Ý hướng xây Đời Mới trong chương trình phát triển quận 6, 7, 8 Saigon (1965 – 1971)
Vào khỏang tháng 6 năm 1965, một số thanh niên chúng tôi đang ở lứa tuổi 25 – 30 cùng hội họp bàn thảo với nhau liên tục trong nhiều ngày và cuối cùng chúng tôi đã đúc kết cuộc thảo luận thành một tài liệu lấy tên là Dự Án về một chương trình họat động xã hội, tài liệu này dài chừng 30 trang có nhan đề là:
“Phong Trào Xây Đời Mới
Chương Trình Phát triển Quận 8 Saigon”
Bản Dự Án này liền được đệ trình lên văn phòng của vị Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung ương (tức là Thủ tướng Chính phủ) lúc đó do Tướng Nguyễn Cao Kỳ đảm trách.
Sau khi xem xét ít lâu, Tướng Kỳ đồng ý chấp thuận trên nguyên tắc mấy đề nghị của chúng tôi và chỉ thị cho Bô Thanh niên và Tòa Đô chính Saigon cùng đứng ra bảo trợ cho công việc thực hiện Chương Trình Phát Triển này.
Thế là vào khỏang trung tuần tháng 8 năm 1965 đó, anh em thiện nguyện chúng tôi bắt đầu cùng “xuất quân” xuống quận 8 là một địa phương tương đối nghèo túng và kém mở mang nhất tại Saigon thời ấy.
Sau một năm họat động, chương trình này đã mở rộng phạm vị họat động sang hai quận lân cận là quận 6 và quận 7. Và trong suốt 6 năm hăng say họat động (1965 – 1971), chương trình đã thực hiện được một số công trình xây dựng cụ thể đem lại sự thay đổi cải tiến rõ rệt trong nếp sống vật chất và tinh thần của người dân trong cả ba quận ở về phía Tây Nam thành phố Saigon.
Trong mấy năm gần đây, tôi đã có dịp tường thuật chi tiết về chương trình xây dựng này trong nhiều bài viết, nên trong bài này tôi khỏi cần nhắc lại những điều đã ghi ra trước đây nữa. Mà tôi chỉ xin nhắc lại cho rõ hơn về cái ý hướng tích cực góp phần vào công cuộc xây dựng Đời Sống Mới của lớp thanh niên thiện nguyện chúng tôi vào cái thời kỳ đất nước mình còn đang sôi động với cuộc chiến tranh tàn khốc cách nay đã gần 50 năm. Xin thật ngắn gọn trong vài mục như sau:
I – Không phải “Phong trào Xây Đời Mới” – mà là “Kế Hoạch Xây Đời Mới”
Mặc dầu như đã ghi ở trên, bản Dự Án đệ trình lên văn phòng Thủ tướng có viết rõ là “Phong trào Xây Đời Mới” như là một tổ chức thực hiện “Chương trình Phát triển Quận 8” – thì đến khi tra tay vào giai đọan hành động cụ thể tại địa phương, anh em chúng tôi lại không bao giờ nhắc đến danh xưng “Phong trào Xây Đời Mới” nữa.
Lý do là vì các anh em trong ban điều hành cho rằng danh xưng “Phong trào Xây Đời Mới” này dễ gây hiểu lầm nơi nhiều người coi như đây là một thứ tổ chức chính trị – chứ không phải là một chương trình thuần túy họat động xã hội nữa. Vì thế mà mọi họat động của nhóm anh em thiện nguyện chúng tôi – ngay kể từ lúc khởi đầu vào tháng 8 năm 1965 – thì đều được đặt trong khuôn khổ của một chương trình phát triển cộng đồng tại địa phương quận 8 mà thôi. Và chỉ sau một thời gian ngắn, qua những việc làm cụ thể có ích lợi rõ rệt cho đồng bào địa phương, thì chương trình đã bắt đầu tạo ra được sự tin tưởng của số đông người dân – để rồi từ đó mà tiến lên thêm bước nữa với những công tác có quy mô lớn lao rộng rãi hơn mãi.
