Bài học cho Việt Nam và PT CĐVN
Viết tiếp bài “PT hiến chương 77 và PT hiến chương 08”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Từng người dân thì không là gì nhưng sức mạnh của nhân dân thì thật là phi thường. Việc dân chủ là việc của toàn dân, nếu người dân còn thờ ơ thì khó mà làm được.
Câu hỏi đặt ra là tại sao người dân thờ ơ? Họ thờ ơ vì họ sợ, họ sợ bị an ninh sách nhiễu, đánh phá sinh kế của gia đình, làm liên lụy, khốn khổ đến người thân. Họ thờ ơ vì họ hiểu rằng một mình họ hay một nhóm nhỏ không làm được gì, chỉ thiệt thân (bản thân bị tù tội, đày đọa nhưng xã hội vẫn dửng dưng). Họ thờ ơ vì họ không hiểu biết quyền của họ ở đâu, họ được phép làm gì và không được làm gì. Họ thờ ơ, sợ hãi vì xung quanh có quá ít người hiểu những điều họ nói, cổ vũ những điều họ làm; đồng cảm với họ, lên tiếng ủng hộ họ, trong khi chính quyền thì quá hùng hổ, an ninh đông đúc và đầy bạo lực.
Cải tạo xã hội là một việc to lớn và khó khăn đòi hỏi sự hợp sức của tất cả người dân. Chỉ khi nào mọi người dân ý thức được đây là công trình chung của họ, lợi ích chung của họ và quan trọng phải làm cho người dân không còn sợ hãi để có thể góp tay, góp tiếng nói vào thì mới có chuyển biến.
Qua phân tích bài học thành công và thất bại của “PT hiến chương 77 và PT hiến chương 08” chúng ta thấy rằng việc dân chủ hóa đất nước trước tiên phải đi xây móng. Có nhiều cách thức cũng như có nhiều góc nhìn để xây móng; người thì chủ trương phát triển kinh tế, người chủ trương tuyên truyền luật pháp, người chủ trương chấn dân khí,….cách thức nào cũng có giá trị của nó.
Từ bài học hiến chương 77, ta thấy rằng một chiếc móng vững chắc đó là lòng dân. Bằng cách cổ xúy các quyền con người mà tập trung vào quyền tự do ngôn luận, nhóm nhân sĩ Tiệp Khắc đã tạo ra cuộc tranh luận rộng khắp trên đất nước.
Bằng cách xiển dương quyền sống không sợ hãi, họ (nhóm nhân sĩ tuyên ngôn hiến chương 77) đã từng bước dẫn dắt đám đông dân chúng khiếp nhược (ai cũng treo biển vô sản toàn thế giới liên hợp lại, mà không dám bỏ đi) đi dần lên hết sợ để sống đúng như một con người với các quyền đầy đủ của nó. Đây chính là một nguồn nguyên liệu hùng hậu cho các phong trào khác. Rõ ràng khi người dân còn sợ thì bất cứ phong trào nào dù hữu ích và hay ho đến mấy cũng nhanh chóng đi vào lụi tàn vì không có tiếng nói ủng hộ. Đây là lý do giải thích vì sao, nhiều phong trào đấu tranh dân chủ ở nước ta chưa thành công dù người khởi xướng có thừa nhiệt huyết, sự dũng cảm. Cái họ thiếu là chưa nắm được cái thần của cuộc sống, của xã hội, chưa làm cho người dân hết sợ mà đã vội làm những chuyện lớn lao hơn.
Bằng cách chỉ ra những điều khoản, những công ước, điều luật bảo đảm các quyền công dân được hưởng và sự vi phạm trắng trợn của nhà cầm quyền, họ đã tấn công, làm xói mòn trầm trọng tính chính nghĩ của một chính quyền. Trong tình thế này, chính quyền càng ra tay trấn áp thì càng mất tính chính nghĩa và càng làm cho dân chúng ý thức hơn quyền con người. Thế trận này rất lợi hại, chính quyền càng bạo lực, càng trấn áp thì càng mất tính chính đáng. Họ càng tấn công thì họ càng suy yếu và lòng dân càng mạnh. Công lý, quyền con người thuộc về nhân dân!
