong phú tha hồ cho máy lọc làm việc. Buổi ra mắt sách này có hai vị đại tướng rất nên là độc giả đang ở gần gũi San Jose nhưng lại không đến dự. Đại tướngTrần Thiện Khiêm ở San Francisco và đại tướng Nguyễn Khánh ở Palo Alto. Riêng phần chúng tôi, rất tiếc không thể ca ngợi thêm tác giả và tác phẩm. Xin đành phụ lòng anh em.
Giao Chỉ, Vũ văn Lộc
Xin nêu 2 chi tiết:
1. Ông Giao Chỉ viết: Cho đến năm 1975 lương của cá nhân tôi cấp đại tá (ông Giao Chỉ) cũng chỉ có năm, sáu chục ngàn tương đương với 50 mỹ kim một tháng…
Xin nói: 50.000 – 60000 S tương đương với 500 mỹ kim vì hối xuất đương thời là hối xuất song hành (hối xuất chánh thức: 1$US = 110$VN; hối xuất tự do: 1$US = 220$VN. Ông đi công tác nước ngoài ông được hưởng hối xuất chánh thức). Tiền VN đương thời vẫn còn “có giá” dù VN đang bị lạm phát; còn cân đo đong đếm…
2. Ông Giao Chỉ viết: Vì vậy tôi cho rằng giàu có trong chiến tranh là 1 tội lỗi…:Theo tôi, làm giàu trong chiến tranh khác với làm giàu do chiến tranh. Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, nên kinh tế thị trường vẫn hoạt động ở VNCH, nhà kinh doanh được làm giàu do làm ăn chân chánh; con làm giàu do chiến tranh là lợi dung tình trạng để làm giàu (thí dụ: vụ xuất cảng đồng vỏ đạn, vu còi hụ Long An, vu phân bón,…. và còn hàng trăm hàng ngàn vụ khác….). Nói thế, chứ ngày đi tù cải tạo, tài sản tôi co 200 $US do để dành trong chuyến đi Mỹ tu nghiệp, 20.000 $VN (tôi đem theo 15.000 $VN để đóng tiền cơm) và 2 lượng vàng; het.
HVT (cựu SQ Quân Pháp, cựu giám đốc nha, cựu giảng viên đh)
ĐỜI NGƯỜI
Không lẽ đề tựa bài ngắn này lại viết “Từ đại gia Huỳnh Văn Lang đến Giao Chỉ, Vũ Văn Lộc”, nên tôi chọn lại là “Đời Người”. Phải công nhận tác giả Lộc có bài viết hay, thành khẩn, chí tình. Điều đó ai công tâm đọc lên có thể cảm nhận được. Mặc dầu vẫn có những người không ưa, đã từng chửi ông Lộc rả rích. Còn ông Lang lại đúng là một đại gia thứ thiệt. Một con người giàu khả năng như vậy, quả thật lúc nào thuận lợi đều có thể vươn lên được. Cái tài là cái khách quan, không phải ai muốn cũng được. Cái tài cũng là cái đa dạng, đa diện, không thể so sánh hơn thua hoặc kỳ thị, phân biệt lẫn nhau. Nhưng quả thật một đất nước càng nhiều những khả năng, những đầu óc độc sáng chừng nào, dân tộc đó mới là dân tộc vững mạnh và triển vọng thật sự. Ông Lang đang còn du học mà cố TT Diệm triệu về, chứng tỏ năng lực ông ra sao và tấm lòng ông Diệm như thế nào. Đó là sự thật. Chỉ có những người kém ý thức, bôi bác mới có thể nói xỏ xiên điều nọ điều kia. Thật thì đất nước từ xưa vẫn đã có những đại gia, những nhà tư bản có hạng, đó là điều tốt, điều mừng, vì nhờ có những đại gia như thế mà nền kinh tế xã hội mới có những nhân tố phát huy, tiến triển thật sự. Hay nói chung lại, mọi lãnh vực nào cũng phải cần có những đầu óc, tài năng, đó là những tinh hoa, không phải chỉ là số đông thường tình, đó chỉ là những chất liệu, không phải các chất men làm dậy bột như những người tâm huyết, những tài năng xuất sắc thật sự trong tất cả các mặt, các phương diện, lãnh vực. Song nói như vậy cũng chỉ là nói một chân lý, sự thật khách quan tầm thường mà ai cũng biết.
