Trung ương họp, kinh tế lao đao
Hai trăm chính trị gia quyền lực nhất trong chính trường Việt Nam nhóm họp hôm 1/10 trong hơn hai tuần giữa lúc kinh tế tại đất nước hơn 90 triệu dân chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc.
Các chuyên gia nói tăng trưởng đang chậm lại, lạm phát có nguy cơ tăng cao, xuất khẩu giảm trong khi tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp xuống thấp.
Một báo cáo mới ra của ngân hàng HSBC được trang tin VnExpress trích dẫn đã xác nhậnlượng hàng tồn kho của ngành sản xuất không có cải thiện trong khi số lao động được tuyển dụng trong lĩnh vực này lại giảm xuống.
Trong khi đó trang tin Dân Trí nói Moody’s hôm 28/9 đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của tám ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam trong đó có Ngân hàng Á Châu ACB, nơi cả Tổng Giám đốc và Chủ tịch Hội đồng Quản trị đã phải từ nhiệm và ngay lập tức bị khởi tố.
Có Đại biểu Quốc hội cũng đã tỏ ra lo ngại việc xử lý “thâu tóm ngân hàng” sẽ lại tạo điều kiện để nhóm lợi ích hưởng lợi.
Tuy nhiên chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn nói các vụ bắt giữ và khởi tố mới đây sẽ có tác dụng ngăn ngừa:
“Nếu có nhóm lợi ích nào khác thì họ cũng sẽ rút kinh nghiệm của việc đang xảy ra để sẽ không có những mục tiêu thâu tóm nữa.
“Tôi nghĩ sắp tới nếu ngân hàng được cấu trúc lại một cách tốt đẹp hơn thì có lẽ chúng ta có thể thấy dấu hiệu của nhóm lợi ích hay thâu tóm nó sẽ giảm đi và hy vọng nó sẽ không còn nữa.”
Chuyên gia kinh tế này cũng nói Việt Nam khó có thể lấy lại được mức tăng trưởng cao trung bình trên 7% trong nhiều năm như trước đây:
“Tôi nghĩ sự phát triển của kinh tế Việt Nam nó cũng không thể vượt ra ngoài sự phát triển của kinh tế thế giới.
“Trong khi nền kinh tế thế giới cũng đang lao đao vì tình hình suy thoái thì chúng ta cũng không thể kỳ vọng rằng trong một tương lai gần kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng trở lại như cũ.”
Mặc dù vậy ông Sơn vẫn tin rằng Việt Nam “là điểm đến tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư Nhật Bản” trong bối cảnh Tokyo và Bắc Kinh có tranh chấp biển đảo.
Vào đúng ngày khai mạc hội nghị trung ương ở Hà Nội, ông Sơn nói ông và người dân Việt Nam đều hy vọng vào một đất nước “ổn định và được lãnh đạo tốt”.
‘Quyết định nhầm lẫn’
Trong khi đó một cựu cố vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói ông không hy vọng sẽ biết gì hơn về hội nghị trương ương ngoài diễn văn bế mạc và khai mạc.
Những điều được bàn thảo tại diễn đàn của 200 chính trị gia quyền lực, ông nói, sẽ chỉ biết được “qua tin đồn”.
Vị cựu cố vấn nhận định “tình hình kinh tế sau một thời gian phát triển đã mất kiểm soát và có một số quyết định nhầm lẫn” trong khi ngành ngân hàng đã có sự “rối loạn” sau gần bảy, tám năm phát triển vừa qua.
Ông cũng nói Đảng Cộng sản có thể không “chấn chỉnh về mặt lý thuyết” chuyện coi quốc doanh là chủ đạo nhưng trên thực tế sẽ giảm vai trò của các doanh nghiệp nhà nước qua việc giảm số lượng, tăng cổ phẩn hóa và làm rõ hơn chủ sở hữu của nhà nước ở doanh nghiệp.
Cũng bình luận về các doanh nghiệp nhà nước, cựu Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến trả lời BBC qua email từ Hoa Kỳ:
“Các Tập đoàn Nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng bộc lộ rõ nét nhất, điều chưa từng xảy ra trước đây.
“Nếu tiếp tục định hướng doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ đạo thì chắc chắn sẽ không phải chỉ có một Vinashin, Vinaline mà hầu hết các tập đoàn nhà nước sớm muộn cũng sẽ đổ bể và hậu quả có thể còn tồi tệ hơn.
‘Quan ngại sâu sắc’
Bà Yến cũng nói tăng trưởng kinh tế của Việt nam thấp hơn so với các nước Asean khác và hệ thống ngân hàng đã góp phần gây ra tình trạng này:
“Hệ thống Ngân hàng, tín dụng bị bóp méo và mô hình của Nước Nga từ mấy chục năm trước được Thống đốc [Nguyễn Văn] Bình mang về áp đặt nguyên xi cho Việt Nam đã dẫn đến hậu quả nặng nề khiến hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản.
“Các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô bằng can thiệp hành chính như chính sách độc quyền vàng, hay sự tùy tiện xếp loại các ngân hàng thương mại cổ phần một cách không minh bạch, bị buộc thanh tra, giám sát đặc biệt, buộc sáp nhập tuỳ tiện theo sự chi phối của lợi ích nhóm đã không đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra là củng cố hệ thống ngân hàng theo hướng chuẩn hóa Quốc tế. Xem ra đất nước đang bị kéo lùi trở lại thời kỳ hành chính bao cấp, những quyền cơ bản của con người, quyền tự do dân chủ đang bị chi phối và bị bóp nghẹt và nhân dân đang bị nghèo hơn đi cả về đời sống vật chất và tinh thần.
“Đặc biệt việc bỏ ‘quên’ tái cấu trúc các ngân hàng thương mại Quốc doanh chiếm đến 60-70% thị phần cả nước với nợ xấu đúng chuẩn theo công bố của chính Thống đốc ngân hàng nhà nước là 10% thì đã gần như mất hết vốn, thật sự tiềm ẩn rủi ro lớn cho nền kinh tế khi bị đổ bể.”
Vị cựu dân biểu, trong một phỏng vấn mà BBC sẽ đăng tải toàn bộ trong những ngày tới đây, cũng bình luận thêm:
“Bạn bè trong ngoài nước bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đối với tình hình của Việt Nam hiện nay.
“Xem ra đất nước đang bị kéo lùi trở lại thời kỳ hành chính bao cấp, những quyền cơ bản của con người, quyền tự do dân chủ đang bị chi phối và bị bóp nghẹt và nhân dân đang bị nghèo hơn đi cả về đời sống vật chất và tinh thần.”
Nguồn BBC