Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar [20]
Tiếp theo phần trước
Ông anh trai thứ ba nặng nợ với tôi nhiều, anh lo cho tôi bao nhiêu thứ từ lúc tôi đi tù đến lúc tôi đi làm rồi đến lúc đã vợ con. Dường như anh nhìn thấy trong tôi có điều gì đó mà tôi chưa làm hết sức. Vợ tôi gặp anh than thở là tôi làm ăn bê bết, tùy hứng để nợ nần. Anh tôi nói – con người nó có những cái mà người khác không bằng được, khi nó đã có hứng thì nó sẽ làm được việc lớn. Chuyện này mãi sau vợ tôi kể lại, tôi mới biết anh tôi hy vọng gì đó vào tôi rất nhiều. Tôi thấy ân hận, nhưng chỉ ân hận rồi cũng chẳng biết làm gì cho gia đình tôi thấy hy vọng.
Tôi xin đi làm chân kế hoạch sản xuất cho một công ty quảng cáo lớn. Việc của tôi rất nhàn, chỉ nhận bản vẽ và ngồi lên kế hoạch thi công, cần bao nhiêu người, làm bao thời gian, vật liệu, dụng cụ cần gì. Vì cả quãng thời gian làm từ thợ đến chủ, tôi hiểu kỹ càng về công đoạn làm đến mức từ que hàn, đến con vít hay phát sinh cần đến đoạn dây thừng tôi cũng chu đáo được hết. Có lần tôi nhận được một bản vẽ để thi công, nhìn cái hàng cột đơn của tấm biển. Tôi sống chết báo cáo rằng nếu thi công theo bản vẽ này thì chỉ cơn bão hơi to là biển sẽ đổ. Nhưng giám đốc không nghe, họ nói bên thiết kế đã tính cả áp lực lên tấm biển khi có gió giật cấp 12, 13 rồi.
Tôi đưa lên bản kế hoạch thi công, kèm theo ghi chú dặn công nhân phải hàn cẩn thận các mối hàn, mối liên kết, và chôn cột thật vững. Vì tấm biển này sẽ đổ, và chúng ta không thể để người ta đổ lỗi là do thợ thi công ấu.
Hai tháng sau, vào tháng tám, trời bắt đầu vào mùa mưa bão. Tôi nhận điện thoại giám đốc đến xem cái biển đã đổ nghiêng, giải quyết ngay không để tai nạn hay hỏng hóc gì thêm. Ngớt mưa tôi đến, nhìn cái chân biển đổ gập làm đôi, đúng cái đoạn thân ống thép. Mặt biển bị gió vặn vẹp vọ các khung sắt, nhưng các mối hàn còn nguyên. Tôi chụp ảnh lại, rồi cho người cắt dỡ tấm biển đi.
Công ty đổ lỗi cho thợ thi công. Tôi giở những tấm ảnh trình bày, mối hàn còn nguyên, mối liên kết còn nguyên, chân cột chôn cũng còn nguyên. Chỉ những thanh giằng, cột là bị vẹo vọ, gẫy đổ. Đó là do lỗi thiết kết chứ không phải do thợ.
Đôi khi người thợ có kinh nghiệm còn hơn một kỹ sư ra trường. Tôi cũng không hiểu những kỹ sư học ra trường họ học điều gì mà chỉ một tấm bảng quảng cáo vài chục mét vuông cũng không làm được, nhất là khi đã có cảnh báo trước của những người thợ thi công. Có những tấm biển lớn thì họ quá lo lắng mà vẽ đại ra bao nhiêu thứ, vừa phí phạm vật liệu, công sức lại làm cho giá thành cao. Có lúc họ lại sơ sài, bỏ qua vô số thứ đến nỗi thành hỏng hóc, phải sửa chữa khắc phục tốn hơn bao nhiêu.
Lạ nhất khi đụng chuyện đổ vỡ, họ thường đổ vấy cho những người thợ thấp cổ bé họng. Họ ngồi trong phòng lạnh, hàng ngày ăn cơm cùng giám đốc. Họ như thành một giai cấp khác hẳn với đám thợ dưới xưởng đang cởi trần hàn, gò, khoan nhễ nhại mồ hôi. Những tấm ảnh tôi cẩn thận chụp tấm biển và lời ghi chú dưới bản kế hoạch sản xuất được đặt trên bàn là bằng chứng rõ nhất lỗi thuộc về họ chứ không phải những người thợ thi công.