Bây giờ vì thế chuyển sang nói một ý khác. Đó là đời người hay là cái số của con người. Điều này thì ai cũng biết những không phải nhiều người công khai thừa nhận. Như ông Huỳnh Văn Lang chẳng hạn, không chỉ có tài mà vừa có số. Đó là số làm quan lớn, làm giàu, làm đại gia mà không phải ai muốn cũng được. Cái tài và cái số của ông Lang đã kết hợp hay giao thoa nhau chính là thế. Cái này giúp cho cái kia phát huy cũng như ngược lại. Nhân đây cũng nói hình như khoa tử vi đẩu số cũng là một khoa học bí nhiệm không phải hoàn toàn phi lý hay không tin được. Làm tướng, làm giàu, làm vua, làm quan thật ra đều có số cả. Nói có vẻ buồn cưởi, phi lý, nhưng thật ra là thế. Chỉ có những kẻ nông cạn, hợm mình mới phủ nhận, dè bỉu điều đó. Bởi vì ý nghĩa sự vật là phải hiểu thật tới nơi tới chốn, không phải chỉ hiểu ở mức nào cũng được. Tuy nhiên, số hay tài là một chuyện. Nhưng chính số và tài ấy có giúp gì cho đại cuộc, cho mọi người, cho xã hội mới là chuyện khác.
Ai cũng biết lịch sử VN cận đại chỉ có hai nhân vật nổi bật nhất là Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm. Đó là sự thật. Vì không có hai nhân vật này cũng không có mọi cái khác đi theo. Mọi nhân vật đi theo khác thực chất chỉ là cái kéo theo, cái hệ lụy bởi chính hai nhân vật cốt cán này. Vả lại, thậm chí không có HCM, cũng chưa chắc đã có NĐD. Vì lịch sử lúc đó đã đi vào lối rẽ khác, sẽ có những bóng dáng khác, vì mọi hình ảnh chính trị không bao giờ thiếu trên đời. Chỉ có những kẻ ngu khờ mới tung hô thần tượng. Như ngạn ngữ có nói không mợ chợ cũng đông là thế. Mà trên thế gian này không thể chỉ có một chợ mà vô số chợ ở khắp nơi, khắp thời, nên mợ nào cũng là mợ đi chợ thế thôi.
Nói cụ thể hơn, ông HCM sở dĩ có là vì đã có chủ nghĩa cộng sản, đã có hệ thống XHCN trên thế giới mà Liên Xô là quê hương xuất khẩu. Nếu không có những tiền đề đó, chưa chắc đã có ông Hồ. Bởi ông Hồ hoàn toàn khác ông Phan Chu Trinh, ông Phan Bội Châu v.v… vì những người này là các nhà yêu nước, các nhà cách mạng hoàn toàn độc lập. Trong khi ấy ông Hồ dù ai nói sao thì nói, vẫn được hun đúc từ trong lò mác xít lêninít mà ra. Và khi đã ra rồi, ông cũng không thể hoàn toàn độc lập tự do mà không thể không bị kiềm chế hay không thoát ra được mọi chi phối, mọi sức mạnh, mọi di lụy của phe ta cho được. Đó là thực chất, chỉ có những cán bộ dưới cơ của ông Hồ mới không thấy được điều đó. Còn người tuấn kiệt thức thời ở khắp mọi nơi, mọi thời đều hoàn toàn thấy được.
Cho nên ông Diệm đúng là một thứ phản đề lại đối với sự tồn tại của ông Hồ.
Nhưng thực tế yếu tố ông Diệm đã không giải quyết được yếu tố ông Hồ, chẳng qua chỉ cản trở, làm chậm đi yếu tố ông Hồ trong thời gian lịch sử của đất nước mà thôi. Cuối cùng yếu tố ông Hồ lại xóa bỏ được yếu tố ông Diệm là như thế.
Đến hiện nay, khung cảnh thế giới lại hoàn toàn thay đổi. Yếu tố ông Hồ lại một lần nữa bị phủ nhận. Bởi vì VN lại đã hội nhập quốc tế, lại đã đi vào kinh tế thị trường sau khi LX và khối Đông Âu tức XHCN bị sụp đổ và hoàn toàn tan rã. Thế giới đã đi vào giai đoạn phản đề thật sự, và VN cũng đã đi vào giai đoạn phản đề, trái ngược lại cái tiền đề đã có thật sự. Nên những kẻ ra rã ca ngợi ông Hồ đều không phải là những kẻ tuấn kiệt của dân tộc mà thực chất đều chỉ là những phường giá áo túi cơm của xã hội mà bất kỳ ở đâu hay thời nào cũng có.
Nói cụ thể, ông Diệm là người tôn thờ chủ nghĩa quốc gia dân tộc, ông Hồ là người tôn thờ chủ nghĩa vô sản quốc tế mác lênin là trên hết, thế thôi. Bởi ông Diệm nhận thấy chân lý cuộc đời luôn chỉ bình thường. Ông Hồ thì nhận thấy chân lý cuộc đời chỉ là chủ nghĩa ý thức hệ cách mạng vô sản vậy thôi. Mác và Lênin cho rằng ai không phải như ta đều là bọn tư sản, bọn phản động. Đó cũng chính là quan điểm của ông Hồ coi ông Diệm là kẻ theo đế quốc Mỹ, là kẻ phản động, còn mọi cán bộ của ông đều cho Diệm là kẻ bán nước, phản dân, thế thôi.
