WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Nga có thể giúp Mỹ không?

 

Trong trường ngoại giao người ta tranh nhau từng điểm một; anh này thắng một bàn tức là anh kia thua một bàn. Ở Genève, Thụy Sĩ, Nga mới làm một bàn. Ngoại Trưởng Nga Sergey Lavrov tới Genève trễ mấy tiếng đồng hồ sau khi Ngoại Trưởng Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bắt tay với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong cuộc họp báo tại Geneva trước khi hai ông thảo luận về cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Syria, ngày 12/9/2013.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bắt tay với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong cuộc họp báo tại Geneva trước khi hai ông thảo luận về cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Syria, ngày 12/9/2013.

đã tới. Nhật báo Le Figaro ở Pháp bàn ngay: Ông Lavrov muốn chứng tỏ lúc này Mỹ cần Nga chứ không phải Nga cần Mỹ.

Ít nhất, trong vụ Syria ông Barack Obama đang cần ông Vladimir Putin. Vì Putin là người có thể bảo một tiếng Bashar Assad sẽ nghe. Khi Ngoại Trưởng Kerry nêu lên giải pháp Syria phải để cho Liên Hiệp Quốc kiểm soát kho vũ khí hóa học nếu muốn Mỹ không tấn công, chính ông Lavrov loan tin Tổng Thống Syria Assad sẽ chấp nhận điều kiện đó. Khi Assad đề nghị sau 30 ngày mới thực hiện, Kerry không chịu, lại đến ông Lavrov lo việc dàn xếp. Cả thế giới đang chờ coi hay ông Kerry, Lavrov và ông Lakhdar Brahimi, đại diện khối Á Rập, sẽ đi tới một thỏa hiệp hay không. Tuy ông Kerry là người đưa ra điều kiện buộc Assad theo, nhưng ông Lavrov mới là người đưa tới một giải pháp quyết định.

Trong khi đó, tại thủ đô Kirghizistan, ông Putin lại mới gặp ông Rassan Rohani, tổng thống mới của Iran, trong một hội nghị “Khối Thượng Hải.” Cuộc họp này quy tụ cả Trung Quốc và các nước Trung Á; và báo chí Nga loan tin Putin sẽ chấp thuận chuyển giao năm giàn hỏa tiễn S-300 mới cho Iran; loại hỏa tiễn mà Nga cũng bán cho ông Assad. Ông Putin còn mượn ngay diễn đàn của nhật báo New York Times để đăng một bài cho dân chúng Mỹ đọc, trình bày quan điểm “trước sau như một” của nhà lãnh tụ Nga; tức là: Không nước nào nên can thiệp vào chuyện Syria. Cũng là để dân Mỹ so sánh với lập trường của ông Obama, mà nhiều người chỉ trích là một con đường “dích dắc” (Zig Zag, giống như chữ Z).

Lúc đầu, ông Obama tuyên bố ông đã vạch một đường giới hạn, nếu Assad bước qua là bom và hỏa tiễn Mỹ sẽ xuất hiện.

Lằn ranh đó là: Assad có dùng vũ khí hóa học giết dân Syria hay không. Ðến lúc có tin Assad đã giết hàng ngàn dân bằng hơi ngạt thật, ông Obama lại chần chừ, quay ra hỏi ý kiến Quốc Hội. Ðược mấy ngày, ông lại đổi ý lần nữa, và để ngoại trưởng của mình ngỏ ý thăm dò bằng điều kiện Liên Hiệp Quốc kiểm soát. Nga lập tức bắt lấy ý kiến đó, chỉ cần một cú điện thoại là Assad bằng lòng ngay. Sergey Lavrov đã ném xuống nước một cái phao cho ông Obama bám lấy. Ðể ông khỏi phải quyết định dùng quân sự ở Syria!

Nhưng tại sao ông Barack Obama lại cần cái phao đó?