Vì thế mà qua năm 1966, khi được phép mở rộng phạm vi họat động sang các quận 6 và 7, thì cơ cấu tổ chức cũng phải được nới rộng ra. Cụ thể là, ngòai Chương trình Phát triển Quận 8 rồi, thì lại có thêm hai đơn vị nữa, đó là : Chương trình Phát triển Quận 6 và Chương trình Phát triển Quận 7. Và ở trên cả ba Chương trình này là một cơ quan để phối hợp điều khiển – được anh em cho khai sinh dưới cái tên chính thức là: “Kế Hoạch Xây Đời Mới”.
Qua danh hiệu Kế hoạch Xây Đời Mới này, ta có thể thấy ngay được cái ý hướng Xây Đời Mới vẫn được duy trì như từ lúc ban đầu. Tức là mọi họat động nhằm cải thiện về gia cư, chỉnh trang các ngõ hẻm, đặt hệ thống thóat nước cho đến việc mở mang thêm trường học, tổ chức các lớp dậy nghề, chăm sóc về y tế vệ sinh công cộng v.v…- thì tất cả những công tác đó đều nhằm mục tiêu duy nhất là : Góp phần xây dựng cuộc sống mới tại địa phương sao cho mỗi ngày một thêm tốt đẹp, thoải mái tươi vui hơn mà thôi.
II – Vai trò làm “chất men, chất xúc tác” nhằm khơi động quần chúng tham gia vào công cuộc xây dựng ở địa phương.
Vì chủ trương theo đuổi công cuộc phát triển lâu bền tại hạ tầng cơ sở ở địa phương (at the grassroots), nên anh em chúng tôi phải kiên trì bám sát địa bàn họat động qua những cuộc tiếp súc tham khảo thường ngày với các vị thân hào nhân sĩ là những nhân vật có uy tín đối với đồng bào trong khu vực. Các vị này thường là giới giáo chức, giới tu sĩ của các tôn giáo, giới công tư chức đã về hưu và cả giới tiểu thương tiểu chủ của các cơ sở kinh doanh nhỏ v.v… Qua những cuộc tham khảo bàn luận với quý vị tôn trưởng như vậy, chúng tôi lần hồi mới đề ra được những công tác có ích lợi cụ thể thiết thực để mời gọi bà con trong cộng đồng cùng ra tay chung sức với nhau – người góp công, kẻ góp của – mà thực hiện cho có kết quả tốt đẹp, đem lại sự cải tiến cho môi trường sinh họat của địa phương sở tại.
Làm việc sát cánh với bà con trong các xóm hẻm trong thời gian lâu dài, chúng tôi nhận ra được là nơi đâu, lúc nào thì cũng đều có những người có tấm lòng tốt luôn quan tâm đến việc giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình – cũng như lưu tâm đến sự an vui của tập thể dân chúng ở địa phương nơi gia đình mình cùng sinh sống. Những người có thiện chí như thế chính là những nhân tố thiết yếu cho sự thay đổi của xã hội (essential agent for social change). Họ khôn ngoan tìm cách khuyến dụ lôi kéo thêm những bà con khác cùng tham gia vào công việc đem lại ích lợi chung cho cả tập thể cộng đồng. Và chỉ khi nào mà số đông bà con ở địa phương cảm nhận được cái nhu cầu cần phải cải thiện xã hội như thế nào đó (felt need), thì chính khối quần chúng nhân dân đông đảo đó họ mới hăng hái đem hết công sức ra mà thực hiện những công việc có ích lợi chung cho tòan thể cộng đồng.
Như vậy, vai trò chính yếu của mỗi thanh niên thiện nguyện chúng tôi là làm chất men, chất xúc tác (catalyst) được vùi trong môi trường quần chúng nhân dân – nhằm khơi động mọi người ý thức được cái nhu cầu cải tiến xã hội – và rồi tiếp theo là họ sẽ nhập cuộc tham gia vào công việc xây dựng cộng đồng cho thêm phần tốt đẹp hơn. Một anh bạn khi đến thăm và thấy công chuyện chúng tôi làm ở quận 8, thì anh đã phát biểu như thế này: “Các bạn đích thực là những người đang khơi động công trình phát triển cộng đồng ở địa phương này đấy” (nguyên văn tiếng Pháp : Animateurs de développement communautaire).