Bây giờ thì mọi màn cũ đều đã hạ. Trung Quốc đang tính bài xâm lược VN bằng mọi cách thật sự tinh vi, quy mô, mạnh mẽ, lâu dài. Video cuộc đời lại sắp chuyển qua một tập mới của dân tộc. Điều này lại cũng trở nên một phản đề lại của cái từng được gọi là chủ nghĩa quốc tế vô sản, chủ nghĩa CS khoa học để xây dựng một thiên đàng hạ giới như mọi lãnh tụ CS từng mơ ước theo kiểu này hay kiểu khác, thật hay giả, cuồng tín hay lợi dụng cho tham vọng sự nghiệp cá nhân và bè nhóm riêng tư.
Nhưng trở về phần ông Diệm, ông cũng là người có số làm vua nhưng lại vắn số công danh. Đó cũng là điều đáng tiếc cho ông.
Song cái đáng tiếc nhất của ông Diệm là quá chủ quan, thiếu tự tin, thiếu quan điểm thực tế, nên phần nào đã rơi vào hiện tượng gia đình trị cho dầu thâm tâm ông không hề muốn như vậy. Phía ông Nhu cũng thế. Ông phải ông Nhu ngu không thấy ý nghĩa gia đình trị là tệ hại, nguy hiểm. Song chỉ vì muốn chống cộng bằng mọi cách, nên anh em ông Diệm đều tự rơi vào chiếc hố do tự mình đào ra mà không tiên liệu hết được. Nhưng mặt khác, đó lại là thông lệ tự nhiên của xã hội con người. Ngạn ngữ VN cũng nói một người làm quan cả họ được nhờ là như thế. Tức ông Diệm, ông Nhu đã không thắng được bản thân, không thắng được thời thế, chẳng phải họ ngu hay lẩn thẩn. Ngay các cách dùng những tướng lãnh mà ông Huỳnh Văn Lang nhận xét cũng thế. Chưa chắc ông Diệm ngu nhưng ông bất đắc dĩ chỉ dùng vì thời thế, dùng để đợi thời cơ làm lành mạnh quân đội thế thôi.
Tuy nhiên, cũng còn điều khác đáng trách nơi ông Diệm. Ông quá tin vào đạo của ông, tức đạo Thiên chúa, nên hầu như có khi phong trào thiên chúa giáo hóa xã hội có phần được mở rộng hơn. Tuy ông Diệm là người khôn ngoan, biết tôn trọng các tôn giáo khác, song trong thực chất, sự vụng về nào đó của ông khi dùng phương thức dĩ độc trị độc, tức dùng hữu thần chống lại vô thần, mà đề cao hay thể hiện sự ưu ái hơi quá mức với đạo của ông, cũng là một vết khứa làm cho chính thân xác chế độ của ông đã phải bị chảy máu một cách nguy hiểm. Cao trào chống Diệm chẳng qua là sự hùn gió bẻ măng bởi nhiều lực lượng trong đó kể cả lực lượng của ông Hồ, mà cao điểm nhất là các biểu tình liên tiếp của Phật giáo khiến chế độ Diệm cuối cùng phải sụp và Dương Văn Minh lên thay thế vào giờ chót một cách buồn cười và èo uột.
Sau hết, nói tới cũng phải nói lui, nói qua cũng cần nói lại. Nếu ông Hồ bị kẹt vào trong vòng kim cô của thế giới CS. Ông Diệm cũng không phải không kẹt vào trong lực lượng vật chất và bàn tay lông lá của Mỹ. Chính xã hội thụ hưởng nhờ viện trợ Mỹ quá mức khiến ông Diệm phần nào chủ quan, lạc quan, nên làm cho kinh tế tự cường, tực lực hơi kém phát triển theo đúng yêu cầu khách quan thật sự. Nhưng Mỹ thấy lá bài Diệm dùng để chống lại CS quốc tế của LX, TQ là hiệu quả nên đã hậu thuẫn, giúp đỡ miền Nam, giúp đỡ chế độ Diệm một cách toàn diện và chí tình ngay từ đầu. Thế nhưng một khi thấy ông Diệm và miền Nam tự ngã ngựa. Mối nguy hiểm về quyền lợi quốc tế của Mỹ đã rõ ràng, thế là Mỹ bắt tay với các lực lượng chống Diệm để đốt cháy lá bài Diệm, để cho ông Diệm và Nhu bị sát hại là lẽ tự nhiên. Nên các quyền lợi chung của đế quốc, dù đế quốc nào, đế quốc LX, hay đế quốc Mỹ trước kia, cũng chẳng khác những chiếc vòi bạch tuộc ôm chặc lãnh đạo các nước nhược tiểu, cô đơn, lạc hậu, và sẳn sàng thanh toán vì lợi ích riêng của mình vẫn chỉ như thế đó.