PT CĐVN:
Dưới góc nhìn của tôi-một người ủng hộ PTCĐVN-, có vẻ như những người sáng lập, khởi xướng nó đã đi đúng hướng. Dù rằng quá trình ra đời còn nhiều vấp váp, gây ra nghi kị, nhưng PT ngày càng được công chúng hiểu và đón nhận. Bằng những cách thức đơn giản, ôn hòa và an toàn, bất cứ cá nhân nào, hội nhóm nào,… cũng có thể tham gia/đóng góp cho quyền con người. Một ví dụ như nhóm công dân tự do với hoạt động tổ chức buổi picnic-đây hoàn toàn là sáng kiến của họ hay cá nhân bà Bùi Hằng-bà đã có hành động là in và phát tuyên ngôn nhân quyền cho những người xung quanh bà, cả người làm nghề gội đầu-đây hoàn toàn là sáng kiến của bà.
Với tiêu chí của phong trào là mở, minh bạch và không có tổ chức, mục tiêu duy nhất của nó là “cổ xúy, đem lại sự hiểu biết về quyền con người cho tất cả mọi người dân Việt Nam”; cái đích tối hậu là “quyền con người được bảo vệ trên hết và bình đẳng ở Việt Nam”, PTCĐVN cũng không tạo ra một lý cớ gì để nhà cầm quyền bắt bớ, bỏ tù. Vì làm như vậy thì chính nghĩa của họ cũng tiêu ma.
Viết thêm cho “buổi dã ngoại trao đổi về Quyền Con Người”:
Dưới góc nhìn của tôi, đây là một sáng kiến tuyệt vời để đưa chủ đề quyền con người đến với người dân. Một hoạt động có nhiều ý nghĩa: nó không chỉ cổ xúy quyền con người mà nó còn làm cho người dân bớt sợ, chui dần ra khỏi vỏ ốc; nó còn là một hoạt động tập dợt cho sinh hoạt xã hội dân sự,…. Tuy nhiên chúng ta cũng cần hiểu biết một chút để hoạt động thành công, ngày càng lớn mạnh thay vì sớm lụi tàn như bao sáng kiến khác.
Alexis de Tocqueville đã viết “nói chung con người thường có những khái niệm đơn giản trong đầu óc. Một ý tưởng sai nhưng sáng sủa và chính xác bao giờ cũng tạo ra nhiều sức mạnh trong cuộc đời so với cái ý tưởng đúng nhưng rắc rối (nền dân trị Mỹ tr337)”. Do vậy những người khởi xướng, cầm trịch trong các buổi thảo luận về quyền con người cần tiếp cận vấn đề thật dễ hiểu, đơn giản. Hãy tìm hiểu tâm tư, sự hiểu biết người dân để tiếp cận vấn đề làm sao cho họ có hứng thú (đa số người dân vì sợ mà không dám nói cái họ nghĩ). Bàn về quyền con người thì vô cùng, các chuyên gia học thuật còn tranh cãi liên miên không ngớt. Chúng ta không nên đi quá sâu vào những cái khó ngay từ đầu, hãy tập trung những điều hết sức đơn giản: con người dù sang hèn, nghèo khổ, sáng láng hay dốt nát đều có quyền ăn nói; sống không sợ hãi vì điều mình nói,…rồi dần lên. Hãy tập trung nói những điều mà chính quyền không chối cãi được, những điều mà họ cũng thừa nhận (cuốn sách minh họa được xuất bản hợp pháp ở VN).
Chúng ta quan sát thấy: tại sao đám đông thích đọc báo bóng đá? Vì nó đơn giản và dễ hiểu. Tại sao người dân ghét chính trị? Bởi vì nó rắc rối, khó hiểu. Hãy nói về chính trị, về quyền con người thật đơn giản, thật dễ hiểu như bóng đá-đó là một cách tốt để lăn bánh xe dân chủ.
© Nguyễn Văn Thạnh
© Đàn Chim Việt