Nói khác đi, điều chúng tôi thực hiện lúc đó, thì chính là khai mở ra cái quá trình gây lên men, gây ý thức và vận động quần chúng dấn thân tham gia vào công cuộc phát triển tòan diện ngay tại địa phương sở tại (mass fermentation, mass conscientisation, mass mobilization).
III – Một số công trình xây dựng điển hình với giá trị lâu bền.
Trong những năm tháng họat động hăng say nhiệt thành sát cánh với bà con tại địa phương các quận 6,7 và 8 Saigon thời ấy, chương trình đã thực hiện được hàng mấy trăm những công trình xây dựng lớn nhỏ trong các lãnh vực chỉnh trang tái thiết gia cư, cải thiện hạ tầng cơ sở nơi các khu ổ chuột (slum areas), mở mang thêm trường học, tổ chức các lớp dậy nghề v.v… Anh chị em thiện nguyện viên phải chia nhau đến tham dự các phiên họp của ủy ban công tác nơi các xóm hẻm – hầu hết là hội họp vào ban đêm hay các ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật – vì chỉ lúc đó bà con mới có thời gian rảnh rỗi để tham gia sinh họat cộng đồng, sau khi đã làm xong công việc buôn bán hay ở sở làm.
Xin đơn cử một số công trình xây dựng điển hình mà hiện vẫn còn có giá trị thiết thực ở địa phương như sau.
1 – Trường Trung học Lương Văn Can khởi sự từ năm 1966 tại Quận 8.
Trường này được thành lập do sự vận động của số đông thân hào nhân sĩ trong quận 8 và được Bộ Giáo dục chấp thuận cho họat động với điều kiện địa phương phải lo xây dựng sao cho đày đủ cơ sở vật chất và trang bị bàn ghế cho các lớp học – trong khi Bộ cử giáo sư về lo việc giảng dậy. Như thế, đây là một thứ trường công lập để học sinh khỏi phải đóng học phí – nhờ vậy mà con em các gia đình nghèo túng ở địa phương mới có cơ hội học tiếp lên bậc trung học.
Vì thế mà ban đầu, trường có tên là “Trung học Cộng đồng Quận 8” – đây là lọai trường trung học đầu tiên ở miền Nam mà do người dân địa phương đứng ra xây dựng và thành lập, rồi được Bộ Giáo dục chấp thuận và cử thày giáo đến chăm lo phụ trách việc dậy dỗ. Sau này, trường đổi tên là “Trung học Lương Văn Can” và hiện vẫn còn họat động cho đến ngày nay. Và sau 47 năm họat động, thì tính ra đã có đến hàng vạn học sinh đã hòan tất chương trình học tập tại cơ sở này, và nhiều cựu học sinh Lương Văn Can nay đã trở thành ông nội, bà ngọai với tuổi đời trên dưới 60 nữa rồi.
2 – Cây cầu “Phát Triển” ngang qua rạch Ụ Cây, sau chợ Xóm Củi.
Rạch Ụ Cây là một con rạch nhỏ bề ngang chừng 40 mét, ngăn cách khu vực Xóm Đầm thuộc phường Hưng Phú với phường Xóm Củi là nơi thị tứ sầm uất nhất ở quận 8. Hằng ngày, có đến hàng ngàn người dân ở Xóm Đầm phải băng qua con rạch này để đến mua bán ở chợ Xóm Củi và học sinh thì qua học tại trường Tiểu học Xóm Củi. Mà họ phải trả tiền cho người chủ con đò nổi trên con rạch – chủ đò mỗi năm phải đấu thầu nơi Sở Tài chính của đô thành Saigon để được độc quyền khai thác dịch vụ chuyên chở ngang qua con rạch. Có gia đình vì nhu cầu mua bán ở chợ và con cái đi học, thì phải trả rất nhiều tiền cho việc đi qua con đò nổi này. Vì thế mà bà con bày tỏ sự mong ước có được một cây cầu bác ngang qua con rạch để vừa đi lại cho an tòan, thuận tiện, mà cũng vừa đỡ tốn tiền nữa.