Bởi vì can thiệp quân sự vào Syria là một canh bạc một là thua, hai là huề, không có gì hấp dẫn. Trước hết, về mặt quân sự, can thiệp như thế nào? Mỹ không thể đánh bom để tiêu hủy các kho vũ khí hóa học của Assad; hơi độc sẽ giết thêm rất nhiều người. Vậy thì đánh vào các phi trường, hải cảng, hay tấn công các đoàn quân của Assad đang vây đánh quân nổi dậy? Nhưng dù đánh thế nào chăng nữa, mục tiêu của chiến dịch quân sự đó là gì? Lật đổ chế độ Assad? Hay chỉ làm yếu chế độ đó, khiến nó không giết dân Syria dễ dàng như hiện nay? Không biết bộ tham mưu Mỹ ở Ngũ Giác Ðài nghĩ sao về chiến thuật oanh kích; nhưng quyết định chính vẫn phải do ông tổng thống trách nhiệm. Ông Obama có muốn tiêu diệt chế độ Assad hay không?

Không chắc. Và có thể không nên nữa. Vì sau khi Assad chết hay bị lật đổ thì sao? Người ta biết hiện nay quân khủng bố al-Qaeda đã xâm nhập vào hàng ngũ quân nổi dậy rất nhiều. Tình báo của Mỹ và các nước khác đã thấy các lãnh tụ và cán bộ al-Qaeda chỉ huy nhiều nhóm vũ trang, và họ không chịu phối hợp với các nhóm nổi dậy không cực đoan như họ. Họ đã biến cuộc nổi loạn đòi dân chủ tự do của người dân Syria thành một cuộc chiến giữa những người Hồi Giáo Sun Ni và những người theo phái Shi A. Chính quyền Assad từ đời cha đến đời con dựa trên lực lượng những người đồng đạo A La Oai, một môn phái trong khuynh hướng Shi A, cho nên họ được các giáo sĩ Shi A tại nước Iran ủng hộ. Nhưng đa số người dân Syria lại theo phái Sun Ni. Trong tuần qua, một nhóm quân nổi dậy thuộc phái Sun Ni đã tấn công các làng dân theo đạo A La Oai ở gần thành phố Homs, giết chết hàng chục người.

Có chính phủ Mỹ nào muốn lật đổ chính quyền một nước Á Rập để giúp mấy cán bộ theo al- Qaeda lên nắm quyền hay không? Chắc chắn là không! Ðiều này dễ hiểu, cũng giống như năm 1945, chính phủ Mỹ không thể nào chịu giúp cho Hồ Chí Minh; mà hồ sơ tình báo của Mỹ, Trung Hoa Quốc Dân Ðảng, của Anh và của Pháp đều biết rõ tung tích ông Hồ là một cán bộ trung kiên của Cộng sản Ðệ tam Quốc tế. Ông Truman không thể nào nuôi dưỡng một cán bộ của Stalin trong khi ông trùm đỏ này đang chuẩn bị kế hoạch cộng sản hóa cả thế giới, tiêu diệt kinh tế tư bản cũng như các chế độ dân chủ.

Nếu không muốn các cán bộ al-Qaeda lên nắm quyền ở Syria, thì chính phủ Mỹ cũng không thấy phải tiêu diệt chế độ của Assad. Còn như chỉ đánh để “trừng phạt” Assad, như ngôn ngữ thường dùng, thì không đủ. Trừng phạt không phải là một chiến lược quân sự. Trong suốt cuộc chiến tranh ở Việt Nam từ 1959 đến 1975, các chính quyền Mỹ không bao giờ đặt mục tiêu chiến tranh là lật đổ chính quyền cộng sản ở miền Bắc. Không những thế, ngay từ đầu họ còn hứa chắc với Trung Cộng rằng quân Mỹ sẽ không bao giờ đổ bộ vào Bắc Việt. Mục đích của mọi chiến dịch quân sự phải là chính trị. Chính quyền Obama, và có lẽ cả chính quyền các nước khác, hiện nay không có một mục tiêu chính trị ở Syria, nếu phe dân quân nổi dậy vẫn bị nhóm al Qaeda xâm nhập và thao túng. Chỉ có chính quyền Nga là vẫn giữ một mục tiêu chính trị, trước sau như một: Bảo vệ chính quyền Assad, thân thiện với Iran, dưới quyền các giáo sĩ Shi A đồng đạo với Assad.