Công nhân quý tôi, nhưng những người phía trên thì họ không ưa tôi. Họ nói tôi làm thế mất mặt họ, thà cứ đổ lỗi cho công nhân thì ban giám đốc cũng chẳng trừ lương, trừ thưởng công nhân làm gì. Công nhân bị đỗi lỗi nhưng không bị phạt gì thì có sao đâu, đi tranh cãi rồi đổ lỗi cho trên văn phòng như vậy. Lần sau công nhân coi thường cấp trên.
Tôi đến văn phòng ngồi riêng một phòng, lúc làm kế hoạch hay tìm hiểu chất lượng, quy cách vật liệu, giá thành….tôi vào mạng để tìm kiếm. Thảng rảnh đọc những tin tức về xã hội, về việc quân Trung Quốc xâm lược biển đảo, bắn giết ngư dân Việt Nam.
Tháng 12 năm 2007, trên mạng intenet xuất hiện lời kêu gọi biểu tình phản đối hành vi độc ác của hải quân Trung Quốc bắn giết ngư dân Việt Nam trên biển. Ông giám đốc rủ tôi cùng đi biểu tình.
Biểu tình xong về, tôi viết bài trên blog của mình về diễn biến cuộc biểu tình, rất nhiều người xem. Từ đó tôi năng viết nhiều hơn, nhưng bài viết đầu tiên của tôi trên blog là bài viết về ngày con trai tôi chào đời mới là bài về xã hội đầu tiên.
Ông giám đốc đầu tiên quan hệ với tôi chỉ là quan hệ chủ thợ, chẳng bao giờ ông ấy nói gì với tôi ngoài công việc. Gặp nhau trao đổi nhát gừng, một lần tôi rảnh viết bài tự sự một đoạn đời tôi thì có việc phải đi. Ông ấy vào chỗ tôi tìm gì đó thấy bài viết và đọc. Xong ông ấy gọi điện hỏi thăm tôi rất nhẹ nhàng làm tôi ngạc nhiên. Khi tôi về ông gọi lên phòng , pha nước, mở thuốc ân cần hỏi thăm công việc, gia đình. Rồi ông nói ông đọc bài tôi viết, và ông bất ngờ khi tôi có thể viết được những dòng như vậy. Ông nói thật khó biết được người, ngày ngày ông nhìn tôi ăn mặc xuề xòa, nói năng cục mịch, ông chỉ nghĩ là thợ thuyền đao to, búa lớn chứ không ngờ có khả năng văn chương như vậy. Từ đó ông coi tôi như bạn bè.
Tôi bắt đầu viết nhiều hơn về các vấn đề chính trị, xã hội, đặc biệt là chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Năm 2008 tôi cùng số người bạn in mẩu đề can Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam , mẩu đề can nhỏ hơn bao thuốc lá, đủ để dán nên mũ bảo hiểm cho người đi xe gắn máy. Tôi đưa cho nhà văn Trang Hạ để chị phát cho sinh viên đến dự buổi ra mắt sách của chị. Còn tôi đi vào TP HCM để phát cho bạn bè trong đó. Trang Hạ đang phát đề can thì bị công an quận Hoàn Kiếm bắt mang về trụ sở, tra khảo số đề can đó ở đâu ra.
Công an sục đến nhà tôi tìm bắt, nhưng lúc đó tôi đang ở Sài Gòn. Họ không thấy tôi dọa nạt gia đình tôi rồi bỏ đi. Tuần sau tôi về nhà, bị triệu tập lên phường . Cán bộ khu vực đưa tôi gặp hai người an ninh văn hóa, họ hỏi tôi về việc in đề can. Tôi nhận tôi tự in. Họ nói máy in đâu. Tôi nói bán rồi. Họ hỏi bán ở đâu. Tôi nói bán chợ giời chả nhớ ai mua nữa.