Về phương diện kỹ thuật, việc xây cất một cây cầu nho nhỏ với bề rộng cỡ 2 mét và chiều dài chừng 50 – 60 mét, thì tương đối không phải là chuyện quá khó khăn. Nhưng cái khó là làm sao vận động để chánh quyền tại Tòa Đô chánh chấp thuận cho xây dựng cây cầu đó – và như vậy thì phải bãi bỏ chuyện đấu thầu – khiến cho ngân sách hàng năm của nhà nước mất đi một khỏan thu nhập đáng kể. Đó là chưa kể sự chống đối rất mạnh mẽ quyết liệt của người chủ con đò – vì họ không muốn mất đi một số lợi khá lớn cho cả gia đình, nói gì đến quyền lợi của giới có chức có quyền mà vẫn được người chủ con đò mua chuộc lấy lòng bằng đủ thứ lọai quà cáp này nọ.
Nhưng vì cần phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của số đông bà con lao động như vậy, nên chương trình chúng tôi đã phát động một chiến dịch vận động rất mạnh mẽ rộng lớn để giới chức chính quyền thể theo nguyện vọng của đồng bào mà chấp thuận việc xây dựng cây cầu này. Và kết cục chính quyền đã đồng ý và dự án xây dựng cây cầu được thực hiện trong một thời gian thật ngắn. Và đó là căn nguyên của công trình được mang tên là Cầu Phát Triển như nhiều bà con tại khu Xóm Đầm ngày nay vẫn còn nhớ đến vậy.
3 – Khu tái thiết 1,200 căn nhà tại phường Cầu Tre Bình Thới, quận 6.
Trong vụ tấn công xâm nhập vào thành phố của quân đội cộng sản hồi Tết Mậu Thân năm 1968, thì có đến mấy chục ngàn căn nhà tại 3 quận 6,7, 8 bị phá hủy. Vì thế mà chương trình phát triển chúng tôi phải ưu tiên dồn mọi cố gắng vào công cuộc tái thiết thật quy mô mà được dàn trải ra đến trên 20 khu chỉnh trang tái thiết – do các gia đình nạn nhân cùng hợp nhau thành lập thành các Ban Tái thiết cho từng khu vực để điều hành công việc xây dựng thật khó khăn mệt nhọc này.
Khu tái thiết lớn nhất nằm trong địa hạt phường Cầu Tre thuộc quận 6, giáp ranh với quận Tân Bình Gia Định, phía sau ngôi chùa cổ Giác Viên, thì có đến trên 1,200 đơn vị gia cư. Cái khó trong việc này là khu vực đó không bị tàn phá bình địa, mà vẫn còn lại nhiều căn nhà còn nguyên vẹn hay chị bị hư hại nhẹ – thế nhưng vì cần phải mở rộng đường xá cho ngay ngắn tại khu tái thiết rộng lớn này, thì cần phải hy sinh đập bỏ hết số căn nhà đó đi, để mà xây dựng lại thành những lô nhà theo họa đồ chỉnh trang hòan tòan mới. Việc này, nếu chính các chủ nhân không tự nguyện cho đập bỏ, thì chương trình chúng tôi cũng không có phương cách nào mà bó buộc cưỡng ép họ được. Do đó mà chúng tôi chỉ có thể gợi ý cho Ban Tái thiết trong khu ráng tìm cách thuyết phục các vị chủ nhân đó thỏa thuận cho phá bỏ căn nhà của mình đi – với điều kiện họ được quyền ưu tiên chọn căn nhà ở lô mặt tiền hay căn bìa.
Và kết cục, sau chừng vài năm khu tái thiết Cầu Tre Bình Thới này đã được hòan tất tốt đẹp như ta còn có thể thấy ngày nay vậy.
* * *
Bài viết đã dài rồi, tôi chỉ xin ghi tóm tắt thêm một vài chi tiết thật ngắn gọn như sau:
- Trong lòng khối quần chúng nhân dân, thì bất kỳ ở đâu, lúc nào cũng đều có sẵn một tiềm năng thật quý báu dồi dào phong phú – để có thể sử dụng vào công cuộc xây dựng và cải tiến xã hội về mọi mặt tại mỗi địa phương. Như vậy, vấn đề là người cán bộ xây dựng xã hội phải tìm ra đúng cái phương pháp để khơi động khai thác được cái kho tàng năng lựợng vô biên đó. Có làm được như vậy, thì mới mong phát huy được cái sức mạnh tổng hợp của quần chúng hầu thực hiện được những công trình có quy mô rộng lớn.