Ngoài mục tiêu bán vũ khí, nước Nga còn có lợi về địa lý chính trị. Syria là nước Á Rập duy nhất còn thân thiện với Nga; và khi nào Iran còn chống Mỹ thì còn tạo lợi thế cho Nga.

Trong khi đó thì đối với các nước Tây phương, việc can thiệp vào Syria là một cuộc phiêu lưu, chỉ có thể được biện minh bằng các lý tưởng như tự do dân chủ, lòng nhân đạo muốn giúp những người dân Syria đang bị chế độ độc tài áp bức.

Nhưng các lý tưởng cao xa đó rất khó thực hiện, nhất là rất khó thực hiện qua việc can thiệp từ bên ngoài. Kinh nghiệm ở các nước Iraq, Ai Cập, Libya cho thấy việc lật đổ một chế độ độc tài có thể dễ dàng, cái khó là xây dựng dân chủ. Tất cả các nước vừa kể đều đang sống trong một chế độ dân chủ bấp bênh. Tại Ai Cập, một chính phủ được dân chúng bỏ phiếu bầu lên ngay sau đó đã nghiêng sang các chính sách độc tài và bị đa số dân chúng phản đối; ông tổng thống bị quân đội lật đổ và không biết đến bao giờ mới tái lập chế độ dân chủ. Chính phủ các nước Afghanistan, Iraq, Libya đang không thể kiểm soát được guồng máy quốc gia vì quyền lợi xung khắc giữa các nhóm chính trị và tôn giáo quá nặng nề; một tình trạng đã bắt rễ từ hàng ngàn năm trước.

Trước tình hình phức tạp đó, nước Mỹ có sẵn sàng bước vào một cuộc phiêu lưu mới tại Syria hay không? Chúng ta thông cảm với dân Mỹ, khi họ ngần ngại không muốn dính vào. Trên đường gần thì có mối lo lật đổ chế độ Assad chỉ làm cỗ cho mấy ông khủng bố al-Qaeda ăn. Trên đường xa thì việc một nước này giúp một dân tộc khác thiết lập chế độ tự do dân chủ rất khó. Khi nào người dân trong một nước đồng ý với nhau cùng tôn thủ pháp luật, cùng biết tôn trọng ý kiến của người khác với mình, và đa số biết tôn trọng những quyền căn bản của thiểu số, thì lúc đó họ mới sẵn sàng để xây dựng dân chủ cho chính họ.

Biết là khó như vậy, nhưng ông Obama không thể rửa tay tuyên bố: Mỹ không muốn dính đến vụ Syria. Một quốc gia muốn đóng vai siêu cường, làm trọng tài cho cả thế giới, thì không thể tuyên bố từ bỏ trách nhiệm “cảnh sát” của mình.

Nhưng can thiệp vào Syria ngay bây giờ thì cũng là một cuộc phiêu lưu không chắc chắn. Vì vậy, nếu ông Sergey Lavrov giúp cho ông John Kerry thực hiện được một giải pháp đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới tay Liên Hiệp Quốc, trong những điều kiện ông Kerry đặt ra để không lo bị Assad và Putin đánh lừa, thì chính quyền Nga sẽ giúp ông tổng thống Mỹ thoát được một thế lưỡng nan đang khó gỡ. Nếu ông Kerry đến Genève mà phải đợi ông ngoại trưởng Nga mấy mấy giờ, thì cũng bõ công chờ đợi.

Nguồn: Người Việt

1 Phản hồi cho “Nga có thể giúp Mỹ không?”

  1. Nguyễn Văn says:

    Khi tổng thống Obama không hạ lệnh đánh Syria mà bán cái qua quốc hội thì coi như ông đã “sợ”; và khi ông đồng ý không đánh nếu Syria chịu bàn giao vũ khí hóa học là coi như ông đã thua về chính trị. Bàn giao ra sao, bao lâu, hay như thế nào còn là vấn đề thời gian, nhưng trước mắt Mỹ không đánh là coi như Syria đã thắng.

Phản hồi