Công an tìm đến công ty tôi đang làm xét hỏi, giám đốc không biết chuyện tôi in đề can. Thật ra tôi và ông ấy cùng in chứ ai vào nữa. Nhưng ông ấy biết tôi sẽ nhận một mình, nên ông ấy chối đến cùng. Công an hỏi nhiều chuyện về công ty. Tôi thấy khó cho mọi người khác trong công ty, nên tự động không đến công ty làm việc nữa.
Thất nghiệp nằm nhà, chẳng có việc gì, ngồi lại viết liên miên. Để tránh bị xét hỏi, tôi nghĩ ra những câu chuyện đời xưa , tôi đặt tên cho loạt truyện ngắn ấy là Đại Vệ Chí Dị, có nghĩa là những câu chuyện quái dị, quái đản xẩy ra ở nước Vệ triều đại nhà Sản.
Thấy tôi khó khăn, túng bấn. Anh trai tôi cho tôi mượn nhà làm hiệu intenet. Thằng bạn tôi lại xuất hiện, lạnh lùng đưa mớ tiền. Tôi cầm ngẹn ngào bảo tao sẽ sớm trả, nó cười nhạt nói thôi cứ làm ăn đi, trả cái gì mà trả. Rồi nó đi biệt , mấy lần gọi nó đều kêu bận. Hiệu intenet do tôi trông khá đông khách so với xung quanh. Hầu như kín máy cả ngày, công việc tất bận. Sáng sớm tôi dậy lau máy móc, bàn ghế. Quét dọn, đun nước uống, mở cửa hàng lúc 7 giờ. Đến 12 giờ đêm đóng cửa ngủ. Lúc trông cửa hàng intenet tôi vẫn tranh thủ lúc rảnh viết blog đều đều. Thu nhập của tôi từ cửa hàng intenet khá và ổn định. Tôi đã tính mua gà chọi, mua sách sống cuộc đời phong lưu nhàn nhã.
Một hôm bất ngờ anh tôi gọi tôi lên gác, mặt xanh mét, anh lắp bắp bảo tôi phải đi ngay tức khắc. Vì anh được công an cho biết tôi là cửa hàng intenet của tôi là hang ổ của phản động, rằng họ biết tôi trá hình dưới cửa hiệu intent này để chống phá nhà nước, tôi có câu kết với các lực lượng phản động khắp nước. Tôi định thanh minh rằng tôi không làm gì cả, chuyện câu kết chẳng qua là những comment trên blog của tôi mà thôi. Nhưng anh tôi cả đời mới nghe đến chuyện phản động ,sợ lắm, nhất là lại đúng em trai mình. Anh tôi bảo tôi đi ngay, vì công an nói là tách tôi ra khỏi cửa hàng này thì họ mới không xử anh tôi vì tội chứa chấp phản động. và như vậy tôi mới không dấn sâu vào việc chống nhà nước. Tôi hỏi anh tôi là tôi không viết blog nữa có được không. Anh tôi điện đi hỏi ai đó, rồi nói rằng nhất định tôi không được có mặt ở cửa hàng này.
Tôi đi trong đêm về nhà mình, mang theo đồ dùng và một đống sách. Vợ tôi chỉ thở dài khi biết chuyện.
Tôi đành không đến cửa hàng nữa, thuê người trông hàng, họ trông cũng chẳng nhiệt tình, khách khứa vắng dần. Ế ẩm rồi đóng cửa, bán tất cả máy móc đi chỉ thu được chưa đầy 1 phần 3 vốn.