Thế nên người tuấn kiệt trong một dân tộc, một đất nước trước kia, ngày nay và cả tương lai đều phải thấy tất cả những điều này. Vì có thấy có biết thời thế mới là tuấn kiệt. Còn không cũng chỉ là đám ù ù cạc cạc bảo sao tin vậy, chẳng ích lợi gì cho mọi đại cuộc của nước, của dân. Có nghĩa nếu lực lượng tuấn kiệt dân tộc càng lớn, lượng tính quyết định kết quả của phẩm tính, đó là dân tộc ưu việt và triển vọng. Nếu chỉ ngược lại, là dân tộc khù khờ, ẻo lả, yếu đuối.
Nhân đó cũng nói về chính sách dùng người và đào tạo người của ông Hồ và ông Diệm. Ông Hồ thực sự chỉ dùng những người quy thuận bản thân ông, tôn xưng và trung thành với chủ nghĩa và với cá nhân ông. Cả nền giáo dục mà ông Hồ nhắm tới cho dân tộc cũng luôn luôn chỉ như thế. Tính cách dùng người của ông Diệm và chính sách giáo dục của ông Diệm quả thật rộng rãi hơn, lành mạnh hơn, bởi ông Diệm không phải người theo CNCS, bởi ông Diệm được đào tạo theo Nho giáo, bởi ông Diệm là người quốc gia, dân tộc thuần túy. Bởi vậy không thể nói ông Diệm là người vô tài hay bất đức, mà hoàn toàn ngược lại. Thế nhưng đời người là thế, có khi lực bất tòng tâm, có khi thời cuộc chung và cái số riêng không thể cho phép mọi tính toán chủ quan hay lành mạnh cho dầu mình có thiện chí hoặc khôn ngoan bao nhiêu cũng thế. Đó tại sạo bài này nhằm viết về đời người nhưng tự nhiên cũng viết về các nhân vật, viết về xã hội, viết cả về lịch sử của đất nước chính là như thế.
ĐẠI NGÀN
(05/8/12)
Thưa chuyện vơí ông một chút cho vui thôi, chứ cỡ như tôi đâu có dám gọi là luân bàn !
Buồn cười thay, có những anh BB – điếc không sợ súng, liều mạng dèm pha !!!!
Tôi thì khác cũng tứng có lúc “móc meó ,khoeo chơi” xem ”caí thằng ni” phát tiết tới đâu rồi !!
Đọc COM cuả ông trước rồi mới đọc bài “Giới thiệu sách” cuả bác LỘC . Ối giời ơi , tôi muốn đứt hơi luôn !
- Bốn ngày rồi mà chỉ có mỗii một caí com cuả ông , là cớ sự làm sao ?????
“Thiên hạ có khi đang NGỦ cả..!.”
- Tâm tư cuả bác LỘC cũng triũ nặng buồn trong đa số CHÚNG TÔI .
- Baì phân tích cuả ông cũng chứng tỏ ông có caí nhìn sâu thăm thẳm ! Ai hiểu hết lòng ai !
- Tôi chỉ biết buông một tiếng thở dài (chứ không là viết daì !) VẬN NƯỚC SUY VI !
- Khi cái HỌA tứ trên trời rơi xuống , bác HUYNH VĂN LANG mới ở cái tuôi “Tri thiên mệnh”- thiên tài cũng mai một theo thời gian gần 40 năm sau ! Tôi thấm nhất một câu cuả bac HVL
“Cám ơn đời đãi ngộ tôi quá nhiều.”
_ VHT có bao giờ nghĩ như thế không ?
_ Có còn kịp không – làm caí gì để không phụ những ƯU ÁI cuả đời ! Tôi biết rất rõ, không phaỉ dễ gì ai cũng có được ?
KÍNH
ĐỜI VÀ TA
Đời ta cũng thuộc về đời
Nếu đời không có có gì đời ta
Ta và đời vậy cùng một lối
Cùng đi chung đâu có riêng ai
Nhờ đời ta mới lớn lên
Nhờ ta đời có ít nhiều tâm tư
Song thực tế bao giờ cũng vậy
Cờ tay ai nấy phất thế thôi
Thiết chi đoạt lấy của người
Cứ chờ tới lúc được Trời trao tay
Cờ vào tay thấy ngay ai giỏi
Người giỏi mười mình giỏi cả trăm
Nhưng mà nói thế ai tin
Đời mà vẫn vậy cứ yên để nhìn
Ngay cả chuyện cờ không thấy đến
Hề gì đâu đời vẫn cũng đời
Và ta thì vẫn cứ ta
Giống ngàn mây mãi thướt tha bầu trời !
ĐẠI NGÀN
(11/8/12)