- Chương trình phát triển ở các quận 6,7,8 Saigon mới chỉ là một thí điểm trong thời gian ngắn ngủi có 6 năm đó (1965 – 1971) – mà lại giữa cái thời chiến tranh ác liệt – thì cũng chỉ mới gặt hái được một số thành quả tương đối còn khiêm tốn hạn chế mà thôi.
ñ Tuy nhiên, chương trình này cũng đã có thể coi như là một chứng minh cho cái phương thức vận động quần chúng phấn khởi hăng hái tham gia nhập cuộc vào những dự án phát triển cụ thể thiết thực ở mỗi địa phương. Điểm đáng ghi nhớ tại đây là ở chỗ chương trình đã tìm cách đáp ứng đúng với nguyện vọng sâu xa cuả quần chúng là được sống an vui trong một xã hội trong đó phẩm giá của mỗi con người đều được tôn trọng đúng mức.
- Cụ thể là cái ý hướng “Xây dựng Đời Sống Mới” đã được thể hiện thông qua nhiều công trình xây dựng cải tiến thiết thực – ngay tại nơi những xóm hẻm khuất nẻo nghèo túng, trong các khu nhà ổ chuột của tầng lớp người dân lao động cần cù lương hảo.
* * *
Và đây cũng là một minh họa cho vai trò của các đơn vị thuộc khu vực Xã hội Dân sự trong công cuộc xây dựng một cuộc sống tươi vui tốt đẹp cho chính khối quần chúng nơi những khu vực kém may mắn trong xã hội chúng ta vậy (the most underpriviledged areas)./
Costa Mesa California, trung tuần tháng Bảy năm 2013
© Đoàn Thanh Liêm
© Đàn Chim Việt
——————————————————————-
Phụ Lục
* * *
Vào giữa năm 1990, lúc tôi bị giam giữ tại trại B34 trong khu Tổng Nha Cảnh Sát cũ ở Saigon, thì nhân kỷ niệm năm thứ 25 ngày khởi sự của Chương trình Phát triển Quận 8 (1965 – 1990), tôi có làm mấy câu thơ để tặng các bạn cùng làm việc chung với nhau tại Chương trình này trong khuôn khổ của Kế Hoạch Xây Đời Mới (1965 – 1971).
Bài thơ gồm có 4 câu như sau đây. Xin được ghi lại để đính kèm bài viết có nhan đề “Ý hướng Xây Đời Mới trong Chương trình Phát triển Quận 6,7,8 Saigon (1965 – 1971)
Tặng các bạn Xây Đời Mới
Quận Tám năm xưa cùng Phát Triển
Ngày đêm lặn lội – vai sánh vai
Đời Mới ước mơ thời trai trẻ
Vẫn còn tươi nét – chẳng phôi phai.
Trại B34 Saigon
Tháng 8 năm 1990
Đoàn Thanh liêm
Xin chào bác ĐTL
Tôi là người đã ngồi cùng bàn, cạnh bác trong ngày “Chiều thơ nhạc VĐT ” tại Sanjose, nhưng tôi về sớm.
Lần đầu tiên gặp bác, thấy bác điềm đạm, hiền hoà và ít nói. Nay được hân hạnh đọc qua những bài viết của bác, thấy văn vẻ cũng nhẹ nhàng, điềm đạm như người (văn là người ?).
Bác bị cộng sản nhồt có lâu không mà sao có vài câu bác viết, tôi có cảm giác hình như “chữ nghĩa” dùng giống bên tê quá bác ạ, nhất là bác hay dùng chữ “ta” giống bác Bùi Tín nhà ta .
Ví dụ như : ” – Trong lòng khối quần chúng nhân dân, …”. Đọc nghe giống các chú bộ đội đang giáo huấn …
Tôi biết bác 100% không theo cộng sản. Đa số người vì sống dười chệ cộng sản quá lâu nên bị chữ nghĩa nó “đô hộ” khó quên thôi. Rất nhiều người vẫn còn dùng : Tối nay tôi sẽ ” điện” để “liên hệ ” với cô nhé.
Nghe xong, “cháu” xin trốn ngay vì chẳng có họ hàng, dây mơ rễ má gì mà đòi “liên hệ” !
Đùa tý cho vui . Mong bác ĐTL đừng giận nhé.
Thân kính,
NTH