Tôi trắng tay, khó khăn lại đến, cuộc sống cả nhà chờ vào đồng lương của vợ. Nhưng tôi cũng không để kéo dài quá vài tháng, tôi tìm bạn bè làm ở các tạp chí, tờ báo và viết báo dưới một cái tên giả. Bạn tôi lĩnh tiền hộ cho tôi, tháng cũng thêm thắt được đôi phần đỡ đần cuộc sống gia đình. Bạn tôi mỗi lần nhận bài tôi gửi, tùy hứng bạn tôi đặt bút danh nào đó. Nên tôi cũng chẳng nhớ là viết những bài nào. Song song việc viết báo tôi vẫn viết blog, ngày có nhiều người đọc blog của tôi. Vài người họ hiểu hoàn cảnh tôi thất nghiệp, thỉnh thoảng họ dúi cho ít tiền, họ là cán bộ nhà nước có, doanh nhân có, người làm công ăn lương có…đặc biệt có cả một người khuyết tật tứ chi, không tự đi lại được , đó là hiệp sĩ Công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng. Tôi thường qua chỗ Hùng giúp thiện nguyện những việc tôi làm được. Hùng bảo anh khó khăn cầm lấy ít tiền cho cháu, em không dám nói là trả công. Tôi bảo mày khuyết tật, anh làm giúp lấy tiền làm gì. Hùng bảo em không có con, em khuyết tật tiêu gì đến tiền, anh cầm lấy đi, em coi con anh như con em. Tôi cầm tiền mà nước mắt ứa ra, Hùng cũng khóc. Nó bảo cuộc đời này những người như anh và em chỉ có Thiên Chúa mới chứng được thôi, người đời không nhiều người hiểu được việc mình làm đâu anh.
Lúc này tôi bỗng nghiệm ra thấy cuộc sống thật mầu nhiệm. Tôi viết blog chẳng mong để kiếm sống, chỉ viết vì thấy bức xúc. Viết vì chẳng có việc gì làm, mà nói thẳng có đi làm ở đâu thì chắc công an cũng tìm đến gây khó dễ. Nhưng cứ rất ngẫu nhiên, hầu như trời xui đất khiến thế nào, mọi người cứ thay nhau dúi cho tôi ít tiền bảo cho con tôi. Cứ tháng này đến tháng khác, mà tháng này người này cho, tháng sau người khác cho. Tiền chẳng đến một lúc bao giờ, nhưng cứ thường là đều đặn tính ra bằng mức lương tối thiểu của người lao động. Khoảng hơn 2 triệu một tháng, tức tầm 100usd. Kỳ lạ nhất là những người đó hoàn toàn không biết nhau, không có sự sắp xếp nào giữa họ, dường như ông trời đã sắp đặt cho họ lần lượt giúp đỡ tôi. Tôi cũng không có nhu cầu gì, nên số tiền đó đã giúp tôi viết blog trong thời gian rất dài mà không phải ra khỏi nhà. Ở nhà viết blog đều đặn, đi đón con, nấu cơm, làm việc nhà.
Lượng độc giả đọc blog tôi nhiều hơn. Có người tận đâu đâu nước ngoài gửi về cho con tôi túi kẹo, cái áo, thứ đồ chơi và cả thuốc chữa bệnh cho tôi. Những người tôi chưa bao giờ biết và gặp , thậm chí nói chuyện trên mạng cũng không. Họ gửi chẳng cần tôi phải biết họ là ai, và họ cũng chẳng bao giờ yêu cầu tôi làm gì. Chỉ kèm những lời chúc bình an, sức khỏe hay khen đôi chút về những gì tôi đã viết. Thậm chí nhiều người còn cảm ơn tôi đã viết cho họ đọc. Lần đâu tiên tôi nhận được món tiền lớn nhất là 200usd thật khôi hài, của người nào đó gửi, họ ghi tên người nhận là Bố Tí Hớn. Lúc người giao tiền họ hỏi tôi không biết ai gửi, và tên trong chứng minh thư không thể là Bố Tí Hớn, tôi chỉ có thằng con tên là Tí Hớn thôi. Người giao tiền cũng tin và đưa cho tôi.
Có vài người còn muốn tìm việc cho tôi làm, để tôi có thu nhập mà vẫn có điều kiện viết. Thậm chí có người đề cập cấp vốn cho tôi mở cửa hàng làm ăn gì đó. Nhưng tôi nghĩ đi nghĩ lại nếu tôi đi làm hay mở cửa hàng thì với bản chất tập trung công việc tôi sẽ không viết được gì nữa. Cái thứ hai là công an lại đến làm khó dễ, và tôi lại dở dang với những việc đang làm.
(Còn nữa)
© Người Buôn Gió
© Đàn Chim Việt